Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương XI: Những trường hợp phục sinh

10/03/201105:29(Xem: 7829)
Chương XI: Những trường hợp phục sinh

XỨ PHẬT HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG XI: NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỤC SINH

Một hôm, sư phụ Śrỵ Yukteswar và một nhóm đệ tử đang ngồi bàn luận về đạo lý. Tôi từ Ranchi vừa về thăm thầy, có dẫn theo một nhóm học sinh ở Thiếu Sinh Học Đường.

Trong khi sư phụ và chúng tôi đang nói chuyện, nhóm học sinh của tôi bắt đầu tranh cãi ngày càng lớn tiếng về một đề tài khá lý thú: có hay không có việc phục sinh của chúa Giê-su.

Vì các em nói lớn tiếng nên tất cả chúng tôi đều nghe thấy. Sư phụ Śrỵ Yukteswar liền bảo tôi gọi các em vào giảng đường. Sau khi sắp xếp cho các em ngồi quây quần chung quanh, thầy mới vui vẻ nói:

– Ta không đứng về phía nào trong các con cả, nhưng ta muốn kể cho các con nghe một chuyện mà chính ta đã chứng kiến, cũng có thể xem là một trường hợp phục sinh.

Lời nói của thầy có tác dụng rất lớn. Ngay lập tức các em im phăng phắc, không còn một tiếng xì xào bàn tán nào nữa cả. Tất cả đều hết sức chú ý lắng nghe. Thầy bắt đầu kể:

– Ngày ấy, ta còn đang tu tập bên cạnh đức thầy Lahiri Mahsaya. Ta có một người bạn tu rất thân thiết tên là Rma. Tính tình anh ta rất nhút nhát, ít giao tiếp vì thích sống cô độc. Ngay cả khi có thắc mắc cần đến sự giải thích của đức thầy Lahiri Mahsaya, anh cũng chỉ đến gặp thầy vào những lúc đêm khuya hoặc sáng sớm, khi có ít các đệ tử khác quy tụ bên cạnh đức thầy. Mặc dù vậy, Rma có một kinh nghiệm tâm linh khá vững chãi và rất tinh tấn trong việc tu học.

Sư phụ Śrỵ Yukteswar dừng lại, khuôn mặt lộ vẻ xúc cảm khi nhớ lại chuyện cũ:

– Ngày kia, Rma bất ngờ đau nặng. Các bác sĩ giỏi đều được mời đến, nhưng bệnh tình không có vẻ gì là khả quan lắm. Rma ngày càng suy yếu một cách nhanh chóng. Khi ấy, ta liền đến tìm đức thầy Lahiri Mahsaya và khẩn cầu người cứu lấy tính mạng của Rma. Thầy yên lặng một lát rồi nói: “Các bác sĩ đang tận tình cứu chữa. Con cứ yên tâm, Rma rồi sẽ khỏi bệnh.” Nhưng khi ta trở lại chỗ giường bệnh của Rma thì một trong hai vị bác sĩ thất vọng thông báo: “Vị tu sĩ này chỉ còn sống được khoảng vài giờ nữa thôi.” Quá hốt hoảng, ta trở lại với đức thầy Lahiri Mahsaya để chuyển đạt tin dữ này, nhưng thầy có vẻ như không quan tâm. Thầy nói: “Rma rồi sẽ khỏi bệnh.”

Sư phụ Śrỵ Yukteswar lặng yên một lúc rồi mới kể tiếp:

– Khi ta quay lại phòng của Rma thì các bác sĩ đã bỏ về. Họ để lại một mảnh giấy ghi mấy dòng vắn tắt: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng rất tiếc là trường hợp này không thể nào cứu chữa được nữa.” Khi ấy, Rma đang hấp hối. Nhưng ngay trong lúc ấy anh mở mắt nhìn ta và nói: “Yukteswar, anh hãy nhớ nói với sư phụ cầu phúc cho tôi trước khi hỏa táng.” Nói xong lời trăn trối này rồi, Rma liền trút hơi thở cuối cùng.

Một đệ tử từ bên ngoài vào mang cho sư phụ một tách trà nóng. Người dừng lại để nhấp một ngụm trà rồi tiếp tục:

– Ta liền đến chỗ đức thầy Lahiri Mahsaya để báo tin về cái chết của Rma. Thầy vẫn lặng thinh không tỏ vẻ lo lắng gì. Một lát, thầy bảo ta: “Yukteswar, con hãy giữ bình tĩnh. Mọi việc rồi sẽ qua đi.” Vẫn không hiểu được ẩn ý trong câu nói của thầy, ta òa lên khóc vì sự đau đớn đã kiềm chế quá lâu. Rma dù sao cũng là người bạn thân nhất của ta trong đạo viện.

Cả giảng đường không còn một tiếng động nào khác ngoài tiếng kể chuyện trầm trầm của sư phụ. Tất cả mọi người dường như đều nín thở lắng nghe:

– Đức thầy Lahiri Mahsaya lặng lẽ để yên cho ta bộc lộ cảm xúc. Một lát sau, khi ta đã nguôi bớt cơn xúc động, thầy nói: “Śrỵ Yukteswar, ta rất buồn mà thấy con đã không có đủ đức tin.” Ta vô cùng kinh ngạc, ngẩng lên nhìn thầy. Thầy Lahiri Mahsaya nói tiếp: “Chẳng phải là ta đã bảo với con Rma sẽ khỏi bệnh hay sao?” Rồi thầy nhìn quanh, chỉ tay vào một cái đèn dầu phộng đang đặt trên mặt bàn: “Giờ thì con hãy lấy dầu trong đèn này, nhỏ vào miệng Rma đúng 7 giọt.” Ta càng thêm quá sức ngạc nhiên, buột miệng kêu lên: “Bạch thầy, nhưng Rma đã chết lâu rồi!” Thầy Lahiri Mahsaya nhìn ta và nói: “Ta thấy là con vẫn còn chưa có đủ đức tin.”

Sư phụ trầm ngâm một lát, rồi quay sang nhìn tôi. Tôi thầm hiểu được ý nghĩa cái nhìn của người.

– Ta tự biết lỗi ngay lúc ấy, liền quỳ xuống xin sám hối. Thầy Lahiri Mahsaya cười hoan hỷ rồi bảo: “Thôi con đi đi.” Ngay lập tức, ta đến chỗ Rma và làm đúng như lời thầy dặn. Khi ấy, thân thể Rma đã cứng đờ vì tắt hơi quá lâu rồi. Thật không thể nào ngờ được, ngay sau đó Rma co giật mấy cái rồi từ từ mở mắt ra. Trong khi ta còn chưa thể tin hẳn vào mắt mình, thì Rma đã từ từ ngồi dậy và nói: “Anh Yukteswar, tôi phải đi đến chỗ sư phụ ngay bây giờ.”

Tôi nghe rõ tiếng thở ra thật mạnh của các em thiếu sinh khi nghe sư phụ kể đến đoạn này. Quả thật, nếu không phải chính miệng sư phụ nói ra thì thật khó lòng tin được một câu chuyện như thế. Sư phụ Śrỵ Yukteswar lại tiếp tục:

– Khi ta và Rma đến chỗ thầy Lahiri Mahsaya, cả hai đều quỳ lạy. Rma muốn tạ ơn cứu mạng, còn ta thật hết sức ân hận vì thấy mình quả thật đã chưa có đủ đức tin. Thầy Lahiri Mahsaya nói: “Śrỵ Yukteswar! Lẽ ra Rma đã không phải chết. Nhưng cái chết của bạn con là một bài học về đức tin cho con đó.” Ta cúi đầu ghi nhớ lời dạy ấy. Và từ đó về sau, ta chẳng bao giờ nghi ngờ bất cứ điều gì thầy Lahiri Mahsaya nói ra.

Một em thiếu sinh lúc đó liền đứng lên thưa hỏi:

– Bạch tôn sư, có phải việc phục sinh đã nhờ đến 7 giọt dầu phộng?

Sư phụ Śrỵ Yukteswar bật cười:

– Không phải là dầu phộng, mà thật ra là có thể dùng bất cứ món gì. Vấn đề là thầy Lahiri Mahsaya muốn tạo ra một điểm tựa cho kẻ còn kém đức tin mà thôi. Nếu không thế, chỉ cần một lời nói hoặc ý nghĩ của thầy là mọi việc sẽ diễn ra, chứ không phải phụ thuộc vào dầu phộng hay một món thuốc men nào khác cả!

Sau khi các em thiếu sinh đã được cho ra ngoài, sư phụ Śrỵ Yukteswar gọi tôi lại và nói:

– Ta biết con đang thu thập rất nhiều chuyện kể về đức thầy Lahiri Mahsaya. Điều đó sau này có thể trở thành một trong những phương tiện rất tốt để giúp con truyền pháp. Ta muốn rằng con hãy viết lại một tiểu sử của đức thầy Lahiri Mahsaya để phổ biến cho mọi người đều được biết.

Tôi cúi đầu vâng lời thầy dạy. Tự trong thâm tâm, tôi cũng đã cảm thấy cần phải ghi lại một cách chi tiết và cụ thể về cuộc đời của bậc tôn sư siêu việt này. Bởi vì ngài đã từ trần từ năm 1895, và có nguy cơ thời gian sẽ làm phai mờ đi tất cả những gì linh diệu và mầu nhiệm mà ngài đã thực hiện ở thế gian này. Tôi tự nhủ sau này sẽ viết lại tất cả những gì tôi đã được biết về thầy Lahiri Mahsaya. Và đó cũng là một trong những động cơ thúc đẩy tôi thực hiện tập hồi ký này.

Đức thầy Lahiri Mahsaya ra đời vào ngày 30 tháng 9 năm 1828, tại làng Ghurni, huyện Nadia, gần Krishnagar, thuộc tỉnh Bengale. Gia đình thuộc dòng tộc Bà-la-môn, ngài là con út của ông Gaur Mohan Lahiri và người vợ kế là Muktakashi, được cha mẹ đặt cho tên gọi là Shyama Charan Lahiri. Ngay khi ngài còn thơ ấu thì người mẹ đã sớm rời bỏ cõi đời. Những năm đầu đời ngài sống tại huyện Nadia và đã biết ngồi thiền từ khi mới được ba tuổi.

Năm năm sau khi ngài ra đời, tức là vào năm 1833, một trận lụt lớn đã xảy ra và nước sông Jalangi cuốn trôi làng mạc của cải đổ về sông Hằng. Tài sản của gia đình Lahiri và một ngôi đền thờ do họ xây dựng đã sụp đổ hoàn toàn.

Ông Gaur Mohan Lahiri khi ấy liền đưa gia đình rời khỏi Nadia và đến định cư tại Bénarès. Về sau, ông cũng xây dựng ở đây một ngôi đền thờ khác. Ông giáo dục con cái theo đạo lý và đặc biệt chú ý thực hành hạnh bố thí. Điều đặc biệt là ông có một kiến thức rất bao quát và thông thạo cả những tri thức thời hiện đại vừa mới du nhập vào xứ Ấn.

Shyama Charan Lahiri là một cậu bé rất thông minh, được cha cho theo học hầu hết các môn triết lý cổ và cả kinh Phệ-đà theo truyền thống Bà-la-môn. Cậu thường biện bác thắng được cả những người rất uyên bác về các môn học này. Lớn lên, trở thành một thanh niên tốt bụng, Shyama Charan Lahiri phát triển thể lực rất mạnh mẽ, giỏi bơi lội và các môn thể thao khác nữa.

Năm 1846, việc hôn nhân được gia đình sắp xếp giữa chàng trai Lahiri và cô Kashi Moni, con gái của một gia đình danh tiếng trong vùng. Gia đình sống rất hạnh phúc vì bà Kashi Moni đã trở thành một người vợ mẫu mực chu toàn mọi trách nhiệm trong gia đình. Họ sinh được hai người con trai là Tincuri và Ducuri.

Năm 1851, Shyama Charan Lahiri nhận công việc kế toán cho một bộ phận quản trị hành chánh của quân đội Anh. Ông liên tục được thăng chức rất nhiều lần trong thời gian phục vụ, và cũng do đó mà đã lần lượt thuyên chuyển qua rất nhiều nơi như Gazipur, Mirijapur, Danapur, Naini Tal, Bénarès... Khi gia đình đến sống ở Garudeswar Mohulla thì ông Gaur Mohan Lahiri qua đời. Shyama Charan Lahiri phải đảm trách tất cả mọi công việc gia đình.

Năm 33 tuổi, Shyama Charan Lahiri gặp được tôn sư Babji ở gần Ranikhet, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Từ đó ngài được truyền thụ pháp môn thiền định. Là một người có căn cơ siêu phàm xuất chúng, không bao lâu ngài đã tiếp thu được hoàn toàn những điều chỉ dạy của tôn sư và được chân truyền để nối tiếp việc truyền thừa pháp môn thiền định, trở thành đức thầy Lahiri Mahsaya.

Bằng vào kinh nghiệm thực chứng của bản thân, đức thầy Lahiri Mahsaya đã tiếp nhận và dắt dẫn hàng ngàn môn đệ, khiến cho pháp môn thiền định được truyền rộng ra khắp nơi. Ngài có rất nhiều đệ tử tu tập thành công mà trong số đó thì sư phụ Śrỵ Yukteswar là một điển hình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4490)
Trời đã sang đông. Tôi thường nghĩ vậy khi những cơn gió bấc vừa thổi qua, và nhìn lốc lịch trong năm chỉ còn lại vài chục tờ mỏng manh. Ơû cái thành phố phương nam nhộn nhịp này mà nói đến mùa đông, nghe ra chẳng mấy phù hợp. Về mặt địa hình địa lý quả là như thế. Nhưng với tâm lý chung mà hơn hết là trong dòng suy tưởng của tôi, thì mùa đông vẫn hiện hữu theo chu kỳ ở bất cứ nơi nào có sự sống. Còn nơi vùng đất vốn nổi tiếng hai mùa mưa nắng này cho đến cận ngày giáp tết, khí trời vẫn nóng bức khô khan.
10/04/2013(Xem: 4523)
Tượng Phật bằng đá không biết từ đâu lại được đặt trên chỉa ba của thân cây xoài bị cháy xém. Những ngày chiến sự tràn lan, người ta lo bồng bế nhau chạy ...
10/04/2013(Xem: 4172)
Đứng trên ban công- nơi đỉnh tháp cao nhất- có thể phóng tầm mắt nhìn khắp các dãy núi nhấp nhô mờ ảo trong đám sương mù. Nhiều buổi sáng rồi, thầy...
10/04/2013(Xem: 4765)
Thầy Minh Ký là một người lập dị khác đời. Mọi người đều nói về thầy như vậy, dù chẳng ai biết nhiều về thầy. Hai năm trước khi Hoà Thượng Viện Chủ ...
10/04/2013(Xem: 4386)
Không khí ướt đẫm, mây trắng là là giăng ngang đỉnh núi trông tợ như những tảng thiên thạch lớn thoạt ẩn thoạt hiện ra trong một buổi chiều đông giá buốt. Nhưng lúc này đang độ vào thu. Màu trời xen lẫn với màu xanh bạc của cánh rừng làm ánh lên chút sắc buồn thâm u diễm lệ. Cảnh sắc này ắt hẳn cũng từng ru hồn bao khách trần tìm đến để mong khám phá và chinh phục một cõi thiên nhiên hùng vĩ giữa đất trời.
10/04/2013(Xem: 5466)
Sài gòn không có mùa thu để nhuộn thêm sắc vàng cho những chiếc lá còn lay lắt trên cành. Sài Gòn cũng đâu có bầu trời thu trong và mát để cho thi nhân thả hồn mơ mộng mà tức cảnh sanh tình. Ở đây chỉ có cái nắng mưa bất chợt như lòng người vui buồn bất chợt, đến đi bất chợt. Tuy vậy, nơi mảnh đất có chiều dài lịch sử hơn ba trăm năm, đã từng sản sinh ra nhiều cái độc đáo…vừa chung mà lại vừa riêng. Đây cũng là nơi sẵn sàng quy tụ và phát huy mọi điều hay đẹp, kể cả những cái dung dị nhất, bình thường nhất. Từ đó đã tạo nên một dáng dấp Sài Gòn_ không giống ai mà cũng chẳng khác ai.
10/04/2013(Xem: 13650)
Cạnh con đường mòn, ven sườn núi tại Ngọc Nam, có một ngôi chùa nhỏ hoang vắng, nằm im lìm giữa một nơi hẻo lánh và quạnh quẽ. Mùa xuân năm ấy, giặc dã và trộm cướp nổi lên, dân chúng miền phụ cận đã chạy tản mác đi nơi khác, vị trụ trì trong chùa cũng bỏ trốn, chỉ để một mình ông già “ tứ cố vô thân” ở lại đèn hương sớm tối.
10/04/2013(Xem: 3325)
Chiều dần buông, khách vãn chùa lần lượt ra về, chùa Bảo Quang trở lại ninh tịnh, yên ắng. Pháp sư Trí Thông bảo đám đệ tử hồi phòng ngơi nghỉ, còn tự mình quét dọn nhà chùa, phủi sạch bụi bặm trần ai, xua tan mọi huyên náo nóng nực của cả một ngày.
10/04/2013(Xem: 6218)
Đức Phật, nàng Savitri và tôi là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái, do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản. Tác phẩm được Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành với số lượng lớn, theo sự chuyển nhượng bản quyền với tác giả.
10/04/2013(Xem: 3742)
Phàm, ai lên đường cũng mang theo hành trang, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ là do quan niệm về nhu cầu và mục đích chuyến đi. Khi gã đến bái biệt Thầy, lòng chợt rưng rưng khi chạm vào ánh mắt đầy xót thương. Chẳng lẽ chưa phải là lúc gã lên đường hay sao? Chẳng lẽ Thầy chưa thấy hết những quằn quại thôi thúc trong gã bấy lâu ư?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]