Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Học Nho

26/03/201107:18(Xem: 3347)
15. Học Nho

HOA CỦA MỖI NGƯỜI
Tác giả: Diệu Kim

PHẦN I: HOA CỦA MỖI NGƯỜI

HỌC NHO

Tuần trước, giảng bài Phật giáo thời nhà Lý, có thiền phái Thảo Đường, một trong các đặc điểm là "dung hợp Phật-Nho". Học trò hỏi: "Cô ơi, Nho giáo là thế nào?" Nói sao để các em hiểu? Vậy là quyết định phải có một buổi hướng dẫn các em lướt sơ qua Nho giáo. Dù sao, ở một đất nước chịu ảnh hưởng của "Tam giáo đồng nguyên" mà các em không hiểu chút gì về Nho - Lão - Phật thì cũng đáng tiếc.

Ôm một đống sách ra nghiên cứu lại. Suốt một tuần, Tứ thư, Ngũ kinh gối đầu giường. Và bất ngờ thay, đọc lại lời thánh hiền thấy hay hơn xưa, bởi đời đã trải nghiệm thêm nhiều, có những cái thấm hơn, hiểu hơn, đem đối chiếu với sách lại càng tâm đắc. Khổ nỗi, rút gọn làm sao để hơn ngàn trang chỉ còn vài tờ đủ trình bày trong một buổi chiều? Giống như sắc thuốc Bắc, ba chén còn tám phân, cực quá! Chọn lọc mãi, đánh máy được 5 trang A4, tuy ít nhưng hầu như đã đầy đủ phần tinh túy nhất của Nho giáo.

Vào lớp, hỏi thử các em xem biết về Nho giáo ra sao. Có đứa lắc đầu. Có đứa biết lõm bõm vài câu Tam cương, Ngũ thường, Nam nữ thọ thọ bất thân, Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô... Y như nhiều người ngoài đời, biết Nho giáo bằng cách trích ngang vài câu, rồi suy luận Nho giáo lạc hậu, vô ích, thậm chí có hại. Giống như khi ta tình cờ gặp lúc một người đang nổi quạu, rồi khái quát luôn rằng người đó xấu xa thì oan quá. Phải biết người ta đầy đủ hơn, nhiều khía cạnh hơn, mới đánh giá được. Nho giáo cũng thế, phải nghiên cứu sâu xa thì mới không sai lệch. Nếu không, chắc nó chẳng tồn tại qua 25 thế kỷ. Hiện nay, Trung Quốc đang phục hồi những khía cạnh tích cực của Nho giáo để chống lại tình trạng đạo đức xã hội suy đồi, quan lại cán bộ tha hóa. Xã hội Việt Nam chắc cũng phải chọn lựa những cái tốt của Nho và Phật để gầy dựng lại sự tan vỡ trong những thế hệ sau này.

Bài dài hơn mọi hôm, nhưng học trò ngồi nghe tới gần 6 giờ chiều vẫn không chịu nghỉ. Tôi giảng chuyện xưa nhưng dẫn chứng chuyện nay, nên các em thấy gần gũi, dễ hiểu. Thí dụ, Khổng Tử nói "lễ mà không kính thì không còn là lễ", tôi liên hệ tới vụ bánh dầy của Đầm Sen đem ra Bắc giỗ tổ Hùng Vương mà độn mút xốp bên trong. Hình thức của lễ thì hoành tráng lắm, nhưng toan tính lập kỷ lục để quảng cáo nhiều hơn tấm lòng thành kính, cho nên rốt cuộc vẫn không phải là lễ. Rồi "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", thử nhìn những ông cán bộ "được" lên báo, nào đánh bạc, tham nhũng, thì vợ con ở nhà làm sao dạy được, tất phải đi đua xe, thuốc lắc, vũ trường. Tề gia không được, làm sao trị quốc, lãnh đạo ban ngành, khỏi nói tới bình thiên hạ, là lãnh đạo cả thế giới. Học tới chữ "chính trị" của Khổng Tử, có đoạn nói "chính trị hay dở là tùy người hành chính chứ không phải chính thể", tôi nhắc lại chế độ phong kiến cũng có những giai đoạn rực rỡ nhờ ông vua rất tốt. Có những nhà chính trị ước mơ xã hội công bằng, nhân dân hạnh phúc, nhưng tại sao lại không thể thực hiện trọn vẹn? Thật ra, bản năng con người là làm biếng và thích hưởng thụ, cho nên vẫn có những kẻ ham vơ vét của người khác hơn là cống hiến. Thế là người này sẽ tức giận khi thấy mình phải cày bừa cho người kia hưởng. Vậy là có đấu tranh. Từ cái tham sân si mà xã hội lòng vòng mãi trong sự bất công. Chỉ khác nhau là tùy theo nhà lãnh đạo tốt hay xấu thì bất công nhiều hay ít mà thôi, chứ không bao giờ có công bằng tuyệt đối. Kiến trúc sư vẽ ngôi nhà quá lý tưởng, nhưng thầy thợ thi công không nổi, vì mỗi người còn nặng tham sân si. Ngay cả Khổng Tử cũng thiết kế nên xã hội lý tưởng mà ở đó người ta coi trọng lễ, nhạc, hiếu, trung, đạo đức... nhưng có được đâu. Xã hội nào thực hiện chừng 50% lời Ngài dạy đã là quá thịnh trị rồi. Và Phật Thích Ca cũng thế, từng lặn lội bao nhiêu đồi núi sông hồ, trải bao mưa nắng gian truân, thuyết giảng 49 năm trời nhưng chúng sanh có đứa cũng chẳng chịu nghe. Cuộc cách mạng giai cấp mà Đức Phật khởi xướng đến bây giờ vẫn chưa xong, ở Ấn Độ người ta vẫn còn kỳ thị tầng lớp bên dưới đó thôi. Thấy thương cho những bậc thánh nhân, hiền triết, đau đáu tấm lòng vì cuộc đời, vì nhân sinh!

Quyển Đại học (trong bộ Tứ thư) chỉ có 205 chữ mà thực hiện được cũng đủ thành hiền tài. Người Trung Hoa xưa 15 tuổi đã phải học quyển này để làm "người lớn", nên sách Đại học nghĩa là "sách dạy cho người lớn". Vừa dậy thì, là lúc hình thành nhân cách mạnh mẽ nhất, đã được uốn nắn đạo đức và nuôi chí lớn "trị quốc, bình thiên hạ", nghĩa là nuôi lý tưởng sửa mình rồi giúp đời. So lại nền giáo dục chúng ta bây giờ, hầu như không có môn học nào, giờ học nào hun đúc ý chí, lý tưởng cho lớp trẻ. Ta cứ coi chúng như con nít, đến nỗi văn mà cũng làm bài mẫu giùm cho, thảo nào chúng ngơ ngác như còn bám váy mẹ. Nhưng càng ngơ ngác trước cuộc đời bao la, lý tưởng, thì chúng lại sử dụng trí thông minh và năng lực dồi dào của tuổi trẻ vào những chuyện vặt như thời trang, giải trí, yêu đương, phim sex, chat chit tầm phào. Cái khôn lỏi này đâu phải cái trí của người nuôi lý tưởng lớn hơn? Nhìn lớp trẻ mà ngao ngán, đó là hệ quả của một nền giáo dục như thế. Chưa hết, Khổng Tử còn đề cập đến một cách học "Vật có bốn góc, đã chỉ cho một góc mà không biết cách suy ra ba góc kia thì ta không dạy nữa", quả thật rất hiện đại như kiểu giáo dục của các nước tiên tiến. Ở đó, người thầy chỉ gợi ý thôi, và học sinh phải tự tìm tòi, suy luận. Còn mình, bắt học thêm để giải toán giùm, làm văn giùm, thậm chí học dở quá thì... cho điểm giùm luôn, để em lên lớp, cô giáo không mất thi đua. Báo đăng nhiều em tới lớp 6 mà đọc chữ không chạy. Sinh viên đại học thì copy luận văn của nhau, của thầy. Mình lạc hậu hơn Khổng Tử nhiều lắm, vậy mà cứ nói Khổng Tử lạc hậu!

Học trò tôi tròn xoe mắt khám phá Nho giáo. Dù buổi học chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, nhưng ít ra các em đã nắm được kiến thức một cách hệ thống, rồi từ đó tự phăng ra tham khảo thêm. Vấn đề quan trọng là học xong có áp dụng được gì không? Chắc không đến nỗi vô ích. Nhìn những gương mặt sáng ngời kia, tôi tin rằng lời Phật, lời Khổng đã thấm vào lòng chúng. Chúng ta rất cần đọc lại lời người xưa để chọn lọc lấy những gì còn phù hợp, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Một thời, chúng ta giẫm đạp lên quá khứ nên mới có những hiện trạng đau lòng như thế này đây!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 12386)
Ni sư Satomi Myodo (tục danh là Satomi Matsuno) sinh năm 1896, trong một gia đình nông dân nghèo tại Hokkaido. Không chấp nhận truyền thống cho rằng phụ nữ chỉ có thể là một vợ đảm, mẹ hiền; bà quyết tâm tìm thầy học đạo. Trải qua nhiều khó khăn, tham cứu nhiều pháp môn nhưng bà vẫn không tìm được điều bà muốn.
10/04/2013(Xem: 4009)
Long trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4:15 chiều, vào thời điểm này cậu mợ của Long đang trên máy bay về Việt Nam để thăm mẹ và bà ngoại của Long. Sau bao nhiêu năm vật vã trong đau đớn vì căn bịnh AIDS, và mấy tháng sau này Long sống trong đau đớn cùng cực bởi cơn bịnh hoành hành thân xác, chỉ còn xương và da. Nhiều lần ý nghĩ tự tử đến với Long, có lần Long dùng sợi giây sắt cắm vào ổ điện để mong sao điện giựt cho cậu chết, nhưng thật là chưa hết nợ trần nên cậu bị điện giựt bắn rớt từ trên giường xuống đất,...
10/04/2013(Xem: 5319)
Trong cuộc đời, có những mối tình ngắn ngủi thoáng đến thoáng đi, hoặc kéo dài "trong một tháng trong một năm" như cách nói của nhà văn nữ F. Sagan. Cũng có những mối tình lâu dài " tưởng trong giây phút mà thành thiên thu" hay "đem xuống tuyền đài chưa tan". Nhưng tất cả không biết đáng kể hay không nếu đem đặt bên cạnh mối tình lạ lùng của vị cao tăng chùa Shiga.
10/04/2013(Xem: 13007)
Xin được viết đôi dòng cảm nghĩ của mình về tác phẩm Tu Bụi của tác giả Trần Kiêm Đoàn. Số là rất tình cờ, tôi và anh Đoàn cùng dạy lớp mùa Hè ở trường Pacific Lutheran University tại Olympia, Washington State, tháng 6 năm 2001. Hai chúng tôi được xếp chung hai phòng sát nhau trong cư xá giáo sư trường đại học PLU và cũng là hai người Việt duy nhất ở đây. Anh Đoàn dạy môn Psychotherapy (Tâm Lý Trị Liệu) và tôi dạy môn Physiotherapy (Thể Lý Trị Liệu) nên có dịp làm việc chung trong khóa học. Tôi ham thể thao, anh Đoàn ham viết lách....
10/04/2013(Xem: 3643)
Người ta có thể vương vấn mùa thu bằng những điều thật giản dị. Những ai lần đầu trở thành sinh viên sẽ có cảm giác hạnh phúc trong mùa thu trọn vẹn ý nghĩa. Những ai đã qua dốc cuộc đời, mùa thu lá rụng sẽ có dịp để nhìn lại, để chiêm nghiệm cuộc sống. Mùa thu níu giữ chân ta ở lại, níu ta sống chậm hơn và muốn ngoảnh lại phía sau xem mình đã đánh mất những gì, mình còn lại những gì… Có những phút lắng lòng như thế để bước tiếp, dù chặng đường phía trước còn cả một mùa đông.
10/04/2013(Xem: 3525)
Thỉnh thoảng con mới gọi về Việt Nam để hầu chuyện với Thầy, thế mà lần nào con cũng nhõng nhẽo than van với Thầy là mỗi khi nói chuyện với Thầy xong , thì cái hầu bao của con nó lủng đi thật nhiều. Nhưng hôm nay, cái cảm giác lủng hầu bao của con không còn nữa, mà thay thế vào đó là một nỗi đau buồn nào đó thật mơ hồ mà ngay chính con, con cũng không nhận rõ được, sau khi được Thầy cho biết cặn kẽ những khổ cực của người dân ở các tỉnh miền Trung đang phải gánh lấy, ...
10/04/2013(Xem: 3612)
Tôi hân hạnh được Thầy Pháp Siêu tức là Nguyễn Thanh Dương trình bày với tôi, Thầy đã phải trải qua nhiều năm sưu tập và dịch thuật một bộ TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO gồm có 62 bài Giảng Luận tóm rút các phần tinh hoa đặc sắc. Mỗi mẫu chuyện có nhiều ý nghĩa thâm thúy: xây dựng, thức tỉnh, và giác ngộ cho người đời, Thầy cũng khuyến khích tôi, nếu có phương tiện in ra để phổ biến cho mọi người được xem.
10/04/2013(Xem: 7061)
Pháp Phật rộng lớn thâm sâu, nhưng không ngoài lý Duyên Khởi và lý Nhân Quả. Duyên Khởi hay lý tánh của các pháp. Thật tướng của các pháp chính là không tướng.
10/04/2013(Xem: 4654)
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời,...
10/04/2013(Xem: 6221)
Cách đây hơn ba mươi năm, cũng có vài tiểu thuyết gia viết về Lý Công Uẩn. Cốt truyện tuy ly kỳ, câu văn tuy hấp dẫn thực, nhưng các tác giả thường thường đưa vào nhiều chuyện hoang đường để mô tả một nhân vật lỗi lạc với những hành động vượt quá sức tưởng tượng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]