Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Nai cứu người

26/03/201108:33(Xem: 6288)
4. Nai cứu người

CHUYỆN PHẬT ĐỜI XƯA
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

NAI CỨU NGƯỜI

Đối với những bậc đại từ bi, sự đau khổ của người khác cũng chính là đau khổ của mình. Dù không tự mình gánh chịu, nhưng nhìn thấy người khác đau khổ cũng sinh tâm thương xót và cảm thấy như chính mình đang đau khổ.

Vào thời đức Phật Thích-ca còn tu đạo Bồ Tát, có một câu chuyện như thế này:

Trong một cánh rừng sâu kia, có cả trăm ngàn thứ cây và dây leo mọc dày khít với nhau, chằng chịt qua lại. Trong đó có cả trăm ngàn loài thú vật, như: nai, mểnh, mang, heo, bò, voi, trăn, beo, cọp, chó sói, sư tử, gấu... Các loài thú qua lại sống chung tự do trong rừng, không hề có bóng dáng con người. Thật là một cảnh thong dong, tự tại, sung sướng vô ngần đối với muông thú.

Thuở ấy, có một con nai chúa tuyệt đẹp, lông mịn như tơ và sáng như vàng ròng, trên thân mình nai là những đường sọc có nhiều hạt châu đủ màu chói sáng. Đôi mắt hiền hậu và trong trẻo của nai sáng lấp lánh như hai hạt kim cương. Sừng và móng của nai cũng là những món châu báu lay động. Nai chúa chính là hiện thân của Bồ Tát để giáo hóa cứu độ chúng sanh đang mang thân cầm thú.

Nai chúa tự biết thân thể của mình dễ gợi lòng tham của loài người, và cái gọi là tình thương của loài người thì mong manh lắm. Bởi vậy nai xa lánh vào tận rừng sâu, thích ở nơi ấy chứ không để cho ai trông thấy. Nai chúa lanh lợi và khôn ngoan lắm. Nhiều người thợ săn đã từng tìm đủ cách như giăng lưới, đặt bẫy, đào hố... song nai luôn biết được và tránh né một cách tài tình.

Có một đoàn thú đi theo nai chúa, nghe theo lời chỉ dạy của nai như một ông thầy và oai quyền của nai chúa đối với bầy thú như một ông cha.

Một hôm, nai chúa đang ở trong rừng sâu. Gần đó có một con suối lớn, nước chảy rất xiết vì vừa qua những trận mưa lớn. Bất chợt nai nghe có tiếng kêu cứu rất thảm thiết của một người bị dòng nước cuốn: “Cứu tôi với! Cứu tôi với! Có ai không, cứu tôi với!”

Tiếng kêu cứu làm cho tấm lòng Bồ Tát nai chúa phải xúc động. Ngài thốt ra tiếng người và lớn tiếng trấn an người bị nạn rằng: “Đừng sợ! Đừng sợ!” Rồi ngài nhanh chóng nhảy ra khỏi rừng sâu, tìm đến bên bờ suối. Ngài nhìn thấy một người đang chơi vơi giữa giòng.

Tâm từ bi chuyển động, ngài không nghĩ gì đến thân mạng mình có thể gặp hiểm nguy, chỉ một lòng nghĩ đến việc cứu vớt người kia. Ngài lội nhanh xuống dòng nước xiết, nhanh chóng bơi ra đến giữa dòng, đến bên người bị nạn và gọi lớn: “Ông hãy bình tĩnh, cứ nương dựa vào thân tôi, tôi sẽ dìu ông vào bờ.” Nhưng nạn nhân lúc ấy đang run rẩy, mất cả bình tĩnh tĩnh, không làm theo lời ngài mà vừa bám được đến gần đã leo hẳn lên lưng ngài. Nước chảy rất xiết, cõng thân người rất nặng, nhưng ngài có tâm từ bi với sự dũng mãnh của một tâm hồn cao thượng hết lòng cứu người, nên cố sức lội được vào bờ.

Khi đưa được nạn nhân vào bờ, ngài mừng lắm, quên hết cả nỗi mệt mỏi và đau đớn. Rồi ngài đem hơi ấm của thân mình mà ấp ủ cho nạn nhân qua cơn rét lạnh. Khi người ấy đã tỉnh táo và hồi phục, ngài mới chỉ đường cặn kẽ cho anh ta ra khỏi rừng.

Dù là thân quyến, anh em hay bằng hữu cũng chưa hẳn đã có được cử chỉ xả thân cứu người như vậy. Hành vi cứu giúp của ngài làm cho người kia hết sức cảm động. Khi đã tỉnh hồn sau cơn khiếp sợ, người kia mới nhận ra thân thể của ngài rực rỡ và sáng đẹp vô song, Anh ta sửng sốt ngắm nhìn và kính nể lắm, liền quỳ xuống lạy và thưa rằng: “Hôm nay ngài xả thân cứu tôi sống sót. Việc làm này, cho dù là với những người thương yêu nhau từ thuở nhỏ, với những người bạn thân hay bà con thân thuộc, cũng không dễ gì làm được. Giờ đây, mạng sống này là của ngài. Nếu ngài có việc cần đến nó, tôi xin vui lòng dâng hiến nó cho ngài. Nếu như ngài có bất cứ điều gì cần đến xin cho biết, tôi nguyện đem thân mạng này mà phụng sự cho ngài.”

Nai chúa khen rằng: “Đối với một người biết giữ theo đạo lý, sự biết ơn là việc bình thường, không ai lấy làm lạ. Song đối với cõi trần thế với những sự bại hoại thường xảy ra, thì sự biết ơn đã trở nên một đức tính hiếm có. Nay tôi dặn ông điều này, nếu như ông nhớ ơn tôi, xin ông đừng kể chuyện này ra cho bất cứ ai biết. Vì thân hình tốt đẹp như thân hình tôi đây vốn là miếng mồi ngon cho loài người thèm muốn, mà cái lòng thương xót của con người lại yếu ớt lắm, một khi lòng tham đã dấy lên thì họ dễ dàng quên hết sự liêm sỉ. Ông giữ kín được chuyện này tức là giữ gìn được mạng sống cho tôi. Xin ông hãy nhớ lời tôi dặn.”

Người kia hứa sẽ nhớ lời và không nói ra cho ai biết. Sau đó, anh ta quỳ lạy, đi nhiễu vòng quanh nai chúa một cách cung kính rồi mới từ biệt trở về nhà.

Thuở ấy, bà hoàng hậu trong xứ ấy thường nằm mộng thấy được những điều có thật. Dù cho giấc mộng của bà có lạ lùng đến đâu nhưng cũng thường ứng nghiệm thành sự thật. Rồi một hôm, bà ngủ mê và mộng thấy một con nai chúa ngự trên một cái ngai, thân hình đẹp đẽ vô cùng, toàn thân có những hạt ngọc lớn nhỏ đủ màu chói sáng, lại có triều thần chầu theo, và nai chúa nói được tiếng người mà giảng dạy đạo pháp. Bà lấy làm xao xuyến, ngạc nhiên. Ngay lúc ấy thì có tiếng trống trong thành làm bà thức giấc. Bà liền vào cung đến gần đức vua, được vua ân cần đón tiếp và yêu mến.

Bà đem giấc mộng lạ thuật lại và tâu với vua rằng: “Tâu bệ hạ, trong cung điện của bệ hạ đã có đủ các thứ châu báu, vật quý trong thiên hạ, nhưng chưa từng có vật nào quý báu bằng con nai chúa ấy, thân hình nó có đầy châu ngọc quý giá tự nhiên. Nay bệ hạ nên cho người cố sức bắt con nai chúa ấy về. Đó mới thật là báu vật có một không hai trong thiên hạ.”

Tất nhiên là vua tin theo lời hoàng hậu. Ngài nghe theo lời tâu của bà, một là để đẹp lòng bà, hai là vì lòng tham con nai quý. Vua truyền lệnh cho các tay thợ săn trong khắp nước, bảo phải tìm cho bằng được con nai ấy. Và mỗi ngày, tại kinh thành người ta truyền rao như thế này:

“Chuyện cổ tích có ghi chép về một con nai màu vàng ròng, khắp mình có cả trăm hạt châu chiếu sáng. Có nhiều người đã trông thấy nó. Vậy ai đem mang nộp hoặc chỉ đường cho vua bắt nó thì được phong thưởng một thôn ấp phồn thạnh mà cai trị cùng với mười người mỹ nữ.”

Người được nai chúa cứu mạng ngày trước nay đang sống ở kinh thành. Hằng ngày lắng tai nghe rõ lời truyền rao ấy, người nghĩ tới sự nghèo khó của mình thì buồn rầu chán ngán, bỗng nảy ra ý xấu. Nhưng người cũng nghĩ tới ơn cứu mạng của nai chúa và lời dặn dò khi chia tay. Một đàng là lòng tham đối với sự vinh hoa phú quý, một đàng là sự biết ơn đối với kẻ đã cứu mạng mình. Trong lòng anh ta ray rứt, dằn vặt không thôi, nửa muốn giữ phận nghèo mà làm người tốt, nửa lại muốn bôi mặt một phen để hưởng lấy sự giàu có, vinh hoa.

Anh ta ngày nào cũng suy nghĩ: “Ta biết làm sao bây giờ? Ta nên giữ lấy đạo đức, hay nên chộp lấy cơ hội này để được giàu sang? Ta nên trọn nghĩa với người ơn hay nên cứu lấy sự nghèo khó của gia đình? Ta nên giữ làm người lương thiện hay nên theo sự ứng xử của kẻ thế tục tầm thường? Ta nên chọn sự giàu sang sung sướng hay chọn theo gương sáng của những bậc hiền lương? Ta nên vì sự sung sướng trong hiện tại hay nên nghĩ đến quả báo xấu xa phải gánh chịu đời sau?”

Rồi sự tham lam dần dần chiếm lấy tâm ý của người, nó xúi giục người nghĩ rằng: “Hay là ta cứ chọn lấy sự giàu sang. Được giàu có rồi, ta sẽ nuôi nấng cha mẹ, bà con, thân quyến... Ta sẽ bố thí và cúng đường, sẽ lo làm những việc phước thiện để có công đức cho tương lai.”

Rồi người cho rằng ý tưởng ấy là thích hợp với mình. Người bỏ qua việc nhớ tưởng đến ơn cứu mạng ngày trước, bèn đến hoàng cung xin được vào gặp đức vua. Người tâu rằng: “Muôn tâu bệ hạ, tôi biết con nai quý và chỗ ở của nó. Bệ hạ cứ cho người đi theo tôi. Tôi sẽ chỉ ra chỗ ở của nó.”

Vua nghe lời ấy mừng lắm, đáp rằng: “Khanh hãy dẫn đường cho ta. Ta sẽ đích thân đi bắt nó.” Rồi vua mặc quần áo đi săn, có cả một đoàn quân theo hộ tống. Ngài ngự ra khỏi kinh thành và đi theo người kia mà đi đến cánh rừng nơi nai chúa sống. Ngài cho quân lính vây bủa khắp chung quanh cánh rừng. Rồi ngài tự tay cầm cung tên, chọn những tay thiện xạ và dũng sĩ khỏe mạnh theo hầu, theo chân người chỉ đường mà tiến sâu vào rừng. Đến giữa rừng, người kia từ xa nhìn thấy nai chúa đang nghỉ ngơi thong thả trên bãi cỏ, bèn chỉ cho vua: “Tâu bệ hạ, con nai ở kia kìa! Bệ hạ hãy nhìn xem cho kỹ!” Ngay khi người ấy đưa tay ra mà chỉ con nai, thì bàn tay ấy bỗng đứt ngang nơi cổ tay mà rơi rụng xuống như bị một lưỡi gươm sắc chém ngang qua. Đối với hạng người vô ơn bạc nghĩa, lấy oán trả ơn như vậy, thì quả báo đã đến ngay trong hiện tại.

Khi ấy, vua nhìn thấy được nai chúa. Trong đám rừng xanh, thân thể của nai hiện ra với những hạt châu sáng rực, như hào quang sáng đẹp tỏa ra chung quanh làm cho ai nhìn thấy cũng bị lôi cuốn. Vua lấy làm thích thú, muốn mau chóng bắt được nai chúa nên liền giương cung lên và đến gần hơn để bắn…

Khi ấy, nai chúa bỗng nghe tiếng reo hò dậy lên khắp bốn phương tám hướng, liền giật mình tự biết rằng: “Ta đã bị bao vây khắp hết mọi ngã rồi!” Ngài nhìn thấy nhà vua đang tiến đến gần mà bắn mình. Khi ấy, ngài vẫn bình tĩnh, thốt ra tiếng người một cách rõ ràng và nói với vua rằng: “Đại vương, xin hãy tạm dừng tay đừng bắn. Tôi có điều muốn biết, xin ngài giải thích cho tôi. Từ xưa nay tôi ẩn cư chốn này, xa cách hẳn với người đời, làm sao ngài có thể biết được chỗ tôi sống mà tìm đến đây. Ai đã chỉ đường cho ngài?”

Vua nghe nai thốt ra tiếng người thì lấy làm kinh ngạc, vội dừng tay hạ cây cung xuống. Rồi khi nghe rõ câu hỏi của nai chúa, ông liền hất tay chỉ vào tên bất nghĩa: “Chính là người đó đã chỉ đường cho ta.” Nai chúa nhìn biết người kia, liền nói rằng: “Người ơi, nay người làm chuyện bất nghĩa này chính là tự hại lấy mình, người có biết không?”

Vua nghe câu ấy thì lấy làm lạ, liền hỏi nai rằng: “Ngài quở trách đó là về chuyện gì? Tôi nghe ngài nói ra được tiếng người, lòng tôi kinh ngạc lắm. Hỡi thú linh, ngài nói đó là nhằm vào ai? Là người, là thú hay là chim?”

Nai chúa đáp: “Trước đây người này sắp chết đuối, nhờ tôi ra sức cứu sống. Nay tôi vì anh ta mà bị hại. Nhưng việc ác này của anh ta vốn là tự hại lấy mình, chỉ vì tham lam, ngu si nên không biết đó thôi.”

Vua nghe nói mới hiểu ra sự tình, trong lòng khinh bỉ, đưa mắt nhìn người kia một cách gắt gao, vẻ mặt chứa đầy sự hăm dọa. Vua xẳng giọng phán hỏi: “Có phải trước đây ngươi được nai cứu sống hay không?”

Người kia vừa sợ, vừa xấu hổ, mồ hôi đổ như tắm, mặt tái xanh, ấp úng đáp rằng: “Dạ... phải...”

Vua quát to: “Thật đáng xấu hổ quá!”

Rồi vua giương cung định bắn chết anh ta. Song nai chúa nhìn thấy kịp, động lòng từ bi liền chạy đến đứng chặn ngang trước mặt vua và nói: “Đại vương, tội ác của anh ta đã bị trừng trị rồi, ngài không cần ra tay trừng trị nữa. Khi sự tham lam đã khống chế trong lòng người ta thì họ dễ dàng quên mất đạo lý và những việc hợp theo lẽ phải. Khi sự nghèo khó ám ảnh trong tâm trí người ta, thì họ dễ sa vào các mối tham dục, bám theo danh lợi cũng như con thiêu thân khờ khạo lao đến chỗ ánh đèn. Xin đại vương mở rộng lòng thương, đừng giận giữ làm gì. Người ấy làm việc này là vì muốn được ban thưởng, xin ngài cứ ban thưởng cho anh ta khỏi hoài công. Còn thân tôi đây, tôi chấp nhận để cho ngài bắt lấy!”

Đức vua rất cảm động vì tấm lòng từ bi của nai chúa đối với kẻ hại mình. Ngài nhìn nai một cách kính nể và phán rằng: “Lành thay! Lành thay! Đối với người hại mạng ngài mà ngài còn tỏ lòng từ như vậy! Với tấm lòng đại đức ấy, ngài mới xứng là đáng làm người, còn như chúng tôi đây chỉ mang lấy cái hình dáng con người mà thôi! Ngài đã mở lòng thương mà xin ban thưởng cho hắn ta, tôi xin nghe theo. Còn ngài, tôi xin được để cho ngài tự do đi khắp trong nước của tôi, bất luận chỗ nào.”

Nai chúa đáp: “Tôi nhận lời của đại vương. Mong rằng sự gặp gỡ này sẽ giúp ích cho cả đôi bên.”

Vua liền thỉnh nai chúa lên long xa như một bậc thầy, dùng nghi lễ trọng hậu mà đưa về kinh đô, tiếp đãi như bậc thượng khách. Vua lại mời nai chúa lên một cái ngai lớn, rồi triệu tập các quan văn võ và phi tần trong cung nội đến, thỉnh cầu nai chúa thuyết pháp. Vua nói: “Thưa ngài, hiện nay nói về đạo lý thì sự hiểu biết của con người chia ra lắm nẻo. Ngài biết được sự chân thật, xin ngài truyền dạy cho chúng tôi.”

Khi ấy, nai chúa thể hiện tâm địa của hàng Bồ Tát, vì đức vua và đại chúng, dùng lời lẽ êm dịu và hùng hồn mà thuyết pháp:

“Này đại vương, chỉ một tâm từ bi là đủ bao quát hết thảy mọi đạo lý. Người có tâm từ bi thì trọn đời không giết hại sinh mạng chúng sanh; không trộm cướp, lường gạt tài sản của kẻ khác; không làm việc tà dâm với vợ hoặc chồng của người khác; không nói dối, không nói lời độc ác, gây hận thù hay gây chia rẽ người khác; và không uống rượu để giữ lấy sự tỉnh táo, sáng suốt mà hành đạo từ bi. Giữ trọn được những điều ấy chính là giềng mối căn bản nhất mà cũng là cao cả nhất trong tất cả các đạo lý.

“Này đại vương! Nếu con người có được tâm từ bi, thì dù cho đối với bà con thân quyến hay với kẻ xa lạ, cũng không thể nghiêng theo sự bất công và độc ác mà làm hại đến người.

“Chính vì không chịu nuôi dưỡng tâm từ bi, con người mới thường xuyên phạm vào những điều ác bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, đối với những người thân thuộc cũng như đối với kẻ xa lạ.

“Ai muốn điều thiện thì nên nuôi dưỡng lòng từ bi, vì do nơi đó mà sanh ra được những quả lành. Cũng như mưa xuống có thể giúp cho cây cối đơm hoa kết trái, lòng từ bi tăng trưởng cũng vậy, có thể giúp cho nảy sinh đầy đủ mọi đức tánh tốt lành.

“Nếu trong tâm mình biết nuôi dưỡng lòng từ bi, mình sẽ không sa ngã vào nẻo ác. Nếu tâm ý mình trong sạch, thì lời nói và việc làm đều không phạm vào các điều ác. Lòng từ bi thương xót luôn muốn cứu giúp, mang lại sự lợi ích cho mọi người, do đó mà càng làm tăng trưởng tâm bố thí, làm phát sanh tâm nhẫn nhục, cùng với nhiều đức tánh tốt đẹp khác nữa.

“Người có tâm từ bi không làm cho kẻ khác tán loạn, luôn mang lại sự an ổn cho người khác, vì chính mình đã được an ổn rồi. Người có tâm từ bi đặt lòng tin cậy nơi mọi người khác như với người thân thích của mình. Người có tâm từ bi không bị sự thúc giục của lòng sân hận, không bị lửa giận đốt thiêu, vì trong lòng luôn sẵn có sự tươi nhuận mát mẻ của đức từ bi.

“Tóm lại, hết thảy các vị hiền nhân thánh triết đều khuyên nên lấy việc nuôi dưỡng lòng từ bi làm đạo lý căn bản nhất. Ai nuôi dưỡng được lòng từ bi thì cũng làm tăng trưởng tất cả các đức tính tốt đẹp khác. Này đại vương, ngài nên thương lấy tất cả mọi người như thương con cái của mình, như thương chính bản thân mình. Nếu ngài biết nuôi dưỡng lòng từ bi, làm tăng trưởng mọi điều thiện, tất cả thần dân đều sẽ đem lòng cảm phục, kính mến ngài, làm cho danh phận, ngôi vị của ngài ngày càng trở nên cao quý và vững chắc.”

Vua được nghe bài thuyết pháp ấy, rất lấy làm hoan hỷ. Ngài phát nguyện cùng với dân chúng trong thành phố và nơi thôn dã khắp nước ngài đều sẽ gắng sức làm theo lời dạy ấy. Từ đó, ngài ban lệnh ra khắp nơi trong nước, bảo vệ cho hết thảy các loài chim muông cầm thú đều được an ổn tự do, không còn bị loài người làm hại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/04/2018(Xem: 4790)
Mẹo hay Đánh cược với hòa thượng, cậu bé thắng một gánh củi nhưng để mất thứ quý giá gấp nhiều lần
30/03/2018(Xem: 9421)
Ngày xưa có chú nai hiền Nhởn nhơ vui sống giữa miền hoang sơ Trong khu rừng rậm ven bờ Sông Hằng cuồn cuộn sóng mờ nhân gian. Dáng nai đẹp đẽ dịu dàng Sừng trong nước ngọc, thân vàng ánh châu Nhưng mắt nai lắng u sầu Thương cho trần thế nhuốm mầu bi ai, Nai nghe, nói được tiếng người Nai là Bồ Tát một thời hiện thân. Bên nai muông thú quây quần Coi nai như mẹ muôn phần yêu thương
21/03/2018(Xem: 9655)
Tu Viện Quảng Hương Già Lam, thường được công chúng gọi ngắn gọn là Chùa Già Lam, tọa lạc tại quận Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, do Hòa thượng Thích Trí Thủ sáng lập vào năm 1960, đây chính là nơi đào tạo tăng tài (cấp đại học) để hoằng dương chánh pháp, phụng sự Phật đạo. Ban đầu, chùa có tên là Giải Hạnh Già Lam, đến năm 1964 được đổi tên là Quảng Hương Già Lam, do lấy tên của một vị học tăng pháp danh Quảng Hương đã vị pháp thiêu thân vào năm 1963 ở Sài Gòn.
16/03/2018(Xem: 15353)
Bí Mật Xứ Tạng (sách pdf) Thích Minh Thế
13/03/2018(Xem: 9950)
Đại hành giả yogi Milarepa sinh trưởng tại tỉnh Gungthang miền Tây Tây Tạng. Ngài là con trai của một chúa đất giàu có tên là Mila Sherab Gyaltsen. Nhưng năm lên bảy tuổi, cha Ngài lâm trọng bệnh và qua đời, trước đó ông đã giao phó toàn bộ gia sản và gửi gắm vợ con mình cho chú thím của Milarepa rồi dặn dò khi nào Milarepa trưởng thành thì chú thím phải trả lại tài sản cho Milarepa và cô em gái. Thế nhưng sau khi cha Ngài mất, người chú và người thím xấu xa tước đoạt toàn bộ gia tài, họ còn bắt ba mẹ con Milarepa phải làm việc như những kẻ nô bộc trên đồng ruộng mà không được trả công. Khi Milarepa lớn lên, chú thím không những không trả lại gia sản mà còn cho rằng đó là phần mà cha Ngài phải trả nợ cho họ. Tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục, mẹ của Milarepa gửi Ngài đi học huyền thuật để trừng phạt những kẻ vong ân bội tín. Chẳng bao lâu sau, Milarepa thành thục quyền năng huyền thuật hủy diệt và trong khi trả thù chú thím, Ngài đã sát hại rất nhiều người vô tội. Vô cùng hối hận t
13/03/2018(Xem: 8631)
Tôi rất vui mừng khi được một người bạn mời đóng góp cho trang tôn giáo, tiết mục Phật giáo, trên website của Gia đình Mũ đỏ vùng Thủ đô Hoa Thịnh đốn & Phụ cận, Trước khi bắt đầu cho những bài viết sắp tới, tôi xin được nói về bản thân mình, điều mà rất hiếm khi tôi thường nói đến. Vì tôi nghĩ, nói về Nhảy dù mà bản thân chẳng có một ngày nào sống trong binh chủng này, hay nói về Tae Kwon Do mà không biết tí gì về võ thuật, hay nói về kỹ thuật nhảy toán mà chưa một ngày mang huy hiệu thám sát của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, thì khi nói đến ai mà tin. Vì vậy tôi phải nói một ít về bản thân, tạo niềm tin cho đọc giả với những bài viết về Phật giáo sau này.
09/03/2018(Xem: 11822)
Tuy là thầy của Nhật Hoàng Thiền sư vẫn thích lang thang du hành Ngài tuy đã rất nổi danh Vẫn làm khất sĩ dạo quanh khắp vùng. Một hôm ngài chợt tạm ngừng Ghé ngôi làng nhỏ trên đường lãng du Trời chiều tăm tối âm u Mưa rơi tầm tã, gió ru lạnh lùng Thân ngài thấm ướt vô cùng Dép rơm tơi tả muốn bung đứt rồi. Tại ngôi nhà nhỏ ven đồi Thấy vài đôi dép bày nơi cửa ngoài Ngài bèn ghé lại tìm người Hỏi mua dép mới thay đôi cũ này, Một bà ở tại trong đây Biếu ngài đôi dép. Lòng đầy xót xa
01/03/2018(Xem: 9308)
Con người còn sống là còn nhiều chuyện để làm, để nói, và suy nghĩ. Ngay cả sau khi chết, sự sống vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức khác. Dù tu chứng đến thành Phật hay Bồ tát thì các ngài vẫn có chuyện để làm, đó là tiếp tục ra vào sinh tử độ sinh, và công việc đó không bao giờ chấm dứt. Mạng sống của con người có ngày chấm dứt nhưng sự sống và dòng đời trôi chảy bất tận.
01/03/2018(Xem: 14226)
Từ lâu Kinh Phật dạy rồi: "Những điều chứa ẩn ở nơi Tâm người Luôn luôn biểu lộ ra ngoài: Tâm như họa sĩ đại tài khéo tay Vẽ muôn hình tượng giống thay, Chúng sanh nên gắng tu ngay Tâm mình!".
04/02/2018(Xem: 5039)
Các trung tâm Bưu điện Úc ( Australia Post – Mail Centre ) có thể nói là nơi dung nạp hay nói đúng hơn là nơi lựa chọn công việc để nương thân của một số những người VN tỵ nạn trong những năm đầu tiên được định cư nơ xứ sở tốt đẹp nầy. Công việc được tuyển dụng vào các trung tâm thư tín nầy là lựa thư ( mails sorting ) và đã được hệ thống Bưu điện Úc gọi cho một cái tên tương đối cũng vui vui là “Mail Officer “ . Việc làm tương đối không có gì cực nhọc, lương bổng cũng tạm hài lòng so với những công việc hiện thời, nhiều over time nên càng có cơ hội để kiếm thêm tiền, công việc vững vàng, ổn định, vì là thuộc diện Job chính phủ, rất hợp cho hoàn cảnh của những người VN tỵ nạn nữa thầy, nữa thợ nơi đây, nói vậy chứ một số lớn người VN làm cho ngành Bưu điện Úc, ngoại trừ một số người có mưu cầu cao hơn, thì cũng ít người bỏ việc nữa chừng, họ đã từ cái job nầy mà được ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao, của rộng, xe cộ xênh xang, đời sống khá vững vàng, đủ điều kiện lo cho con cái ăn học nê
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]