Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[231 - 240]

13/02/201217:42(Xem: 8501)
[231 - 240]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

231. ĐAN HÀ ĐỐT TƯỢNG CÓ Ý GÌ?

Sau khi đọc câu chuyện Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đốt tượng Phật bằng gỗ trong một ngôi chùa nọ để sưởi ấm khi bất ngờ gặp thời tiết mùa đông quá lạnh, đệ tử hỏi thầy:

- Thiền sư Đan Hà đốt tượng Phật là có ý gì?

Sư liền đọc đoạn đầu câu nói sau đây của một Thiền sư khác:

Lạnh đến lò than bên lửa sưởi,

Đệ tử cắt ngang:

- Thế là Đan Hà không làm bậy, phải không?

Sư liền đọc đoạn còn lại:

Nóng ra bờ trúc cạnh khe ngồi.

(Chơn Không Gầm Thét)

232. CƯỜI VỚI ĐẤT TRỜI

Duy Nghiêm là một trong những Thiền sư vĩ đại thời nhà Đường. Sau khi đắc Pháp nơi Đại sư Thạch Đầu Hy Thiên, sư đến trụ ở Dược Sơn nên người ta gọi sư là Dược Sơn.

Một buổi chiều, khi sư dạo núi, bỗng nhiên mây mù biến tan biến, mặt trăng hiện ra, sáng ngời. Thấy vậy, sư chợt cười lên một tiếng sảng khoái.

Tiếng cười vang xa mấy dặm quanh vùng.

Sáng hôm sau dân làng nói với nhau:

- Đêm hôm qua tôi bỗng nghe một tiếng cười lớn lắm, nhưng không biết từ đâu.

- Ừ, tôi cũng nghe.

Chợt có một ông tăng từ trên chùa xuống, đi ngang qua nghe chuyện, liền nói:

- Đó là tiếng cười của hòa thượng đi dạo trên núi.

(Chơn Không Gầm Thét)

233. HƯƠNG NGHIÊM LEO CÂY

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn nói với tăng chúng:

“Có người leo lên cây, dùng răng cắn cành cây, tay không chỗ bám, chân không chỗ bịn, mình buông thõng. Chợt có người đứng bên dưới hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp? Nếu người trên cây không trả lời thì phụ lòng người hỏi, còn nếu y trả lời thì sẽ té xuống gãy cổ. . .

Hãy nói tôi nghe, làm sao y thoát tình cảnh khó khăn này?”

Khi đó có một ông tăng bước ra, nói:

“Con không hỏi y phải làm gì khi ở trên cây, mà chỉ muốn biết trước khi leo lên cây thì y thế nào?”

Hương Nghiêm cười sảng khoái.

(Chơn Không Gầm Thét)

234. Ý KINH VÀ Ý TỔ

Có một ông tăng hỏi Thiền sư Giám Ba Lăng:

- Ý Tổ và ý kinh có gì khác nhau?

Sư đáp:

- Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước.

(Chơn Không Gầm Thét)

235. NHÌN MÀ KHÔNG THẤY

Một hôm, khi Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện đang lao động trên rẫy, một ông tăng hành cước đến gần hỏi:

- Xin lỗi, thầy có thể nói cho biết ngôi chùa nổi tiếng Nam Tuyền ở chỗ nào không?

Nam Tuyền nói:

- Tôi đã trả ba đồng để mua cái lưỡi liềm này.

Ông tăng nói:

- Tôi không hỏi cái liềm, tôi chỉ muốn biết đường đến chùa thôi.

Nam Tuyền nói:

- Nó dùng được lắm, bởi vì nó rất bén.

(Chơn Không Gầm Thét)

236. TÂM BÌNH THƯỜNG

Nhân có một Luật sư đến hỏi:

- Phải tu đạo như thế nào?

Thiền sư đáp bằng câu nói của Lâm Tế:

- Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.

Luật sư liền nói:

- Đa số người ta đều làm vậy mà!

Thiền sư giải thích:

- Không, không, không phải vậy. Đa số khi ăn, người ta không chịu ăn mà còn nghĩ đến món này món nọ; khi ngủ, họ không chịu ngủ mà nghĩ đến điều này điều nọ.

(Chơn Không Gầm Thét)

237. CẬU BÉ BÍNH ĐINH ĐẾN XIN LỬA

Huyền Tắc hỏi Thiền sư Thanh Lâm:

- Thế nào là Phật?

Thanh Lâm đáp:

- Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.

Huyền Tắc nghe thế liền nghĩ: “Ha-ha! Ta được rồi! Cuối cùng ta đã hiểu.” Sau đó Huyền Tắc đến Thanh Lương làm giám viện cho Thiền sư Pháp Nhãn.

Một hôm Pháp Nhãn hỏi Huyền Tắc:

- Giám viện ở Thanh Lâm học được gì?

Huyền Tắc đáp:

- Một hôm con hỏi hòa thượng Thanh Lâm thế nào là Phật, hòa thượng đáp: “Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.” Con liền hiểu.

Pháp Nhãn nói:

- Lời ấy hay lắm. Giám viện hiểu thế nào?

Huyền Tắc đáp:

- Cậu bé Bính Đinh là thần lửa mà đi xin lửa. Giống như con là Phật mà đi cầu Phật.

Pháp Nhãn nói:

- Lâu nay tôi nghĩ ông hiểu, nhưng bây giờ tôi biết ông không hiểu.

Huyền Tắc kêu lên:

- Cái gì?! Như vậy mà không đúng ư! Sao lại sai được?!

Pháp Nhãn quay lưng bỏ đi. Huyền Tắc gọi:

- Khoan, khoan. . . Thế nào là Phật?

Pháp Nhãn nói:

- Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa.

Ngay đó, Huyền Tắc liền ngộ.

(Chơn Không Gầm Thét)

238. HƯ KHÔNG CÓ ĐỂ MẮT NHÌN HOÀNG THƯỢNG CHĂNG?

Quốc sư Nam Dương Huệ Trung (677-775) quê ở Chư kỵ, Việt châu, nay là Triết Giang. Sư họ Nhiễm, là một trong năm đệ tử vĩ đại nhất của Lục Tổ Huệ Năng.

Sau khi nhận tâm ấn nơi Huệ Năng, sư đến núi Bạch Nhai ở Nam Dương và sống ở đó hơn bốn mươi năm, chưa từng bước chân xuống khỏi núi.

Vào năm 761, hoàng đế Túc Tông mời sư dến kinh đô để nhận chức Quốc sư.

Một hôm khi gặp hoàng đế, mặc dù nhà vua đã hỏi nhiều lần, nhưng thủy chung Huệ Trung vẫn không nhìn vua.

Vua có ý giận nói:

- Trẫm là Thiên tử, hoàng đế của Đại Đường, sao nhà sư dám không để mắt nhìn trẫm!

Sư hỏi:

- Hoàng thượng có thấy hư không trước mặt chăng?

Vua đáp:

- Có.

Sư hỏi tiếp:

- Vậy hư không có để mắt nhìn hoàng thượng chăng?

(Trí Tuệ Thiền Sư)

239. ÔNG BIẾT BẮN KHÔNG?

Thạch Củng Huệ Tạng vốn là một thợ săn, và loại người mà ông ta ít muốn gặp nhất là tăng nhân.

Một hôm khi đang rượt bắn một con nai, ông ta chạy tông vào Đại sư Mã Tổ.

Mã Tổ hỏi:

- Ông làm nghề gì?

Thạch Củng đáp:

- Tôi là thợ săn.

- Ông biết bắn không?

- Dĩ nhiên, tôi biết.

- Một mũi ông bắn được mấy con?

- Một mũi bắn một con.

- Ha, ha, ha . . . Vậy là ông không biết bắn rồi.

- Thầy biết bắn chăng?

- Dĩ nhiên, tôi biết.

- Một mũi thầy bắn được mấy con?

- Một mũi tôi bắn được cả bầy.

- Tất cả đều là vật sống, sao thầy nỡ bắn cả bầy?

- Ông đã biết mê lầm, sao không tự bắn đi?

- Nếu bảo tôi tự bắn, thật không biết bắt đầu tại chỗ nào.

- Ông đã nhiều kiếp mê lầm, từ nay hoàn toàn dứt sạch.

Nghe câu này, Thạch Củng buông bỏ cung tên, cạo tóc nhập chúng, và bái Mã Tổ làm thầy.

(Trí Tuệ Thiền Sư)

240. BAY MẤT SAO ĐƯỢC?

Một hôm, khi Đại sư Mã Tổ và đồ đệ là Bách Trượng cùng đi dạo, cả hai thấy một bầy vịt trời bay qua trên đầu họ.

Mã Tổ hỏi:

- Cái gì thế?

Bách Trượng đáp:

- Vịt trời.

Mã Tổ hỏi:

- Bay đi đâu vậy?

Bách Trượng đáp:

- Bay mất rồi.

Mã Tổ bèn quay lại nắm mũi Bách Trượng kéo mạnh. Bách Trượng đau quá kêu oái, oái. Mã Tổ nói:

- Chính là ở đây. Bay mất sao được?

(Trí Tuệ Thiền Sư)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4517)
Mini, con gái 5 tuổi của tôi không thể sống mà không huyên thiên suốt ngày. Tôi thật sự tin rằng suốt cuộc đời của nó không hề phí một phút giây ...
10/04/2013(Xem: 4701)
Có bao giờ bạn nghe nói Phật khóc chưa? - Phật là Đấng giác ngộ, Ngài đã vượt qua mọi tình thức tầm thường của ...
10/04/2013(Xem: 4834)
Thiền sư Từ Đạo Hạnh vốn là con nhà nho tên Từ Vinh. Từ Vinh có sự trái ý với Diên Thành Hầu, Hầu nhờ pháp sư Đại Điên đánh chết. Sự muốn trả ...
10/04/2013(Xem: 4443)
Những năm trước, hai gốc tùng trước sân như hai đứa trẻ, dáng điệu miệt mài trong cơn gió hiu hắt của mùa thu. Quanh năm suốt tháng, không một ...
10/04/2013(Xem: 4479)
Vào khoảng đầu năm 1996, tình cờ tôi được xem một bức tranh của họa sĩ Samyot Hananundasule, trong cuộc triển lãm dưới chủ đề "Nhìn lại quá khứ" tại Viện Nghệ thuật Quốc gia Thái Lan. Đó là một bức tranh có nhan đề là "Hài nhi của thế giới thứ ba" (Third World Baby), được vẽ vào năm 1976. Bức tranh này được in trên tờ nhật báo Bangkok Post.
10/04/2013(Xem: 5446)
Nhân dịp xuân Nhâm Ngọ, mọi người chúc nhau bằng lời hay ý tốt. Bần sư xin tặng những người thân "món quà pháp" thay lời cầu chúc... .
10/04/2013(Xem: 4183)
Tôi quen Trâm một tháng trước. Nàng là y tá viên điều dưỡng vừa ra trường chưa được một năm. Đang làm việc ở Đà Nẳng thì có giấy đổi vào Nha ...
10/04/2013(Xem: 4255)
Nhân vật Thanh Lam được cha để lại một gia tài đồ sộ. Chàng chia làm hai phần, một lànhững tài sản cố định sinh lợi hằng năm như ruộng vườn, hai ...
10/04/2013(Xem: 4264)
Một sớm mai dưới tia nắng chan hòa tại tu viện Bát Nhã, hòn sỏi gặp bước chân. Hòn sỏi lên tiếng chào: "chào các bạn, các bạn, các bạn từ đâu đến?"...
10/04/2013(Xem: 4032)
Trong đời tôi, rất nhiều lần được ngủ lại chùa, đặc biệt là những ngôi chùa có nghi thức hành lễ theo Bắc-Tông. Theo từng giai đoạn lớn lên, tri thức ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]