Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[121 - 130]

13/02/201217:42(Xem: 8456)
[121 - 130]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

121. TÌM THẦY HỌC ĐẠO

Vào thời Minh Trị Duy Tân (năm 1868), trụ trì chùa Tướng Quốc ở Kyoto là Thiền sư Việt Khê. Có một nhà Khổng học nổi tiếng tên là Date. Date có người con trai sau này là bộ trưởng ngoại giao Nhật. Một hôm nhà học giả đến chùa gặp vị trụ trì, nói: “Có thể hoà thượng đã biết tôi nghiên cứu Khổng học và hiểu rõ Đạo là gì. Nhưng vì Đạo Thiền hình như có chỗ khác biệt, tôi đến đây cầu hoà thượng từ bi nói cho một lời.” Vị trụ trì bất ngờ tát vào mặt Date một cái. Ngạc nhiên và bối rối, Date thấy mình đã ở bên ngoài căn phòng, và vị trụ trì lặng lẽ đứng dậy kéo cửa lại, rồi trở về chỗ ngồi. Vị học-giả-chiến-sĩ phẫn nộ nghĩ mình sao lại chạy trốn theo bản năng, đứng trong hành lang, tay nắm đốc kiếm, mắt nhìn trừng trừng cánh cửa. Một ông tăng trẻ, thấy tư thế đầy đe dọa của nhà học giả, liền hỏi việc gì đã xảy ra. “Không có gì cả. Chỉ là trụ trì nhà ông đã sỉ nhục tôi thôi. Đã phục vụ qua ba đời lãnh chúa, chưa từng có ai dám động ngón tay... bây giờ lão trụ trì này! Nhưng lão ta không thể đối xử với danh dự của một chiến sĩ như thế! Tôi sẽ kết liễu ông ta!..” Bộ mặt cau có cho biết ông ta có ý đó. Nghe nói như vậy, ông tăng trẻ nói rằng ông ta không hiểu gì cả nhưng chắc chắn sự việc sẽ được sáng tỏ, vậy tại sao khách không vào uống trà trước đã? Ông tăng dẫn khách vào phòng, rót trà cho khách. Khi Date đưa tách trà đến môi sắp uống, thình lình ông tăng đánh nhẹ vào cánh tay cầm tách của Date. Trà đổ ướt tùm lum các thứ. Vị tăng chạm trán nhà Khổng học, nói: “Ngài tự khai rằng hiểu rõ Đạo. Bây giờ cái gì là Đạo?” Date cố tìm một câu trong Tứ Thư hay Ngũ Kinh, nhưng thất bại và phân vân. Ông tăng cao giọng, “Cái gì là Đạo? Nhanh lên, nói, nói!” Nhưng nhà học giả chẳng nghĩ ra được điều gì. Vị tăng nói: “Chúng tôi đã rất thô lỗ, nhưng ngài có muốn chúng tôi giới thiệu Đạo của chúng tôi không?” Date đến đây chưa bao giờ có ý để được một ông tăng trẻ như thế này chỉ dạy, nhưng đạo của ông ta đã thất bại, đành phải đồng ý. Lúc bấy giờ vị Thiền tăng lấy miếng vải lau nước trà đổ, nói: “Đây là Đạo của chúng tôi,” và Date nói không suy nghĩ: “Vâng.” Ông ta đã có tia chớp nhận thức lóe lên và thấy mặc dù mình đã biết lý thuyết rằng Đạo ở ngay trước mắt và chưa từng lìa xa một giây, mình đã tìm nó tận nơi xa xôi. Ông ta đã thay đổi toàn bộ cách suy tư và trở lại phòng vị trụ trì để học hỏi. Sau nhiều năm tu tập tinh tiến, ông ta đã trở thành hình ảnh nổi tiếng trong lịch sử tâm linh thời đó.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

122. GIẬN DỮ LÀ CỦA QUÍ TRONG NHÀ

Thiền sư Tiên Nhai cũng là một họa sĩ tài ba. Phong cách vẽ của sư thường không theo ước lệ thông thường. Sáng tác của sư rạng rỡ. Sư có một bức tranh vẽ một người đàn ông đang ở tột đỉnh của sự sống, vai vươn cao, mắt trừng trừng, một hình ảnh của cuồng nộ. Bên cạnh đó sư đề một câu thơ như vầy:

Giận dữ là kho của quí trong nhà ông,

Chớ bất cẩn mang ra, nguy hiểm lắm.

Giận dữ phải là ngọc quí, là kho tàng lớn của chúng ta. Hẳn nó phải được cất sâu khóa kỹ. Nếu cần, mỗi năm một lần nên nhìn xem đã bay hơi chưa. Nhưng đem kim cương vào nhà bếp cắt rau là dùng sai đồ quí và tỏ ra hoàn toàn thiếu hiểu biết.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

123. KHI CẢNH GẶP SỐNG CHẾT THÌ SAO?

Sau trận đại chiến ở Minatogawa, khi sức lực đã hoàn toàn kiệt quệ, Kusunoki Masashige toan xoay kiếm tự vận thì có sự thúc đẩy khiến ông đã vội vã cùng với thanh kiếm còn dính máu chạy thẳng đến Thiền sư Soshun ở chùa Hoa Nghiêm gần đó, nơi ông thường đến trong thời bình, hỏi: “Khi gặp cảnh sống chết thì sao?” Giờ đây phút cuối cùng đã đến. Khoảnh khắc này sống và chết gặp nhau, tôi phải làm sao với nó? Thiền sư Soshun đáp: “Chém đầu cả hai; một kiếm lóe lên lạnh cả trời!” Ôi Masashige, ngươi là con quỉ với hai đầu sanh tử mọc trên hai vai ngươi. Sẵn kiếm trong tay, hãy chém phăng hai đầu sống chết. Rồi thanh kiếm sáng ngời duy nhất đó sẽ lấp lánh khắp các từng trời. Masashige vẫn chưa hiểu ý, lại hỏi: “Kết cuộc thế nào?” Thiền sư liền hét một tiếng chát chúa: “Katsu!” Vị anh hùng toát mồ hôi từ đầu đến chân, giác ngộ bừng lên, chạy như bay trở lại chiến trường.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

124. TÔI KHÔNG MUỐN CHẾT

Khi các đệ tử của Thiền sư Tiên Nhai hỏi sư (nằm trên giường sắp chết) lời phó pháp theo truyền thống, sư viết: “Tôi không muốn chết.” Nghĩ rằng đây chẳng phải lời phó pháp, họ lại hỏi sư, lần này sư viết: “Sự thật là tôi không muốn chết.” Không muốn chết, hay bám lấy sự sống, hay bi tâm vô lượng -- đúng là tình cảm không giả dối của con người, và sư không cho phép suy lý bất cứ điều gì khác.

Khi đến, biết từ đâu đến;

Khi đi, biết đi về đâu.

Nhưng khi bám chặt vào triền núi đá,

Giữa mây dày, y chẳng biết là đâu.

Cùng một ý ấy, khi có một vị khách hỏi Thiền sư Độc Viên, trụ trì chùa Tướng Quốc ở cuối thế kỷ trước, về kệ phó pháp, sư nói: “Tôi sẽ không viết kệ phó pháp vì tôi không thích chết.” Và sư chẳng để lại kệ phó pháp.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

125. MỘT GiỌT NƯỚC

Cuối thế kỷ trước, chùa Thiên Long đã được đại sư Tích Thủy làm trụ trì. Khi còn là một đệ tử trẻ, sư học đạo dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Nghi Sơn. Một hôm Nghi Sơn bảo sư đem nước cho ông tắm. Sư nhặt cái thùng đổ đi chút nước còn lại dưới đáy trước khi đem nước từ giếng đổ lại cho đầy thùng. Nghi Sơn mắng sư thậm tệ vì sư đã làng phí nước nuôi dưỡng sự sống. Chuyện này ảnh hưởng sâu xa đến nỗi sư theo đó đặt tên mình là Tích Thủy, có nghĩa là một giọt nước. Từ đó về sau sư tu tập với tinh thần tôn trọng ngay đến cả một giọt nước.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

126. KHÔNG LÃNG PHÍ

Trước thời Minh Trị Duy Tân, Thiền sư Kiến Đường, một hình ảnh tinh thần vĩ đại, là trụ trì chùa Yoken ở Saheki, đảo Cửu châu. Đây là ngôi chùa của dòng họ Mori. Một trong những tùy viên chính của dòng họ đã đi vào xa hoa, lãng phí không kìm chế được, và đang sa vào cuộc sống phá sản. Vị trụ trì, nghĩ thương xót, đã khuyên can mấy lần. Nhưng thay vì lắng nghe, y sanh lòng oán hận vì sự can thiệp và tìm bằng chứng giả tạo làm cho sư hết được ái mộ. Tuy nhiên, sư là một người sống cuộc sống rất thánh thiện, trong sạch cả trong lẫn ngoài, không có kẽ hở nào để chỉ trích.

Nhưng có tin đồn nổi lên rằng đêm nào thầy trị trì, sau khi mọi người đi ngủ, cũng ăn uống thịnh soạn trong phòng riêng. Người tùy viên nắm được cơ hội này, đêm đến lẻn vào vườn chùa, lên phòng phương trượng. Anh ta xác định rằng lão thầy chùa đang ăn với vẻ thích thú. Thích chí vì bắt gặp được kẻ thù đang làm chuyện mờ ám, sáng hôm sau y đến trình diện ở công đường của vị lãnh chúa. Người cầm đầu dòng họ Mori là Lãnh chúa Takayasu, một người thông minh và hơn nữa là tín đồ nhiệt thành của vị trụ trì, nhưng khi nghe câu chuyện ông ta khựng lại và tin rằng đó phải là sự thật. Đêm đến ông ta ẩn mình trong vườn chùa, và khi nhìn qua khe hở phòng phương trượng, chắc chắn rằng ông thầy tu đang ăn. Không chần chờ nữa, Lãnh chúa Takayasu tông cửa sổ vào phòng. Vị trụ trì ngạc nhiên, nhanh nhẹn che cái bát đang ăn và để vào chỗ khuất, rồi hỏi: “Có việc gì khẩn cấp mà ngài đến viếng chúng tôi vào giờ này? Xin tha thứ cho sự thất lễ đón tiếp ngài không được chu đáo.” Vị Lãnh chúa nghiêm khắc đáp: “Ở đây chẳng có chỗ để xin lỗi, thầy vừa dấu cái gì vậy?” Vị trụ trì nhiệt thành yêu cầu bỏ qua chuyện đó, lặp lại nhiều lần lời xin lỗi và cúi đầu sát đất. Nhà quý tộc từ chối, không nghe và dùng sức nắm lấy cái bát mà vị trụ trì miễn cưỡng đưa ra cho thấy trong đó chứa cái gì.

Sư nói: “Tôi xấu hổ e rằng việc này sẽ làm cho ngài chú ý. Ở đây, có nhiều tăng sinh từ nhiều nơi khác nhau trên đất nước này đến. Mặc dù tôi đã tác động họ không lãng phí ngay cả một giọt nước, vứt đi một cọng rau hay một hạt gạo. Tuy nhiên có nhiều người, đa số là những người trẻ tuổi, thay vì làm theo lời tôi nói, họ vẫn vứt đi những gốc rau, mày gạo xuống cống rãnh nhà bếp. Để chận đứng sự lãng phí này, tôi đã đặt một cái rổ nhỏ ở đầu ống cống, và khi tất cả đi ngủ, tôi nhặt lấy những gì hứng được trong đó, đem luộc đi để làm bữa ăn chiều của tôi. Tôi đã làm như vậy nhiều năm nay. Tôi rất tiếc câu chuyện hạ tiện làm phiền đôi tai tôn nghiêm của ngài.”

Nghe chuyện như vậy, vị lãnh chúa xúc động sâu xa, nước mắt trào ra, cầu xin thứ lỗi cho hành vi của mình. Khi vị trụ trì tạ lỗi, nhà quí tộc chắp hai tay cúi đầu trước sư.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

127. LẠC THÚ TRONG NÚI SÂU

Ngày xưa, khi vua Cao Tông nhà Đường ở Trung quốc hỏi một hiền triết tu Đạo trên núi: “Hiền giả lúc nào cũng sống trong núi sâu. Ở những nơi như thế có lạc thú gì?”

Vị sơn nhân đáp bằng bài thơ sau đây:

Trong núi có những gì?

Trong núi lắm mây trắng.

Nhưng muốn thưởng thức nó,

Bệ hạ phải thân hành,

Tôi không thể đem được

Mây lành về đây dâng.

Hoàng đế hỏi:

- Trong núi có những lạc thú gì?

- Tâu Hoàng thượng, trong núi sâu là lũ mây trắng tìm đến từ lâu. Sáng chiều vây quanh tôi, đem lại cho tâm tôi sự an tĩnh. Nhưng đây là niềm vui một mình tôi, bởi vì nó là cái gì chính mình phải kinh nghiệm lấy. Ôi lũ mây trắng! Tôi muốn bỏ chúng nó vào hộp đem dâng cho ngài, nhưng không thể làm được. Người ta không thể bắt mây đem cho người khác, thật là không may.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

128. VẼ RỒNG

Tất cả người Nhật đều biết họa sĩ đại tài Kano Tanyu mà tác phẩm của ông ngày nay vẫn còn ở chùa Diệu Tâm. Đây là câu chuyện lúc ông vẽ bức tranh con rồng vĩ đại trên trần chánh điện ngôi chùa. Đây là kiệt tác của ông và là một trong những kho tàng nghệ thuật của thế giới. Vào lúc mà trụ trì của chùa Diệu Tâm là Thiền sư Ngu Đường được nhiều người ca tụng, nổi danh là thầy thiên hoàng. Sư nghe nói rằng con rồng do Tanyu vẽ thực đến nỗi cái trần nhà được vẽ trên đó đã bất ngờ sập xuống, có người nói rằng ấy là do con rồng vẫy đuôi.

Khi người ta tranh luận về bức tranh con rồng, Thiền sư Ngu Đường đến nhà họa sĩ và bảo rằng: “Nhân dịp đặc biệt này, tôi đặc biệt muốn có bức tranh vẽ con rồng sống.” Tự nhiên họa sĩ khựng lại và nói: “Đây là điều bất ngờ nhất. Sự thật, tôi rất hổ thẹn mà nói rằng tôi chưa bao giờ thấy một con rồng sống,” phải từ chối sự tin cậy này. Tuy nhiên, Thiền sư đồng ý rằng thật là phi lý mong có một bức tranh vẽ con rồng sống từ một hoạ sĩ chưa từng thấy nó bao giờ, nhưng lại bảo họa sĩ rằng hãy cố nhìn thấy một con càng sớm càng tốt. Họa sĩ lấy làm lạ hỏi: “Người ta có thể thấy rồng sống ở đâu? Chúng ở chỗ nào?” “Chẳng có chi. Ở chỗ tôi có một số. Hãy đến xem và vẽ một con.” Tanyu vui vẻ đi với sư, và khi đến liền hỏi: “Đây tôi đã đến để xem rồng. Nào, chúng ở đâu?” Thiền sư đưa nắt nhìn quanh căn phòng, đáp: “Nhiều lắm đây này; anh có thấy không? Đáng thương thay!” Họa sĩ cảm thấy đầy hối tiếc, và kết quả đã tu tập Thiền cần mẫn với Quốc sư Ngu Đường trong hai năm kế đó. Một hôm có việc xảy ra, họa sĩ kích động vội vã chạy thẳng đến Thiền sư, nói: “Nhờ ơn thầy hôm nay con đã thấy hình con rồng sống.” “Ồ, anh đã thấy ư? Tốt. Nhưng hãy nói tôi nghe tiếng ngâm của nó như thế nào?” Với câu chất vấn này, họa sĩ lại bị lạc mất, và anh ta lại mất thêm một năm nữa để tu luyện tâm linh. Những gì họa sĩ vẽ vào cuối năm ấy là con rồng ở chùa Diệu Tâm, một tuyệt tác vô song trong lịch sử nghệ thuật, phi thường trong kỹ thuật nhưng sức sống mà nghệ sĩ đã truyền vào đó còn phi thường hơn nhiều.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

129. ÔNG KHÔNG HO ĐẤY CHỨ!

Đã lâu lắm ở Trung quốc có một anh chàng học Thiền loại tài tử, đến biểu diễn sự thành đạt của mình với Thiền sư Kosen. Anh ta dùng tên của Thiền sư để chơi chữ. Kosen có thể có nghĩa là “bột.” Anh ta hỏi: “Ấy là bột mì hay bột gạo?” Thiền sư chẳng quan tâm gì chuyện đó đáp: “Cứ thử xem.” Anh chàng cất cao giọng rống lên bắt chước tiếng hét mà một vài Thiền sư thường sử dụng, nhưng vị sư này chỉ nói: “Ông không ho đấy chứ, ông không ho đấy chứ !” và vỗ nhẹ lên lưng anh ta. Ngày nay cũng có nhiều kẻ nửa vời như vậy.

(Bước Đầu Đọc Thiền)

130. LỄ BÁI

Ngày xưa ở Trung quốc, Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận, khi đã đạt đến tột đỉnh thành tựu tâm linh, vẫn chí thành lễ bái Phật. Một đệ tử nghi ngờ hỏi:

- Hoà thượng cầu Phật hay cầu Đạo?

Sư đáp:

- Phật, Đạo đều chẳng cầu.

Đệ tử lại hỏi:

- Tại sao hòa thượng lễ bái?

Sư đáp:

- Chỉ lễ bái thôi.

Lễ bái cao cả như vậy. Lễ bái trước một người hay một cái gì khác mà trong đầu che dấu động cơ nào đó thì chẳng là gì. Lễ bái khi gặp một người quen là vô nghĩa. Nhưng “chỉ lễ bái thôi,” ấy là thấy Đạo. Hành động dựa trên cái thấy chân lý là hành động vĩ đại nhất.

(Bước Đầu Đọc Thiền)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4021)
Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươị Dòng sông ca hát nhảy nhót tung tăng từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát.
10/04/2013(Xem: 4818)
Thuở ấy khi vừa bước vào Thiên Đường, Bích Thảo đến đứng trước một cây kỳ lạ, cây vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Bích Thảo cúi chào cây một cách kính cẩn và hỏi : "Chào cây, cây có phải là cây của sự sống không?" Nhưng khi có con rắn muốn thay cây trả lời cho chàng thì Bích Thảo quay lưng bỏ đi.
10/04/2013(Xem: 4372)
Làng Mã Châu của tôi là một ngôi làng nổi tiếng về nghề nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa. Những ngày còn nhỏ, tôi thích đứng xem người lớn nuôi tằm. Nhìn những con tằm nhỏ li ti, bám vào những chiếc lá dâu xanh, nhả những sợi tơ trắng mong manh, cho đến khi trở thành những con nhộng cuộn tròn trong cái kén. Qua đó, tôi cảm nhận sự kỳ diệu của một quá trình sinh diệt không cùng của vạn vật.
10/04/2013(Xem: 15695)
Quý vị đang cầm trên tay quyển "Đại Đường Tây Vức Ký" được chuyển dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt là do kết quả của sự miệt mài dịch thuật của chúng tôi từ ngày 24 tháng 10 năm 2003 đến ngày 10 tháng 12 năm 2003 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân mùa nhập thất lần đầu tại đây.
10/04/2013(Xem: 2962)
Đúng vào hôm tôi vừa ở Phật Học Đường Báo Quốc về thì Vĩnh đến thăm. Anh đến mang cho tôi một chồng sách Phật viết bằng tiếng Pháp mà anh mới gởi mua ở tận xứ xa. Anh cũng không quên mang tặng chú Tâm Mãn một cuốn tự điển Pháp Việt mới xuất bản, bởi vì anh biết chú Mãn đang cần cuốn này để học thêm Pháp văn.
10/04/2013(Xem: 14550)
Tập truyện Phật giáo này, gồm trên 70 câu truyện, rút từ các kinh, luật và luận, hoặc những chuyện mắt thấy tai nghe, có liên quan đến Phật giáo, cũng đem vào. Tập truyện này viết theo ký ức, nên không nhớ nhân danh, địa danh và thời gian. Mong chự vị độc giả thông cảm cho.
10/04/2013(Xem: 16459)
Tác phẩm “ Life and Teaching of the Masters of the Far East » (1935) ”, hồi ký của Dr. Blair T. Spalding (1857 – 1953) Một phần của hồi ký đã được Nguyên Phong chuyển ngữ với tựa đề “Hành Trình Về Phương Đông”
10/04/2013(Xem: 12982)
Ngôi chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự nằm trên một triền đồi thoai thoải, mặt chùa quay ra hướng đông nam hướng về phía biển đông. Lưng chùa tựa sát vào vách núi. Chung quanh là những điện đường ngang dọc, xây theo lối cổ tự ngày xưa. Đây là một chùa bề thế được bao đời chúa Nguyễn sắc phong cho các vị trụ trì tiền nhiệm tại đó. Nên trong lòng ai cũng cung kính nể vì. Lý do là chùa xây dựng rất đúng với thuật phong thuỷ.
10/04/2013(Xem: 4279)
Trong mùa xuân của thời thơ dại Anselm thường thơ thẩn chạy khắp khu vườn xanh lá cây. Cậu bé yêu đặc biệt một loài hoa trong các hoa của mẹ : Hoa Huệ Kiếm
10/04/2013(Xem: 12124)
Ngay từ khi tôi còn thơ ấu, Ba vẫn thường kể câu chuyện về Kim Các Tự cho tôi nghe. Tôi ra đời trên một mũi biển hiu quạnh nhô ra ra biển Nhật Bản ở phía đông bắc Maizuru. Tuy nhiên, nguyên quán của Ba không ở đây mà ở Shiraku, miền ngoại ô phía đông thành phố Maizuru. Ba được thúc đẩy gia nhập giáo hội và trở nên tu sĩ trụ trì một ngôi chùa tên một mỏm đất xa xôi. Ba lập gia đình ở nơi này và sinh ra một đứa con trai, ấy chính là tôi vậy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]