Tôi lên chùa Túy Vân hai lần. Lần thứ nhất bằng đường biển, từ thuyền Đá Bạc thẳng vào. Đó là năm 1987, đất nước còn quá nghèo, chùa hoang phế, cây mọc ngang nhiên cả trên cổng chùa, xoi bể gạch đá. Vào bên trong, ôi thôi, tàn tích thê thảm, mái nát, tượng hai hàng câm nín trong u tịch, vườn loang lổ vết tích chiến tranh. Buồn lòng, tôi đi vòng ra sau chùa, leo dốc, nhìn xuống biển tìm cửa Tư Hiền, nhìn lên cao vơ vẩn tìm một con chim bay có lông biếc như mây trời Túy Vân.
Lần thứ hai, cách đây non hai năm, tôi lên Túy Vân như một du khách biệt đãi: có xe riêng đi thẳng một lèo bằng đường bộ, có thầy Trung Hậu hướng dẫn, được lạy Phật giữa chánh điện đã sửa, ngắm nghía hai hàng tượng thẩm mỹ, thưởng thức một thắng cảnh hồi sinh, và, trước đó, được đọc thơ đề tặng chùa của vua Thiệu Trị khắc vào bia trước cổng:
Tích thúy toàn ngoan bất kế xuân
Cầu long ẩn phục liệt lân tuần
Thú thực, đọc thơ xong, nhìn bãi biển, tôi không khỏi ngậm ngùi. Vẫn còn đấy màu biếc tích chứa trong núi non đã bao nhiêu đời. Nhưng đâu rồi rắn rồng ẩn mình trong chốn hang động? Trước bãi, ngay sát cổng chùa, thuyền chài dàn dựng thành xóm. Sát hông, quán nước, chợ búa tranh nhau làm chủ giang sơn, máy phát thanh ồ ạt phóng ra nhạc đủ loại.
Cho nên, lẳng lặng, tôi lại đi vòng ra phía sau, leo dốc tìm mây biếc trong tên chùa trên đỉnh Túy Vân. Vài hố bom vẫn còn đó, hầm cá nhân chưa lấp hẳn, nhưng sau chùa đã quang đãng, đứng trên tháp nhìn xuống biển khơi lòng cứ lâng lâng hào khí, tưởng mình như tướng quân ngày trước, viễn vọng trời biển để bảo vệ gấm vóc nước non. Nghĩ đến vua Minh Mạng thỉnh thoảng đến viếng núi này để nhẹ lòng lại càng kính phục cái nhìn thẩm mỹ của người xưa, biết chọn nơi đâu đẹp, không phải chỉ để ngắm, mà còn để sám hối lỗi lầm, bởi vì nơi cái Đẹp có cái Thiện.
Trở lại chánh điện, trời đã xế chiều, hoàng hôn như chực phủ xuống núi non, ngôi chùa vắng lặng bỗng càng thêm quạnh quẽ. Tự nhiên tôi cảm thấy hiu hắt, nhìn thầy Minh Chính bên cạnh bỗng chạnh lòng một cách vô lý. Thầy còn rất trẻ, mới tốt nghiệp Học Viện đã lãnh nhiệm vụ trông nom ngôi chùa rất xa thành phố, lạc lõng trên chốn núi đồi này.
Trong u hoài của buổi chiều sơn thủy, tôi hỏi: thầy ở đây có buồn không? Thầy nói không, Túy Vân là nơi thầy chọn. Trong chùa, chỉ một mình thầy, trừ một ông già “ở đậu thường xuyên”. Một mình thầy trên non dưới biển, giữa quần chúng nghèo xác nghèo xơ. Chùa tuy mới tu sửa nhưng vẫn còn quá đơn sơ, nghèo xơ nghèo xác.
Tôi chưa có thì giờ để nhìn chỗ thầy ở, vừa mới đến đã gặp thầy, mừng tíu tít, chưa kịp uống nước đã được thầy dẫn đi xem chùa, leo tháp. Tôi muốn hỏi thầy có sách để đọc không, nhưng sợ thầy nói không thì chắc tôi chết đứng giữa sân. Nhưng tôi không thấy thầy buồn, chỉ thấy thầy quyến luyến không muốn rời khách.
Tôi cảm động đến nghẹn cổ, thấy đạo còn vững nơi chốn hẻo lánh xa xôi, bình thường, giản dị, như ngàn năm vẫn thế, hết thế hệ này qua thế hệ khác, bao giờ cũng có người trẻ tiếp nối người già. Không nói thêm được gì nữa, tôi bước theo thầy xuống bậc dốc, ra cổng.
Trên đường về, thầy Trung Hậu chỉ cho tôi: chỗ này là quân Pháp đổ bộ, chỗ kia là chúng tập trung lính tráng, chỗ nọ là chúng tiến quân hãm kinh thành. Túy Vân nằm ngay trang đầu của lịch sử mất nước, khi tàu chiến của Pháp phá vỡ phòng thủ Thuận An, tấn công Huế, chiếm kinh đô, chính thức đô hộ. Chúng thắng ta không phải vì chúng mạnh mà vì ta yếu; ta yếu vì ta đầy loạn ở bên trong. Làm thế nào để trị loạn ở bên trong, ngày xưa cũng như ngày nay? Tôi biết câu trả lời của thầy Minh Chính: quét chùa, tụng kinh, khổ và vui với quần chúng nghèo nơi ven núi góc biển.
Tôi làm nghề dạy học nên lúc nào cũng khuyến khích học, nhưng học không phải là đi xa để kiếm mảnh bằng. Xa phồn hoa, thầy Minh Chính vẫn có thể tiếp tục học được nếu thầy có sách. Và học như thế, lắm khi thành đạt hơn đi xa, bởi vì có học có tu thì mới trị loạn được, trước hết là trị loạn ở nơi mình. Thầy Minh Chính chỉ bình dị quét chùa thôi và chắc chẳng nghĩ gì đến chuyện đời cao xa, nhưng Túy Vân còn hay Túy Vân mất, đâu có phải chẳng liên quan gì đến hưng vong của lịch sử?
Ngày trước, Túy Vân là biên phòng của kinh đô vì trấn ngự cửa biển Tư Hiền. Ngày nay, bao nhiêu biên cương của đất nước đang thiếu những Túy Vân với những người quét chùa bình dị? Họ quét chùa thôi, nhưng không phải chỉ để sạch sân chùa. Để sạch cho nước.
Nhớ Túy Vân, tôi xin gởi đến các vị quét chùa một mẫu chuyện đạo. Như các vị biết, kinh 42 chương có hai văn bản bằng chữ Hán khác nhau: bản trước ra đời rất xưa, vào khoảng Hậu Hán hay Tam Quốc; bản sau, lưu hành khoảng đầu Tống, có thêm thắt đây đó chút ít phong vị của thiền. Bởi vậy, bài thứ 7 của bản trước trở thành bài thứ 9 của bản sau, thứ tự đổi mà văn khí cũng khác, tuy nội dung vẫn thế.
Bài thứ 7 của bản trước chép: “Phật nói, hành đạo thì phải chăm lo bác ái. Mà bác ái bố đức thì không gì hơn bố thí. Bền chí mà thờ đạo như vậy thì phước rất lớn”.
Bài thứ 9 của bản sau sửa lại: “Phật nói, đọc rộng sách vở, đắm say đạo lý thì đạo khó thể hội. Cố thủ tâm chí, tôn sùng đạo hạnh, thì đạo rất lớn lao”.
Ảnh hưởng của thiền đã khá rõ, nhưng vẫn không rõ bằng bản dịch Anh ngữ của Suzuki. Suzuki dịch bài thứ 9 của bản sau như thế này: “The Buddha said: If you endeavour to embrace the Way through much learning, the Way will not be understood. If you observe the Way with simplicity of heart, great indeed is this Way”.
Nếu dịch ra tiếng Việt từ bản Anh ngữ của Suzuki, bài thứ 9 trở thành như sau: “Phật nói, nếu ta cố gắng học đạo bằng cách đọc nhiều sách, ta sẽ không hiểu đạo. Nếu ta nhìn đạo với tâm bình dị, đạo ấy rất lớn”.
Tôi không biết Suzuki dịch như thế là sát hay thoáng. Tôi đoán câu dịch của Hòa Thượng Trí Quang sát hơn. Nhưng đọc Suzuki thì hiểu rất dễ. Có thể màu sắc thiền trong câu dịch của ông được tô đậm quá. Nhưng hai vế của câu kinh ăn ý với nhau chặt chẽ, vế trên và vế dưới cắt nghĩa cho nhau rất khớp, khiến người đọc không nghĩ cũng hiểu.
Thiền sư Soyen Shaku, thầy của Suzuki, minh họa bài thứ 9 đó bằng câu chuyện sau đây, tôi kể với cách kể của tôi: Ngày xưa, ông vua kia có viên ngọc quý, chắc chắn là quý nhất trong thiên hạ. Một hôm lấy ra ngắm nghía thế nào mà ông lỡ tay đánh rơi viên ngọc xuống hồ, khổ thay, hồ nước sâu hoắm. Cả bầy cung nữ xúm nhau nhìn đáy nước, nhưng tuy mắt nào cũng sáng như sao, chẳng sao nào thấy gì ngoài nước lao xao trên mặt. Vua bực quá, hạ lệnh như mọi ông vua đều làm, nghĩa là phóng rao khắp nước tìm ai mò được ngọc dưới nước sẽ thưởng, thưởng vàng, thưởng bạc, thưởng quan chức, không chừng thưởng luôn cả công chúa.
Sứ giả đi tìm khắp nơi, đem về kinh đô một người có biệt danh là Thần Nhãn, trông rõ mọi vật ban đêm như ban ngày, thấy cả lòng đỏ lòng trắng trong bụng con gà sắp đẻ. Thần Nhãn tâu: chuyện đó khó gì, thần sẽ lấy ngọc lên trong chốc lát. Thần Nhãn lặn xuống nước, phóng mắt nhìn khắp đáy hồ, nhưng chẳng thấy ngọc đâu cả, càng tìm càng mờ mịt. Sau nửa ngày lặn lội gian nan như vậy, Thần Nhãn đành bỏ cuộc, lạy lục xin vua xá tội đã lộng ngôn.
Vua quan bàn bạc với nhau như chưa bao giờ bàn bạc gay go đến thế, kể cả trong những hội nghị quân quốc trọng sự. Cuối cùng, một cận thần hiến ra một kế ngược đời, giá như lúc khác chắc vua sẽ chém đầu về tội nói khoác. Viên quan này biết trong nước có một người biệt danh là Thất Nhãn vì anh ta mất mắt, sinh ra đã không có mắt, mù tịt. Ấy thế mà viên quan đề cử anh ta làm thợ lặn tìm ngọc. Hết chuyện đùa chăng? Hay là ông quan suy luận một cách khoa học rằng nếu mặt trời tìm con cú không ra thì phải nhờ đến mặt trăng? Không phải ông vua ưa nghe xúi dại, nhưng chẳng lẽ bó tay đành chịu mất ngọc? Biết đâu hết xui lại hên?
Sứ giả rước Thất Nhãn về cung, bảo lặn xuống hồ tìm ngọc. Thất Nhãn chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng tỏ vẽ gì ngạc nhiên về sứ mạng kỳ cục được giao phó, nhảy tòm xuống nước. Thoắt lặn xuống, thoắt trồi lên với viên ngọc trong tay. Thản nhiên trao ngọc, thản nhiên bận áo, thản nhiên đi.
Ấy, bài thứ 9 của kinh 42 chương đấy. Học cho lắm, đọc sách đắm say, có khi thành ra tối, Phật sờ sờ trước mắt cũng không thấy. Tâm bình dị, dạ chân chất, nhìn đâu cũng thấy Phật.
Tôi không có ý nhắn người quét chùa trên đỉnh Túy Vân đừng đọc sách. Tự quy y Pháp, chúng ta hàng ngày xin nguyện thấu rõ kinh tạng. Kinh nằm trong sách chứ đâu, nhưng kinh cũng nằm trong lòng và trong cuộc đời, ngay trước mắt. Học một chữ trong sách thì thấu rõ một chữ, nhìn chữ ấy nơi sự vật trước mắt để thấu rõ thêm, và áp dụng chữ ấy vào đời, sống với nó. Chỉ như thế, học và tu, chúng ta mới quét sạch sân chùa. Và làm sạch cho đất nước.