Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[281 - 290]

13/02/201217:42(Xem: 8621)
[281 - 290]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

281. CHIẾC Y NIỆM PHẬT

Tướng quân Yoriie không ưa những tín đồ phái Niệm Phật. Vào tháng 5 năm 1213, ông ra một đạo luật cấm niệm Phật và ra lệnh Yashiro Hiki khám xét những người hành cước, nếu tìm thấy tu sĩ nào của phái Niệm Phật, hãy lột lấy áo tu đem đốt. Thực hiện mệnh lệnh này, Yashiro khám xét khách du hành ở một bên cầu Mandokoro, nếu thấy tu sĩ Niệm Phật, liền lột lấy áo tu đem đốt, nếu khám phá thấy tu sĩ vi phạm đạo luật cấm Niệm Phật thì bắt bỏ tù.

Vào lúc ấy, ở Ise có một tín đồ Niệm Phật tên là Sho-nenbo đến Khiêm Thương để thực hiện niệm Phật. Yashiro bắt Shonenbo và đem áo tu đi đốt. Shonenbo nói: “Y này là cờ phướn của Tam Bảo, là thánh hiệu của Tăng già, là bóng y của chư Phật. Nó là chiếc y vinh dự của Bốn Vua Hộ Pháp và Tám Vị Thiên Long. Và đặc biệt nó là chiếc y xưng niệm, nếu là biểu hiện của đại tín ngưỡng, dù có ném vào lửa cũng chẳng cháy.” Yashiro liền bảo lính ném chiếc áo tu vào ngọn lửa. Shonenbo lớn tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, ngọn lửa liền tắt, không sém đến cả cái chéo áo tu -- người ta kể vậy.

Tu sĩ Sonei đem chuyện này đến sư Nam Thiền. Sư bảo: “Hãy bỏ câu chuyện thần tiên nhỏ do tín đồ phái Tịnh Độ ở Khiêm Thương truyền tụng đó sang một bên. Ngay bây giờ trước mặt ông, khi chiếc áo thân bị ném vào lửa, làm sao Shonenbo tự cứu mình được?”

Sonei không lời để nói.

(Thiền và Đạo Thuật)

282. THUYẾT PHÁP

Ông tăng thủ tọa của chùa Bảo Phước là một người điếc không thể nghe thuyết pháp được. Ông yêu cầu được làm thủ quản tàng kinh các và ông đã chăm chú làm việc hơn mười năm. Ông thấy rằng các câu chuyện về cuộc đời đức Phật trong nhiều kinh không phù hợp với nhau va ông hỏi sư trụ trì Hakudo, vị sư thứ năm của chùa, cái nào đúng. Sư nói: “Những gì trong kinh là ngón tay chỉ mặt trăng hay là cái lưới bắt cá. Một Thiền nhân muốn biết cái gì đúng và cái gì sai với những câu kinh và suy luận về giáo lý khác nhau là y đang làm vẩn đục tâm mình, phải không? Thủ tọa tu, chính là Phật tu; thủ tọa xuất gia, chính là Phật xuất gia. Khi thủ tọa đắc đạo, chính là Phật đắc đạo. Khi thủ tọa vào Niết bàn, chính là Phật vào Niết bàn. Thủ tọa đã xuất gia và tiến xa trên đường đạo, nhưng chưa vào Niết bàn; hôm nay ông ta đang ở trong giai đoạn bốn mươi chín năm thuyết pháp. Bây giờ, vì người, trời và vạn chúng sinh, hãy để ông ta thuyết pháp xem. Tất cả chú ý!”

(Thiền và Đạo Thuật)

283. MÚA THƯƠNG TAY KHÔNG

Nanjio Masatomo, một bậc thầy về phép đánh thương, đến chùa Kiến Trường lễ Phật và sau đó nói chuyện với hòa thượng Nghĩa Ông về cách sử dụng thương trên lưng ngựa. Nghĩa Ông nói:

- Ngài quả thật thiện nghệ trong phép đánh thương. Nhưng cho đến khi nào biết được cảnh giới múa thương bằng tay không, ngài chưa hội nhập được cái tối mật của nghệ thuật.

Nanjio hỏi:

- Ý thầy muốn nói gì?

Nghĩa Ông đáp:

- Không thương trong tay, không tay trên thương.

Thương sư không hiểu.

Nghĩa Ông thêm:

- Nếu ngài không hiểu, nghệ thuật đánh thương của ngài chỉ là tiểu xảo của đôi bàn tay mà thôi.

(Thiền và Đạo Thuật)

284. ĐÁNH CHUÔNG

Chuyện xảy ra khi Dịch Đường là trụ trì Thiền viện Tentoku, vào thế kỷ mười chín. Một buổi sáng sư nghe tiếng chuông rạng đông ngân nga và chẳng bao lâu sau đó, sư gọi ông tăng thị giả đến, hỏi:

- Sáng hôm nay ai đánh chuông?

Thị giả đáp:

- Đó là một chú tiểu mới nhập viện.

Sau đó, sư gọi chú tiểu đến, hỏi:

- Sáng nay, khi đánh chuông rạng đông, chú đã nghĩ gì?

Chú tiểu đáp:

- Chẳng có gì đặc biệt. Con chỉ đánh chuông thôi.

Trụ trì nói:

- Không, phải có cái gì đó trong tâm con. Được rồi dù sao, khi nào con đánh chuông, cứ đánh y như sáng nay. Đó chẳng phải là tiếng chuông tầm thường.

Lúc ấy chú tiểu nói:

- Có lần con nghe nói rằng bất cứ chúng ta làm gì cũng phải là phụng sự Phật. Con được bảo thiền định về các pháp như là Phật. Vì vậy sáng nay con nghĩ cái chuông là Phật, và mỗi lần con đánh chuông thì tiếng Phật phát ra. Mỗi lần con cúi đầu lễ bái, con cảm thấy đánh chuông là lễ bái.

Trụ trì nói:

- Con đã nghe được lời dạy hay. Từ đây về sau trong đời, khi làm bất cứ việc gì, cứ làm như vậy.

Chú tiểu sau này trở thành phương trượng chùa Vĩnh Bình, trung tâm huấn huyện Thiền vĩ đại; chú tên là Dengo Morita.

(Thiền và Đạo Thuật)

285. SAO KHÔNG?

Thiết Chu là một kiếm sĩ xuất sắc và là Thiền gia đệ tử của hoà thượng Tích Thủy ở chùa Thiên Long. Là kiếm sư hàng đầu thời đó, Thiết Chu được yêu cầu dạy kiếm thuật cho vị hoàng đế trẻ tuổi Minh Trị. Trong một buổi huấn luyện, khi cả hai xáp lại gần nhau, Thiết Chu dùng một đòn nhu đạo ném thiên hoàng xuống sàn gỗ bóng láng. Nội qui cho phép điều này, nhưng quan thị vệ của thiên hoàng hoảng hốt vì sự việc xảy ra. Sau đó ông ta nói với Thiết Chu và tức giận phản đối:

- Thật là không thể ngờ được, ông dám ném cả đức Hoàng thượng.

Thiết Chu nói:

- Sao không? Đó thuộc phần những gì tôi được yêu cầu dạy cho ngài.

Quan thị vệ không biết nói gì.

Suốt đời Thiết Chu là người ăn chay theo truyền thống Phật giáo. Một hôm, một người hay xía vào chuyện người khác đến nói với sư:

- Với cái nhìn cao nhất của Thiền, chắc chắn ăn thịt cũng đồng với không ăn thịt, phải không?

Thiết Chu đáp:

- Phải, đồng.

Người kia hỏi tiếp:

- Vậy thì, nếu là đồng, tại sao sư không bỏ ăn chay để ăn mặn?

Thiết Chu đáp:

- Nếu là đồng, tại sao ông muốn tôi thay đổi?

(Thiền và Đạo Thuật)

286. ĂN CÁ THỊT LÀM SAO THÀNH PHẬT?

Theo sử sách chép, Tuệ Trung Thượng Sĩ là đệ tử của Thiền sư Tiêu Dao, được vua Trần Nhân Tông--sơ tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử--kính làm sư huynh, và là anh cả của thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm.

Một hôm, thái hậu mở tiệc thịnh soạn, Thượng Sĩ dự tiệc gặp cá ăn cá, gặp thịt ăn thịt. Thái hậu thấy lạ hỏi:

- Anh tu thiền mà ăn cá thịt thì thành Phật sao được?

Thượng Sĩ đáp:

- Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật chả cần làm anh. Thái hậu chẳng nghe cổ đức nói, “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát,” đó sao?

Khi thái hậu qua đời, nhà vua cúng chay ở cung cấm. Nhân lễ khai đường, nhà vua thỉnh các vị tôn túc bốn phương mỗi vị làm một bài kệ ngắn trình bày kiến giải của mình. Kết quả bài nào cũng chưa tỏ ngộ.

Vua bèn trao giấy mực cho Thượng Sĩ. Thượng Sĩ viết một hơi bài tụng tự thuật:

Kiến giải trình kiến giải,

Tựa ấn mắt làm quái.

Ấn mắt làm quái rồi,

ràng luôn tự tại.

Vua đọc xong liền phê tiếp theo sau:

ràng luôn tự tại,

Thấy quái chẳng thấy quái

Cũng ấn mắt thành quái

Quái ấy tự tiêu hoại.

Thượng Sĩ đọc, chịu lắm.

(Thiền Sư Việt Nam)

287. MƯA ĐÊM

Trước khi vào sống trong núi, Thiền sư Ranryo đã hành cước khắp bốn phương, không phân biệt triều đình hay thôn quê, thành phố hay làng mạc, không tránh quán rượu cũng không tránh nhà thổ.

Khi có người hỏi tại sao làm như vậy, sư đáp:

- Hễ tôi ở đâu thì Đạo ở đó. Không có khe hở nào hết.

Về sau, Ranryo vào núi dựng một cái am đơn sơ, sống cuộc sống khổ hạnh thanh đạm, tiếp tục tu Thiền.

Ranryo đặc biệt thích mưa đêm. Vào những đêm mưa, sư đốt nhang ngồi mãi cho đến sáng. Dân làng ở các vùng ven núi không biết tên, bèn kêu sư là Dạ Vũ tăng (ông tăng Mưa Đêm). Sư nghe gọi như thế, thấy hay hay, bèn lấy đó làm bút hiệu.

Có người đến hỏi sư về công đức tương đối của thiền định và phép niệm Phật A Di Đà của phái Tịnh Độ, sư đáp bằng bài kệ sau đây:

Thiền định và niệm Phật,

Tựa hai quả núi to;

Tiềm năng cao và thấp

Phân chia một thế gian.

Một khi lên tột đỉnh,

Tất cả đều như nhau

Thấy trăng trên đầu núi;

Tội nghiệp kẻ bất tín

Đau khổ vì leo trèo.

(Giai Thoại Thiền)

288. THIỀN SƯ THÔNG THÁI

Hạt Đường Bổn Quang (1710-1773) là một Thiền sư có tài năng phi thường, học rộng nhớ nhiều. Thầy của sư là Chỉ Nguyệt Huệ Ấn (1689-1764) cũng là một trong các sư học giả vĩ đại nhất. Bổn Quang thường chu du diễn thuyết về Thiền theo lời mời của các trung tâm học viện khắp nơi trong nước.

Trong số các tác phẩm đồ sộ của sư là một luận giải các phần của bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng, kiệt tác của Đạo Nguyên, một Thiền sư vĩ đại ở thế kỷ mười ba. Chánh Pháp Nhãn Tạng, tác phẩm đầu tiên và vĩ đại duy nhất của Phật giáo Nhật Bản, là một trong những công trình khó nhất thuộc hàng kinh điển.

Trong khi Bổn Quang đang viết luận giải của sư về bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng thì một ông tăng học luận lý học đến yêu cầu sư giảng kinh Lăng Nghiêm, một bộ kinh sâu xa và phức tạp nhất bằng tiếng Trung Hoa.

Sư liền đặt lên bàn viết ở bên trái là kinh Lăng Nghiêm, ở bên phải là bộ Chánh Pháp Nhãn Tạng, ở chính giữa là giấy để viết. Rồi cùng một lúc, sư vừa giảng kinh Lăng Nghiêm, vừa đọc Chánh Pháp Nhãn Tạng vừa viết lời bình xuống giấy, chú ý cả ba công tác mà không lẫn lộn.

Những người chứng kiến lấy làm kinh ngạc, và tin đồn bắt đầu lan ra rằng Bổn Quang là thần thánh tái sanh.

(Giai Thoại Thiền)

289. ÔNG PHẬT SAY

Túy Ông Nguyên Lư (1716-1789) và Đông Lĩnh Viên Từ (1721-1792) là hai phụ tá đắc lực nhất của đại sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (1685-1768). Túy Ông được biết là một bậc sư có khả năng to lớn, và Đông Lĩnh là một bậc thầy tinh tế. Nhiều người thừa kế sau này của Bạch Ẩn thực sự đã nhận sự huấn luyện từ một hay cả hai vị sư trẻ hơn này.

Túy Ông đã hơn ba mươi tuổi khi gặp Bạch Ẩn lần đầu tiên. Người ta không biết gì cả về quãng đời trước kia của sư. Đại sư Bạch Ẩn nhìn thấy Túy Ông có tinh thần phi thường và do đó thúc ép sư thật mạnh để sư nhận thức tiềm năng của mình.

Túy Ông đã trải qua hai mươi năm trong tông môn của Bạch Ẩn, nhưng sư sống cách xa chùa mười dặm và chẳng bao giờ đến chùa trừ phi có thuyết pháp. Những cuộc tham vấn riêng tư của sư với Bạch Ẩn luôn luôn xảy ra vào ban đêm, vì thế không ai thấy sư tới lui. Vào những ngày có thuyết pháp, sư thường rút lui ngay khi bài pháp vừa hết. Vì thế người ta khó nhận ra sư là đệ tử của Bạch Ẩn.

Túy Ông là người có đặc tính kỳ lạ. Sư thích rượu và không bao giờ để ý đế những chuyện lặt vặt. Sư thường nói và hành động ngoài ước lệ thông thường. Có thể nói là sư chẳng ngồi thiền gì cả và cũng chẳng đọc kinh sách.

Sư không có chỗ ở nhất định và thường nằm lăn ra ngủ ở bất cứ chỗ nào có thể được. Sư tự coi là may mắn nếu có đủ rượu để được ngà say. Sư thích các môn giải trí như đánh cờ, vẽ và sống cuộc sống tùy thích. Người ta không thể quyết định được sư ẩn tàng thâm sâu hay chỉ là người nông cạn.

Mặc dù Túy Ông không cần sống trong chùa của Bạch Ẩn nhưng khi Đại sư Bạch Ẩn bị bệnh lần cuối cùng, sư đã trở lại để chăm sóc Bạch Ẩn. Sau khi Bạch Ẩn tịch, Túy Ông thừa kế ngôi chùa nhưng chẳng làm gì cả. Bất cứ khi nào có người đến học Thiền, Túy Ông chỉ đơn giản bảo họ đến Đông Lĩnh. Mặc dù sư từ chối nói Thiền nhưng người cầu tìm vây quanh sư không bao giờ ít hơn bảy tám chục.

Bấy giờ, Đại Hưu (Daikyu) và Reigen, hai Thiền sư cũng học Thiền với Bạch Ẩn, bắt đầu viết thư cho Túy Ông, thúc giục sư làm việc. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của họ, Túy Ông vẫn tịch nhiên bất động.

Bảy năm sau khi Bạch Ẩn viên tịch, Đại Hưu, Reigen và Đông Lĩnh cuối cùng đã cùng nhau tập hợp lại với Túy Ông, khăn khăn rằng sư là chủ lễ truy niệm Bạch Ẩn bảy năm do môn đồ tổ chức. Không thể từ chối, Túy Ông chổi dậy trong dịp này bằng cách thuyết pháp về Năm Nhà Thiền với một hội chúng hơn hai trăm người.

Lúc này, Túy Ông đã năm mươi tám tuổi. Bây giờ số người theo sư đã lên hơn năm trăm. Họ sống trong các khu nhà chật hẹp quanh vùng, không đủ thì giờ cho Túy Ông gặp tất cả mọi người khi họ cùng nhau đến.

Túy Ông cũng được các nơi mời nói chuyện, thu hút thính chúng từ ba trăm đến năm trăm người. Những năm về sau, sư thu hút cả đến khoảng bảy tám trăm người nghe, khi sư thuyết giảng về các tác phẩm Thiền cổ điển.

Túy Ông thường nói với chúng rằng, “Người xưa nói rằng quá thư thả hay hơn là quá khẩn trương. Tôi không đồng ý; quá khẩn trương tốt hơn là quá thư thả.” Sư thêm, “Đừng quá nhu nhược và tùy thuộc. Ai liên tục tìm đạo, trong một hai đêm, cũng có thể thâm nhập được.”

Túy Ông cũng thường nói, “Các nơi khác người ta trật tự và đều đặn, mang mẫu mực nghi lễ uy nghiêm. Ở đây chúng ta có mắt voi, mũi khỉ, với ống quyển không lông. Người thế gian kiếm sống bằng tụng kinh để làm gì?”

Khi nói về tông môn của lão sư Bạch Ẩn, Túy Ông nói, “Kẻ duy nhất chộp hết tất cả vốn liếng tinh thần trong nhà của Bạch Ẩn là Đông Lĩnh. Kẻ duy nhất thâm nhập tận nguồn giáo lý của Bạch Ẩn là Đại Hưu.”

Túy Ông cũng nói, “Ngay cả Thiền tăng tự do hành cước khắp cả đất liền không bị cấm cản, cũng thấy mình lạc mất khi gặp Bạch Ẩn. Tại sao vậy? Bởi vì dã vi tường vi cao thấu trời, kẽm gai nhọn phủ rợp đất, nên chẳng thể tiến cũng chẳng thể lui. Vì vậy mới bảo hạ cờ lui trống, nên cởi giáp đầu hàng. Không ai trong các Thiền hội khác có loại dã tường vi này; đó là tại sao các ông tăng đi lướt qua bên cạnh mà không thể bắt kịp ai cả. Tôi cho là hợp vậy.”

Khi Túy Ông sắp tịch, các thị giả yêu cầu sư cho kệ phó pháp. Túy Ông mắng họ. Khi họ lặp lại lời thỉnh cầu, sư lấy bút viết:

Bảy mươi ba năm,

Ta đã

Lừa Phật lừa sư.

Lời cuối cùng ư!

Cái gì ? Cái gì ?

Kaa!

(Giai Thoại Thiền)

290. ĐẠI SƯ VI TẾ

Đông Lĩnh Viên Từ (1721-1792) đầu tiên học Thiền với Cổ Nguyệt Thiền Tài (1667-1751), sau đó sư đến tham học nghiêm túc với Bạch Ẩn.

Sự tu tập của sư đã được chuẩn bị tốt khi ở với Cổ Nguyệt, không bao lâu Đông Lĩnh đã đạt ngộ dưới sự chỉ dạy của Bạch Ẩn. Chỉ trong vòng vài năm, sư đã học hết tất cả nội giáo của Bạch Ẩn.

Không may, sự cưỡng bức tận lực của sư đã làm cho thân thể sư suy sụp, và sư ngã bệnh suýt chết. Không tìm được thuốc chữa trị có hiệu quả, sư tự nghĩ, “Dù ta đã tìm ra tất cả cái nguồn và các phương pháp của Thiền, thì có gì hay nếu bỗng nhiên ta chết đi?”

Vì vậy sư viết một cuốn sách nhan đề là Tông Môn Vô Tận Đăng Luận. Khi trình sách với Bạch Ẩn, sư nói, “Nếu sách này có gì giá trị, con muốn truyền nó cho đời sau. Nếu nó chỉ là một mớ tạp nhạp, con sẽ ném nó ngay vào lửa.”

Bạch Ẩn xem qua sách và nói:
- Đây sẽ là phương thuốc mở mắt cho đời sau.

Rồi Đông Lĩnh từ giả Bạch Ẩn đi Kyoto, nơi đây sư sống lặng lẽ, tự chăm lấy sóc bệnh mình, từ chối tất cả những gì dành sẵn cho sư, sống và chết.

Một hôm, khi ở trong cảnh giới vô tâm, Đông Lĩnh bỗng thấy suốt kinh nghiệm cả đời của Bạch Ẩn. Ngay đó sư liền bình phục.

Quá vui, Đông Lĩnh viết thư cho thầy, kể lại sự việc xảy ra. Đại sư Bạch Ẩn gọi Đông Lĩnh trở về và bảo sư làm người thừa kế.

Sau khi Đông Lĩnh bình phục, sư và Bạch Ẩn thiết lập chương trình cho Thiền môn. Phần lớn việc xét duyệt chi tiết chương trình hiển nhiên là do Đông Lĩnh làm. Vào cuối đời của Bạch Ẩn, khi năng lực của Sư cuối cùng đã hao mòn, Đông Lĩnh thúc giục và khuyến khích các đệ tử. Nhiều người trong hàng đệ tử cuối cùng của Bạch Ẩn còn thô sơ trong ngộ, những người xuất sắc là những người được Đông Lĩnh tinh luyện, thành toàn cho.

(Giai Thoại Thiền)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/01/2021(Xem: 23469)
Đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Ba, 07/07/2020 (17/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. Bài kệ số 16: ĐỨC PHẬT TỲ BA THI 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Nhẫn nhục đệ nhất đạo Phật thuyết vô vi tối Xuất gia não tha nhân Bất danh vị sa môn. Nhất tâm đảnh lễ Quá khứ Tỳ Bà Thi Phật. (1 lạy) Phật dạy: Hạnh nhẫn nhục Là pháp tu thứ nhất, Pháp vô vi tột cùng. Cho nên người xuất gia Gây khổ não cho người, Thì không gọi “sa môn”. Một lòng kính lạy đức Phật Tì Bà Thi. (1 lạy) Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
18/01/2021(Xem: 8867)
Paing Takhon, năm nay 24 tuổi hiện là người mẫu kiêm diễn viên, MC nổi tiếng ở Myanmar, nhưng anh là một Phật tử thuần thành, mới đây anh đã phát tâm tham dự khóa tu xuất gia ngắn hạn tại quê nhà. Anh chàng sở hữu thân hình cường tráng với chiều cao khủng 1m88, mái tóc dài lãng tử cùng loạt hình xăm chất ngầu nên được mệnh danh là "Aquaman châu Á". Paing Takhon gia nhập làng giải trí với tư cách người mẫu từ năm 2014. Ba năm sau anh còn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh và ca hát. Tất cả số tiền thu được từ album đầu tay anh đều quyên góp cho trẻ mồ côi. Ngoài ra, anh còn biết vẽ tranh sơn dầu, thích nấu ăn và yêu động vật.
16/01/2021(Xem: 3129)
5 giờ sáng, cuộc điện khác thường từ danh bạ mang tên Thầy G.D: - Ông có bà mới? Tưởng nghe nhầm – hỏi lại – vẫn câu nói trên . - Dạ chưa, đó là tấm ảnh lúc nàng 30 tuổi,” hoa khôi” một huyện ven 40 năm trước ạ. - Cô ta là “hoa khôi”, ông là “hoa héo”. *** Vâng, “hoa héo” xuất hiện sau nhiều thập niên làm thân cô lữ, là con “bà Phước” trong trại cải tạo, mang thân tù mà không có tội, chỉ vì làm việc cho một bậc chân tu lãnh đạo một GH trước 1975. Duyên số thân “hoa héo” ốm đói, đen nhòm, kết duyên với “hoa khôi”sau khi thoát khỏi cá chậu chim lồng; bơ vơ biết về đâu! Cổng chùa khép kín, từ chối với tầm nhìn e sợ kẻ mang án tích; cơm cho ăn nhưng không cho chỗ trú; chùa thường xuyên bị xét hàng đêm. Công viên, gầm cầu là điểm thường ngã lưng khi bóng đêm vừa phủ .
12/01/2021(Xem: 17346)
TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT, ĐỆ NHẤT TRÍ TUỆ 💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Ba 25/08/2020 (07/07/Canh Tý) Chư pháp tùng duyên sinh, Diệc phục tùng duyên diệt, Ngã Phật đại sa môn, Thường tác như thị thuyết. Các pháp do duyên sinh, Lại cũng do duyên diệt. Thầy tôi là Đức Phật Thường giảng dạy như vậy. 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼
10/01/2021(Xem: 5437)
8 giờ tối mùa Đông Âu Châu nói chung, Thụy Sĩ nói riêng thật thê thảm. Trời tối đen, lạnh cóng, trên đường không bóng người qua lại. Đã vậy thêm dịch bệnh covid 19 kéo dài mấy tháng nay, mọi người bị giam hãm lâu ngày đã ê chề, nay thời tiết như thế càng ảm đạm thê thảm hơn. Vào mùa này, ngay cả người bản xứ còn than vãn, chán chường, huống chi người Việt tha hương buồn đến...thúi cả ruột! Gần nhà tôi có cái thung lũng tình yêu, gặp lúc thất tình, tuyệt vọng, có người còn nhảy xuống tự tử mắc công chính quyền sau này phải giăng lưới hứng họ! Nhưng chính trong không gian ảm đạm như thế càng tăng thêm sự ấm áp thân thương khi nhìn thấy, dù chỉ qua màn hình và nghe tiếng nói của vị đạo sư tôi hằng kính mến, không ai xa lạ, còn có nhân duyên quen biết từ mấy chục năm nay, đó là Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển. Thầy không ở đâu xa, hiện diện ngay trước mặt đây thôi xua đuổi hết bao cảm giác cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người.
10/01/2021(Xem: 5274)
Đã lâu lắm rồi, từ lúc cơn dịch Covid-19 hoành hành đến giờ chúng tôi (Hoa Lan và Nhật Hưng) chưa được cùng nhau viết chung một đề tài về Phật pháp. Tưởng chừng ngòi bút sẽ rỉ mòn theo Covid, làm gì còn các khóa tu học mà viết bài tường thuật. Một nỗi buồn sâu lắng! Thế nhưng sáng nay, ngày thứ hai đầu tiên trong năm 2021 mùng 4 tháng giêng, nhận được tin nhắn khẩn cấp của Nhật Hưng qua Viber, phải gắn chương trình Zoom vào máy để tối nay lúc 8 giờ tối giờ Âu Châu nghe HT Sư Phụ giảng Pháp. Không cần biết Người sẽ cho mưa Pháp kiểu nào? Nghe lệnh là phải có mặt ngay, để chứng tỏ tinh thần Tứ Trọng Ân với Thầy Tổ.
31/12/2020(Xem: 16303)
Đức Diệu Sắc Thân Như Lai 🏵️🌻🌼💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Chủ Nhật, 19/07/2020 (28/5/Canh Tý) Giải thích Nghi Thức Đảnh Lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) biên soạn và hành trì trong suốt cuộc đời của Ngài. 28/ ĐỨC DIỆU SẮC THÂN NHƯ LAI Như lai diệu sắc thân Thế gian vô dữ đẳng Vô tỉ bất tư nghì Thị cố kim đảnh lễ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Diệu Sắc Thân Như Lai. Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia)
24/12/2020(Xem: 14070)
Thập Tổ Bà Lật Thấp Bà (Hiếp Tôn Giả, Parsvika) | TT Thích Nguyên Tạng giảng 💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng: từ 6.45am, Thứ Bảy, 12/09/2020 (25/07/Canh Tý) Chơn thể tự nhiên chơn Nhơn chơn thuyết hữu lý Lãnh đắc chơn chơn pháp Vô hành diệc vô chỉ. Chơn thể đã sẵn chơn Bởi chơn nói có lý Hội được pháp chơn nhơn Không đi cũng không dừng. Nam Mô Đệ Thập Tổ Bà Lật Thấp Bà Tôn Sư 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am ( giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 03: 45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 https://www.facebook.com/quangducwebsite Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfU
11/11/2020(Xem: 5603)
Trong thời gian qua, rất nhiều thông tin đăng tải về những chương trình từ thiện giúp đỡ cho người nghèo, cứu trợ ủng hộ bão lụt thiên tai, thậm chí kêu gọi đóng góp xây dựng chùa chiền, những công trình văn hóa tâm linh v.v… rất nhiều trường hợp danh xưng “Mạnh Thường Quân” được nhắc đến để chỉ những người có tấm lòng độ lượng, biết yêu thương người khác, giúp đỡ kẻ khốn cùng…Theo thiển ý của người viết, dù Mạnh Thường Quân có tốt nhưng cũng không đến độ như một biểu tượng như thế. Theo lịch sử ghi lại thì những đóng góp của ông ta hoàn toàn không có liên quan gì đến Phật sự, hay giá trị tâm linh, còn từ thiện thì cũng không có gì đáng kể. Tất cả những việc làm của ông gần như thuần túy thiên về phương diện chính trị. Có lẽ do suốt chiều dài bị nền phong kiến Trung Quốc phương Bắc đô hộ cả ngàn năm nên có những ảnh hưởng đến văn hóa, tập tục, ngôn ngữ và cũng có thể ảnh hưởng danh xưng Mạnh Thường Quân này.
11/11/2020(Xem: 9502)
Trong quyển Yếu giải kinh A Di Đà lần đầu tiên xuất bản ở Việt Nam cũng như trên thế giới được in cả nguyên tác bằng chử Hán của Đại sư Linh Phong Ngẩu Ích cùng bản dịch Anh ngữ của Tiến sỉ J.C. Cleary và phần dịch sang Việt ngữ có chú giải của chính mình, học giả Lý Việt Dũng đã… “tự bạch” về “tiểu sử dài lòng thòng đáng chán của Song Hào Lý Việt Dũng”. Trong đó ông thẳng thắng nhận rằng: “Về quan điểm cuộc sống, tôi là người lạc quan tếu… Tôi cũng chay mặn tùy duyên, không bó thân trong những giới luật xa rời cuộc sống, chẳng có bổn sư vì chẳng quy y ai, chẳng có giới xơ cứng để giữ, sống đa cảm tự tại, có hơi “quậy” một chút!”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]