Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chị Tôi (truyện)

26/04/201102:26(Xem: 3352)
Chị Tôi (truyện)

Non_la_Vietnam

Ai đã từng đọc tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh“ tức “Truyện Kiều“ của đại thi hào Nguyễn Du mà chẳng biết Hoạn Thư, người đàn bà “biết ghen“ thông minh vào bậc nhất nhì trên đời. Hoạn Thư thì quá nổi tiếng rồi (nhưng chẳng biết trên đời có thật hay không?), bây giờ thì tôi xin được kể về một Hoạn Thư khác hoàn toàn có thật, thật như mặt trời mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây vậy.

Tôi có một người anh rể lăng nhăng cỡ... Thúc Sinh, xảo quyệt hơn Sở Khanh, đẹp trai như Từ Hải, văn chương như Kim Trọng, thế có kinh khủng không cơ chứ! Một trong số mấy chàng kể trên đủ làm cho các bà, các cô điêu đứng nhưng anh rể tôi thì cộng hết cả bốn người họ lại trong một con người thôi. Quý vị bảo lấy một ông chồng như thế là phúc hay họa, tôi thì cho rằng đó là họa, đại họa nữa là đằng khác. Xui xẻo cho bà chị yêu quí của tôi chẳng biết từ kiếp nào phá chùa, đốt miểu, gây toàn tội ác ngập trời nên kiếp này mới bị... đày sa vào tay cái gã vừa Thúc Sinh, Từ Hải cộng Sở Khanh cộng Kim Trọng này. Bởi vì chị quá yêu và tin anh ta nên bố mẹ tôi cuối cùng cũng xuôi theo đồng ý mặc cho bà con cô bác bàn ra tán vào xôn xao vì anh ta có quá nhiều thành tích bất hảo tại thành phố này. Dĩ nhiên người phản đối quyết liệt nhất là tôi, cô em gái kiêm bạn gái kiêm quân sư quạt mo thân tín của chị.

- Bà Tư nói anh ta đào hoa lắm, có mấy chục “con mèo“ đấy, đi làm ở tỉnh nào là có mèo ở tỉnh đó, kêu bằng “già không bỏ, nhỏ không tha“, dễ sợ quá!

- Chị Sáu nói là anh ta có con rơi ở tỉnh S. Bị người ta thưa ra tòa đòi bồi thường nữa kìa!

- Chị phải tin em. Tuần trước, em thấy anh ta lái xe của chị chở vợ cũ đi chơi đó!

- Em năn nỉ chị suy nghĩ kỹ lại đi. Anh ta thật ra chẳng yêu thương gì chị đâu, tại thấy chị hiền, dễ thương, dễ... dụ nên mới “vô“ chị đó thôi. Ai cũng nói anh ta là một con “cáo già“ đó. Tính chị hiền quá, về làm vợ anh ta, chị sẽ chết dần, chết mòn vì đau khổ mà thôi...

Bạn có biết khi nước mà đổ lên đầu... con vịt thì nó có thấm vào không? Bà chị tôi là như vậy đó, bao nhiêu công sức làm cho chị tỉnh ngộ đều tiêu tan hết thậm chí làm cho chị càng yêu thêm cái gã trời đánh không chết kia hơn.

- Anh ta có mèo hả? Đó là chuyện dĩ vãng đàn ông nào mà chẳng mắc phải. Còn anh ta có con rơi sao? Dù đó là sự thật đi nữa thì ai mà chẳng có lúc sa ngã, người ta chứ có phải thần thánh gì đâu. Còn em thấy anh ta chở vợ cũ đi chơi hả? Trời ơi! Có gì là ầm ĩ, nếu họ còn thương nhau, gia đình đoàn tụ, lo cho con cái thì chị càng mừng và chúc phúc cho họ. Chị biết em thương và lo cho chị, nhưng nhỏ ơi! “Giày dép còn có số huống chi con người“, nếu chị làm ác gặp ác thì đúng luật nhân quả rồi, còn ăn hiền ở lành thì trời sẽ không phụ lòng người đâu.

“Nói thì hay lắm“. Tôi lầm bầm: “Đợi đến lúc xảy ra chuyện để coi chị xử sao?“. Rồi chuyện tuần tự cứ trôi qua, chị tôi yêu, tin và lấy cái gã bốn họ kia làm chồng. Thời gian đầu có vẻ sóng yên gió lặng lắm. Dĩ nhiên rồi, thời buổi này đào đâu ra cái cảnh chồng kêu vợ dạ, tiền bạc không tính toán, cơm bưng nước rót, tình yêu lai láng tràn trề, vợ vừa làm việc kiếm tiền, vừa lo cho chồng cực kỳ chu đáo. Nhưng đúng như lời ông bà xưa nói về bản chất của một con người “giang sơn biến đổi, bản tánh khó thay“. Thúc Sinh “lăng nhăng“ đã đành, Sở Khanh thì khỏi nói, Kim Trọng và Từ Hải cũng đa tình đâu kém, chị tôi từ từ biến thành một... Hoạn Thư thời nay theo cái kiểu cách ghen tuông rất lạ của chị mà tôi không viết... thành sách cũng không được (!?!).



Lần thứ nhất, vô tình chị biết được anh ta vẫn còn thường xuyên liên lạc qua điện thoại với cô vợ cũ. Buổi sáng, chị cố tình ra tiệm trễ (vì hai người mở một tiệm ăn nhỏ ngoài phố mà) để anh ta có thời gian rảnh rỗi “tâm sự“ với cố nhân.

- Anh à! Hôm bữa chị X. Có điện thoại tìm anh, em nói chị đừng ngại gì hết, em rất dễ dàng, có gì cứ liên lạc thoải mái, thôi nhau rồi, vẫn làm bạn được mà. Với lại, nếu chị cảm thấy ăn năn về những lỗi lầm xưa và ảnh cũng vậy thì hai người nên bỏ qua cho nhau, để gia đình đoàn tụ vui vẻ, khỏi tội cho hai đứa nhỏ.

Những cú điện thoại “tâm sự“ biến mất, anh ta rủ chị tôi có dịp dắt hai đứa con đi chơi chung, chị vui vẻ nhận lời, không chút tâm phân biệt. Thậm chí chị không có ý định có với anh ta một đứa con vì sợ anh ta sẽ chia xẻ bớt tình thương với hai đứa con tội nghiệp kia vốn đã thiếu cha bên cạnh. Chuyện đơn giản chỉ có thế thôi mà cũng mất bao thời gian nhẫn nại khôn khéo của chị. Cũng như phim nhiều tập của... Hàn Quốc, ông anh rể yêu quí của tôi đâu dễ gì “dừng bước giang hồ“ nhanh vậy. Tục ngữ có câu: “Được voi đòi tiên“ hay là “Được đằng chân thì lấn đằng đầu“, thấy vợ mình dễ dãi, hiền thục, thay vì cám ơn Trời Phật đã ban cho mình một cuộc đổi đời hạnh phúc, anh lại “lợi dụng“ lòng từ bi của chị tôi mới khổ chứ. Vốn có giọng hát hay trời phú, anh ta dĩ nhiên là thích có dịp thì khoe khoang đặc biệt là trước các nữ thính giả ái mộ, thế nên các cuộc tiệc tùng, họp mặt có ca hát, anh ta đều nhiệt tình tham dự và đều dắt chị tôi đi theo. Phúc đâu chẳng thấy, họa trước mắt an bài, anh ta ghen tuông vô lối với tất cả những người đàn ông nói chuyện vui vẻ với chị tôi và trút hết mọi bực tức lên đầu người vợ hiền đáng thương, bịa ra cho chị đủ thứ tội lỗi, nào là liếc trai, phản bội, không biết giữ khoảng cách của người đàn bà có chồng, v.v... v.v...

Trong khi anh ta ca hát thoải mái với những người đàn bà khác, thích thú khi họ ôm hôn mình, cợt nhã, chọc ghẹo họ một cách rất mất tư cách. Còn chị tôi chỉ được phép ngồi đó ngắm... chồng hoặc ngó lên trần nhà, chán thì nhìn xuống đất tìm... cơm rơi. Ban đầu, tôi rất ngạc nhiên khi thấy chị mình đột nhiên biến thành “pho tượng“ trong mỗi buổi tiệc tùng vui vẻ, mãi sau nghe chị thật thà tâm sự, tôi mới hiểu và căm phẫn thay cho chị vì sự đàn áp “nhân quyền“ trắng trợn này. Thế nhưng, thay vì ghen tuông làm lớn chuyện, chị lại tự cho chồng mình có dịp thoải mái, tự nhiên với những người đàn bà khác mà không hề tỏ vẻ khó chịu, bực tức.

- Em nên hiểu rằng giữ người chứ không giữ được lòng, nếu đã là bản chất rồi thì càng gò bó bao nhiêu càng làm cho người ta có ý muốn nổi loạn bấy nhiêu mà thôi.

- Nhưng đó cũng đâu phải là phương cách tốt, chồng chị sẽ như một trái banh đá đâu cũng được hay như một con chó hoang sẵn sàng xông vào bất cứ con chó cái nào lảng vảng trước mũi hắn.

- Chị chỉ nói với anh một câu và một lần thôi, đó là: “Em tin anh khác với những người đàn ông tầm thường khác. Anh là một người có tư cách, có đạo đức và cao thượng“.

- Trời ơi! Lấy một gã giang hồ khét tiếng đào hoa mà còn tự phỉnh người và phỉnh cả mình nữa. Chị bị điên rồi! Em mà là chị, em sẽ cho cái thứ quân vô lại này biết tay.

- Nếu xử một kẻ tiểu nhân bằng hành vi tiểu nhân thì mình và hắn không có gì phân biệt.

- Ai mà chả biết, chị đọc qua sách của Khổng Tử, Mạnh Tử, nhưng sống với một gã tiểu nhân mà cứ tưởng tượng hắn là một đấng đại trượng phu thì chẳng có gì hay lắm đâu.

- A Di Đà Phật!

Chị cười, thế là tôi tự biết cuộc tranh luận phải kết thúc thôi. Chị bao giờ cũng thế, rất hay nhường nhịn với hầu hết tất cả mọi người chứ không riêng gì với người thân. Bố bảo chị hiền quá đâm nhu nhược, mẹ bảo chị số chị khổ có lẽ vì kiếp trước vụng tu, các em cho rằng tính từ bi của chị “lạc hậu“ quá không đúng chỗ, không hợp thời tí nào. Các bạn thân tuy thương mến chị nhưng chẳng ai ưa gã chồng hắc ám kia nên bảo với tôi: “Chị mày... ngu quá!“.



Rồi một buổi chiều hè đầy nắng, chị rủ tôi đi dạo bên bờ sông vắng. Khung cảnh đẹp gần như tranh, yên tĩnh, êm đềm. Hai chị em lặng lẽ ngồi xuống thảm cỏ xanh, nhìn xuông dòng sông xanh ngắt, nước chảy cuồn cuộn. Chị im lặng rất lâu, đôi mắt suy tư nhìn xuông dòng sông. Tôi ngẩn ngơ, từ bao giờ tôi đã không nhận ra chị tôi có một đôi mắt thật buồn, tràn đầy tình cảm nhưng gương mặt chị lại rất bình thản, ung dung, hình như lúc nào cũng vậy, đôi lúc tôi tự hỏi mình không biết chị có phải là con người của cõi trần mênh mông biển khổ này hay không nữa? Tôi đi học xa, lâu lâu mới ghé thăm chị một lần, nhưng vì hai chị em tính tình có lẽ hợp với nhau nên trò chuyện qua điện thoại hầu như mỗi ngày. Tôi thích nghe giọng nói từ hòa, êm ái của chị, thật ấm áp cõi lòng. Dõi theo hướng nhìn của chị, tôi thấy bên kia bờ sông, một đôi vợ chồng trẻ, dắt con đi dạo, rồi đến hai ông bà lão tay trong tay tình tứ, cảnh gia đình hạnh phúc mới dễ thương làm sao! Người lại, người qua, cuối cùng xuất hiện một gã độc thân dừng xe đạp trên cỏ rồi ngồi bệt xuống suy tư ngắm mặt trời lặn của buổi chiều tà yên tĩnh. Rồi chị lại nhìn thật lâu một con vịt cô đơn vất vả lội giữa dòng nước ngược.

- Chị! Tôi gọi. Chị có chuyện gì buồn phải không? Lâu lắm rồi em không gặp chị.

Chị cười, lạ thay! Cả gương mặt sáng bừng lên rạng rỡ. Tôi hỏi lại:

- Hay là chị có chuyện vui gì đó phải không?

- Nhỏ hỏi như nắng như mưa vậy làm sao mà chị trả lời cho được.

Tôi chống chế:

- Tại em thấy chị im lặng suy tư rất lâu bây giờ lại cười tươi như... hoa hồng dại. Ai biết đâu mà lần?

Chị bật cười trước cái kiểu so sánh kỳ quái đó của tôi. Ước gì chị lúc nào cũng tươi vui như vậy. Đời chị quá nhiều vất vả khổ đau mà không than, không kể nên cả nhà ai cũng xót thương cho chị.

- Nói về “nhỏ“ đi! Em lúc này ra sao hả? Như mặt hồ thu lặn sóng hay mặt biển Thái Bình bão tố đây?

- Em hả? Sung sướng hơn chị nhiều.

- Mô Phật! Đời ai biết trước được sung sướng và đau khổ đến và đi lúc nào.

- Chị không kể, em cũng mang máng biết chuyện rồi, có phải gã chồng lưu manh, ba trợn của chị có mèo không? Thậm chí con mèo của hắn lại là chính con em nuôi ong tay áo của chị nữa kìa.

- Nếu cả hai cảm thấy hợp và sống với nhau có hạnh phúc thì chị miễn cưỡng anh làm gì? Nếu chồng chị sống với chị mà cứ nghĩ đến người khác và bị đau khổ dằn vặt thì tại sao chị không để anh được toại nguyện để cả hai cùng vui vẻ, có đúng không?

- Chị điên hả? Tôi cáu kỉnh gắt lên. Vậy thì lấy chồng làm gì, ở quách vậy cho xong.

- Không oan gia bất thành phu phụ, có khi chỉ là để trả nợ tiền kiếp mà thôi. Em đi chùa nhiều mà không hiểu được cái lý nhân quả này hay sao?

- Em chỉ biết kiếp này thôi. Tôi nhăn mặt. Có kiếp này là nhìn thấy rõ nhất, gã chồng ba-gai, ba trợn, ba que xỏ lá của chị đã lợi dụng chị từ tinh thần, vật chất mà hắn vẫn sống phây phây có bị quả báo gì đâu. Còn chị từ bi hỷ xả, có gặt hái được gì tốt? Hắn có nhận ra và mang ơn, đáp nghĩa cho chị không?

Chị cười:

- Sao em biết? À mà thôi, anh ta có bị quả báo không, hạ hồi phân giải. Bây giờ chị kể cho em nghe một câu chuyện mà có lẽ em không tin cũng không được đâu!

Chị ngắt một cọng cỏ xanh bên cạnh xoay xoay giữa hai đầu ngón tay, đôi mắt xa xăm, có cái gì đó ẩn khuất trong tia nhìn kỳ bí buồn hiu hắt đó làm tôi bất giác động lòng và không nỡ la hét um sùm nữa...



Ngày xưa, có một người đàn ông giàu có, gia tài sự sản đồ sộ, kẻ hầu người hạ vô số kể nhưng hắn ta là một phú gia thiếu đức hạnh. Hắn ăn chơi phóng túng làm hại đời nhiều thiếu nữ lẫn đàn bà nào lọt vào mắt xanh của hắn, trong đó có một người là cô hầu gái xinh đẹp của hắn, cô ta đã có ý trung nhân, nhưng hắn vẫn không buông tha để cuối cùng cô gái nọ phải tự tử vì quá phẫn uất trước quyền lực ép buộc của hắn. Trước khi chết cô ta thề là sẽ báo thù, thù một phải trả gấp trăm gấp ngàn mới hả.

Kiếp sau đó, gã phú gia kia bị trời quả báo vì những nhân bất thiện đã làm trong quá khứ nên trở thành kiếp đàn bà. Cả đời hắn không bao giờ giàu, cứ hễ làm được tiền bao nhiêu, dù cho có dành dụm cỡ nào cũng tự nhiên có sự cố xảy ra tiêu sạch số của cải ấy. Người đàn bà này toàn gặp những gã Sở Khanh trong tình trường và cuối cùng sa vào tay một người chồng hắc ám và thô bỉ cùng cực. Bà ta làm việc quần quật mà còn phải chịu những lời mắng chửi, lăng nhục của gã kia và sau khi bà ta kiệt sức, tiền bạc không còn, gã đã chẳng những không thương xót mà còn bỏ đi với người tình mới trẻ đẹp. Đau khổ và uất ức quá, bà ta tự tử... nhưng không chết. Tuy nhiên, trong lúc nửa mê nửa tỉnh đó, cuốn phim tội ác từ tiền kiếp đã quay lại rõ ràng trong tiềm thức của bà ta, thì ra người chồng đó chính là cô hầu gái ngày xưa của bà.

- Còn bà ta là gã phú hộ giàu có vô lương kia chứ gì? Tôi lật đật tiếp lời - Nhưng cả câu chuyện thê lương kia thì có liên quan gì đến chị kia chứ?

Chị nhìn thẳng vào tôi nhẹ nhàng nói:

- Em nghe đây! Chị... đã từng tự tử hụt và giấc mơ vừa được kể chính là của chị đó.

Tôi giật nẩy mình, tròn mắt nhìn chị đăm đăm, không có nét gì dối trá trên khuôn mặt phúc hậu của chị. Đôi mắt chị nhìn tôi nghiêm nghị, thành thật.

- Tiếc thay trên đời này, chẳng mấy ai tin có luật nhân quả, đôi khi cũng có báo ứng hiện tiền chứ chẳng đợi đến kiếp sau đâu. Còn những kẻ làm ác vẫn sống phây phây vì kiếp trước nhân thiện họ làm quá nhiều nên đời này họ vẫn còn được hưởng, hưởng hết rồi, quả báo dữ sẽ đến ngay, chạy đâu cho thoát. Em có tin không?

Tôi chợt rùng mình, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng sau câu nói cuối cùng đó của chị.

- Em tin. Chị ơi! Em tin rồi. Vậy thì bây giờ chị phải làm sao?

- Chị biết mình đang sống với một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm, nhưng nhờ niệm Phật nhiều và nghe Kinh, nghe Pháp, chị phải chấp nhận quả báo này, bởi vì sự thật rõ ràng Trời Phật đã cho chị biết dù là trong giấc chiêm bao chị đã gây đau khổ cho người ta biết bao từ tiền kiếp. Chỉ có một cách là làm lành lánh dữ, khơi dậy tâm từ bi trong bản thân mình và hồi hướng mọi công đức cho chúng sanh cho chính kẻ thù quá khứ kia thì có lẽ tai kiếp sẽ từ từ được tiêu trừ.

- Vậy chị và anh ta bây giờ ra sao rồi?

-Anh ta bỏ đi với cô em nuôi của chị. Họ qua xứ khác, tạo dựng sự nghiệp, để lại cho chị món nợ mà có lẽ suốt đời không trả nổi.

Lòng từ bi vừa chớm lên đã tắt ngấm, cơn sân hận nổi lên đùng đùng, tôi nóng mặt định hỏi chị tụi nó ở đâu để đến cho một bài học đích đáng rồi có... sa địa ngục cũng được. Nhưng đoán biết ngay được ý nghĩ của tôi, chị nhẹ nhàng nói tiếp:

- Trong vòng một thời gian rất ngắn, công việc làm ăn thất bại, cô bồ mới ngoại tình, để lại cho anh ta một số nợ còn lớn hơn số nợ của chị nữa. Anh ta bị phá sản, thất chí, phẫn uất, hối hận, uống rượu say sưa và bị tai nạn nghiêm trọng phải cưa cả chân trong một lần lái xe với tình trạng say khướt.

- Trời cao có mắt! - Tôi thốt lên hoan hỷ.

- Em không nên vui mừng như thế, không tốt đâu. Chị trách móc - Tất cả mọi người trong cõi trần thế này đều có những đau khổ không thể nào tránh khỏi cả, phải nên thương xót nhau mới đúng chứ. Sau đó, chị đã đến gặp anh ta, và kể lại mọi việc như chị vừa kể cho em nghe, anh đã khóc xin chị tha thứ nhưng cũng không muốn cuộc đời còn lại làm phiền lụy đến chị nữa.

- Tại sao chuyện tày trời như thế mà chị lại đi giấu hết cả nhà vậy?

- Để cho mọi người lo lắng bận tâm càng thêm tội nghiệp, nhất là bố mẹ đã già, nay đau mai bệnh nữa.

- Hừm! Kể ra lấy chồng, dọn đi thật xa cũng có cái hay đấy chứ nhỉ? Bây giờ, anh ta ra sao rồi? Tàn tật như vậy may là ở nước ngoài, nếu như còn ở Việt Nam chỉ có nước đi bán vé số dạo hay là đi ăn xin thôi.

- Anh ta phụ việc lặt vặt trong một quán ăn, học thêm về điện toán, bán buôn trên mạng và cũng có một gia đình đầm ấm với người vợ thật sự thương và hiểu anh ta đồng thời cũng được anh ta nể nang kính trọng.

- Cũng may cho hắn! Tôi thốt lên - Kể ra trời cũng giảm nhẹ sự trừng phạt rồi.

- Vì anh ta đã biết ăn năn, hối hận một cách chân thành mà em. À mà thôi! Mình về nhé em! Đi dạo khá lâu chắc em cũng đói lắm rồi. Chị mới có thư qua điện thoại, ở nhà cơm nước xong rồi chờ em về đấy.

Tôi đứng dậy cười cười:

- Bí ẩn nhỉ! Trời chắc thương cho số phận long đong của chị nên cuối cùng cũng ban cho chị một người hầu tốt chứ gì?



Chị không đáp, chỉ mỉm cười, nụ cười bí mật thật dễ thương. Tôi theo chị về nhà, không biết bao lâu rồi, tôi mới lại có dịp đến thăm chị, công việc học hành, giao du bạn bè, nhất là sự bận rộn trong chuyện... tình yêu làm cho tôi hầu như chẳng có thời gian cho người thân trong gia đình của mình nữa. Cánh cửa vừa mở ra, trời cao đất dày! Tôi gặp lại gã anh rể bốn họ yêu quái mà mình từng ghét cay ghét đắng. Định thần một lát, nhớ lại tất cả những gì chị nói và nhìn xuống đôi chân tàn tật của anh ta, tôi cảm thấy lòng mình dịu lại, thay vì những câu chào hỏi thế gian phàm tục, tôi cúi đầu:

- A Di Đà Phật !

Thi Thi HỒNG NGỌC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2010(Xem: 5544)
Sơ lược về Thiền Sư Nguyễn Minh Không, Ông tên là Nguyễn Chí Thành sinh ngày 14/8 năm Bính Thìn (1076) tại Điềm Xá, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thiếu thời ngài chuyên làm nghề chài lưới của ông cha. Năm 29 tuổi ngài xuất gia đầu Phật. Ngài đã cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm bạn thân sang Thiên Trúc học đạo với thầy Samôn được phép: Lục Trí Thần.
02/09/2010(Xem: 2511)
Tha phương sinh sống xứ người, tuy thâm tâm lúc nào cũng hướng về quê hương mến yêu, thế nhưng phải chờ đợi đến hơn hai mươi năm trời, sau bao ngày khắc khoải suy tư Thanh mới đột ngột quyết định về nước nghỉ hè hai tháng. Chàng về Saigon viếng thăm họ hàng vài ngày, rồi lang thang du ngoạn khắp các vùng biển từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu, sau cùng quay lại Nha Trang, chiều chiều thơ thẩn đi dài dài trên bãi, mắt lơ láo nhìn biển khơi xa xăm với nỗi buồn vời vợi.
02/09/2010(Xem: 2418)
“Khác hơn thường lệ, đôi bạn thân Hiển và Phước, đối ẩm trong lặng lẽ, chẳng ai chịu mở lời. Hiển nâng chung trà hớp từng ngụm, rồi dường như đang bâng khuâng thả hồn theo những chiếc lá phong đỏ thẩm từng chiếc, từng chiếc rụt rè buông rời cành theo làn gió chiều mơn man. Còn Phước thì cầm chung trà, đi tới lui đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần định lên tiếng mà cố đè nén chưa chịu hở môi.
02/09/2010(Xem: 2318)
Nghĩa háo hức theo mẹ về Việt Nam thăm viếng quê hương. Sau mấy ngày vui nhộn làm sống lại những kỹ niệm ấu thơ tại Thủ Đức với bà con họ nội xa gần, chàng theo mẹ về quê ngoại, tạm trú tại nhà cậu Út ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Vì thuở nhỏ chàng không có cơ hội liên lạc với họ ngoại, nên dù được cậu tiếp đón rình rang, nhưng chàng muốn thân thiết với hai đứa em cô cậu thật khó.
01/09/2010(Xem: 4371)
Dù dòng thời gian đã xoá nhòa những hình ảnh quý gíá xa xưa, dù dấu chân của các Ngài đã rêu phong phủ kín. Nhưng những dấu chân ấy đã đi vào lịch sử nhân gian, dù tiếng nói các Ngài đã hòa vào không gian tĩnh lặng. Nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng pháp âm của các Ngài, làm chấn động tâm tư huyết mạch của bao người con Phật. Trong quyển “Những Vị Phật ở Miền Tây Nam Việt Nam” này. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép trung thực theo lời thuật của các vị Trưởng Lão uy tín; hay các vị trí thức trung hậu; hoặc trích trong các tài liệu giá tri được mọi người tin tưởng.
28/08/2010(Xem: 52077)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 3508)
Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết mà Việt Cộng tràn về quá bất ngờ, tôi không thể tin rằng đó là sự thật. Mồng Một Tết vẫn ăn Tết sắm sửa bình thường. Nhà tôi ở lầu 2 trường Đồng Khánh vì tôi làm Giám Học tại trường này, bên hông là Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên - nơi giam giữ nhiều tù binh Việt Cộng. Cả ngày vẫn tấp nập bà con tới lui thắm viếng, chiều lại còn có con của các nhân viên trong trường đến thăm chuyện trò hàn huyên vui như ngày hội. Tối đến cả nhà còn bàn nhau nên đi ngủ sớm để ngày mai xuống phi trường đón gia đình người anh chồng về Huế ăn Tết.
28/08/2010(Xem: 51501)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
19/08/2010(Xem: 7004)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567