Mỹ Uyên tần ngần đứng trước cổng Tam quan chùa, lâu lắm rồi vì nhiều lý do nàng đã không đến đây dù rằng mỗi kỳ lễ Tết nàng đều từ thành phố về nhà thăm cha mẹ và nhà nàng cách chùa không xa lắm. Dù sao, ngôi chùa này với nàng cũng có biết bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.
Chùa nằm khiêm tốn cạnh một khu rừng nhỏ thoáng mát, xung quanh chùa lại trồng toàn cây ngọc lan thơm ngát khiến khách vãng lai dù cách chùa một đoạn khá xa vẫn có cảm giác thư thái dễ chịu. Ngày còn bé, Mỹ Uyên thường theo bà nội đi chùa này, đôi khi ăn cơm ở chùa, chạy chơi loanh quanh nhặt những bông ngọc lan rồi thích thú đưa lên mũi ngửi. Mỗi ngày đi học, nàng thường phải đi ngang qua chùa, hương ngọc lan ngạt ngào vấn vít đưa tiễn nàng thêm một đoạn đường nữa.
Mỹ Uyên không ở trong gia đình Phật tử của chùa, không thuộc kinh, những gì nàng biết về đạo Phật toàn qua những câu chuyện cổ tích Phật giáo mà bà nội kể. Dù sao, ngôi chùa với nàng cũng rất thân thiết, cũng có ấn tượng thật sâu trong tâm khảm.
Khi nàng độ mười tuổi, thầy trụ trì có nhận thêm một chú tiểu mới: chú tiểu Tâm, chú lớn hơn nàng hai tuổi, mặt mũi thanh tú, nụ cười rất dễ thương làm ai cũng mến. Chú lại được một giọng nói rất truyền cảm: nhẹ nhàng, rõ ràng, trong trẻo. Tính tình chú lại hòa nhã, ôn nhu, điềm đạm khác hẳn với những trẻ con đồng trang lứa nên chú được thầy trụ trì rất quý mến. Nghe nói chú cũng xuất thân trong một gia đình trung lưu nhưng cha chú mất sớm, mẹ chú trẻ đẹp quá nên đi bước nữa. Chú sống với bà ngoại và trước khi bà mất đã đem chú đến chùa này gửi gấm cho thầy.
Chú có căn cơ xuất gia từ nhỏ nên mau chóng thích nghi với môi trường mới. Tuy mới mười hai tuổi, chú tiểu Tâm rất thông minh, đĩnh ngộ thậm chí đôi lúc còn làm “cố vấn” cho cả huynh trưởng của gia đình Phật tử trong vùng.
Thời gian dần qua, Mỹ Uyên trở thành một thiếu nữ hoa hậu của cả tỉnh nhỏ này. Nàng vẫn gặp chú tiểu Tâm trên đường đi học, chú chắp tay chào, nàng đáp lễ rồi mạnh ai nấy đi. Chú không hề nhìn nàng, hỏi han thêm một lời nào. Mỹ Uyên có vẻ phật ý về thái độ có vẻ dửng dưng này. Nàng tự biết mình đẹp, con nhà khá giả, học giỏi, bao người nể nang, mến mộ, nhất là đám thanh niên trong vùng. Ngay cả đến thầy trụ trì lúc nào cũng hoan hỷ mỗi khi nàng cùng bà nội đến chùa, vì gia đình nàng đều là những Phật tử thuần thành hết lòng ủng hộ chùa trong mọi hình thức cúng dường.
Thế mà chú Tiểu mới chân ướt chân ráo vào chùa kia lại hình như tỏ ra rất lạnh nhạt trong khi nàng lúc nào cũng như chờ đợi một sự quan tâm dù rất nhỏ nhoi từ chú. Mỹ Uyên bực lắm, nàng tìm cách cố tránh con đường đến chùa để khỏi chạm mặt chú tiểu Tâm mặc dù biết đó là con đường ngắn nhất. Nhưng tránh gặp trên đường thể nào vào trường đôi lúc cũng phải gặp vì chú cũng đi học ở đó, có điều khác lớp với nàng. Chú lại học rất xuất sắc, tính tình khiêm tốn, hay tận tình chỉ bảo cho những bạn bè yếu kém hơn mình nên được nhiều người nể nang quý trọng. Điều đó làm Mỹ Uyên càng khó chịu hơn nữa. Hai người, hai ngôi sao sáng của ngôi trường tỉnh nhỏ đẹp đôi như tiên đồng, ngọc nữ có điều cách xa nhau như mặt trời với mặt trăng vậy.
Đôi lúc Mỹ Uyên tự hỏi tại sao chú tiểu Tâm lại ghét mình đến như vậy? Nhưng nàng lại tự trả lời rằng mình có làm gì đâu mà bị chú ấy ghét? Sau đó đôi lần nàng lại nghĩ: hay là mình nên chủ động trò chuyện với chú Tâm xem sao? Nhưng rồi lòng tự kiêu lại nổi lên bảo với nàng rằng: “Có cần phải “hạ mình” đến như thế không?” Trong khi biết bao người cầu mong chỉ một cái nhìn của nàng cũng đủ vui rồi. Những ý nghĩ lộn xộn vơ vẩn trong tâm tưởng làm Mỹ Uyên quên bẵng mất chú tiểu Tâm là một tu sĩ chứ không phải như những thanh niên bình thường ngoài đời khác.
Nhưng khi nàng rời tỉnh nhỏ, đời sống mới của thành phố lớn hoa lệ, sầm uất, nhộn nhịp và sự bận rộn trong việc học cuốn nàng trôi xa dần những kỷ niệm, những uẩn ức, băn khoăn của quá khứ. Nàng từ từ quên bẵng đi chú tiểu Tâm của ngôi chùa tỉnh nhỏ dạo nào. Một lần về thăm nhà nghe mẹ kể chú được thầy trụ trì cho sang Ấn Độ tu học, nàng gật gù cho có lệ, tâm hồn thờ ơ, hờ hững.
Mỹ Uyên bây giờ đã thay đổi khá nhiều không còn là cô nữ sinh ngây thơ tỉnh lẻ của ngày xưa mà là sinh viên xuất sắc của trường đại học X. Sau khi tốt nghiệp, nàng lại được một học bổng đi du học nước ngoài mấy năm. Trở về nước với mảnh bằng tiến sĩ, Mỹ Uyên lại càng sáng chói hơn so với bạn bè cùng trang lứa, vì nàng không những xinh đẹp lại có học thức cao. Đường công danh sự nghiệp rộng mở thênh thang, đường tình duyên lại càng thuận lợi rỡ ràng, không những các “đại gia” quốc nội đua nhau săn đón ưu ái mà “quốc ngoại” cũng lắm chàng hết lòng ngưỡng mộ. Dù lên đến tuyệt đỉnh của danh vọng, Mỹ Uyên vẫn giữ được tấm lòng hiếu thảo đối với gia đình, nhất là bà nội. Bởi trong suốt thời ấu thơ nàng gần bà nhiều nhất, được bà yêu quý chiều chuộng nhất. Trời nóng tối ngủ chung với bà nội, nàng thường hay được bà quạt mát, tay kia bà xoa xoa lưng cô cháu gái bé bỏng thế là chẳng mấy chốc cô bé ngủ thiếp đi ngon lành.
Tuổi ngây thơ nàng thường ước gì cho bà nội khỏe mãi, sống mãi bên nàng, bên ba mẹ nàng như hiện tại. Nhưng khi Mỹ Uyên công thành danh toại thì bà đột ngột ra đi. Bà nội cả đời hiền lương, phúc hậu, hay thương người, có tâm bố thí, độ lượng, thương con dâu như con ruột, hòa thuận với hàng xóm láng giềng nên khi mất bà được rất nhiều người xót xa thương tiếc. Bà chẳng đau ốm ngày nào, ngủ một giấc là đi, an lành hạnh phúc.
Mỹ Uyên chỉ kịp về vào tuần thất đầu tiên của bà nội, đó là lý do ngày hôm nay nàng đứng trước cổng Tam quan của ngôi chùa cũ, ngậm ngùi nhớ lại hình dáng bà nội yêu quý thường dắt tay đứa cháu gái đến đây. Nàng đến muộn nên buổi cầu kinh đã xong, thầy trụ trì đang thuyết pháp về lẽ vô thường của cuộc đời. Giọng Thầy ấm áp, những lời nói mạch lạc, rõ ràng đi sâu vào tâm khảm người nghe làm ai cũng thấm thía bùi ngùi. Mỹ Uyên nhìn lên và nhận ra ngay vị đương kim trụ trì là chú tiểu Tâm cao ngạo với nàng dạo nào. Có điều bây giờ nhìn chú đường hoàng, chững chạc hơn.
Khuôn mặt Thầy sáng rỡ, phúc hậu, thông minh, miệng Thầy khi nói rất dễ thương, mũi thẳng, đôi mắt sâu thể hiện một người có nội tâm phong phú. Dáng người Thầy dong dỏng, cử chỉ khoan thai, Mỹ Uyên như bị hớp hồn, nàng không những bị giọng nói truyền cảm của Thầy chinh phục mà còn bị quyến rũ vì dáng vẻ bề ngoài phong nhã đẹp đẽ của Thầy. Một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm mãnh liệt cả tâm hồn làm nàng xao xuyến lạ lùng, cảm giác đó là cái gì, từ đâu đến, nàng không thể nào lý giải được.
Buổi cầu siêu hoàn mãn, Mỹ Uyên lấy cớ muốn ở lại chùa một lát nữa cúng thêm cho bà, để có cớ được tiếp xúc với vị trụ trì mới của chùa. Thường thì nàng rất hoạt bát lanh lợi, dạn dĩ nhưng không hiểu tại sao hôm nay trước Thầy, nàng lại mất hết cả khí thế. Vốn có trí nhớ đặc biệt tốt, vừa gặp nàng Thầy đã nhận ra ngay, như ngày xưa Thầy chắp tay chào A Di Đà Phật!
Nàng cũng lật đật chào lại đáp lễ, rồi cúi mặt cứ đưa tay mân mê mãi tách trà mà không biết nói năng gì. Đột nhiên Thầy cũng đâm ra lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Cả hai cứ thế ngồi im lặng đối diện nhau, có những sự im lặng mà sức mạnh của nó nặng gấp vạn lần lời nói. Chưa bao giờ cả Thầy lẫn Mỹ Uyên đều cảm nhận điều đó như lúc này.
Bao năm rồi trôi qua, người con gái đẹp cùng trường, cùng đường đi với Thầy đã trở về. Thầy đã từng cố tránh nhìn thẳng vào cô ta, nhưng bây giờ khoảng cách của hai người ngắn hơn bao giờ hết; chỉ cách một cái bàn. Cô ta hình như còn đẹp và quyến rũ hơn xưa, đôi lúc vô tình nhìn qua chạm vào đôi mắt hồ thu sóng sánh mê hồn của nàng, Thầy giật thót cả người. Vị nữ Phật tử này có một sắc đẹp rất có hồn, càng nhìn càng dễ bị lôi cuốn. Thầy đột nhiên giận mình quá, công phu tu học bao năm, lời giáo huấn thiết tha của sư phụ dặn đi dặn lại bao lần tại sao bây giờ Thầy lại yếu đuối đến dường này? Nhưng chẳng lẽ đuổi cô ta đi, cô ta đi khỏi chùa nhưng đâu có đi ra khỏi tâm Thầy. Quán “thân bất tịnh” ư? Thầy không thể làm được vì nhìn đâu cũng thấy cô ta đẹp sạch sẽ, trong sáng và sang trọng.
Sư phụ đã qua đời, chùa chỉ còn có Thầy và hai chú tiểu nhỏ. Ngày xưa ngài A Nan bị nạn mỹ nhân Ma Đăng Già còn có sư phụ Ngài là Đức Phật Thích Ca giải cứu, còn bây giờ ai cứu được Thầy đây?
Thầy thở dài, bấn loạn cả tâm hồn, chợt tia nhìn của Thầy chạm vào bức tranh vẽ Phật Thích Ca ngồi dưới cội Bồ Đề có ba thiếu nữ đẹp múa hát trước mặt nhưng thần sắc Ngài vẫn không thay đổi. Thầy hốt nhiên ngộ ra được một điều gì đó, Đức Phật Thích Ca là Thái tử trước khi xuất gia, Ngài có vợ và có bao cung phi mỹ nữ, chắc chắn họ đẹp gấp nhiều lần cô gái đang ngồi trước chàng đây. Vậy mà Ngài vẫn dứt áo ra đi vì biết sắc đẹp kia chỉ là phù vân hư ảo, Ngài đã đốt đuốc trí tuệ truyền giao cho các đệ tử đời đời tiếp nối. Tại sao bây giờ Thầy lại có thể vất bỏ ngọn đuốc ấy để vĩnh viễn sống trong tối tăm đọa lạc. Lại nữa, người đẹp đang ngồi trước Thầy đây cũng có thể là con cháu Ma Vương đến làm hỏng đường tu của Thầy. Nếu Thầy bị Ma Vương dắt đi thì hỡi ôi! Còn gì là chí nguyện giải thoát, bao năm nay Thầy đã nợ cơm gạo của đàn na thí chủ, nguyện vì họ mà dốc lòng tu hành giảng giải cái cao siêu, hay đẹp, nhiệm màu của Đạo Phật cho họ được an lạc, biết đâu họ cũng dốc lòng tu hành và trong số ấy có người đã được đạo quả. Nếu bây giờ Thầy rơi vào đôi mắt hồ thu kia chắc chắn sẽ bị chết chìm oan uổng, bao giờ mới trả xong nợ cho các đàn na tín thí, phụ ân đức sư phụ cưu mang dậy dỗ.
Thầy rùng mình: không! Không bao giờ Thầy chịu mất huệ mạng quý báu của Thầy sớm như vậy. Cổ nhân có nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều” một phần có ý nghĩa này đây. Cái khó khăn và nguy hiểm nhất trên đường tu là chữ Ái tình, Thầy nghĩ mình sẽ vượt qua dễ dàng có ngờ đâu một ngày tưởng như suýt trợt chân rơi vào vực thẳm.
Trong lúc Thầy định thần nhìn chăm chăm vào bức tranh Đức Phật Thích Ca thì Mỹ Uyên cũng bị cuốn hút vào di ảnh của bà nội đang đặt trên bàn thờ nơi chánh điện. Nàng đột nhiên cảm thấy choáng váng, mơ màng, trong tâm thức lần lượt hiện lên những hình ảnh ý tưởng liên tục như một đoạn phim ngắn sống động. Nàng chinh phục được Thầy Tâm hoàn tục, cuộc hôn lễ tưng bừng ai cũng tấm tắc khen hai người sao mà đẹp đôi đến thế. Rồi trở về cuộc sống đời thường, nàng luôn bận rộn với công việc, với những dự án, những buổi chiêu đãi tiệc tùng. Còn Thầy bây giờ chỉ là một ông chồng hiền lành, thụ động phụ thuộc hoàn toàn vào vợ về kinh tế. Có thể chàng là một vị tu sĩ xuất sắc nhưng không thể là một người chồng biết bon chen, lanh lợi trong cuộc sống để lo nổi cho vợ con. Ánh hào quang của vị tu sĩ biến mất, Mỹ Uyên chỉ toàn thấy sự hào nhoáng xa hoa của những doanh nhân giàu có, sự lịch lãm sành sõi của họ và thầm so sánh với vẻ ngơ ngác, khù khờ của chồng khi bước ra tham dự những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng. Từ từ nàng ngao ngán không muốn chồng xuất hiện cạnh mình ở bất cứ nơi nào.
Cái miệng nói có duyên của chàng là duyên thuyết pháp, điều đó chỉ thích hợp nơi đạo tràng có các Phật tử chăm chú lắng nghe và tán thưởng. Nếu chàng lại đi giảng giải cho những con người chỉ biết làm cách nào kiếm nhiều tiền, để hưởng thụ đời sống dục lạc xa hoa thì chỉ tổ làm trò cười cho họ. Sự khinh khi tăng dần có nghĩa là tình yêu giảm dần trong lòng nàng, tất nhiên hạnh phúc cũng từ từ mai một.
Bóng tối âm u cuối cùng sẽ bao phủ lên cuộc hôn nhân của nàng và thầy Tâm. Nàng thấy như nghe có tiếng nói văng vẳng của bà nội khuyên nàng rằng: “Thầy Tâm đang tiếp nối ngọn đuốc sáng của Đức Phật từ bi, Thầy cần cho rất nhiều người đang dò dẫm đi trong đêm tối muốn ra khỏi con đường hầm lạnh lẽo, con không nên giật lấy cây đuốc của Thầy mà ném đi. Cuối cùng cả Thầy lẫn con đều sẽ sa vào vực thẳm sâu hun hút và những người đang theo ngọn đuốc của Thầy cũng sẽ bị mất phương hướng, rất đáng thương! Nếu thương Thầy thì nên làm nàng Ma Đăng Già cùng đi tu, cùng giác ngộ chứ đừng làm Thị Mầu phá hoại đạo hạnh người ta”.
Mỹ Uyên giật mình như vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng dài, nàng nhìn lên Thầy Tâm thấy hình như Thầy cũng vậy. Nàng mỉm cười đứng dậy nhẹ nhàng nói:
- Bạch Thầy! Con nhớ chùa đây ngày xưa có một vườn hoa hồng rất đẹp, nhưng chỉ sau một cơn mưa, hoa lại tàn hết, uổng thật!
- Mô Phật! Hoa hồng nhìn rất đẹp nên người ta ít chú ý đến những gai nhọn nguy hiểm của nó. Tính tôi rất cẩn thận thế mà có lúc cũng suýt bị gai đâm đấy.
Thi Thi Hồng Ngọc.
Tháng 6 - 2013.