Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Quê hương

26/03/201107:18(Xem: 3229)
2. Quê hương

HOA CỦA MỖI NGƯỜI
Tác giả: Diệu Kim

PHẦN II: HƯƠNG ĐẠO TÌNH ĐỜI

QUÊ HƯƠNG

1.

Tôi lớn lên nơi quê ngoại ngót ba chục năm, nên mặc nhiên trở thành một "dân quê" chính hiệu. Lúc lên thành phố sinh sống, chiều chiều là chảy nước mắt nhìn ra cửa sổ, nhớ câu thơ của Thôi Hiệu "Nhật mộ hương quan hà xứ thị- Yên ba giang thượng sử nhân sầu." Phố không có sông, chỉ có những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo uốn lượn và hoang vắng một cõi lòng... Rồi những ngày tết, lễ, bồn chồn đôi chân muốn xuôi xe về quê cũ. Đà Lạt, Vũng Tàu, thiên hạ kéo đi chơi, còn tôi cứ lò dò về lại đồng bằng.

Như "hội chứng chiến tranh Việt Nam" của những người lính Mỹ, tôi cũng bị một "hội chứng nhớ quê" như thế, không trở về là tâm trí như chơi vơi, làm cái gì cũng không ra hồn, ăn cái gì cũng không thấy ngon, bước đi mà như mộng du giữa bốn bề phố xá. Cho nên, phải về, bằng mọi giá phải về. Một năm, tôi ngược xuôi mấy chuyến, mệt nhoài, nhưng trở lại phố phường mới thấy nhẹ tênh, mới tiếp tục lao đầu vào cơn lốc xoáy của đời sống công nghiệp. Quê hương mỗi người chỉ một- như là chỉ một mẹ thôi... Ừ, có lẽ!

2.

Cái xóm lao động nghèo ôm lấy con hẻm nhỏ. Thôi thì đủ thứ thành phần. Anh Mẫn chạy xích lô, chú Tám honda ôm, thằng Tí xì ke, con Thủy chiều chiều chưng diện sặc sỡ rồi ra đường đứng, bà Bảy bán bún xào, chị Hai Dần mát-xa, chú Thành công nhân xây dựng... Chiều chiều là nghe tiếng mấy đứa nhỏ đi rao khắp hẻm: "Giấy dò đây! Giấy dò đây!" Giấy dò vé số, dò luôn cả số đề. Dò xong, người buồn hiu, kẻ chửi thề, inh ỏi.

Chập choạng tối là một sòng bài con nít rôm rả dưới ngọn đèn công cộng. Bên cạnh đó, vợ anh Thẩm bán hột vịt lộn và bún cua cằn nhằn con Thúy: "Ăn thiếu mấy bữa rồi mậy? Bữa nay thiếu nữa hả?" Nói vậy mà tay chị ta vẫn bốc cái hột vịt đưa cho con Thúy. Nó cười hì hì: "Cho thêm rau răm đi bà!"

Một chiếc honda chạy vù vù qua cua hẻm, suýt đụng phải một chiếc khác đi ngược lại. "Chạy gì dữ vậy? Đồ quỷ!" Mấy con chó nhà anh Chánh được cột ngay ngã ba đường cái để tắm, sủa lên um sùm và lắc lắc cái đuôi cho nước chảy tràn ra hẻm, trôi xuống miệng cống gần đó. Cô Hương xách nước tưới mấy chậu kiểng nơi ban công bé xíu của mình, cũng tranh thủ làm ướt con hẻm không thua gì anh Chánh...

Tôi lại ló đầu ra cửa sổ, nhìn...

3.

Đang bực bội vì bài viết cứ bị sếp sửa đi sửa lại hoài, tôi buông máy vi tính ra ngồi nơi hàng hiên hóng gió. Chợt giọng hát từ nhà ai ngân dài. "Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi. Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang. Tôi gối tay anh để ôn chuyện xưa cũ. Gói trọn trong nỗi nhớ...". Giọng ca Thanh Thúy buồn não nuột một thời. Tôi bàng hoàng. Nghe như xóm làng quê ngoại đâu đây. Những ngày xưa nơi quê cũ, chiều chiều lại nghe tiếng nhạc vàng boléro réo rắt. Cái thứ nhạc mà người ta vẫn coi là "sến", nhưng quá đỗi thân quen, chất chồng kỷ niệm, làm nên cái chất của người quê hồn hậu. Và những giai điệu xuyến xao kia cứ len vào xóm nhỏ, len vào ký ức của người xa quê, để thấy quê hương sao gần thật là gần!...

4.

Sáng, mở cửa dắt honda đi làm, ngạc nhiên thấy đống rác hôm qua biến đâu mất dạng. Mấy đứa nhỏ cứ ngồi trước cửa nhà xả rác, tôi bực, không thèm quét nữa, cứ để "dơ" như thế thì khỏi đứa nào ngồi. Lũ khó ưa, ăn bánh phồng tôm, cắn hạt dưa, xả đầy bậc thềm, lại còn chửi thề, đánh lộn. Nhưng lạ hén, bữa nay tự động dọn rồi sao? Tôi ngó qua ngó lại, thấy bà Bảy bún xào đang rửa dĩa kế bên. Bà cười: "Tôi quét sân, sẵn quét luôn cho cô rồi." "Ủa, hôm nay bà không đi bán à?" "Muốn bịnh quá cô ơi, nghỉ một ngày cho khỏe." "Bà uống thuốc chưa?" "Nhờ cô Hai Dần cạo gió là hết liền. Cô đi làm trễ vậy?" "Dạ, không trễ đâu bà Bảy. Con đi nhe. Cám ơn bà Bảy quét giùm cái sân." "Ối, có gì đâu!"

Ngang qua mấy con chó nhà anh Chánh đang phơi nắng, tôi rúm người lạng xe sát hẻm. Anh ta cười: "Cô đừng sợ, nó hổng cắn đâu. Hi hi, cô thích không, tui cho cô một con." Nhìn mấy chú cẩu đen thui, to tướng, phát ớn. Tôi lườm: "Đem nấu lẩu thì có!" Thế là buổi trưa đi làm về, ngang qua nhà, anh ta đã kêu ầm lên: "Lẩu cầy đây! Lẩu cầy đây!" Tôi phì cười, vọt xe thiệt lẹ.

Chiều, bắc nồi cơm lên, mới phát hiện hết chanh hết ớt, làm sao ăn nước mắm tỏi. Làm biếng xuống tới chợ. Chậc, "Bác Năm ơi, bác cho con xin một miếng chanh." Bác Năm lật đật vô lục ngăn bếp. "Đây cô, cô cứ xài thoải mái. Cô cần gì thêm không?" Tôi ngần ngừ: "Dạ... bác có ớt thì cho con luôn..." "Hạnh, hỏi má mày còn ớt không, cho cô Kim mấy trái. Cô về nhà đi, tui biểu nó đem qua liền à." Bé Hạnh đang chơi với bé Nga cháu bác Năm, liền chạy ù về nhà lấy ớt đem tận tay tôi, kèm theo một nụ cười răng sún. Tôi nấu cơm xong, múc một tô canh nóng hổi bưng qua bà Bảy. "Bà ăn đi cho giải cảm. Canh này bổ lắm đó." Bà Bảy chớp chớp mắt, cảm ơn lia lịa.

5.

Tôi mở cửa, nói với mấy đứa nhỏ: "Nè, tụi con đừng xả rác nghen. Ăn xong phải lượm hết rồi bỏ vô thùng rác. Ngoan, cô thương." "Dạ, dạ..." "Đứa nào thích đọc truyện tranh vô cô cho đọc." Lũ nhỏ reo lên: "A! Con đọc, con đọc!" Tôi cho tụi nó vào nhà. Một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Mạnh đứa nào nấy giựt, rồi chửi nhau... Tôi đập cây thước lên bàn: "Im nào! Đứa nào làm rách sách cô cho ra khỏi lớp. Các con có thích học trong lớp của cô không, cô sẽ dạy học cho các con." "Thích, thích. Mà học cái gì vậy cô?" "Học Anh văn, học vẽ, học ca hát..." "Hoan hô! Học liền đi cô!" "Cô chưa mua bút màu kịp. Mà thôi, bây giờ mình học ca thử nghen. Bài Good morning. Nhìn lên bảng, lắng tai nghe nè..." Cả chục cặp mắt tròn xoe mở to, cả chục cái miệng cùng hát theo vang trời. A ha, hay quá tụi bây ơi...

Thế là tôi thành cô giáo bất đắc dĩ. Nhưng vui lạ lùng. Ra tới ngõ đã nghe học trò kêu réo: "Cô Kim ơi, cô Kim ơi!" Tôi nhoẻn miệng cười liên tục. Cứ chiều chúa nhựt, tụi nhỏ tự động ôm sách vở tới nhà tôi, có khi má nó đi theo... ngó trộm. Tôi dành dụm tiền mua bánh kẹo thưởng cho tụi nhỏ, kèm theo câu dặn dò: "Không được chửi thề nha." "Dạ." "Không được đánh bạn nha." "Dạ." "Bớt đánh bài nữa nha." "Dạ." Rõ ràng, 10 phần bớt được 4, 5... Thôi, thế là quá mừng!

6.

Lại về quê. Vui mấy ngày cùng ruộng đồng xanh mướt. Rồi lật đật trở lên. Mấy đứa nhỏ mong cô giáo. Thằng Tí xì ke đang đi cai nghiện, gởi lời cám ơn cô đã chăm sóc đứa con của nó. Bà Bảy lại quét sân giùm. Anh Chánh cứ rao: "Lẩu cầy đây! Lẩu cầy đây!" Còn cậu Minh thợ mộc thì chạy qua mượn tôi cuốn truyện cổ Phật giáo. Cậu cười: "Em coi tập 1 hết từ hôm qua, mong chị về quá chừng để mượn tập 2." Tôi mở tủ lấy cuốn sách cưng, vẫn còn ngạc nhiên: "Em đọc lẹ thiệt đó!"

Chiều chiều, tôi vẫn thường ngồi nơi cửa sổ, man mác trong lòng "Nhật mộ hương quan hà xứ thị..." nhưng không còn chảy nước mắt nữa. Bởi nhìn đâu cũng có thể thấy quê hương!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/12/2010(Xem: 2434)
Đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tự là Trọng, vốn người có tài kinh bang tế thế. Ngày còn hàn vi, chưa gặp thời thường cùng bạn là Bảo Thúc Nha đi buôn chung.
02/12/2010(Xem: 7011)
"Không vào hang hùm sao bắt được cọp con", nguyên Hán văn: "Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử". Đó là lời nói bất hủ của tướng Ban Siêu đời nhà Hán ở Trung Hoa.
28/11/2010(Xem: 2542)
"Thao lược" cũng gọi là "Lục thao, Tam lược". Đây là hai bộ sách thuộc về binh pháp cổ Trung Hoa.
25/11/2010(Xem: 2649)
Cây đàn bằng gỗ, thùng đàn hình thang, cần dài. Đầu cần có trạm hình đầu con ngựa. Cung đàn làm bằng đuôi ngựa.
22/11/2010(Xem: 2712)
Ở núi Xuân Đài, xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) có động Hồ công. Phía trước động ngoảnh về sông Mã.
22/11/2010(Xem: 3077)
Thái Diễm cũng gọi là Thái Văn Cơ, một nữ sĩ tài hoa đời Tam Quốc (220-264). Cha nàng là Thái Ung, có tài thẩm âm vào bực nhứt cổ kim.
22/11/2010(Xem: 2928)
Bá Nha, người đời nhà Tấn, làm quan Thượng Đại Phu. Một hôm đi sứ nước Sở trở về, đến sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu trăng thanh gió mát...
16/11/2010(Xem: 4639)
Tôi lên chùa Túy Vân hai lần. Lần thứ nhất bằng đường biển, từ thuyền Đá Bạc thẳng vào. Đó là năm 1987, đất nước còn quá nghèo, chùa hoang phế, cây mọc ngang nhiên cả trên cổng chùa, xoi bể gạch đá. Vào bên trong, ôi thôi, tàn tích thê thảm, mái nát, tượng hai hàng câm nín trong u tịch, vườn loang lổ vết tích chiến tranh. Buồn lòng, tôi đi vòng ra sau chùa, leo dốc, nhìn xuống biển tìm cửa Tư Hiền, nhìn lên cao vơ vẩn tìm một con chim bay có lông biếc như mây trời Túy Vân.
16/11/2010(Xem: 2785)
Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời; bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn.
14/11/2010(Xem: 2669)
Hồ nằm về phía đông bắc thành phố Đà Lạt (khoảng 5 cây số). Nơi đây trước kia là một vùng hoang vu, giang sơn của những loài thảo mộc...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]