Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Bạn cũ

26/03/201107:18(Xem: 3658)
19. Bạn cũ

HOA CỦA MỖI NGƯỜI
Tác giả: Diệu Kim

PHẦN II: HƯƠNG ĐẠO TÌNH ĐỜI

BẠN CŨ

Hai mươi sáu năm rời mái trường trung học y tế Long Xuyên, bạn bè gần như "biệt tích". Nhân dịp đám cưới con anh bạn trong lớp, cũng tổ chức tại Long Xuyên, cả bọn nhất quyết phải họp mặt cho bằng được. Thế là săn tìm số điện thoại của nhau, gọi điện, mời mọc, thúc hối… Cuối cùng, được chừng ba mươi đứa có mặt, coi như đạt hai phần ba sĩ số. Thôi, "quá bán" đã là thành công!

Hai mươi sáu năm, thời gian đủ làm phai nhoà ký ức, xoá đi những gương mặt thân quen giữa bộn bề cát bụi trần gian. Cho nên, gặp lại nhau có đứa đứng sững hồi lâu không nhớ nổi tên bạn. Thậm chí không nhớ nổi gương mặt này đã từng ngồi chung lớp. Hic, ra đường dám... chửi lộn lắm à! Nhưng rồi cũng nhận ra nhau, thế là nhảy cỡn lên, hét ầm ĩ. Nhiều đứa nói thiệt tình cả đêm không ngủ được vì nôn nóng. Những đứa ở rất xa hơn 200, 300 cây số đã định không về, nhưng cũng ráng tranh thủ, bây giờ thở phào, nếu không về thì thực sự hối hận.

Bạn cũ, mở danh sách ra xem, đứa còn đứa mất. Anh bạn mắt kính cận ra đi trước tiên, chỉ sau mấy năm tốt nghiệp. Một cuộc đời rất buồn, cô đơn, sinh ra bê tha, nhậu nhẹt. Một chị hiền thục, dịu dàng cũng ra đi, nghe đâu do bệnh nặng. Một anh bạn cao kều, mảnh khảnh cũng không còn. Và vài đứa khác không họp mặt được vì đang nằm dưỡng bệnh. Ôi, sanh lão bệnh tử, lẽ đời đâu lạ! Nhưng vẫn bùi ngùi, da diết. Còn những gương mặt khác biệt tăm, không biết nơi đâu. Vài đứa nghe tin tha phương cầu thực xứ người, có khi cách hai đầu đất nước, có khi cách cả một đại dương. Không biết bao giờ gặp lại!

Bạn cũ, nhắc lại chuyện "ngày xưa ta bé ta ngu...". Đứa nào yêu đứa nào, đứa nào đã nên duyên và đứa nào gãy gánh giữa đường. Có thằng bạn hồi xưa ốm nhách mà khoái con nhỏ mập ù, nên cả phòng ghẹo là "thằn lằn ôm cột đình". Bây giờ hai đứa nhìn nhau rúc rích cười, bởi thằng bạn bây giờ lại mập ù còn con nhỏ thì ốm lại. Thằng bạn khác lau chau nhất phòng cứ hay cãi lộn với con nhỏ "trẻ nít" nhất phòng, không ngờ lấy nhau lại hạnh phúc bền vững. Còn hai đứa học giỏi nhất nhì trong lớp, yêu thương khắng khít vô cùng lại ly dị sớm nhất. Thằng bạn không đi họp mặt, không biết có phải lý do "bận việc nhà" hay là không muốn gặp lại người xưa. Còn con nhỏ tưởng như dữ dằn nhất trong bọn không ngờ lại có chữ "nhẫn" vô song, một mình nuôi con để chồng di du cùng vợ bé. Một đứa khác, chồng mới chết, chắc đang ngồi nhà gặm nhấm nỗi buồn...

Ôi, chuyện tình thời sinh viên, ngọt ngào và cay đắng, sum họp và chia ly, dẫu sao vẫn cứ rạng rỡ, khó quên. Kể cả những mối tình đơn phương, không dám hé môi, bạn bè vẫn nhắc lại như một nét son thật đẹp. Bởi tuổi trẻ không bao giờ trở lại, trái tim dù rung động lần hai, lần ba vẫn không thể trong veo như lần đầu rung động...

Bạn cũ, ngồi bên nhau nói mãi không thôi, bàn tiệc dọn ra hình như y nguyên, không mấy ai đụng đũa. Chả bù cho ngày xưa ở ký túc xá, ăn cơm bông cỏ, húp canh "toàn quốc", xăn quần lội ba ngày mới đụng cọng rau. Cái thời mỗi tháng mua được con cá hay miếng thịt tem phiếu là coi như ăn cỗ. Hè nhau đem ra khu đất trống sau trường mà nấu nướng. Cái nồi nhôm móp méo là cả một gia tài, chỉ cần lượm thêm những miếng gỗ vụn đâu đó là đủ ca bài Nổi lửa lên em. Nhiều đứa bạo gan, quạt than ngay trong phòng nấu luôn, bảo vệ có đi ngang thì lật đật giấu. Cái thời lúc nào cũng đói, cũng thèm ăn, bây giờ lại kiêng ăn, sợ béo. Vậy là no đủ, là mừng. Nghe có đứa cất nhà lầu hai ba tầng, nhìn kiểu cách xài di động xịn, biết bạn mình khá giả, bụng rất vui!

Bạn cũ, cuộc đời rẽ theo mỗi hướng khác nhau. Có đứa đã học lên thành bác sĩ, có đứa giậm chân tại chỗ, thậm chí có đứa bỏ nghề, nên ngồi lặng lẽ đắm mình trong khói thuốc. Nhìn lại lớp y bây giờ đủ cả công an, chủ tịch, nhà báo, chủ tiệm tạp hoá, quán kem, tài xế xe hơi, chủ khách sạn mini... thôi kệ, cũng vui! Miễn sao bạn mình sống hạnh phúc là được rồi.

Nhưng nhân cách và tài năng hình như cũng thay đổi theo thời gian. Trong cùng cơ quan, đứa này lại trở thành thủ trưởng của đứa kia, đôi khi khó xử. Đứa lại quen thói quan cách, tiếp chuyện bạn mà vẫn ngả người trên ghế thủ trưởng trong khi bạn lại ngồi nơi bàn nước ở xa xa. Bạn tức cười, không trách, biết nó vô ý mà thôi. Một cô bạn hồi nào ăn nói vụng về nhưng giờ lại trở thành "cô giáo" tập huấn chuyên môn cho xã, huyện, tự nhiên dính vào nghiệp sư phạm. Một cô khác hồi nào hiền như đất giờ lại dám chống tiêu cực, đối đầu với sếp của mình. Thằng bạn đẹp trai thì râm ran dư luận là "bồ nhí" tùm lum... Chạnh lòng, thầm mong đừng có ai sa ngã, xin cứ giữ mãi trái tim trong trắng của ngày xưa...

Cuối cùng, nhìn bạn, chợt thương. Gương mặt nào cũng thấp thoáng vết thời gian. Có đứa được khen "trẻ, đẹp", nhưng thật ra chỉ là so sánh với đứa già hơn mà thôi, chứ làm sao trẻ đẹp như xưa! Chỉ cần bạn cười là thấy dấu chân chim. Và mái tóc cũng lẫn nhiều sợi bạc. Nhìn gương mặt gầy của cô bạn gái, hiểu nó đã bôn ba thế nào để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Thấy cái trán hói của thằng bạn cũ, hình dung nó phải gồng gánh cả một cơ quan và con đường hoạn lộ. Thôi thì cứ hồn nhiên chấp nhận tuổi già, và dũng cảm khoe đã lên chức sui gia hoặc nội ngoại. Cuộc đời đã hằn dấu vết lên mỗi người, hạnh phúc hay đau khổ đều hiển hiện, làm sao giấu được.

Cho nên, vui được chút nào mừng chút đó, để hôm sau lại trở về với bổn phận, với miếng cơm manh áo, lại cất tình bạn vào một ngăn kéo nào đó của ký ức. Lúc chia tay không khóc, mà xe lăn bánh nước mắt mới rơi...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/05/2011(Xem: 2196)
Một bà mẹ đang ngồi bên đứa con thơ. Bà rất buồn vì đang lo đứa con bà chết mất. Đứa bé xanh rớt đã nhắm nghiền đôi mắt và đang thoi thóp.
22/05/2011(Xem: 2462)
Con sông Gu-đơ-na xinh đẹp và trong vắt chảy qua miền Bắc bán đảo Jutland, chạy dọc theo một cánh rừng bát ngát, rải sâu vào hậu phương.
22/05/2011(Xem: 2608)
Đêm nay là đêm giao thừa, trời lạnh như cắt, tuyết rơi không ngừng. Một cô gái nhỏ lang thang trên con đường trong đêm đen và giá buốt.
12/05/2011(Xem: 2342)
Trong một ngôi nhà, cạnh Hoàng trường mới, phố Đông, thành Côpenhagơ, chủ nhà đang tiếp khách. Khách hôm ấy rất đông...
12/05/2011(Xem: 4832)
Cung điện của Hoàng đế đẹp nhất trần gian, làm bằng một loại sứ rất quý, nhưng dễ vỡ, mỗi khi chạm đến phải thật nhẹ tay...
12/05/2011(Xem: 2589)
Xưa có một cô bé, người cô bé tí teo, bé và xinh như một con búp bê. Nhà cô nghèo, không sắm nổi cho cô đôi giày.
12/05/2011(Xem: 2583)
Tại nhà ông lái buôn giàu có nhất trong tỉnh tụ tập một đám trẻ, con cái các gia đình giàu có và quyền quý. Ông lái buôn là người có học...
09/05/2011(Xem: 3181)
Những giọt lệ của A Tư Đà là kết tinh của chí nguyện, ưu tư và sự tha thiết của một hành giả đã dành trọn đời mình để tầm cầu chân lý tối hậu.
09/05/2011(Xem: 15128)
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm (năm đó). Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."
09/05/2011(Xem: 20369)
Bài giảng cuối cùng, Câu chuyện xúc động về Giáo sư Randy --Cuốn sách mà bạn sắp đọc đây là 53 ngày sau đó nữa, là cách GS Randy Pausch tiếp tục những gì ông đã bắt đầu trên giảng đường hôm ấy, với sự giúp đỡ của nhà báo Jeffrey Zaslow. Hằng ngày vẫn đạp xe để tập luyện, trong 53 lần đạp xe như vậy ông đã trò chuyện với Jeffrey Zaslow qua điện thoại di động. Zaslow đã chuyển những câu chuyện thành cuốn sách này. Ngày 8-4-2008, sách được phát hành tại Mỹ. Hơn ba tháng sau, ngày 25-7-2008, gs Randy Pausch qua đời.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]