Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bạch Tuyết và Hồng Hoa

26/04/201101:53(Xem: 2645)
Bạch Tuyết và Hồng Hoa
hoa_hong (4)

Ngày xưa có một người đàn bà góa sống cô quạnh trong một túp lều gianh. Trước cửa là một cái vườn có hai cây hoa hồng, một cây ra hoa đỏ, một cây ra hoa trắng. Bà có hai cô con gái, trông đẹp như hai cây hồng. Vì vậy bà đặt tên hai con là Bạch Tuyết và Hồng Hoa.

Hai cô bé rất ngoan ngoãn, hay làm, trần gian thực hiếm có. Bạch Tuyết dịu dàng, thùy mị hơn Hồng Hoa. Hồng Hoa hay chạy nhảy ngoài đồng, hái hoa, bắt bướm. Còn Bạch Tuyết thì luôn ở nhà với mẹ, hoặc giúp việc nội trợ, hoặc đọc sách cho mẹ nghe. Hai chị em yêu nhau lắm, đi đâu cũng dắt tay nhau. Khi Bạch Tuyết nói:

- Chị em chúng ta không rời nhau...

Thì Hồng Hoa nói tiếp:

- ...suốt đời.

Bà mẹ lại nói thêm:

- Hai chị em có gì cũng phải chia nhau nhé.

Hai chị em thường vào rừng hái quả dại. Thú rừng thân mật đến hai chị em, không đụng chạm đến hai em. Thỏ ăn lá trong lòng bàn tay hai em. Hoẵng gặm cỏ bên cạnh hai em. Hươu nhảy nhót gần hai em. Chim trên cành hót vui tai hai em. Hai em không bao giờ bị nạn. Khi nào nhỡ muộn không về được, thì hai em nằm sát nhau trên thảm rêu, ngủ lại trong rừng đến sáng, mẹ biết vậy nên cũng chẳng lo ngại gì.

Bạch Tuyết và Hồng Hoa quét tước nhà cửa sạch sẽ lắm, nhìn vào thật thích mắt. Mùa hè thì Hồng Hoa làm công việc nội trợ, sáng nào cũng đặt trước giường mẹ một bó hoa trong đó có một bông hoa hồng trắng và một bông hoa hồng đỏ hái ở hai cây hồng của nhà. Mùa đông thì Bạch Tuyết đốt lửa và móc nồi lên bếp lửa. Nồi bằng đồng đánh sáng nhoáng như vàng. Tối đến, khi tuyết xuống, thì mẹ lại bảo:

- Bạch Tuyết ơi, con ra cài then cửa lại.

Rồi ba mẹ con ngồi bên lửa. Mẹ đeo kính, lấy quyển sách to ra đọc. Hai con vừa xe chỉ vừa nghe. Một chú cừu con nằm bên, đằng sau có một con chim gáy đậu, đầu rúc vào cánh. Một buổi tối, mẹ con đang quây quần êm ái như thế, thì có tiếng gõ cửa. Mẹ bảo:

- Hồng Hoa, con chạy mau ra mở cửa, chắc có khách bộ hành tìm chỗ trú đêm đấy.

Hồng Hoa ra mở cửa, tưởng là thấy một người nghèo khổ. Nhưng không, một con gấu thò đầu to kệch và đen xì vào. Em hét lên một tiếng, lùi lại. Đồng thời cừu con kêu be be, chim gáy vỗ
cánh và Bạch Tuyết trốn vào sau giường mẹ. Gấu nói:

- Đừng sợ, tôi không làm gì đâu, tôi rét cóng, chỉ muốn sưởi nhờ một tí thôi.

Bà mẹ bảo gấu:

- Tội nghiệp, lại gần lửa mà sưởi, cẩn thận kéo cháy lông nhé.

Rồi bà gọi con:

- Bạch Tuyết, Hồng Hoa lại đây, gấu không làm gì các con đâu, nó không có ý xấu đâu.

Hai em chạy lại, rồi dần dần cừu con và chim gáy hết sợ cũng đến. Gấu nói:

- Các em rũ tuyết ở lưng xuống hộ tôi.

Hai em đi lấy chổi quét lông cho gấu. Gấu nằm gần lửa, kêu gừ gừ ra vẻ khoái lắm. Chẳng mấy chốc hai em hết sợ, bắt đầu đùa nghịch với người khách ngờ nghệch.

Hai em giật giật lông gấu, để chân lên lưng gấu, lăn gấu xuống đất, hoặc lấy cành cây quật gấu; hễ gấu gừ gừ, hai em lại cười khanh khách. Gấu cứ để hai em nghịch, nhưng khi hai em nghịch quá thì gấu bảo:

- Bạch Tuyết, Hồng Hoa để cho anh sống với. Hai em đừng đánh chết người yêu của hai em nhé.

Khi cả nhà đi ngủ, bà mẹ bảo gấu:

- Gấu cứ nằm bên lửa mà sưởi cho ấm kẻo ở ngoài lạnh giá. Trời vừa tảng sáng thì hai em mở cửa cho gấu ra, gấu đạp tuyết vào rừng.

Từ đó, tối nào đúng giờ ấy gấu cũng đến nhà nằm bên bếp lửa và để cho trẻ tha hồ trêu mình. Cả nhà thân với gấu, chờ cho con vật lông đen đến rồi mới cài then cửa.

Mùa xuân trở lại, cây cỏ xanh tươi. Một hôm gấu bảo Bạch Tuyết:

- Bây giờ anh phải đi. Mùa hè này anh không thể đến đây được, em ạ.

Bạch Tuyết hỏi:

- Anh đi đâu, anh gấu thân yêu?

- Anh phải vào rừng giữ của kẻo những thằng lùn tai ác ăn trộm mất. Mùa đông, khi đất có băng phủ, thì bọn lùn phải chịu ở dưới đất, không nhoi lên được, nhưng nay mặt trời sưởi mềm đất, thì chúng lại nhoi lên tìm cách ăn trộm của anh; cái gì đã vào tay chúng, chúng cất vào sào huyệt của chúng thì khó lòng mà lấy lại được.

Bạch Tuyết buồn rầu vì phải từ giã gấu. Lúc em mở then cửa cho gấu ra, gấu vướng phải móc cửa, hơi trầy da. Em nhìn thấy hình như có vàng sáng nhoáng dưới da gấu nhưng em không chắc lắm. Gấu rảo bước rồi khuất bóng sau rừng.

Cách đấy ít lâu, mẹ sai hai con gái vào rừng kiếm củi. Hai em trông thấy một cái cây to ai đã hạ xuống và có vật gì nhảy nhót hết chỗ này đến chỗ kia trong đám cỏ gần gốc cây. Hai em lại gần, nhận ra một thằng lùn, mặt già khọm, bộ râu bạc dài vướng vào keo cây, nhảy nhót như một chó con bị xích, không sao thoát được. Nó quắc đôi mắt đỏ ngầu nhìn hai em, thét rằng:

- Sao chúng bay cứ đứng đực đấy ra mà nhìn, không đến cứu tao?

Hồng Hoa hỏi:

- Bác đã làm gì đến nỗi thế?

Thằng lùn đáp:

- Đồ ngu, mày lại còn thóc mách, tao muốn bổ cây này lấy củi nhỏ đun bếp. Tao không dùng củi to, củi to làm cháy mất món ăn. Chúng tao ăn nhỏ nhẻ chứ đâu có ngốn như đồ tham ăn tục uống chúng mày. Tao đã chêm nêm được rồi, nhưng không ngờ nêm trơn quá, thình lình tuột ra mất. Gỗ ập lại nhanh như chớp, tao không kịp rút chòm râu bạc đẹp đẽ ra, nên tao bị giam ở đây. Thế mà chúng bay còn cười, đồ nhãi còn hơi sữa, đồ ngu ngốc không biết xấu mặt.

Hai em cố hết sức giúp thằng lùn nhưng không thể gỡ râu nó ra được. Hồng Hoa nói:

- Để tôi đi gọi người đến.

Thằng lùn hộc lên:

- Đồ điên! Ai cần? Có hai chúng mày đã là quá lắm rồi. Chúng bay không nghĩ ra cách gì khác nữa à?

Bạch Tuyết nói:

- Bác đừng sốt ruột, tôi sẽ có cách cứu bác.

Rồi em lấy kéo nhỏ ở túi ra, cắt ngọn râu thằng lùn. Được thoát nạn, nó đi lấy một cái bị đầy vàng ở đám rễ cây và càu nhàu:

- Đồ mất dạy! Chúng bay cắt mất một mẩu râu đẹp của ông. Quỉ sứ sẽ làm tội chúng mày.

Rồi nó đeo bị vàng lên vai, đi thẳng, không thèm nhìn hai em.

Sau đó ít lâu, Bạch Tuyết và Hồng Hoa đi câu cá ăn. Khi đến gần bờ suối, hai em trông thấy cái gì như một con châu chấu to đang muốn nhảy nhót như muốn đâm xuống nước. Hai em chạy lại thì nhận ra thằng lùn trước. Hồng Hoa hỏi:

- Bác làm sao đây? Bác muốn nhảy xuống suối à?

Thằng lùn gào lên:

- Tao đâu có ngu thế. Mày mở mắt ra mà trông, con cá khốn nạn này nó muốn lôi tao xuống sông đấy.

Nguyên thằng lùn đang ngồi câu cá, bỗng không may bị gió cuốn râu mắc vào dây câu. Một con cá to cắn câu, thằng lùn yếu sức không lôi nổi con cá lên, con cá khỏe hơn kéo thằng lùn xuống. Nó bám lấy cỏ lấy sậy, nhưng không ăn thua. Lúc nó sắp bị cá lôi xuống thì hai em đến kịp, giữ được nó lại. Hai em gỡ cho râu nó, nhưng không ăn thua, vì râu cuốn chặt vào dây câu. Chỉ còn cách là lấy kéo cắt một đoạn râu nữa. Thằng lùn thấy thế kêu om lên:

- Đồ ranh con! Chúng bay làm nhơ nhuốc mặt người ta thế à! Ở đằng kia, chúng bay đã cắt râu tao, bây giờ chúng bay lại cắt đoạn râu đẹp nhất của tao, làm tao không dám để anh em trông thấy mặt nữa. Tao cầu cho chúng bay phải chạy cho đến mòn gót giầy.

Rồi nó đi lấy túi ngọc trai để trong đám sậy và không nói thêm nửa lời, lẩn sau một hòn đá.

Cách đó ít lâu, mẹ sai hai con gái ra tỉnh mua kim chỉ và băng. Con đường qua một bãi hoang rải rác có những tảng đá to. Hai cô bé thấy một con chim to liệng trên đầu mình hồi lâu, rồi xà xuống bên một tảng đá. Tức thì có tiếng kêu oe óe thảm thiết. Hai cô chạy đến thì sợ quá vì thấy con phượng hoàng đã quặp chặt lấy thằng lùn mà hai cô đã nhẵn mặt. Chim định tha nó đi. Hai cô bé níu chặt lấy thằng lùn, co kéo mãi làm cho con chim phải buông mồi ra. Nhưng khi hết sợ thì thằng lùn lại nhè mồm ra mắng hai em:

- Đồ chúng bay vụng quá, không biết nhẹ tay hơn một chút. Kéo mạnh quá làm cho chiếc áo mỏng của người ta rách tan tành như thế này à.

Rồi nó cắp túi ngọc của nó, len lỏi qua đá vào hang. Hai em đã quen với thói bạc bẽo của nó rồi nên không để ý, lên đường ra tỉnh mua bán.

Lúc trở về, hai em lại qua bãi hoang, thì bắt gặp thằng lùn đang đổ những viên ngọc ra một chỗ đất sạch, vì nó không ngờ có người đi qua đó muộn thế. Dưới ánh nắng chiều hôm, ngọc lóng lánh muôn sắc. Hai em đứng lại xem. Thằng lùn mắng:

- Chúng bay đứng đực ra đấy làm gì?

Mặt nó vốn bềnh bệch nay đỏ lên vì tức giận. Nó toan chửi rủa nữa thì bỗng có tiếng gầm gừ kinh hồn, rồi một con gấu đen ở rừng đi ra. Thằng lùn hoảng hồn chồm dậy, định trốn về hang, nhưng không kịp vì gấu đã tới ngay bên. Nó sợ quá van lạy gấu:

- Lạy ngài, xin ngài tha cho con, con sẽ biếu tất cả châu báu của con là những viên ngọc đẹp kia. Xin ngài để cho con sống, ngài ăn thịt kẻ nhỏ bé gầy gò như con thật chẳng bõ dính mồm. Ngài xơi thịt hai con ranh kia thì hơn: thịt chúng mềm như thịt cun cút vậy.

Nhưng gấu không biết nghe, tát cho thằng quái gian ác một cái chết tươi. Hai cô bé chạy trốn, nhưng gấu bảo:

- Bạch Tuyết, Hồng Hoa ơi, đừng sợ, chờ anh đi cùng với.

Hai em nhận ra tiếng gấu bèn đứng lại. Khi gấu đến gần hai em thì bộ lông gấu bỗng rơi xuống, gấu biến thành một chàng thanh niên đẹp trai mặc áo toàn vàng. Chàng nói:

- Anh là hoàng tử. Thằng lùn kia đã lấy của cải của anh, rồi phù phép cho anh hóa ra gấu, phải lang thang trong rừng cho đến khi nó chết mới được giải thoát. Thế là ác giả ác báo.

Bạch Tuyết lấy Hoàng tử và Hồng Hoa lấy em hoàng tử. Rồi bốn người chia nhau của cải thu thập được ở trong hang thằng lùn. Bà mẹ già sống lâu, yên vui gần con cái. Bà đem hai cây hồng, trồng trước cửa sổ. Năm nào, hai cây cũng ra hoa trắng, hoa đỏ rất đẹp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4623)
Lời giới thiệu : Khi nói về đạo Phật, người ta thường liên tuởng tới những triết lý thâm sâu và khô khan. Tuy nhiên, đôi khi các Thầy cũng có tính nói ...
10/04/2013(Xem: 4192)
Vinh bực mình về ông già "chùa" hết sức, lúc không cần ý kiến ổng thì ở đâu ổng nhẩy vô, lúc cần ý kiến ổng thì ổng lại thối thác: "chuyện này tôi vô ý ...
10/04/2013(Xem: 4345)
(Lời giới thiệu : Thượng tọa Tuệ Sỹ còn là một thi sĩ, một học giả, một nhà văn. Trước 1975, ông là Khoa trưởng Phật học Viện Đại Học Vạn Hạnh, tác giả nhiều cuốn sách biên thảo đặc sắc về Văn học và Triết học Trung Hoa; thơ Tô Đông Pha, một số thơ, truyện và thơ dịch đã đăng liên tiếp trên nhiều Tạp chí Văn học tại Sài Gòn, trong đó đa số đăng trên tờ Thời Tập
10/04/2013(Xem: 3710)
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải đã nhiều kiếp, kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tụ Cứ luân hồi chuyển kiếp như vậy liên tiếp đến 9 lần, nhưng chưa kiếp nào được thành Phật. Đến kiếp thứ 10, Đức Thích Ca muốn thử lòng, bắt vào đầu thai làm con gái một nhà họ Mãng ở nước Cao Lỵ
10/04/2013(Xem: 4707)
Pháp Sư Tự Lập, người huyện Thái, tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Phật học viện Thượng Hải, từng gần gũi với Pháp sư Từ Hàng, được pháp sư nhận làm ...
10/04/2013(Xem: 5666)
Vở kịch Dạ cổ hoài lang đã làm rung động trái tim cũng như bài hát Dạ cổ hoài lang đã làm “rụng rún” biết bao người! Tim và rún không nằm xa nhau ...
10/04/2013(Xem: 4575)
Vào khoảng trước hay sau năm 1945 gì đó, nay không nhớ rõ; phải nói thực rằng đấy là thời gian đánh dấu một chuyển hướng quan trọng trong ...
10/04/2013(Xem: 5528)
Ma Ca là bút danh của Pháp Sư Tinh Vân. Sư người Giang Đô, Tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Phật Học Viện Tiêu Sơn, học viện Luật Thê Hà, từng trụ trì ...
10/04/2013(Xem: 4480)
Hôm nay Chủ nhật, ngày 14 tháng 10 năm 1990 tức là ngày 26 tháng tám năm Canh ngọ; tôi trang hoàng một bàn thờ đơn giản trước chánh điện để ...
10/04/2013(Xem: 9423)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]