Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8. Ngưỡng nhìn Phật pháp

11/06/201316:40(Xem: 2319)
Chương 8. Ngưỡng nhìn Phật pháp

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 8

NGƯỠNG NHÌN PHẬT PHÁP

Tôi đến Kopan lúc xế chiều của ngày khai giảng và được chỉ định tạm trú nơi nhà dưới chân đồi, cách đỉnh chừng năm phút đi bộ. Nhà có hai phòng lớn, trống rỗng trừ lớp rơm phủ nền đất làm nệm. Nhà mướn của dân làng cho khóa sinh sử dụng. Tôi có cảm tưởng nhà này không phải để ở mà để chứa lúa hay nhốt trâu bò vào mùa lạnh. Hai mươi người sẽ sống tạm tại đây; ai tới trước được chọn chỗ trước và giữ chỗ đó suốt tháng học. Cạnh bên nhà có vòi nước công cộng mà chúng tôi sẽ dùng chung với dân làng; họ tới đây giặt giũ hay gánh nước. Ngoài nhà tôi ở, còn có nhiều nhà khác cũng mướn và nhiều lều dựng trên đồi gần khu bếp để chứa khoảng một trăm năm mươi khóa sinh tất cả.

Theo chương trình hôm nay, các khóa sinh dùng bữa ăn nhẹ giữa 5:00 và 6:00 giờ chiều rồi qua lều thiền dự lễ khai giảng lúc 6 giờ rưỡi. Trong lều, ngay phía trước thấy có bàn thờ to phủ vải vàng với nhiều lễ vật như hoa, quả, nhang, đèn, vân vân. Ở giữa có một ghế bành lớn lợp nệm dầy và vải quý trông như cái ngai đặt trên bục cao sau cái thang nhỏ. Sau ngai là bức che vải bố với nhiều tranh màu vẽ Phật, Bồ Tát, và Bánh Xe Pháp Luân; mỗi tranh (thankas) được viền bằng vải vàng và nhiều tua tụi. Phía trên và chính giữa có hình to của Đức Đạt Lại Lạt Ma với dải khăn trắng dài phủ cạnh trên và thả lòng thòng hai bên.

Lều đầy nhóc, tổng cộng gần một trăm bảy mươi người. Tất cả ngồi xuống nền rơm, trên gối, hay nóp cuốn tròn, hay mền của mình đem theo. Là học viên mới và hơi nhát, tôi chọn một chỗ gần cuối để không ai thấy nhưng ngó thẳng lên ngai để nhìn rõ thầy Lạt Ma. Hầu hết người mới ngồi ở nửa lều sau cùng và hai bên dưới, còn các vị sư, ni phương Tây và đệ tử của Lạt Ma ngồi gần đằng trước. Mọi người ngồi lặng im chờ Đức Lạt Ma đến. Khung cảnh tĩnh mịch với khói hương phảng phất trông thiêng liêng và huyền bí.

Lúc Đức Lạt Ma bước vô lều, mọi người đứng lên và những người đứng phía trước cung kính chấp tay vái chào. Vì không quen với nghi thức phương Đông, tôi và nhiều người khác ở đằng sau chỉ lấy mắt nhìn thầy đi vô lên bàn thờ. Thầy đứng lại ngước nhìn thankas và hình Đức Đạt Lại Lạt Ma rồi sụp lạy ba lạy với hai gối và trán chấm đất. Sau đó thầy tiến lên ngai. Thầy ngồi xuống theo thế kiết già, sửa lại y để lộ vai phải; y thầy màu rượu chát lợt. Lúc bấy giờ các đệ tử và tăng ni trên các hàng đầu bắt đầu lạy ba lạy dài với thân người nằm sấp xuống đất. Một lần nữa, những người mới đứng nhìn với sự dè dặt và hiếu kỳ.

Theo ngôn từ Tây Tạng, Lạt Ma chỉ nhà sư có quá trình tu học thâm sâu thuộc bực Thầy hay Guru. Một từ nữa, Rinpoche có nghĩa 'ngọc quý,' dành tôn vinh các Lạt Ma có tâm linh thượng thừa. Rinpoche là bậc tôn sư đang đi theo con đường Bồ Tát; ngài có khả năng tái sanh ở nơi đâu ngài muốn để tiếp tục cứu độ chúng sanh.

Lạt Ma Zopa[1] trông rất trẻ, như lối 25, nhỏ con, tóc đen ngắn (chừng 1/4 in), đeo kiến trắng. Thấy ngài tôi liên tưởng ngay đến các thần đồng hay học sinh gạo cội ở trường. Ngài đặt bọc kinh vải cam nhỏ xuống trước mặt rồi ngồi cuối đầu trầm lặng. Tôi không biết ngài đang làm gì, chỉ đoán là ngài đang thiền hay đang suy nghĩ trước khi mở lời. Lúc ngài nói, ngài nói bằng tiếng Anh khá rõ ràng; ngài đã dạy khóa tu học này trong năm năm qua.

Lạt Ma Zopa có viết quyển sách tham khảo như sách giáo khoa bằng Anh ngữ mà chúng tôi được phát lúc đến nơi. Sách có bìa màu vàng, tựa đề 'The Wish-fulfiling Gem and the Golden Sun of Mahayana Thought Training', và hình vẻ đơn sơ của mặt trời đang lên với tia sáng chiếu rọi. Sách gồm nhiều đề tài triết lý và thiền mà Đức Lạt Ma sẽ dùng để giảng trong khóa. Phần nói về thiền được viết để chỉ rõ tính chất của khổ đau bắt rễ từ tâm của mỗi người, khuyên mọi người nên chấm dứt các khổ đau vô ích do mình tạo ra, và giúp nhơn loại thoát khỏi khổ đau. Điểm được nhấn mạnh ở đây là hạnh Bồ Tát (Bodhicita). Hạnh Bồ Tất là động lực vị tha của người giác ngộ hay đã thoát khỏi khổ đau đang dẫn dắt người khác trên đường chính đạo. Phải cứu vớt mọi chúng sanh bằng cách hành trì vị tha và bác ái. Đó là phương châm của trường phái Phật giáo Mahayana. Lạt Ma Zopa khai thị bằng cách giới thiệu các đường nét chính nói trên, những đường nét mà chúng tôi sẽ học hỏi tỉ mỉ trong những ngày sắp tới.

Bấy giờ tôi mới có chút ít khái niệm về những gì tôi sẽ học. Tuy nhiên, tôi không muốn đoán trước nội dung của các bài giảng sắp tới, cũng không muốn có thành kiến tốt hay xấu mà chỉ muốn mở rộng tâm mình. Tôi nghĩ nếu là tốt cho các vị Lạt Ma và số đông đệ tử đến từ phương Tây ắt phải tốt đối với tôi. Tôi đem suy tưởng ấy theo xuống đồi dưới bầu trời đầy sao lấp lánh và cùng vài đồng môn về nhà nằm nghỉ trên nệm rơm.

Hai tuần đầu không có gì khó khăn lắm vì giới luật, thực phẩm cũng như giờ giấc không mấy gắt gao. Ngoài ra, đó là giai đoạn chuẩn bị cho hai tuần học rút sắp tới. Chúng tôi dậy lúc 6:00 giờ sáng, rửa mặt súc miệng rồi tự thiền ngay trong nhà hay trên lều thiền. Sau đó chúng tôi ăn sáng và đọc sách vàng tới 9:00 giờ, lúc Lạt Ma bắt đầu giảng giờ đầu tiên trong ngày. Sau phút nghỉ xả hơi ngắn, chúng tôi được thầy hướng dẫn thiền tập thể theo nội dung bài vừa học. Tiếp theo là giờ ăn và nghỉ trưa cho đến 3:00 giờ; lúc này chúng tôi có thể đọc thêm sách hay ngồi thiền tùy ý. Lúc 3:00 giờ chúng tôi nghe thầy giảng bài hai và vào thiền tập thể lần nữa. Sau bữa ăn tối nhẹ, thầy thuyết pháp và hướng dẫn nhóm vào thiền lần chót trong ngày. Buổi học được kết thúc bằng thời kinh tiếng Phạn.

Bài giảng trong những ngày đầu đề cập tới bản chất của tâm và của khổ đau do tâm gây ra--các khổ đau vô tận, dưới mọi hình thức và mọi cấp độ. Nguồn gốc của khổ đau cá nhân và tiếp theo là của khổ đau tập thể đều do ba độc mà ra; ba độc ấy là vô minh, tham lam và sân hận. Sở dĩ có vô minh vì bị ảo tưởng của cái tôi, cái tôi hiện hữu riêng biệt không có liên hệ chủ/vật thể. Vì vô minh mọc gốc mọc rễ nên tâm bị gắn chặt với chấp trước và tham cầu những gì ưa thích và ghét bỏ những gì không ưa thích. Khi tập quán hình thành, bản ngã hay 'cái-tôi-yêu-dấu' sẽ làm mọi việc, kể cả việc phi luân phi đạo, để thỏa mãn lòng tham lam và sân hận. Tâm bị đầu độc như thế và bị lèo lái bởi ba độc vừa kể sẽ cùng với các cơ chế do nó tạo nên tự lăn quay trong vòng sanh tử gọi là luân hồi (samsara). Vòng luân hồi không có khởi điểm; vòng ấy quay từ 'lúc-không-có-lúc-đầu.' Dầu luân hồi không có khởi điểm trong không gian và thời gian, Đức Phật đã tìm thấy điểm chấm dứt sau cùng của luân hồi sanh tử mà Ngài gọi là Giải Thoát, Giác Ngộ hay Niết Bàn. Chân lý ấy vượt ngoài tầm của bản ngã và được thọ đắc bằng cách diệt tận gốc vô minh, chấp trước và sân hận từng ăn sâu trong tâm vốn trắng trong. Tâm Giác Ngộ sẽ trở lại trong ngần nhờ được giải thoát khỏi các giới hạn và bệnh tật của đời sống do duyên khởi.

Đức Lạt Ma giải thích tiếp cặn kẽ thuyết nghiệp chướng (định luật thiên nhiên của nhân và quả) và sự vận hành của nghiệp trong thân/tâm theo tiến trình chung của luân hồi. Hành động tiêu cực của thân, khẩu và tâm do tam độc (tham, sân, si) gây nên. Chúng tạo nhân xấu mà quả là khổ đau thể chất lẫn tinh thần có thể gặp phải ngay trong đời sống hiện tại. Nhân xấu còn có khả năng gây quả tái sanh trong cõi thấp nhứt, cõi động vật. Hành động tích cực, ngược lại, bắt nguồn từ trí tuệ, sự không chấp trước và không thù hiềm/tình bằng hữu/tình thương. Chúng đem lại hạnh phúc trên đời và tạo quả tái sanh trong ba cõi cao hơn mà cõi người là một. Theo học thuyết Tây Tạng, có sáu cõi luân hồi[2] mà sách vàng mô tả rất tỉ mỉ. Tất cả đều duyên khởi, vô thường, tạm bợ, phức tạp, và được xác định bởi các hành động chồng chất (nghiệp) của mỗi người. Hành trì Phật pháp là tự tách rời mình ra khỏi tất cả các nghiệp của cuộc sống duyên khởi để đến Niết Bàn bất diệt[3].

Tôi nghĩ tôi có đọc các điều nói trên rồi khi viết bài cho lớp Phật giáo ở đại học; nhưng tôi đã quên gần hết. Với các chi tiết vừa học được, tất cả như mới đối với tôi. Là người phương Tây sống trong môi trường Thiên Chúa giáo, tôi không sao không hoài nghi triết lý vô thần, nhưng tôi thử không lý luận, không so sánh, không bác bỏ, mà cũng không nhắm mắt tin tưởng. Tôi nghĩ tôi cần bình tâm suy nghĩ. Mục đích của các thời thiền sau bài giảng là để chúng tôi có thì giờ, cơ hội và sự hỗ trợ của nhóm đặng mà suy ngẫm các chân lý ấy. Không có gì làm, không có nơi để đi, chúng tôi đến vì khóa học, nhưng chúng tôi không mong đợi gì cả; do đó, tâm rỗng nên dễ thu nhận thực chất của vấn đề.

Trong lúc thiền, tôi dễ dàng nhận thấy sự tham lam và chấp trước của tôi đã gây nên nhiều sự việc không hay cho tôi và người chung quanh. Sự đổ vỡ giữa tôi với Gail là một trường hợp mới ràng ràng đó; chính lòng tham và sự chấp trước của tôi đã làm thay đổi cuộc sống của cô. Và việc làm điên rồ của tôi ở Afghanistan phần lớn là do sự tham lam và cái ngã của tôi. Các hành động tiêu cực ấy trở lại đối diện với tôi và ảnh hưởng cả cha mẹ tôi ở xa tới nửa vòng trái đất. Rồi mới đây là chuyện với Ron mà sự thiếu suy nghĩ và ích kỷ của tôi đã làm hỏng tình bè bạn.

Tôi có quan sát thời cuộc trong quá khứ cũng như hiện tại và thấy rằng luật nghiệp quả, nhứt là đối với các nghiệp tiêu cực, đã lập lại tai hại trên thế giới. Xét tất cả các yếu tố vừa nói, tôi bắt đầu biết rằng tâm lực--thúc đẩy bởi cái tôi tham lam và ham sống--rất mạnh và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ luân hồi; tâm không phát xuất từ con số không mà cũng không tan biến sau cái chết. Thuyết luân hồi bắt đầu có ý nghĩa đối với tôi hơn thuyết Thượng Đế tạo ra thế giới của Thiên Chúa giáo. Bấy giờ tôi bị lôi cuốn vào vòng thật tình.

Mỗi lần Đức Lạt Ma vào lều, ngài đều lạy ba lạy trước bàn thờ trước khi lên ngồi vào ghế. Sau đó khóa sinh lạy ba lạy dài theo hướng của ngài. Đêm đầu tiên tôi chỉ đứng nhìn vì hiếu kỳ; tôi không hiểu tại sao phải lạy kỳ cục như vậy. Tôi không muốn lạy và chắc cũng sẽ không lạy vì nghĩ rằng làm vậy mình tự hạ mình và tùng phục thầy quá.

Nhưng hôm sau, tôi tự buộc mình vượt qua rào xúc động để cố hòa mình. Hơn thế nữa, một ni người Âu giải thích rõ ràng ý nghĩa và cách lạy. Cô nói lạy có nhiều mục đích, mà đại để là để kỉnh Phật, Pháp và Tăng--Tam Bảo mà chúng ta quy y; để nhún mình trước biểu tượng của từ bi, trí tuệ và sự trắng trong tuyệt đối; và để từ bỏ cái tôi, nguyên nhân của tham và sân và là chướng ngại to lớn nhứt. Tượng Phật, thankhas, kinh sách, tháp, và gurus đều tượng trưng cho Đức Phật hay Giác Ngộ và dĩ nhiên là đáng cho chúng ta bái lạy. Điều quan trọng khi lạy là chúng ta phải ý thức sự từ bỏ bản ngã, chấp trước, tị hiềm, sân hận và những tật xấu khác đang ngăn bước của chúng ta vì chúng ngăn che ánh quang minh mà chúng ta rất cần.

Sau vài ngày thiền đầu tiên và suy ngẫm về bản ngã, tôi bắt đầu thầm cám ơn và xin tự nguyện lạy ba lạy dài. Hầu hết những người không lạy trong ngày đầu bây giờ cũng bắt đầu lạy như tôi; hình như có từ lực vi tế nào đó buộc chúng tôi quỳ và lạy nằm dài trên sàn. Tôi cảm thấy thích thú và mong được lạy; bản ngã của tôi chừng như được thuần hóa và tôi bớt ngạo mạn để hấp thu mọi lời thầy dạy.

Đề tài thiền thứ hai là 'Tái Sanh Làm Người Toàn Hảo[4]' nói về phước đức được làm người. Được sanh vào cõi người là vì trong các kiếp trước người ấy đã gieo trồng nghiệp lành, gìn giữ giới hạnh, và hành trì từ bi. Sống trong cõi người là dịp tốt nhứt để tạo căn lành và phát huy trí huệ. Trong đời, các cảm giác sướng khổ, vui buồn, có hay không có hạnh phúc luôn luôn hòa quệnh mà chỉ có con người mới biết phân biệt và chọn lựa. Chúng ta có thể thay đổi khuôn mẫu của ý tưởng cũng như hành động của chúng ta khi thấy chúng sai trái. Thú vật không thể làm thế. Ngoài ra, làm người ta mới có thể trì hành Phật pháp. Nhiều người sanh ra tàn tật hay thiếu thông minh có rất ít cơ hội để phát triển tâm linh hay thiền. Và, hơn nửa dân số trên thế giới sanh ra trong nghèo khó hay ở những nơi đèo heo phải đầu tắt mặt tối lo cuộc sống thì còn thì giờ đâu đọc triết, học đạo. Cho đến chúng ta là những người có đầy đủ phương tiện nhưng mấy ai biết tận dụng các phương tiện ấy. Bên phương Tây, nhiều người giàu có chỉ biết sống cho riêng mình, chạy theo dục lạc, và đắm chìm trong vòng chấp trước, thiên kiến và ích kỷ. Khi nghe nói đến Phật pháp (thứ pháp cần trì giới và lấy từ bi và vị tha làm trọng) họ thối lui ngay. Bỏ qua cơ hội tuyệt đối vì mải mê theo các thói quen tiêu cực và kéo dài khổ đau trong luân hồi là xa lìa thượng giới.

Lạt Ma Zopa giảng rất sâu và dành nhiều ngày để chúng tôi thiền về đề tài Tái Sanh này. Tôi ghi chép hết những điểm quan trọng, đọc kỹ các chương liên hê, và học thuộc lòng "Bát Freedoms và Thập Receptacles của thuyết Tái sanh." Hiểu được, tôi say mê suy nghiệm ảnh hưởng của từng yếu tố một. Tôi quên mất thời gian, hoàn toàn bị thu hút trong suốt giờ thiền và quên cả mình đang ở trong lều với nhiều bạn đồng khóa khác. Lý do dành nhiều ngày cho một đề tài là để người mới học chưa biết định tâm hiểu thấu ý nghĩa sâu xa, những ý nghĩa không thể giải thích bằng lời mà chỉ chứng bằng cách hành thiền. Thật vậy, chẳng bao lâu tôi hiểu được đâu là chân lý.

Lúc thiền hay nghe giảng tôi cố gắng ngồi kiết già. Thoạt tiên tôi bị mỏi rất khó chịu nếu ngồi hơi lâu; tôi phải thay đổi thế hay sửa gối kê thường xuyên. Nhưng sau một thời gian tôi quen dần, có thể ngồi lâu và tập trung tư tưởng. Trong những lúc suy tư thoải mái ấy, tôi cảm thấy vui sướng và thích thú lạ thường. Tuy nhiên, tôi luôn luôn tỉnh thức cảnh giác để cái tâm tiêu cực không thể quay trở lại. Thỉnh thoảng tôi có xao lãng, nghĩ tới trưa hay tối nay sẽ ăn gì hoặc nghĩ tới chuyện đã qua. Tôi cũng có nghĩ xằng bậy tới các bà, các cô bạn đồng môn. Tôi cũng có tò mò muốn mở mắt xem các bạn chung quanh đang làm gì; tôi so sánh họ với tôi xem ai thiền giỏi hơn ai. Tôi quên rằng đó là sự trở về của bản ngã và cái tâm bị động.

Mỗi chiều trước khi ngủ hay mỗi sáng trước khi xuống đất, chúng tôi được khuyến khích ngồi trên giường nghiền ngẫm đề tài đang học. Thường tôi tập trung tư tưởng rất tốt và ngồi rất lâu. Thỉnh thoảng, bản ngã tôi muốn tôi là người nằm xuống hay ngưng thiền sau cùng. Những dịp này giúp tôi soi thấy tôi là ai và phát triển sự hiểu biết cũng như tin tưởng.

Trong lúc xếp hàng đợi cơm hay đi/về, tôi muốn hỏi thăm bạn tôi "Thế nào?" câu hỏi mà nhiều học viên không thể không hỏi. Vài bạn từng học và hành thiền ở chỗ khác có lời so sánh và ý kiến riêng đối với cách học và thiền ở đây. Nhiều bạn khác than phiền về chỗ ngủ, nhà cầu, sàn giặt, thức ăn, chương trình, vân vân. Những chuyện như thế tôi không sao không nghe lóm khi chúng lọt vô tai. Rồi tôi nhận thấy tôi cũng có ý kiến riêng, cũng khó chịu vì những tiêu cực, và cũng đồng tình đôi khi. Tôi biết rằng nói chuyện là một thói quen khó tránh, vì bản ngã muốn khoe cái ta của mình hay muốn nịnh kẻ khác. Không thể tự chế, tôi thỉnh thoảng nói chuyện với vài bạn thân nhứt trong nhà. Nhưng tôi chỉ nói về Phật pháp, hay hỏi cảm nghĩ của họ về một đề tài nào đó, hay muốn biết họ thiền thế nào thôi. Tôi cần trao đổi và mong được nghe lời nói mình đang đi đúng đường.

Dầu đã nhứt định rồi, vậy mà vào giờ chót tôi vẫn đem theo một chút cần sa đủ cho một điếu. Tôi biết tôi không muốn hút nhưng tôi nghĩ nên có cho chắc ăn'. Trong vài ngày đầu, thú phê thuốc còn lảng vảng trong đầu nên tôi vẫn nhớ tới của dấu để dưới đáy túi đeo vai. Nhưng sau khi tôi bắt đầu thiền, tất cả các dư âm ấy đều tan biến. Như vậy mới biết khi tâm muốn thoát khỏi tình trạng buồn chán, người ta mới tìm thú phê tạm bợ. Với tôi, thiền đã là nguồn vui trám hết những chỗ trống không, nên tôi không còn thèm khát nữa.

Vào tuần thứ hai chúng tôi được dẫn giải chi tiết về vô thường và tử biệt. Chúng ta biết mọi công trình thiên nhiên và nhân tạo đều bị thay đổi, biến hoại, tiêu tan, hay tiêu diệt. Tuy nhiên, chúng ta không để ý tới nên sống thản nhiên. Sách cũng như Đức Lạt Ma giảng rằng khi chết chúng ta không thể đem xuống mồ hay qua thế giới bên kia bất kỳ của cải gì, cả một sợi tóc cũng không. Hành trang cho cuộc đời sắp tới chỉ là vô minh hay trí huệ, tham cầu, và chấp trước mà chúng ta đã tích tụ lâu nay; những hành trang làm nhân này sẽ đơm trái tương ứng. Ngoài ra, chúng ta nào ai biết tử thần sẽ đến lúc nào. Thân xác này, được tạo nên bởi tứ đại[5], rất mong manh và tùy thuộc nhiều yếu tố bên ngoài cũng như nghiệp quả trồng bấy lâu nay, có thể chết bất cứ lúc nào. "Ai biết được ngày mai hay đời tới sẽ đến trước," là câu mà một vị hiền triết Tây Tạng từng thốt lên từ lúc xa xưa.

Để thực hành những điều học hỏi, chúng tôi thực tập thiền định về một trường hợp tử vong đặc biệt. Chúng tôi tưởng tượng mình đã chết một giờ qua, rồi lại được tái sanh với những ý nghĩ hay tập quán quen thuộc nhứt. Cũng có thể tưởng tượng mình tái sanh thành thú trong giới hạ tiện hay con ma đói trong chín từng địa ngục. Chúng tôi đã được cho đọc biết cảnh thiếu thốn và các khổ đau trong các cảnh ấy. Lúc thiền, chúng tôi sẽ tưởng tượng mỗi cảnh khổ một và tưởng tượng ra càng nhiều chi tiết càng tốt. Chúng tôi sẽ tưởng tượng luôn những cảm giác khổ đau. Mục đích là để chúng tôi biết chết như thế nào và giúp chúng tôi gạt bỏ những ý tưởng tiêu cực, ý tưởng sẽ dẫn dắt sự tái sanh.

Thoạt tiên, tôi rất hoài nghi việc thực tập thiền này và nhớ tới những nguy hiểm do thao tác tâm linh mà nhiều nhà phân tâm học Tây phương từng mô tả trước đây. Họ cho biết thao tác tâm linh có thể tạo sốc tâm lý cùng nhiều xáo trộn thân tâm nơi một số người. Tôi không tin tất cả những gì đã viết hoặc là tin có địa ngục trần gian, những điều kỳ quặc đó. Tôi nhận thấy rằng, dầu thật hay không, những suy ngẫm ấy là một cách buộc chúng ta thức tỉnh trong lúc đang mê. Tôi đã biết lợi ích của thiền do các buổi thực tập trước đây nên bắt đầu theo Thầy Lạt Ma. Tôi tin tưởng những gì Thầy nói là Thầy biết vì Thầy có nhiều kinh nghiệm bản thân, thành thử tôi chú tâm thiền trọn vẹn.

Nơi một số người sự thăm dò tiềm thức có thể gây phản ứng tâm/thân tai hại. Trong một buổi thiền tập thể tôi nghe một thiền sanh khóc nức nở và rất lâu. Về sau biết ra qua đôi mách là một cô. Thiền như vậy thấm nhập thâm sâu và chạm tới tầng thần kinh dễ xúc cảm nhứt khiến người ta khóc mùi mẫn. Thêm nữa, một thiền sinh người Anh lên cơn, bỏ đồi đi Kathmandu. Nghe nói anh ra đi chỉ vỏn vẹn với bộ đồ lót, vô một quán ăn trên 'Đường Dân Ngông' leo lên bàn đứng đái vung vẩy xuống sàn. Anh bị mấy anh 'con chiên hay làm phúc[6]' giữ trước khi cảnh sát đến dẫn vô 'nhà của kẻ mất hồn[7]' mà nhóm 'Con Chiên Tái Sanh[8]' dựng lên ở Kathmandu. Đó cho thấy rằng người ta phải giải tỏa hết khổ đau tàn trữ trong tiềm thức mình mới có thể đạt được trạng thái tự do tâm linh, tức chấm dứt khổ đau.

Qua hai tuần đầu, những gì tôi đọc, thấy và nghe bắt đầu có lý và ảnh hưởng tôi nhiều. Nếu lúc trước tôi có ý tưởng Phật giáo 'trong đầu', bây giờ tôi có 'trong tâm'; chúng chuyển từ não xuống tim thành những cảm nhận không lời và bắt đầu thay đổi cái tâm thông lệ của tôi. Mỗi bài pháp, mỗi đề tài suy tư mới, mỗi khóa thiền như mỗi miếng ghép được ráp vào đúng vị trí của nó trong trò chơi ghép ráp, hay như cái nhọt đang trong thời kỳ chín muồi. Tôi có cảm tưởng như có cái gì đó lâu nay ở kín dưới đáy sâu đang từ từ trồi lên mặt. Cảm tưởng ấy mơ hồ, vi tế, không thể nắm bắt, và không thể tả bằng lời.

Như mọi ngày, hôm lễ Tạ Ơn tôi ngồi mải mê nghe thầy Lạt Ma giảng ý nghĩa sâu xa của đạo. Bỗng nhiên tôi chợt thấy mình như là miếng ghép chót được ráp đúng vào hình ghép ráp, hay như là cái nhọt đang vỡ. Sau phút sửng sốt, tôi tự thốt lên "Úi chào, úi chào, úi chào! Tôi chẳng hiểu biết gì cả trong những năm qua của cuộc đời mình." Ý nghĩa bí truyền hay mục đích của cuộc đời chừng như đang rạng tỏ. Những câu mà tiềm thức tôi muốn hỏi từ bấy lâu nay đang được trả lời rõ ràng. Tôi ngồi đó nhưng không còn để ý nghe lời giảng của Lạt Ma nữa. Tôi chỉ nghĩ tại sao lâu nay tôi có thể ngu xuẩn, dốt nát và mù quáng như vậy, và tại sao tôi tham cầu chạy theo dục vọng của cái tôi và bị vướng vô vòng nhân duyên như thế đó. Sau khi Lạt Ma giảng xong, mọi người ra nghỉ xả hơi, còn tôi nằm dài tại chỗ tiếp tục tận hưởng dư âm khai ngộ mà tôi vừa mới biết. Tôi có cảm tưởng như khối đá ngàn cân mà tôi đeo trên vai nay mới được vứt xuống. Rồi tôi viết lên quyển sổ xanh của tôi: "Hôm nay là Ngày Tạ Ơn, ngày đầu tiên của chuỗi đời còn lại của tôi. Hôm nay tôi được tái sanh."

Khi tôi bước ra ngoài dưới ánh trăng thanh, tôi có cảm tưởng không có chỗ nào khác hơn để đi hay còn việc gì để làm; mọi việc hầu như toàn hảo và không còn nhuốm màu thời gian. Số thiền sinh còn lại đang trên đường về lều. Tôi không buồn ngủ mà trái lại rất tỉnh táo và thấy mình gần với khoảng không gian bao la yên lành của vũ trụ. Tôi không biết các bạn đồng khóa có cảm giác như tôi không hay chỉ có mình tôi thôi. Cảm giác này giống như cảm giác phê khi tôi xài thuốc gây ảo giác, nhứt là mescaline.

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc mình phải làm ngay bây giờ: thanh lọc tâm và cố tìm đường giải thoát là thiết yếu nhứt. Tôi dường như không còn thiết tha gì đến thế giới bên ngoài hay cuộc sống thường ngày nữa. Tham vọng chu du để thỏa tính tò mò của tôi trước đây bất thần tan biến. Tôi có ý muốn làm một tu sĩ Đại Thừa. Nhưng thâm tâm tôi dạy "Khoan đã, nên giữ tình thế này một thời gian; chờ xem; vui mừng và tin tưởng lúc ban đầu có thể bộc phát nhứt thời và có thể, vào ngày mai hay vài hôm nữa tôi sẽ không còn cảm hứng này." Đó là ví dụ của cái tôi thuần lý xưa đang xen vào để cứu tôi. Tôi rảo bước xuống đồi mang trong tâm cái quyết định tạm thời là vậy. Tôi trở về chỗ ở được dành cho trong thế giới vô thường này, biết rằng phải lâu lắm tôi mới tới đuợc đây và đoạn đường tôi sẽ đi còn dài lắm. Tôi thầm cung kính và cảm ơn Thầy Lạt Ma Zopa đã giúp tôi mở mắt, đưa đuốc soi đường, và chỉ đúng lối cho tôi đi.

Đến nay còn chừng một trăm năm mươi khóa sanh tham dự. Lối hai mươi người bỏ cuộc vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì khóa tu học không thích hợp, thiên về giáo lý quá, quá tôn xưng thầy, và khuyến khích diệt bản ngã tận tình quá. Thực tình, ai coi cái tôi trọng sẽ khó chịu với các nghi thức như lạy, vân vân. Đó là trường hợp 'phân biệt người hay với người dở' trên phương diện tin tưởng và kiên tâm. Tới đây, nếu ai không chuyên cần thì không nên ở lại làm gì, vì trong hai tuần tới chúng tôi sẽ nghiêm túc học hạnh Bồ Tát, hạnh tối cần cho việc hành trì Phật Giáo Đại Thừa Tây Tạng. Chúng tôi sẽ suy ngẫm các đề tài về phương thức giúp mọi chúng sanh hiểu thế nào là khổ để diệt bằng đạo từ bi. Và, nhiệm vụ tiên quyết của chúng tôi là phải bẻ gãy 'cái-tôi-thân-yêu', cái bản ngã thổi phồng của mình.

Hai tuần lễ sau cùng của khóa tình cờ bắt đầu vào hôm sau đêm Lễ Tạ Ơn. Chúng tôi sẽ chính thức quy y và thọ Thập Giới. Mười giới mà chúng tôi sẽ lập lại mỗi sáng lúc 5:30 gồm có:

(1) không sát sanh hay giết bất cứ sanh vật nào

(2) không trộm cắp hay không lấy những gì không đuợc cho

(3) không tà dâm

(4) không nói láo và nói lời không thật

(5) không uống rượu hay dùng thuốc đầu độc tâm

Năm giới trên chỉ là những điều luân lý thông thường dựa trên luật nhân quả và cần cho cuộc sống cộng đồng. Năm điều ấy cũng là nền tảng của hầu hết các tôn giáo lớn và triết lý sống mà các nhà hiền triết xưa từng thuyết giảng. Còn năm giới sau dành cho thiền định, giúp giữ tâm đơn thuần và sở nguyện:

(6) không ăn nặng sau 12:00 giờ trưa

(7) không ca hát, nhảy nhót, xem chiếu bóng, thể thao, vân vân

(8) không đeo vòng vàng, dùng dầu thơm và các trang điểm khác

(9) không dùng ghế giường cao và xa hoa

(10) không giữ tiền bạc và làm thương mại.

Người vào thiền cần trì các giới này để giảm bớt ngạo mạn, chấp trước và hôn trầm. Bắt đầu mỗi ngày bằng Tam Quy và Thập Giới là cách gia tăng tỉnh thức và tinh tấn.

Để giữ giới không đeo vòng vàng, tôi phải tháo hai chiếc nhẫn đang mang. Tôi phải cắt luôn mớ tóc dài để vứt bỏ quá khứ hippi. Ngày tôi thọ giới, tôi cho nhẫn; mỉa mai thay có người nhận. Thoạt tiên tôi muốn bán nhưng sau đó tôi không muốn bận tâm với các thứ vật chất này. Mà chúng tôi đâu đuợc buôn bán với tiền bạc nếu muốn giữ giới thứ 10. Về việc cắt tóc, tôi hơi do dự hy sanh những lọn tóc vàng của mình, dẫu biết rằng nếu thật sự muốn thực tập không chấp trước thì tốt nhứt tôi phải thí phát. Lúc bấy giờ tôi bị dằn vật bởi bản ngã cố hữu và hạnh Bồ Tát vô ngã vừa chớm nở nơi tôi. Tôi bèn lý luận: "Không dám cắt bỏ mớ tóc này thì làm sao tôi có thể thành Phật, người chịu mọi gian khổ và hy sanh?" Không biết may hay rủi, hôm ấy đầu tôi bắt đầu ngứa ngáy. Thì ra tôi bị chí cắn; một người bạn xem dùm nói vậy. Thật là một bất tiện lớn trong lúc ngồi thiền vì tôi không thể không gãi đầu thỉnh thoảng. Thế là tôi bị đặt trước một quyết định lớn--phải làm sao bây giờ?

Giải pháp trước tiên là gội đầu cho chết chí nhưng không diệt hết trứng chí được. Có người chỉ tôi nhúng tóc vô dầu hôi để giết cả chí lẫn trứng. Nhưng tôi sực nhớ tôi vừa thọ giới không sát sanh kia mà. Tôi phải hỏi một sư cô việc này. Cô tán đồng điều mà tôi đã biết trước: "Vâng, chí là chúng sanh." Bấy giờ tôi chỉ có hai cách giải quyết: cạo đầu để khỏi giết chí hoặc để nguyên trạng rồi sẽ quen dần về lâu về dài. Tôi không cần đợi lâu mà quyết định ngay trong buổi thiền sau đó lúc tôi ngồi cắn răng chịu đựng cho chí cắn. Tôi nghĩ đó là cái điềm hay sự thúc hối tôi giải quyết khó khăn mà tôi đang vật lộn với.

Vào giờ nghỉ trưa, tôi nhờ một người bạn lấy kéo cắt mớ tóc của tôi, cắt càng ngắn càng tốt. Thấy tóc rơi tôi bất chợt nhớ tới một số kỷ niệm cũ. Nhưng tôi quên mau khi bắt đầu thấy nhẹ gọn và nghe hơi gió thoảng qua màng tang, tai, cổ, và đầu. Tôi cảm thấy khỏe khoắn như được thoát khỏi một cục nợ. Tôi vò chưn tóc còn lại để gạt chí nhưng cẩn thận không dám làm chúng chết, trước khi gội đầu bằng xà bông. Tuyệt. Sự tương phản rất lớn, lớn đến nỗi tôi không còn muốn để tóc dài nữa. Ngoài ra tôi không còn phải bận bịu với những khó chịu. Tôi có cảm tưởng tâm thân tôi nhẹ nhàng và tôi vui sướng vì tôi đã làm tạm đủ. Tuy nhiên tôi vẫn còn núm níu hình ảnh cũ của bộ râu và chiếc jalaba mà tôi từng có rất lâu. Sau cùng, tôi nghĩ mình cần có gì đó để mặc vào những ngày lạnh và tôi cũng cần có hàm râu không chí.

Rất có thể tôi bị lây chí trong các chuyến đi vì tôi đã ngủ trên chiếu hay giường rơm, mà cũng có thể từ phòng ngủ ở Kathmandu. Trên đường qua các làng mạc tôi thường thấy nhiều bà ngồi trước cửa nhà bắt chí cho nhau, chứng tỏ cái nạn lây chí ở đây thông thường. lắm, một nạn mà du khách Tây phương rất sợ, khi họ bước vô nhà nghỉ rẻ tiền ở Á châu. Viêm gan, bệnh đường ruột và lây chí là những chứng dân hippi đi qua Á châu thường mắc phải. Tôi bị hết cả ba rồi; bây giờ còn đi chảy thỉnh thoảng đây!

Tôi vô hội rồi! Trong buổi thiền hồi xế tôi có nhận xét và tự hỏi chớ bà con có nhìn ra tôi không và họ nghĩ sao về tôi. Trừ vài người, còn hầu hết hình như không để ý; tâm trí họ có thể đã quá bận rộn. Những ngày sau đó tôi thấy thêm một ít đầu cạo trọc nữa, nam có nữ có. Tôi không biết vì sao nhưng thiền định hình như có ảnh hưởng.

Trong việc hành thiền hạnh Bồ Tát--đập tan vỏ bản ngã và mở rộng tâm--đề tài quan trọng đầu tiên là nhớ ơn cha mẹ. Chúng ta phải biết rằng cha mẹ chúng ta đã yêu thương và hy sinh cho chúng ta rất nhiều. Mẹ cho con bú mớm, ru con, dành cho con biết bao tình, và bảo bọc con lúc con còn non dại. Cha mẹ tảo tần suốt hai mươi năm khó nhọc để dưỡng dục và chu cấp cho con mọi thứ. Thông thường người làm con coi đó như chuyện dĩ nhiên và không tỏ lòng biết ơn. Một thực tế trong xã hội phương Tây ngày nay! Chúng tôi cũng nghĩ tới việc không sao con có thể trả hết công ơn cha mẹ. Dẫu có phải cõng cha mẹ trên lưng và đút cho cha mẹ ăn uống đến ngày cùng, con cũng không thể trả hết.

Suy tư ấy làm tôi rơi nước mắt; tôi rất am hiểu khi tôi nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Tôi thích thú nhớ tới những chuyến đi chơi hè do ba má tôi tổ chức cho chúng tôi học hỏi, lúc ba má tôi khuyến khích chúng tôi học tập, các hội hướng đạo, YMCA mà ba má tôi ghi danh cho chúng tôi tham giai, vân vân. Tôi nhớ các ngày đi trợt sóng; những ngày ấy ba tôi dậy sớm lo điểm tâm và xe cộ trong lúc chúng tôi ngủ vùi. Lúc bấy giờ tôi coi đó là chuyện bình thường, ít khi nghĩ tới việc làm gì để trả công ơn cha mẹ. Trái lại, tôi còn làm cha mẹ lo âu, buồn bực, thất vọng vì không nghe lời, hay đi chơi rong với bạn, tinh nghịch và làm nhiều điều vô trách nhiệm mà ông bà không sao hãnh diện nổi. Bây giờ có thiền định về công ơn cha mẹ tôi mới biết thay đổi thái độ và hiểu cha mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, vì không còn ở với cha mẹ nữa nên tình cảm của tôi đối với cha mẹ thay đổi dễ dàng hơn.

Một khía cạnh khác của thiền định về báo hiếu là đưa đường cho cha mẹ vào Phật pháp. Cả trời châu báu không thể sánh bằng mở tâm cha mẹ để cha mẹ hấp thu giáo lý giải thoát và tu hành Phật đạo. Do đó, một cách báo hiếu tốt nhứt là tôi cố gắng hành trì Phật pháp rồi chuyển nhân lành sang ba má tôi. Buổi thiền chấm dứt bằng cách cho thiền giả tưởng tượng đang chiếu bạch quang vào cha mẹ đứng trước mặt mình. Tôi vui sướng chiếu bạch quang vào ba má tôi trong lúc tôi tưởng tượng ông bà đang ngồi trong phòng khách ở Riverside. Tôi tưởng tượng ông bà đang xem truyềnh hình, hay ăn cơm hay làm bất cứ việc gì đó, biết rằng tôi cách ông bà những mười hai tiếng đồng hồ. Tôi còn tưởng tượng tôi đang đứng trước ông bà trong khòng khách để nói: "Đừng sợ, con đã được giải thoát và đang đến giúp ba má đây." Tôi không biét ông bà có thể nào cảm nhận được luồng điện tâm linh mà tôi gởi về chăng?

Trò tâm linh nói trên và các trò khác mà chúng tôi thử nghiệm đều mơ hồ và ảo tưởng, chắc không có ảnh hưởng gì đến ai trừ tôi. Tôi thực nghiệm một cách chân tình và đúng với lời Thầy dạy. Ngoài ra, chúng có thể là một hình thức vi tế của sự tự lừa dối mình, làm gia tăng hơn là diệt bản ngã.

Tiếp tục con đường đang đi, chúng tôi nới rộng phép trì hành Bồ Tát hạnh bằng cách suy ngẫm về 'Tất Cả Mẹ Chúng Sanh'. Từ lúc vô thỉ chúng ta và tất cả chúng sanh đều lăn quay trong sáu cõi luân hồi, một thời gian khá đủ dài để chúng ta có thể là cha mẹ lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta phải quý mọi chúng sanh như quý người mẹ hiện hũu của chúng ta; phải kể luôn cha, anh, chị, em, bà con, bạn bè, thầy, người dưng, hành khất ngoài đường, người mình không ưa, và kẻ thù. Chúng ta phải quên mình trong hiện tại để kính trọng, thương yêu, và tội nghiệp họ. Như vậy, tất cả những dị biệt, thiên kiến và dã tâm đối với các chúng sanh khác sẽ tan biến và chỉ còn lại thiện ý, từ bi và bác ái. Buổi thiền kết thúc cũng bằng cách tưởng tượng cha mẹ mình đang đứng giữa chúng sanh trong sáu cõi, đang được chiếu rọi bạch quang, và đang được giải thoát.

Để việc hành trì Bồ Tất đạo được đúng mức, chúng tôi thực tập 'Nhận và Cho'. Tất cả chúng sanh trong mười phương được hình dung như ngồi chung quanh ta. Dùng hơi thở, chúng ta hít vô bằng mũi nghĩ rằng mình đang nhận tất cả khổ đau, thân cũng như tâm, của các chúng sanh ấy, để làm họ bớt khổ qua ngả chuyển đổi tâm linh. Tiếp theo, bằng sự tinh khiết và quyền lực của cái tâm giác ngộ của chúng ta, chúng ta biến đổi các khổ đau kia thành bạch quang và gởi lại họ sự tinh khiết/tuệ quang ấy qua hơi thở ra mũi của chúng ta. Sau cùng, chúng ta ngồi trên tòa sen giữa trời với chúng sanh mà tất cả bây giờ đều là Phật cùng ngồi trên tòa sen. Và toàn thể chúng sanh trong vũ trụ đều ngộ theo giai điệu 'và đều sống hạnh phúc mãi mãi về sau'.

Trong hai tuấn lễ chót, tôi rất tán thán Mười Giới Cấm, nhứt là giới không ăn sau 12:00 giờ trưa. Tôi nhận thấy như vậy sẽ giúp tâm chẳng những bớt tham ăn mà còn bớt tham các ham muốn khác. Tôi rất vừa lòng với thiểu dục và cảm thấy thân mình nhẹ nhàng hơn. Không ăn sau ngọ còn cho thấy ăn quá trớn sẽ làm thân tâm chậm chạp và thiếu nhạy cảm. Tôi tỉnh táo hơn lúc về đêm và có thể ngồi thiền lâu hơn trên giuờng trước khi đi ngủ.

Sáng dậy tôi thảnh mảnh và có thể bước ngay xuống giường. Đứng xếp hàng lãnh phần ăn sáng, tôi có dịp quan sát bản ngã/cái tôi thao tác. Tôi thấy nó hiếu kỳ muốn biết sáng nay ăn gì, làm như đó là điều quan trọng lắm. Bữa ăn luôn luôn ngon, bổ dưỡng và đầy đủ nên không phải lo thiếu chất lượng dầu ăn chỉ hai lần mỗi ngày. Nhà bếp chẳng những nấu đủ cho mọi người mà còn dự trù dư cho ai muốn ăn thêm. Có người lo xếp hàng trước để ăn phần đầu tiên rồi lãnh thêm phần nữa trước khi người khác lãnh phần họ. Thoạt tiên tôi cũng có ý tham đó nhưng tôi không bắt chước làm theo mà chỉ ăn một phần của mình.

Vì muốn chế ngự bản ngã mình và nghĩ tới người khác, tôi cố ý chờ cho mọi người xếp hàng trước rồi mới vào đứng sau dưới đằng đuôi. Nhiều khóa sinh khác cũng làm như tôi, nên chúng tôi ngầm tranh nhau xem ai đi chậm và đến sau. Để tránh trò chơi bản ngã tinh tế này, tôi không làm như lúc trước nữa mà đứng vô chỗ tùy theo lúc đến. Giữ Mười Giới giúp tôi thấy thân tâm có rất nhiều liên hệ hỗ tương dưới chiều sâu. Tôi nhận thấy nơi tôi cũng như nhiều người khác, thân tâm rất tùy duyên và tùy thuộc ngoại cảnh cùng ký ức của chúng. Tôi hiểu và biết chấp trước cùng với tham ái làm thế nào tạo ra 'cái tôi', để rồi tách 'tôi' ra khỏi tổng thể, canh giữ tâm và che giấu Sự Thật.

Khóa học chỉ còn vài hôm nữa là kết thúc. Cảm hứng và tin tưởng nơi Phật pháp đến với tôi trong đêm Lễ Tạ Ơn vẫn còn đầy, tuy nhiên lòng hâm mộ bồng bột của lúc đầu bây giờ đã lắng dịu. Tôi vẫn muốn hành trì kinh Phật hơn là đi tìm các thú vui tầm thường khác, nhưng không còn ý định làm tăng nữa. Tôi rất mừng được học các pháp Tây Tạng, những pháp khả dĩ đã ít nhiều biến tôi thành con Phật. Tôi tin tôi đã tìm được đường đi cho đời tôi, con đường mong cầu và thỏa đáng. Tôi hằng nhớ lần gặp Jim, chiếc chìa khóa mở đường tôi lên Kopan, và câu chuyện hứng thú của anh về thiền minh sát. Từ dạo đó, tôi luôn nghe nói thiền minh sát là phương cách của tông Nguyên Thủy (Hinayana hay Theravada) nhằm khám phá thân tâm của hành giả một cách trực tiếp và thâm sâu nhứt. Tôi mong được thử phương cách bổ sung này để mở rộng tầm nhìn và biết thân tâm mình hay nói cách khác để khai nội tâm/trí huệ.

Vào sáng ngày chót, Lạt Ma cho bài thuyết giảng rất rõ ràng về ý nghĩa của Tam Quy (quy Phật, quy Pháp và quy Tăng). Hầu hết chúng ta không biết chỗ nương tựa bèn dựa vào thế giới vật chất để định danh, cầu an toàn và tìm lạc thú. Chúng ta tự tạo một thế giới hạn chế riêng quanh gia đình, công ăn việc làm, bạn bè, tiền tài, liên hệ xã hội, thể diện, và tham ái trong cộng đồng đầy tranh đua này. Rất tiếc các điều vừa kể đều vô thường, tức biến đổi liên miên, nên không thể là chỗ nương dựa tin cậy được. Nhiều lắm là chúng giúp cho "một đêm nương tựa" , một sự thỏa mãn cấp thời và tạm bợ, sau đó chúng ta lại phải rong tìm nữa. Chỉ có Tam Bảo mới là nơi nương tựa đáng tin cậy, vì Tam Bảo không đổi thay theo thời gian, không gian và điều kiện. Phật, Pháp và Tăng là ba khía cạnh của một Sự Thật làm mầm trong mỗi chúng sanh. Sự thật ấy chính là Giác Ngộ Nguyên Thủy hiện diện như môt tiềm năng cố hữu mà chúng ta phải công nhận và nên nhận làm chỗ tựa. Tất cả các Phật, Guru của quá khứ, hiện tại và tương lai đều là những hình thể của Sự Thật Tối Hậu đó.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thế giới của tương đối và tâm chúng ta chưa đủ vững vàng, chúng ta cần có chỗ nương hiện thực để bám víu. Do đó, trên thực tế Tam Bảo rất hữu ích vì Phật, Pháp và Tăng hướng chúng ta đi đúng đường, giúp chúng ta nguồn cảm hứng và là động lực thúc đẩy của chúng ta. Chúng ta về nương tựa nơi Đức Thích Ca Mâu Ni, mà các Lạt Ma và Guru là hiện thân. Chúng ta về quy y Pháp bằng cách xem kinh điển như ngọn đưốc soi sáng ý niệm, lời nói, hành động và pháp hành thiền của chúng ta. Chúng ta về quy y Tăng là quý sư ni đã dâng hiến thân tâm cho Phật Pháp. Tăng giữ Pháp đúng như Sự Thật đã được xác minh và là Lữ Chúng mà chúng ta tìm đến để được khuyến khích, hứng khởi và hướng dẫn.

Lạt Ma cũng có giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngũ Giới trong tiến trình phát triển tâm thân. Năm giới ấy là những tự chế đặt ra để giúp chúng ta tỉnh thức trong cuộc sống, giúp chúng ta hài hòa với luật nhân quả, và lành mạnh hóa tâm thân của chúng ta. Nếu lỡ phạm một giới chúng ta chớ nên buồn rầu cho rằng thế là chấm hết mà nên biết lỗi và quyết tâm tu sửa để tránh sai phạm về sau.

Sau khi nghe thuyết pháp, chúng tôi có cơ hội chánh thức quy y và chọn trong ngũ giới những giới nào có thể giữ được để thọ trọn đời. Thọ giới, hành giả chánh thúc trở thành Phật tử, và nếu muốn, Lạt Ma sẽ đặt cho pháp danh Tây Tạng luôn, một truyền thống xưa của Phật giáo Đông phương. Đó biểu thị sự tự lìa bỏ nhân dạng quá khứ, mê muội, tập quán xấu, vân vân. Trên bình diện tâm linh, người thọ giới được xem như tái sanh, và pháp danh mới thường có ý nghĩa liên quan đến những đức tính chớm nở của người đệ tử mà Thầy đã nhìn thấy được.

Từ đêm Tạ Ơn ấy, tôi đã tự xem mình như người đi cầu tìm tâm linh rồi. Nhưng bây giờ tôi mới chánh thức quy y vì được thêm nhiều sự khuyến khích và cũng vì muốn tỏ lòng biết ơn các Lạt Ma. Tôi chọn những giới mà tôi sẽ thành tâm thọ trọn đời mình. Tôi biết hai giới mà tôi tin chắc có thể giữ được trọn đời: đó là không bao giờ có ý giết hại và sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Còn hai giới không tà dâm và không uống rượu hay hút hít, tôi không chắc lắm nên không dám khấn. Không phải tôi muốn phạm hai giới đó, nhưng nào ai biết được những cái bất ngờ, sức mạnh của tập quán, và tâm chưa hẳn quyết của tôi. Tôi nhận thấy trong lúc đi đó đi đây bên Á Châu, người ta cần nói ít chuyện không thật nhưng không hại. Ví dụ, tôi nói láo về việc tôi không có giấy phép khi leo núi, hay tôi không có mua vé khi lên xe lửa ở Ấn Độ. Tôi không dám khẳng định tôi sẽ không tái diễn. Và tôi không hiểu rõ nghĩa của tà dâm là gì--phải chăng là chỉ được ăn nằm với một người vợ chánh thức mà thôi? Như vậy thì tôi không dám khấn sợ lỡ gặp người đàn bà nào đó ở chỗ nào đó mà tôi muốn thì sao. Về việc uống rượu đến say tôi chắc chắn là không có; còn hút hít tôi không dám nói chắc. Tôi hỏi một tăng Tây phương về chuyện hút cần sa ganja, hashish, và các chất gây ảo giác như mescaline, LSD và nấm kỳ diệu. Ông nói các thứ ấy không có trong danh sách nhưng Lạt Ma xem chúng là đồ cấm kỵ. Tôi biết tôi có thể cai thuốc, nhưng một lần nữa, tôi không dám quả quyết rằng tôi sẽ không muốn phê nữa. Tôi không dám khấn trọn đời những giới mà tôi chưa chắc giữ được. Do đó, tôi nghĩ nên tạm hoãn thọ ba giới ấy cho đến lúc tôi sẵn sàng.

Tự xem mình như được tái sanh và đang lần hồi trở thành con của Phật, tôi xin nhận pháp danh. Pháp danh được viết sẵn và bỏ trong tô lớn mà Lạt Ma sẽ chọn để đặt cho mỗi người. Trong buổi lễ chúng tôi tụng Tam Quy như từng tụng mỗi sáng trong hai tuần qua. Lúc thọ giới, mỗi người chỉ đọc giới mình chọn thọ mà thôi. Không theo một thứ tự nhứt định nào nên hể ai muốn nhận pháp danh thì cứ đứng lên đến trước Lạt Ma. Pháp danh được xem như phải thích hợp cho mỗi người nhưng nhìn cách rút từ trong tô ra như rút thâm tôi không biết làm sao chọn được. Pháp danh Thầy đặt cho tôi là Thubten Torgme. Thubten là họ mà mọi người đều có như nhau, còn Torgme là tiếng Tây Tạng có nghĩa 'không kháng cự'. Tôi rất thích pháp danh này vì có nghĩa tôi sẽ không cưỡng lại việc đạt mục tiêu tâm linh cầu nguyền của tôi. Thực hư thế nào chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.

Lễ bế giảng của khóa học được cử hành trọng thể với sự tham dự của nhiều Lạt Ma Tây Tạng. Như lễ ở Sawayambunath, có kèn, trống, chuông, chập chõa, và kinh kệ. Cũng có rất nhiều thực phẩm cúng dường. Không khí trong lều thiền tưởng chừng tràn đầy thần lực khả dĩ khởi động trí tưởng tượng của tôi. Tôi thấy nhiều Phật và Bồ Tát từ bốn phuơng về tham dự đầy lều và ban ơn lành cho các bồ tát mới còn non nớt như chúng tôi. Đây là màn kết thúc rất đích đáng của tháng học đầy xúc cảm, hướng thượng, và khai phóng mà tôi được dự. Tôi tiếc khóa học đã mãn và tôi phải rời khu đồi mà tôi rất mến và quen thuộc này. Tuy nhiên tôi cũng đã sẵn sàng rời môi trường an lành và bao che của khóa học để trở về thế giới riêng của tôi. Tôi tò mò muốn xem tôi có thể tự giữ sự tỉnh thức và lòng cam kết của mình đối với Phật pháp không trong lúc không có ai ngoài tôi nhắc nhở lấy tôi. Tôi nghĩ đó mới là thử thách thật sự coi tôi có thể giữ được mình như thế này chăng, tức không còn cần hút hít hay những khoái lạc của thế giới bên ngoài nữa.

Bây giờ khóa học đã két thúc, chúng tôi được tự do chuyện vãn và giao tiếp. Chúng tôi có thể giao hảo thân thiện với ngưới mình thích nhưng trước đây không thể mở lời được. Ngọn đồi bỗng nhiên trở thành sanh động với một trăm năm mươi người đang chuẩn bị đi về mọi ngả. Nhiều người lo trao đổi địa chỉ, lập hành trình hay tìm bạn đường. Tôi không vội vã nên ở lại gặp và nói chuyện với nhiều người trong lúc thử tìm quyết định cho hướng đi mới.

Nghe đồn vào đầu tháng giêng Đức Đạt Lại Lạt Ma cùng hằng ngàn đệ tử sẽ đến Bodhgaya. Ngài sẽ làm lễ thọ giáo Kalachakra cho ai tham dự. Kalachakra là một lễ kết nạp đặc biệt chỉ có Đức Đạt Lại Lạt Ma mới có quyền chủ trì và ngài chỉ cử hành chừng vài ba lễ trong đời khi ngài thấy thế giới sắp bị khủng hoảng. Quyền lực tạo ra bởi Kalachakra được tin là có thể hóa giải các trở lực tai hại và ngăn chận thảm họa. Hầu hết quý thầy, cô và cư sĩ Tây phương đều đi dự lễ hiếm có và ân lành này. Nhân dịp này, Đức Đạt Lại Lạt Ma sẽ thọ phong cho các tăng ni Tây phương theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Hầu hết là khóa sinh của lớp tu thiền này. Một lần nữa tôi lại nghĩ tới làm tăng sĩ Đại Thừa vì đây là cơ hội đặc biệt được Đức Đạt Lại Lạt Ma thứ 14 thọ phong. Nhưng khi soát xét lại tâm mình, tôi thấy chưa ổn thỏa để gia nhập nhóm mà tôi cho là tinh túy nhứt này. Tôi cần thời giờ để cho riêng mình và để tiếp tục thực tập cũng như theo các nhu cầu nội tâm mà tôi tin rằng tôi có thể biết. Dầu thế nào đi nữa, tôi đang bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi xuống Ấn Độ về Bodhgaya vào dịp đó và có thể dự luôn lễ Kalachakra. Chiều, sau khi các khóa sinh ra đi gần hết, tôi buồn nói lời từ biệt khu đồi, rồi thơ thẩn băng đồng lúa qua Boudnath và vô Kathmandu.



[1] Lạt Ma Zopa Rinpoche sanh năm 1946 tại Thami, trên Hy Mã Lạp Sơn, Nepal, không xa động Lawudo nơi mà bậc tiền bối của ngài từng thiền định trong 20 năm. Ngài hiện là vị lãnh đạo tinh thần của The Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition và trông coi mọi hoạt động của hội này (tg).

[2] Trời, a tu la, người, ngạ quỷ, súc sanh, và địa ngục (nd).

[3] Từ đây nhiều từ tiếng Sanskrit và Pali được dùng vì các từ này không có từ tương đương trong tiếng Anh. Ngoài ra, các từ này cần được lập đi lập lại nhiều lần để rõ nghĩa hơn (tg).

[4] Perfect Human Rebirth (tg).

[5] Thuyết nhà Phật cho rằng thân thể con người được tạo nên bởi sự kết hơp của bốn chất là đất, nước, gió, và lửa (nd).

[6] 'good Samaritan Christian' (tg).

[7] 'home for lost souls' (tg).

[8] 'Born Again Christians' (tg).


---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2023(Xem: 2730)
An Dưỡng Địa là một khu nhà mồ ở Phú Lâm, gần bến xe đi về lục tỉnh. Trong khu An Dưỡng Địa có chùa Huệ Nghiêm, có Tháp Phổ Đồng. Tiền thân của chùa Huệ Nghiêm là Viện Phật Học Phổ Thông được thành lập đầu năm 1964, rồi chuyển qua Viện Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa đầu năm 1971. Tôi và ba thầy Liêm Chính, Toàn Châu, Thiện Tường được Viện Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học Liễu Quán ở Huế gởi vào đây học thêm 04 năm. Sau ba năm tu học theo chương trình của viện, tôi đi thêm đoạn đường dài là đến tu học, hoằng hóa tại Hoa Kỳ.
15/01/2023(Xem: 2512)
Nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm chết hơn 2 triệu dân miền Bắc, nặng nhất là hai tỉnh Thái Bình, Nam Định đã để lại dấu ấn không bao giờ quên về hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương do Pháp và Nhật chiếm đóng Việt Nam.
15/01/2023(Xem: 2588)
Tôi có một người cháu tên Nhi gọi tôi bằng dì. Liên hệ bà con xa, gần thế nào tôi không rõ lắm, chỉ biết là lần đầu gặp Nhi từ miền Trung vô Sài Gòn Nhi đã hai hai tuổi, hy hữu ở cùng cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận với nhà tôi. Nhi ở dãy A, nhà tôi dãy E đi bộ qua lại chừng hai phút. Nhi theo chồng vào đây và đi học. Đã hai hai tuổi và đã lập gia đình nhưng trông Nhi rất trẻ con, có lẽ nhờ nét mặt mộc mạc ngây thơ, ánh mắt thật thà thánh thiện, đặc biệt có hai răng khểnh rất duyên, mỗi khi cười làm tăng nét hồn nhiên chân thành vốn sẵn có trên khuôn mặt bầu bĩnh hiền lành phúc hậu của Nhi.
14/01/2023(Xem: 2295)
Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về sức vươn lên của cậu bé chăn trâu 11 tuổi tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi. Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ểnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.
17/12/2022(Xem: 2757)
Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.
03/12/2022(Xem: 2710)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
21/11/2022(Xem: 3418)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 2494)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
11/11/2022(Xem: 1825)
Bút giả đến Mỹ cũng khá lâu, cách nay cũng trên 40 năm. Đầu tiên tôi sinh hoạt chính thức Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tiểu bang Colorado, thành phố Denver. Được hơn một năm, không chịu đựng với cái lạnh không quen ở đây nên về sinh hoạt với Phật Học Viện Quốc Tế và cũng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Nghi lễ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, trụ sở là chùa Việt Nam Los Angeles bây giờ. Sau đó, quý thầy lớn : Đức Niệm, Thiện Thanh, Tịnh Hạnh . . . lớp quý thầy ngang lứa như chúng tôi (Tín Nghĩa), Nguyên Đạt, Pháp Châu, Nguyên Trí núi (tức là Hòa thượng Nguyên Trí chùa Bát Nhã bây giờ) và Nguyên Trí già (tức là Hòa thượng Đạo Quang bây giờ). Tôi là Phó Chủ tịch đặc trách Gia đình Phật tử. . . còn quý Trí thức Cư sĩ gồm có : Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Dược sĩ Tâm Thường, Đạo hữu Thiện Bửu . . . còn một số nữa, lâu quá chúng tôi không nhớ hết.
02/11/2022(Xem: 13641)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567