- 01. Những giọt thầm trong cơn mưa đêm qua
- 02. Tình cờ nắng phai
- 03. Vị đạo sư tối thượng
- 04. Đi tìm quê hương
- 05. Bên kia sông
- 06. Hành trình về phương đông
- 07. Vá áo chép kinh
- 08. Viết trên cát
- 09. Sân khấu lịch sử
- 10. Người đưa thư không trở lại
- 11. Lòng sông cạn
- 12. Người giao hàng cần mẫn
- 13. Cây lá và con người - thảnh thơi và phiền não
- 14. Đi ngang trời thái không
- 15. Ngát hương mùa khai hạ
- 16. Món quà của vua Ma-kiệt-đà hiến tặng đức Phật
- 17. Mặc
- 18. Thiên Nhị Bá Ngũ Thập
- 19. Dòng sông và giọt nước
- 20. Trăng Sao Xóm Mới
- 21. Hồ sen và ao rau muống
- 22. Đồi gió thơm
- 23. Nhất tự vi sư
- 24. Tâm Nguyệt
- 25. Con đường thăng hoa tâm linh
Huệ Trân 2008
Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn những lá phong vàng sậm và đỏ ối, âm thầm rơi trong không gian tinh mơ quanh khu nhà quàn. Thấp thoáng vào, ra, là những người chít khăn tang trắng, gương mặt phờ phạc, buồn rầu.
Cả một trời thu im lắng, u hoài trùm phủ quanh tôi.
Ngồi trong lòng xe nơi bãi đậu, tôi đang chờ quý thầy, trên đường tới tụng kinh hộ niệm cho người quá vãng của một gia đình nghèo mà thầy tôi vừa tình cờ biết tin.
Gió nhẹ.
Lá thu rơi.
Người còn.
Kẻ mất.
Hợp rồi tan.
Ai cũng biết thế, nhưng dường như những lá thu rơi nhẹ nhàng, thanh thản hơn con người lúc ra đi. Lá lìa cành, theo gió, bay lượn êm ả như vẫy chào cây, rồi thầm lặng nằm trên mặt đất. Đất ân cần đón lá, lá an nhiên tiếp nhận nắng mưa, và lá biết rằng, rồi lá sẽ thành đất, để đất lại nuôi cây …
Bỗng nhiên, những tiếng gào khóc bật lên từ bên trong nhà quàn, vang động, xé rách không gian đang lặng lẽ! Tiếng khóc, tiếng kể lể, tiếng thảm thiết gọi tên người vừa chết làm xôn xao những người đang hiện diện.
Nhưng bên ngoài, nơi tôi vẫn ngồi yên trong lòng xe, gió thu vẫn thổi nhẹ, lá thu vẫn thong thả rơi, đất vẫn thầm lặng, nhẫn nhục, nhận những Đến và Đi…
Những tiếng khóc khi người-mất-người có mang chút nào ân hận vì đã chẳng tử tế đủ, khi còn nhau hay không?
Có lẽ nhiều ân hận, người ta mới khóc than như thế! Nếu sống với nhau mà tử tế, mà thủy chung như cây với lá thì sự ra đi chỉ là tạm biệt, là chuyển hóa.
Tử tế với nhau thì có gì ân hận lúc chia tay theo lẽ vô thường!
Tiếng gào khóc càng lúc càng bi thương. Phải chi tôi có thể kể cho người đang khóc nghe một câu chuyện ngắn mà tôi từng được nghe từ một vị giảng-sư.
Hai huynh đệ đồng tu, khá thân thiết, đang cùng đi trên sa mạc. Hai vị nói đủ các thứ chuyện quanh đề tài tu học, và ở một đề tài, có sự bất đồng đến mức huynh thẳng tay giáng cho đệ một bạt tai.
Đệ không nói gì, quỳ xuống trên cát, dùng ngón tay viết giòng chữ “Hôm nay bạn tôi đã tát tôi.”
Hai người tiếp tục đi, không ai nói gì với ai nữa.
Ngang qua một khu sình lầy, người em hụt chân, lún xuống bùn. Lập tức, người anh đưa tay, kéo em lên. Không một lời cám ơn, hai người tiếp tục đi, ra khỏi sa mạc, tới vùng đồi núi. Người em nhìn quanh, tiến tới một tảng đá lớn, dùng những viên sỏi nhọn, vận dụng hết sức lực để viết trên đá giòng chữ “Hôm nay bạn tôi đã cứu tôi”.
Lúc đó, người anh mới lên tiếng hỏi:
- Sao lúc huynh tát đệ, đệ viết trên cát, mà lúc cứu đệ, đệ lại viết trên đá?
- Thưa huynh, những tàn nhẫn, đau buồn, hãy viết trên cát để cát bụi thời gian xóa nhòa đi; nhưng những tử tế, ơn nghĩa phải viết trên đá mà ghi tâm khắc cốt.
Câu chuyện chỉ có thế, nhưng nước mắt tôi đã lã chã rơi vì biết rằng, giữa cõi ta-bà chập chùng những dối gian, bội phản, tàn nhẫn này, phải có bao nhiêu bãi cát để nhân gian viết đủ?!
Nhưng may thay, cũng an ủi, là đứng trước tảng đá, cắn ngón tay chảy máu làm mực, người con Phật còn lòng biết ơn sâu sa để viết xuống sáu chữ:
“NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”
(Tạm biệt trăng thu- thành phố Biển Dài)