Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nam Tuyền chém mèo

28/11/201204:18(Xem: 7024)
Nam Tuyền chém mèo

nam tuyen chem meo
VÔ MÔN QUAN  -  
無門関

Chữ Vô của Phương Đông

Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai 
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin 
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

 



Tắc số 14: Nam Tuyền chém mèo (Nam Tuyền trảm miêu)[1].

南泉斬猫

Bản tắc:

Hòa thượng Nam Tuyền[2] nhân việc các học tăng ở đông đường và tây đường cứ tranh cãi nhau vì một con mèo, mới nắm ngay nó tại chỗ và giơ lên, nói:  

-Nếu có ai trong các ngươi nói được một câu nào, ta sẽ tha mạng con mèo. Bằng không, ta sẽ chém nó cho coi.

Chư tăng không ai đáp lại được. Rốt cục, không còn cách nào, Nam Tuyền chém con mèo.

Tôi hôm đó, đại đệ tử của ông là Triệu Châu ở ngoài về. Nam Tuyền đem chuyện vừa xãy ra kể lại. Lúc đó, Triệu Châu mới tháo đôi dép cỏ mang dưới chân đội lên đầu và ra khỏi phòng.

Nam Tuyền thấy thế mới bảo:

-Nếu ngươi lúc đó có mặt thì nhất định con mèo không đến nổi chết.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Này, nói thử xem! Triệu Châu nghĩ gì mà tháo giày cỏ đội lên đầu như vậy nhỉ? Nếu thốt ra được một lời chính đáng để chuyển mê khai ngộ tại chỗ, có lẽ mới biết hành động (tàn nhẫn) của Nam Tuyền chẳng phải hoàn toàn vô ích. Ví bằng không làm được như thế thì ông sẽ nguy lắm.

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Triệu Châu nhược tại,
Đảo hành
[3] thử lệnh.
Đoạt khước đao tử,
Nam Tuyền khất mệnh.

趙 州     
倒 行     
奪 卻    
南 泉   

(Nếu Châu có đó,
Làm ngược lệnh thầy. 
Cướp mũi đao lại,
Mạng Tuyền sao đây?)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Tắc này ý nói các thầy trong Nam Tuyền tăng đường tranh cãi với nhau xem con mèo có Phật tính hay không cho nên hòa thượng Nam Tuyền Phổ Nguyện nhân đó dùng con mèo như một dụng cụ giáo khoa tốt để đặt vấn đề. Cụ muốn bảo: “Nếu các ngươi nói được câu nào chân thực để làm sáng tỏ ý nghĩa của thiền thì các ngươi sẽ cứu được sinh mạng con mèo này!”

Nhìn vào công án mà chỉ thấy việc Nam Tuyền chém mèo là phạm giới sát sinh thì chưa hiểu gì về truyện thiền. Truyện không dính dáng gì tới con mèo cả. Nhớ nhé, thiền là “tức kim, thử xứ, tự kỷ, kỷ sự cứu minh” (bây giờ, ở đây, chính mình, xét rõ việc mình) kia đấy!

Rốt cuộc, Nam Tuyền bèn chém mèo” có nghĩa là chỉ cần một nhát dao của Nam Tuyền mà người tu thiền ngồi trên bồ đoàn giết phứt được cái tự ngã nhỏ nhoi của mình. Thiền sư Hakuin có nói: “Này các bạn trẻ! Nếu sợ chết thì chết ngay bây giờ đi. Đã chết một lần rồi, sau sẽ khỏi chết nữa!”. Thật vậy, sau một cái chết lớn (đại tử nhất ban) trên tấm bồ đoàn, ta sẽ phủ định trọn vẹn hai đầu quãng đời từ tiếng khóc oe oe đến hơi thở cuối cùng. Thế rồi ta sẽ thấy được từ trong cội nguồn của thế giới, hiện ra một sinh mệnh mới mà ta không chờ đợi tới. Đó là “thể nghiệm giác ngộ” của thiền.

Jesus Christ từng nói: “Kẻ nào không sinh lại thì không có thể vào nước của Đức Chúa Trời”. Chết và phục sinh là một bí mật của sinh hoạt tôn giáo bất luận đông tây cổ kim. Thánh Phao-Lồ (Paolo) cũng dạy: “Hãy vác thập tự giá của mình theo Chúa và cùng chúa phục sinh” hay “Không còn sống với cái ta nữa mà phải sống với Đấng Christ trong ta”. “Cái sống sau cái chết, đó là đường lối của Thiền” nhưng cũng là sinh mệnh chân thực của mọi tôn giáo.

Lúc nghe thầy mình kể lại câu chuyện, Triệu Châu gỡ đôi dép dưới chân, đội trên đầu đi ra ngoài. Việc làm này không có ý nghĩa gì đặc biệt, hoàn toàn “vô tâm diệu dụng”. Hoặc chỉ là cách thức để chứng minh rằng một người đã thấy cái tự ngã chân thực thì cho dù muốn chém cũng không chém được, vì đã chết một lần rồi nên không còn có thể chết thêm. Cách bộc lộ ra bên ngoài của Triệu Châu ở đây, có lẽ phải gọi là thiền theo lối dã hồ.

Tóm lại, trên bồ đoàn, phải một lần triệt để làm cho tự ngã chết đi. Lúc ấy, không ngờ, ta sẽ sống lại cùng với tự kỷ vô tướng, hợp nhất với vũ trụ (vũ trụ nhất bôi). Đó là kinh nghiệm kiến tính (nhìn thấu suốt bản tính của mình). Tôi có làm một bài kệ đầu cơ với nội dung như sau: “Như một cái thùng gỗ giữ gìn hai mươi mấy năm, một sáng thủng đáy không giữ được nước nữa. Thế nhưng không ngờ lại thấy xuất hiện một cái “đáy không đáy” (để vô để) và từ nơi đó, nguồn nước pháp tự nhiên (pháp di) bắn vọt lên” Đưa cho thầy Suzuki Daisetsu tôi xem thì người nói: “ Nước trào lên, nếu không biết giữ thì sẽ khô cạn chẳng còn gì. Cái khó nằm ở chỗ đó!”.


 


[1] Thoại này có chép trong Triệu Châu Lục quyển thượng và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 8. Thoại này nổi tiếng vì đã dạy về việc “Nam Tuyền nhấn mạnh rằng người ta có thể tự để cho mình rơi vào súc sinh đạo khi làm một hành động để biểu hiện Phật đạo” (dị loại trung hành)”

[2] Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-834), thiền tăng đời Đường, nhận pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788). Cùng với Bách Trượng Hoài Hải và Tây Đường Trí Tạng, ông là một trong 3 học trò giỏi của Mã Tổ. Thầy của Triệu Châu. Tiểu sử thấy chép trong Tổ Đường Lục quyển 14 và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 6.

[3] Hay “đảo hành nghịch thí” nghĩa bóng là đáp đúng bằng cách khác.

Nam Tuyền chém mèo hay là “Nam Tuyền trảm miêu” là một công án Thiền rất nổi tiếng được ghi lại trong các thiền thư nổi tiếng như Bích Nham lụcVô Môn quan.. và ngay cả trong kiệt tác tiểu thuyết Kim Các tự của Mishima Yukio.

Được biết, Công án là một pháp môn của Thiền tông để tu tập nhằm kiến tánh giác ngộ. Mục đích chính là làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thuỷ. Chư Tổ Sư dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua bức màn vô minh từ thời vô thủy, vượt qua luôn bờ bên kia của vô thủy vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.

Bản thể chân tâm của chúng ta vốn thanh tịnh, nhưng vì môt niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dầy đặc, càng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức. Nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệm và nhận thức.

Thoạt kỳ thủy, chưa có công án, mà chỉ là cơ xảo của chư Tổ, tùy theo theo căn cơ của người đối diện mà tháo gỡ vướng mắc đã khiến họ kẹt cứng, không hội nhập lại bản thể được, thí dụ như Lục Tổ hỏi thượng tọa Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Khi nghe câu đó, thượng tọa Minh ngơ ngác, trong một sát na dòng tâm ý thức bị khựng lại, bản thể hiển lộ lập tức. Những thí dụ như trong một ngàn bảy trăm công án đều là những câu vấn đáp của chư Tổ, chính là để đương cơ "khựng ngay dòng ý thức lại". Mỗi vị đều có những câu khác nhau, tùy theo căn cơ của môn đệ mà trao cho một công án. Người sau thấy những câu hỏi đáp đó đã giúp khai ngộ cho đệ tử, rồi đề ra cho người tới xin tu, cho họ một câu, gọi là "một tắc công án", để họ ngày đêm chú tâm vào việc tham cứu công án ấy, bất luận là đang làm việc gì, tâm cũng không rời khỏi công án, như bóng với hình, tạo thành một mối nghi tình. Công án được xem như dụng cụ để giúp người tu thiền ngưng đọng tâm tư, tạo được khối nghi, chờ một ngày kia có trợ duyên, khối nghi bùng vỡ, là Ngộ.

Như vậy, có thể nói công án Thiền không phải là đối tượng của mọi nhận thức bàn luận về ý nghĩa của chúng, tức là không thể hiểu hay giãi bày bằng suy tư, bằng ngôn ngữ văn tự theo lối thông thường trong thế giới tương đối nhị nguyên. Thầy dạy thiền của chúng tôi là Cố Hoà thượng Thích Duy Lực đã khẳng định rằng: “giải thích công án thì lọt vào ý thức nhị nguyên phân biệt, nên không bao giờ ngộ. Mục đích của Tổ Sư thiền (mà công án là một pháp tu) là muốn chấm dứt ý thức phân biệt, nên sát na lìa ý thức liền kiến tánh. Còn bây giờ không lìa ý thức, mà lại dùng ý thức để giải thích phân biệt để tìm hiểu đáp án. Cho nên, giải công án là sai lầm và nghịch với Tổ Sư thiền, vì vậy chư Tổ nói là phỉ báng Tổ, cũng là phỉ báng pháp”.

Để đạo hữu hiểu thêm, chúng tôi trích một bài viết trong “Bước Vào Thiền Cảnh”, Tác Giả-Hirosachiya - Dịch Giả-Thích Viên Lý, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới Xuất bản 1998 (http://www.thuvienhoasen.org/buocvaothiencanh2-08.htm)

“Mẫu chuyện dưới đây là một công án nổi tiếng của Thiền. Cái gọi là công án, cũng có thể gọi là trắc nghiệm vấn đề. Tốt nhất xin quý vị độc giả hãy trắc nghiệm ở đây rồi tự nêu ra một đáp án mà quý vị cho rằng tiêu chuẩn nhất. 

Một hôm, có một số thiền sinh đã chỉ vì chuyện của một con mèo mà tranh cãi không ngừng, lúc bấy giờ Nam Tuyền thiền sư thấy thế, nắm cổ con mèo giơ lên cao và bảo: 

“Này chư vị, trong số chư vị nếu có ai vì mèo mà có thể nói được một lời thì tôi sẽ không giết con mèo này, nếu không, tôi lập tức chém nó ngay. Hãy thử nói một câu!” 

Lúc ấy, đám đông lặng thinh. 

Thế là Nam Tuyền lập tức giết chết con mèo. 

Đến đêm, một đệ tử của Mã Tổ là Triệu Châu (Tùng Phẩm) từ ngoài về, Nam Tuyền thiền sư đem câu chuyện xảy ra ban ngày thuật lại cho ông. Triệu Châu nghe xong, đã không một lời nào đáp lại, cởi đôi giầy rơm đội lên đầu rồi bước ra khỏi phòng 

Nam Tuyền thiền sư thấy vậy bèn nói: “Lúc ấy nếu ngài có mặt, con mèo đã không bị giết...” Vấn đề ở chỗ, Triệu Châu tháo giầy rơm đội lên đầu có ý gì? Quý vị độc giả, quý vị có thể cứu sống con mèo này không?

Đề mục nêu trên, nếu mách với quý vị: 

“Xin lỗi! tôi cũng không trả lời nổi” thì sẽ không khỏi bị độc giả mắng cho một trận! May mà vấn đề này có sẵn trong điển tích Thiền Tông “Vô Môn Quan”, vì thế tôi mới có thể mạnh dạn thú nhận là tôi không có giải đáp. Xin độc giả tự căn cứ vào trí tuệ của mình mà tìm đáp án. 

Nếu trong số quý vị có người muốn khống cáo Nam Tuyền hòa thượng là ngược đãi động vật, tôi khuyên độc giả ấy hãy giữ im lặng thì tốt hơn. Bởi vì bản ý của Nam Tuyền là muốn cứu con mèo, thật sự, để cho con mèo bị giết chính là những người đã đặt Nam Tuyền hòa thượng vào tình thế khó xử!”

Hy vọng những lời chia xẻ nêu trên của chúng tôi giúp đạo hữu hiểu thêm về lý do không thể giải thích Thiền Công án. Nếu đạo hữu muốn biết thêm về Thiền Công án nói riêng và Thiền Tổ Sư nói chung, đạo hữu có thể truy cập thư mục Tổ Sư Thiền trong Thư Viện Hoa Sen.

Chúc đạo hữu thân tâm thường an lạc

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/06/2014(Xem: 7251)
Qua không quen Mận mà biết Đào - đứa con gái 25 tuổi của Mận - qua một số lần giao dịch mua bán nhà. Đây là việc làm thêm nhưng lại là thu nhập chính của Đào (và Mận). Qua những thương vụ làm ăn chung, Đào tỏ ra là người nhanh, nhạy, thông minh và sòng phẳng.
23/06/2014(Xem: 4761)
Chiều nay, một chiều thật an bình, dưới bóng râm mát diệu của những tàn cây xanh, lồng lộng tiếng chim như trĩu thanh âm xuống phòng khách bên trong một ngôi đạo tràng. Bình trà đã rót nhiều lần, nhưng hương vị trà hãy còn thấm đậm theo dòng thế sự hoài niệm cổ kim.
21/06/2014(Xem: 10083)
Chúng tôi, Nhóm Học Phật chùa Quang Nghiêm, gồm một số thân hữu và những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử trong vùng có cơ duyên gần gũi và học hỏi cùng thầy trong nhiều năm qua. Nhân đó, chúng tôi được biết, Thầy là một cây viết thường xuyên trên tập san: THEO DẤU CHÂN XƯA của Phật học viện Huệ Nghiêm, SÀI GÒN trước 1975. Nhưng sau những đợt đốt sách của chính quyền Cộng Sản, THEO DẤU CHÂN XƯA không còn nữa. Càng gần Thầy, chúng tôi nhận thấy những gì Thầy dạy và viết thật thực tế và giản dị trong việc áp dụng Đạo Phật vào đời sống hằng ngày cho chúng ta. Chúng tôi không muốn có sự thất thoát như xưa, nên mạo muội sưu tập một số bài mà Thầy đã viết trong thời gian qua. Đây là một món quà tinh thần của Thầy mà chúng tôi đã rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hàng ngày. Có một điều quan trọng nữa là bài học thân giáo của Thầy: phong cách hiền hòa và đức độ lan tỏa từ Thầy êm đềm như dòng sông Thu Bồn xứ Quảng. Trong bất cứ lúc nào, nếu có dịp, Thầy thường nhắc nhở: “Học Phật có n
20/06/2014(Xem: 10631)
Thuở xưa có một con rùa, vào một buổi chiều đi kiếm mồi bên một cái đầm vắng. Một con dã can cũng đi kiếm mồi cạnh cái đầm ấy. Con rùa lanh lợi kia vừa thấy dã can từ xa đi tới thì nghĩ rằng : “Dã can nầy đã từng gây hại cho loài của ta, vậy nay ta phải thận trọng.” Nghĩ vậy con rùa bèn thâu bốn chân và thứ năm là cái cổ vào trong chiếc mai rắn chắc của mình, rồi nằm im bất động.
20/06/2014(Xem: 4769)
Gia đình là nền tảng của xã hội. Muốn tạo dựng một xã hội phồn thịnh an vui, có lẽ ta cần phải có thật nhiều mái ấm gia đình mới phải. Thế nhưng trong thực tế thì than ơi, ta chỉ gặp toàn những gia đình tiêu biểu cỡ anh chồng Nguyễn văn Đầu Vịt và chị vợ Trần thị Lá Sen như câu chuyện Mái Ấm Chợ Chiều dưới đây.
16/06/2014(Xem: 13619)
Chuyện Thiền Môn là những câu chuyện do chúng tôi biên soạn. Những mẫu chuyện nầy đã đăng rải rác trong các Bản Tin Đại Tòng Lâm Phật Giáo. Bắt đầu từ số 17 cho đến số 29. Mỗi Bản Tin được kèm theo trong tờ Đặc san Phước Huệ phát hành ấn tặng mỗi kỳ vào các dịp đại lễ như: Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán. Tuy là câu chuyện dài nhưng mỗi kỳ đều có mỗi chủ đề khác nhau. Những nhân vật trong câu chuyện không phải là những nhân vật có thật ở trong đạo, nếu có sự trùng hợp thì đó chẳng qua là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của bút giả. Chúng tôi dựa vào một vài nét sinh hoạt thực tế cụ thể trong thiền môn mà viết thành qua mỗi chủ đề khác nhau. Mỗi chủ đề tuy có khác, nhưng những nhân vật trong cốt chuyện trước sau đều có sự hoạt động liên tục. Qua mỗi câu chuyện, chúng tôi cố gắng diễn tả theo từng tâm trạng và hoàn cảnh của mỗi nhân vật hay thường xảy ra trong chốn thiền môn.
16/06/2014(Xem: 6891)
Tập sách nhỏ nầy chúng tôi ghi lại những ngày lang thang rày đây mai đó trên đất Mỹ. Đây là chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của chúng tôi. Như những chuyến đi lần trước mà chúng tôi đã có dịp đi qua các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, cứ mỗi chuyến đi tôi đều có ghi chép lại những gì đã xảy ra trong suốt cuộc hành trình. Lần nầy cũng vậy. Tôi cũng muốn ghi lại những việc xảy ra từng ngày. Đến đâu, ở đâu, làm gì ... tất cả, chúng tôi đều có ghi lại đầy đủ. Do đó, quyển sách nầy với hình thức giống như là một quyển nhật ký hay ký sự hơn là quyển sách mang tính chất nghiên cứu. Trong sự ghi chép đó, nơi nào có liên quan đến những địa danh mà chúng tôi tới viếng thăm, chúng tôi đều có sưu tầm một số ít tài liệu để dẫn chứng. Tôi nghĩ rằng, chuyến đi nào cũng có ít nhiều kỷ niệm vui buồn. Cuộc đời tương đối không sao tránh khỏi. Mục đích của chúng tôi là muốn lưu lại một vài hình ảnh kỷ niệm thân thương qua những nơi mà đoàn chúng tôi đã đến.
10/06/2014(Xem: 8159)
Hai dì vãi chùa tôi tuổi đời đều đã trên 70. Về sự kính Ôn, trọng thầy, thương chú và đùm bọc điệu hai dì như nhau. Về sự siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, giữ của cho chùa hai dì bằng nhau. Về vóc hình nhỏ nhắn hai dì giống nhau. Về chiều cao khiêm tốn hai dì ngang nhau. Thời Ôn (cố) còn sống, có mụ nhà quê lâu lâu mới lên thành phố tìm đến viếng chùa rồi gặp Ôn trú trì, sau khi đảnh lễ, mụ nói một câu tỉnh rụi về hai dì vãi chùa tôi: Ôn có “cặp sanh đôi” trông vui mắt, hí.
04/05/2014(Xem: 16419)
Hằng năm tại Thụy Sĩ nói riêng, Âu Châu nói chung, nhằm vào lễ Phục Sinh được nghỉ 4 ngày liên tiếp từ thứ 6 đến thứ 2, thiên hạ thường nô nức mua sắm, du lịch hay tiệc tùng ăn nhậu..v.v..và..v.v.. để đền bù và thưởng thức cuộc sống cho bõ những ngày tháng làm việc mệt nhọc mà họ cho là "đi cày" vất vả.
15/04/2014(Xem: 5027)
Thiên tình sử Truyện Hoa Lan không biết đã cướp mất bao nhiêu thì giờ quí báu của các bạn, chứ riêng tôi bị mất nhiều công sức lắm. Chẳng là Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, đuổi nhanh đến độ mỗi sáng tôi phải ngồi nhổ tóc bạc đến mỏi cả tay, đến mờ con mắt mà vẫn chưa xong.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]