"Tái ông thất mã"là "ông già ở biên giới mất ngựa".
Sách của Hoài Nam Tử có chép:
Một ông lão ở gần cửa ải Nhạn Môn, nơi giáp giới nước Tàu với Phiên Quốc (Hồ) có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn. Ông lão nói:
- Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!
Cách mấy tháng, con ngựa trở về lại quyến thêm một con ngựa hay tốt. Những người quen thuộc kéo đến xem ngựa và chúc mừng. Ông lão nói:
- Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!
Từ khi được ngựa hay tốt, con ông lão thích cưỡi. Chẳng may té què chân. Người quen thuộc đều đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão nói:
- Con què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!
Cách một năm có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão vì què, không phải đi lính mà cho con vẫn họp nhau.
"Tái ông thất mã" trở nên một thành ngữ để chỉ sự họa, phúc xoay vần, khó biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc. Cổ ngữ cũng có câu: "Họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục".
Sách của Úc Ly Tử cũng có chép:
Một người nhà quê trải cỏ phơi ở chân giậu. Hôm sau ra vơ cỏ, nghe tiếng kêu "tích tích", lật lên xem thì bắt ngay được một con trĩ.
Anh ta thấy thế lại vẫn để cỏ ở đấy, có ý mong ngày mai lại được con trĩ nữa. Mai ra, lắng tai nghe tiếng "tích tích" như hôm trước, bụng mừng thầm. Nhưng vừa bới cỏ lên thì ra một con rắn cắn ngay vào tay làm anh ta bị thương rồi chết.
Úc Ly Tử nói: "Trong thiên hạ có cái phúc không tưởng được thế mà may được thế; cũng có cái họa không ngờ đến thế mà xảy ra thế".
Trong một bài thơ của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có câu:
Kìa tụ tán chẳng qua là tiễn biệt,
Ngựa tái ông họa phước biết về đâu.
Gửi ý kiến của bạn