Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Những ngày hoằng pháp

26/03/201107:18(Xem: 3191)
13. Những ngày hoằng pháp

HOA CỦA MỖI NGƯỜI
Tác giả: Diệu Kim

PHẦN I: HOA CỦA MỖI NGƯỜI

NHỮNG NGÀY HOẰNG PHÁP

Những ngày hoằng pháp biết bao nhiêu kỷ niệm, nhưng rảnh đâu mà ghi lại. Ghi được một hai năm đầu, rồi sau đó bận quá, bỏ luôn quyển sổ. Bây giờ chỉ lướt qua những tấm ảnh mà "chú thích" lại, một chút bồi hồi những ngày "lãng du" cùng chiếc ba lô, chẳng khác nào "nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du..."

Chùa Đông An...

Chùa nhỏ xíu, nằm ngay biên giới huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Bước ra một chút là thấy đồn biên phòng Bình Phú, và nhìn chéo qua sông Sở Thượng là đất nước Campuchia. Mười mấy năm trước, tôi đã lặn lội suốt nơi này để viết những bài phóng sự cho báo Văn Nghệ Đồng Tháp. Chân tôi ngập trong cát nóng, nhìn xung quanh chỉ có cây me keo là sống nổi, cát bụi bám trắng xóa lá cành. Mùa mưa thì lội bì bõm trong một thứ đất nhão nhoét pha với phân bò rã ra, ớn cả người. Không có xe cộ gì chạy được, tôi thường xuyên lội bộ 4, 5 cây số từ bến tắc ráng đến đồn biên phòng, hoặc đi vào nhà dân. Vậy mà mê đất, mê người nên cứ lặn lội đi. Và thương đồng bào mình ở chốn heo hút xa xôi. Đâu ngờ có ngày trở về nâng niu từng trái tim nhỏ bé...

Chỉ có điều... Choáng ngợp bất ngờ khi đi trên những con đường thênh thang như đại lộ, cắt ngang Đồng Tháp Mười như cắt ngang một cái bánh khổng lồ ngút ngàn lúa mượt. Bây giờ từ Tam Nông đi Tân Hồng, Tháp Mười đâu cần vòng ra đường liên tỉnh, mà cứ băng đồng theo tuyến đường mới êm ru. Thị trấn Sa Rài hồi nào như hòn đảo lọt giữa bốn bề nước lũ, nay to đùng nhà ngói nhà lầu, ăng-ten, in-tẹc-nét. Quả là sức nước sức dân đáng nể. Lặng lẽ làm nên một Đồng Tháp Mười đẹp như thế này đây. Nhờ vậy mà có thêm niềm tin để chống chọi với những tin tức tham nhũng, hối lộ hàng ngày chường lên mặt báo. Thôi thì, bàn tay có ngón vắn ngón dài, hãy biết hỷ xả và hy vọng.

Sư bà trụ trì hơn 80 tuổi, người gầy, nhẹ tênh như một áng mây. Tánh tình cũng nhẹ tênh, thanh thản. Cai quản một lũ con nít từ mẫu giáo tới lớp 10, 11, chỉ lo nấu cơm cho tụi nó ăn đã lau chau phát mệt. Lại còn đùa giỡn, nhảy nhót, ca hát. Đêm thứ bảy cả lũ xúm nhau ngủ lại chùa y như ký túc xá, coi tivi xong bèn nổi lửa nấu mì gói húp xì xụp thấy mà thương! Nhưng đừng tưởng... tới giờ tụng kinh là răm rắp Nam-mô, tới giờ đi kinh hành là chân trước nối chân sau im phăng phắc. Sư bà còn đem những bài kệ ra dạy, đứa nào cũng đọc thuộc lòng như cháo. Học ra học, chơi ra chơi, vừa nghiêm túc, vừa thoải mái. Thầy trò khổ hạnh nơi xứ nghèo mà vui, mà gắn bó. Tuần nào ba má không chở vô chùa là có đứa khóc mếu máo. Tụi nhỏ "ghiền" chùa là... tại sư bà. Sư bà dễ thương quá mà! Hổng ghiền sao được! Không ngờ "vùng biên địa" lại có bậc chân tu, và chúng sanh đâu có tệ!

Chùa nghèo, tôi phải "cải tạo" gian nhà kho cạnh chánh điện làm lớp học. Chẳng có bàn ghế, vội đi mua mấy chục bộ bàn ghế nhựa, thứ người ta dùng để mở quán cóc vỉa hè. Mua thêm mấy cây quạt gắn lên tường. Thế là học trò tôi có một lớp học "hoành tráng". Khổ nhất là bộ ampli cứ rè rè như người nghẹt mũi, học trò dỏng tai lên nghe cô giáo giảng tiếng được tiếng mất. Nhưng học giỏi dữ lắm. Bài nào cũng thuộc. Thuộc từ giáo trình Búp Sen Hồng cho tới cuốn Đố vui Phật pháp. Thứ gì vô tay tụi nhỏ cũng học hết trơn. Học như nỗi khát khao, say đắm. Vậy nên cô giáo quên hết 260 cây số ngồi xe rêm xương sống, và 260 cây số lượt về. Vài năm nữa chắc cô hết còn xuống đây với các con. Mỗi năm mỗi yếu dần đi. Các con lớn lẹ lên, biết đâu lên Sài Gòn học, cô trò mình lại gặp nhau.

Học xong, tụi nhỏ ở lại chùa ngủ luôn. Cô giáo lại đãi một chầu kem, mì gói, cà phê sữa. Mấy anh thanh niên trong xóm lân la tới chơi, cũng liên hoan tưng bừng và rộn ràng chuyện đạo. Có hôm, cô trò lấy máy chụp ảnh ra chụp và quay phim lẫn nhau, cười như nắc nẻ. Tội nghiệp, chỉ cần trông thấy mặt mình trên màn ảnh là các con cười sung sướng, niềm vui sao mà giản dị, đáng yêu. Tôi có dẫn theo thằng con trai duy nhất của mình, quay sang hỏi nó: "Con thương các em hôn?" Nó mỉm cười gật đầu. Vốn là con một, bây giờ tự dưng nó có "một bầy em", ngỡ ngàng thú vị lắm chứ!

Một hôm, tôi ngẫu hứng lý qua cầu, rủ học trò đi ra chợ xã ăn chè. Trời đất, đi 5 cây số lận đó cô! Hừm, cô đâu có ngán. Cô là phóng viên, đi bộ giỏi lắm nghen! Rồi, thì đi. Nhưng mà sư cô Thành ơi, sư cô với Út Xuân chạy hai chiếc honda kè theo nhé, vì con biết chắc sẽ có đứa mỏi giò, phải leo lên xe thôi. Nào, bắt đầu hành quân, một, hai...

Thầy trò rồng rắn kéo nhau ra lộ. Eo ơi, hai chục mạng chứ ít sao! Dọc đường còn "rước" thêm mấy em nữa nhập bọn. Vừa đi, vừa nhảy chân sáo, vừa reo hò, vừa... thở. Tới cảnh nào đẹp đẹp thì dừng lại "chộp hình". Cô ơi cô, chưa bao giờ tụi con vui như vầy! Cô ơi cô, tụi con kêu cô là mẹ nha! Ê, con nhỏ này, tránh ra cho tao nắm tay mẹ. Hông, tao nắm hà, mầy nắm nãy giờ rồi. Ứ ứ, mẹ ơi, hai đứa nó giành hoài, cho con nắm một chút đi! Thôi thôi, tụi con tranh nhau một hồi té xuống sình bây giờ. Rồi rồi, mỗi đứa nắm một tí. Hi hi, anh Ni bữa nay mất phần giành mẹ. Mai mốt anh Ni về thành phố tha hồ có mẹ nha.

Tới quán chè. Chủ quán trố mắt. Hả, hai mươi lăm ly. Làm lẹ lên. Trà đá đâu, uống trước đi, khát quá trời rồi. Ai da, muỗi, muỗi. Chạng vạng rồi, muỗi túa ra tấn công. Chủ quán đem ra cả chục cây quạt giấy. Mẹ, để con quạt cho mẹ. Thôi, mẹ tự quạt được mà. Chè xong rồi kìa, hai, ba, dzô! Ngon dễ sợ!

Tính tiền có hơn một trăm ngàn đồng mà lũ con xuýt xoa: "Tội nghiệp mẹ quá! Mẹ tốn tiền vì tụi con!" Tôi muốn rơi nước mắt. Bao nhiêu kẻ tiêu xài bạc tỷ của dân chưa hề biết xót như thế này.

Lại rồng rắn kéo nhau về. Trời tối mịt, mẹ con nắm chặt tay nhau dò dẫm qua từng vũng nước. Vậy mà vẫn có đứa sụp hố. Bùm! Sình văng lên. Áo mẹ, áo con đều tèm lem tuốt luốt. Hi hi, ha ha, he he... Vui quá mẹ ơi!

Năm cây số trở về, bắp chân mỏi nhừ, cứng ngắc. Một số "chiến binh" thua trận phải leo lên honda của sư cô và Út Xuân. Len lỏi qua bóng râm của hai hàng me keo bên đường, ánh trăng lưỡi liềm mỏng te như ráng nhăn răng cười cái đám cô trò "gàn" thấy sợ! Đi gần 10 cây số ăn có ly chè mà vui nỗi gì hổng biết! Nhân gian thiệt lạ thiệt lùng!

Về tới chùa, ly chè "biến" đâu mất tiêu, bụng lại sôi lên vì đói. Cô giáo lại đãi học trò chầu kem, sữa, mì gói, chứ ở thôn quê lấy đâu ra quà bánh. Hoan hô mì gói, đi đâu cũng có mi cứu bồ!

Sư bà cũng thức tới khuya chờ lũ học trò. Rồi giăng mùng cho tụi nhỏ ngủ. Rì rầm, rì rầm, tiếng lá tre xào xạc bên hiên chùa, tiếng con dế gáy thanh tao giữa đêm trường tĩnh mịch. Chập chờn một chốc đã nghe chuông mõ công phu ấm áp dịu dàng. Lũ trẻ không ai bảo mà tự động thức dậy, tụng kinh vang rền. Một ngày mới bắt đầu.

Nhưng cô giáo phải quay về thành phố. Tạm biệt các con. Tạm biệt. Đừng khóc. Rồi cô sẽ trở về thăm. Hãy giữ mãi tuổi thơ trong sáng nơi mái chùa quê. Một ngày nào đó các con lớn lên, sẽ hiểu những phút giây này là thiên đường giữa chốn trần gian...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/12/2015(Xem: 7018)
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
17/12/2015(Xem: 4710)
Ai cũng có những câu chuyện trong cuộc đời của mình. Có câu chuyện theo thời gian ta đã quên, nhưng cũng có câu chuyện làm cho ta nhớ mãi. Và khi ta kể ra, có người cho đó là vớ vẫn nhưng nó lại làm ta thay đổi cách nhìn, cách sống của mình. Câu chuyện cuộc đời của cậu bé Lucky đã trở thành một trong những câu chuyện huyền thoại của cuộc đời tôi. Vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, đó là ngày thứ 4, tôi ra mở cửa để đón chào ngày mới. Hôm nay ngày mới chào đón tôi bằng một chú mèo con mới sinh mà mẹ nó bỏ rơi trước cổng nhà đứa cháu. Dù đã được báo trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình dáng của một chú mèo sơ sinh. Người ướt sũng và tím tái. Chú được đựng trong một chiếc hộp giày và quấn trong một chiếc chăn. Tôi vội vàng đi lấy thêm những chiếc khăn khác để cuốn vào người cho bé.
17/12/2015(Xem: 14038)
Trong khu rừng kia có một con khỉ rất hạnh phúc. Nó tìm ăn những trái cây ngọt lịm khi đói và nằm nghỉ ngơi khi mệt. Một ngày, con khỉ đang lang thang bìa rừng thì thấy một ngôi nhà… Trong ngôi nhà nhỏ bé đó, nó thấy một cái bát to đựng toàn táo, những quả táo tuyệt đẹp. Con khỉ liền trộm lấy một quả và chạy thật nhanh trở lại khu rừng.
16/12/2015(Xem: 3559)
"Ta sẽ không khi nào quên được con đâu," ông lão nói lầm bầm. Mấy giọt nước mắt chảy xuống lăn trên đôi gò má đầy nếp nhăn của ông. "Ta già mất rồi. Ta nào còn có thể lo gì cho con được nữa!" Chú chó nghiêng đầu qua một bên và ngước mắt nhìn lên ông chủ. Chú chó khẽ sủa: "Gâu gâu! Gâu gâu!" Chú ngoe nguẩy cái đuôi, chú muốn biết xem ông chủ của chú đang tính làm chuyện gì đây. "Ta không thể lo được cho chính bản thân ta, làm sao mà ta còn lo chi nổi cho con nữa!" Ông lão ôm ngực lên cơn ho liên tục. Ông rút ra một chiếc khăn tay và đưa lên mũi hỷ thật mạnh. "Ta sắp phải tới xin ở trong nhà dưỡng lão mất rồi, đâu có thể đem con theo được. Con biết đó ở trong cái nhà người già này người ta có cho nuôi chó đâu!"
15/12/2015(Xem: 5365)
Một vị thiền sư và một trong những đệ tử ưu tú nhất phải trở về một thiền viện ở trong núi lúc đêm khuya đã trễ lại gặp một cơn bão mùa đông dữ dội nổi lên trên con đường hiểm hóc. Dừng lại thời sẽ chết giữa đồng hoang; tiếp tục đi thời có thể nguy hiểm đến mất mạng vì rơi xuống những bờ giốc trơn trợt. Chỉ có cách lần bước đi tới là nhờ những lằn chớp loé lên soi sáng con đường phía trước mặt. Hai người chậm chạp lê dần từng bước tới phía trước trong gió thét gầm và mưa quất xối xả.
12/12/2015(Xem: 4148)
Đi mãi rồi cũng phải đến, mặt trời đã lên cao làm người tôi muốn bốc hỏa. Khi xe chúng tôi luồn lách một cách khó khăn qua các ngõ hẻm chỉ vừa đủ chiều ngang một chiếc xe, thì mọi người đã quy tụ đầy đủ ngoài sân. Một thiếu sót kỹ thuật đáng kể trong buổi phát xe tại Ninh Bình. Chẳng là phái đoàn bận ra Đà Nẵng nên không nhận được danh sách người nhận xe, để viết sẵn bảng tên ở nhà. Đến nơi Sư Cô Như Giác mới giao cho tôi viết, làm sao viết kịp, nhờ các Thầy của Chùa viết hộ họ lại viết sai. Các bệnh nhân khuyết tật chờ lâu cũng mệt, người nhà họ thấy xe lăn để mời mọc, bèn bế họ lên ngồi tạm. Phát sinh ra cảnh "Râu ông nọ cắm cằm bà kia", thành xe tên người này, bảng cầm tên người khác. Họ cãi nhau chí chóe, đã lỡ ngồi lên xe rồi không ai muốn đổi nữa!
03/12/2015(Xem: 8774)
Báo chí thế giới hiện đang đồng loạt đưa tin về việc người sáng lập ra mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg - tuyên bố sẽ hiến tặng 99% cổ phần Facebook để phục vụ cho các mục đích từ thiện. Tuyên bố này được đưa ra khi vào ngày thứ 3 vừa qua, Zuckerberg và vợ - cô Priscilla Chan đã đón con gái đầu lòng - Max. Tổng trị giá số cổ phần mà Zuckerberg dự kiến hiến tặng hiện có trị giá vào khoảng 45 tỉ đô la. Tất cả những điều này họ làm vì sự ra đời của cô con gái nhỏ - Max. Một lá thư xúc động đã được ông chủ Facebook đăng tải lên trang cá nhân với một tiêu đề giản dị: “Lá thư gửi tới cho con gái của chúng tôi”:
27/11/2015(Xem: 4524)
- Tên họ cháu là gì? - Tony Nguyễn. - Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ? - Không, tôi là người Mỹ (American). - Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi. Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo... - Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.
27/11/2015(Xem: 4688)
Một nữ công-nhân làm việc tại một xí-nghiệp chế-biến thịt đông lạnh. Một buổi chiều, khi đã hoàn-thành công-việc, như thường-lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm-tra một chút. Đột-nhiên, cửa phòng lại bị đóng và khóa lại! Cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết!!! Cô vừa hét khản cổ họng, vừa đập cửa với hy-vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu! Nhưng vẫn không có ai nghe thấy!!! Lúc này, tất-cả công-nhân đã tan ca! Toàn bộ nhà máy đều yên-tĩnh!!! Sau 6 giờ chiều hôm ấy, công-nhân lạnh cóng người, tuyệt-vọng và đau-khổ! Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa!!! Thì bất-ngờ được người bảo-vệ đến mở cửa cứu ra ngoài!!!
26/11/2015(Xem: 4572)
Tại thành phố Berlin thủ đô của nước Đức, có một ngôi chùa mang tên một ngọn núi thiêng, nơi Đức Phật ngày xưa hay thuyết Pháp, đó là chùa Linh Thứu. Vị trụ trì hiện nay mang một cái tên là Diệu Phước, nên các thiện nam tín nữ đổ xô về chùa lễ bái rất đông vì tin rằng chùa này rất “linh“ và cầu xin gì cũng được nhiều “phước“. Quả thật thế! Một số đại gia đến chùa làm công quả, lúc đầu chỉ có một nhà hàng cơ sở làm ăn, sau vài năm ôi thôi cửa tiệm mọc ra như nấm, tiền thu vào đếm không xuể. Thế là họ lại càng tin tưởng vào phước đức của ngôi chùa, từ đấy ngôi chùa Linh Thứu đã đi vào huyền thoại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]