Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 67: Nước biển chỉ có một vị mặn

13/01/201110:55(Xem: 11330)
Chương 67: Nước biển chỉ có một vị mặn

Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt

Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA

--- o0o ---

14.

Chương 67

NƯỚC BIỂN CHỈ CÓ VỊ MẶN

Mùa an cư năm ấy hoàn mãn, nhiều vị đại đức lên từ giã Bụt để đi hoàng hóa ở các địa phương. Đại đức Punna, vốn là một trong những vị giảng sư nổi tiếng của giáo đoàn khất sĩ, trình với Bụt là đại đức có ý về quê để hành đạo. Sinh quán của đại đức là đảo Sunaparanta, ở ngoài khơi biển Đông, Bụt hỏi:

- Tôi nghe nói vùng đó là một vùng chưa được khai hóa, những giống dân cư trú tại đó tính tình hung dữ và các vụ bạo động thưòng xảy ra luôn, không biết là thầy về đó hành đạo có tiện hay không.

Đại đức Punna bạch:

- Lạy Bụt, chính vì họ chưa được khai hóa cho nên chúng ta phải tới để giúp họ. Chính vì họ hung dữ và bạo động nên chúng ta phải đem đạo từ bi và phép hành xử bất bạo động đến. Con nghĩ là con có thể thành công ở đó được.

- Punna, nếu thầy đang thuyết pháp mà họ cứ tới la ó và chửi mắng vào mặt thầy thì thầy tính sao?

- Lạy Bụt, con nghĩ la ó và chửi mắng cũng chưa lấy gì làm dữ lắm. Họ cũng còn chưa liệng đá và đồ dơ vào con.

- Nhưng nếu họ liệng đá và đồ dơ vào thầy?

- Lạy Bụt, liệng đá và dồ dơ cũng chưa lấy gì làm dữ lắm. Họ cũng còn chưa lấy gậy đánh vào con.

- Nhưng nếu họ lỡ họ lấy gậy đánh vào thầy?

Đại đức Punna cười:

- Lạy Bụt, như vậy họ cũng còn hiền lắm. Họ vẫn chưa giết con.

- Nhưng họ lỡ họ giết thầy?

- Điều này không xảy ra đâu, bạch đức Thế Tôn, mà dù nó có xảy ra đi nữa thì chết vì đạo lý từ bi và bất bạo động vẫn là một cái chết có ý nghĩa, có thể giáo dục người ta được. Lạy Bụt, người ta sống trên đời ai cũng phải có một lần chết, nếu cần chết vì lý tưởng từ bi và bất động, con sẽ không từ nan.

Bụt khen:

- Hay lắm Punna! Thầy có dư sức đi hành hóa tại xứ Sunaparanta. Tôi hỏi để các thầy khác cũng được nghe mà thôi, chứ riêng tôi, tôi không ngi ngờ gì về khả năng và lập trường bất bạo động của thầy hết.

Đại đức Punna ngày xưa vốn là thương gia. Hồi ấy Punna thương cùng với người em rễ đi buôn, bỏ hàng từ Savatthi đem về Sunaparanta và chở những sản phẩm địa phương tại quê nhà đem bán ở lục địa. Họ dùng ghe thuyền và xe bò để chuyên chở hàng hóa. Một hôm chở hàng tới Savatthi, Punna được trông thấy một đoàn khất sĩ đang trang nghiêm đi khất thực. Do đó Punna đã tìm tới được tu viện Jeatvana và đã được nghe Bụt thuyết pháp. Nghe xong bài thuyết pháp, Punna không muốn đi muốn nữa. Ông muốn theo Bụt để làm khất sĩ. Ông giao hết tất cả hàng hóa tiền bạc cho người em rễ và tới chùa xin Bụt cho phép xuất gia. Đại đức Punna rất thông minh, đại đức tu học rất tinh tiến và đã trở nên một vị giảng sư xuất sắc. Đại đức đã từng đi hành hóa nhiều nơi trong các vương quốc Kosala và Magadha. Ai cũng nghĩ rằng kinh nghiệm và đạo hạnh của đại đức đủ bảo đảm cho sự thành công của đại đức tại quê nhà.

Mùa Xuân năm sau, trong chuyến đi về miền Đông, Bụt đã ghé thăm Vesali, Campa, và theo dòng sông đi ra tới miền biển để giáo hóa. Bụt và các vị khất sĩ đã có những dịp ra ngồi rất lâu trên bờ biển. Một lần kia, đại đức Ananda nói với Bụt:

- Bạch Thế Tôn, nghe tiếng sóng vỗ, nhìn các đợt sóng, chấm dứt mọi suy tư, theo dõi hơi thở và an trú trong hiện tại, con thấy thân tâm thật thoải mái, và đại dương như giúp con đổi mới trong từng giây từng phút.

Bụt gật đầu.

Có một hôm nọ đứng nói chuyện với ngư dân ven biển, đại đức Ananda hỏi các ngư dân này nghĩ gì về biển cả. Một người đàn ông cao lớn, nước da xạm nắng, dáng người rất đẹp nói với thầy:

- Biển có những đặc tính rất lớn và tôi ưa biển vì những đặc tính ấy. Đặc tính thứ nhất là biển có những bãi cát thoai thoải đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới trở nên rất dễ dàng. Đặc điểm thứ hai là biển luôn luôn ở tại chỗ, biển không bao giờ dời chỗ. Mình muốn ra biển thì mình biết hướng mà tìm đi. Đặc điểm thứ ba là biển không chấp nhận thây chết. Khi có thây chết, biển luôn luôn đẩy nó lên bãi. Đặc điểm thứ tư là biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông, dù đó là sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu hay sông Mahi. Sông nào ra tới biển thì cũng bỏ tên riêng của mình để mang tên biển cả. Đặc điểm thứ năm là tuy ngày đêm muôn sông liên tiếp đổ nước về biển, biển củng không vì vậy mà có khi vơi khi đầy. Đặc điểm thứ sáu là nước biển ở đâu cũng mặn. Đặc điểm thứ bảy là trong lòng biển có biết bao nhiêu thứ san hô, xà cừ và ngọc quý. Đặc điểm thứ tám là biển làm chỗ dung thân cho hàng triệu loài sinh vật, trong đó có những loài rất lớn dài hàng trăm do tuần, và những loài nhỏ bé như cây kim hoặc hạt bụi. Thưa các thầy, tôi chỉ nói có chừng đó, các thầy cũng thấy tôi yêu biển đến chừng nào.

Ananda nhìn kỹ bác ngư dân. Bác này làm nghề chài lưới mà nói năng như là một thi sĩ. Thầy hướng về phía Bụt:

- Thế Tôn, bác ngư dân này ca tụng biển rất hay. Thế Tôn, bác ngư dân yêu biển thế nào thì con cũng yêu đạo pháp giác ngộ như thế, con thấy đạo pháp của Thế Tôn có rất nhiều đặc tính tuyệt vời, đạo pháp này cũng bao la như biển cả, mong Thế Tôn dạy cho chúng con.

Bụt mỉm cười, đưa tay chỉ ghềnh đá:

- Chúng ta hãy tới ngồi trên những tảng đá kia. Tôi sẽ nói cho các vị nghe về những đặc tính của đạo pháp giác ngộ.

Mọi người theo Bụt leo lên ngồi trên ghềnh đá. Các bác ngư dân cũng được mời theo. Khi mọi người đã an tọa quanh Bụt, Bụt cất tiếng:

- Này quý vị, bác ngư dân vừa nói tới tám điều đáng yêu của biển. Tôi cũng sẽ nói tới tám điều đáng yêu của chánh pháp.

Thứ nhất, nếu biển có những bờ cát thoai thoải có thể đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới trở nên dễ dàng, thì chánh pháp cũng vậy. Trong đạo pháp này, mọi người có thể đi từ dễ tới khó, từ thấp tới cao, từ cạn tới sâu. Chánh pháp mỏ rộng cho tất cả mọi người thuộc đủ loại căn tính: ai cũng có thể đi vào chánh pháp được cả. Dù là em bé, người già, giác ngộ trí thức, kẻ thiếu học ... tất cả đều tìm thấy pháp môn tu học thích hợp với mình trong đạo pháp này.

Thứ hai, nếu biển luôn luôn ở tại chỗ mà không dời đi nơi khác, không cuốn phăng đi xóm làng và thành thị, thì chánh pháp cũng thế, những nguyên tắc của chánh pháp luôn luôn không thay đổi, và giới luật của người thọ trì chánh pháp đã được quy định rõ ràng, Ở đâu có sự học hỏi và thực hành đúng theo những nguyên tắc ấy và những giới luật ấy là ở đó có chánh pháp, không thể nào sai chạy được.

Thứ ba, nếu biển không bao giờ dung túng một thây chết trong lòng nó thì chánh pháp cũng vậy. Chánh pháp không dung túng được vô minh, biếng lười và hành động phạm giới. Một người không tu trong một đại chúng có tu không thể nào cư trú lâu dài được. Ngưòi đó sớm muộn gì cũng phải bị đẩy ra khỏi đoàn thể và giáo pháp.

Thứ tư, nếu biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông không phân biệt kỳ thị thì chánh pháp cũng thế. Từ giai cấp nào trong bốn giai cấp xã hội, người ta cũng được đón tiếp một cách bình đẳng vào trong đạo pháp này. Cũng như khi nước các dòng sông chảy ra biển, chúng bỏ lại sau lưng mình tên của dòng sông và bắt đầu lấy tên biển cả, những người đi vào trong đạo pháp của tôi không còn mang theo giai cấp, dòng dõi và địa vị xã hội của họ: tất cả đều được gọi chung là người khất sĩ.

Thứ năm, nếu biển không vơi đi cũng không đầy thêm dù đêm ngày muôn sông vẫn tiếp tục chảy về, thì chánh pháp cũng vậy. Chánh pháp là chánh pháp, không phải vì có nhiều người đi theo mà mới là chánh pháp, không phải là vì ít người đi theo mà đạo pháp không phải là chánh pháp. Sự thịnh suy không đánh giá được chân lý của đạo pháp này.

Thứ sáu, nếu nước biển ở đâu cũng chỉ có một vị là vị mặn, thì chánh pháp cũng thế. Dù giáo pháp được trình bày ra nhiều cách, dù có hàng ngàn hàng vạn pháp môn, thì chánh pháp cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Không có công năng giải thoát thì đó không phải là chánh pháp.

Thứ bảy, nếu trong lòng biển có vô số các loại san hô, xà cừ và ngọc quý thì chánh pháp cũng thế. Trong đạo pháp ta có nhiều pháp môn vi diệu và quý báu như tứ diệu đế, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lục, thất bồ đề và bát chánh đạo.

Thứ tám, nếu biển là chỗ dung thân thoải mái cho hàng triệu loài sinh vật trong đó có những loài vật nhỏ như hạt cát và dài lớn đến hàng trăm do tuần, thì chánh pháp cũng thế. Trong đạo pháp ta, một em bé hay một người ít học vẫn có thể cơ hội tu học thoải mái. Trong đạo pháp ta, những bậc đại nhân có kích thước lớn như những vị bồ tát có thể có cơ hội tu học và hoằng hóa trong một môi trường thênh thang. Trong đạo pháp ta cũng có vô số các vị đã chứng đạt quả vị Nhập lưu, Nhất hoàn, Bất hoàn và A la hán.

Này quý vị, biển cả là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận. Chánh pháp là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận.

Đại đức Ananda chắp tay nhìn Bụt:

- Thế Tôn, người là một vị đạo sư, nhưng người cũng là một thi sĩ nữa.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/07/2011(Xem: 3435)
Ấm trà phúc đức, Tương truyền 500 năm về trước, tại huyện Mỹ Nùng có một vị tu hành đức hạnh tên là Chánh Thông pháp sư, nhân muốn lập một tòa tùng lâm tại nơi này, đã đặt chân khắp nơi để tìm địa điểm mà vẫn chưa tìm thấy. Có một đêm, pháp sư ra suối tắm, khi trở về qua khu rừng, dưới ánh trăng trong vằng vặc, bỗng nghe có tiếng nho nhỏ gọi: - Lão Pháp sư! Lão Pháp sư! Người dừng bước trông chung quanh không thấy một bóng ai cả, trong lòng lấy làm kỳ quái tưởng là mình nghe lầm nên cứ thản nhiên tiến về thảo am. Nhưng vừa đi được vài bước, lại nghe có tiếng gọi: - Pháp sư! Lão Pháp sư! Chánh Thông pháp sư liền theo hướng tiếng gọi phát lên mà tìm đến coi thử thì thấy trong đám cỏ dại um tùm trước hoang viện, hiện ra một người giống hệt dáng hồ ly, chắp tay vái pháp sư. Pháp sư hoan hỷ hỏi: - Thế ra nhà ngươi gọi ta? - Dạ đúng! Người đó trả lời. - Vậy ngươi có chuyện gì muốn nói cùng ta Pháp sư hỏi. Người đó chớp chớp đôi mắt nói : - Có phải lão Pháp sư định tìm một
28/07/2011(Xem: 2852)
Một phụ nữ nhà quê. Một con người luôn ném hết nghị lực ra giữa trời đất để sống. Bảy mươi ba tuổi. Tên Cao Thị Mỹ...
18/07/2011(Xem: 3094)
Nỗi oan của nàng Thị Kính - Truyện kể dân gian
11/07/2011(Xem: 12455)
Lá sen "cõng người", chuyện tình Rùa Hạc là những câu chuyện có thật trong Phước Kiển Tự. Trong cõi nhân gian này, không thiếu những sự kiện ly kỳ khó lý giải, và ở nơi này nơi kia, vào thời gian này thời gian nọ, biến động của cuộc sống luôn chứa đựng những bí ẩn trông chờ các nhà khoa học giải mã. Một hiện tượng lạ, một câu chuyện lạ, để thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều điều con người chưa khám phá hết.
09/07/2011(Xem: 5114)
C ó một cụ thi sĩ vừa say tình, vừa say rượu đã làm ra hai câu thơ luận về chữ Tình như sau: Chữ Tình là chữ chi chi. Dẫu chi chi cũng chi chi với Tình. Nghĩa là mặc kệ, muốn hiểu sao về chữ Tình cũng được, cho dù biết chắc là đâm đầu vào chỗ chết vẫn cứ hiên ngang bước vào.
09/07/2011(Xem: 12533)
Có lẽ danh từ “Phật đảo“ tôi dùng cho xứ đảo Đài Loan có hơi lạ tai với các bạn, vì từ đó đến giờ ta chỉ nghe nào là “Hải đảo chiều mưa“ hay “Ốc đảo cô đơn“, chứ chưa ai dám dùng từ chứa nhiều cường điệu như thế! Nhưng quả thật là như thế các bạn ạ! Một cụm đảo gần chín mươi chín hòn nhỏ to đủ cỡ, không lấy gì làm lớn cho lắm nằm chơ vơ giữa biển mà đi đến đâu cũng thấy những tượng Phật vĩ đại và Chùa chiền với tầm vóc đáng ngại, nhìn vào phải bái phục khen thầm, ấy là chưa kể tinh thần tu học nghiêm mật và trật tự của Phật tử Đài Loan.
06/07/2011(Xem: 5051)
Hôm nọ tình cờ Hoa Lan đọc được một đoản văn của một tác giả nào đó, viết về đề tài nóng bỏng của thời đại “Tình Nghĩa Vợ Chồng“ với dẫn dụ thật thú vị bằng bát canh rau biếc, một loại rau khoa học giả tưởng kiểu lá riêu bông. Câu chuyện hay đến độ đã làm Hoa Lan phải động não lẫn động tâm, phải lồm cồm bò dậy ngồi vào máy vi tính để viết ra mấy hàng chữ này.
01/07/2011(Xem: 2320)
Trời tối quá, nhưng tôi biết có 3 bông sen nở từ hôm qua, giờ này cánh sen đang úp lại, ngủ êm đềm bên những lá tròn xanh mướt, chờ bình minh lại tỏa ngát hương thơm.
30/06/2011(Xem: 2406)
Nếu bạn đi qua cánh đồng lúa mạch sau cơn bão bạn sẽ thấy lúa đen như thể là bị cháy. Tôi sẽ kể cho bạn nguyên nhân lúa bị đen...
30/06/2011(Xem: 2117)
Những chiếc lá vàng từ tán cây phượng bị gió lùa xuống ghế đá công viên, chỗ Thủy và chàng ngồi, làm cho Thủy chợt nhớ bài hát Mùa Thu Lá Bay...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]