Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận về một chữ tình

09/07/201106:36(Xem: 5113)
Luận về một chữ tình

Luan_Ve_Chu_Tinh_Hoa_Lan

C

ó một cụ thi sĩ vừa say tình, vừa say rượu đã làm ra hai câu thơ luận về chữ Tình như sau:

Chữ Tình là chữ chi chi.

Dẫu chi chi cũng chi chi với Tình.

Nghĩa là mặc kệ, muốn hiểu sao về chữ Tình cũng được, cho dù biết chắc là đâm đầu vào chỗ chết vẫn cứ hiên ngang bước vào.

Ngày xưa còn bé, lúc hay đọc lén tiểu thuyết lãng mạn trong tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong hay Phụ Nữ Diễn Đàn, tôi mơ ghê lắm, nào là sẽ gặp được một chàng đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu… Nhưng thực tế lúc bấy giờ, nạn trai thiếu gái thừa, lấy đâu ra hoàng tử cho mình lựa chọn. Sau cùng thực tế hơn, tôi chỉ mơ lấy được anh chồng hút thuốc lào là đã mãn nguyện rồi.

Không ngờ thời thế đổi thay, tôi được đưa sang một nơi mà con trai chưa vợ có đến mấy trăm ông, còn con gái chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong môi trường này không cần nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, chỉ cần sạch nước cảnthôi là có thể tha hồ lựa chọn.

Ba điều kiện để kén chồng là đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu, có thể vất đi hai điều cuối, vì tên nào sang được xứ Đức thời buổi đó phải đậu bằng tú tài điểm cao và con nhà giàu. Từ lý luận kiểu đó, tôi chỉ cần kiếm chàng nào đẹp trai coi hợp nhãn là giấc mộng đã thành.

Chẳng cần tìm kiếm lâu, một chàng lãng tử từ đâu đã lù lù dẫn xác đến, chàng tán nhanh quá, nhanh hơn cả điện chớp, khiến tôi trở tay không kịp.

Tôi đành thay đổi lập trường bằng hai câu thơ cải biên:

Thà một phút huy hoàng bên anh chồng lãng tử.

Còn hơn buồn le lói cạnh điếu thuốc lào cay.

Đến đây nếu bạn nào tinh ý, sẽ đoán ngay ra con người tôi, trước sau gì cũng bị chết vì tình mà thôi.

Chàng của tôi lỡ mang trong người hạt giống lãng tử, lúc trước vì phải trốn lính nên lỡ dại sang xứ Đức lạnh lẽo này. Môi trường này chỉ làm chết dần chết mòn con người ướt át của chàng. Ba mươi năm nơi xứ người, hạt giống lãng tử của chàng đã ngủ yên, nhưng khi về đến Việt Nam nó được tưới tẩm một cách mãnh liệt, nhờ những nàng Ma Nữ yêu kiều tuổi từ mười tám đến hăm ba. Mới hôm qua còn gọi chàng là chú với bác, hôm nay đã anh anh em em ngọt sớt.

Mỗi lần chàng đòi về thăm quê cha đất tổ, thăm Sài Gòn mến yêu, cái nôi chứa đầy những cạm bẫy, mà không một bà vợ nào muốn chồng mình đơn điệu dẫn xác vào. Các bạn tôi nghe tin đều khuyên tôi nên cùng về, đừng để thả rong như thế có ngày Ma Nữ bắt cả hồn lẫn xác thì toi công. Về cùng thế nào được, khi con cái còn đi học, chàng chỉ thích về dịp Tết vừa vui, vừa mát mẻ và vợ chàng không thể xử dụng câu Xuất giá tòng phu được.

Vì đã lỡ hứa với lòng mình là không được nổi cơn ghen, cục hờn ghen mà lên thì chẳng lẽ lại nhảy xuống sông Tiền Đường một lần nữa. Giác Duyên còn bận nhiều việc khác, không rỗi hơi ngồi chờ để vớt lên, nhảy xuống chết là cái chắc.

Chàng của tôi lại có tính lộng ngôn, trước mặt vợ phải kể hết mọi hành vi đen tối của mình. Dám tự nhận mình là Bồ Tát Yêu, phải về Việt Nam để hành Bồ Tát Đạo, đem yêu thương đến tất cả những người con gái có số phận hẩm hiu.

Với tư tưởng như thế, làm sao tôi dám nổi cơn ghen của nhi nữ thường tình. Chỉ biết mở lòng từ bi nói câu: Thấy anh hạnh phúc là em vui!Tuy nhiên anh nên hạnh phúc vừa vừa chứ, để em còn chịu nổi, chứ làm quá chắc em sẽ nổi cơn tanh bành ngay.

Chàng lấy được thống kê ở đâu cho biết, chín mươi bảy phần trăm đàn ông ở Việt Nam đều đi lang bang hết, phần còn lại chỉ dành riêng cho những người chưa có cơ hội, hoặc đã nhận được huân chương anh hùng liệt sĩ nhành dương liễu.

Còn thống kê bên nước ngoài, do các bạn của tôi cung cấp, cứ mười ông trốn vợ về Việt Nam một mình là có khoảng tám tới chín ông bị xa lưới nhền nhện. Một sự thật phũ phàng như thế, khiến bao gia đình phải lận đận lao đao.

Nếu các vị vợ hiền không chịu học lời ái ngữ, chiều chuộng đức lang quân, làm không khí gia đình tươi mát. E rằng ngày chàng xách va-li ra đi không một lời từ biệt cũng chẳng còn xa. Các yêu nữ thì vừa trẻ vừa ngọt ngào mời mọc, còn vợ hiền thì nhăn nhó, lại dữ như bà chằng. Có điên sao mới ở lại.

Tôi nhờ chịu khó ngồi nghe mấy ông Sư lải nhải (chữ chàng dùng), nên mới tháo gỡ phần nào được cái khóa tình ghê gớm ấy.

Tất cả chỉ là một cảm giác trong muôn ngàn cảm giác khác, không có thật, nó đến rồi nó đi. Tại sao ta lại đau khổ, tự dằn vặt thân ta rồi đòi chết vì cái cảm giác không có thật ấy.

Trên đời này thiếu gì chuyện vui không tốn tiền, ngắm phong cảnh, xem hoa lá, đi xe đạp dạo bờ hồ, ăn kem nhìn thiên nga bơi lội, hạnh phúc chán!

Tôi bắt chước ông cụ Cù Đàm, trái tim rất lớn nên yêu hết tất cả mọi người không chừa một ai, giống như ánh sáng mặt trời vậy. Không thèm yêu riêng một mình chàng, chiếu đèn pha về phía chàng chỉ tổ chói mắt mà thôi.

Ba mươi năm nay giữ chàng làm của riêng chưa đủ sao, cứ để chàng đi cho thỏa chí, đi chán rồi sẽ về lại tổ ấm. Tôi cũng có tự do riêng của tôi chứ, vắng chàng tôi sẽ tha hồ lên Chùa, thăm bạn bè để đấu láo.

Đến đây chắc các bạn đã phục tôi lăn quay, cho rằng tôi sắp đắc đạo, đã đến bờ bên kia.

Lại lầm to nữa rồi, tôi vẫn còn là con người bằng xương bằng thịt với bao hỷ nộ ái ố, thất tình lục dục cơ mà. Ngộ được lúc nào đỡ khổ lúc ấy, giống như ăn tới đâu no tới đấy, chẳng biết được ngày mai sẽ ra sao?

Các bạn ạ! Giữa lý thuyết và thực hành nó còn cách xa nhau lắm.

Ai chẳng biết ghen là xấu, ghen là khổ, các cụ thường bảo có yêu mới ghen, mình có muốn đâu, tự nhiên nó nổi lên đấy thôi.

Lúc trước tôi chủ trương, chồng mình dù khó tính đến đâu nhưng vẫn chưa phạm phải Tứ Đổ Tường, cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách. Có thể thông qua!

Mình đợi ông ấy phạm phải một trong bốn tật xấu ấy là a-lê-hấp cho văng luôn, rảnh nợ!

Nhưng khổ nỗi, cái tật lẳng lơ thích gái đẹp của ông ấy chỉ vớ vẩn chẳng có cơ sở vững chắc làm nền tảng để mình có quyết định tối hậu.

Tôi bị lâm vào cảnh Bỏ thì thương, vương thì tội, sống ngất ngư theo những chuyến về thăm quê cha đất tổ của chồng tôi.

Có phải tôi đang chết vì tình không? Nếu luận về chữ tình thì câu chuyện con nhện cái thành tinh trong Tây Du Ký còn dữ dội hơn nhiều, vì một lời nguyền đã đi tìm nhau đến năm trăm kiếp, để rồi than câu Vì tình đến chết vẫn còn vương tơ. Thảo nào ở Việt Nam, nhất là Trung Hoa có rất nhiều ma. Cũng vì trai gái yêu nhau, gặp ngang trái chẳng lấy được nhau, dẫn nhau đi tự tử dài dài. Hồn ma vất vưởng không siêu thoát cứ đi tìm nhau hết kiếp này đến kiếp khác.

Xem ở phương Tây có mấy ai chết vì tình đâu, cũng có nhưng là số ít không đáng kể. Họ nghĩ rất lô-gíc, nhà ngươi không yêu ta thì ta đi kiếm người khác, tội gì phải khổ. Cũng như nhà thơ sáng suốt nào đó đã nói nếu

Em đi lấy chồng.

Anh về lấy vợ thế là xong.

Vợ anh không đẹp bằng em đấy.

Anh lấy cho anh đỡ lạnh lòng.

Tôi cũng nghĩ như thế, nếu chồng tôi cứ mải mê theo những bóng sắc hão huyền nào đó, tôi nhất định sẽ theo ông Cù Đàm, bảo đảm cuộc đời sẽ an lạc hơn nhiều. Nếu tôi gặp ông sớm hơn, lúc mười chín tuổi có lẽ đã đi xuất gia chứ không thèm xuất giá làm chi cho cay đắng mùi đời như vậy.

Chỉ là nói vậy thôi, chứ tôi biết kiếp trước tôi với chàng đã thề non hẹn biển cùng nhau, duyên tình chưa trọn kiếp đã lỡ làng như người thiếu phụ trong bản Nhạc sầu tương tư, chúng tôi đã chọn làm tín hiệu để nhận diện nhau trong kiếp này. Nếu tôi cứng đầu không chịu trả món nợ tình với chàng, chỉ đòi theo ông Cù Đàm, chắc chàng chẳng buông tha.

Chắc các bạn cũng tức dùm cho tôi, đường đường là một đấng nữ nhi đầu đội nón Nike, chân đạp đất, trong bụng chứa đầy mưu kế để qua mặt chồng. Thế mà bị một gã đàn ông quay như chong chóng, không còn ra thể thống gì nữa hết.

Tôi đã có kế phục thù rồi các bạn ạ! Trong thời gian ấy, tình cờ tôi bắt được liên lạc với các bạn bè cũ thời học lớp 12 B2 trường Võ Tánh Nha Trang, sau 30 năm im hơi bặt tiếng. Người nào cũng rạng rỡ, vui mừng khi bắt được nhịp cầu “meo”nối vòng tay lớn, ai cũng tưởng mình trẻ đi ít nhất cũng ba chục tuổi.

Ngày nào nấu cơm xong tôi cũng vào máy, meo cho bạn bè khắp nơi lia lịa. Nhận hết anh chàng ở Chicago làm Sư Huynh, đến cậu hàng xóm cháu ông bà chủ tiệm sách tôi vẫn sang coi báo cọp ngày xưa, làm Sư Đệ hiện ở Sydney.

Lời qua tiếng lại nhiều thế nào cũng đụng chạm, có những mối tình câm, tình đơn phương hay một chiều, ấp ủ đến 30 năm, nay được hâm lại bằng microwave nóng bỏng. Sư Huynh tôi tỏ tình với cô bạn thân của tôi có đôi mắt to đẹp, làm người suýt chết đuối tại bãi biển Nha Trang năm nào.

Tôi phụ trách trang web nên cho đăng câu chuyện Lá Thư Tình Thứ Nhất của Sư Huynh với bút hiệu Kẻ Tình Si, sau khi năn nỉ tôi đổi cho bút hiệu gì mà hiền thê của chàng không đoán ra được. Ai nấy đều tán thưởng kịch liệt.

Chẳng lẽ chỉ có lá thư tình thứ nhất rồi tắt nghẹn sao, tôi tìm cách cho ra lá thư tình thứ hai của một cặp khác. Chẳng ai có can đảm rửa tim trước mặt mọi người, vì ở trong hội Le Sơ Vơcả đám.

Không biết ngọn gió nào đưa đến một “meo” của một anh chàng, ngày xưa tôi cũng hơi thích vì trông giống tài tử Pháp quốc Jean Paul Belmondo.

Chàng dám nói cũng thích hình ảnh tóc dài của tôi, nhưng chỉ là tình đơn phương độc đạo. Thế là chàng tới số rồi, vớ được tin tức gay cấn như thế lấy gì tôi bỏ qua. Tôi cho ra ngay một Lá Thư Tình Thứ Hai tình tiết còn éo le gấp bội.

Chàng của tôi mấy tháng nay thấy tôi cứ liên lạc với đám bạn cũ quá tương đắc, đâm bực, lúc nào cũng bắt tôi viết thơ từ giã. Trước áp lực của chàng tôi phải gửi một bức Tuyệt Tình Ca đi tứ xứ. Không ngờ bạn bè tôi, quá ái mộ thơ văn của tôi, đã kêu gọi tôi trở lại một cách thảm thiết, chàng trưởng lớp tống một lá công văn, cô bạn mắt to trích nhạc Trịnh Công Sơn: Hương ơi! Hương ơi! Đừng tuyệt vọng…

Nhưng khi trang web cho đăng bài Lá Thư Tình Thứ Hai, chàng của tôi không chịu được nữa, ra lệnh bắt tôi hủy diệt trang web tận gốc, xóa tan tành không còn một dấu vết.

Cả mấy tháng trời cặm cụi, thu thập biết bao hình ảnh ngày xưa còn bé của các bạn, chỉ cần một chữ delete là đi đong hết.

Khỏi cần phải tả, các bạn đã nghe được tiếng oán than từ bốn phía gửi về. Tôi không dám khai chiến, chỉ từ từ rút lui ra khỏi chiến trường, giả như điếc và câm, làm ngơ không trả lời bất cứ một “meo” nào gửi đến.

Chắc các bạn đang nóng lòng muốn biết nội dung Lá Thư Tình Thứ Hai như thế nào phải không? Tôi sẽ trích dẫn nguyên văn những đoạn gay cấn:

Còn chuyện ngày xưa, thì tình yêu học trò ấy chỉ là mối tình độc đạo một chiềuvì đâu ai được biết, vậy thì Hoa Lan làm sao quả quyết được là vậy?

Đón Xuân ơi! Cho Hoa Lan đặt 3 chữ Nếunghe:

  1. Nếu hồi đó Xuân được sang Đức, Hoa Lan sẽ đi tìm Xuân ngay.
  2. Nếu hồi đó Xuân có một con đường mang tên Hoa Lan với tấm bảng Tình yêu độc đạo(one way) thì xin Xuân hãy sửa lại thành đường hai chiều, tự do lưu thông. Tuy nhiên vì tình trạng ván đã đóng thành thuyền cả rồi nên vẫn để bảng cấm.
  3. Nếu Xuân còn muốn Hẹn lại kiếp sauthì đừng cho diễn đàn 12 B2 biết, họ sẽ ảnh hưởng đến quyết định tương lai của đôi trẻ.

Có chữ Nếu nào không hài lòng, Xuân cứ tự động delete một cách thoải mái vô tư.

Rất cảm kích tâm tình của Hoa Lan, bây giờ mình chỉ còn được làm bạn giàvới nhau thôi. Cả 3 chữ Nếucủa Hoa Lan đều làm Xuân ngây ngất cả tâm hồn, không cần delete chữ nào cả. Hình như đạo Phật mình, tin vào hồi sinh lại kiếp sau, vậy cho hẹn lại nhé! Bây giờ vẫn cứ phải Tuhết kiếp này của mình.

Các bạn có biết tôi phải trả một giá thế nào cho cái Lá Thư Tình Thứ Hai này không?

Chàng lôi cổ tôi vào phòng khách, phùng mang trợn má mắng cho một trận, với những tội trạng chưa viết được thành văn. Nào là dám hẹn kiếp sau với người khác, khi chưa hỏi ý kiến chồng. Hẹn kiếp này tội một, nhưng hẹn kiếp sau tội nặng gấp mười.

Tôi cãi lại: Tại anh nói kiếp sau gặp em sẽ bỏ chạy, nên bây giờ gặp được người tử tế dễ thương em phải giữ chỗ trước chứ.

Mà thôi cái lưỡi không xương mười đường lắc léo, hơi sức đâu để ý cho mệt, phải không các bạn?

Tôi đã cho chàng nếm thử mùi ghen, xem cái ghen của người đàn ông khác với đàn bà như thế nào?

Tôi xin đi sâu vào chi tiết nội bộ câu chuyện, chẳng là thuở xưa mẹ tôi và mẹ của chàng Đón Xuân là đôi bạn tri kỷ, cùng chung một cảnh ngộ, chồng mất sớm tần tảo nuôi con thơ cho đến ngày học thành tài. Đậu xong tú tài, chúng tôi đều được mẹ gửi ra nước ngoài du học, chàng sang Mỹ, tôi sang Đức.

Năm đệ nhất tình cờ chúng tôi học chung một trường, tôi ngồi bàn đầu, chàng sau cuối gần cửa sổ. Tôi nhớ mỗi lần giờ triết, thầy giảng buồn ngủ, tôi phải dùng ô mai me chua chống cự. Còn chàng đợi thầy quay lên bảng, nhảy qua cửa sổ ra biển tắm một phát, rồi lẻn vào ngồi như không có chuyện gì xảy ra.

Chỉ biết rằng tang chứng là cái đầu rối bù và ướt nhèm. Tôi thích cái vẻ ngang tàng giống tài tử của chàng, tuy chưa một lần nói chuyện tay đôi.

Khoảng năm 80 tôi về Nha Trang có lại thăm mẹ chàng, bà cụ nhìn tôi ngắm nghía, rồi tiếc thầm sao không hỏi tôi cho cậu con trai của bà. Ván đã đóng thành thuyền cả rồi.

Đến năm 95 mẹ tôi sang tận Florida thăm bạn vàng, hai cụ tâm sự với nhau như thế nào tôi không được rõ. Chỉ biết rằng khi về mẹ tôi kể lại, bác ấy cứ tiếc mãi bảo nếu biết hai đứa có để ý đến nhau, đã tác thành cho đôi trẻ. Lúc về chàng có nhờ mẹ tôi mang một áo thun trắng bằng coton in chữ Florida cho tôi làm quà. Vì không biết khổ người của tôi, nên chàng đã chọn size L cho chắc ăn. Nhờ vậy mà mười năm sau tôi vẫn còn chui lọt.

Chàng của tôi biết chuyện, nên để thầm trong bụng, mỗi lần tôi mặc cái áo có in chữ Florida là chàng khó chịu. Khi lá thư tình thứ hai xuất hiện, chàng lên cơn lồng lộn, nghĩ chắc chúng nó có tình ý gì với nhau nên mới dám hẹn kiếp sau, làm trang web bị vạ lây, chết không kịp ngáp.

Từ đấy tôi và chàng Đón Xuân đành rút lui ra khỏi diễn đàn, không dám một lời hỏi thăm hay chúc Tết gì cả. Nếu lỡ sau này gặp nhau ở ngoài đường, muốn mời nhau đi uống ly cà-phê để hàn huyên chuyện cũ, chắc cả hai phải viết SMS xin phép hai vị cai ngục của đời mình.

Trên đời này kiếm được một tri kỷ tri âm rất khó, nhất là người đó chịu khó ngồi nghe mình trút hết những giận dữ lên đầu, thiếu tiếng chửi là ăn không thấy ngon. Chàng của tôi đâu dễ dàng gì bỏ người bạn đời hiếm có như tôi, nếu lỡ kiếp này chửi vẫn chưa đã, sẽ để dành đến kiếp sau chửi tiếp. Làm sao dám nhường cho chàng Đón Xuân được.

Đã có đường đi rồi, tôi không còn lo sợ. Kiếp sau tôi sẽ theo ông Cù Đàm, còn khuya tôi mới theo chàng nào khác. Theo Ông cuộc sống sẽ an lạc, không cần phải sửa sắc đẹp vừa đau vừa tốn tiền, không cần dùng sắc đẹp để câu đàn ông.

Hạnh phúc có ngay sờ sờ trước mắt, chỉ cần đưa tay ra lấy. Không bao giờ thấy cô đơn, không bao giờ sợ bị phản bội, lại được yêu rất nhiều, yêu cả thế giới càng tốt. Trong khi yêu riêng một chàng nào, như bị chui vào rọ. Thân phận chẳng thua gì một người đầy tớ không công, lúc trẻ làm vú em nuôi con cho chàng, hễ con ngoan là con của chàng, còn bê bối là con của mẹ. Chưa kể cơm hầu nước dẫn, ngày ba bữa, không thiếu món gì.

Ấy là tôi chỉ nói riêng một khía cạnh thôi, đừng cho rằng tôi định hù các người đẹp mới lớn, cản không cho họ làm nghĩa vụ con người trong thế giới chỉ có Ta với Bà này. Nếu đã lỡ vướng vào lưới tình rồi thì khó lòng ra nổi, chàng bảo gì em cũng cam tâm làm hết, miễn sao được sống bên chàng là em đã mãn nguyện.

Các bạn quên sao, thế giới ta đang sống dựa trên nền tảng của Ái Tình, không có chữ Yêu làm gì có cảnh khổ vì chồng, vì con, vì bố mẹ, ông bà… , cả đến ông hàng xóm nữa.

Muốn bớt khổ chỉ còn cách phớt tỉnh Ăng-Lê, măng-phú hết mọi chuyện, chồng lớn rồi muốn đi đâu thì đi, con cái trưởng thành muốn lấy ai mặc kệ, khuyên không được thì cười trừ.

Ta phải tự cứu lấy đời ta, buồn bực chỉ làm ta chóng già, uổng phí tuổi xuân.

Đọc đến đây, không biết có bạn nào tưởng rằng cuộc tình của chúng tôi sắp gẫy, một thứ tình đang giẫy chết hay không? Khó trả lời thật! Nếu tôi cố tình diễn tả cho các bạn biết là chúng tôi vẫn yêu nhau tha thiết, tình vẫn mặn nồng như thuở nào, chắc chẳng ai thèm tin. Vì yêu cái kiểu gì kỳ cục vậy, chỉ thích làm khổ nhau thôi, chẳng lẽ áp dụng câu Có đắng cay mới biết ngọt bùivào mối tình hay sao.

Chàng của tôi vì lỡ mang một cái tên định mệnh gắn liền với hai câu thơ:

Giấc Nam Kha khéo bất bình.

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Hay những ai ghiền cải lương chắc phải biết ca câu:

Tỉnh giấcNam Kha bàng hoàng chợt hỏi? Sống để làm gì và Chết sẽ đi dzề…đâu…?

Lúc còn trẻ, khi Chàng ở đâu lù lù đến chiếm mất hồn tôi, làm sao tôi chịu tin mấy chuyện dị đoan ngớ ngẩn này. Sau này phải chịu đựng biết bao giông tố của giấc mộng Nam Kha, tôi đành tự an ủi cho mình bằng các câu ca dao như:

Thế gian được vợ hỏng chồng,

Như Tiên non bồng thì được cả đôi.

Được cả hai Thiên Lôi đánh một.

Tôi bằng lòng cho giấc mộng Nam Kha lôi cuốn, ráng tu tập thêm nhiều Pháp Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi như bài Sám nguyện nào đó. Đòi hỏi nhiều quá nhỡ chàng hoàn hảo quá, Thiên Lôi sẽ ghen tức.

Nếu nhà thơ tình nào đó tả về Người hàng xóm với câu:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.

Giá đừng có giậu mùng tơi,

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Tôi có thể cải biên câu thơ trên cho hợp với nỗi lòng của mình:

Nhà chàng ở dưới nhà tôi,

Cách nhau cái bậc cầu thang lên lầu.

Giá đừng có bậc cầu thang,

Làm sao tôi dám xuống chơi thăm chàng.

Chàng rất thích bà hàng xóm vì bà ta không được quyền ghen tuông hay xâm phạm vào cuộc đời tình ái riêng tư của chàng. Khi nào không thích có thể đuổi thẳng cẳng cho bà cuốn gói leo lên lầu mà lòng không vướng bận.

Phía bà hàng xóm cũng khỏe, khi quán người đàn ông này không phải là chồng của mình tự nhiên thấy nhẹ, không còn cảm giác chiếm hữu nhất định chỉ dành riêng cho mình mà thôi.

Cái khổ ở đây là làm sao cắt được cái khóa Tình, khi cái khoen Ái trong mười hai khoen của Thập Nhị Nhân Duyên bị tháo gỡ, tự nhiên các dây xích khác sẽ tan rã theo không cần phải dụng công.

Các bạn đừng cho tôi thuộc loại yêu quá hóa mờ mắt. Không, tôi đang dùng người đàn ông này để thử cho câu tâm nguyện của tôi: Kiếp sau tôi không muốn mình xinh đẹp hay giàu sang, chỉ mong gặp được Chánh Pháp.

Nếu tôi biết dùng Chánh Pháp để đưa vào những trường hợp nan giải như hiện nay, tôi sẽ tìm ra lối thoát, tôi sẽ sống an lạc.

Khi cơn ghen của tôi trồi lên, tôi sẽ nhớ đến các bài giảng về Duy Thức Học, nhận định khổ đau rồi hóa giải, không tìm cách trốn tránh hay lãng quên bằng những hình thức sa đọa khác.

Một hình thức Tu Trong Nghiệp Quả, Nghiệp trổ ra đến đâu, ta dùng trí tuệ hứng lấy, cần nhất là không bao giờ được khổ đau. Trong tận cùng của khổ đau là niềm hoan lạc.

Thôi! Tôi phải đổi đề tài khác, không các bạn lại bị tôi dẫn dắt vào hỏa trận đồ của hạnh phúc và khổ đau, một đề tài muôn thuở của thế gian.

Ngày xưa trong những lúc trà dư tửu hậu, chàng hay nói đùa với tôi về sự thua thiệt của đàn ông trong thời buổi này. Chỉ được lấy một vợ, không như Hoàng đế Trung Hoa có cả hàng nghìn cung tần mỹ nữ. Tôi cũng thương cảm cho chàng và tặng chàng bài ca dao cổ:

Trên trời có đám mây xanh,

Có anh bốn vợ chẳng chê vợ nào.

Vợ cả thì đẹp như sao,

Vợ hai tươi tốt như đào chín cây.

Vợ ba khéo nói khéo cười,

Vợ tư đấm bóp lại hay quạt hầu.

Để cho chàng gật gù khen câu ca dao hay xong xuôi, tôi mới kể câu chuyện ông Trưởng Giả có bốn vợ cho chàng nghe.

Ngày xưa có một ông trưởng giả rất giàu có, nên việc ông sắm được bốn bà vợ mỹ miều như thế là chuyện đương nhiên. Đặc biệt bà vợ bé nhỏ thứ tư của ông mới xinh đẹp làm sao, ông nuông chiều hết mực, đi đâu cũng sát nách bên mình.

Một hôm ông trở bệnh, biết mình không qua khỏi con trăng này. Ông gọi người vợ thứ tư luôn túc trực bên ông nửa bước cũng không rời đến trăn trối. Ông hỏi:

Em yêu ơi! Lúc còn sống ta yêu em hết mực, vậy khi ta chết em có chịu theo ta không?

Nàng lắc đầu khẽ bảo:

Hễ anh nằm xuống, em sẽ bye bye anh ngay lập tức, thiên hạ sẽ tranh nhau giành giựt em. Dù muốn theo anh cũng không được, anh yêu ơi!

Ông trưởng giả chán nản cho gọi người vợ thứ ba đến. Nàng trả lời cùng một điệu nhưng tình nghĩa dài hơn:

Em sẽtheo anh đến nắp quan tài cho đến khi đưa đám, rồi từ đó đường ai nấy đi.

Đến bà vợ thứ hai, nàng bằng lòng theo ông một đoạn dài hơn:

Em sẽ theo anh đến mộ địa cho trọn tình trọn nghĩa.

Ông trưởng giả chán quá rồi, không buồn mời bà vợ thứ nhất vào nữa.

Bây giờ ông mới nhớ lời mẹ dặn là đừng tin đàn bà, bọn chúng hay thay lòng đổi dạ lắm.

Nhưng bà vợ lớn không cần mời, hay tin ông bệnh nặng đã vội vã đến thăm, mặc dù bao năm nay ông đã cho nàng đi vào quên lãng.

Tuy nhiên theo thủ tục hành chánh nàng vẫn được hỏi câu hóc búa, có chịu đi theo không.

Ông trưởng giả thật ngạc nhiên hết muốn chết nữa khi nghe câu trả lời của nàng:

Ông ơi! Tôi theo ông đã bao nhiêu năm nay làm sao tôi dám bỏ ông, cho dù ông đi đến chân trời góc biển nào. Đến Diêm Vương thập điện tôi cũng ráng lết theo ông như hình với bóng.

Câu chuyện đến đây chấm dứt, nhưng phải có thuyết minh của người kể không sẽ gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc.

Bà vợ thứ tư tượng trưng cho tiền tài danh vọng, khi ta vừa thở ngáp ra là thiên hạ nhào vô giựt gấp, đừng hòng mang theo giấu trong quan tài, có ngày bị đào mả.

Bà vợ thứ ba tượng trưng cho nhà cửa, ruộng đất. Nàng Tam nương này chỉ chờ quan tài ta khiêng ra khỏi cửa là rước người khác vào ngay.

Bà vợ thứ hai tượng trưng cho bạn bè, thân bằng quyến thuộc. Nàng Nhị nương khóc lóc tiễn ta đến huyệt đạo, nhiều khi xúc cảm quá, nàng dám đâm đầu xuống huyệt theo ta, nhưng đã bị mọi người đứng chung quanh chận lại.

Bà vợ già khú đế đã theo ta từ thuở còn xuân tượng trưng cho cái Nghiệp, nàng này mới kinh hoàng, ta đi đâu nàng theo đó, muốn dứt bỏ cũng không được, nàng bám dai hơn cả đỉa đói.

Chàng tìm cách chê văn của tôi dở, thuộc loại ấm ớ hội tề chỉ tra tấn người đọc. Muốn có tầm vóc quốc tế phải tìm lối viết riêng cho chính mình, để ai đó đọc văn mình sẽ nhận ra ngay là bài của Thị Mẹt này hay anh Cu Tèo kia.

Tôi đón nhận những lời phê phán của chàng một cách trân trọng.

Chao ôi! Tôi nào dám mơ mộng cao sang, mơ văn mình đến tầm vóc quốc tế. Chỉ cần viết cho mấy Mệ bạn đạo đọc đỡ ghiền thôi cũng đủ hạnh phúc lắm rồi.

Chẳng ngờ các nàng đem quyển truyện của tôi để trên đầu giường, tối nằm đọc cười khúc khích, nhiều đoạn cười muốn té lăn xuống chân giường. Các chàng tò mò hỏi chuyện gì thế, nàng lại quảng cáo không công cho tôi bằng cách trả lời nhát gừng là chuyện của đàn bà, các ông không nên đọc.

Thế là có cuộc giằng co đòi giật truyện để đọc. Không ngờ độc giả nam phái của tôi lại gia tăng gấp bội, mặc dù tôi đã dặn kỹ các bà là đừng để cho ông ấy đọc, hậu quả rất tai hại có khi ông ấy bắt chước tính tình của chồng tôi, đòi hỏi các bà phải tuân theo như tôi thì nguy cho gia đạo các nàng.

Ăn Tết xong, giờ chia tay của chúng tôi đã điểm. Tôi bị giằng co giữa hai tư tưởng, có muốn giúp chàng sửa soạn cho chuyến đi được toàn vẹn không, đóng vai người vợ cao thượng cho đến lúc đưa chàng lên máy bay. Hay mặc kệ cha nội kêu taxi ra phi trường, tội vạ gì phải tử tế.

Tâm trạng của tôi cứ bữa đực bữa cái, chẳng ra cái thể thống gì. Thỉnh thoảng lại quên hết lời mẹ dặn, đừng nghe lời đường mật của đàn ông.

Ngày tiễn chàng lên đường về bên ấy, tôi vẫn đóng vai người vợ hiền ngoan ngoãn, chở chồng ra phi trường, phụ chồng khiêng cái va-li nặng trĩu chất đầy những tặng phẩm cho người bên ấy.

Tình cảm giữa hai bên vẫn đong đầy như thuở nào, không biết phe kia nghĩ gì trong đầu, chứ riêng tôi không buồn cũng không vui, chỉ mong sao chàng lên máy bay sớm cho tôi rảnh nợ.

Tối đến cơm nước cho cậu con xong xuôi, tôi mở máy rà “meo”. Một cô bạn nhỏ vốn mến mộ văn thơ của tôi, đã chọc tôi bằng hai câu thơ của một nhà thơ lãng mạn nào đó:

Người đi một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Làm sao tôi dám để cho một nửa hồn mất, nửa kia dại dại khờ khờ theo bước chân chàng đi được chứ. Các bạn sẽ cho tôi thuộc loại già rồi còn không nên nếtphiền lắm. Tôi phải đổi lại như thế này cho phải đạo:

Người đi một nửa hồn tôi thoát.

Một nửa hồn kia để trên Chùa.

Tôi đã gửi cho chàng hai câu thơ cải biên này để chàng thấu rõ nỗi niềm của người ở lại.

Nếu có ai ví von tâm trạng của tôi như vầng trăng bị xẻ làm đôi.

Một nửa bên nắng ấm trời trong, đang quậy cho nát nước đổ thùng, kiểu cụ Nguyễn Du tả chân:

Chơi cho liễu chán hoa chê,

Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.

Nửa bên trời Âu phải khép kín cửa lòng, tu hành nghiêm mật cho sáng nửa vầng trăng. Có bạn dám mủi lòng thương cho nửa vầng trăng đạo hạnh kia nhiều lắm.

Nhận xét như thế chưa được chính xác chút nào.

Này nhé! Làm sao dám quả quyết chàng của tôi hiện thời đang đuổi bướm hái hoa, nhỡ chàng đang thực hiện một công việc gì ích nước lợi dân, đang nghĩ đến người vợ bị bỏ rơi của chàng mà ruột đau chín chiều.

Không! Chính tôi hiện tại đang bị cái Thức số sáu, biệt danh là Ý Thức, công ty với Thức số bảy, pháp danh là Mạc Na Thức. Hai tên này đang quấy phá mãnh liệt trong con người tôi, khiến tôi tạo nghiệp dám nghi oan cho chàng.

Tên Ý Thức chuyên môn đi thu nhận những dữ kiện, đem về làm quà cho bạn. Còn Mạc Na Thức khi vớ được đầy đủ các thông tin, bèn sinh tâm phân biệt.

Tuy cách chàng đến nửa vòng trái đất, tôi vẫn thả hồn về bên chàng, vẫn tưởng tượng đến cảnh chàng đang lả lướt bay bướm với một em gái yêu kiều nào.

Nghĩ đến đó tâm tôi bắt đầu dậy sóng, rồi thủy triều cứ thế trào dâng và trào dâng mãi, cho đến khi ngọn sóng thần Vọng Niệm đổ ụp trên người tôi.

Khỏi phải tả thêm, ba ngày sau các bạn chỉ cần thả bộ ra biển Khổ sẽ thấy xác tôi trôi bềnh bồng.

Vậy ta phải làm gì để tránh bức tranh thảm họa ấy. Dễ lắm các bạn ạ!

Ta chỉ cần Niệm Phật, với 4 chữ hồng danh A Di Đà Phật, ta đã gọi cái tâm Phật của ta ra, thế là các tên giặc Vọng Niệm sẽ cụt vòi chạy mất, trả lại ta cái an bình của nguyên thủy.

Các bạn gái nào đang ở trong tâm trạng và hoàn cảnh như tôi, hãy tập thử đi, sẽ thấy sự mầu nhiệm ngay.

Đến đây tôi phải kết thúc phần Luận về một chữ Tình, nếu không sẽ gây họa to. Có kẻ sẽ bẻ bút, khóa tay tác giả Truyện Hoa Lan ngay.

Hoa Lan.

2007.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/07/2011(Xem: 3435)
Ấm trà phúc đức, Tương truyền 500 năm về trước, tại huyện Mỹ Nùng có một vị tu hành đức hạnh tên là Chánh Thông pháp sư, nhân muốn lập một tòa tùng lâm tại nơi này, đã đặt chân khắp nơi để tìm địa điểm mà vẫn chưa tìm thấy. Có một đêm, pháp sư ra suối tắm, khi trở về qua khu rừng, dưới ánh trăng trong vằng vặc, bỗng nghe có tiếng nho nhỏ gọi: - Lão Pháp sư! Lão Pháp sư! Người dừng bước trông chung quanh không thấy một bóng ai cả, trong lòng lấy làm kỳ quái tưởng là mình nghe lầm nên cứ thản nhiên tiến về thảo am. Nhưng vừa đi được vài bước, lại nghe có tiếng gọi: - Pháp sư! Lão Pháp sư! Chánh Thông pháp sư liền theo hướng tiếng gọi phát lên mà tìm đến coi thử thì thấy trong đám cỏ dại um tùm trước hoang viện, hiện ra một người giống hệt dáng hồ ly, chắp tay vái pháp sư. Pháp sư hoan hỷ hỏi: - Thế ra nhà ngươi gọi ta? - Dạ đúng! Người đó trả lời. - Vậy ngươi có chuyện gì muốn nói cùng ta Pháp sư hỏi. Người đó chớp chớp đôi mắt nói : - Có phải lão Pháp sư định tìm một
28/07/2011(Xem: 2852)
Một phụ nữ nhà quê. Một con người luôn ném hết nghị lực ra giữa trời đất để sống. Bảy mươi ba tuổi. Tên Cao Thị Mỹ...
18/07/2011(Xem: 3093)
Nỗi oan của nàng Thị Kính - Truyện kể dân gian
11/07/2011(Xem: 12451)
Lá sen "cõng người", chuyện tình Rùa Hạc là những câu chuyện có thật trong Phước Kiển Tự. Trong cõi nhân gian này, không thiếu những sự kiện ly kỳ khó lý giải, và ở nơi này nơi kia, vào thời gian này thời gian nọ, biến động của cuộc sống luôn chứa đựng những bí ẩn trông chờ các nhà khoa học giải mã. Một hiện tượng lạ, một câu chuyện lạ, để thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều điều con người chưa khám phá hết.
09/07/2011(Xem: 12531)
Có lẽ danh từ “Phật đảo“ tôi dùng cho xứ đảo Đài Loan có hơi lạ tai với các bạn, vì từ đó đến giờ ta chỉ nghe nào là “Hải đảo chiều mưa“ hay “Ốc đảo cô đơn“, chứ chưa ai dám dùng từ chứa nhiều cường điệu như thế! Nhưng quả thật là như thế các bạn ạ! Một cụm đảo gần chín mươi chín hòn nhỏ to đủ cỡ, không lấy gì làm lớn cho lắm nằm chơ vơ giữa biển mà đi đến đâu cũng thấy những tượng Phật vĩ đại và Chùa chiền với tầm vóc đáng ngại, nhìn vào phải bái phục khen thầm, ấy là chưa kể tinh thần tu học nghiêm mật và trật tự của Phật tử Đài Loan.
06/07/2011(Xem: 5051)
Hôm nọ tình cờ Hoa Lan đọc được một đoản văn của một tác giả nào đó, viết về đề tài nóng bỏng của thời đại “Tình Nghĩa Vợ Chồng“ với dẫn dụ thật thú vị bằng bát canh rau biếc, một loại rau khoa học giả tưởng kiểu lá riêu bông. Câu chuyện hay đến độ đã làm Hoa Lan phải động não lẫn động tâm, phải lồm cồm bò dậy ngồi vào máy vi tính để viết ra mấy hàng chữ này.
01/07/2011(Xem: 2319)
Trời tối quá, nhưng tôi biết có 3 bông sen nở từ hôm qua, giờ này cánh sen đang úp lại, ngủ êm đềm bên những lá tròn xanh mướt, chờ bình minh lại tỏa ngát hương thơm.
30/06/2011(Xem: 2406)
Nếu bạn đi qua cánh đồng lúa mạch sau cơn bão bạn sẽ thấy lúa đen như thể là bị cháy. Tôi sẽ kể cho bạn nguyên nhân lúa bị đen...
30/06/2011(Xem: 2117)
Những chiếc lá vàng từ tán cây phượng bị gió lùa xuống ghế đá công viên, chỗ Thủy và chàng ngồi, làm cho Thủy chợt nhớ bài hát Mùa Thu Lá Bay...
30/06/2011(Xem: 2028)
Mặt trời ló dạng trải những ánh vàng óng ả trên mặt biển khơi, chiếu sáng rực rỡ một góc trời. Ngoài xa, từng cơn sóng nô đùa nối đuôi nhau cặp bờ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]