Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

18/06/201300:34(Xem: 11075)
Về Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Chua Vien Giac (15)Chua Vien Giac (16)Chua Vien Giac (18)

Tôi về chùa Viên Giác tham dự lễ Phật Đản lần này không rõ là lần thứ mấy. Mặc dù nhằm cơn sốt bóng đá tổ chức ngay tại Đức, số lượng Phật tử về chùa vẫn không thay đổi. Vẫn người qua lại tấp nập. Vẫn khói hương nghi ngút trong lẫn ngoài sân chùa. Vẫn các hàng quán bốc lên mùi thơm của bún „bò“ Huế chay, bắp luộc, bún riêu, phở, chè, cháo v.v... và v.v... Và tôi, vẫn thói quen tìm một góc ở phòng Tổ dành cho mình một giấc ngủ, mặc dù gần đó, sát chùa vài khách sạn lớn được xây dựng từ Hội Chợ Expo 2000 giải quyết rất nhiều cho vấn đề ngủ nghỉ của Phật tử về chùa, nhưng đăng ký chậm trễ là hết phòng.

Thế nên thản nhiên như... ruồi, tôi „đáp“ xuống sàn gỗ trong phòng Tổ một cách vô tư như về nhà mình không kịp và cũng không hỏi han ai, vào nửa đêm về sáng.

Tôi nhè nhẹ đẩy cửa phòng Tổ, lách mình, mò mẫm như tên trộm trong bóng đêm dưới ánh sáng nhá nhem mờ mờ hắt từ những bóng đèn ngoài hiên chùa qua khung cửa sổ. Tôi mở valy lôi túi ngủ ra, rồi cũng nhè nhẹ trải túi ngủ đặt mình xuống. Chỗ ngủ đương nhiên hơi chật. Vì lúc tôi đến mọi người đang say giấc nồng, nằm xếp lớp như cá mòi, la liệt từ đầu phòng đến cuối phòng và đang cùng hòa tấu một bản tình ca du dương êm ái.

Tối „lấn“ một chỗ gần cửa ra vào. Người kế cận chợt thức giấc, không càm ràm trách móc, như con sâu cựa mình nhè nhàng nhích sang bên dành cho tôi đủ cuộn mình trong túi ngủ như con tằm nằm trong tổ kén. Đi mệt vì đường xa, từ Thụy Sĩ sang Đức, vừa nhắm mắt, tôi bắt được nhịp, hòa vào bản tình ca du dương êm ái...

Bản tình ca được kết thúc khi có những tiếng động rộn ràng của quí Thầy, Cô chuẩn bị vào phòngTổ làm lễ và khi ánh bình minh đang chào đón một ngày mới ngoài hiên chùa. Tất cả tất bật thức dậy, làm vệ sinh và đúng 6 giờ kém 15, ai nấy chỉnh tề trong chiếc áo tràng lam hiện diện đông đủ nơi chánh điện.

Về chùa Viên Giác, nếu chỉ đề cập mãi về phương cách điều hành rất khoa học, rất chính xác đúng giờ phù hợp nếp sống văn minh Tây phương nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hóa Á Châu đáp ứng nhu cầu cho mọi người từ tâm linh đến thể chất là điều quá thừa thãi, vì ai cũng biết. Bao năm qua, chùa đã đi vào nề nếp, lớp lang rõ ràng. Nắm tờ chương trình trong tay, chúng ta cứ an nhiên theo sát, không bị chậm trễ dù một phút, không phải đợi chờ, hay sợ bỏ sót bất cứ tiết mục nào.

Qua bài này, điều tôi muốn viết ở đây sau khi tham dự lễ Phật Đản là cảm nghĩ chân thành của tôi về ý nghĩa và sự lợi lạc ít nhất đối với riêng tôi khi về chùa Viên Giác. Ở chùa, tại đây, tôi học hỏi được nhiều. Học từ nghe và thấy. Vậy tôi nghe được gì và thấy những gì? Đó là câu hỏi, thiết nghĩ quí độc giả đang chờ câu trả lời.

Sau thời công phu khuya, đến giờ điểm tâm. Rảnh rang, như công an khu vực, tôi rà rà dạo quanh trước và sau sân chùa, đảo mắt quét nhanh các gian hàng bán thức ăn, thực phẩm, xét nét người qua kẻ lại, „tóm“ lấy... đưa lên báo. „Nạn nhân“ đầu tiên của tôi là Bác sĩ Chí. Anh đang cùng phu nhân ngồi trong quán... gió (quán được dựng lên bằng những tấm lều che nắng, mưa, nhưng không che gió). Anh chị đang thưởng thức món bánh bèo. Tôi bưng dĩa bánh cuốn sà tới nhận bà con, làm như cùng con nhà Phật, dù chỉ mới gặp và quen nhau một lần ở khóa tu học tại Ý quốc, nơi anh chị định cư, tôi và cả anh chị coi như có... họ hàng!

Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Anh nói:

- Tôi có cô em gái chỉ mê văn nghệ. Thấy tôi quan tâm chuyện Phật sự nó luôn chê tôi „Tây học mà còn mê tín dị đoan“, thế mà giờ, nó hăng hái đi chùa hơn ai hết.

Rồi anh đưa mắt nhìn những hàng quán xung quanh, nơi đang hiện diện những người cặm cụi với công việc, chăm chút từng chiếc bánh, nồi súp, rổ rau... và bây giờ đứng bán, anh tiếp:

- Chị xem, những người đang làm công quả kia, họ bỏ nhiều công sức, thời gian, phục vụ cái ăn cho chúng ta và gây quỹ đóng góp cho chùa. Họ âm thầm làm việc, không hề biết và cũng không ngờ được, hành động của họ đang thể hiện một giáo pháp không bằng lời mà bằng „thân giáo“. Chính họ đã đánh động trái tim em tôi. Nó bảo ở đây, nó tìm thấy tình người làm lòng nó ấm lại và... quyến rủ chinh phục được nó.

Câu nói của anh Chí, khiến tôi nhớ lại sự kiện của bản thân. Tôi cũng vậy, như Dạ Lan, em của anh. Tôi rất mê văn nghệ. Trước đây, ai rủ tôi đi chùa, tôi lắc đầu từ chối. Đi chợ, tôi đi. Chùa thì không, rồi tôi lại hỏi: „Ở chùa có văn nghệ không?“. Nếu đạo Phật cho rằng mọi sự khởi đầu bằng nhân duyên, có cái này sinh ra cái kia, thì văn nghệ đã „câu“ được tôi đến. Tôi đến chùa ban đầu chỉ để tìm ca sĩ, vũ công, để được ngắm nhìn và thả hồn hòa trong lời ca tiếng nhạc cùng ánh sáng mờ ảo mông lung của các điệu vũ trên sân khấu, chớ không tìm Phật. „Trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí để nhớ“, đó là phương cách, cũng là một trong những con đường dẫn đến đạo, đưa tôi đến chùa. Và tại đây, cũng như Dạ Lan, mắt và tai tôi không còn đóng khung trong cái sân khấu nhỏ bé, mà tầm nhìn mở rộng để nhận ra những điều ít tìm thấy ở đời thường. Ở đây, trong không khí đầy đạo vị, trong tinh thần của Kinh Hoa Nghiêm. Nhất bản tán vạn thù, vạn thù qui nhất bản“ (một là tất cả, tất cả là một) mọi người cùng sống cho nhau, nỗ lực cho một công việc chung, ai nấy đều quên mình để nghĩ và sống cho kẻ khác, vì kẻ khác đó cũng chính là mình. Người vui là ta vui. Ta vui, ta tạo người khác vui. Tôi đã bị cuốn hút không chỉ vì văn nghệ nữa (nhưng nếu có vẫn tốt hơn) cái tình người nghĩa đạo chan hòa trong giáo pháp của Đức Phật. Và cũng ở đây, mọi người dường như tựa và chuyền cho nhau cái tha lực để đắp thêm vào cái tự lực vốn bị đời sống đời thường làm chao đảo.

Một người bạn khác ghé lại, tôi nhận ra anh Ngô Ngọc Diệp. Tôi mới gặp, quen anh sáng nay, nhưng nghe và biết anh trước đó qua báo Viên Giác „Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình“. Một lần đọc bài anh có câu „Muốn trao đổi Phật Pháp với bạn đạo“? Câu viết tự nhiên, thân tình nhưng tôi lại nhớ câu nói của cụ Lê Quí Đôn: „Thiên hạ nghi, vấn bảo Đôn“ (thiên hạ thắc mắc điều gì cứ hỏi Đôn). Phật Pháp tôi vẫn lờ mờ, chả có gì để „trao“ hay „đổi“ với anh được. Tôi chỉ có „nghĩ“ và „vấn“ anh thôi. Tôi hỏi:

- Anh Diệp này, tử vi của tôi, sách nào cũng bảo „nếu tôi tu sẽ thành chánh quả“. Nhưng tôi không rõ tu thế nào để thành chánh quả đây?

Anh Diệp cười, đáp gọn lỏn:

- Tu, với tôi, hiểu đơn giản là sửa mình. Vậy thôi.

Trời, sửa mình?! „Ngon lành“ như tôi còn sửa cái gì chứ? Về nội dung „chăm, ngoan, hiền, tội...“ như tôi không lẽ tôi sửa thành „lười, hư, hung, ác“ Còn hình thức với dung nhan thường thường bậc trung thoáng trông cũng „dễ ghét đáo để“, có đến thẩm mỹ viện cũng bị đuổi ra. Dễ ghét như thế này mà đòi sửa cho thành dễ thương à. Nghĩ trong bụng tôi phì cười nhưng tôi không nói ra. Anh Diệp tiếp:

- Là Phật tử chỉ cần giữ đúng năm giới, đủ thành chánh quả!

Năm giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Chà, sơ đẳng quá, tôi nghe hoài. Nhưng mỗi người trong chúng ta tự xét lại mình coi, mấy ai không phạm ít nhất một trong năm giới đó?!

Sắp đến giờ tụng kinh, tôi cáo biệt vợ chồng anh Chí, anh Diệp rồi chuẩn bị vào chánh điện.

- Ai hát hay vậy hở mẹ?

Tiếng của một bé gái ngồi phía sau tôi hỏi mẹ, khi bé nghe Sư Cô tụng kinh. Tôi phát phì cười về con chim non lần đầu lạc vào vườn trầm. Rồi nay mai trên đường đời bé có duyên với Phật, bé sẽ cùng „hát“, cùng cất tiếng líu lo dưới ánh nắng ban mai như hào quang chiếu rọi của Phật Pháp, góp cho vườn trầm khởi sắc tỏa hương khắp nơi nơi.

Buổi chiều, sau giờ ăn trưa, nghỉ trưa, là giờ thuyết giảng của thầy Phương Trượng Thích Như Điển.

Ngồi phía sau trong chánh điện, tôi lắng lòng nghe pháp, tâm tư tôi lâng lâng dịu êm. Bao phiền muộn của đời sống như theo khói hương lãng đãng bay vào không khí.

Tôi nhìn lên phía trước. Giọng của thầy Phương Trượng vẫn đều đều. Mỗi lời mỗi câu thốt ra đều có đệ tử ngồi kế cận thông dịch ra tiếng Đức, một điều hơi khác so với những lần tôi tham dự trước đây. Điều đó chứng tỏ, chùa Viên Giác đã thu hút được người Đức và đám trẻ sinh trưởng tại Đức không thạo tiếng Việt. Chùa vẫn phát triển đều. Hàng lọat sư trẻ có tài năng dưới trướng. Thầy Như Điển đã có tới „cháu nội“ (thế hệ thứ ba) từ những chú tiểu tướng hảo, quang minh sẽ tiếp nối gánh vác chùa. Tôi tự hỏi, tu như Thầy sẽ thành chánh quả không? Thầy luôn gặp thuận duyên, muốn gì đều được. Hô một tiếng người người hưởng ứng. Thầy nói, người ta nghe, thầy chưa... đe ai nấy đều nể (sợ) thầy không sai đã khiến được không biết bao người đến giúp. Có phải đó là nhờ phúc không? Phúc, không chỉ từ đời này mà còn.... từ đời trước hay nhiều kiếp trước, nếu không, cùng mặc áo cà sa, nhiều vị còn giỏi hơn thầy Như Điển, nhưng đâu luôn gặp thuận duyên. Tôi gẫm lại đời tôi. Tuy không là Ni Cô, nhưng trong 84 ngàn phép mà Đức Phật dạy, tu tại gia, tại chợ cũng là tu.

Những ước mơ một xã hội công bằng, sống trong tình yêu thươing nhau, không có người bóc lột người, không chém giết, không tranh giành v.v... và v.v... thực hiện được điều đó, theo tôi, cũng là tu vậy. Cho nên, bao lâu, tôi cố gắng... tu như thế, nỗ lực với ước mơ của mình, mong cầu mình như người, người như mình, để, một là tất cả, tất cả là một. Thế mà, tôi nói không ai nghe. Tôi „đe“ không ai sợ. Tôi „sai“ không ai làm. Thậm chí giúp người kém may mắn cũng bị phản tác dụng. Kẻ kéo được lên bờ, tự lao xưống vực thẳm. Người bay cao, chiếm trọn cả bầu trời, say sưa tung hoành, phóng uế vung vãi xuống trần gian. Đưa ra phía trước, tưởng để dọn chông gai nâng đỡ người phía sau cùng tiến. Trái lại, đứng trước chỉ để dang tay „chận“ người đứng sau; không muốn và không cho ai vượt qua mình. Tưởng như thế là nhất, là thắng. Không, chỉ đang giậm chân một chỗ, cho đến lúc, nhìn qua ngoảnh lại có kẻ đã phóng qua được mình, mới hay mình đã lùi xa thiên hạ hằng thế kỷ.

Những chướng duyên trong tu tập vẫn là những thử thách thông thường trên đường đời, đường đạo. Nhưng trước ngọn núi cao cheo leo không trèo được, trước dòng sông sâu cuồn cuộn không lội được, biết sẽ làm sao ngoài con đường mòn nhỏ hẹp quanh co dẫn tới kẻ độc hành còn ý chí.

Bao lâu, tôi khắc khoải kiếm tìm con đường tu để thành chánh quả „Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành“. Câu nói của Phật nghe sao đơn giản, chữ „sẽ“ thật ngắn ngủi nhưng đường đi dài diệu vợi, có khi hằng hà kiếp!

Quan sát và phát triển cũng là một cách tu. Quí Thầy từng dạy thế. Quan sát sự kiện để thấu triệt đâu là nguồn gốc, là nguyên nhân của vấn đề, từ đó, phát triển trí huệ, tích lũy công đức tu tập nhằm phát huy Phật tánh trong mỗi con người chúng ta tiến tới hòa nhập vào bản thể chân như bất biến. Ôi, giáo pháp của Đức Phật thâm sâu vi diệu. Lý thuyết nhiều khi không hiểu nổi. Thực hành lại lắm gian nan.

Một chương trình văn nghệ chào mừng Đản Sanh, chùa Viên Giác thường mời hai ca sĩ. Năm nay có sự hiện diện của Như Quỳnh và Thành Lễ. Danh ca hát hay diễn giỏi là điều đương nhiên. Ở đây, có một lực lượng cây nhà lá vườn diễn hay không kém đó là các Gia Đình Phật Tử của Đức Quốc. Bao năm qua, dễ chừng đã 20 năm trời, anh em đã miệt mài hỗ trợ chùa không ngơi nghỉ. Từ mọi công tác trật tự, vệ sinh, hành chánh, văn nghệ. Đâu cần có Gia Đình Phật Tử, đâu khó cũng có Gia Đình Phật Tử. Và đêm nay, trong chương trình văn nghệ, anh em đã đóng góp những màn nhạc cảnh, vũ khúc thật tuyệt vời. Đã nhiều lần làm khán giả chùa Viên Giác, tôi rất ngạc nhiên anh em liên tục có những tiết mục độc đáo, mới lạ. Từ „mãi võ sơn đông“, múa kiếm với những đường quyền, đường kiếm tuyệt luân. Ngồi xem, tôi có cảm tưởng tài tử phim tập Hồng Kông đang biểu diễn những màn đấm đá. Chỉ cần sơ sẩy, mạnh tay... có thể quí Thầy, Cô cùng Phật tử... tụng kinh vãng sanh không chừng. Bên cạnh đó, những màn vũ quạt, múa lụa và cả những điệu Ấn Độ trong nhạc cảnh „Sự tích Đức Phật Thích Ca“ với trang y lộng lẫy cũng sinh động không kém.

Chương trình nói chung thật đặc sắc và kết thúc đúng 24 giờ theo qui định. Mọi người hoan hỉ ra về.

Trên con đường dẫn về „nhà trọ“, tôi tự hỏi, anh em Gia Đình Phật Tử nỗ lực bỏ nhiều công sức đóng góp văn nghệ cho chùa, không chỉ năm nay mà đã từng nhiều năm dài, phải chăng như lời Bác sĩ Chí đã nói: „Họ đang thể hiện giáo pháp của Đức Phật không bằng lời mà bằng thân giáo“.

Sáng hôm nay chủ nhật, vẫn như thường lệ, sau khi công phu khuya và điểm tâm, vì đường xa nên tôi không ở lại tham dự được hết chương trình. Tôi trở lại Thụy Sĩ với lòng thơi thới nhẹ tênh cùng miên man suy gẫm cuộc đời. Nhìn người lại gẫm đến ta để nhận ra mình phúc nhỏ cần phải tu thêm, tu nhiều kiếp, bắt đầu từ kiếp này mới mong đạt thành chánh quả.

Trần Thị Nhật Hưng

 (Tháng 7.2006)

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/11/2015(Xem: 4446)
Một người phụ nữ ra khỏi nhà và nhìn thấy ba người đàn ông râu dài bạc trắng đang ngồi trên băng ghế đá ở sân trước. Bà không hề quen ai trong số họ. Tuy nhiên, vốn là người tốt bụng, bà nói: “Tôi không biết các ông nhưng chắc là các ông đang rất đói, xin mời các ông vào nhà ăn một chút gì đó”.
03/11/2015(Xem: 4109)
Đã lỡ hứa với lòng là từ đây nhất định sẽ không viết chuyện tình nữa, nhưng có lẽ “mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên“ của tôi vẫn còn nên phải đành viết tiếp câu chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng và nàng công nương em gái vua Gia Long. Thiên tình sử kéo dài đến 40 năm với một tình yêu độc đạo, nghĩa là đường yêu chỉ có một chiều. Nàng yêu đắng, yêu cay trong tuyệt vọng vị Hòa Thượng làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế và cũng là sư phụ truyền Bồ Tát giới cho nàng. Để tránh mối tình ngang trái chỉ làm cản trở đường tu và sự trong sáng của mình, vị Hòa Thượng khả kính đã tìm cách trở về chùa xưa, Sắc Tứ Từ Ân ở Gia Định để tỵ nạn tình duyên. Nhưng Hoàng Cô - cô của vua Minh Mạng vẫn bám theo kiểu, cho dù chàng có đi đến chân trời góc biển nào, thiếp cũng khăn gói theo chàng.
24/10/2015(Xem: 6345)
Tại Hoa Kỳ, nếu nói về những người Mỹ gốc Việt đang thành danh trong ngành Luật và hành nghề Luật sư tại các Tiểu Bang khắp nước Mỹ thì thật là cả một lực lượng quá đông. Nhưng nói đến một nữ Luật sư có nhan sắc xinh đẹp, có nhiều tài năng đa dạng vừa là Luật sư xuất sắc kiêm Họa sĩ từng nhiều lần triễn lãm tranh sơn dầu vẽ kích thước lớn trên vải bố Cavas; và là một Thi sĩ có những bài Thơ rất hay đầy tính nhân bản, thật lãng mạn thì chắc chắn người ta phải nói đến Nữ Luật Sư JENNY ĐỖ tại San Jose, bắc California.
08/10/2015(Xem: 3874)
S au 5 năm, tôi trở lại thăm bạn lần thứ tư trên xứ người. Bước xuống phi trường, thấy bạn lững thững từ xa đi đến, bóng dáng lẻ loi nổi bật trên nền trời xanh biếc làm lòng tôi quặn thắt. Tôi biết bây giờ bạn là người cô đơn nhất, lòng đang chất chứa một nỗi u hoài. Còn tôi, cũng chỉ đến với bạn đôi ba ngày, có chăng cũng chỉ đem đến cho bạn vài nụ cười ngắn ngủi rồi đành phải chia xa!
02/10/2015(Xem: 3400)
Hôm nay tôi đến nhà người anh họ để dự đám giỗ mẹ của anh ấy (cũng là mợ của tôi), nhìn lên bàn thờ thấy khói hương nghi ngút, thức ăn, trái cây bày cúng ê hề, lòng tôi bỗng nhói lên một niềm cảm xúc. Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã mười hai năm. Nhớ lúc cha tôi vừa mất, khi chuẩn bị tẩn liệm cho người, mợ ấy đến nhìn mặt cha tôi lần cuối rồi khen rằng cha tôi chết không mất một miếng thịt (cha tôi mất đột ngột do tai biến mạch máu não), mấy tháng sau bắt đầu đến mợ ấy. Thế nhưng căn bệnh ung thư đại tràng đã hành hạ thân xác mợ gần một năm trời khiến mợ như chỉ còn da bọc xương.
01/10/2015(Xem: 8181)
Vạn Dặm Rong Chơi, Đường Rộng Mở _ Thích Từ Lực
14/09/2015(Xem: 3910)
Văn Nhân là văn sĩ nổi tiếng đã có vài chục tác phẩm xuất bản. Nếu như sinh ra ở Hoa Kỳ hay Tây Phương thì chàng ta đã trở thành triệu phú, đời sống đế vương. Thế nhưng thị trường chữ nghĩa của người Việt hải ngoại thì nhỏ, “văn chương hạ giới lại rẻ như bèo”, báo phát không, báo biếu, báo chợ, báo cắt dán khơi khơi đăng truyện của chàng mà không phải trả nhuận bút, nhà xuất bản kiếm được mớ tiền khi xuất bản sách của chàng…thế nhưng chính tác giả lại nghèo kiết xác.
08/09/2015(Xem: 4539)
Ông trời run rủi thật kỳ lạ, cho những người từ những phương trời xa lắc xa lơ bỗng nhiên gặp nhau, rồi cuộc đời ràng buộc với nhau ! Hôm đó trong văn phòng ông Paul, khoa trưởng trường đại học ở một tỉnh xa Paris, có ba người gặp nhau lần đầu : ông Paul, cậu Santy và Jean. Ông Paul người gốc Ba Lan, giòng dõi quý phái, theo cha mẹ lưu lạc sang Pháp. Ông học xuất sắc, đỗ đạt cao, làm giáo sư , rồi lên chức khoa trưởng kiêm giám đốc một trung tâm khảo cứu. Santy là một thanh niên người Lào, con nhà khá giả, được bố mẹ cho đi học bên Tây. Thông minh, chăm chỉ, đậu tiến sỹ rất sớm, cậu được nhận ngay làm giáo sư diễn giảng trong đại học ông Paul.
03/09/2015(Xem: 3515)
Tôi rất thích thiên nhiên. Dù đối với tôi, ở đâu, ngắn hay dài ngày, diện tích lớn hay nhỏ không quan trọng mà tôi luôn chọn cho mình một nơi trú ngụ có thiên nhiên. (Và yêu cầu thứ 2 là sạch sẽ). Điều mong muốn này không có nghĩa rằng tôi đòi hỏi cho mình vườn cây, hồ nước hay bể bơi. Cái mà tôi muốn nhất là khoảng không, là bầu trời. Dù ở căn hộ hay ở phòng thuê nhỏ xíu tôi rất thích có cửa sổ để ngắm trời xanh, mây trắng, và có thể thêm màu xanh của cây cối nơi xa xa…
28/08/2015(Xem: 4680)
Cải biên từ một bài hát, tôi xin đổi là: “Âu Châu có gì lạ không em? Mai em về còn nhớ gì không?”. Còn nhớ chứ, nhớ nhiều nữa là khác. Nhớ như một người yêu nhớ người tình. Và tôi đã nhớ gì, xin... thỏ thẻ cùng các bạn nỗi lòng của tôi nha. Âu Châu năm nay có hai sự kiện: * Sự kiện thứ nhất là khóa tu học hằng năm vẫn thường xảy ra tại một nước trong Âu Châu, không chỉ Phật tử khắp Âu Châu đều biết mà cả thế giới cũng có một số người quan tâm. * Sự kiện thứ hai độc nhất vô nhị thật đặc biệt chưa từng có trên thế gian này đã làm xôn xao khắp năm châu bốn biển đó là 4 đại lễ cùng tổ chức một lần tại chùa Khánh Anh, Paris. - Lễ Đại Tường Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm. - Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Evry. - Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Ngày về nguồn 9) - Đại Giới Đàn Khánh Anh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]