Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 16. Vịnh Unawatuna

11/06/201317:20(Xem: 3389)
Chương 16. Vịnh Unawatuna

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 16

VỊNH UNAWATUNA

Chúng tôi không có báo cho Sam ngày trở lại, nhưng anh biết chúng tôi có thể về bất cứ lúc nào. Anh rất vui gặp lại hai chúng tôi và muốn biết kết quả của khóa tu học vừa xong. Thật rất khó cho tôi tường thuật đầy đủ chi tiết vì biết trình độ thiền của anh chưa đến mức chuyên sâu. Do đó tôi chỉ mô tả sơ lược để tránh cái lỗi lầm đi giảng tỉ mỉ môn vật lý nguyên tử bằng vài câu ngắn gọn cho người có trình độ toán học hạn hẹp. Chiều tối, vài bạn của Sam ghé chơi, theo thói thường trong những ngày lễ­ lạc. Mọi người có dịp chuyện trò và tôi được nghe biết thêm về Vesak và tục lệ Tích Lan.

Vesak là l­ễ Phật giáo tuơng tợ lễ­ Giáng Sinh của đạo Chúa. Đó là ngày vui nhứt của ba sự việc tốt lành xảy ra trong đời Đức Phật: đản sanh, thành đạo và nhập diệt hay đạt Vô Dư Niết Bàn (Paranibbana). Theo truyền thống Theravada ba sự việc trên đều xảy ra trong ngày trăng tròn tháng Năm của niên lịch Nguyên Thủy[18]. Vì vậy ngày trăng tròn tháng Năm, gọi là ngày Vesak, được xem như tam-l­ễ-nhựt và là một lễ­ quốc gia Sri Lanka nghỉ tới ba hôm.

Đúng ngày trăng tròn hầu hết Phật tử thuần thành đều dành thì giờ để suy nghiệm, lễ­ bái và thiền định. Họ đi chùa, vô lâm tự (chùa trong rừng) hay đến một địa điểm đặc biệt nào đó làm lễ­ 'sil '. Họ đến với y phục trắng cổ truyền gọi là 'bộ sil '. Họ bắt đầu từ lúc 6:00 giờ sáng, tham dự chương trình l­ễ cả ngày gồm nhiều tiết mục như: thọ Tam Quy và Ngủ/Bát/Thập Giới do sư trụ trì truyền, pháp thoại do sư của chùa hay khách (có thể là sư hay cư sĩ) mà chùa mời tới giảng, puja, tụng kinh, và thiền. Tại các trung tâm thiền có tiếng như Kanduboda và nhiều viện trong rừng xa, Phật tử chí tâm đến từ ngày hôm trước và ở lại hai ba hôm để lễ­ bái và nhứt là để thiền. Một số đông khác đến chùa địa phuơng vài tiếng để dưng bông, tụng kinh, viếng sư, và nghe bana. Số khác làm lễ­ puja hay ngồi thiền trước bàn thờ tại nhà. Sam cho biết thêm ở Sri Lanka, ngoài Vesak, Phật tử còn hành l­ễ tương tợ vào tất cả những ngày trăng tròn mà dân chúng gọi là ngày Poya .

Sau cơm tối, Sam cùng Tilak và hai bạn nữa đưa chúng tôi xuống đại lộ Galle Face xem pandals. Pandal là những kiến trúc bằng gỗ sơn phết sặc sỡ mô tả đời sống của Đức Phật hay tiền kiếp của Ngài (Kinh Jakata). Nhiều pandal rất to, cao tới ba mươi bộ, được kết đèn hoa chớp nháy muôn màu. Có thêm nhạc phát thanh inh ỏi nhằm thu hút sự chú ý của khách nhàn du. Đi xem pandal là một dịp để bà con ra khỏi nhà, dạo phố, gặp bạn, và chuyện trò. Trên đường đi dạo, tôi quan sát thấy không mấy người thật sự suy ngẫm về Tứ Diệu Đế dầu họ nhìn say mê các pandals trang hoàng lòe lẹt. Theo ý tôi, tiền dựng và trang trí đèn hoa cho pandals nên dành để nuôi người nghèo hay cho các công tác từ thiện thì hơn. Tôi thầm cười không biết Phật nghĩ thế nào khi thấy dân chúng kỷ niệm Ngài và lời dạy muôn thuở của Ngài như vậy. Từng quen sống với nội tâm và chiêm nghiệm vô thường, tôi không thể bỗng nhiên hướng ra ngoài để vui với các thú vui này. Tuy nhiên, đây là một dịp đi ra cho biết dân tình và văn hóa địa phương.

Hôm sau tôi và Chris đến một ngôi chùa lớn để viếng vị thầy uyên bác khả kính mà Sam có lần nhắc tới. Chùa có tên là Vajirarama và thầy là Sư Narada. Ông viết nhiều sách Phật, chu du khắp Đông Nam Á Châu, có công phát huy tông Theravada ở nhiều nơi. Ông vừa là vị sư, bực thầy và người bạn tâm linh rất được kính nể tại quê nhà ông. Lúc tới nơi, chúng tôi thấy ông ngồi trên chiếc ghế trước cửa thư viện chùa, đang nói chuyện với hai đạo hữu, nên đứng đợi đằng xa. Đến lượt mình, chúng tôi bước lại thi l­ễ. Thầy mời chúng tôi ngồi xuống chiếu trải dưới thềm. Thầy là vị sư già có nụ cười rất thân thiện. Bằng tiếng Anh lưu loát, Thầy hỏi ngay chớ chúng tôi từ đâu đến, ở Sri Lanka bao lâu rồi, và có tập thiền không.

Sau lời chào mừng, tôi thưa rằng đã gia nhập tông Mahayana ở Nepal, có học chút ít thiền minh sát với Thầy Goenka, và vừa xong khóa tu học ở Kanduboda. Thầy trầm tư theo dõi, mỉm cười nói 'Tiếp tục, Tiếp tục'. Tôi tiếp tục trình bày tại sao quán niệm tánh vô thường đã dẫn tôi đến nhận định bản chất Không và không thỏa mãn của ngũ uẩn và tại sao nay tôi không còn ý muốn theo đuổi trần thế mà muốn trở thành tu sĩ. Nghe tôi xong, Thầy nói 'Tốt, Tốt', với tia sáng trên khóe mắt. Thầy tặng tôi quyển kinh Pháp Cú Dhammapada của Thầy dịch ra Anh ngữ từ tiếng Pali. Lần đầu tiên tôi được đọc lời dạy minh triết, ngắn gọn và chính xác của Đức Phật, tôi rất vui mừng. Tôi chân thành cảm tạ Thầy.

Thầy Narada cho chúng tôi biết thêm có một sư người phương Tây tên Samitta đang lưu tại chùa Vajirarama trong vài hôm. Sư từng theo khóa học Kanduboda và đang chọn tu khổ hạnh. Tôi mong muốn được gặp sư để biết thêm về các tu sĩ Tây phương sanh sống tại đây; lúc ở Kanduboda tôi không có dịp nói chuyện tự do với hai thầy người phương Tây tại đó. Thầy Narada nói chúng tôi có thể gặp sư nếu sư rảnh và cho người vào mời sư ra. Trong lúc chờ đợi, Thầy bảo chúng tôi có thể vô xem qua thư viện nếu muốn.

Sư Samitta đến. Ông trông rất thanh thản và tỉnh thức. Ông bước chẫm rãi ngang sân, đến ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Thầy Narada giới thiệu chúng tôi với sư rồi để chúng tôi trò chuyện với nhau. Thầy đứng lên đi dạo quanh các tháp mới quét vôi trắng trong khu cổng vào, nơi có một số Phật tử đang tề tựu. Sư Samitta nói ông không thể nói chuyện lâu hay bàn thế sự vì không muốn bị phân tâm. Ông nói thêm rằng Phật pháp chơn chính phải được hành trì chớ không phải là những câu chuyện suông. Tôi hiểu và thầm cám ơn ông. Ba tuần tu học ở Kanduboda cho tôi thấy nói chuyện lâu với Sam và bạn anh chỉ thêm phiền và mệt. Sư Samitta thọ giới sáu tháng trước đây ở Kanduboda. Ông đang trên đường tìm những nơi hẻo lánh để tự tu một mình. Ông nói ông muốn đến những rừng có thú và rắn rít hầu thực tập chú tâm và trấn an. Tôi hỏi sư về số người Tây phương tu ở Tích Lan, sư trả lời không biết rõ vì họ đến rồi đi liên tục; sư đoán chừng hai muơi hai mươi lăm vị sống rải rác trên toàn đảo, trong những cốc nhỏ hay những chùa trong rừng. Sư nêu tên một tự viện nổi tiếng, Island Hermitage, và nói tu sĩ Tây phương thường trú tại đó hồi gần đây, có khi hai ba vị một lúc. Tự viện nằm trên hòn đảo nhỏ giữa đầm nước lớn, gần Galle, dưới chót đuôi bờ biển Nam.

Vì thấy tôi quá nhiệt tâm, sư Samitta tiếp tục câu chuyện lâu hơn dự định và cho biết thêm tin tức về một số tỳ kheo[19] ngoại quốc thuộc thế hệ gần đây. Đặc biệt, có một cố tỳ kheo người Anh, Nyanavira, được biết từng tu tới hàng thánh (Nhập Lưu[20], bậc đầu tiên của Bồ Tát giới). Ngài sống một mình một thời gian dài trong cái cốc nhỏ trong rừng gần làng Bundala trên bờ biển Nam. Dầu được xem như đã đến bờ giác nhưng Ngài lại tự hủy mình bằng cách dùng bao nylon trùm đầu cho đến chết ngộp. Nghe nói Ngài bị đau bao tử và không chịu nổi các cơn đau hoành hành. Hành động tự tử làm nhiều người nghi ngờ tánh giác của Ngài, bởi người đã nhập lưu không thể tự hủy mình--tự tử là phạm giới cấm thứ nhứt. Sư Samitta kể thêm trường hợp của một tỳ kheo người Mỹ sống ở cốc Nyanavira hai năm trước đây. Ngài đạp phải và bị rắn độc cắn lúc đi đêm trong rừng không có đèn bấm. Ngài chết ngay vài giờ sau đó. Cốc của ngài hiện do một tu sĩ người Pháp ở; sư Samitta có đến viếng ông vài lần. Ông chọn sống cuộc đời khổ hạnh của tỳ kheo nơi hoang dã để thử thách tâm và để cho những mối lo sợ sâu thẩm, bản ngã cũng như nhiều chướng ngại khác xuất lộ. Được nghe chuyện của các tu sĩ Tây phương chuyên tâm tu học và hiến thân cho Đạo pháp tôi rất phấn khởi. Đã nói khá đủ cho một ngày, sư Samitta xin kiếu về phòng ngồi thiền chiều. Tôi cám ơn sư đã dành cho nhiều thì giờ và đã đưa nhiều tin. Trước khi tạm biệt tôi xin đuợc gặp lại sư, và sư trả lời: 'Rất có thể.'

Hôm sau đúng là ngày trăng tròn Vesak. Chris và tôi ở lại nhà, vô phòng nhỏ của chúng tôi ngồi thiền và đọc sách. Chiều, chúng tôi theo Sam và gia đình anh đến chùa gần nhà để họ dâng hoa và l­ễ bái dưới cội bồ đề cũng như trong chánh điện. Tôi ngồi trên lối cát rộng, dưới gốc cây thiêng, quán niệm sự đấu tranh của Thái Tử Siddharta với Mara[21] lúc Ngài thiền định dưới cội bồ đề. Kế bên có thêm một ít bà lão ngồi đọc kinh hay âm thầm tham thiền. Một số khác, gồm nhiều phụ nữ mặc trắng và trẻ con, vừa đi nhiễu quanh cây vừa niệm chú hay xướng Sadhu, Sadhu, Sadhu.

Tôi cảm thấy mình có chút tự phụ 'thánh thiện hơn[22]' và mình đang cố ngồi kiết già cho thật chỉnh. Tôi biết ý nghĩ cho rằng mình hiểu đạo hơn nhờ thiền và yoga là một chướng ngại nhưng tôi không làm sao gội rửa sạch. Sau hơn hai mươi phút để tâm viên nhảy quanh như vuợn, tôi không biết ai hành trì đạo pháp chuyên chánh hơn ai. Có phải là tôi đang ngồi như vị thánh sống mà tâm trí bị nhiễ­m độc tố tự phụ hay là các bà đang đi nhiễu và xướng Sadhu, Sadhu, Sadhu với tâm chơn chất nhưng thành khẩn? Tình huống này tôi gặp phải rất nhiều lần rồi nhưng khó mà giải quyết một cách thật tình.

Chung chung, hôm ấy là một ngày yên lành và cũng là ngày giúp tôi hiểu thế nào là Phật giáo Tích Lan mà tôi sẽ có dịp tiếp xúc trực tiếp hơn về sau. Trước khi vào giấc ngủ, tôi mơ mình làm một tỳ kheo khổ hạnh, ở một mình trong rừng, sống đời lý tưởng của một nhà sư, và quay lưng lại thế giới bên ngoài. Tôi nào có biết đúng ngày Vesak này năm sau tôi thọ giới sa di (samanera).

Từ lúc rời không gian yên lành và thích hợp của Kanduboda, tôi tự nhiên mất dần sự tỉnh thức trong từng cử động một và quay lại trạng thái cảm thọ thông thường. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm tàng trong tôi chút cảm quan về nội tại mà tôi có thể phản hồi dễ­ dàng để đưa tâm trở lại quán chiếu sự không vuớng bận bất kỳ những gì tôi nghĩ tới hay hành động. Khả năng này, tôi nghĩ, cần được gìn giữ, và nếu giữ được ngay trong lúc du lịch, sinh hoạt cộng đồng, hay sanh sống hằng ngày, thì là một thành đạt đáng kể.

Trong hai ngày ở Colombo, Chris và tôi có bàn chương trình sắp tới. Lúc ở Kanduboda Chris có quen một yogi người Anh tên Gordon, chính là anh chàng rời viện trước chúng tôi một tuần đó. Gordon mướn nhà sống với bạn gái trong vịnh Unawatuna. Vịnh có bãi cát dài hình liềm rất vắng lặng, cách Galle vài dặm về phía Nam. Nghe tả tôi có cảm tưởng đó giống Hồ Arambol, một nơi lý tưởng cho việc tự tu của tôi. Chris cũng nghĩ như vậy. Hai chúng tôi quyết định dến đó càng sớm càng tốt. Nhà của Sam hơi chật và không tiện cho việc tu tập của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi không muốn làm phiền anh lâu hơn và muốn giữ tình chủ khách mãi đậm đà. Mỗi lần chúng tôi đến ở là nhà anh phải có một người--bạn, người thân, hay là người làm--phải trải chiếu ngủ ngoài phòng khách; tôi khó chịu dẫu Sam nhấn mạnh là ok. Tôi có thử đặt mình vào vị trí chủ của anh và có biết đâu là giới hạn.

Trước khi rời Colombo, tôi xuống nhà sách Lake House dưới phố tìm mua ít cuốn đem theo đọc. Tôi nghĩ chắc sẽ có nhiều thì giờ dư lắm. Ngoài ra, tôi cũng muốn biết thêm về Phật học và các môn liên hệ. Tôi muốn kiếm loại sách mỏng chuyên đề của Wheel viết về triết lý Theravada. Sau một hồi lục lọi và vài phút do dự, tôi chọn các đề tài Luân Hồi và Tái Sanh, Duyên Khởi, Kinh Satipatthana, Năm Yếu Tố Giác Ngộ, và Bát Chánh Đạo. Tôi còn mua thêm quyển Living by Zen[23] của D.T. Suzuki. Nhơn lúc ở dưới phố, tôi ghé qua Pettah mua thêm một sà rong mới. Quen với cách ăn mặc thoải mái này, bây giờ tôi thích vận sà rong và thấy không còn cần quần dài nữa. Thay vì sà rong thường, tôi để ý kiểu mà các tu sĩ hay mặc với ngoại y. Loại sà rong này, còn gọi là 'y trong' để mặc bên trong ngoại y, may theo lối vá quàng với nhiều ô vải màu vàng và cam mà tôi rất thích. Tôi không cần đắn đo có nên mặc sà rong tu sĩ hay không, dẫu có nhớ tới bộ râu xồm xàm còn trên cằm và mình chưa phải là thầy tu. Tôi vô tiệm hỏi, nguời bán hàng bán liền không thắc mắc gì ráo.

Chris và tôi cám ơn anh chị Sam và mẹ của chị đã tiếp đãi chúng tôi rất nồng hậu và cho chúng tôi ở không[24] những lúc chúng tôi cần. Anh Sam nói nhà anh sẵn sàng đón tiếp chúng tôi bất cứ lúc nào chúng tôi dến Colombo; chúng tôi hết lòng đa tạ anh. Thiệt rất tiện cho chúng tôi có được một chỗ dùng làm điểm liên lạc và gọi là nhà. Từ rày thư từ của tôi có thể đến đây thay vì phòng thư lưu ở sở bưu điện và tôi khỏi mất thì giờ đi xuống GPO[25]; ngoài ra, sách báo gởi tới tôi cũng khỏi sợ bị thất lạc. Nhưng điều quý nhứt là được ở với một gia đình trung lưu địa phương để có thể học hỏi về nếp sống và tình nghĩa của họ cũng như chia xẻ với họ kinh nghiệm xa lạ của chúng tôi.

Chạy khỏi Hikkaduwa vài dặm, xe buýt tới làng Dodanduwa. Vừa qua Dodanduwa tôi thấy đằng phía xa cái đầm lớn, giữa đầm có hòn đảo nhỏ với nhiều cây cối, đảo Hermitage. Trên đảo có mái ngói đỏ lờ mờ (mà sau này biết ra là mái thư viện của tu viện). Tu viện nằm trong khung cảnh lý tưởng mà tôi muốn viếng một ngày trong tương lai. Tôi tưởng tượng nơi đó có nhiều tu sĩ/yogi mặc sà rong ngồi dưới gốc cây tham thiền về vô thường hay sanh tử.

Tại Galle chúng tôi đổi xe đi xuống phía Nam chừng ba dặm để tới nhà của yogi Gordon ở Unawatuna. Theo bản đồ mà Gordon vẻ cho Chris, nhà nằm sâu vô trong, cách đường cái lối nửa dặm. Chúng tôi đi qua làng rợp bóng dừa, lòng vui thơi thới. Một đám trẻ con theo nhìn đăm đăm hai anh chàng 'sudik' mang xách lủng lẳng trên vai. Ra tới vịnh, mắt tôi hoa lên bởi làn nước màu ngọc thạch phẳng lặng như gương trải dài chừng một phần tư dặm tới mỏm đồi dừa đằng xa. Dưới chân đồi, trên chót bãi cát cong, nhiều nhà nhỏ màu vàng xếp thành một khu rộng sau bức tường rào. Khu nhà riêng biệt một mình, bãi cát mênh mông không một bóng người, quang cảnh yên lành khôn tả. Tôi như bị thôi miên, tuởng chừng đã có gặp cảnh nên thơ này đâu đó rồi và có cảm tưởng một mối dây liên hệ đang buộc chặt tâm tôi với nơi đây. Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn cảnh mộng và thấy lòng mình say mê như phê thuốc.

Thấy Chris không bị chi phối nhiều và đang kiên nhẫn chờ tôi cùng đi đến nhà Gordon cách đây không xa, tôi nói Chris đi trước rồi tôi sẽ theo sau. Tôi muốn đi vòng cái vịnh nhỏ để nhìn cho rõ nhưng chợt tỉnh nên tới gặp bạn trước. Nhà của Gordon và Mona màu trắng, khá lớn, có sân rộng, nằm khuất sau con đường làng. Hai anh chị mừng gặp chúng tôi. Sau những lời chào hỏi thân mật anh chị mời chúng tôi vào nhà uống trà. Trong câu chuyện, tôi hỏi anh chị có biết khu tường bên kia là gì không. Mona trả lời hình như là một cái đền Hindu hay Phật giáo gì đó. Theo sự không rành của chị thì đó được gọi là kovil hay devale, nơi thờ thần Hindu, nhưng cũng có một tượng Phật lớn trong ấy. Đền không có người ở và thường được khóa chặt. Mona rất tiếc không biết hơn nên nói tôi có thể tìm hiểu thêm với dân làng mà có vài người nói sỏi tiếng Anh. Tôi kể lại cảm nghĩ của mình khi thấy khu đền ấy và nghĩ rằng nơi đó rất tốt cho tôi tạm trú trong lần tới đây.

Tôi chưa hết mê say với cảm giác ban đầu nên mong được sớm đi hỏi thăm. Tôi bèn xin kiếu, còn Chris chọn ở lại chơi với hai bạn mới. Tôi trở ra bãi. Vẻ đẹp thiên nhiên của đầm làm tôi mê say thêm lần nữa. Trọn bãi dài mênh mông, chỉ có vài ngư phủ đứng trên đám hoa đá dưới nước lắp xắp chưa tới đầu gối và một ít thuyền catamaran hai thân bản xứ phơi mình trên cát. Gió biển nhẹ thổi qua tàu dừa tạo âm thanh như nhạc reo. Tôi theo bờ cát đi lần tới điểm đến. Khu đền nằm ngay dưới chân mỏm đồi đá có nhiều bụi thấp và dừa rải rác. Cổng đền không có khóa. Tôi vô trong, nhìn quanh, rồi đến xem ba ngôi nhà mà cửa đóng chặt. Không một bóng người; lá rơi đó đây trên sân; hoang sơ in dấu trong nhiều gốc. Nhìn qua lỗ khóa vô trong tòa nhà lớn nhứt, tôi thấy tượng Phật to ngồi trong nội điện nhỏ không cửa sổ.

Ra bờ tường sau tôi đứng nhìn sóng Ấn Độ Dương xô về, cuộn vòng mỏm đá vô bờ. Dọc bờ vịnh có con đường xuyên làng với nhiều hàng dừa cao. Đường xa đây gần nửa dặm nên tiếng xe cộ không ồn ào mà âm ỉ hòa quện với tiếng sóng vỗ lên ghềnh. Tôi quanh quẩn trong khuông viên đền thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên xa lạ trong sự tĩnh mịch huyền bí 'siêu thực'; tôi chợt nhớ tới chuyện Robinson Crusoe trên đảo hoang nhiệt đới. Một luồng năng lực vi tế đặc biệt thấm nhập toàn khu. Mặt trời vừa lặn bên kia đồi. Ráng hồng lơ lửng bay. Không gian trở nên diễ­m ảo. Tôi 'được ban sủng hồng ân.'

Tôi quyết định dừng chân lại đây, ngay bên trong hay cạnh đền, để thiền định một thời gian. Tôi có thể luyện yoga trên ô cỏ gần cổng dựa mé nước và ngủ luôn trên bãi cũng đuợc. Nếu mưa, tôi có nền xi măng dưới mái hiên quanh chùa. Tôi hy vọng sẽ được phép mở cửa vô chánh điện l­ễ puja và ngồi thiền. Còn thiền hành, tôi xin đi trên những lối cát trong khu. Tôi toan tính hơi nhiều, có lẽ tôi phải bắt đầu từ chỗ khởi đầu. Trước tiên tôi phải tìm người giữ chìa khóa để hỏi xem phong tục địa phương về thờ tự có cho phép tôi ở trong hay gần đền chăng, chớ tôi không thể làm càng rồi xin phép sau. Ngoài ra, tôi cũng cần hỏi Chris vì rất có thể Chris cũng muốn ở đây với tôi để có anh có em và cùng nhau thiền. Bây giờ đã tối không làm gì hơn được, tôi sẽ nhận lời Gordon và Mona ở lại đằng nhà anh chị đợi sáng mai tính sau.

Để rút gọn câu chuyện, tôi xin nói ngay là sau đó tôi được vị sư trong làng cho phép sử dụng đền devale. Thầy đưa tôi cả chìa khóa vô chánh điện để chúng tôi vào ngồi thiền. Mỗi ngày chúng tôi lại nhà Gordon và Mona ăn cơm theo lời mời của anh chị. Trong vài ngày đầu Chris và tôi nhịn ăn để d­ễ vào lối tu khổ hạnh.

Thấy chúng tôi theo đường làng xuống vịnh, bà con ra cửa đứng tò mò nhìn, bởi không mấy khi có du khách Tây phương đến đây. Bãi biển và devale đều vắng vẻ như chiều hôm trước. Tôi mở cửa vô điện thờ Phật xem kỹ. Ngài ngồi thế kiết già với áo choàng màu cam đặc biệt của Tích Lan. Tượng được đúc bằng gạch và xi măng choáng hết khoảng không gian của điện thờ; đế tượng chỉ cách cửa chừng nửa thước. Trước tượng có chiếc bàn để đèn cầy, đèn dầu, nhang, và hoa. Trong góc có thùng phuớc sương. Chris và tôi bắt đầu làm l­ễ puja: lên đèn, thắp nhang, lạy ba lạy, quy y Tam Bảo bằng tiếng Pali, và đọc kinh Tây Tạng để động viên tâm linh và hồi hướng công đức đến mọi chúng sanh.

Lễ­ xong, Chris và tôi trải nóp ngoài hiên sau chùa khuất tầm nhìn của khách thập phương. Tôi vận chiếc xà rong tu sĩ vàng lần đầu tiên và cởi áo để được thoải mái hơn trong bầu không khí nóng ẩm của vùng nhiệt đới.

Chiều, hai chúng tôi dành trọn buổi đi xem vùng lân cận. Chúng tôi leo lên đồi nhìn quang cảnh rực rỡ chung quanh. Nơi chúng tôi đứng là mỏm đá của một dãy núi kéo dài hai dặm từ Galle, làm bờ chắn thiên nhiên ngăn sóng lớn từ biển Ấn Độ vô vịnh. Mỏm có biển bao quanh trừ dãi đất không quá năm mươi bộ nối với đất liền. Trong vịnh, bờ biển được viền bởi một rạng san hô khiến sóng đỗ ngoài khơi và tạo một làn nước êm màu ngọc thạch dọc bãi. Nước, nước trong ngần khắp nơi. Với ngọn dừa xanh du đưa trong gió và bãi cát trắng hình vòng cung trải dài xuống phía Nam. Thành phố Galle với thành lũy cổ do Hòa Lan xây từ thế kỷ 17 và hải đăng mới dựng có thể nhìn thấy đằng xa, cách đây lối một dặm. Nhìn chung, cảnh quang phô bày một nét đẹp khôn tả, nét đẹp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo này sẽ chế ngự tâm tư tôi trong những tuần sắp tới.

Giấc mơ tôi đã thành sự thật. Tôi không thể không nghĩ duyên kiếp nào đã đưa đẩy tôi đến thiên đàng xa xôi này. Tôi đang ngồi đây, trên bãi biển vắng lặng, giữa vùng duyên hải tuyệt trần mà tôi chưa bao giờ biết; tôi mê say--không phải bằng ma túy. Tôi dừng chân nơi này, phải chăng để thăm xã giao hai bạn Gordon và Mona hay vì một nguyên nhân sâu xa hơn? Theo cách tôi bị mê hoặc, tôi nghĩ nơi này có lực vô tình thu hút tôi như khối nam châm to. Và, bây giờ đến rồi, tôi sẽ ở lại đây bao lâu? Vấn đề này cũng ngoài vòng kiềm tỏa của tôi, tôi xin phú cho trời vậy. Khi tôi đã học đủ những gì tôi cần đưọc truyền dạy, tôi sẽ ra đi theo duyên định đoạt bởi nghiệp số mà tôi đã tạo trong quá khứ và hiện tại. Tiếp tục suy tư, tôi nghĩ đến những biến chuyển trong đời, nhứt là trong những năm sau trung học, đã dẫn dắt tôi tới phương Đông này. Tôi có cảm tưởng bước đường trong quân ngũ với ma túy ảnh hưởng nhiều đến tiềm thức tôi để tôi bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của cái gọi là xã hội thông thường và sự mưu cầu hạnh phúc. Rồi từ đó, tôi bị cuốn hút vô Thiền Tiên Nghiệm và tiếp theo là đi Ấn Độ với nhiều vấn đề riêng tư (như giao du với Gail, buôn lậu ma túy, tù ở Afghanistan, vân vân) mà tôi rút tỉa kinh nghiệm cho mình. Từ ngả ba Kopan, tôi chuyển hướng sang tìm nội tâm hay sự Thật. Tôi thực sự muốn tìm với tất cả tâm huyết mình và cả sự thôi thúc tiềm tàng trong tâm tôi. Chuỗi biến chuyển này, tôi sẽ chiêm nghiệm nữa hầu hiểu rõ hơn thế nào là Tái Sanh Làm Người Toàn Hảo.

Chris và tôi thức dậy lúc rạng đông. Chúng tôi lên đèn, thắp nhang rồi ngồi thiền ngay trước cửa điện Phật chừng một tiếng đồng hồ. Lúc bấy giờ ánh nắng ban mai chiếu vô cửa và tiếng quạ đánh thức chúng tôi ra khỏi tham thiền hay giấc mơ ngày. Tới giờ tập yoga ngoài bãi, giờ tập mà chúng tôi luôn hằng mong. Thay quần ngắn, chúng tôi xách đệm ra trải trên đám cỏ gần bãi cát. Triều lên, nước lắp xắp dưới chúng tôi chừng vài bộ. Sau khi xướng AA-OO-MM vô ba buồng phổi như đã học, chúng tôi tập các thế hữu cực (polarity) trong vòng một tiếng. Chúng tôi không hối hả vì đã có ý định nhịn ăn hôm nay rồi. Nắng ấm sáng nhẹ chiếu lên toàn thân, tôi cảm thấy mình đang thấm nhập nguồn năng lượng thư giãn nhưng đầy sinh lực.

9:30 giờ sáng: nắng nóng. Tôi vô núp dưới hiên. Chris đang ngồi đọc sách ở đây. Tôi lục xách nhưng chưa biết phải lấy tập sách Wheel nào. Sau phút lưỡng lự ban đầu, tôi rút tập Kinh Satipatthana Sutra. Đây là kinh Phật dạy về cách phát triển và thực tập nội kiến/trí tuệ dưới hình thức bốn trụ cột của tỉnh thức (xem tr. 323, q.II). Được biết phương pháp đặc thù và thông dụng của minh sát được trích từ các lời dạy bao hàm này. Tôi theo Chris ngồi xuống dựa cột lật sách đọc; tôi rất mong đuợc biết nguyên bản của lời Phật dạy.

Sau một giờ đọc rất thích thú, hai chúng tôi vào thiền cũng một tiếng. Trước khi xả, tôi nghe có tiếng người vô devale. Tôi cố đẩy tiếng động ra khỏi tâm bằng 'nghe, nghe' nhưng vô hiệu. Họ theo lối lên điện Phật, đến gần chúng tôi, vừa thì thầm vừa bày biện gì đó lên bàn trong góc. Tò mò muốn biết họ làm gì, tôi hé mi và chạm phải ánh mắt họ chăm chú nhìn tôi. Tôi liền nhắm mắt lại và tiếp tục nghĩ. Có hai bà lớn tuổi, một ông và hai em bé với một vài giỏ xách để trên bàn. Rõ ràng họ muốn chúng tôi lưu ý; tôi nghì rằng mình sẽ thất l­ễ nếu làm lơ và thiền giã đò. Biết họ biết tôi thấy họ rồi, tôi mở mắt ngó Chris; anh đang đợi tôi hành động trước. Các bà con lay hoay lấy chén dĩa và hộp đựng thức ăn trong giỏ ra. Tôi biết ngay họ muốn đem cơm đến cho chúng tôi. Không ai nói được tiếng Anh, tôi phải dùng mớ Sinhalese tôi biết và ra dấu bảo chúng tôi nhịn ăn hôm nay. Đoán họ tưởng lầm chúng tôi là sư sãi nên cúng dường, tôi bèn chỉ râu tóc mình và nói 'Không phải sư, không phải sư.' Nhưng vô vọng. Các dân làng chất phác này không hiểu lời giải thích vô bổ của tôi hoặc họ không tin hay không cần biết. Đối với họ, chúng tôi chỉ phải ăn, sư hay không phải sư không cần biết, họ cứ múc cơm và cà ri vô đầy dĩa. Trễ­ rồi. Chris và tôi ngó nhau bối rối. Tôi nói chúng ta chắc phải ăn một chút để làm vừa lòng họ. Họ là những Phật tử thuần thành rất thật thà. Hai bà chuẩn bị lăng xăng nhứt. Và họ đang múc một dĩa nhỏ cúng Phật, cúng Phật trước rồi mới cúng tăng, tục lệ là như vậy. Kế, họ quỳ trước bàn Phật tụng một thời kinh cúng duờng[26].

Cúng xong, họ bưng tới chúng tôi hai ly nuớc để chúng tôi uống và rửa tay trước khi đem lại hai dĩa cơm vun chùn. Rồi hai bà bước trái ra sau đứng chấp tay chừng như đợi chúng tôi nói lời gì. Vì không rành lời nguyện cổ truyền của sư sãi, tôi nói "Bohoma stuti "(Rất đa tạ). Họ có vẻ khoái chí khi nghe tôi nói tiếng mẹ đẻ của họ, họ cười. Họ nhìn chúng tôi và chờ chúng tôi bắt đầu ăn. Tôi nhắm mắt và trải tâm Từ đến các vị hảo tâm trong nửa phút rồi quán chiếu một lúc lý do của sự ẩm thực (cho thân lành mạnh để tri hành Phật pháp) trước khi ăn trong tỉnh thức. Cà ry chay nhưng nhiều thứ, thứ nào cũng có ớt cay. Tôi biết rằng bữa cơm sáng nay sẽ làm tan cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng mà tôi đang trải nghiệm nhờ không ăn sáng và có thể sẽ làm tôi buồn ngủ vào chiều nay.

Tôi không ăn nhiều cơm và chọn món ít cay. Tôi có trộm ngó Chris và thấy anh ăn ngon lành. Tôi cũng có liếc qua bàn và thấy bình tàu hũ với một dĩa chuối đầy mà tôi tin là để la sét; tôi chừa bụng vậy. Hai bà chăm sóc chúng tôi rất tận tình làm tôi cảm động nhiều. Tôi bèn muốn ăn nhiều để đáp lại công lao của họ đã xới bưng tới. Họ đứng dan ra nhưng luôn sẵn sàng đến để múc thêm thức ăn vô dĩa. Khi tôi ra dấu đã đủ, người đàn ông đứng bất động đằng kia nãy giờ bưng tới tô nước cho chúng tôi rửa mấy ngón tay dính thức ăn. Kế hai bà chia nhau bưng cho mỗi chúng tôi một chén tàu hủ đầy rồi chế nước đường[27] lên, và sau đó là chuối. Chưa đủ, người đàn ông còn đem ra một bình thủy với tách và dĩa. Tôi nói thầm 'Ối chào, trà hay cà phê nữa sao?' Vâng, họ rót cho mỗi chúng tôi một tách cà phê đen có đường; tôi nghĩ cà phê sẽ giúp tiêu hóa.

'Tiệc' xong, họ thu dọn thức ăn thừa và chén dĩa vô giỏ xách. Tôi có biết thông thường sư hồi hướng công đức cho giới đàn na thí chủ, nhưng tôi không biết phải làm sao. Thôi tùy cơ ứng biến vậy. Tôi chờ xem họ có đợi gì nơi chúng tôi không, nhưng hình như các bà không cần gì cả. Nghĩ chúng tôi là người ngoại quốc không rành phong tục của họ nên có thể cho chúng tôi, hai tên yogi đói khát, một bữa ăn no trong ngày là họ mãn nguyện rồi. Từ bi của họ tự nó tạo nên công đức chớ họ không cần được ai ban bố. Trước khi họ ra về, tôi chấp tay vái chào hai bà với lời Bohoma stuti nồng nhiệt. Các thí chủ chấp tay vái chào lại với ba tiếng quen thuộc Sadhu, Sadhu, Sadhu!

Sau khi các thí chủ ra về, Chris và tôi thử tìm hiểu câu chuyện. Chúng tôi chỉ có một giải đáp là ai đó đã đưa tin có hai yogi đến devale để luyện yoga và thiền. Và nghĩ rằng chúng tôi không có gì ăn nên các thí chủ này tự động đem cơm cho chúng tôi. Chúng tôi rất cám ơn thâm tình của họ dầu rằng chúng tôi định nhịn ăn. Chúng tôi không biết chuyện có xảy ra nữa không nhưng không dám mong.

Như đã biết trước, bữa cơm làm tôi buồn ngủ thiệt. Tôi không cưỡng lại như hồi ở Kanduboda và nằm xuống ngủ trưa. Thức dậy, tôi rút sách Foundations of Mindfulness đọc thêm vài trang. Sách mô tả sự chiêm nghiệm thân như gồm ba mươi hai phần bắt đầu từ tóc, móng, răng, da, xương, vân vân. Không nên nhìn thân là đàn ông hay đàn bà, đẹp hay xấu, mà như một tập hợp gồm nhiều thứ có thể vỡ, tan và hoại. Nên phân tích thân như được tạo bởi bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, và Lửa. Như vậy, người yogi không còn ý niệm về các phần của thân và tránh dược sự chấp trước cũng như sự xác định thành phần của thân.

Ý tưởng này rất mới đối với tôi, tôi bèn ngưng đọc để chiêm nghiệm. Tôi nhìn thấy rõ ràng khía cạnh thực tiển của tâm lý sau các chiêm nghiệm đó. Nếu xem thân, hay một vật thể nào đó, là thật, cá biệt, đẹp, thích thú hay không thích thú, tâm sẽ còn phân biệt, vướng mắc, và tham ái. 'Cái-tôi-thân-yêu' sẽ còn bị mê hoặc bởi cái thân mình và khao khát các thân cũng như các đồ vật khác.

Tôi thử nghiệm các phương cách ấy trước tiên trong lúc đi thiền và sau đó bằng ngồi thiền dưới mé hiên khuất mọi người. Tôi tưởng tượng thân tôi chỉ là một bộ xương đi tới đi lui; thật rất hữu hiệu, nhứt là khi tôi đi với mắt nhắm. Bằng vào kết quả của các tia X tinh thần kia, tôi cảm khích vô biên Đức Phật Toàn Giác, Người đã dạy những phương pháp tinh tế khả dĩ đánh thức hành giả đang phiêu du những bước mộng mị trong cõi Ta Bà.

Xế chiều có anh dân làng tên Eustace đến thăm. Anh biết chúng tôi ở đây qua tin đồn. Anh đem cho một bình thủy trà mà chúng tôi rất hoan hỷ đón nhận. Anh nói trong làng không có mấy người nói được tiếng Anh nên anh muốn làm bạn với chúng tôi để thực tập; tiếng Anh của anh khá. Được dịp may, tôi liền hỏi anh bạn mới mình vì cớ gì dân làng đem cơm cho chúng tôi hồi sáng. Eustace nói họ nghe có hai người ngoại quốc mới đến dưới kovil vắng để thiền và luyện yoga nên họ rất quý. Dân quê phần đông là chất phác và rất mộ đạo nhưng chẳng mấy ai biết thiền thật sự là gì, họ chỉ hiểu lờ mờ rằng đó là con đường dẫn đến Niết Bàn vậy thôi.

Nghĩ rằng mình đang trong vòng tục lụy, dân thường không tin họ có thể lên Niết Bàn trong kiếp này. Nhưng là Phật tử, họ biết họ có bổn phận hộ trì ai tu học để đạt tới đích đó. Nếu người họ hộ đến được bờ giác, họ sẽ được vô lượng công đức. Tôi hỏi Eustace chớ họ có biết chúng tôi không phải là thầy tu không, anh nói họ không cần biết, chỉ thấy chúng tôi chú tâm thiền định là họ mừng rồi. Anh nói thêm, bây giờ họ thấy sư sãi của họ xa dần đường tu khổ hạnh của các tỳ kheo xưa để bon chen trong giới học giả, xã hội hay cả chính trường nên họ mất nhiều tin tưởng.

Eustace nói dân làng đặc biệt vui mừng thấy chúng tôi là người phương Tây, dám bỏ hết để đi nửa vòng trái đất tới chốn thôn dã này, theo chân Phật. Rất nhiều gia đình muốn làm đàn na thí chủ nên dọ hỏi nhau chớ chúng tôi có ăn chay không. Tôi nói với Eustace rằng riêng tôi, tôi có ước nguyện và tôi thích cơm gạo đỏ bản xứ với rau đậu luộc sơ và trái cây; và chúng tôi không thích ớt cay. Anh nói anh sẽ chuyển lời.

Chiều, chúng tôi lại leo lên đồi nữa để ngắm măt trời lặn và thở vô ba buồng phổi. Hạt nước từ các ngọn sóng đập vô ghềnh theo gió biển bay lên tắm mát mặt tôi, tôi cảm thấy vô cùng phấn chấn. Trên trời, mây xám từ phía Tây Bắc lơ lửng bay về che khuất vầng thái dương vẽ một bức tranh vô cùng ngoạn mục. Lúc trời sụp tối chúng tôi leo xuống, về ngồi thiền trên bãi cỏ trước kovil. Cảnh nước yên sóng lặng trong vịnh và tiếng vi vu của lá dừa trong gió thoảng đưa tâm chúng tôi vào hoan lạc một thời gian dài cho đến lúc trời tối sẩm. Giờ trăng lên, tôi đi thiền chiêm nghiệm ba mươi hai phần và bốn yếu tố của cái ảo tưởng gọi là 'tôi'. Tôi nhận thấy ý thức ấy thật là sắc bén và hữu hiệu. Tôi tưởng chừng như thân tôi tự đi còn tâm tôi là một vùng trời thênh thang, trong sáng, tràn đầy hạnh phúc. Tầm hiểu biết của tôi như được rộng mở thêm.

Trước khi đi ngủ, tôi ngồi dưới chân Đức Phật. Tôi hình dung mẹ, cha và thầy tôi rồi gởi nhiều đợt sóng Từ tha thiết đến các bậc sanh thành dưỡng dục này. Tôi cũng nguyện trải lòng Từ đến mọi chúng sanh trong hoàn vũ hầu tâm phân biệt tan biến hết trong ánh hào quang của vũ trụ. Tôi chấm dứt một ngày với Từ tâm và nhận thấy cách này giúp phần thiền minh sát của tôi rất nhiều trong việc diệt tánh Nhị Nguyên.

Tôi không có hớt tóc sáu tháng nay, từ ngày duyên định ở Kopan. Tóc tôi bây giờ dài tới năm-sáu phân và làm tôi rất bực bội trong không khí nóng ẩm. Nhớ tới cảm giác nhẹ nhàng, mát mẻ của cái đầu mới hớt và sau một lúc phân vân, tôi quyết định đi hớt tóc. Cắt tóc ngắn giúp tôi dẹp bớt sự hãnh diện tiềm tàng trong đầu và làm tôi trông giống thầy tu hơn, nhứt là trong lúc tôi ở tại devale này. Còn râu, tôi không định cạo dầu tôi biết tôi còn chấp trước. Tôi lý luận, nếu cạo râu, mỗi ngày tôi phải mất công châm sóc nó. Chris cũng muốn đi hớt tóc vì bị ngứa đầu mấy ngày nay. Sau cơm trưa, hai chúng tôi lấy xe xuống Galle tìm tiệm hớt tóc. Lần đầu tiên ra khỏi ốc đảo của mình, chúng tôi ghé thăm Gordon và Mona. Anh chị mừng gặp lại chúng tôi. Anh chị nói muốn xuống devale thăm chúng tôi nhưng nghĩ rằng còn sớm nên để chúng tôi vui với cảnh tĩnh mịch một thời gian đã. Anh chị cho chúng tôi biết dân làng đồn rằng chúng tôi là 'yogi tốt' chỉ biết lo thiền và tập yoga, nên họ sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi đi tới Niết Bàn. Sau tuần trà và mươi lăm phút chuyện vãn, Chris và tôi tiếp tục lên đường xuống Galle tới đường Matara. Bà con ra cửa đứng nhìn và tỏ vẻ như biết chúng tôi là ai. Họ thì thầm: 'Hai yogi ở devale.'

Chúng tôi tìm mãi mà không gặp tiệm hớt tóc. Tình cờ chúng tôi thấy cái chòi nhỏ bên đường có một cái ghế nằm chông chênh trên nền đất trước tấm kiến lớn trên vách, tôi nghĩ là chỗ hớt tóc. Tôi hỏi cậu trai vận sà rong trắng đứng trước cửa có phải là thợ không, bằng cách chỉ đầu tóc tôi và ra dấu kéo cắt với hai ngón tay nhấp nhấp. Anh cười, gật đầu và mời chúng tôi vô; chòi anh rất thấp. Chris nhường tôi hớt trước và ra ngoài đợi. Đồ nghề của anh thợ chỉ gồm có: một kéo, một lược và một dao cạo loại 'cắt cổ' mà tôi không muốn anh dùng để cạo đầu tôi. Tôi ra dấu cho anh xài kéo và cắt ngắn được chừng nào hay chừng nấy mà thôi. Tôi không muốn trọc như thầy chùa, vì cái đầu mới cạo lán bóng đi với y nửa sư nửa dân và bộ râu rậm màu hunh của tôi thế nào cũng làm dân làng 'không biết đâu mà rờ.'

Chris, trái lại, tẩy trọc cho hết gàu. Nhờ anh mặc áo banyan trắng và vận sà rong thường nên không có dáng dấp thầy tu. Tuy nhiên, lúc chúng tôi đi qua Galle đến xem Đồn cổ Hòa Lan và mua sắm chút ít vật dụng, nhiều người lấy làm lạ theo ngó chúng tôi hoài. Và lúc về ngang làng, bà con, nhứt là con nít vui tánh, theo chỉ chọc và cười khúc khích, chừng như hai chúng tôi thay hình đổi dạng lạ kỳ lắm. Chúng tôi lại ghé qua Gordon và Mona nữa để xin tắm giếng và châm nước cho đầy bình; anh chị cho rằng bộ vó mới của chúng tôi thích hợp hơn.

Trong sáu tuần lễ­ tiếp theo chúng tôi cứ hừng đông là tập yoga, rồi thiền, và chạng vạng làm lễ­ puja. Dân làng thay phiên nhau bưng cơm trưa mỗi ngày, có khi họ bưng cho ăn sáng nữa. Thật rất cảm động khi thấy dân quê nghèo lo cho nguời dưng. Sự bao dung của những người nghèo tiền nghèo bạc này làm tôi phải tự dừng, tự kiểm và tự thúc đẩy mình. Tôi có xứng đáng nhận sự chăm sóc tận tình này không? Tôi có khả năng vật chất hơn họ nhưng tôi đang ngửa tay nhận bố thí, chia miếng ăn của chính họ. Họ đang đầu tư tâm linh nơi chúng tôi, tin chúng tôi có thể lên Niết Bàn. Vậy tôi phải làm sao cho xứng đáng chớ không thể ích kỷ ăn bám họ. Bất giác tôi rơi vào tình huống khó xử nhưng tôi thức tỉnh--biết mình không thể đi lui và thể nghiệm sự tái sanh làm người toàn hảo. Dầu ý thức rõ như vậy mà tôi vẫn không an tâm. Tuy nhiên chúng tôi không thể làm khác bởi Eustace từng cho biết chúng tôi sẽ làm họ thất vọng nếu từ chối của họ cúng dường.

Mỗi ngày chúng tôi ngồi thiền một tiếng trước bữa cơm trưa và lúc 3:00 giờ chiều. Chúng tôi tập yoga lúc 5:00 giờ rồi lên đồi thở sâu và ngồi thiền lúc trời lặn. Sau đó chúng tôi ngồi ngoài bãi cát trước devale cho đến khi buồn ngủ. Trong thời thiền đêm, có một cụ già ở trong xóm gần xách tới cho chúng tôi bình trà nóng. Chương trình của chúng tôi đôi khi cũng phải thay đổi, nếu chúng tôi có khách hay có việc cần làm. Gordon và Mona thỉnh thoảng đến lúc chiều tà và ngồi thiền với chúng tôi. Còn Chris và tôi chia nhau thỉnh thoảng ra nhà anh chị để tắm và lấy nước uống. Chúng tôi không mấy khi bị quấy rầy bởi khách thập phương. Họ đến đây, có khi từng đoàn, để cầu nguyện hay làm lễ­ puja vì devale là đền công cộng. Khi gặp chúng tôi ngồi thiền, họ xì xào và tò mò tới gần ngó cho biết và chúng tôi trở thành lạ mắt đối với họ.

Tiếng đồn vang xa, tới Galle và Matara hai mươi dặm dưới phía Nam. Nhiều người đến chỉ nhằm mục đích để nói chuyện với hai nhà 'yogi ngoại quốc'. Họ luôn luôn tìm cách gặp chúng tôi nếu chúng tôi không ngồi thiền. Chúng tôi thích trò chuyện với những người lễ­ độ và có học về đạo pháp hay các đề tài tương tợ. Và chúng tôi có dịp gặp một ít vị hoạt bát, ý thức, rất hay, mà chúng tôi đàm đạo thích thú hằng giờ. Cũng có nhiều người dùng cơ hội để tập nói Anh văn. Chuyện họ chỉ quanh quẩn trong các câu thông thường như: Ông ở đâu, xứ nào? Ông có anh chị em không? Ông lập gia đình chưa? Tại sao ông chọn sống chỗ vắng vẻ này? Những câu như vậy cứ lập đi lập lại riết trở thành phiền toái và có khi lố bịch, nhưng chúng tôi học được sự kiên nhẫn và từ tâm.

Một vài lần chúng tôi bị đánh thức lúc nữa đêm vì có người vô đền l­ễ puja hay cúng giải tà. Ở Sri Lanka người ta tin có tà ma và ai bị tà ma nhập có thể tới devale để cúng giải[28]. Devale này lại nổi tiếng là nơi trừ tà linh nghiệm nên được bà con rất chiếu cố, nhưng không hiểu sao họ chỉ cúng lúc nửa đêm!

Tò mò, Chris và tôi có thức xem cúng giải tà vài lần. Người bị tà nhập luôn luôn tới với một pháp sư. Họ đem theo nào hoa, quả, nhang, đèn dầu dừa, và cả dừa trái nữa. Họ dâng bông và nhang lên Phật trước, có lẽ để cầu Ngài (nếu thực sự có thể cầu đuợc), trước khi cầu thần thánh. Kế họ ra đền chánh thần chuẩn bị lễ­ trừ tà. Họ mồi các đèn dầu dừa nhỏ rồi đem đèn đặt nhiều nơi trong khuông viên, đặc biệt là dưới chân tảng đá lớn mà họ tin là 'thần linh'. Tại đó, họ đập bể trái dừa để nước văng tung tóe ra. Sau đó, bịnh nhân trở vô đền thần và pháp sư bắt đầu giải tà. Pháp sư mặc lễ­ phục và đeo mặt nạ. Ông lắc lục lạc, rung chuông, và nhảy quanh trong lúc miệng đọc thần chú. Thỉnh thoảng ông nhắm bịnh nhân hét lớn hay quất nhẹ lên thân. Tôi cho tất cả là một trò dị đoan bịp bợm. Tuy nhiên sau khi nói chuyện với một số bịnh nhân tôi nghe họ nói bớt bịnh, cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Phải chăng mọi sự tại tâm?

Tiếp tục đọc các tập sách Wheel, tôi thấy thích thuyết Duyên Khởi. Lúc ở Kopan tôi có nghe thuyết về Mười Hai Nhân Duyên vần xoay đời người. Tôi cũng có đọc đâu đó rồi nhưng chưa biết rõ. Thuyết Mười Hai Nhân Duyên của Phật là thuyết duy nhứt thấy trong lãnh vực đạo giáo và là cốt lõi của Trí Tuệ thâm diệu của Đức Phật. Thuyết dẫn giải tại sao luân hồi không dứt, vì vô minh và tham ái.

Trên bề mặt, thuyết mô tả tiến trình của sanh và tử nối tiếp liên tục trong vòng luân hồi. Dưới bề sâu, thuyết trình bày sự sanh diệt của ý thức với mỗi thời điểm thích hợp liên tục của tâm trong ấy tất cả mười hai yếu tố vừa làm nhân vừa làm quả di­ễn động. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần cho thuộc lòng và dành nhiều giờ thiền định để chiêm nghiệm sự lý giải cũng như quan sát tiến trình xảy ra trong tâm. Khi tôi quán sát sự khởi sanh và tan biến của cảm quan, tôi thử tìm và ý thức các mức độ vô minh khác nhau, và xem cảm quan đó tạo nên tâm hành như thế nào. Tôi quán sát xem làm thế nào cảm giác có thể tự phát sanh cảm thọ vui hay buồn cùng lúc với chấp truớc, ghét bỏ, mong cầu, tham ái, và tâm hành mới--đổi chân cho bớt tê hay đuổi con muỗi đi.

Trong đời, cái tôi lọc lừa luôn tạo sinh lực cho tâm để cái tâm bị cám dỗ bởi tham dục tôi luyện các thói quen, và thói quen tạo tiêu cực mà hậu quả là đau khổ cho người có cái tôi lọc lừa lẫn người chung quanh. Tôi nghĩ rằng nếu cái tâm tham dục kia không được uốn nắn và nếu sinh lực ấy không được chuyển qua một hướng tâm linh khác, ý thức của cái tôi tất sẽ có những bước vô định trong vòng luân hồi. Tôi hiểu rằng tùy theo nhịp độ lập lại của suy tư nhiều hay ít, thói quen sẽ ghi nét đậm hay lợt; và nếu suy tư dựa trên vô minh, tập quán sẽ tiếp nối không dứt, còn với trí tuệ tập quán sẽ chấm dứt và vòng luân hồi bị phá vỡ. Thật là thuận lý và càng quán xét nơi mình cũng như người, tôi càng thấy thỏa mãn với công thức sanh tử ấy của Đức Phật.

Trong các câu chuyện với Eustace và dân làng, chúng tôi có nghe đề cập vài lần tới việc Chris và tôi xuất gia thành sư chánh thức. Dân chúng trong vùng muốn thấy chúng tôi, hai người ngoại quốc, khoác áo nhà sư. Ý tưởng này không lạ đối với tôi vì nó đã sẵn có trong đầu tôi từ lúc ở Kopan. Nó trở nên rõ ràng hơn mấy lúc sau này, dạo tôi nói chuyện với Sư Samitta và hai sư Tây phương ở Kanduboda. Nhưng từ lúc đến Unawatuna tôi quên bẵng đi và sống như vầy, một lối-sống-gần-như-của-sư-sãi. Nay câu chuyện được đề nghị, chúng tôi cần suy nghĩ kỹ đã. Theo thời gian, tôi nhận thấy mình không còn ý nghĩ đi lui về cuộc sống bình thường hay đi lang thang vòng quanh trái đất nữa. Nhưng tôi cũng sẽ dành thì giờ 'hỏi lại tâm,' còn thân thì đã thay đổi nhiều rồi. Chẳng đợi lâu, tôi ý thức rằng tôi như đã sẵn sàng; quyết định và động lực đã có nên bước sắp đến chỉ là bước tự nhiên. Còn Chris, tuy chưa biết thật tâm nhưng vẫn muốn bước vô cửa thiền vì đời sống tu sĩ hấp dẫn đối với óc phiêu lưu và lãng mạn muốn 'thử xem sao' của anh.

Được vậy thì rất tốt cho đàn na thí chủ đã không bỏ công hỗ trợ chúng tôi. Hơn thế nữa, họ tin sẽ được hạnh lành và đức cao nếu có thể tiếp tay giúp chúng tôi thọ giới. Eustace hoan hỷ mô tả l­ễ thọ giới với đám rước cổ truyền linh đình có cả voi đi qua làng từ Galle tới Matara. Tôi nghĩ nếu được thọ giới tôi sẽ mời các bà con nhiệt thành ấy chia xẻ phước báu với tôi. Eustace cho biết cách đây không xa có Valle Devale do một Sư Trưởng trụ trì (Ngài coi luôn đền Yaddehimulla trong làng) là nơi mà chúng tôi có thể xin thọ giới. Anh hứa đưa Chris và tôi tới thỉnh ý của Sư.

Vài ngày sau, Eustace đến để đi gặp Sư Ông. Chúng tôi đi gần bốn dặm ngang qua đồng ruộng vô trong sâu. Tự viện còn là trường đào tạo sư, đang dạy chừng hai mươi chú tiểu. Eustace giới thiệu Chris và tôi với Sư Trụ Trì và chúng tôi vái chào bằng ba lạy. Sư chỉ chúng tôi ngồi xuống trong lúc Eustace trình bày sự sinh sống của chúng tôi ở devale và ước nguyện thọ giới của chúng tôi. Sư biết chúng tôi đang ở dưới devale nhưng ngạc nhiên nghe nói chúng tôi muốn xuất gia. Sau phút trầm tư, Sư nói Sư hân hoan được biết chúng tôi muốn theo chân Phật, nhưng Sư không biết chúng tôi phải đi đường nào bởi chúng tôi là người ngoại quốc. Sư phải có thì giờ suy nghĩ truớc đã.

Vài ngày sau, Sư Cả trả lời cho biết rằng Sư rất tiếc không thể làm lễ thọ giới cho chúng tôi được. Sư không tin là chánh quyền cho phép Tăng lữ của Sư nhận người ngoại quốc. Theo Sư, chúng tôi nên đến Đảo Hermitage hay Vajirarama ở Colombo thì hơn. Ngoài ra, Sư không có phương tiện để giáo hóa chúng tôi vì không ai ở đó, kể cả Sư, biết Anh ngữ. Sư giải thích thêm rằng muốn thành tăng sĩ, hành giả phải ở với giáo thọ/thầy ít nhứt năm năm để học giới luật tỳ kheo, tiếng Pali, và kinh sách, kể cả thuộc lòng nhiều đoạn. Dĩ nhiên Chris và tôi có thể làm như vậy, chúng tôi chỉ mong được tiếp tục sống với thiền trong devale mà thôi. Chúng tôi tưởng chỉ là chuyện d­ễ dàng, tức thọ giới, đắp y, rồi tự do như Sư Samitta chớ chưa hề nghĩ tới việc phải vô chùa tu học một thời gian mới thành sư. Hồi chờ tin về tôi có đặt nhiều hy vọng, nhưng tôi không thất vọng lắm khi nghe Sư giải thích. Chúng tôi chỉ buồn cho dân làng đã rất phấn khởi (về vi­ễn tượng tốt đẹp do Eustace đồn ra) giờ phải thất vọng. Hai chúng tôi xem những ngày vừa qua như giấc chiêm bao và tiếp tục cuộc sống thường ngày.

Hạn lưu trú của chúng tôi sẽ hết vào hai tuần tới. Chúng tôi phải lên Colombo xin gia hạn thêm hai tháng. Sống ở devale không còn mới mẻ đối với chúng tôi nữa và tôi cũng đã đọc hết sách đem theo rồi. Ngoài ra, các trận mưa lớn và dai dẳng của mùa gió chướng làm cuộc sống ngoài trời của chúng tôi không còn thoải mái nữa. Có lúc Chris và tôi phải ngồi đục mưa cả ngày trong điện Phật hay ngủ sau cửa mới khỏi ướt và lạnh. Tuy còn mê cảnh quyến rủ này nhưng tôi tin, trong thâm tâm tôi, sự bồn chồn tiềm tàng và nhu cầu di chuyển bắt đầu khuyấy động. Tôi có ra đi cũng là đúng lúc.

Tôi quyết định đi Kataragama vì tôi đang ở nửa đường. Từ đó tôi sẽ lên Colombo hai ba ngày trước khi chiếu khán hết hạn. Còn Chris chọn ở lại Unawatuna với Gordon và Mona thêm một thời gian ngắn rồi sẽ lên sau. Chúng tôi hẹn trên nhà Sam để cùng đi gia hạn chiếu khán. Chúng tôi tin Eustace và dân làng hay quyết định ra đi--đi theo con đường định mệnh đã sẵn bày cho chúng tôi. Họ thông cảm. Tôi nói với Eustace nơi này rất đặc biệt đối với tôi; tôi sẽ trở lại một ngày trong tương lai. Và, bông đùa tôi nói: 'Có thể tôi sẽ trở lại với chiếc y đắp trên thân.' Không ngờ đó là sự thật!

Khi tôi đến Colombo, Chris đã có mặt ở nhà Sam rồi. Sam đi trực cuối tuần trên Bộ chỉ huy Không Quân chiều mới về. Mới đó mà chúng tôi xa nhau đã hai tháng. Nhân dịp có ba mẹ Sam cùng gia đình của hai em đang ở trên nhà từ đường trong vùng đồi núi ngoài thành phố Kandy, Sam mời chúng tôi lên đó ở một lúc cho biết cố đô. Một trong ba nhà mà ba mẹ già của Sam ở còn một phòng trống mà chúng tôi có thể ở nếu muốn lên. Sam cho biết thêm, ba anh rất hoạt bát và rành tiếng Anh; ông còn là một Phật tử sùng đạo luôn ngồi thiền và thích đàm luận Phật pháp cao thâm. Chúng tôi rất hoan hỷ nhận lời. Đươc biết Kandy là nơi mà Thầy Nyanaponika, một vị sư nổi tiếng người Đức, từng sống tu trong rừng. Chính Thầy viết quyển The Heart of Buddhist Meditation[29] tôi đọc trước đây. Tôi rất mong được tham vấn Thầy.

Sáng hôm sau, Chris và tôi xuống phố, đến Sở Di Trú, và được phép gia hạn thêm hai tháng nữa một cách d­ễ dàng. Đuợc biết đây là gia hạn chót và chúng tôi phải rời đảo khi hết hạn. Nhơn dịp ở dưới phố, tôi có viết ít chữ về nhà cho Ba Má tôi nói tôi còn theo thiền và yoga và sẽ qua Ấn Độ ở sáu tháng. Còn về lâu về dài, có lẽ tôi sẽ trở lại Sri Lanka sau khi học xong yoga.

Xế, chúng tôi đến Đền Vajirarama để kính chào Thầy Narada và cũng để xem Sư Samitta còn ở đó không. Chúng tôi gặp Sư trong chùa đi ra, ngay tại cổng chánh. Sư cho chúng tôi hay Thầy Narada đang đi du thuyết Phật pháp hằng năm ở Vi­ễn Đông và hiện dạy tại Indonesia; Thầy chỉ trở về sau khi ba tháng mưa chấm dứt. Còn Sư vô 'Vas[30]' ba tháng, trong một ẩn cư hẻo lánh cách Colombo ba mươi dặm; hôm nay Sư lên Colombo chửa răng và trên đường ra nha sĩ.

Trong lúc chúng tôi đứng nói chuyện, có một ông lão tới quỳ bái Sư; Sư Samitta ban phước lành cho lão bằng tiếng Sinhalese. Tiếp theo, ông lão quay qua bái tôi, tôi ngạc nhiên lùi ra trong lúc Sư Samitta nói với lão tôi không phải là sư. Ông lão không nghe và không cần biết cứ tiếp tục lạy tôi ba lạy rồi lạy Chris cũng ba lạy, dầu ông lạy rất khó khăn vì gối mỏi chân chồn của tuổi già. Sư Samitta đắp y màu sẫm đàng hoàng đúng bậc chân tu, còn tôi chắc ông lầm là sa di (swami) hay chi chi đó vì mớ tóc còn ngắn của tôi và màu vàng của sà rong cũng như màu cam của áo tôi đang mặc. Lúc lão ông đi khuất vô chùa, Sư Samitta có lời trách tôi mặc chiếc y trong của sư sãi khiến người ta d­ễ lầm như lão ông vừa rồi; tôi chưa thọ giới chớ nên ăn mặc như vậy, không chỉnh. Sư nói thêm sư không muốn gặp tôi nữa và tôi đừng tìm quấy rầy sư nếu tôi tiếp tục ăn mặc như vậy. Sư còn đề nghị tôi không nên mặc áo màu cam. Tôi bị sốc, dầu là sốc nhẹ, nên chỉ có thể phản ứng 'OK' với giọng dìu dịu. Rồi sư nói cụt ngủn: 'Tôi phải đi đây,' và bỏ ra đường, để tôi và Chris đứng nhìn nhau với nhiều câu hỏi trong đầu. Trong suốt thời kỳ qua tôi mặc sà rong vàng này trước công chúng, trước mặt cả các sư Sinhalese trong chùa, có ai phê phán gì đâu--ít ra là thẳng với tôi?! Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ lại và vì tôn trọng sư Samitta cũng như Tăng đoàn, tôi không mặc chiếc sà rong vàng của tu sĩ nơi công cộng nữa.


[18] Phật Giáo Đại Thừa ở Trung Quốc, Nhựt, Đại Hàn và Việt Nam cử hành lễ­ Đản Sanh vào rằm tháng Tư và lễ­ Thành Đạo vào mồng 8 tháng Mười Hai (tg).

[19] Tiếng Pali chỉ tu sĩ; có nguyên nghĩa là người lượm vụn vặt hay người sống nhờ thí thực (tg).

[20] Xem thêm mục VI, Phụ Bản I (nd).

[21] Tiếng Pali có nghĩa Tâm Trạng (The Temper); sự ngu muội và khuynh hướng trong tiềm thức tìm cách lôi kéo thiền giả khỏi chơn thiền (tg).

[22] 'holier-than-thou' (tỉnh từ): có thái độ đạo hạnh trên người; tự cho mình đạo đức hơn (tg).

[23] Sống với Zen' (nd).

[24] không lấy tiền trọ (nd)

[25] General Post Office: Bưu Điện (nd).

[26] Xem thêm mục III, Phụ Bản I (nd).

[27] Nước đường dùng ở đây có tên treacle. Treacle là nước đường đen trích từ cây kitul. Tàu hủ chế treacle dược dùng tráng miệng mỗi ngày ở Kanduboda nên tôi quen và rất thích (tg).

[28] Xem thêm mục VII, Phụ Bản I (nd).

[29] 'Tâm Thiền Phật Giáo' (nd).

[30] Tiếng Pali là Vassa hoặc Vassana có nghĩa nhập hạ, an cư kiết hạ (nd).



---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2015(Xem: 3464)
Chuyện sẽ không có gì để nói nếu hôm đó cô Susanne không mang mấy cánh hoa vào phòng làm việc của tôi. - Anh có muốn cắm mấy cánh hoa này trong phòng không? - Vì sao? Ở đâu cô có vậy? - Trong phòng họp ngày hôm qua, mấy người khách họ mang đến. - Sao tôi không thấy? - Tại tôi dồn hai bình vào một. - Vậy thì cứ để ở phòng của cô đi. Mấy cái hoa sẽ vui hơn khi nó ở trong phòng cô chứ? - Mới đầu tôi cũng nghĩ thế, nhưng ngày mai tôi bắt đầu đi nghỉ hè rồi. - Ừ thì cũng được, tùy cô. Nhưng cô nghĩ nên để ở đâu? - Trên bàn làm việc của anh, kế bên hình ông Phật đó. - Không được. Cô biết, hoa cũ và không tươi chúng tôi không mang cúng Phật đâu. - Thế anh muốn để đâu? - Ừ... để suy nghĩ!
27/08/2015(Xem: 4694)
Kinh đô ánh sáng, thành phố mộng mơ của Pháp quốc vào mùa hè năm nay đã là điểm hẹn của những người con Phật đa số là tỵ nạn từ bốn châu kéo về. Họ đến đây để làm gì nhỉ? Có liên quan gì đến ngôi chùa Khánh Anh nổi tiếng với nhiều kỷ lục nhất trong những ngôi Chùa của cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại. Nào là ngôi Chùa to nhất, mái Chùa mang nhiều nét văn hóa nhất, chi phí xây cất ngất ngưởng nhất đến 23 triệu Euro và thời gian xây dựng lâu nhất đến 2 thập niên của một kiếp người. Nhưng ưu việt nhất vẫn là được dự lễ Đại Tường của cố Hòa Thượng Minh Tâm, người với những công trạng to lớn gắn liền với ngôi Chùa Khánh Anh nhiều kỷ lục ấy.
21/08/2015(Xem: 4143)
Tuy vườn sau nhà tôi ở hướng tây, mùa hè nóng thế mà góc vườn vẫn không đến nỗi nào, nhờ có vách tường đá dựng cao và cây mộc lan cổ thụ với những tán lá rộng che kín hai phần ba khu vườn. Chim, thỏ, sóc và nai vẫn tìm đến mỗi ngày. Nhất là nai, sáng sớm chim chưa kịp hót, người chưa ai dậy đã nghe tiếng chân nai bước lạo xạo trên đásỏi. Chúng vào tìm ăn những nụ hồng.
01/08/2015(Xem: 4758)
Ngọn đồi không cao nhưng diện tích khá rộng. Nếu đi bộ một vòng quanh chân đồi, cũng mất gần một ngày. Cây cối trên đồi đã được đốn hạ trụi lủi từ năm năm trước để tiến hành công trình xây dựng ngôi chùa, đạt kỷ lục là có chánh điện rộng lớn nhất nước; bên cạnh đó, lại thêm một kỷ lục là có tượng Phật tọa thiền vĩ đại nhất châu lục. Thế nên, khi công trình xây dựng hoàn tất, nhìn từ xa, chỉ thấy ngôi chùa nguy nga với mái ngói xanh đỏ và tượng Phật to lớn thếp vàng nhũ lóng lánh, nổi bật giữa trời mây, không còn thấy ngọn đồi. Ngoài chánh điện, nơi đây còn có nhiều tòa nhà rộng lớn, bao gồm tiền sảnh, hậu sảnh, tăng xá, tàng kinh các, bảo tàng viện, tăng quán, v.v… với ngói lợp nhập cảng và cột kèo chạm trổ tinh vi, tiếp nối liền lạc nhau tạo nên một quần thể kiến trúc qui mô, chiếm hết diện tích ngọn đồi, từ chân lên đỉnh, từ mặt trước đến mặt sau.
12/07/2015(Xem: 9527)
Từ trong tâm khảm mình con cảm ơn mẹ đã cho con một lần sinh, một lần ra đời. Mẹ đã nâng niu nhẹ nhàng từng bước đi chậm chạp, lúc cất tiếng khóc chào đời.
16/06/2015(Xem: 16978)
Thuở xưa, tại khu rừng Daliko bên bờ sông Đại Hằng, có cây bồ-đề đại thọ, ngàn năm tuổi, vươn lên cao, xòe tán rộng, che phủ cả một vùng.
07/06/2015(Xem: 11688)
Tối qua con bé cháu nội 3 tuổi nhảy lên lòng, hai tay úp chặt quyển sách vào mặt nó rồi nói : Đố bà nội tìm thấy bé. Bà nội bày đặt nói : Ủa bé đi đâu mà bà nội tìm không thấy. Nó cười ngặt ngoẹo, làm bà nội phải ôm chặt nó cho nó khỏi té. Nó lại tiếp tục: Bà nội tìm đi, tìm coi bé trốn ở đâu. Rồi lại úp kín mặt vào cuốn sách. Bà nội nói không biết nó trốn ở đâu là nó lại cười. Cứ thế mà nó kéo cả 20 phút chưa chán. Thấy nó cười nhiều quá, bà nội phải chịu thua, nó nói bé trốn trong quyển sách. Nó lấy quyển sách ra rồi lại líu lo. Bé trốn trong quyển sách mà bà nội tìm không thấy, rồi nó cười như nắc nẻ. Tiếng cười trong vắt thì thôi.
06/06/2015(Xem: 4392)
Với địa vị và tiền tài sẵn có Hoạn Thư đã cùng mẹ soạn thảo một âm mưu thâm độc để bắt cóc Nàng Kiều, ra tay là một bọn Khuyển, Ưng thuộc dòng xã hội đen chuyên nghiệp. Họ tạo hiện trường giả “người chết“ sau khi đã đốt nhà và mang vật chứng Thúy Kiều đi giấu nhẹm trong dinh quan Lại Bộ. Trước khi mở màn vở tuồng “Ghen kiểu Hoạn Thư“ lừng danh kim cổ, người viết có vài lời bàn Mao Tôn Cương cho người phụ nữ có bản lãnh phi thường ấy. Thiên hạ cứ đồng hóa nhân vật Hoạn Thư với hai chữ “ghen tương“ tầm thường, mà không để ý đến khả năng ứng xử tuyệt vời trong mọi tình huống của nàng.
31/05/2015(Xem: 5431)
Người phụ nữ tóc bạc trắng, đã 57 tuổi, lam lũ với công việc bán trứng vịt và chuối ở chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) vừa nhận bằng cử nhân Luật vào ngày 10-5. Bà là PhạmThị Kim Hoa, ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt. Bà có 4 người con, lập gia đình trễ nên con trai lớn mới học năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), 3 con còn lại đang học bậc phổ thông.
24/05/2015(Xem: 6491)
Tình Trong Đóa Hoa, là tác phẩm được diễn lại hình ảnh của tiền thân Đức Thích Ca Mâu Ni trong vô lượng A –tăng-kỳ kiếp, tên Tất Đạt, con trai duy nhất trong gia đình tin Phật, hết lòng tôn kính Tam Bảo, phụng Phật. Vì vậy mà sau khi biết được Đức Phật Nhiên Đăng về thuyết pháp tại bản huyện, cách nhà cả chục cây số, chàng Tất Đạt liền xin phép mẹ đến nghe Đức Phật NHIÊN ĐĂNG thuyết pháp. Trên đường đi, Tất Đạt ghé vào những nơi bán hoa sen bên vệ đường, để mua hoa cúng dường lên Phật Nhiên Đăng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]