Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quả bầu kỳ lạ

21/09/201114:36(Xem: 2885)
Quả bầu kỳ lạ

Tờ Chú (có nghĩa là anh đen) nghèo nhất làng. Họ nghèo lắm, nghèo đến nỗi không có một con dao mẻ để phát nương, một cái thuổng để đào củ mài. Tờ Chú phải đi ờ cho chủ làng để lấy cơm gạo nuôi thân, nuôi mẹ.

Nhà chủ làng giàu lắm, trâu hàng đàn, voi hàng lũ, ruộng chim bay mỏi cánh, muông thú chạy chồn chân không hết. Tờ Chú không ao ước gì hơn ngoài mảnh ruộng, đám nương để cấy lúa, trồng ngô nuôi mẹ.

Một hôm Tờ Chú nói với chủ làng:

- Tôi không muốn ở thuê cho chủ làng mãi. Tôi muốn có một mảnh ruộng, một đám nương. Chủ làng có thể cho tôi một khoảng rừng để tôi phái nương, vỡ ruộng được không?

Chủ làng nghe chàng trai nói vậy, lắc đầu.

Nhiều lần Tờ Chú hỏi xin nhưng không lần nào chủa làng trả lời cả. Một hôm chủ làng đang uống rượu, Tờ Chú lại vào xin. Hắn bực mình chỉ lên dãy núi xanh xanh phía chân trời và nói:

- Thôi được, mày đã muốn thì tao cũng chẳng tiếc nữa. Nếu mày có sức thì cả dãy núi kia, tha hồ cho mày phát.

Nghe chủ làng nói thế, Tờ Chú sung sướng quá, vội chạy về báo tin cho mẹ biết. Mẹ khuyên:

- Con chớ nên đi, dãy núi hoang kia là chỗ ở của hùm beo, rắn rết. Con lên đấy sẽ bị chết mất xác. Rồi đây, ai thay con nuôi nấng, chăm sóc mẹ?

Tờ Chú an ủi:

- Mẹ không lo. Hùm beo con chẳng sợ, rắn rết con chẳng kinh. Chủ làng đã cho đất, nhất định con sẽ phát được nương, vỡ được ruộng.

Thấy con quả quyết, người mẹ cũng không can ngăn nữa. Sáng hôm sau, Tờ Chú từ biệt mẹ lên đường. Chàng cứ nhắm hướng núi xanh trước mặt mà đi. Đi mãi, suốt chín ngày, chín đêm liền không nghỉ, ngày thứ mười, Tờ Chú đến chân núi. Đó là một khu rừng rộng bạt ngàn, cây to cây nhỏ chen nhau kín mặt đất. Chàng dùng tay không bẻ gãy cây nhỏ, lấy đá đập đổ cây to. Qua chín ngày, chín đêm nữa, Tờ Chú đã khai phá được một khu đất rộng. Đến ngày thứ mười, anh bỗng thấy một con chim gõ kiến bay đến nói:

- Nghỉ tay một tý đã, Tờ Chú. Tôi có câu chuyện muốn nói với anh. Hãy để cho loài chim chúng tôi ít cây để làm tổ. Rẫy của anh đã dài hơn rẫy chủ làng rồi đó. Tôi bay rã cả cánh ra rồi mà vẫn không hết đám rẫy anh vừa phát.

Nghe chim gõ kiến nói, Tờ Chú ngưng tay không phát theo chiều dọc nữa. Chàng quay lại phát chiều ngang. Cũng đến ngày thứ mười thì chàng thấy một con nai vàng từ trong rừng chạy ra, nói:

- Rẫy của anh rộng gập đôi rẫy của chủ làng rồi. Tôi chạy đã mỏi cả gối mà vẫn không hết. Anh hãy dành chỗ đất cho loài thú chúng tôi.

Tờ Chú nghe lời nai, ngừng tay. Đúng là rẫy của chàng bề dài hơn rẫy của chủ làng, bề ngang rộng hơn rẫy chủ làng. Từ nay, gia đình chàng sẽ có ngô, lúa. Tờ Chú đập đá lấy lửa đốt rẫy. Xong việc, chàng về bản lấy thóc giống lên gieo. Nhưng khi về đến nhà, bao nhiêu thóc giống, mẹ chàng đã ăn hết cả rồi. Chàng hỏi vay các nhà trong bản, nhưng chẳng ai còn thóc cho chàng vay. Cùng đường, Tờ Chú phải đến nhà chủ làng vay thóc giống. Tên chủ làng nham hiểm cho chàng vay loại thóc đã luộc chín rồi. Tờ Chú không biết cứ mang lên rẫy gieo. Không thấy lúa mọc, chàng lại đến nhà chủ làng vay lần nữa. Chủ làng nói:

- Giàng không cho mày sướng đâu, Tờ Chú ạ. Mày đừng phí công vô ích. Nếu lần này mày gieo không mọc thì đúng là cái số mày như vậy. Mày lại đến ở thuê cho tao thôi.

Đúng như chủ làng nói, lần thứ hai, Tờ Chú gieo lúa vẫn không mọc. Nhìn cả đám rẫy, cỏ đã bắt đầu mọc, cây non đã đâm chồi. Tờ Chú buồn quá ngồi khóc. Chắc là Giàng không muốn cho mẹ con chàng có gạo cơm, bỗng thấy một quả bầu khô từ đâu trôi đến, đụng vào chân. Bực mình, chàng đá quả bầu cho trôi theo dòng nước, nhưng nó lại trôi trở lại, đụng vào chân chàng. Hai ba lần như vậy, Tờ Chú nghĩ: "Hay là mình trồng bầu ăn vậy. Ăn bầu người cũng sống được. Nếu không, mình chỉ còn cách là lại đi làm thuê cho chủ làng".

Nghĩ vậy, chàng vớt quả bầu lên rồi về nhà từ biệt mẹ lên rẫy trồng bầu. Đến nơi, chàng ghè quả bầu vào đá, lấy hạt rắc khắp rẫy.

Hôm sau, ra xem rẫy. Tờ Chú hết sức kinh ngạc vì rẫy của chàng đã là một rừng bầu. Hôm sau nữa, bầu đã ra hoa và ngày thứ ba thì khắp rẫy lố nhố những quả.

Tờ Chú mừng quá, hái một quả về nướng ăn thì thấy rất thơm ngon. Sung sướng quá, chàng reo lên:

- Sống rồi, ta sẽ mang bầu về cho mẹ, chắc là mẹ mừng lắm.

Nhưng khi ra đến rẫy định hái bầu về cho mẹ thì cả rẫy bầu đã úa vàng. Quả bầu mới hôm qua xanh mơn mởn, hôm nay đã khô đét. Tờ Chú đi đi lại lại khắp rẫy, nhìn những quả bầu khô, nước mắt cứ trào ra. Chàng nghĩ: "Giàng không cho ăn bầu tươi, thì lấy hạt bầu về cho mẹ ăn cầm hơi vậy". Chàng liền hái một quả ghé vào đá. Quả bầu vỡ đôi, tung ra không biết cơ man nào là hạt, nhưng không giống những hạt bầu mà là một thứ hạt nhỏ, vỏ cứng. Tờ Chú nhìn kỹ thì đúng là hạt thóc. Thóc cứ chảy rào rào như thác nước. Kinh ngạc quá, chàng đập thử quả thứ hai rồi quả thứ ba, quả nào cũng đầy những thóc là thóc. Tờ Chú mừng quá vội đi hái bầu, chất từng đống vào chòi rồi gùi thóc về nhà cho mẹ.

Đến nhà, thấy mẹ đang nằm co quắp bên đống lửa tàn, da bọc lấy xương vì đói. Tờ Chú hốt hoảng lay gọi mẹ.

- Mẹ ơi, có lúa gạo rồi. Con đem về đây, mẹ dậy mà ăn.

Người mẹ mở mắt, trông thấy con, nước mắt cứ trào ra. Đến khi nhìn thấy gùi thóc bên bếp bà lại nhắm mắt lại và nói.

- Con đem bán thóc trả cho người ta, con ạ. Mẹ không nở ăn cơm gạo không phải do sức của mẹ con ta làm ra. Thà là mẹ chết còn hơn ăn phải của ăn trộm, ăn cắp.

- Mẹ ơi, thóc của nhà ta đấy mà. Tờ Chú vội nói.

Người mẹ vẫn lắc đầu:

- Con đi gieo lúa, lúa không mọc. Con đi gieo bầy, bầy ăn được thì Giàng lại làm cho héo đi. Thế mà con bảo là thóc của rẫy nhà ta thì mẹ tin sao được.

- Nếu mẹ không tin thì để con cõng mẹ lên rẫy xem, mẹ sẽ rõ.

Không đợi mẹ trả lời, Tờ Chú nâng mẹ dậy, sốc bà cụ lên lưng cõng đi. Chàng đi như bay, phút chốc đã đến chòi giữa rẫy. Chàng đặt mẹ nằm bên bếp lửa rồi lấy một quả bầu, ghè vào đá. Thóc từ trong quả bầu rào rào chảy ra như thác nước. Người mẹ thấy vậy, mắt sáng lên:

- Giàng giúp mẹ con ta rồi con ơi.

Từ ngày có rẫy bầy kỳ lạ, mẹ con Tờ Chú trở nên no đủ. Dân dưới bản bị đói, kêu nhau lên rẫy đào củ, được mẹ con chàng cho thóc, nhờ vậy mà qua được nạn đói.

Chủ làng nghe tin Tờ Chú nhờ phát rẫy trên núi trồng bầy mà có dư lúa gạo, bèn tìm cách đòi nợ. Tờ Chú trả rất sòng phẳng hàng chục quả bầu, chủ làng hí hửng màng bầy về, chắc mẩm phen này sẽ suốt đời dư thóc gạo. Nhưng khi đập bầu ra thì quả nào cũng toàn sỏi cát. Chủ làng tức giận nhưng không làm gì được chàng trai. Còn mẹ con Tờ Chú từ đó trở đi không bao giờ bị đói như xưa nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/01/2011(Xem: 2711)
Mình biết rằng lối xưng hô này chưa được đúng lắm vì Kim Chi là bà Hiệu trưởng của mình nhưng Kim Chi vẫn thường nói hai đứa mình cùng ngang tuổi nhau nên muốn tụi mình xưng hô với nhau như vậy cho thân mật và mình đang làm theo lời yêu cầu của Kim Chi đây.
30/12/2010(Xem: 5188)
"Ngọc tỉnh liên" là "Hoa sen trong giếng ngọc". Đây là bài phú của Mạc Đĩnh Chi. Ông đỗ Trạng nguyên, khi vào bái yết nhà vua, Trần Anh Tông thấy hình dung ông xấu xí quá...
30/12/2010(Xem: 9880)
Trong đầm gì đẹp bằng Sen. Lá xanh bông trắng, lại chen nhụy vàng. Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
28/12/2010(Xem: 3981)
Một ông lão ở gần cửa ải Nhạn Môn, nơi giáp giới nước Tàu với Phiên Quốc (Hồ) có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn.
28/12/2010(Xem: 2626)
Đời nhà Đường (618-907), triều Lý Thái Tông (Lý Thế Dân), niên hiệu Trinh Quán năm thứ 13, gần thành Trường An có con sông Kinh, nước trong vắt.
28/12/2010(Xem: 2611)
Thời xưa, người ta tiễn nhau thường bẻ cành liễu đưa cho người đi. Dương Quan là một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây. Đường thi có bài "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây"...
25/12/2010(Xem: 2761)
Chúng ta, những người bỏ xứ ra đi, đã quay lưng với cổng trường ngày cũ, nhưng lòng vẫn còn tưởng nhớ đến những hình ảnh thân yêu của bạn bè ngày nào! Vẫn mong ước ngày trở lại để tìm kiếm ký ức thầm kín ngày xưa, để được nhìn gặp những người ở lại của thuở ấy, nhưng những người ở lại có còn gì nữa đâu? Đói khổ đã làm mòn mỏi thêm cuộc sống, tất cả chỉ còn biết đem hơi sức bám vào nhịp thở, sống cho qua chuỗi ngày còn lại. Tôi quen chị Xuân Viên khi được đổi về trường Sương Nguyệt Anh (SNA). Hình ảnh một con người tuy nhỏ bé nhưng lúc nào cũng đầy nghị lực đã đập vào mắt tôi và dần dần từ chỗ quen biết, chúng tôi đã thương mến nhau từ lúc nào cũng không hay nữa! Nói đến chị, phải nói đến một con người mẫu mực, một cô giáo hoàn toàn gương mẫu đúng phong cách một nhà giáo đầy đạo đức. Đó là người mà tôi mến phục nhất và lúc nào cũng chiếm trọn trong tôi một niềm thương yêu trìu mến và bất tận. Giao cho chị phụ trách làm giáo sư hướng dẫn một lớp nào, coi như nhà trường khỏi phải
24/12/2010(Xem: 7250)
Từ ngày định cư ở một xứ hiếm mưa, lắm lúc tôi tưởng chừng như không còn nhớ nhiều đến những cơn mưa vùng nhiệt đới; mưa quê hương, nhất là những cơn mưa dai dẳng của một xứ "mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn", mưa xứ Huế!
22/12/2010(Xem: 3788)
Hậu Nghệ có công bắn 9 mặt trời cứu bá tính khỏi chết trong biển lửa nên được nhân dân kính mến, suy tôn làm hoàng đế. Lên làm vua, Nghệ lại cướp giựt của cải của nhân dân.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]