Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Vị đạo sư tối thượng

05/09/201103:08(Xem: 3830)
03. Vị đạo sư tối thượng

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

Vị đạo sư tối thượng

hinhducphatTôn giáo nào cũng có những nhà truyền giáo, phát nguyện rao giảng những điều mà họ tin là mang đến hạnh phúc cho nhân loại. Những vị giáo chủ, người khai sáng ra tôn giáo đó, tất nhiên là nhà truyền giáo đầu tiên về đạo của mình.

Trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, vị giáo chủ, và cũng là nhà truyền giáo tích cực nhất, bền bỉ nhất, đơn giản nhất, từ bi nhất, không thể ai khác hơn là Đức Phật. Điều này không mơ hồ mà có thể chứng nghiệm, khi ngược giòng lịch sử qua tài liệu, kinh sách, biên khảo, nhận định v.v… từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay.

Suốt bốn mươi chín năm, Đức Phật đi không ngừng nghỉ, từ nơi giầu sang tới chốn nghèo hèn. Đến đâu, Ngài cũng tùy duyên hóa độ, chỉ dẫn con đường tìm được sự giải thoát rốt ráo, chấm dứt khỏi sinh tử luân hồi.

Thượng Tọa Narada Mahathera, tác giả cuốn “The Buddha” có cái nhìn rất sâu sắc khi nhận định rằng, hình thức thành lập tăng đoàn qua óc sáng tạo tuyệt luân của Đức Phật, chính là mô hình lý tưởng của một xã hội bình đẳng ngày nay. Ngài thâu nhận đệ tử không phân biệt giầu nghèo sang hèn, chỉ có sự phân định giới phẩm để nhận lãnh trách nhiệm sinh hoạt trong Tăng đoàn. (The Buddha established a classless society by opening the gates of the Sangha to all deserving individuals, making no distinction between caste or class. The only distinction was in the seniority of the ordination). Để nhấn mạnh rõ hơn điểm này, T.T Narada Mahathera đã dẫn chứng thêm lời phát biểu của học giả Lord Zetland, là nhiều người rất ngạc nhiên khi nhận ra hình thức hội chúng và thành lập Tăng đoàn mà Đức Phật đã thực hiện thời xưa, đang là những mô hình căn bản tại các nghị trường ngày nay (And, it may come as a surprise to many to learn that in the assemblies of the Buddhists in India two thousand years and more ago to be found the rudiments of our Parliamentary practice of the present day).

Ngài cũng là vị giáo chủ tạo nên lịch sử khi chấp thuận cho người nữ xuất gia. Bức tường bất công kiên cố không cho phép người nữ tại Ấn Độ được bước qua ngưỡng cửa nhà bếp, đã bị phá sập một cách nhẹ nhàng khi Đức Phật khéo léo và tế nhị đưa ra điều kiện Bát Kỉnh để phu nhân Kiều Đàm Di có cơ hội trở thành vị ni trưởng đầu tiên của giáo đoàn tỳ-kheo-ni, mở đầu kỷ nguyên mới cho người phụ nữ được thăng hoa đời sống tâm linh.

H.T.Tiến sỹ K. Sri Dhammananda, tác giả cuốn “What Is This Religion?” thì lại bầy tỏ lòng kính ngưỡng Đức Phật khi tôn xưng Ngài là Bậc Đạo Sư Vĩ Đại của nhân loại. Những lời dạy của Ngài từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, vẫn được áp dụng một cách hài hòa, thực tiễn cho đến ngày nay, là minh chứng hùng hồn về giá trị của giáo pháp mà Ngài đã tìm ra. Một triết gia mà cũng là một nhà lãnh đạo tài ba của Ấn Độ là Tiến sỹ S. Radha đã không dấu diếm niềm hãnh diện khi khẳng định rằng, Đức Phật Cồ Đàm là vị tiêu biểu tuyệt kỷ nhất cho mẫu người vẹn toàn sắc thái tinh hoa của Phương Đông. Tư tưởng của Ngài ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống nhân loại, dù người đó có là tín đồ của Ngài hay không. Vì sao? Vì giáo lý Ngài chỉ dẫn là con đường Trung Đạo, biểu trưng cho những hệ thống giáo dục và đạo đức căn bản, hành trì bằng tinh thần tự do để thực thi ba điểm chính là: Tránh điều xấu, làm điều lành và thanh tịnh tâm. (Middle-Way, a righteous way of life, an ethico-philosophical system and a religion of freedom and reason. It teaches us to do three main things, namely: Keep away from bad deeds, do good and purify the mind)

Một con người muốn hướng thiện, tất có thể biết trên lý thuyết là tránh ác, làm thiện nhưng nếu người ấy không biết thanh tịnh tâm thì không dễ gì kịp thời tránh ác hay nhiệt thành làm thiện. Chính vì thế mà Ngài luôn nhắc nhở, cảnh giác chúng sanh phải quán sát tâm hành. Hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm tạo, nên bằng nhiều phương thức khác nhau, những bài pháp mà Đức Phật tuyên giảng đều khuyên dạy con người từ bỏ bản ngã vốn vị kỷ của mình để sống đời vị tha, vì ai biết cho, người ấy sẽ giầu có

Khi viết cuốn “The Three Greatest Men in History”, nhà sử học nổi danh H.G. Well cũng đồng ý với giáo sư Joad rằng, trong ba vị đạo sư vĩ đại vào thế kỷ thứ sáu trước tây lịch thì Đức Phật Cồ Đàm chính là bậc vĩ nhân cao thượng nhất. Ấy thế mà Ngài lại luôn tiêu biểu cho những gì cực kỳ đơn giản, hòa nhã, dạy các đệ tử nhìn Ngài như một con người bình thường, tuyệt đối không được tôn sùng Ngài như một đấng thần linh, vì một đấng thần linh khó có thể gần gũi với khổ đau một cách hiện thực. Chính vì lời dạy “vô thần linh” này mà nhà văn Bertrand Russell phải thốt lên lời cảm khái không thể kìm giữ nổi khi ông tìm hiểu về Đạo Phật: “Ôi, Đức Phật Cồ Đàm, Ngài quả là nhà vô thần thánh thiện nhất của nhân loại dưới bất cứ thời đại nào” (The greatest atheist of all times)

Muốn cảm thông những lời ca ngợi này, chỉ cần nhìn tổng quát con đường Đức Phật đã đi chúng ta cũng thấy ngay những nét tuyệt hảo về một con người thực, tuy có mặt trên thế giới này mà vẫn như huyền thoại bởi vì người đó đã soi tỏ được những gì tối tăm nhất, hóa giải được những dị biệt hằn sâu nhất, an ủi được những gì khổ đau nhất, mở rộng được những cánh cửa ngục tù kiên cố nhất... Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước mà Đức Phật đã thành công trong cuộc cách mạng nhân quyền với bối cảnh lịch sử, xã hội khắc nghiệt thời đó.

Chỉ nhắc lại thôi, cũng khiến chúng ta rúng động. Một xã hội với những giai cấp như được phân chia từ muôn kiếp trước. Sinh ra trong nhà trưởng giả thì đương nhiên làm chủ, toàn quyền sinh sát những kẻ sinh ra trong kiếp tôi tớ, nghèo hèn, không gì có thể chuyển hóa, thay đổi được. Ấy thế mà, với lòng Từ Bi vô cùng, với Trí Tuệ vô song, với Dũng Cảm vô bờ, Đức Phật đã độ cho người gánh phân nhập Tăng đoàn. Một người ở giai cấp hạ tiện là thành phần không bao giờ được ngẩng mặt nhìn một người ở giai cấp khác, nói chi tới việc trở thành một vị sa môn là giai cấp mà vua quan cũng phải cung kính cúi chào.

Thực hiện điều này, Đức Phật đã sẵn sàng chờ mọi phản ứng. Thì đây, tin đồn đã đến tai vua Pasenadi. Nhà vua không thể tin được lời đồn nên quyết định tìm Đức Phật mà hỏi cho ra. Các vị giáo chủ những giáo phái khác xin tháp tùng nhà vua vì họ cũng không thể chấp nhận một điều mà họ cho là sự sỉ nhục!

Tới trước Kỳ-Viên-tự, nhà vua muốn một mình vào trước nên bảo mọi người chờ bên ngoài. Lững thững tiến về hướng tịnh thất của Đức Phật, nhà vua thấy thấp thoáng đó đây, bóng dáng những vị tu sỹ nhẹ nhàng di động hoặc tĩnh lặng tọa thiền. Dù trong tư thế nào, những đệ tử của Đức Phật đều tỏa sáng năng lượng đạo hạnh, an lạc khiến nhà vua vô cùng kính phục.

Khi vừa rẽ vào con đường có dòng suối nhỏ thì nhà vua nhìn thấy một thầy trẻ đang thuyết pháp trên một phiến đá lớn, xung quanh, khoảng hơn hai chục thầy khác đang lắng nghe với sự khâm phục và thích thú. Nhà vua cũng dừng lại dăm phút và bị lôi cuốn ngay bởi nhân dáng nhu hòa, giọng nói trầm tĩnh, lời pháp từ bi, xúc tích. Nhà vua tự nhủ, để gặp Đức Phật xong rồi sẽ trở lại đây cúng dường vị thầy trẻ đáng quý này.

Có ngờ đâu, khi hỏi tên người đang thuyết pháp trên phiến đá thì Đức Phật mỉm cười nhẹ nhàng:

- Đó là Sunita, là người gánh phân mới nhập Tăng đoàn không lâu đó.

Thành trì sụp đổ cũng không thể kích động nhà vua hơn, khi nghe Đức Phật xác nhận như thế!

Không tốn một thanh gươm, không đổ một giọt máu, mà sự bất công mọc rễ nhiều đời tự bật gốc trước ánh sáng của Bi Trí Dũng.

Nhưng, ai là người có đủ Bi Trí Dũng để là nhà-hiền-triết kỳ tài khi thuyết giảng những triết lý thâm sâu bằng sự đơn giản xúc tích cho người nghe nắm bắt được?

Là nhà đạo-đức-học cao trọng khi đưa ra những quy tắc nghiêm minh tột bực nhưng với hình thức từ bi để người nghe noi theo được?

Là nhà xã-hội-học uyên thâm khi san bằng những bất công mà không làm xáo trộn xã hội?

Là nhà lãnh-đạo-tự-do đã tôn trọng tuyệt đối tự do của người khác khi luôn nhắc nhở những người đi theo mình, là chớ vội theo tôi khi chưa tự suy xét những điều tôi nói?

Là nhà-khoa-học lỗi lạc khi từng giảng nhiều lần về lý-duyên-khởi, về sự tương nhập, tương túc mà tới năm 1986, khoa học gia Alan Aspect mới chứng minh được sự tương dung?

Là nhà tâm-lý-học sâu sắc, nhìn Tâm như một họa sỹ tự vẽ mọi cảnh trí, để dạy chúng sanh biết rằng, con người là những hành động của chính họ?

Vân vân … và vân vân …. Hằng hà sa số những điều mà không một vị giáo chủ của một tôn giáo nào có thể hội tụ đủ.

Vị giáo chủ tột cùng cao thượng, tột cùng trí tuệ như thế lại là người thường khuyến khích chúng sanh rằng: “Ta là Phật đã thành. Các con là Phật sẽ thành”.

Sự khiêm cung của Ngài song song với ân đức vô lượng Ngài đã ban cho nhân loại là điều chúng ta có thể hiểu, vì sao, đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, giáo lý của Ngài vẫn rực sáng với mọi thời gian, không gian.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Huệ Trân
(Cốc Thảnh Thơi – Tháng Ba, 2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4445)
Sừng sững trên cánh đồng lúa chiêm vùng bắc ngạn sông Đuống, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tụ hội năm ngọn núi khôi vĩ Ma Khám...
10/04/2013(Xem: 4623)
Hạ bước vào quán lúc 12 giờ trưa, cô đảo mắt nhìn quanh, thật khó tìm một chỗ ngồi rộng rãi ở cái quán nổi tiếng là thức ăn ngon này...
10/04/2013(Xem: 7807)
Thuở xưa có một gia đình nọ, cha mẹ chết để lại cho hai anh em một cơ sở khá vững vàng. Hai anh em vui sống trong cảnh hòa thuận và được sự ...
10/04/2013(Xem: 8764)
Một sinh thể đã xuất hiện trong cuộc đời như chưa từng có, đến lúc từ giã ra đi cũng thật nhẹ nhàng như cánh nhạn lưng trời. Vốn xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, được bẩm thụ cái gen của tổ phụ từng nổi tiếng văn chương, lại hấp thụ tinh hoa của địa linh sông Hương, núi Ngự - một vùng đất được xem là cái nôi của văn hóa Phật giáo miền Trung. Khi trưởng thành, thể hiện phong thái của một bậc nữ lưu tài sắc vẹn toàn, nhưng túc duyên thôi thúc, sớm rõ lẽ vô thường, dễ dàng từ bỏ cảnh phú quí vinh hoa, hâm mộ nếp sống Thiền môn thanh đạm.
10/04/2013(Xem: 4461)
Bác Lý, anh Dần và một số đông dân làng Cẩm Thành đã hai ba đêm nay rồi, họ cứ tụ nhau ở bên hàng giậu bông bụt của nhà ông đội Giai. Ông này ...
10/04/2013(Xem: 4332)
Trong thơ văn Phật giáo có hai câu thơ quen thuộc : Thấy nguyệt tròn thì kể tháng...
10/04/2013(Xem: 4682)
Vợ chồng người em gái tôi ở tận Gành Đỏ, Sông Cầu, điện thoại tha thiết mời tôi đến nhà thăm chơi. Từ ngày hai vợ chồng em đến đó lập nghiệp, tôi ...
10/04/2013(Xem: 4751)
Chú Ðôi bao giờ cũng hát chỉ mỗi giai điệu ấy! Ðó là bài hát “Ánh trăng sáng ngời, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ...” Chú không ...
10/04/2013(Xem: 5408)
Nếu không muốn nói rằng chúng ta chưa thật sự quan tâm đến lãnh vực này trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp, thì còn lại là hiện trạng tre đã ...
10/04/2013(Xem: 4347)
Ðại Ðức NÀRADA, Mahà Thera là một vị Tỳ Khưu trứ danh người Tích Lan. Ngài là một vị cao tăng đã nắm vững chắc phần giáo lý cao siêu nhà Phật...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]