Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

21/06/201319:36(Xem: 10129)
Phần 3

Hư hư lục

Phần 3

Thích Nữ Như Thủy

Nguồn: Thích Nữ Như Thủy

Gương Mặt Hoa Mè

Thuở xưa, có một vị tiểu thư xinh đẹp, con quan tri huyện. Nhân một chuyến lễ chùa, nhan sắc mặn mà của nàng làm động tâm một nhà sư trẻ tuổi.
Vừa trông thấy cô gái, trống ngực sư đã nện inh ỏi. Sư kêu gọi Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đến líu cả lưỡi mà hình bóng của giai nhân cứ lảng vảng quanh sư. Nghĩ mình đã xuất gia đầu Phật, nhất định cắt đứt đường tơ mà nghiệp chướng tiền khiên quá sâu nặng. Sư đổi pháp môn tu, nhờ một chàng thư sinh có đôi tay tài hoa vẽ dùm hai bức tranh. Một là dung nhan chim sa cá lặn của giai nhân, còn bức kia thì tô lên mặt hoa những nối đậu mùa để sư quán "bất tịnh." Chàng thư sinh vui vẻ nhận lời trợ giúp cho nhà sư đáng thương tha thiết cầu đạo này. Ðể bức họa linh động chàng tìm cách gặp gỡ giai nhân. Ngờ đâu thần ái tình lại bắn luông mũi tên còn lại, chàng đâm ra yêu thiếu nữ mê mệt. Và sau khi hoàn thành hai bức tượng chàng nhờ nhà sư chúc phúc cho mình, chàng trở về cậy người đánh tiếng xin cầu hôn người đẹp.
Sao bao nhiêu lễ lộc rắc rối, chàng thư sinh được giai nhân nhận lời. Hôn lễ được dự định cử hành vào mùa đông sắp tới... Mọi chuyện tưởng đâu sẽ xuôi chèo mát mái thì thình lình có dịch đậu mùa bò đến.
Giai nhân vì chưa quá tuổi vị thành niên nên đã vướng phải bệnh này và gương mặt đẹp như ngọc của nàng bỗng trở nên giống hệt bức tranh thứ nhì mà nhà sư đang quán tưởng.
Nghĩ rằng dung nhan của vợ mình từ đây sẽ không gây rắc rối cho ai, nhất là chư sư, nên sau tuần trăng mật chàng đưa vợ đến lễ chùa và luôn tiện thăm nhà sư si tình dạo nọ.
Nhác trông thấy "người xưa" nhà sư sững người kinh ngạc và sau đó sư vui mừng khôn tả.
Ðêm hôm ấy nhà sư lúi húi dựng một giàn hỏa và viết một phong thư gửi lại cho Hòa thượng trụ trì, báo tin rằng sư đã đắc đạo nhờ phép quán bất tịnh, rằng mối tình si, sự vô minh của sư đã được giải tỏa... bằng cớ là khi chạm mặt giai nhân, sư chỉ thấy dung nhan của nàng qua bức tranh mặt rỗ của sư... Và đó là một bằng chứng hiển nhiên để sư tin rằng khi bước lên giàn hỏa, sư sẽ vào Niết bàn lập tức. Bức thư được gửi đi trước khi giàn hỏa được nhen lên, nên sau đó, Hòa thượng trụ trì bắt sư khuân hết số củi dựng giàn hỏa vào nhà trù rồi sắm hành lý cho sư lên đường tham học.
PC: Ðây là một trong những trục trặc khi dùng lối quán chiếu, đối trị... của chúng sanh. Có lẽ vì thế mà chư vị Tổ sư của dòng thiền đốn ngộ không bằng lòng cho đệ tử dùng lối này tu tập. Khi gặp trường hợp bị một "cú đò fút" như nhà sư trên đây, các ngài thường xúi đệ tử có thương yêu gì thì cứ bắc ghế ngồi chò hõ trước mặt đối tượng của mình, dòm cho kỹ xem họ là ai? Mình là ai? Và ai yêu ai đây? Khám phá cho ra cái "ai" đó là xong chuyện... Vì sự đắc đạo không tùy thuộc vào cái mặt đẹp hay xấu của "người bị thương" và thông thường đối tượng đam mê của chúng ta có thể thay đổi từ một cái mặt miếng bầu sang gương mặt trái soan, chiếc mũi dọc dừa sang bẹ dừa, nhưng cái mãnh lực đam mê đó mới là vấn đề chính yếu, là cái mà chúng ta cần thấu đáo rõ ràng chớ không thể gác qua một bên, tìm cách quan sát một cách méo mó như nhà sư trên đây.

Con Cọp Dễ Thương

Xưa, có một thiền sư sống ẩn dật tại một thâm sơn cùng cốc nọ. Trong một dịp tình cờ sư nhặt được một chú bé bị bỏ rơi, đem về hang núi nuôi dưỡng.
Chú bé lớn lên dưới sự chăm sóc của nhà sư giàu lòng bi mẫn, giữa những động đá thâm u, dưới các cội tùng xanh lá. Tâm tình chú cũng đơn sơ và bình yên như con nước trong chảy róc rách qua các hòn cuội trắng. Ngoài vị sư phụ ra chú không hề thấy một nhân vật vào khác. Bạn bè thân thuộc của chú là những thú rừng hiền lành thường doanh vây quấn quít chung quanh chú như hươu, nai, khỉ, vượn…
Chú tiểu lớn lên giữa khung trời bao la của thiên nhiên… Và mãi đến lúc trưởng thành chú vẫn có màu mắt trong xanh như trẻ thơ, chú chưa từng biết buồn lo là gì cả!
Giang sơn của chú chỉ có một nhân vật đáng đề phòng là con cọp chúa, thỉnh thoảng mò ra ven suối uống nước ngắm trăng và kêu "cà um" inh ỏi. Mỗi lần vị chúa rừng này về chú thường theo lịnh thầy, rút lên cội cây cao cho an toàn… Và theo óc tưởng tượng của chú, cọp là một con thú có bộ dáng dữ dằn ghê lắm. Nhưng chú chưa từng giáp mặt nó lần nào, nên rừng núi còn là một tổ ấm an lành, hồn nhiên che chở cho chàng trai mới lớn.
Cho đến một hôm, vị thiền sư được tin người bạn cố tri của mình lâm bệnh nặng. Sư liền quảy túi hạ sơn và chú tiểu cũng được dịp theo thầy xuống núi để học khôn luôn thể. Những trần cảnh xôn xao đa diện của thế nhân khêu gợi óc hiếu kỳ của chàng trai hơn là ham muốn. Chàng bỡ ngỡ nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với một thái độ lạnh nhạt của người ngoài cuộc. Dòng đời vẫn miên man trôi trải và chàng đã nhìn nó với cặp mắt xanh xao của tuổi thơ. Tất cả đều có vẻ lạ lùng đến buồn cười. Và trên đường trở về hai thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ bán lụa… Chàng trai kinh ngạc say sưa nhìn gương mặt của người khác phái mà lần đầu tiên chàng thấy có một sự thu hút kỳ lạ… Thấy vẻ sừng sờ của đệ tử nhà tu vội vàng nắm tay chàng rảo bước, chàng trai bỡ ngỡ hỏi thầy:
-Bạch tôn sư! Ðây là con gì vậy?
Nhà sư buông thõng:
-Con cọp đó, đi lẹ lên kẻo mất mạng bây giờ.
Hai thầy trò trở về sơn động… Vị sư để ý thấy sau chuyến viễn du, người đệ tử của mình đâm ra thờ thẫn, bỏ ăn, bỏ ngũ… Và có một cái gì thay đổi trong tâm tư chàng trẻ tuổi… Và một hôm, sau cơn dằn vặt tột độ, chàng tìm đến thầy thú thật:
-Bạch tôn sư! Sao mà con nhớ con cọp… hôm ấy quá… con có cảm tưởng rằng… thà rằng… con tìm đến gặp nó cho nó nhai xương con cho rồi. Tán thân mất mạng về tay con cọp dễ thương ấy còn dễ chịu hơn là ở đây mà vằng vặc nhớ thương nó… từ hai mươi năm qua, chưa bao giờ con nếm phải một sự đau đớn kịch liệt như thế này. Con phải làm sao đây?
PC: Trong cuộc đời các nhà tu trẻ tuổi ít ra cũng phải có một lần chúng ta đòi nạp mạng cho một con cọp nhai xương như thế này (ngoại trừ các bậc thánh và những nhà tu bằng ciment hay nylon). Phải làm sao đây, thưa chư hiền hữu?

Tôn Giả Nan Ðà

Tôn giả Nan Ðà là người em trai đồng cha khác mẹ với đức Phật. Tôn giả xuất gia ngay trong ngày hôn lễ, trong một phút bốc đồng hơn là phát tâm cầu đạo… Vì thế chỉ được vài hôm tôn giả cảm thấy nhớ nhung khôn tả nếp sống vương giả nhất là vị tân nương mới cưới… Tôn giả nhất định hoàn tục nên tìm đến đức Thế Tôn ngỏ ý:
-Bạch Thế Tôn! Con không thể nào tiếp tục đời sống xuất gia trong sạch như vỏ ốc được. Bất cứ lúc nào và ở đâu con cũng nhớ đến hình bóng diễm lệ của tân nương. Con còn nhớ rõ lúc con theo Thế Tôn ra khỏi kinh thành, nàng hối hả chạy theo tóc chải được một nửa, lệ tuôn đầy má gọi thất thanh:
-Hỡi hoàng tử yêu quý! Mau về với em không có chàng thì em chết mất… Con lo ngại cho nàng quá!
Ðể khuyến khích người em trẻ tuổi, đức Phật bèn dùng thần thông cho Nan Ðà được trông thấy hình bóng của một số cô tiên trên cung trời Ðâu Suất. Sau đó Ngài hỏi sư:
-Này Nan Ðà, những tiên nữ này có đẹp bằng tân nương không?
Tôn giả bối rối:
-Bạch Thế Tôn! Tân nương Kalyàni của con tuy là hoa hậu thành Ca Tỳ La nhưng so với các tiên nữ trên nàng vẫn kém xa.
-Vậy thì, này Nan Ðà! Nếu em cố gắng tu hành không đòi hoàn tục nữa… thì khi nào đắc đạo, Như Lai hứa sẽ đền bù cho em 500 tiên nữ xinh đẹp như thế, còn tân nương em đừng lo lắng gì cho nàng ta hết, phụ hoàng và đình thần sắp xếp cho nàng tìm chỗ trao thân gởi phận xứng đáng cả rồi.
-Bạch Thế Tôn, con rất an tâm khi được chuẩn hứa như thế… con sẽ ở lại tu tập để được 500 tiên nữ không đòi về hoàng cung nữa.
Và tôn giả Nan Ðà ở lại tinh cần tu tập, không bao lâu, Ngài đắc quả A La Hán.
Khi về gặp đức đạo sư để báo cáo thành quả tốt đẹp của mình, tôn giả cung kính thưa:
-Bạch Thế Tôn, xin Ngài hủy bỏ lời hứa sẽ đền cho con 500 tiên nữ.-Lành thay! Lành thay! Nan Ðà, Như Lai rất hoan hỷ khi hủy bỏ một lời hứa như thế.
Trưởng lão kệ còn ghi lại bài thơ của tôn giả, sau khi đắc đạo như sau:
"Có một thuở nào
Vừa dễ duôi vừa nông cạn
Tâm trí của ta
Chỉ chăm chú lòng can đảm được biểu hiện bên ngoài
Ta thật nhẹ dạ và nông nổi
Tất cả những tháng ngày đều bị tiêu phí.
Trong nhục dục phóng đãng và si tình
Nhưng
Nhờ lòng từ bi quảng đại
Cùng sự khôn khéo của đức Thế Tôn
Ta đã được dẫn dắt
Từ hoàng cung đến đời sống thanh cao này
Nhờ thế
Ta được thoát ra khỏi vòng sanh tử
Triền miên và chứng đạt Niết bàn."

Mở Mắt Chiêm Bao

Thuở xưa, có một chú sa di tên là Tăng Hộ. Tăng Hộ xuất gia với vị thầy tế độ, một vị La Hán, nguyên là cậu ruột của chú.
Một hôm Tăng Hộ được thí chủ dâng cúng hai xấp vải thật đẹp, chú mừng lắm định về dâng lên thầy để tỏ lòng biết ơn và kính mộ của mình. Ngờ đâu khi mới mở lời, vị thầy tế độ của chú đã gạt đi:
-Thôi! Ta đã đủ ba y rồi, con hãy giữ lấy mà xài hoặc dâng cúng những vị nào còn thiếu. Chú Tăng Hộ năn nỉ đến ba lần nhưng thầy chú vẫn một mực từ chối. Tăng Hộ đâm ra buồn rầu, bực bội, vừa đứng quạt hầu cho thầy, chú vừa để dòng tư tưởng trôi lan man… mình tứ cố vô thân chẳng có ai để nương tựa… Chỉ có cậu mình là người thân nhất trên đời. Vậy mà cậu cũng không thương ta, vậy ta còn sống ở đây chi cho bận lòng ông. Ta đã năn nỉ ông ba lần mà ông cứ lạnh lùng từ chối… Thôi, ta đi khuất mắt cho rồi… nhưng ta đi đâu bây giờ? Lấy gì mà sinh sống… À! Phải rồi! Mình sẽ bán xấp vải lấy tiền mua một con bê để nuôi, hằng ngày mình dắt bê đi ăn cỏ bên vệ đường vừa thanh thản, vừa ít tốn kém. Loài thú này sanh sản rất mau nên chừng vài năm là mình đã có một bầy gia súc. Mình sẽ bán bớt đi để tậu nhà cửa, ruộng đất, giường chõng… đồ đạc trong nhà cho khang trang và đến lúc trưởng thành mình sẽ cưới một cô vợ. Khi đứa con đầu lòng chào đời, mình sẽ bế nó đến quy y với cậu mình… Ô! Thằng bé mới kháu khỉnh làm sao… Ðường xa trời nắng ngó mụ vợ đã mỏi tay, ta bảo:
-Ðưa thằng cu anh bế cho, nhưng nó không nghe cứ dành ẵm trên tay… bất chợt… mụ vợ vấp một rễ cây, thằng bé rớt xuống đất… giận quá, ta với lấy một cành cây, gõ cho mụ vợ một cái nên thân:
-Ðã bảo đưa ta bế mà cứ không nghe… cái thứ đàn bà hư… chỉ biết có cãi lời.
Dòng tư tưởng của chú sa di còn đang tiếp tục trôi chảy như thế thì bỗng nhiên chú nghe tiếng nói điềm đạm của thầy chú, vị La Hán, cất lên:
-Này chú! Chú đánh không trúng cái mụ vợ hư thân ấy đâu mà lại trúng ngay cái đầu trọc của ta kêu cái "tróc" đây này!
Tăng Hộ bừng tỉnh cơn mơ, chú hốt hoảng co giò chạy, vừa ngẫm nghĩ:
-Chết rồi… Ta nghĩ trong bụng ổng cũng biết hết trọi… phải chạy cho lẹ mới được.
Thấy chú khi không bỏ chạy như ma đuổi, các bạn chú vội vã chạy theo bắt lại.
Ðương sự được dẫn đến gặp đức Phật. Sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, Ngài an ủi chú tiểu:
-Này chú, cái tâm của phàm phu thường hay lén lút đi chơi như thế, nó thường đi rất xa, vô hình, vô dạng… Người thiện trí nên khéo léo như gã mục đồng dùng dây xỏ mũi con trâu hoang, dẫn nó về chuồng cũ, chăn dắt cho đến lúc nào buông lơi dây mà nó không lén đi rong nữa mới tạm yên.
Ðược lời dạy dỗ của đức Thế Tôn, chú Tăng Hộ bình tĩnh ở lại tu viện và tu cho đến ngày đắc quả A La Hán… tuy lâu lâu, chú vẫn bị lâm vào cảnh mở mắt chiêm bao, nhưng không khi nào chú trở cán quạt gõ vào đầu sư phụ như lần trước vì chú đã biết cách chăn trâu và cột trâu rồi.
Em thân mến!
Cái cảnh "nhắm mắt chiêm bao" thì bọn mình ai cũng biết rõ, nhưng cái cảnh "mở mắt chiêm bao" đây thì chúng ta ai cũng lầm hết trọi, cũng vì thế mà mỗi lần để giấc mơ dẫn đi xa, chúng ta thường khỏ lầm lên đầu các tôn giả chung quanh mình kêu cái tróc và đổ thừa "tại người này làm tôi phiền não đây." Vì vậy cách khôn nhất là tự mình tỉnh giấc chiêm bao ấy đi và coi chừng phải đứng cách xa những chúng sanh đang "mở mắt chiêm bao" một cách an toàn, kẻo ăn phải cán quạt của họ đó nghen!
Loay hoay đã nửa kiếp người
Thu bay trên nửa nụ cười xanh xao
Rõ ràng mở mắt chiêm bao
Biết như mộng huyễn vẫn đau xé lòng
Ngửa tay có được gì không?
Họa chăng mấy hạt bụi hồng phiêu linh
Dường như mình chẳng phải mình
Rừng thiêng đày đọa dạng hình long đong.
Mây bay qua khu rừng đông
Người thong dong ngắm nắng hồng trên cây
Mây bay qua rừng tây
Rêu xanh in nửa dấu hài bỏ quên.

Cóc Và Rắn

Xưa, có hai vị sư cùng ở chung tại một thâm sơn cùng cốc nọ. Một vị siêng năng tu tập tọa thiền ngồi hoài không nằm… trong khi vị kia thì cứ ngủ li bì, nằm hoài không chịu tu hành gì ráo trọi.
Ngày tháng dần qua, mỗi người đều tiếp tục công việc của mình, không ai dám đá động đến ai.
Cho đến một hôm, thấy bạn đồng hành của mình cứ ngủ mãi không chịu tụng kinh tọa thiền gì hết, vị sư tinh tấn chịu hết nổi, phải mở miệng định nhắc bạn, nhưng sực nhớ đến qui luật tịnh khẩu của mình, sư bèn viết câu cảnh ngữ lên vách. Bốn câu ấy như thế này:
"Ðời người quá ngắn
Sao cứ nằm hoài
Kiếp sau thành rắn
Chớ bảo tại ai?"
Ông sư hay nằm, sau giấc ngủ no nê thức dậy, che miệng ngáp hồi lâu, sực thấy bài kệ trên liền đáp lễ:
"Ngồi hoài sanh nhọc
Có ích chi đâu
Kiếp sau thành cóc
Rầu ơi là rầu!"
Vị tọa thiền trông thấy bài kệ liền hoát thiên đại ngộ.
PC: Thử hỏi ông ngộ cái gì?

Trò Chơi Bắt Dế

Potthila là vị giáo thọ của một tăng đoàn ở tịnh xá Ðại Lâm.
Sư tinh thâm tam tạng, uy nghi cốt cách sư phạm rất đường bệ… chỉ hiềm một điều là sư chưa chứng quả, dù sư đã được đức Phật cắt đặt công việc trùng tuyên kinh luật cho một hội chúng tỳ kheo đông đảo.
Vì thế, mỗi lần sư Potthila đến hầu thăm Phật, đức Thế Tôn liền gọi một cách thân ái lẫn trêu chọc:
-À đây! Cái ông sư rỗng đã đến!
Và khi sư cáo từ, Ngài liền bảo đại chúng:
-Cái sư thầy rỗng đó đi rồi!
Những lời nói này lọt vào tai Potthila làm cho sư vô cùng đau xót. Biết đức từ phụ muốn khuyến khích mình, tôn giả Potthila lấy làm bối rối, không biết làm cách nào đề hạ thủ công phu sao cho thành một ông sư "đặc" hẳn hoi.
Cho đến một hôm lòng buồn tột độ, tôn giả bỏ hội chúng vào rừng, nhà sư đáng thương này đi hoài đi mãi cho thật xa cái nơi mà uy danh giáo thọ đã làm ngài cực lòng khôn tả đó. Và cuối cùng sư gặp phải 30 vị La Hán đang ẩn cư trong rừng, vốn là học trò cũ của sư.
Tôn giả Potthila đến đảnh lễ với vị thủ tòa, khiêm tốn xin vị này chỉ cho cách hạ thủ công phu.
Vị thủ tòa mỉm cười:
-Ồ! Làm sao tôi dám làm điều đó bạch thượng tọa? Khi Ngài là vị giáo thọ của tôi.
Tôn giả bị đẩy xuống đệ nhị tòa cũng bị từ chối… cuối cùng tôn giả đến trước vị La Hán thứ 30, nhỏ tuổi nhất, mới lên 7, van nài một cách khẩn thiết:
-Bạch đại đức! Xin đại đức thương xót chỉ cho con cách "hạ thủ công phu."
Vị La Hán trẻ tuổi im lặng tiếp tục vá áo. Tôn giả Potthila tiếp tục van nài một cách tuyệt vọng… đến nỗi vị thánh tăng tí ton này phải mở lời:
-Ồ! Thượng tọa, tuy Ngài nói thế nhưng tuổi tác và sở học của tôi kém Ngài rất xa… e rằng lời tôi hãy còn nhẹ lắm liệu Ngài có tin nổi hay không?
-Bạch đại đức! Lòng con tha thiết khẩn cầu mỗi lời chỉ bảo của đại đức là một lời vàng ngọc đối với con, thì dù đại đức bảo con nhảy vào lửa con cũng "y giáo phụng hành."
-Thôi, đừng nhảy vào lửa mà toi mạng, đằng kia có cái hồ nước mát, thượng tọa thử nhảy xuống xem. Vị La Hán chưa dứt lời, tôn giả Potthila đã nhảy ùm xuống nước. Ðợi tôn giả Potthila vừa ngoi đầu lên, vị La Hán trẻ dõng dạc ra lệnh:
-Hãy leo lên đây!
Tôn giả Potthila lồm cồm bò lên, vị thánh tăng lại bảo:
-Nhảy xuống hồ mau!
-Leo lên đây!
Sau khi bắt tôn giả Potthila nhảy xuống leo lên hơn 3 lần như thế, vị thánh tăng mới đến ngồi kiết già trên một tảng đá, và tôn giả Potthila ướt như chuột lột, thành kính quỳ trước mặt La Hán giảng giải:
-Này Thượng tọa lúc còn sống đời tại gia ta thường chơi đá dế với bạn, thượng tọa có biết con dế không?
-Thưa biết ạ!
-Ồ, tốt lắm. Giả sử như có một cái hộp vuông chứa đầy dế. Nếu cái hộp ấy có 6 cửa ngỏ, cửa nào cũng để hé ra hết, thì các chú dế sẽ thò râu hoặc chân tay ra ngoài các ngỏ ấy. Có phải thế không nào?
-Thưa vâng!
-Và nếu cửa ngỏ nào mở rộng thì có thể các chú dế sẽ chui ra mất theo các ngỏ ấy… phải không?
-Thưa đúng như vậy.
-Bây giờ, muốn quan sát các chú dế ấy cho kỹ, chúng ta có thể bịt kín đi năm lỗ, chỉ chừa một cửa thôi… Và nhìn chăm chăm vào cửa ấy… Thượng tọa có theo kịp không?
-Thưa kịp ạ!
-Chỉ nhìn thôi chứ không thò tay chân vào trong hộp ấy nhé…
-Vâng!
-Nhìn thật rõ ràng, chăm chú vào các sinh hoạt của bầy dế trong hộp, ta sẽ biết rõ về chúng hơn, từng đứa một… dế than, dế lửa, dế cơm tất cả đều rõ ràng tách bạch… đấy nhé!
-Thưa vâng!
-Này Thượng tọa, các cửa của cái hộp dế ấy dụ cho 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của ta… Những vọng tưởng lao xao và rộn ràng không khác nào bầy dế kia. Muốn điều phục chúng không cách nào tốt hơn là ngồi yên lặng giảm bớt các hoạt động của ý thức… bình thản nhìn một cách rõ ràng chăm chú như đứa trẻ chơi dế nhìn bầy dế lao xao trong hộp. Có thể nào Thượng tọa áp dụng trò chơi này một cách bình an, thoải mái, quan sát theo dõi những vọng niệm của mình mà không xen vào những ước muốn lấy bỏ, loại trừ… chăng?
-Bạch đại đức, con đã hiểu rồi…
Và tôn giả Potthila, sau khi từ giã 30 vị La Hán, đi tìm một trú xứ thích hợp để tọa thiền… Ðể khuyến khích sư, Ðức Thế Tôn gởi đến một bài kệ:
"Tu thiền trí huệ sanh
Bỏ thiền trí huệ diệt
Biết con đường hai ngã
Ðưa đến hữu, phi hữu
Hãy tự mình nỗ lực
Khiến trí huệ tăng trưởng."
(Pháp cú 282)
Chẳng bao lâu, tôn giả Potthila đắc quả A La Hán. Từ dạo đó Ðức Phật không trêu ông là "ông sư rỗng" nữa.
PC: Ngồi mãi chẳng nằm, điều này tuy khó nhưng chúng ta còn có thể thực hiện được… nhưng còn vụ "hoát nhiên đại ngộ" hay "chứng đạo" như vậy thì … vô phương bắt chước rồi!

Khắc Châu Cầu Kiếm

Xưa, có một người có việc phải đi thuyền sang sông. Giữa đường anh làm rơi thanh kiếm quý xuống nước, vội vã anh đánh dấu nơi bẹ thuyền. Người đồng hành ngạc nhiên hỏi:
-Anh đánh dấu nơi bẹ thuyền chi vậy?
Anh chàng đáp:
-Tôi đánh rơi thanh kiếm quý ngay chỗ này nhưng chưa rảnh rỗi để tìm được. Vì vậy tôi phải làm dấu nơi bẹ thuyền, để lúc trở về sẽ tìm lại nó dễ dàng hơn.
Mọi người nghe nói đều mỉm cười.
Em thân mến!
Chúng ta đã hiện diện trên cõi đời này như anh chàng dong thuyền sang sông nọ. Mỗi lần lầm lỗi nhất là những lỗi lớn, em thường xuýt xoa đau xót, xoay qua tự hành hạ lấy mình: cắt máu viết lời thề hoặc lấy hương đốt thân chẳng hạn.
Dòng đời luôn luôn trôi chảy, những gì đã qua rồi không bao giờ trở lại… Và trên cái dòng sông miên man bất tận đó, ta phải luôn luôn giáp mặt với những hoàn cảnh mới mẻ hơn, sống động hơn… có thể nào đem những tâm thức cũ để áp dụng cho một hoàn cảnh mới hay không? Người bạn ngày hôm qua mà ta gặp gỡ chuyện trò thân mật lưu luyến đó… ngày hôm nay gặp lại đã mang một tâm thức mới mất rồi. Vậy mà ta vẫn mang hình bóng cũ phủ lấp con người hiện thực và bao nhiêu tắng ái khổ sầu đều bắt nguồn từ nơi mê lầm này chăng?
Em đã mỉm cười khi nghe chuyện anh chàng khắc chu cầu kiếm… còn đối với chuyện khắc thân thể mình để… cầu giải thoát khỏi một lỗi lầm của quá khứ thì em tính sao đây?
"Việc qua rồi chẳng nhớ
Việc chưa đến đừng lo
Việc hiện tại chớ đem lòng vọng tưởng."

Người Hóa Xà Niêng

Thuở xưa có một chàng trai dũng cảm, sống tại một bản làng hiền hòa… Tuy mới lớn lên nhưng đã từ lâu chàng là chỗ nương tựa của cha mẹ, các em cũng như những thân quyến gần xa. Cha chàng hài lòng về những đức tính quả cảm cương quyết không lùi bước trước một trở lực nào của chàng. Bà mẹ thường nhìn những bắp thịt rắn chắc của con bằng tấm lòng từ ái pha lẫn niềm tự hào. Chàng trai đã sinh ra và lớn lên giữa ruộng lúa nương khoai trong tình yêu của cha mẹ, sự tin cậy của đàn em cùng những bạn bè đồng trang lứa trong thôn làng.
Ngày tháng êm đềm trôi qua như dòng sông nhịp nước hiền hòa vẫn đều đặn lên xuống nuôi sống đồng lúa và những người dân quê an phận chất phác. Cho đến một hôm khi nhìn những tia nắng rực rỡ bốc lên từ rặng núi xa xa… những đọt cây lay động trên nền trời im lặng, chàng trai bỗng thấy lòng dấy lên một ước muốn kỳ lạ. Trong thoáng chốc chàng nghe từng giọt máu cuộn sôi trong huyết quản… Có một niềm ao ước mãnh liệt thúc đẩy dữ dội. Cuộc sống quá bình an đến độ tẻ nhạt, làm chàng chán ngán… Núi rừng thêm hùng vĩ, đậm màu hứa hẹn. Và như một cánh chim sổ lồng chàng khăn gói ra đi, theo gót chân những kẻ tìm trầm để lại trong lòng thân quyến sự lo âu, niềm ái ngại và nhớ nhung khôn tả…
Như bao kẻ ngậm ngải tìm trầm khác để chống những sơn lam chướng khí, thú dữ của rừng thiêng chàng trai đã phải nuốt một thứ ngải kịch độc… nhờ đó mà chàng có thể thoát khỏi miệng hùm, nanh sói cũng như những cơn bệnh chết người của rừng già. Nhưng… cũng như bao nhiêu con dao hai lưỡi khác, chất ngải thiêng nó vừa giúp chàng trai bảo vệ thân thể, vừa tàn phá cùng biến đổi thể xác kẻ tìm trầm…
Nhiều tuần trăng trôi qua bóng người ra đi vẫn biền biệt… Thân nhân chàng trai cứ dõi mắt nhìn về phía mặt trời lặn để tìm chàng. Niềm hy vọng của họ sống mong manh như một màu lá úa. Cho đến một hôm, trời vừa chập choạng tối, họ hãi hùng thấy xuất hiện trên ngưỡng cửa một bóng dáng nửa người nửa ngợm: chàng trai đã hóa xà niêng.
Em thân mến!
Ðang sống êm ấm trong vòng tay của ba má bên sách vở cùng những bạn bè đồng trang lứa… Em bỗng khởi lên một ý nghĩ đi tìm chân lý và em đã sổ lồng bay theo lý tưởng ấy chẳng khác nào chàng trai đi tìm trầm nọ.
Ðể đối phó với ngũ dục bát phong trên con đường tìm đạo, em đã "nuốt" không biết bao nhiêu là pháp môn… Những pháp môn này giúp em an tâm đi tìm chân lý… giữ vững tinh thần niềm tin của mình và cho đến một ngày nào đó, em chợt nhận ra rằng sao mà mình hỏng giống ai hết, sao mà mình khó chịu, khó ưa đến nổi mình chịu mình cũng hết nổi rồi. Ngày xưa em thơ ngây, dịu dàng, tế nhị, dễ thương bao nhiêu thì bây giờ em cộc cằn, héo úa, thô lỗ, khả ố bấy nhiêu. Những người chung quanh thở dài nhìn em và em cũng thở dài với mình. Em đã hóa xà niêng… Cái pháp môn giúp em chống chỏi với ngũ dục bát phong thật tài tình cũng là một con dao hai lưỡi, y hệt như cục ngải thiêng nọ. Nó làm cho em càng ngày càng u ám, uể oải, mất hết sinh khí, buồn rầu, chán nản. Em có thấy như thế không?
Nếu em chưa nhận ra điều này… và vẫn thấy mình còn đầy năng lực sức sống, đang cố gắng và không ngừng cố gắng, nỗ lực áp dụng một pháp môn nào đó mà em đã lựa chọn với bao nhiêu là đắn đo và nhiệt huyết. Nếu như thế thì em đừng đọc thêm gì nữa. Hãy gấp quyển vở này lại và cứ tiếp tục con đường em đang đi: em chưa đến giai đoạn khủng hoảng bế tắc… có nghĩa là chưa hóa xà niêng… thì những dòng chữ sau này sẽ làm em ngờ vực, tức tối và nổi giận cho mà coi.
Nhưng, nếu em đang bước đến giai đoạn đường cùng… vô vọng, em chỉ muốn được thở một hơi dài, được ngủ một giấc an lành không mộng mị. Và vì những ước mơ này chưa bao giờ được thỏa mãn nên đã hơn một lần em nghĩ đến chuyện hủy hoại thân em! Cái chết đối với em không còn ghê tởm mà em lại coi như một ân huệ cuối cùng.
Nhưng hỡi ơi! Làm sao mà chết được? Có phải em đang lâm vào tình trạng này không? Ðích thị là em đã hóa xà niêng mất rồi… Hay nói theo kinh điển thì em là kẻ đã cho ngón tay là mặt trăng, ôm chiếc bè sang sông cho là bờ bên kia… Vì lầm lẫn như thế nên em đã làm méo mó cả bàn tay lẫn mặt trăng, chiếc bè lẫn bến đỗ… vậy thì còn chần chờ gì nữa mà em không buông bỏ tất cả, quẳng hết đi những lý tưởng xa và gần, những toan tính lo âu, cầu xin, chờ đợi, những nỗ lực cố gắng v.v… Em hãy nằm xuống nhắm mắt để thân và tâm mình thư giãn hoàn toàn như những ngày thơ bé em nằm ngủ say trong tay mẹ giữa nệm ấm chăn êm của một thời chưa cất bước phiêu lưu. Em đừng sợ mất hết những sở đắt của mình. Ðây là chỗ kinh Kim Cang đã nhấn mạnh "Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp." Có nghĩa là những gì tốt cũng phải bỏ huống nữa là xấu.
Sau giấc ngủ em sẽ hồi sinh… và chung quanh em mọi người sẽ đón em trở về với một nụ cười… cũng như chú xà niêng nọ cởi lốt trở lại hình người trong những giọt lệ, tiếng cười của thân quyến.
Những giòng chữ tôi viết trên đây nếu có làm em khó chịu thì xin nhận nơi đây lời tạ lỗi… Em vẫn chưa mất mát gì… nên tôi không lấy làm ân hận lắm… Quyển "Hư hư lục" này xin khép lại nơi đây, nằm đúng vị trí khiếm tốn của nó "hư hư" có nghĩa là "không có thật, không có thật" đó em!
Người ta kể rằng chỉ có chất trầm mới giải được cái độc kịch liệt của cục ngải thiêng, chất trầm này nằm trong cây, trong rừng, ngoài thân thể của con người (cũng vì vậy mà tôi không thể kể cho em nghe chuyện chàng trai đã cởi lốt xà niêng như thế nào…)
Riêng chúng ta, chất thuốc giải độc không nằm trong rừng, trong cây hay bất cứ chốn sơn cùng thủy tận nào… mà ở nơi chính mình… dễ dàng và giản dị đến nổi thành khó tin. Cũng vì thế mà Ngài Sa Di Cao trong thiền sử đã than:
"Chớ bảo họ không có
Chỉ tại họ không tin"
Em nghĩ sao?

Những Người Bệnh Tưởng

Thuở xưa, có một đoàn người lánh giặc phải ẩn náu trong rừng sâu. Họ ăn uống ngủ nghỉ và làm việc hoàn toàn trong bóng tối. Nhiều năm trôi qua giặc tan đoàn người tản cư nọ được tin lục đục kéo ra khỏi hang.
Phản ứng đầu tiên của họ khi chạm phải ánh sáng của mặt trời là rú lên một tiếng đau đớn rồi nhắm tít mắt lại. Ai cũng yên trí là mình đã mù hẳn rồi, nên hè nhau đi tìm thầy lang chữa mắt. Lang y, lang tây, lang ta và lang băm đều được tìm đến, tùy theo số tiền túi, các nạn nhân người nào cũng rịt thuốc vào mắt và hết lòng hy vọng… thắc thỏm chờ ngày được sáng mắt trở lại nhưng khổ nổi lần nào cũng thế, mỗi lần giở khăn bịch mắt, hé mắt nhìn, bệnh nhân người nào cũng rú lên và nhắm tít mắt lại… Nhiều lần như thế xảy ra đoàn người đành sống trong bóng tối với cây gậy và chó dẫn đường, với một ít hy vọng le lói rằng một ngày đẹp trời nào đó, họ sẽ gặp một danh y mát tay và tài ba như Hoa Ðà, Biển Thước. Và họ sẽ phục hồi trở lại ánh sáng huyền dịu ngày xưa.
Cho đến một hôm, anh chàng Ba, một trong những người bệnh mắt nọ, tình cờ làm sút dải khăn bịt mắt trong một giấc ngủ say. Giữa đêm khuya Ba giật mình tỉnh giấc. Và dưới ánh trăng sáng êm dịu của con trăng hạ tuần, anh đưa mắt nhìn quanh. Thân quyến anh chợt nghe tiếng cười rộn rã nổi lên, niềm vui đột ngột khiến anh như người mê sảng. Ba đi lay tỉnh từng người trong nhà dậy, khoa tay múa chân nói lắp bắp "tôi sáng mắt rồi… ồ không tôi chưa từng mù bao giờ… chỉ tại dải khăn bịt mắt chết tiệt này thôi, tôi không mù. Từ đây tôi có thể đi bất cứ nơi nào… Tôi không cần đến chó, gậy và người dắt đường nữa…
Mọi người nhìn anh vừa sững sờ vừa thương hại… tiếng cười của anh vang dội trong đêm khuya. Ba lải nhải nói hoài một câu xác định: "Tôi không mù! Tôi không mù! Chưa bao giờ bị mù." Một người thân thắp một cây đèn dầu mang lại. Anh lấy tay che mắt cố nén sự đau đớn. Anh không thể quen với ánh sáng chói chang của ngọn đèn. Ba hơi thảng thốt, anh xoay lưng vào vách. Qua kẽ tay anh thấy ánh trăng vẫn dịu dàng lung linh trên từng kẽ lá. Anh lấy lại được niềm tin: mình không mù, chỉ vì sống trong bóng tối quá lâu nên mắt không chịu nổi ánh sáng chói ấy thôi. Nếu làm quen dần với ánh sáng có cường độ từ yếu sang mạnh, anh sẽ nhìn được ánh sáng mặt trời, thế thôi!
Vài ngày sau Ba có thể sử dụng đôi mắt như bất cứ một con người nào. Khi đã lấy được niềm tin đầy đủ nơi nhãn quan của mình, Ba tức tốc chạy bay đến những người bạn cũ, những người đang tuyệt vọng vì đôi mắt của mình, quờ quạng trong bóng tối với chó, gậy và một ít hy vọng le lói về thứ thuốc mình đang chữa mắt. Ba đến gặp họ lắp bắp trình bày chuyện của mình… bạn bè của anh đua nhau phỏng vấn:
-Sao? Anh nói sao? Anh đã sáng mắt lại rồi à?
Ba đáp:
-Nói thế cũng chưa đúng, mắt tôi chưa từng bị mù, thì làm gì có hết mù hay sáng lại.
Người bạn cười khảy:
-Thế… có nghĩa là bọn chúng tôi mới thật sự đui…còn anh thì vô sự đấy phỏng?
-Không, tôi và các bạn hoàn toàn giống hệt nhau, chúng ta chỉ bị bệnh tưởng thôi!
-Thôi, chả nhẽ người ta bỏ bao nhiêu công của, thời giờ để chữa một chứng bệnh không có thật à!
-Xin nghe tôi! Các bạn hãy vứt hết thuốc men đi… chịu khó làm quen với ánh sáng mờ nhạt… dần dần đến ánh sáng chói các bạn sẽ thấy sự thật. Ða số bạn bè của Ba không tin bỏ đi sau khi đã thốt nhiều lời mai mỉa!
-Chỉ có mình anh là khôn ngoan, còn bọn chúng tôi đều là lú lẫn cả có phải?
-Cái trứng muốn dạy khôn con gà… Vài người trẻ tuổi nghe anh đã bỏ gậy lẫn chó, liền bắt chước theo nhưng họ vẫn giữ nguyên dải khăn bịt mắt nên hậu quả là kẻ u đầu, người vỡ trán… và đều không tiếc lời nguyền rủa anh. Một số khác nghe lời anh giở khăn bịt mắt ra, nhưng ánh sáng chói chang làm cho họ vô cùng khốn khổ. Và cứ thế… không một ai có thiện cảm với Ba. Mọi người kết luận: "Tên Ba là một gã điên không nên thân cận với hắn."
Trước tình cảnh đó, Ba tức tối bỏ về, anh vừa đi vừa lẩm bẩm: "Ðã thế thì đây đếch cần."
Anh vừa giận vừa thương. Sau khi cặp mắt bình phục hẳn, anh thấy mình dường như mới chào đời, vừa góp mặt trên trái đất đầy màu sắc kỳ ảo này lần đầu. Lòng anh lúc nào cũng bùi ngùi nhớ đến những người bạn cũ của mình.
Cho đến một hôm, Ba nghĩ ra một diệu kế: anh thay hình đổi tiếng giả dạng làm một ông thầy lang lành nghề, nhờ người quảng cáo và tìm đến những người bạn cũ trong hình dạng mới ấy. Dùng một thứ thuốc vô hại, anh chữa bệnh cho bọn họ. Mỗi đêm anh đều bắt họ mở khăn bịt mắt ra nhỏ thuốc xong rồi đi ngủ.
Dần dần nhiều người đã có thể đi quờ quạng dưới ánh trăng dịu dàng mà không cần chó hay gậy.
Nhiều ngày trôi qua, Ba thay dần ánh trăng bằng ánh đèn giấy hồng êm dịu… Cho đến khi các bệnh nhân của anh đã có thể nhìn ánh đèn dầu thì Ba không cần tốn công thuyết phục nữa. Bạn bè anh đã lấy lại niềm tin… Chẳng bao lâu họ đều sáng mắt như xưa.
Em thân mến!
"Chúng sanh đều có Phật tánh." Ðó là lời xác định của Ðức Phật trong các kinh điển Ðại thừa. Ðức Phật của chúng ta cũng như chư tổ thiền tông đều mỏi miệng khi phải nhắc đi nhắc lại điều đó mà chúng ta nào chịu nghe. Làm sao ta có thể tìm được khi cái vọng tâm của mình đầy nhóc các vọng tưởng ác ôn, như tham lam, sân hận, ganh ghét, thù hằn. Làm sao ta có thể tin được những con người khổ đau điên loạn tầm thường chung quanh ta lại có đầy đủ đức tướng trí huệ của Như Lai được? Làm sao ta có thể tin rằng mình không bị sa vào hầm hố ác đạo khi vứt hết tất cả niệm ác lẫn thiện. Làm sao ta có thể tin rằng tâm mình bổn lai thanh tịnh trong khi mình đang quay quắt với não phiền, làm sao ta có thể tin rằng những kẻ "lòng dạ xoa" hôm nay đã đổi thành "mặt bồ tát." Làm sao ta có can đảm vứt hết những thứ niệm ác niệm thiện đang rịt chặt vào mình và liệu ta có thể chịu đựng được sự đau đớn chói chang khi giáp mặt với ánh sáng chân thật, thấy mình "vô nhất vật" không là gì hết?
Bọn người bệnh tưởng trên đây đã cởi bỏ dải khăn bịt mắt khó khăn thế nào, thì chúng ta cũng cởi bỏ kiến chấp của mình khó khăn và đau đớn dường ấy. Nói đúng hơn: việc vứt bỏ không khó mà khó là niềm tin chưa đủ. Tin cái gì em biết không?
-Tin rằng mình bổn lai là Phật đó em và như thế em đã hiểu tại sao người xưa lại nói:
"Tẩy trừ phiền não trùng tăng bệnh" (Tẩy trừ phiền não càng thêm bệnh) hay chưa?

Bốn Bà Vợ Quý

Thuở xưa, có một ông trưởng giả có đến bốn bà vợ. Thói thường người ta bảo: "Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ngủ chuồng heo…" Thế nhưng ông trưởng giả của chúng ta là một người tốt số và khéo cư xử nên đối với bốn bà ông đều được thương yêu quý trọng.
Bà thứ nhất tức là bà cả ấy là người mà bố mẹ ông đã chọn và làm lễ đính hôn từ tấm bé, dù nhan sắc không diễm lệ lắm ông cũng hết dạ thương yêu, bao nhiêu thức ngon vật lạ ông đều tìm về cung cấp cho bà đầy đủ. Quần là áo lượt, bông tai phấn sáp, thứ chi cũng có. Trời vừa oi bức ông đã vội vàng quạt lấy quạt để, nữa đêm mưa gió lạnh lùng, dù bất cứ nơi đâu ông cũng vội vã tìm về để đắp chăn sưởi ấm cho bà.
Bà vợ thứ hai là người mà trưởng giả để tâm yêu dấu một cách lạ lùng. Tuy không sốt sắng quạt nồng ấp lạnh như bà thứ nhất, ông vẫn quyến luyến không rời một bước. Nói dại nếu bà đi đâu vắng, ông khổ sở đến phát điên. Và có lẽ ông sẽ uống thuốc chuột mà tự vận nếu phải sống thiếu bà.
Bà vợ thứ ba tuy không được tốt phúc như hai bà trước nhưng thường cùng chồng chia xẻ vui buồn, ấm no hoạn nạn có nhau nên lâu ngày tình nghĩa cũng mặn nồng, keo sơn gắn bó.
Duy có bà thứ tư là người mà ông hờ hững nhất, dường như không ai màng đến chuyện có mặt của bà nhưng được cái tánh của bà cũng dễ dãi, ai sao mặc kệ, lúc nào bà cũng hết dạ trung thành lẽo đẽo theo ông như hình với bóng.
Ngày tháng dần qua, trăng tròn rồi khuyết. Giờ chia tay phải đến. Một hôm thấy mình không thể sống lâu hơn nữa, ông gọi các bà vợ đến bàn tính việc nhà và ngỏ ý với bà cả:
-Tấm lòng của tôi đối với bà ra sao thì ai ai cũng biết. Vậy hôm nay đến ngày từ giã cõi đời bà hãy sắp sửa hành lý để đi theo tôi… chồng đâu vợ đó.
Bà cả thản nhiên, vừa nhóch nhách nhai trầu vừa đáp:
-Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt, ông chết thì tôi cũng không sống nổi nhưng theo ông sang kiếp khác thì tôi không thể nào theo được. Thôi thì một miếng trầu này gọi là tiễn đưa và vĩnh biệt với ông vậy.
Sửng sốt ông trưởng giả hờn giỗi quay sang bà thứ hai:
-Còn mình, mình có theo tôi không?
Bà hai cũng đáp bằng một giọng ráo hoảnh:
-Làm sao mà theo ông được, sống chết có số mệnh và ngày giờ, lại khi ông còn đây, tôi cũng nói trước một lời: ông chết đi thì tôi cũng ở lại đây… nhưng nếu trong nhà này không còn chìu chuộng tôi như lúc ông còn sống thì tôi cũng mạn phép xin ông được tìm chỗ khác mà núp bóng tùng quân, nương nhờ tấm thân liễu yếu.
Hết sức bất ngờ, ông trưởng giả lặng người giây lâu rồi quay sang bà thứ ba:
-Còn mình?
Bà ba liền sụt sịt khóc:
-Ông mất đi tôi đau lòng lắm… vợ chồng mình bao năm chia bùi xẻ ngọt, ấm lạnh có nhau… nhưng mà đi theo ông thì tôi không thể nào theo được. Khi ông chết tôi sẽ đưa ông đến tận huyệt, rồi về nhà làm chay tuần thờ cúng ông cho đến hết đời của tôi.
Lòng buồn rười rượi, ông chồng đau khổ quay sang bà thứ tư, người vợ mà ông hết sức hững hờ và lạnh nhạt. Không đợi hỏi, bà này đã nhanh nhảu:
-Mình yên tâm… Em sẽ theo mình đi đến bất cứ nơi đâu. Dù đó là thiên đàng hay địa ngục đi nữa.
Em thân mến!
Bà vợ thứ nhất là dụ cho xác thân của chúng ta, bà vợ thứ hai ám chỉ cho tiền tài của cải, bà thứ ba là thân bằng quyến thuộc của mỗi người. Duy có bà thứ tư là người có số phận hẩm hiu, hờ hững nhất là những tạo tác lành dữ của chính mình… bà này sẽ đi theo mỗi người chúng ta như hình với bóng đó em ơi!

Khi Thần Chết Ðến

Một ông già đốn xong đống củi và mang về. Phải mang đi xa, ông cụ kiệt sức, đặt bó củi xuống rồi nói:
-Chà! Giá mà thần chết cứ đến ngay đi có phải hơn không?
Thần chết liền đến và bảo:
-Ta đây, lão cần gì nào?
Ông già sợ hãi bảo:
-Xin nhấc hộ bó củi lên cho lão.
Em thân mến!
Thế thì… mình đừng có tin và sợ khi nghe thiên hạ đòi (tự vận) chết, trối chết, hăm chết, dọa chết… nghe. Thế gian này thiếu gì người đi xuống sông để tự tử nhưng thấy nước ròng liền chạy trở lên!

Chú Ngựa Tinh Khôn

Thuở xưa có một chú lừa và một chú ngựa cùng ở chung với nhau một chuồng. Một hôm, người chủ bắt lừa chở đồ đi xa, lừa nài nỉ ngựa:
-Tôi đuối sức quá, bạn mang hộ tôi một ít… chút ít thôi!
Ngựa lắc đầu nguây nguẩy:
-Ðó là cái số của chị dây dưa gì đến tôi…
Lừa im lặng chịu đựng… cuối cùng có gục chết với gánh nặng trên lưng. Người chủ bèn chất hết đồ đạc trên lưng lừa sang cho ngựa. Bây giờ ngựa rên rỉ:
-Khốn khổ thân tôi! Phải mang ngần ấy đồ lại còn thêm bộ da lừa nữa.
Em thân mến!
Phê bình, chỉ trích, mỉm cười chế nhạo công việc của người khác đang làm là một điều dễ nhất thế giới mà bất cứ khách bàng quan nào cũng có thể làm được. Nhưng kê vai gánh vác công việc lại là một điều khác. Chúng ta đôi khi cũng xử sự ngờ nghệch và ích kỷ chẳng khác nào chú ngựa non dại trên đây… Trong quãng đường vừa qua, ít nhất cũng hơn một lần chúng ta đã nhẫn tâm đẩy gánh nặng sang vai người bạn của mình và cho rằng: "Cái số của họ như vậy…" Cũng may là người bạn đáng thương của chúng ta chưa gục chết vì gánh nặng nên cho đến bây giờ chúng ta vẫn còn nhởn nhơ mà ngắm kiểng xem huê chứ chưa đến nỗi phải than thở như chú ngựa trên đây…
Nên gọi sự kiện này là may hay rủi hở em?

Chồn Hôi

Chồn hôi tìm đến người thợ đồng và đưa lưỡi liếm cái giũa. Máu ở lưỡi chảy ra, chồn hôi mừng rỡ liếm tiếp. Vì nó nghĩ là máu từ cái giũa chảy ra, kết quả là nó làm rách toạc cả cái lưỡi của nó.
Em thân mến!
Trong Tứ niệm xứ có câu "thọ thị khổ" kể cả những thọ lạc. Khi nào đeo đuổi thọ lạc, chúng ta cũng ngu dại hệt như chú chồn hôi này vậy. Nếu máu không chảy ra từ cái giũa bằng sắt mà chính từ chiếc lưỡi của con chồn, thì những niềm vui khoái lạc của ngũ dục mà chúng ta tìm được trên cõi đời này có lẽ cũng nhặt ra từ cõi lòng tan nát của chúng ta vậy.

Ông Hoàng Lưu Lạc

Ngày xửa, ngày xưa có một vị hoàng tử chào đời trong sự vui mừng vô hạn của đức vua, hoàng hậu và thần dân cả nước.Cậu bé vương giả này lớn lên trong cung vàng điện ngọc, giữa sự cao sang tột đỉnh cũng như những nghi lễ rắc rối nhất trần đời của hoàng gia.
Như một mầm xanh thiếu nắng, vị hoàng tử thơ bé này đâm ra khao khát được chơi đùa chạy nhảy như bao nhiêu chú bé dân giả cùng trang lứa khác… nghịch đất, tạt nước, tung bụi vào bạn bè, la cà trên các hang cùng ngõ hẻm, đầu trần chân trụi chạy rong giữa phố phường… là những khát vọng khôn nguôi của hoàng tử. Cậu sẵn sàng đánh đổi cả ngai vàng để lấy một ngày tự do, thoát khỏi cặp mắt lạnh lùng của quan thái sư, sự canh phòng cẩn mật của quan thái giám, vòng dây của ngự lâm quân cũng như sự chăm sóc đến độ phiền toái của đám cung nữ doanh vây.
Ô! Chỉ có một ngày thôi mà cũng xa vời hút khỏi tầm tay như một cánh điều no gió thấp thoáng giữa bầu trời đầy mây mà hoàng tử thường bắt gặp sau các cành cây kẽ lá um tùm của vườn ngự vậy.
Ngày tháng trôi qua. Hoàng hậu lìa trần lúc hoàng tử còn thơ bé quá… Ðức vua lại lâm bệnh nặng, việc chăm sóc dạy dỗ hoàng tử được giao cho quan thái sư lớn tuổi, uy nghiêm và rất mực khó tính. Như một cánh chim phượng hoàng non dại, hoàng tử thường ngồi hàng giờ bên trang sách học tỳ tay vào cửa sổ của chiếc lồng son thả hồn mơ mộng đến ngày một cuộc tung cánh viễn du giữa bầu trời rực sáng…
Cái ngày chờ đợi ấy đã đến. Hoàng tử đổi y phục lẫn chỗ ở của mình cho một cậu bé ăn xin mà định mệnh đã xếp đặt cho hai chú bé giống nhau như đúc… Và chim phượng hoàng đã tung cánh trong một buổi chiều lặng gió.
Vừa bước chân ra khỏi cổng hoàng cung, hoàng tủ đã không vỡ lẽ ra rằng cuộc đời của một chú bé thường dân không tự do và tươi đẹp như cậu lầm tưởng. Khi cởi bỏ lớp áo cao sang xinh đẹp của một ông hoàng thì cậu đã cởi bỏ luôn tất cả uy quyền cùng lợi lộc mà địa vị đã dành cho cậu từ tấm bé. Bị tổn thương nặng nề, hoàng tử vội vã quay lại hoàng cung nhưng… đã quá muộn. Trong lớp áo ăn mày, chú bé có nguồn gốc vương giả chỉ nhận được những cái tát tai của bọn lính ngự lâm gác cổng.
Trận đòn đầu tiên trong đời là cho cậu bé nổi giận đến phát điên lên được. Nhưng cơn thịnh nộ của cậu chỉ làm khách bàng quan thương hại, kẻ qua đường ngạc nhiên, bọn trẻ con tò mò trêu chọc và sau cùng hoàng tử đành từ giã cung điện với những lằn roi ngang dọc trên thân hình cùng tâm hồn ấu thơ của cậu.
Từ đó, hoàng tử bắt đầu sống một cuộc đời lưu lạc, lang thang của một kẻ ăn mày, cũng đầu trần chân trụi, y phục tả tơi, ăn bờ ngủ bụi như bao nhiêu kẻ vô gia cư khác, có khác chăng là lúc nào lòng dạ chú bé cũng nôn nóng nhớ đến phụ hoàng đang lâm bệnh nặng và chú bé không tài nào nuốt trôi được những thức ăn của khách hảo tâm.
Rất mực chân thành, hoàng tử nói cho tất cả thần dân mà chú được diện kiến rằng mình sẵn sàng chia đôi vương quốc cho ai nếu đưa được chú bé trở về hoàng cung, nơi mà chiếc ngai vàng và những uy quyền tột đỉnh đang chờ chú bé. Nhưng ngoài hoàng tử ra, không có một ai tin lời chú. Mọi người đều trêu chọc và đối xử với chú bé như một thằng điên.
Em thân mến!
Câu chuyện ông hoàng lưu lạc này còn rất dài với nhiều tình tiết ly kỳ hồi hộp và không kém phần hấp dẫn, những điều đó em có thể đọc thẳng vào các chuyện cổ tích, hay một ngày đẹp trời rỗi rảnh nào đó, tôi sẽ kể cho em nghe khi chúng ta đang ngồi nhặt rau trong bếp, kéo nước bên giếng, nhổ cỏ trên luống đậu hay xáo đất ngoài ruộng… Riêng trong phạm vi của trong giấy này, tôi chỉ có thể tóm tắt cho em nghe rằng nhờ lòng tự tin không hề lui sụt về nguồn gốc vương giả của mình mà vị hoàng tử đáng thương kia, sau muôn cay nghìn đắng đã trở về hoàng cung, không phải để xin cơm thừa canh cặn nơi nhà bếp, làm một tên quét lá nơi vườn ngự uyển hoặc những chức quan nhỏ quan lớn… mà chính là leo lên ngôi cửu ngũ trị vì trăm họ. Và tôi cũng muốn hỏi với em rằng:
Tại sao từ khi bước chân vào chùa, ê a học hai đường công phu, thời công phu chiều nào chúng ta cũng đọc thống thiết vô cùng những câu như thế này: "Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu, nhơn thiên phước báu, thinh văn duyên giác nải chí quyền thừa chư vị Bồ Tát.. duy y tối thượng thừa…" có nghĩa là "Ngày hôm nay con phát tâm không vì cầu cho mình những phước báu cõi trời, cõi người, con cũng không cầu những quả vị thinh văn duyên giác cho đến những quả vị tạm đặt ra, các địa vị Bồ Tát mà con con chỉ cầu tối thượng thừa…" Ðã biết bao lần tôi và em vô tư đọc đi đọc lại lời phát nguyện trên giữa tiếng chuông nhịp mõ và mùi trầm hương lừng. Tâm nguyện đó có giống tâm trạng của vị hoàng tử lưu lạc khi chú bé nhất quyết rằng: "Ta ngày hôm nay muốn trở về hoàng cung không phải để cầu xin cơm thừa canh cặn nơi nhà bếp hay làm một tên phu quét rác nơi vườn ngự uyển cho đến bất cứ chức tước nào trong triều dù là quan nhỏ hay quan lớn mà ta chỉ trở về để bước lên ngôi cửu ngũ mà thôi.
Và em ơi! Chính nhờ tâm nguyện sắt đá đó, niềm tin không tài nào lay chuyển nổi mà chú bé đã thành công… chỉ khốn khổ cho em và tôi… đã quá lâu bị lưu lạc trong dòng sinh tử, chúng ta đã quên đi nguồn gốc giác ngộ của mình… Nếu bộ y phục rách rưới kia đã làm cho vị hoàng tử bị nhạo báng khi chú ta nói về nguồn gốc cao sang của mình, thì những tâm niệm xấu xa như tham lam, sân hận, tật đố, dối trá đã làm cho thế nhân cười vào mũi chúng ta, khi ta tự xưng là Phật tử… và đau đớn nhất là… sau chuỗi ngày dài phiên bạt, khố rách đói cơm, chúng ta cũng không dám tự tin nơi mình nữa… chúng ta chỉ cầu sao cho mình được cơm no áo ấm, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng… là những phước báu vụn vặt nơi cõi nhơn thiên… cùng lắm là chúng ta mơ ước được chứng một quả vị nào đó thấp nhất trong tứ quả Thinh văn như Tu Ðà Hoàn chẳng hạn để bảo đảm rằng dòng luân hồi sẽ chấm dứt, để chúng ta được nghỉ mệt sau những ngày cát bụi phiêu linh. Còn những gì cao xa hơn thì… phận hèn nào có dám mơ… Có phải thế không nào?
May mắn thay chúng ta có một phụ hoàng rất đỗi từ bi. Ngài đã không ngớt kêu gọi nhắn nhủ, sai người tìm kiếm gọi chúng ta về… và lời phát nguyện trên đây là một thông điệp mà Ðức Phật đã nhờ chư Tổ chuyển đến cho chúng ta. Trở ngại duy nhất và lớn lao nhất là tôi và em không còn niềm tin nơi khả năng giác ngộ của mình nữa. Chúng ta nghe nói về chân tâm thường còn, về pháp thân bất sanh bất diệt không hề ô nhiễm vì trần lao của mình. Nhưng… dường như lúc nào chúng ta cũng đối mặt bắt gặp phải những hình dạng méo mó khó ưa, xảo quyệt của vọng tâm. Ðó là lý do tại sao chúng ta không dám trở về hoàng cung, hay nói đúng hơn là không dám tin mình có khả năng giác ngộ, có Phật tính. Em có thấy như thế không?
Bây giờ tôi muốn rủ em cùng tôi chơi trò chơi thợ nhuộm. Tôi sẽ đưa em một mảnh vải… để em chọn màu và nhuộm. Vì là trò chơi nên tôi chỉ trao cho em những màu rẻ tiền, không ăn màu, dễ giặt, tẩy xóa để rồi cuối cùng chúng ta vẫn còn mảnh vải trắng tinh. Phải ngắt một bông hồng để dâng tặng và ca ngợi khả năng bất nhiễm của mảnh vải này… đi em.
Và tôi xin hỏi nhỏ em rằng có bao giờ em thấy lòng mình cũng trắng trong và bất nhiễm như mảnh vải kia không? Chỉ trong một ngày thôi chúng ta đã chồng chất lên bản tâm của mình không biết cơ man nào là vui, buồn, giận, ghét, tính toán, lo toan. Và hệt như mảnh vải trắng trong kia, tâm ta cũng không hề bị ăn hay nhuộm màu chi hết. Nếu mảnh vải đã bị đen thì sau đó chúng ta không thể biến nó thành đỏ được. Nếu tâm ta đã bị nỗi buồn làm ô nhiễm buổi sáng thì buổi trưa ta không thể nào vui được… đã giận thì không thể thương… Vậy mà em thấy không, sau những lúc bị phiền não ồ ạt bao vây, em vẫn có thể lắng nghe tiếng chim hót, nhìn một nụ hồng ngậm sương, đùa với con mèo và cười thoải mái vì trò nghịch ngợm của một chú chó con. Thế thì chần chờ gì nữa mà chúng ta không hoan hô khả năng bất ô nhiễm của bản tâm mình? Tin vào khả năng đó tức là chúng ta bắt đầu quay về hoàng cung, nơi người cha thân yêu đang chờ mong. Ðường về có thể là còn lắm chông gai… Nhưng hỡi ông hoàng bé bỏng lưu lạc kia ơi! Em không cô đơn và khốn khổ như ông hoàng trong truyện cổ tích đâu. Vì chung quanh em còn có biết bao nhiêu là thầy là bạn sẵn sàng dìu dắt giúp đỡ em… Nói cho cùng, nếu em có phải đi đơn độc một mình không thể như vị hoàng tử bé bỏng kia, đầu ngẩng cao, lòng tự tin, chân bước đi trong mùi trầm ngào ngạt, tiếng mõ lời kinh rằng.
"Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhơn thiên phước báu, thinh văn, duyên giác, nải chí quyền thừa."
Xin gởi em, bạn đồng hành của tôi một nụ cười và lời chúc lành… Chúng ta cùng lên đường nhé!

Chiếc Áo Mới

Tý mới được má sắm cho chiếc áo mới, mừng lắm vội mặc liền và chạy ra ngã tư đứng để khoe với thiên hạ.
Nhưng lạ quá! Người qua kẻ lại dập dìu mà sao chẳng thấy ai nhìn thấy Tý có áo mới vậy cà!
Tý đang tiu nghỉu thì thấy một con heo chạy qua. Rồi cu Tèo hớt hơ hớt hải chạy đến hỏi:
-Tý có thấy con heo của Tèo chạy ngang qua đây không?
Ðược dịp Tý mừng quá đáp ngay:
-Từ hồi Tý mặc cái áo mới này đến giờ… Tý có thấy một con heo chạy qua Tèo ạ!
PC: Kiếm được một tiếng khen không phải là dễ.

Vô Minh Từ Ðâu Ra?

Sư Bất Không cùng vua Ðường Ðại Tông đang bàn luận Phật pháp thì quan hầu Ngũ Triều Ân xen vô hỏi:
-Phật bảo tất cả chúng sanh đều là Phật thì vô minh từ đâu ra?
Sư gạt ngang:
-Ông không được phép hỏi câu đó.
Triều Ân giận đỏ mặt. Thiền sư mỉm cười tiếp:
-Vô minh từ đó mà ra.

Con Công

Loài chim họp nhau bầu ra vua. Con công xoè cái đuôi to ra và tự ứng cử. Muôn thú đều đồng ý. Trong buổi đăng quang chim ác là hỏi:
-Này anh công, anh hãy cho chúng tôi biết là khi lên ngôi anh sẽ làm cách nào để ngăn bọn diều hâu không ăn thịt chúng tôi?
Vua công bí tịt.
PC: Ðẹp mã là một điều đáng quý và đáng hãnh diện. Phải có phước báu nhiều lắm, ta mới có được bộ dạng bề ngoài đẹp như công… nhưng mà, để đối chọi với bao sóng gió của biển đời, ta cần có một trí tuệ bén nhạy, lòng từ bi vô lượng và kiên nhẫn vô bờ kia!
Vì thế nên trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy người trì kinh nên ngồi tòa Như Lai và mặc áo Như Lai, không cần phải "đẹp cỡ Như Lai." Tòa Như Lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục và áo Như Lai là lòng từ bi vô lượng đó em ơi!

Thả Mồi Bắt Bóng

Một con chó mõm ngoạm thịt … đi trên tấm ván bắc ngang suối. Thoạt trông thấy bóng một con chó đang ngậm thịt dưới nước, nó liền nhả miếng thịt đang ngậm ra và lao ùm xuống suối để cướp miếng thịt kia. Sục sạo hồi lâu, chó ta vừa đói vừa lạnh và chẳng được gì cả!
Em thân mến!
Nên bằng lòng với miếng thịt hiện tại của mình đi nhé!
Thiền sư Ðạo Giai Phù Dung (1043-1113) một cao tăng Trung Hoa, trước khi chết có làm một bài kệ như thế này:
"Ngô niên thất thập lục
Thế duyên kim dĩ túc
Sanh bất ái thiên đường
Tử bất phạ địa ngục
Tán thủ hoành thân tam giới ngoại
Ðằng đằng nhậm vận hà câu thúc."
Dịch:
Tuổi ta bảy mươi sáu
Duyên đời nay đã đủ
Sống chẳng thích thiên đường
Chết đâu ngán địa ngục
Buông tay đi ngang ngoài ba cõi
Mặc tình bay bổng buộc ràng chi…

Bát Phong Suy Bất Ðộng

Tô Ðông Pha khi ở Trấn Giang có làm bài kệ tán Phật gởi cho thiền sư Phật Ấn, kệ rằng:
"Thánh chúa thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong suy bất động
Ðoan tọa tử kim liên."
Ngài Phật Ấn phê:
"Ðánh rắm! Ðánh rắm!"
Xong gởi trả lại ngài Tô Ðông Pha.
Tô Ðông Pha chèo thuyền sang hỏi:
-Thơ tôi chỗ nào không trúng mà ông phê như vậy?
Phật Ấn trả lời:
"Bát phong suy bất động
Nhất thí đã quá giang."

À Ra Thế

Sư một hôm có dịp đi ngang nhà người anh bèn ghé thăm. Người lớn đều đi vắng cả chỉ có thằng cháu mới lớn nằm ở nhà. Sư đành đi ra đi vào, nhìn thơ thẩn và chờ đợi. Thằng cháu quan sát vị khách quý hồi lâu, buột miệng nói:
-Có phải chú tính ăn vụng kẹo không? Ba má cháu đi vắng cả rồi, chú cứ lấy ăn cho đã thèm… cháu không mách lại đâu!
Sư: -???
Em thân mến!
Không riêng gì thằng cu này mà dường như toàn thể loài người chúng ta, bất kể già trẻ bé lớn, ai ai cũng nhìn người khác bằng cách "suy bụng ta ra bụng người" cả. Và có lẽ cũng vì thế mà đi đến bất cứ nơi đâu trên bất kỳ ngõ đường nào, chúng ta đều gặp cảnh các tôn giả chúng sanh đang đấm ngực, bứt tóc than: "Trời ơi! Sao mà khổ như ri! Sao chẳng ai chịu hiểu giùm tôi hết chơn hết chọi! v.v… và v.v…



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2014(Xem: 4897)
Chạy hơn trăm cây số vào thành phố, đến trạm kiểm tra của cảnh sát, Hà Tam hết sờ túi này lại nắn túi nọ, tìm mãi không thấy giấy phép lái xe đâu. Hà Tam thừ người ra: Giấy phép lái xe rõ ràng là để trong chiếc ví da lúc nào cũng mang trong người, vậy sao lại tìm không thấy? Cẩn thận nhớ lại, Hà Tam mới chắc là chiếc ví da đã bị rơi khi mình chui vào gầm xe sửa chữa. Đành phải để xe lại trạm cảnh sát, Hà Tam vội vã vẫy taxi quay lại chỗ sửa xe.
25/03/2014(Xem: 5703)
Hồi đức Phật còn tại thế, trong kinh thành Vương-xá của vương quốc Ma-kiệt-đà, có một vị trưởng giả tên là Thất Lị Cấp Đa, vốn là tín đồ thuần thành của giáo phái ngoại đạo Lõa-hình.
24/03/2014(Xem: 27675)
Nói đến chùa Thiên Ấn không ai còn lạ về ngôi chùa này, một thắng tích được xem là “đệ nhất thắng cảnh„ cách trung tâm 3,5km (độ 10 phút xe hơi) nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc của thành phố Quảng Ngãi.
19/03/2014(Xem: 5692)
Điểm xuất phát từ Tp. Long Xuyên, bây giờ đã hơn 20 giờ ngày 7.02al năm Giáp ngọ (2014), tổng số trong đoàn Tham quan và Cứu trợ trên dưới 150 người, trong đó có 10 vị thầy, thầy G. Tín là trưởng đoàn. Xe đến xa lộ Nam Saigon hướng thẳng cầu Phú Mỹ trong khu vực Quận 7, Tp. HCM, tiếp tục băng qua ngả tư Cát Lái giao lộ mới tiếp giáp đoạn đến cầu vượt sông Đồng Nai đến Thị Trấn Long Thành, hướng về Bình Sơn để trổ ra ngả tư Dầu Dây, rồi trực thẳng Long Khánh, Phan Thiết.
16/03/2014(Xem: 5734)
Văn Sinh là một cựu sinh viên Văn Khoa thiên về Triết Đông cho nên tính khí cũng có hơi bất thường. Bất thường ở đây không có nghĩa là “mát dây” mà ưa suy nghĩ về những gì con người không suy nghĩ hoặc những gì mà cả xã hội cho rằng “Ôi dào! Đời là thế, suy nghĩ làm gì cho mệt!”
13/03/2014(Xem: 4102)
Một ngày nắng thật đẹp, cái nắng ngan ngát rực rỡ của mùa Xuân lan tỏa khắp vạn vật vàng ánh trên những thảm cỏ xanh tươi mượt mà, những căn nhà chập chùng đan san sát nhau ẩn hiện trong những cánh rừng thưa vẽ nên một bức tranh êm đềm thơ mộng trên những ngọn đồi thấp.
12/03/2014(Xem: 6857)
Mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều như cây cỏ thiếu ánh nắng, thiếu nước tưới nên cằn khô chai sạn, và chỉ biết đến tiếng cười khi được một tu sĩ Phật giáo đưa về ngôi nhà chung ở Thiên Cầm
20/02/2014(Xem: 8962)
lua_tam_muoi Đừng đùa với lửa, có ngày sẽ bị phỏng tay. Câu dọa này Hoa Lan nghe đến mệt cả tai rồi nhưng vẫn chưa ngán một tí nào. Cô nàng chẳng thèm đùa với lửa thường, loại lửa dùng để nấu cơm thì ăn thua gì, nàng phải đùa với loại lửa thứ dữ cơ, phải đốt cháy hết cả tim gan phèo phổi mới chịu. Còn thứ lửa nào dữ dội hơn Lửa Tình phải không các bạn?
07/02/2014(Xem: 5121)
Có thầy nọ sống đời tu hành rất mực thánh thiện. Không kể những lúc bắt buộc phải nhín chút thời gian dành cho các sinh hoạt cần thiết của đời thường, thầy luôn cố gắng thu xếp tối đa thời gian trong ngày để cầu nguyện, tụng kinh, ngồi thiền, v.v
29/01/2014(Xem: 6884)
Không biết trong bảng tử vi của anh Năm Nhiều có phải “Mệnh thân có tử vị cư Mão Dậu gặp Kiếp Không” hay sao mà đời anh lại gắn liền quá mật thiết với sự cung kính dường đó. Phải chứng kiến sự sắp đặt quy mô của bàn thờ nhà anh mới thông cảm được phần nào sự an bài bất khả kháng của Hóa công. Nhà nhỏ lợp tranh đã cũ mèm, gần nát vụn ra và vách đất. Nền nện đất, nứt thủng ở nhiều chỗ. Hai cái cửa sổ lùa và một cửa ra vào bị mái che thấp xuống nên ánh sáng vào quá ít. Nhà thành ra tối hùm hụp suốt ngày. Tôi chưa hề nghe một ngọn gió nào thổi ngang qua đây nên ngồi trong nhà thì phải ngửi mùi hôi thối cố hữu của ngôi nhà, mùi hôi lưu lại từ ngày mẹ anh còn bán nước mắm, dầu lửa,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]