Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lễ sinh nhật (chiếc máy computer)

08/04/201317:46(Xem: 3785)
Lễ sinh nhật (chiếc máy computer)
computer
Lễ Sinh Nhật
(Chiếc máy Computer)

Trần Thị Nhật Hưng

Tháng 10 mùa thu, đề tài muôn thuở để bao văn nhân thi sĩ trên thế gian này múa bút. Kẻ tán tụng, người than van. Nhưng tựu trung không ai phủ nhận mùa thu đẹp với những chiếc lá vàng rơi phủ đầy lối đi, đường phố. Rồi thì khách bộ hành, những cặp tình nhân tay đan tay rảo bước đạp xào xạc trên lá vàng khô. Họ kéo cao cổ áo, nép vào nhau khi một làn gió nhẹ mơn man thổi đến.

Mùa thu là vậy đó, lãng mạn, thơ mộng, đã làm rung động biết bao con tim. Và giữa thời điểm đất trời chuyển động, trong bệnh viện, mẹ tôi cũng chuyển bụng sinh ra tôi. Tôi cất tiếng khóc oe oe chào thu và đón nhận thu với tất cả chất thơ của nó. Không biết có phải vì thế, sau này lớn lên, tôi có một tâm hồn mẫn cảm, ướt át…để bây giờ ít nhiều tôi yêu văn, thơ và thường rung động trước mọi cảnh sắc hữu tình của các mùa, nhưng đặc biệt nhất vẫn là mùa thu!

Thu thường gợi nhớ. Nhớ về kỷ niệm.Về những câu chuyện vui buồn đã qua và đôi khi cả những điều vụn vặt nhất.

Riêng tôi hằng năm, thu nhắc tôi nhớ đến sinh nhật. Nhớ đến món nợ tinh thần ( kể chuyện về sinh nhật), lẫn vật chất (nấu món mặn lẫn chay) cống hiến đến quí vị, nếu không, không hẳn tất cả, chỉ một số người thôi trong quí vị không để tôi yên thảnh thơi thưởng thu cùng lang quân tay đan tay nép vào nhau đạp xào xạc trên lá vàng khô!

Thế đấy, đời tôi thế đấy. Nhưng mùa thu cũng không quên nhắc tôi nhớ đến những món quà sinh nhật tôi sẽ nhận từ quí vị. Dù không hy vọng nhận từ tất cả, chỉ một số hay vài người thôi cũng đủ cho tôi ấm lòng để tôi còn thấy trên cõi đời này còn rất nhiều người dễ thương, biết điều, hào hoa phong nhã, lịch sự, phóng khoáng v.v…và v.v…như quí vị.

Nhưng bây giờ trước hết, tiên chủ hậu khách, vì sinh nhật của tôi, tôi phải mời quí vị tham dự trước đã.

Và năm nay để trọn vẹn đôi đàng, không rơi vào trường hợp “ma chê,…sinh nhật trách “ và cũng không để quí vị... nhốn nháo cãi nhau, đòi hỏi đủ thứ, tôi chuẩn bị đủ ba mâm để chiều lòng quí vị.

Nào, xin mời quí vị vào bàn.

Bên phải tôi là mâm chay với độc nhất món rau muống luộc chấm xì dầu. Bên trái tôi mâm mặn với đầy đủ bê thui, gà hấp bia, chả giò, nộm rau muống. Còn trước mặt tôi là món ăn tinh thần nhâm nhi cà phê, nước trà ngồi nghe tôi kể chuyện. Và cuối cùng, sau lưng tôi một bàn không thể thiếu - bàn này khá lớn và rộng - bàn chứa quà được mang tới từ quí vị. Quí vị thích hợp bàn nào thì cứ “vô tư” lựa chọn, hoặc muốn cả bốn mâm (í quên, xin lỗi, chỉ ba mâm thôi. Mâm đặc biệt thứ tư dành cho chủ nhân để quà, mong quí vị đừng nhầm lẫn ) quí vị có thể đi vòng vòng thưởng thức đầy đủ và “seo sẹc víc”( tự phục vụ), trong khi tôi kể chuyện về sinh nhật hầu quí vị.

*

Để vòi cho được quà của Quang, cậu quí tử duy nhất vừa mới ra trường và kiếm được việc làm tốt nhằm lúc bà Sinh 49 tuổi, bà Sinh đã rào đón nói với ông Sinh và cậu con :

- Năm tới mẹ chẵn 50 tuổi, mẹ sẽ tổ chức sinh nhật thật lớn mà tổ chức hai năm liền đó nha.

Ông Sinh hỏi:

- Tại sao lại hai năm liền ?

Bà Sinh thản nhiên đáp :

- Một lần cho 50 tuổi tây, một lần cho 50 tuổi ta. Như vậy không hai lần thì là mấy lần ?

Rồi bà ngả người dựa vào thành ghế salon, tiếp :

- Cả đời em chưa bao giờ có sinh nhật, đợi tròn 50 tuổi tổ chức thật lớn và hai lần không hay hơn sao.Nói xong, bà Sinh không đợi ông Sinh lên tiếng, bà cao giọng phán:

-Nhớ đó nha. Thông báo trước để cả nhà chuẩn bị ...quà !

Thế là cậu con, phần thương mẹ, phần muốn báo hiếu, nó thực hiện ngay điều mẹ nó mong ước. Và món quà thiết thực, Quang nghĩ, đáng giá về mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần, chính là chiếc máy Computer. Với món quà này, Quang hy vọng bà Sinh sẽ thích thú khi đưa bà bước vào thế giới văn minh của thời đại, mở ra trước mắt bà cả một vòm trời mới lạ, huyền bí mà bà chưa từng biết, từng thấy. Nó sẽ giúp bà mở mang trí tuệ, khai phóng luôn đời sống nếp suy nghĩ lạc hậu của bà từng làm cậu con nhức đầu. Đã vậy, nhất cử, chẳng những lưỡng tiện mà tam tiện, những lúc cậu về nhà thăm bố mẹ, cần sử dụng, chiếc máy còn là người bạn thân thiết, gắn bó cho ông Sinh luôn bên cạnh thủ thỉ tâm tình, giúp ông giết thì giờ suốt thời gian ông nghỉ hưu nằm nhà chờ bà Sinh chiều chiều đi làm về.

Quang nói với bố mẹ :

- Computer này con đặt theo ngân hàng nơi con làm việc. Ngân hàng đang muốn thay toàn bộ máy mới loại tối tân nhất và đặt thẳng từ Mỹ. Nhờ mua số lượng lớn, Mỹ tính giá sỉ bớt 40%, chứ mua lẻ ở ngoài mắc lắm bố mẹ ạ. Rồi cậu hạ giọng :

- Chỉ tiếc chức năng của chiếc máy rất hiện đại mà người sử dụng thì...

Quang chưa kịp nói hết câu, bà Sinh háy con, hờn mát :

- Con làm như bố mẹ cù lần nhà quê lắm vậy.

Quang cười :

- Con đâu dám nghĩ thế.Bố mẹ đâu quê mùa, có điều chưa …văn minh đấy thôi !

Ngày nhân viên ngân hàng chở máy đến nhà, dù đã được Quang thông báo trước và dặn dò những điều cần thiết, ông bà Sinh vẫn rối cả lên, lăng xăng lít xít, lòng rộn ràng như đón nàng dâu. Ông bà chuẩn bị sẵn cho máy một chiếc …giường, ồ không, một chiếc bàn đặt ngay cuối phòng ngủ của ông bà, nơi có một khoảng trống rộng bên khung cửa kính nhìn ra một khung trời thoáng khoát với mây xanh, mây hồng , mây trắng quyện vào nhau thay hình đổi dạng theo từng thời tiết có sẵn ổ cắm truyền hình thích hợp cho Computer.

Cuối tuần đó Quang về. Cậu gắn hệ thống máy đâu vào đó.Và bài học đầu tiên ông bà Sinh sử dụng Computer được... khai giảng nhằm vào lễ sinh nhật thứ 50 tuổi …ta của bà Sinh.

Sau bữa cơm thịnh soạn chỉ tổ chức trong gia đình do chính Quang và ông Sinh đứng bếp đãi bà với vài món đặc biệt:Gỏi cá thu ( loại cá sống thái mỏng nêm nếm với chanh ớt tỏi đường nước mắm trộn lẫn ngò gai, húng quế ăn kèm mù tạc cay nồng lỗ mũi), gân nai hầm gừng chấm với nước mắm gừng, một bát canh khổ qua nhồi nhưng, một đĩa mựt xào mắm ruốc với ba chỉ, cần , ớt, cà chua.Tráng miệng ngoài ổ bánh sinh nhật thật lớn đặt ở tiệm có khắc tên tuổi bà Sinh, ông Sinh còn ưu ái nấu thêm nồi chè hạt sen cho cả nhà mát lòng mát ruột. Xong, cả nhà kéo vào phòng ngủ, nơi đặt máy computer.

Quang chễm chệ trên chiếc ghế bành trước Computer. Hai bên cậu, ông bà Sinh cũng đang chăm chú dán sát mặt vào máy.

Buổi học bắt đầu.

Quang ấn nút,chỉ trong tíc tắc, màn ảnh hiện lên một chữ lớn “ windows”, cậu giải thích:

- Windows tiếng Anh, bố mẹ hiểu rồi là cửa sổ. Ở đây ý nói cửa sổ mở ra một khung trời mới lạ.

Đến chữ“ Willkommen“ tiếng Đức, Quang nói:

- Máy chào mừng bố mẹ

Bà Sinh chép miệng :

-Thân phận là cái máy vô tri vô giác mà cũng lễ phép, lịch sự quá hé. Cứ như người. Ai dạy nó vậy không biết.

- Ông Bill Gates.

Ông Sinh chêm vào:

- Suỵt, yên lặng nào. Để con nó giảng tiếp.

Quang không nói gì thêm, ánh mắt cậu luôn chăm chú theo dõi màn ảnh. Cậu xòe mười ngón tay bấm lách tách trên bàn phím. Thỉnh thoảng , cậu nắm “con chuột“ đưa qua đẩy lại lia lịa. Cậu vừa làm vừa giải thích:

- Bấm nút này là xoá. Ấn nút kia thì trở lại. Kéo con chuột bôi đen hàng chữ này rồi đưa hàng chữ lên trên hoặc xuống dưới đều được cả. Muốn chữ nghiêng thì nhớ ấn chỗ này. Chữ đậm thì chỗ kia. Còn mẫu chữ kiểu nào cũng được.Có rất nhiều mẫu mình tha hồ chọn . Viết xong, muốn cất vào hồ sơ thì phải bấm chỗ này... chỗ này...

Quang nói một hơi, ông bà Sinh nghe như vịt nghe sấm. Mặt hai ông bà cứ ngờ nghệch đờ hẳn ra. Bà Sinh lắc đầu:

- Giảng kiểu này thì bố ai mà hiểu. Con phải chầm chậm, từ từ. Bố mẹ như kẻ chập chững đi, con phải dắt hai tay đưa từng bước. Chứ kéo xềnh xệch thế này, bố mẹ chỉ chúi nhủi.

Quang nhăn nhó:

- Con thấy dễ ợt, đơn giản quá. Có gì đâu mà không hiểu.

- Con đã học đã biết thì thấy dễ. Như người đi tìm nhà, biết nhà rồi thì thấy đường đi không khó.Còn kẻ chưa biết chưa thấy, đôi khi tới nơi rồi còn đi loanh quanh, luẩn quẩn mãi mà vẫn chưa thấy nhà. Con dạy thì phải dạy đúng phương pháp. Dạy gì mà ...dốt thế !

Ông Sinh chêm vào, giọng từ tốn:

- Con nói từ từ để bố còn ghi cho chắc. Nào, bắt đầu lại. Trước nhất thì phải làm sao?

Quang quay sang ôm vai mẹ, cười:

- Trước nhất thì phải làm thủ tục... đầu tiên!( tiền đâu)

Bà Sinh nguýt:

- Tiên học… phí, hậu học văn. Con học từ thời đại nào thế?

- Thời cận đại đấy mẹ ạ.

Bà Sinh mắng con.

- Láo lếu. Cái thời cận đại thối nát như thế, ta quay về nếp sống cổ xưa để được thanh thản an nhàn hơn.

Nói xong, bà Sinh đứng dậy, bỏ học. Bà hờn mát không thèm học nữa. Sẵn chiếc giường gần đó, bà trèo lên, ngả người nằm xuống dự định đánh một giấc ngủ trưa như thói quen. Ông Sinh và Quang biết bà hờn dỗi, ông đến bên giường dỗ dành:

- Con nó chỉ nói đùa, em giận trách làm chi. Hôm nay sinh nhật mà. Nào, ngồi dậy, học!

Đợi ông Sinh năn nỉ ỉ ôi năm lần bảy lượt nữa và đưa tay đỡ lưng bà, bà Sinh mới lồm cồm ngồi dậy.Vừa đặt mình ngồi lại ghế, bà vừa cồm rồm trách:

- Đúng là con hư tại...bố!

Ông Sinh cười :

-Thì cái gì cũng tại anh hết. Tại anh tổ chức sinh nhật cho em này. Tại anh nấu chè hạt sen cho em mát ruột này. Tại anh nên em khỏi ngủ một mình sợ ma này. Và tại anh, em mới có thằng Quang này...

Bà đấm lưng ông :

- Quỉ nà!

Và khi con tim đã vui trở lại, bà Sinh hăng hái học tiếp. Bà nói với Quang:

- Con có dạy phải dạy từ từ, mẹ hiểu, mẹ mới học.

Quang không quay lại, mắt vẫn chăm chú theo dõi màn ảnh.

- Học trò này khó tính quá. Đã không đóng học phí lại còn…

- Thôi, đừng chọc vào tổ kiến của bố nữa. Tiếng ông Sinh cất lên.

Buổi học tiếp tục.

Lần này cẩn thận hơn. Ông Sinh tìm một cuốn sổ, ghi chép ngay những điều Quang nói.

- Lúc nãy con đã trình bày sơ khởi rồi. Bây giờ vào thực hành thôi.

- Nếu thế để mẹ ngồi máy. Con nói tới đâu, mẹ làm tới đó.

- Còn anh thì ghi chép nhá.

- Đương nhiên rồi.

Quang đứng dậy nhường ghế cho mẹ. Ba người lại chụm đầu dán sát vào màn ảnh. Bà Sinh chễm chệ, mặt hí hửng, tay nắm chặt con chuột quơ qua quơ lại. Trên màn ảnh trước sau vẫn chỉ là một màn sương.

- Mẹ đừng quơ con chuột chạy lung tung. Làm thế nào để mũi tên luôn hiện trên màn hình mới được.

Bà Sinh cười:

- Con chuột này đúng là loại chuột nhắt. Nó lanh quá. Chỉ nhích một chút nó đã đưa mũi tên lên tận mây xanh.

- Cứ chầm chậm, mẹ ạ .

- Quang này, mẹ muốn viết điện thư. Con chỉ cho mẹ “meo“ một cái về thăm ông bà ngoại ở Việt Nam đi.

Quang nói:

- Meo với chuột gì lúc này. Phải đợi gắn hệ thống Internet vào mới viết điện thư được.

Bà Sinh quay lại nhìn Quang, rồi chỉ vào chiếc máy, hỏi:

- Bộ nó chưa phải là « in tẹc néc” đó sao?

- Internet là linh hồn của Computer. Computer chỉ là cái xác để Internet gởi hồn vào đấy. Hiện nay máy chưa có hồn, tức là chưa có Internet. Đợi vài tháng nữa…

- Con gọi hồn nó về à ?

- Đúng vậy. Con sẽ gắn hệ thống Internet khi nào bố mẹ đã đánh máy thật nhuần nhuyễn.

Bà Sinh tròn mắt:

- Đánh máy? Không đâu. Đánh máy chỉ dành cho thư ký…quèn!

Quang quay nhìn bố mẹ, lắc đầu:

- Bố mẹ hãy bỏ nếp suy nghĩ cổ xưa đi. Thư ký đánh máy ngày nay không quèn đâu mà là một nghề ngon lành đấy. Tại Thụy Sĩ, thư ký được đào tạo từ hai tới ba năm. Có người còn thông thạo hai, ba sinh ngữ.

- Vậy à? Nhưng trước năm 1975 ở miền Nam, làm xếp không ai đánh máy cả. Cần viết gì, đều giao cho thư ký...quèn.

- Nhưng bây giờ là thế kỷ 21 và là năm 2007. Đã hơn 30 năm rồi mẹ ạ. Tới tổng thống còn phải đánh máy nếu muốn sử dụng Internet và không muốn bị xếp vào hàng lạc hậu.

- Vậy sao.Vậy thì mẹ phải học.

Thế là Quang đành kết thúc chương trình học Computer để chuyển sang hướng dẫn bố mẹ cách đánh máy. Quang nhăn nhó lắc đầu, lóc cóc đánh lên máy.

- Học trò mẹ, học… dốt quá !

Đến lượt bà Sinh:

- Thầy giáo con, dạy…ngu ơi là ngu !

ông Sinh:

- Mẹ nào con nấy !

Ba người đánh ba câu rồi cùng phá ra cười. Buổi học chấm dứt sau cái ngáp dài của bà Sinh. Quang đẩy ghế đứng dậy, uể oải:

- Bụt nhà không thiêng. Xưa nay người nhà với người nhà đố dạy và học với nhau được.

*

Vài tháng sau, khi ông bà Sinh đã đánh máy tàm tạm, Quang cho gắn hệ thống Internet. Một lần nữa cậu lại nhức đầu vì học trò mẹ học…dốt quá. Nhưng rồi cuối cùng đâu cũng vào đấy vì thế giới của bà Sinh gọn lỏn trong việc Mail thăm họ hàng, bạn bè và ông bà nội ngoại còn kẹt tại Việt Nam. Nhu cầu của ông Sinh rộng tầm hơn. Hằng ngày ngoài Mail, sử dụng đài BBC, RFA…ông còn nghe Phật Pháp và đọc báo.

Khung trời mênh mông bao la của Internet, được ông bà đóng khung trong cái vung của những con cóc ngồi đáy giếng, nhưng xem ra ông bà cảm thấy ông bà ngon lành đã có” bước nhảy vọt” hòa mình vào thế giới văn minh của thời đại, ông bà hãnh diện lắm.Gặp ai, ông bà cũng đem khoe thành quả của mình.

Thấy bố mẹ vui, chộn rộn suốt ngày với Internet như chộn rộn với con mọn, Quang cũng thấy lòng vui.

Một lần như thông lệ, vào một ngày cuối tuần, bà Sinh tự mở hệ thống Internet; tình cờ bà đọc được câu viết bằng tiếng Đức:”Chào anh, anh muốn xem em lúc không mặc xì líp không ? O.K.?”.Câu viết được đóng khung gọn gàng trong một ô hình chữ nhật nằm chình ình giữa màn hình. Bà Sinh tá hỏa, tròn mắt ngạc nhiên, đọc đi đọc lại vài lần, rồi tự hỏi,“con“ nào cả gan quyến rũ dụ dỗ chồng bà, bà gọi ông Sinh ra chất vấn:

- Ông giao du với con nhỏ…mất nết nào thế?

Ông Sinh ngẩn tò te, không biết ất giáp gì. Ông lúng túng như một tội phạm càng làm bà Sinh nghi ngờ hơn. Ông đọc qua hàng chữ rồi thốt :”Con cái nhà ai mất dạy thật!“, ông liền điện thoại hỏi Quang. Quang cười , giải thích :

- Đó là mấy cái mục quảng cáo. Bố mẹ tắt đi, chớ bấm O.K.,O.K. sẽ trả khẫm tiền đấy.

- Mấy chuyện này sao nó rành thế nhỉ ?Bà Sinh thắc mắc.

- Đã học Internet thì phải biết hết chứ mẹ. Câu quảng cáo đó chẳng những dành cho nam giới mà còn cho nữ giới nữa đấy.

- Nghĩa là thế nào ?

- Nghĩa là có nam giới làm…điếm đực !

- Làm trai ?

- Đúng vậy.

- Thời nay nam nữ bình quyền. Những gì nam giới làm được là nữ giới cũng làm được và ngược lại. Ông Sinh được thể nói :

- Đấy, em thấy chưa. Anh bị hàm oan thua gì Quan Âm Thị Kính. Mục quảng cáo đó chưa chắc dành cho anh. Họ dùng chữ “Du“ tiếng Đức, ai biết là cho anh hay cho em. Không chừng cậu nào muốn …khoe với em.

Bà Sinh trề môi, nguýt:

- Hứ, thèm vào.

Bà hờn dỗi vu vơ rồi tắt máy. Cả ngày hôm đó cả ông lẫn bà đình công.Chiếc máy cũng im lìm buồn bã.

*

Đối với ông bà Sinh bây giờ, Internet là niềm vui lớn. Ngoài những giờ cần thiết, thời gian còn lại ông bà tập trung vào Internet. Ông bà quấn quít bên máy, say mê máy như thể thời ông bà còn trẻ mới biết yêu và quấn quít nhau.

Với thời gian, sự học hỏi từ bạn bè, con cháu…dần dần ông bà khám phá thêm những chức năng của máy mà ông bà cho là thần sầu quỉ khốc không thể tưởng tượng nổi. Ông bà luôn trầm trồ thán phục những bác học chế tạo máy, chỉ ngồi một chỗ ấn nút có thể nghe, thấy, biết tất cả mọi việc xảy ra trên thế gian và đánh giá họ là những người có « thần thông « thông minh tuyệt chúng. Bà Sinh chép miệng :

- Một nhóm người khắp thế giới có thể chui vào một cái «rum« nói chuyện với nhau được. Tuyệt quá !

Ông Sinh cũng chậc lưỡi :

- Hai người ở hai nước nói chuyện với nhau mà còn thấy mặt nhau nữa chứ.

Internet càng lúc càng đưa ông bà Sinh từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.

Một buổi tối, vẫn như thường lệ, sau một ngày làm việc từ hãng trở về, cơm nước xong, ông bà Sinh vào phòng ôm máy. Bà Mail, ông nghe Phật pháp. Thật là thuận lợi, tuyệt vời. Không như trước đây, khi ông bà còn lơ ngơ chưa rành Internet, ông bà đã có lần cãi nhau vì dành sử dụng máy.

- Anh ngồi suốt cả ngày rồi. Tối về là phần của em chứ.

Nghe có lý, ông uể oải đúng dậy nhường chỗ :

- Vậy em ngồi meo đi. Anh đi ngủ trước đây.

Nói xong, sẵn chiếc giường gần đó, ông ngả người nằm xuống đánh một giấc, ngáy ..khò.. khò. .Tiếng ngáy của ông Sinh làm phiền lòng…hàng xóm. Bà Sinh ngồi Mail không chịu được, bà dựng ông dậy, trả máy nhưng lòng vô cùng ấm ức. Rồi cũng như ông, sẵn giường gần đấy, bà ngả người nằm xuống nhưng không ngáy...khò như ông Sinh mà bà tỉ tê thút thít khóc. Quang đã phải làm trọng tài, giảng hòa :

- Không ai ngủ trước ai hết. Bố muốn nghe, mẹ muốn viết thì bấm vào những nút này sẽ đáp ứng cho cả hai cùng một lúc.

Ông bà Sinh trố mắt ngạc nhiên cứ như người cung trăng rớt xuống. Ánh mắt đó, tâm trạng đó, khiến bà nhớ đến câu chuyện của 30 năm về trước, khi ông Sinh đi cải tạo, bà ở nhà buồn lôi máy Cassette ra …chơi. Bà nghêu ngao hát giải muộn. Tiếng hát của bà cất lên, thánh thót hết nhạc…vàng « Dù xa anh bao đỗi, lòng em vẫn gắng chờ…» rồi chuyển sang nhạc…đỏ » Đi chiến trường gùi em đeo nặng trĩu, gùi em đeo chỉ cốc, với mít, với ổi, với xoài ..mà em hằng hay ăn ! ». Bà hát không lớn lắm, phần sợ công an khu vực nghe được làm khó dễ, phần ngại cụ bố chồng vốn không ưa. Nhưng tiếng hát đó vẫn len lén lọt vào tai cụ Trịnh nằm dưới nhà. Cụ mon men từng bước thật nhẹ, lên cầu thang bắt quả tang kẻ… hát trộm ! cụ nói :

- Bố từng nói với con. Nhà bố tuy…quê mùa, dốt nát, nhưng bố vẫn biết câu «xướng ca vô loài « . Con đừng hát nữa nhé.

- Con buồn , hát cho đỡ buồn thôi, bố ạ.

Cụ không ngờ, lời « mắng « của cụ được bà Sinh thâu và cho phát ra. Cụ trố mắt ngạc nhiên , hỏi

- Ủa, sao tiếng nói của bố lại…chui được vào máy ?

- Bà Sinh được dịp hí hửng, giải thích :

- Đây là cái máy Cassette, vừa là Radio, vừa thâu và phát ra tiếng nói, tiếng hát được.

Nói xong, bà…biểu diễn lại cho cụ Trịnh nghe điều bà vừa nói. Cụ Trịnh mắt cứ tròn xoe, ngớ người ra như kẻ lần đầu bị » tiếng sét ái tình », cụ hỏi :

- Thế…thế, để bố..bố..hát thử một bài xem sao. Xem nó có thâu vào không ?

Nói rồi, cụ cất giọng : « Hồng, Hồng, Tuyết, Tuyết mới ngày nào chưa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoát có xa gì. Ngoảnh mặt lại… ».Cụ hát ả đào, bà Sinh bật cười, nghĩ bụng : » Đấy, ngày nào chưa biết cái chi chi. Nay thì biết rồi âý nhé.». Cuộc cách mạng vô tiền khoán hậu, không đánh mà bất ngờ thành công, bà Sinh mừng rơn, từ đó, bà được giải phóng, dễ thở đôi chút. Và cũng từ đó đến nay, hơn một phần tư thế kỷ, bà không ngờ khoa học đã có « bước tiến nhảy vọt » quá sức tưởng tượng, đẩy ông lẫn bà lùi về phía sau để rồi bị xếp vào hàng lạc hậu như bà từng nghĩ cho cụ Trịnh. Bất giác bà Sinh mỉm cười…

Có tiếng bấm chuông.

Ông Sinh ra mở cửa. Bà Sinh hỏi vói ra :

-Ai thế ?

- Vợ chồng anh chị Sơn hàng xóm sang chơi.

Bà Sinh ngồi tại chỗ, đợi bạn. Bà đợi cũng có lý do, muốn cho bạn thấy những điều mà ông bà đang tham dự vào nền văn minh hiện đại.

Trong khi ông Sinh và ông Sơn ngồi tại phòng khách trò chuyện, xem truyền hình, bà Sinh thân tình gọi bạn :

- Chị Sơn ơi, chị Sơn. Mời chị vào đây.

Chị bạn đủng đỉnh, mới ló mặt ở ngưỡng cửa, đã nghe bà Sinh líu lo :

- Vào đây, chỉ cho chị xem cái này.

Chị bạn còn đang ngơ ngác, bà Sinh nói một hơi :

- Thế giới của »in tẹc néc» vẫn nói với chị đấy. Để mở «quép sai« Bến Xưa music cho chị nghe nha.Chị muốn nghe ca sĩ nào hát đây ?Ngọc Hạ hả ?Bài nào ?Chỉ một bài thôi hay cả « anh bum » ?Hay muốn nghe Ý Lan ? Thôi, Diệu Hương đi. Diệu Hương có bài «Mình ơi» tự biên tự diễn hay lắm.

Vừa nói, bà Sinh vừa bấm lách tách. Tiếng nhạc du dương phát ra. Nhưng bà không để cho Diệu Hương hát hết bài, bà đã biểu diễn cho nhảy sang giọng ca của Trần Thái Hòa. Chị bạn tấm tắc khen :

- Chà, chị lúc này văn minh dữ ha !

Được khen, bà Sinh nở mũi khoái tỉ trong lòng, nhưng giả bộ khiêm nhường nói :

- Văn minh gì. Chỉ mới biết sơ sơ.

Nói là sơ sơ, nhưng tay bà bấm lia lịa để khoe thêm những khám phá mới.

- Nè, chị xem nè. Vô „ pan thót“chỗ này nè. Các nước trên thế giới như Đài Loan, Nhật, Thái Lan, Mã Lai, Lào, Hong Kong....chỉ có một, hai „rum“thôi, mà riêng Việt Nam mình có tới 305 rum lận chị ạ. Đủ thứ chuyện hết. Nào là truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn, nào kịch nói Quang Minh Hồng Đào, nào cải lương và cả cãi lộn nữa. Tha hồ nghe thiên hạ ì xèo cãi nhau „Giang hồ ơi, vùng lên chống Cộng“, „Việt Kiều ơi, ba mươi năm rồi bỏ hận thù đi“…không thiếu một chuyện gì….Mình muốn nhập cuộc thì mình cứ vô.

Chị bạn ngao ngán, lắc đầu:

- Thôi, tôi mù tịt. Mấy cái mục đánh đấm cãi nhau này, tôi chán ngán tới cổ.

Vừa nói, chị vừa bước ra khỏi phòng. Bà Sinh tắt máy rồi cũng lót tót bước theo sau, lòng âm thầm hãnh diện đã chứng minh được cho bạn thấy nền văn minh hiện đại mà bao người trên thế giới đang ngụp lặn, trong đó có sự tham dự của bà.

Bất giác bà thấy lòng vui. Rồi mỉm cười một mình...

*

Kính thưa quí vị,

Lễ sinh nhật năm 2007, tôi chỉ có chừng ấy món đãi quí vị. Không biết có vừa miệng , vừa lòng quí vị không? Nếu không , xin quí vị đợi năm tới, tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn để hài lòng quí vị.

Bây giờ là lúc tôi …khui quà. Chà, để xem, có ai tặng tôi cái Computer như của bà Sinh không đây?!

Hễ quà của quí vị làm tôi hài lòng thì...

Và nếu không làm tôi hài lòng thì...

Câu trả lời xin dành cho quí vị.

Thân chào quí vị. Hẹn năm tới mình lại gặp nhau trong tinh thần đôi bên cùng làm vừa lòng nhau nhé. OK?!

Trần Thị Nhật Hưng.

10 - 2007

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/11/2015(Xem: 4429)
Một người phụ nữ ra khỏi nhà và nhìn thấy ba người đàn ông râu dài bạc trắng đang ngồi trên băng ghế đá ở sân trước. Bà không hề quen ai trong số họ. Tuy nhiên, vốn là người tốt bụng, bà nói: “Tôi không biết các ông nhưng chắc là các ông đang rất đói, xin mời các ông vào nhà ăn một chút gì đó”.
03/11/2015(Xem: 4093)
Đã lỡ hứa với lòng là từ đây nhất định sẽ không viết chuyện tình nữa, nhưng có lẽ “mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên“ của tôi vẫn còn nên phải đành viết tiếp câu chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng và nàng công nương em gái vua Gia Long. Thiên tình sử kéo dài đến 40 năm với một tình yêu độc đạo, nghĩa là đường yêu chỉ có một chiều. Nàng yêu đắng, yêu cay trong tuyệt vọng vị Hòa Thượng làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế và cũng là sư phụ truyền Bồ Tát giới cho nàng. Để tránh mối tình ngang trái chỉ làm cản trở đường tu và sự trong sáng của mình, vị Hòa Thượng khả kính đã tìm cách trở về chùa xưa, Sắc Tứ Từ Ân ở Gia Định để tỵ nạn tình duyên. Nhưng Hoàng Cô - cô của vua Minh Mạng vẫn bám theo kiểu, cho dù chàng có đi đến chân trời góc biển nào, thiếp cũng khăn gói theo chàng.
24/10/2015(Xem: 6331)
Tại Hoa Kỳ, nếu nói về những người Mỹ gốc Việt đang thành danh trong ngành Luật và hành nghề Luật sư tại các Tiểu Bang khắp nước Mỹ thì thật là cả một lực lượng quá đông. Nhưng nói đến một nữ Luật sư có nhan sắc xinh đẹp, có nhiều tài năng đa dạng vừa là Luật sư xuất sắc kiêm Họa sĩ từng nhiều lần triễn lãm tranh sơn dầu vẽ kích thước lớn trên vải bố Cavas; và là một Thi sĩ có những bài Thơ rất hay đầy tính nhân bản, thật lãng mạn thì chắc chắn người ta phải nói đến Nữ Luật Sư JENNY ĐỖ tại San Jose, bắc California.
08/10/2015(Xem: 3850)
S au 5 năm, tôi trở lại thăm bạn lần thứ tư trên xứ người. Bước xuống phi trường, thấy bạn lững thững từ xa đi đến, bóng dáng lẻ loi nổi bật trên nền trời xanh biếc làm lòng tôi quặn thắt. Tôi biết bây giờ bạn là người cô đơn nhất, lòng đang chất chứa một nỗi u hoài. Còn tôi, cũng chỉ đến với bạn đôi ba ngày, có chăng cũng chỉ đem đến cho bạn vài nụ cười ngắn ngủi rồi đành phải chia xa!
02/10/2015(Xem: 3374)
Hôm nay tôi đến nhà người anh họ để dự đám giỗ mẹ của anh ấy (cũng là mợ của tôi), nhìn lên bàn thờ thấy khói hương nghi ngút, thức ăn, trái cây bày cúng ê hề, lòng tôi bỗng nhói lên một niềm cảm xúc. Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã mười hai năm. Nhớ lúc cha tôi vừa mất, khi chuẩn bị tẩn liệm cho người, mợ ấy đến nhìn mặt cha tôi lần cuối rồi khen rằng cha tôi chết không mất một miếng thịt (cha tôi mất đột ngột do tai biến mạch máu não), mấy tháng sau bắt đầu đến mợ ấy. Thế nhưng căn bệnh ung thư đại tràng đã hành hạ thân xác mợ gần một năm trời khiến mợ như chỉ còn da bọc xương.
01/10/2015(Xem: 8131)
Vạn Dặm Rong Chơi, Đường Rộng Mở _ Thích Từ Lực
14/09/2015(Xem: 3892)
Văn Nhân là văn sĩ nổi tiếng đã có vài chục tác phẩm xuất bản. Nếu như sinh ra ở Hoa Kỳ hay Tây Phương thì chàng ta đã trở thành triệu phú, đời sống đế vương. Thế nhưng thị trường chữ nghĩa của người Việt hải ngoại thì nhỏ, “văn chương hạ giới lại rẻ như bèo”, báo phát không, báo biếu, báo chợ, báo cắt dán khơi khơi đăng truyện của chàng mà không phải trả nhuận bút, nhà xuất bản kiếm được mớ tiền khi xuất bản sách của chàng…thế nhưng chính tác giả lại nghèo kiết xác.
08/09/2015(Xem: 4524)
Ông trời run rủi thật kỳ lạ, cho những người từ những phương trời xa lắc xa lơ bỗng nhiên gặp nhau, rồi cuộc đời ràng buộc với nhau ! Hôm đó trong văn phòng ông Paul, khoa trưởng trường đại học ở một tỉnh xa Paris, có ba người gặp nhau lần đầu : ông Paul, cậu Santy và Jean. Ông Paul người gốc Ba Lan, giòng dõi quý phái, theo cha mẹ lưu lạc sang Pháp. Ông học xuất sắc, đỗ đạt cao, làm giáo sư , rồi lên chức khoa trưởng kiêm giám đốc một trung tâm khảo cứu. Santy là một thanh niên người Lào, con nhà khá giả, được bố mẹ cho đi học bên Tây. Thông minh, chăm chỉ, đậu tiến sỹ rất sớm, cậu được nhận ngay làm giáo sư diễn giảng trong đại học ông Paul.
03/09/2015(Xem: 3501)
Tôi rất thích thiên nhiên. Dù đối với tôi, ở đâu, ngắn hay dài ngày, diện tích lớn hay nhỏ không quan trọng mà tôi luôn chọn cho mình một nơi trú ngụ có thiên nhiên. (Và yêu cầu thứ 2 là sạch sẽ). Điều mong muốn này không có nghĩa rằng tôi đòi hỏi cho mình vườn cây, hồ nước hay bể bơi. Cái mà tôi muốn nhất là khoảng không, là bầu trời. Dù ở căn hộ hay ở phòng thuê nhỏ xíu tôi rất thích có cửa sổ để ngắm trời xanh, mây trắng, và có thể thêm màu xanh của cây cối nơi xa xa…
28/08/2015(Xem: 4655)
Cải biên từ một bài hát, tôi xin đổi là: “Âu Châu có gì lạ không em? Mai em về còn nhớ gì không?”. Còn nhớ chứ, nhớ nhiều nữa là khác. Nhớ như một người yêu nhớ người tình. Và tôi đã nhớ gì, xin... thỏ thẻ cùng các bạn nỗi lòng của tôi nha. Âu Châu năm nay có hai sự kiện: * Sự kiện thứ nhất là khóa tu học hằng năm vẫn thường xảy ra tại một nước trong Âu Châu, không chỉ Phật tử khắp Âu Châu đều biết mà cả thế giới cũng có một số người quan tâm. * Sự kiện thứ hai độc nhất vô nhị thật đặc biệt chưa từng có trên thế gian này đã làm xôn xao khắp năm châu bốn biển đó là 4 đại lễ cùng tổ chức một lần tại chùa Khánh Anh, Paris. - Lễ Đại Tường Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm. - Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Evry. - Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Ngày về nguồn 9) - Đại Giới Đàn Khánh Anh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]