Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4. Ma rốc, Hy Lạp và Trung Đông

11/06/201316:26(Xem: 3637)
Chương 4. Ma rốc, Hy Lạp và Trung Đông

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 4

MA RỐC, HY LAP VÀ TRUNG ĐÔNG

Tụi tôi đặt tên tàu hơi nước cổ lỗ sĩ đưa tụi tôi đi El Aiun là 'tàu chuối' vì nghĩ rằng tàu này được dùng để chở chuối từ Canaries qua Bắc Phi trong những thập niên 40 và 50. Tàu chạy rất mệt nhọc, nghiêng tới nghiêng lui nghiêng qua nghiêng lại giữa sóng đại dương cuồn cuộn. Hầu hết khách trên tàu là thanh niên Tây Mỹ như tụi tôi đang theo 'lộ trình hippi' đi từ thiên đàng này qua thiên đàng khác khi mùa thay đổi.

El Aiun là một phố nhỏ hay đúng ra là một khu đồn quân sự. Tại đây tụi tôi qua cổng quan thuế, rồi lấy taxi ra trạm biên giới Tarfiya giữa Sahara Tây Ban Nha và Ma Rốc. Nói là trạm chớ thật sự chỉ là một vài cái chòi lợp tôn, dừng bằng giấy bồi rách nát, nằm chơi vơi giữa đồng không mông quạnh. Tuy nhiên Tarfiya rất quan trọng vì mọi thủ tục di trú và quan thuế của khách và hàng ở Ma Rốc xuống Mauritana hay Senegal đều làm tại đây.

Vừa xuống taxi ở Tarfiya, tụi tôi gặp ngay một lão già trong chiếc áo jalaba[40] lếch thếch dơ hem cà rà theo gạ bán ma túy; tụi tôi mua một ít hash. Nghe đồn hash Ma Rốc rất ngon và không thiếu nên tụi tôi đã xài hết trọi xì ke acít lúc ở Gomera. Lời đồn không sai.

Sau khi làm xong thủ tục di trú, tụi tôi thót lên xe landrover đang chờ khách đi Tan Tan, thành phố địa đầu của miền Nam Ma Rốc. Xe chất mười hai mạng, xếp như cá mòi. Tôi chọn ngồi trên mui với hành lý để nhìn sa mạc mênh mông và được thở không khí trong lành. Chuyến đi sẽ mất hai mươi bốn tiếng. Bác tài có tên Elydi và biệt hiệu 'con sói sa mạc' ba hoa rằng bác biết sa mạc này như lòng bàn tay bác và có thể chạy xe không cần mở mắt. Tôi thấy bác chạy phom phom trên đường mòn giữa đồng cát di động nên nghĩ bác nói không ngoa. Xe ngừng nghỉ lúc 11:00 giờ đêm. Tụi tôi trải nóp nằm ngủ ngay trên cát.

Bốn giờ khuya xe chạy lại. Khoảng 7:00 giờ sáng, tụi tôi bắt đầu thấy cừu và lều du mục. Elydi ngừng lại trước lều lớn của một gia đình Berbers. Một người đàn ông với bộ râu rậm muối tiêu và chiếc áo jalaba bạc màu nhưng đẹp mắt ra đón chào Elydi và đám khách. Vài đứa con nít ăn mặc lếch thếch thò đầu ra ngó. Ông chủ lều có vẻ rất quen với Elydi. Ông mời chúng tôi vô lều. Lều rất đơn sơ chỉ có một tấm thảm Ba Tư trải trên nền cát phủ các bao (gunny bags). Tất cả chúng tôi được mời ngồi xuống thảm. Một bà bịt mặt theo phong tục Hồi giáo ra pha trà. Trà được rót ra nhiều ly nhỏ từ cái bình xưa rất đẹp. Mùi trà bạc hà ướp lá xô thơm[41] rất ngon. Bác Elydi quả là một người hướng dẫn khéo!

Vừa xong tuần trà, tôi ra ngoài ngắm cảnh. Sa mạc mênh mông với cừu và lều du mục lấm tấm nhiều nơi. Elydi và ông chủ đến gần tôi nói chuyện gì đó bằng tiếng Á Rạp. Ông chủ nhìn tôi, lấy tay vuốt râu ông rồi chỉ râu tôi nói líu lo. Tôi tò mò chú ý. Elydi dịch đại để rằng ông chịu tôi, muốn gả con, và cho tôi lều với một đàn cừu nhỏ để tôi bắt đầu cuộc sống ở đây. Tôi nghĩ hai người nói đùa nhưng họ đang chờ câu trả lời của tôi. Hình ảnh của một cuộc sống tới già ở Sahara để chăn cừu và nhâm nhi trà bạc hà thoáng qua trong trí tôi. Nhưng trở lại thực tế với chuyến đi dở dang, tôi xin được khước từ. Và, lên xe tiếp tục đoạn đường còn lại, mọi người dự định sẽ tới Tan Tan trong vòng hai tiếng nữa.

Hôm sau bốn đứa tụi tôi lấy xe đò lên Goulimine, thành phố của 'Người Xanh--Blue Men', chuỗi Goulimine, và chợ lạc đà cuối tuần. Không thể kiếm chỗ trọ cho cả đám nên tụi tôi phải nằm tạm dưới sàn gỗ trên gác lửng của một quán đông khách rất ồn ào. Thôi thì để làm quen với không khí và tập quán Ma Rốc và học vài chữ Á Rạp vậy.

Barry, Larry, Fred và tôi mỗi đứa mua cái áo jalaba, y phục cổ truyền không người Ma Rốc nào mà không có. Áo chấm gót có tay dài và mũ đội, thường được may bằng len, hay sợi, hay cả hai. Jalaba dùng để che nắng nóng và bão gió lúc ban ngày và chống lạnh vào ban đêm. Áo cũng có thể dùng để quấn ngủ như một loại nóp. Tụi tôi mặc jalaba vì muốn thử và cũng vì muốn làm như dân địa phương để tránh làm du khách. Barry và Larry có râu tóc đen nên tương dối giống người Ma Rốc, còn tôi trông rất dị hụ bởi tóc vừa vàng vừa dài và râu lại màu hung. Nhưng không sao vì đàn ông địa phương rất khoái tụi tôi có lẽ bởi tụi tôi hạp với họ, biết uống trà bạc hà, hút kief[42], và biết nói tiếng Á Rạp chút chút, các câu tụi tôi mới học trong sách.

Từ Goulimine tụi tôi kêu taxi ra Sidi Ifni ngoài biển. Sidi Ifni trước kia thuộc Tây Ban Nha thành thử thổ dân biết tiếng Tây Ban Nha nên rất tiện cho tụi tôi giao dịch. Phía Bắc thành phố có bãi biển vắng, nơi đây tụi tôi gặp một chỗ mát dưới chân bờ đá để cấm trại. Không ngờ tụi tôi có thể ở lại đây tới hai tuần. Tôi vẫn còn cái lò ga dùng luộc rau, trứng và cá tươi mua mỗi ngày dưới chợ hay từ ghe câu lên. Tụi tôi còn bắt chước trẻ con đi soi mực dọc bờ đá. Mực nấu đúng cách làm súp ngon lắm. Cách chỗ tụi tôi cắm trại chừng một dậm trên bờ đá có trại lính nên lính thường xuống đi tuần làm tụi tôi khó chịu lúc ban đầu. Nhưng về sau biết họ vui gặp tụi tôi, có cử chỉ thân thiện và để ý bảo vệ tụi tôi, tụi tôi hết lo. Ngoài ra vài anh còn thích hút kief nữa nên tụi tôi ráp với nhau dễ dàng.

Từ Sidi Ifni nhóm Riverside tụi tôi đi dọc theo bờ biển lên Mirlift, Agadir, Essouira, và Marrakesh, ở lại mỗi nơi vài ngày. Thành phố hồng Marrakesh là tâm điểm, còn được gọi là Mecca của dân hippi trên đất Ma Rốc. Họ tới đây vì ăn ngủ rẻ và muốn phê bằng thứ gì cũng có hết--kief, hash, thuốc phiện, ma túy, acít. Vài tiệm trà có cả bánh cúc ki[43] đặc biệt làm bằng hash. Chợ chính hay souk rất đặc thù, ngồ ngộ, đáng xem. Cả một khuông viên lộ thiên với hằng trăm sạp bán đủ thứ hàng nội địa và nhập cảng và vô số cửa hàng ăn. Có cả người chơi nhạc, vũ công, phù thủy rắn, vân vân. Nhiều người bán nước uống mang túi da đựng nước lớn có cách ăn mặc diêm dúa lạ mắt.

Từ đây tụi tôi chia hai nhóm đi hai đường khác nhau bởi một nhóm đông không tiện và có nhiều vấn đề xảy ra khi chung đụng lâu. Tôi và Larry đi hướng núi Atlas và hẹn sẽ gặp lại Barry và Fred một tuần sau đó ở Ketama, chỗ trồng gai dầu/hash nổi tiếng trên phía Bắc dãy Riff.

Một chiều nọ Larry và tôi lấy xe lửa từ Fez đi Tangier. Xe trống trơn, tụi tôi nằm dài trên băng cây cho khỏe. Tôi lấy xách kê đầu nằm trong khi Larry nằm kế bên với chiếc xách để dưới sàn xe. Tôi mốc ống vố ra hút vài vố hash để quên cái lộc cà lộc cộc của xe và thiếp ngủ lúc nào không hay. Sáng dậy Larry la hoảng bị mất xách và chửi thề om tỏi. May là nó dấu tiền, thông hành và các giấy tờ quan trọng khác trong cái đãy da nhỏ nịt ngang eo ếch. Larry học một bài học đắt tiền và giận một thời gian khá lâu. Mất hết đồ đạc nhưng nó không thèm sắm lại, chỉ mua bàn chải đánh răng và ít áo quần lót rồi tạm dùng xách tôi đựng đở. Hai đứa thay phiên nhau quảy xách.

Bốn đứa tụi tôi gặp lại nhau ở Ketama như dự định và ở lại đó mấy hôm để cùng nhau phê đê mê. Cũng tại đây Barry và Fred rút lui vì đã du lịch tạm đủ và có việc nhà phải trở về California. Sẵn có thằng bạn Hòa Lan mới gặp lái xe van Volkswagen về Amsterdam, hai đứa có giang theo để từ đó bay về nhà. Tôi và Larry buồn khi chúc hai đứa về vui vẻ. Larry ở lại với tôi và hai đứa đi tiếp. Trước khi rời Ketama tôi mua năm gram hash đem theo tới Tunis.

Tụi tôi đi nhiều chặng xe đò mới tới được Ousda gần biên giới. Tụi tôi ở đây một ngày để làm thủ tục và qua Algerie trót lọt không gặp trở ngại nào nhờ đã dấu kỹ hash trong giầy. Algerie khác Ma Rốc ở chỗ ảnh hưởng chiếm đóng của Pháp thấy rõ rệt. Thế hệ lớn tuổi và sinh viên nói rành tiếng Pháp. Họ chọn ăn mặc theo lối Âu Tây. Chỉ một số ít đàn ông trên mạn Bắc mặc jalaba hoặc đóng khăn, còn đàn bà ít khi thấy che mặt. Dân chúng thích người từ Âu Mỹ qua và ham luyện tiếng Pháp hay Anh nên tụi tôi dễ làm quen và đễ xin quá giang.

Trên chuyến xe đò đi Algers tôi gặp một chuyện buồn cười. Hành khách trên xe hầu hết là nữ sinh mặc đồng phục trắng với cà vạt và tóc đen thắt bín. Hai đứa tôi ngồi tuốt phía sau và là hai người ngoại quốc duy nhứt. Tôi thản nhiên mở máy ghi âm nghe nhạc không biết mình là điểm tò mò của mọi người vì mớ tóc dài quá vai và vàng khè của tôi tương phản rõ rệt với tóc đen quen mắt của địa phương. Nhiều cô lơn lớn theo nhìn trộm tôi hoài. Các cô không dám hỏi mà chỉ cười khúc khích, vừa chỉ tóc tôi vừa bàn tán. Một cô, chắc vì bị bạn khích và cũng vì quá tò mò, đến xin rờ thử tóc tôi. Cô còn xin tôi một lọn nhỏ nữa để tỏ cho bạn biết mình 'chì[44]'. Tôi vui vẻ bứt một ít cho cô. Cô cẩn thận xếp tóc vô tập rồi trở lại chìa ra cho cả đám xem chiến lợi phẩm của mình.

Từ Algiers hai đứa tôi xuống miền Nam đến thành phố Ghardia và Quargla ở bìa sa mạc Sahara. Tụi tôi hy vọng sẽ được thấy quang cảnh khác của Algeria và lối sống Á Rạp cổ điển hơn. Cũng có thể tụi tôi sẽ gặp nhiều phiêu lưu cũng như nhiều thứ khác lạ hơn trên miền Bắc. Tụi tôi đến một thị trấn nhỏ lúc xế chiều sau nhiều lần quá giang xe tải. Trong lúc ngồi trong quán ăn trừu hầm rau với bánh mì, hai đứa tôi bị một đám học sinh vây quanh xem mặt, mặt của hai thằng ngoại quốc mà tụi tôi không dấu đâu được. Ăn xong, tụi tôi hỏi chúng chớ ở đâu có chỗ ngủ yên tĩnh. Chúng bàn tán rồi dẫn tụi tôi đi gặp thầy hiệu trưởng của chúng. Thầy hiệu trưởng cho tụi tôi ở lại trường trong một phòng có khóa để phòng ngừa kẻ gian phi. Tụi tôi muốn ngủ ngoài trời cho mát nhưng nhớ chuyện Larry bị mất cắp, đành vô lớp học khóa trái cửa, nằm dài trên bàn học sinh.

Sáng hôm sau tụi tôi đi ra ngoại ô và tình cờ gặp một lượt năm chiếc xe limo[45] bóng loáng đậu hàng dọc bên lề với tài xế râu tóc tươm tất và đồng phục sậm cộng cà vạt chỉnh tề đang đứng hút thuốc. Tụi tôi tới làm quen với ý định xin quá giang. Tôi hỏi anh tài xế biết nói chút chút tiếng Anh vậy chớ họ sẽ đi đâu. Họ nói sẽ lái lên ốc đảo Quargla cho đoàn của Tổng Thống Algeria đi kinh lý. Quargla là điểm cực Nam tụi tôi muốn viếng nên thử thời vận xin quá giang, nhưng anh tài xế nói không được phép. Larry khéo thuyết phục hơn làm các anh xiêu lòng cho tụi tôi có giang tới thị trấn kế tiếp cách đây năm mươi dặm. Họ giải thích rằng họ sợ bị phạt nhưng biết hai đứa tôi là du khách Mỹ nên cho đi tới đó là một thành phố ngả ba để tụi tôi dễ xin quá giang hơn mà đi tiếp. Limo Mercedes Benz rộng rải, có nệm êm và máy lạnh tốt chẳng bù các chuyến xe tải nóng nực và bụi băm. Tụi tôi rất tiếc phải xuống xe chỗ thị trấn ngả ba như nói trên. Cảnh vật nơi đây khác xa cảnh đồi cát trùng điệp của Sahara Tây Ban Nha, mà lại hao hao giống vùng Cây Joshua ở California nhưng không có cây Joshua, chỉ có đá chồng và đồi đá tảng giữa cảnh trơ trụi.

Đưa tay lên tụi tôi được cho quá giang nữa, lần này tụi tôi ngồi chung với hai ông Á Rạp chít khăn đóng và năm con cừu trong một xe bít bùng. Cừu có đóng dấu đỏ chứng tỏ chúng đã được bán và sẽ bị làm thịt cho buổi chợ sáng mai. Tôi nghĩ năm con thú bốn chân này biết tử thần gần kề nên đang rầu. Thương hại chúng, tôi mở nhạc cho chúng nghe. Hai ông Á Rạp tưởng tôi điên nên mới đi lo cho số phận của các con thú này lúc tôi ra dấu cho họ biết tôi muốn cho chúng nghe nhạc. Tôi chẳng biết tôi thương thật tình năm con cừu hay tôi muốn đùa với hai ông Á Rạp để quên cái nóng và quên mình đang bị nhốt trong xe bít bùng. Tụi tôi đến chợ giao cừu lúc xế chiều. Nhiều người hiếu kỳ nhìn tụi tôi bằng con mắt khó chịu; tôi nghĩ không có mấy thằng Tây như hai đứa tôi đến đây hôm nay. Tụi tôi để râu tóc ra dài thòn và tròng áo jalaba chắc làm họ thấy lạ lắm.

Trong lúc đang lo không biết sẽ ngủ đâu đêm nay, tôi chợt thấy cụm đá gần chợ liền đề nghị với Larry ra xem. Một đám con nít đi theo hai đứa tôi cho tới tối mới ra về và để tụi tôi yên. Từ trên chóp gộp đá tôi quan sát thấy trọn xóm nhà dưới chân, giữa đồng đá trơ trọi và dòng suối cạn khô. Có thêm ga xe lửa và một đoàn tàu dài đậu trong đó. Vì gần xóm nhà nên chỗ này có chút không hay: hầu hết bà con trong xóm ra đây đi cầu nên cứt đái vung vẩy tứ tung, tụi tôi phải cẩn thận lắm mới tìm được chỗ đủ trải nóp nằm. Xong, tụi tôi móc thuốc ra hút cho bán mùi phân người và phân cừu, xua đám ruồi bay vo vo, và quên mấy con heo đang rảo chung quanh. Tụi tôi xem tất cả như pha[46] và tự cảm thấy vui. Dầu sao tụi tôi đang sống tự do và xin cám ơn Thượng Đế đã dành cho một bầu trời vĩ đại đầy sao sáng.

Sáng dậy, tụi tôi xuống đồi ra ga với ý định quá giang đi Quargla. Tụi tôi thấy một xe lửa chở hàng dài đang chuẩn bị đi về hướng Nam, nghĩ chắc xe ấy chạy xuống Quargla vì trên bản đồ chỉ thấy có một đường rầy duy nhứt đi về hướng đó. Tôi và Larry làm chuyến mạo hiểm leo lên xe. Hai đứa vừa tìm được toa trống thì bị ông kiểm soát bắt gặp; ông quát tụi tôi phải xuống. Thay vì tìm cách thuyết phục ông như Larry đã thuyết phục năm bác tài limo, tụi tôi nhảy xuống, bỏ ý định đi Quargla để tiếp tục lên miền Đông Bắc đến Constantine và qua Tunisia.

Sau hai ngày lặn lội tụi tôi lên được quốc lộ Đông Tây chính của Bắc Phi, cách Constantine chừng 50 dặm. Gần một ngả ba chỗ vườn cam, hai đứa đứng đưa tay hằng giờ nhưng không có xe nào cho có giang hết. Trời sắp tối và mưa rỉ rả suốt ngày, tụi tôi lo không biết phải làm sao đêm nay. Bỗng bên kia đường có hai em nhỏ từ nhà ra, đi tới ngoắc dường như bảo tụi tôi theo chúng về nhà. Hai đứa chưa biết đích xác là gì nhưng sẵn sàng nhận mọi đề nghị nên theo hai cậu bé. Cha hai cậu mời tụi tôi ngồi xuống chiếu trải dưới sàn (phòng khách nhà không có bàn ghế). Ông biểu vợ ông đang đứng khép nép sau cửa đi pha trà đãi khách. Larry mù tịt tiếng Pháp, tôi chữ nhớ chữ quên, còn ông chủ chỉ biết chút tiếng Pháp chút tiếng Anh, vậy mà chúng tôi nói chuyện được. Ông cho biết thấy hai đứa tụi tôi xin quá giang suốt hai tiếng đồng hồ mà không được, vả lại trời sắp tối lại mưa, nên ông thương tình kêu tụi tôi về nhà nghỉ đêm. Ông nói thêm ông thấy tụi tôi hút cối thuốc hash lúc chờ xe nên muốn thử. Ở Algeria không có trồng cần sa nên không có kief và hash, mà cũng ít khi dân họ hút thứ này. Tuy nhiên ông biết thứ thuốc này nên rất muốn thử. Tụi tôi sẵn sàng nên rút ống vố ra và nhận liền một cối, trong lúc bà vợ và con ông đứng sau cửa đằng xa chăm chú nhìn. Tôi và Larry thấy chuyện hơi ngồ ngộ nhưng vui lắm. Sau khi rít vài hơi và ho vài tiếng ông ngây người. Tụi tôi vừa uống trà vừa cười với ông. Tối đó chúng tôi được đãi một bữa ăn tuy đơn sơ nhưng ngon miệng gồm cơm, rau, và cừu mà vợ và con gái ông dọn rất tươm tất.

Ông chủ nhà là vị quản lý vườn trại đóng gói cam. Ông thu xếp cho hai đứa tôi ra Constantine bằng xe giao cam hằng ngày. Constantine nằm trên ngọn đồi rất thơ mộng với con sông sâu vắt ngang giữa lòng. Thành phố có vẻ lịch lãm và quý phái. Có đại học lớn với nhiều nam nữ sinh viên trẻ, học thức, rất Âu Tây. Sinh viên ngoại quốc đông. Nhiều cô rất đẹp. Larry và tôi không được tắm gội và ăn uống đàng hoàng từ khi rời Algiers tới nay nên rất muốn vô khách sạn ở vài hôm cho thoải mái. Nhưng không biết vì sao tụi tôi hỏi đâu cũng đều bị trả lời là hết phòng. Chắc là hình dáng bụi đời và jalaba đầy bụi đường của tụi tôi làm họ ngán. Sau nhiều lời như khẩn cầu, một khách sạn nhận tụi tôi nhưng miễn cưỡng nói là 'chỉ một đêm thôi.' Hai đứa vô phòng tắm nước nóng đã thèm và thót lên giường nghỉ ngơi khoái chí.

Chiều, tụi tôi xỏ bộ đồ sạch duy nhứt nhưng nhăn nheo đi dạo phố. Tụi tôi đi xem phong cảnh và rất mê con sông ngoạn mục chia hai thành phố. Sau đó, tụi tôi tìm chỗ ăn tối. Tụi tôi phân vân vì không biết ăn đâu cho khoái khẩu bởi có cả một rừng nhà hàng với đủ thứ bếp. Sau cùng hai đứa đồng ý ăn 'beggars banquet[47]' Ý với rượu chát đưa mồi.

Hôm sau, tụi tôi ăn sáng trễ: trái cây, sữa chua và bánh mì. Xong, tụi tôi rời thành phố ra biên giới Tunisia. Không hên, hai đứa chỉ quá giang được tới ngả ba còn cách biên giới tới hai mươi dặm. Tại ngả ba có viên cảnh sát đứng kiểm thông hành xe qua lại. Larry và tôi tới nói chuyện làm quen. Anh khuyên tụi tôi không nên ngủ ngoài trời vì lý do an ninh mà phải nghỉ đêm trong quán trà bên kia đường; để anh nói với ông chủ quán dùm cho. Rồi sáng mai anh sẽ thu xếp cho tụi tôi quá giang ra biên giới.

Ở những xứ Hồi giáo chỉ có đàn ông mới tới quán xá. Trong quán trà này họ ngồi chụm năm chụm bảy uống trà và đánh bài hay đánh cờ, thứ cờ như cờ vua. Hai đứa tôi vô ngồi vào một bàn nhỏ trong góc. Không ai thèm đá động tới cả, họ chỉ thỉnh thoảng nhìn bằng cái nhìn lạnh lùng không thiện cảm. Thấy còn tới một tiếng nữa quán mới đóng cửa và tụi tôi mới có thể ngủ, tụi tôi ra ngoài xem sao tán gẩu để giết thì giờ và cũng để hút liều thuốc chót cho thần kinh thư giãn. Tụi tôi muốn ngủ sau bụi cây ngoài trời nhưng sợ làm trái lòng anh cảnh sát tốt bụng nên thôi. Trở vô trong lúc tâm trí hơi lâng lâng, tôi có cảm tưởng quán trà này là chỗ gặp gở kín đáo của bọn đồng tình luyến ái. Tụi tôi đã tính sẵn cách đối phó nếu bị gạ gẫm, nhưng rất may không có gì xảy ra.

Như đã hứa, anh cảnh sát thương lượng với một xe cho tụi tôi theo lên Tunis, thủ đô/cảng của xứ nhỏ bé Tunisia. Tụi tôi hy vọng sẽ đến nơi kịp chuyến tàu đi Palermo, Sicilia, nhưng rất tiếc bị trễ vài tiếng. Giữa Tunis và Palermo chỉ có hai chuyến mỗi tuần, tụi tôi không muốn đợi hai ba ngày nữa nên định bay bằng các chuyến bay rể tiền hằng ngày. So với Marrakesh và Constantine, Tunis không hấp dẫn với tôi lắm. Vì vậy tụi tôi lấy vé đi ngay vào sáng mai. Chiều, tụi tôi đi dạo phố để ăn kem và bánh ngọt cho đã thèm, kem và bánh bán đầy các góc phố trong Tunis. Tại chợ bazaar chính Larry mua được cái túi đeo vai nhỏ đủ cho nó nhét tấm nóp, khăn lau mặt, và bộ đồ thay. Túi nhỏ nó khỏi mua đồ nhiều và sẽ đi du lịch nhẹ, điều mà nó rất khoái. Tôi cũng khoái vì từ nay tôi khỏi phải mang nặng nữa.

1 tháng Tư rồi. Tụi tôi hơi sốt ruột vì muốn sớm tới Hy Lạp để xích gần Afghanistan hơn. Trên chuyến bay ngắn đi Palermo, Larry bắt chuyện với hai ông bà người Mỹ và biết ông bà ở Naples đi nghỉ hè một tuần ở Tunis về. Tới Palermo ông bà sẽ thuê xe lái về Naples. Larry nói tụi tôi đang trên đường du lịch bằng cách quá giang, đã đi ngang Bắc Phi và sẽ qua Brindisi để đáp tàu đi Athens. Sau khi hỏi ý bà vợ, ông cho tụi tôi quá giang đến chỗ càng gần Brindisi càng tốt. Âu là cái may lớn vì trời đang mưa to và còn mưa trọn ngày mai nữa. Tụi tôi được đi xe tiện nghi ngang Sicilia, hòn đảo có cây cối xanh tươi hùng vĩ. Qua câu chuyện khào trên xe, tụi tôi nghe ông kể về Mt Athos, bán đảo dài nhô ra dưới cạnh Đông Nam của Thessalonika, Hy Lạp. Lần đầu tiên tôi được nghe nói tới nơi nổi tiếng ấy, nơi có nhiều tu viện Chính Thống rất nghiêm khắc. Chuyện ông kể về lối sống trầm mặc của các thầy dòng cũng như vẻ đẹp của các dốc đá cheo leo rất hấp dẫn. Tôi thoáng nghĩ sẽ đến đó khi tới Hy Lạp. Tuy nhiên hình như có nhiều điều kiện cho khách du lịch lắm, ví dụ chỉ có đàn ông mới được vô và tóc tai phải cắt ngắn. Nếu quả vậy, tôi xin rút lui vì tôi không thể cắt tóc và không muốn thay đổi hình ảnh hippi của tôi. Ngoài ra, tôi nào có ý đi tu! Nhưng có thể đó là cái duyên khuấy động tiềm thức tôi và là cái chốt cho tương lai tôi.

Ông bà thả tụi tôi chỗ đoạn đường cua lên Naples trên bán đảo Ý. Hôm sau tụi tôi đến cảng sầm uất Brindisi đúng lúc để lấy tàu đêm qua Hy Lạp. Tụi tôi trở về với văn minh Âu Tây sau sáu tháng tự tách rời khỏi lục địa Âu châu và khối người du lịch. Áo jalaba pha màu cát bụi biến Fred và tôi thành hai tay có hạng trong giới hippi nên vị thuyền trưởng đang đứng coi chừng khách lên tàu nhìn tụi tôi với cặp mắt tò mò. Nụ cười toe toét sau hàm râu xồm xoàm trên gương mặt phong sương của tôi làm ông vui vẻ cười tươi. Tàu đầy hành khách. Phần đông là học sinh Âu, Mỹ và Gia Nã Đại đi tua giáo dục quanh Âu Châu và Hy Lạp vào mùa xuân. Chuyến tàu đêm rất thú vị. Tụi tôi nằm trên boong lộ thiên nói chuyện khào với nhiều hành khách. Không còn thuốc để hút vì liều chót đã hút hết ở Tunisia nên tụi tôi 'có dịp' không xài ma túy, nhưng vẫn vui. Sáng, tàu vô biển Aegean và đang lướt nhẹ trên biển xanh màu lam lục, giữa các đảo tuyệt vời của Hy Lạp. Rồi, tàu cặp bến Patrai.

Patrai nằm trên cửa Vịnh Corinth về cực Bắc của vùng Peloponneusus nổi tiếng. Tôi có học về văn minh Hy Lạp nhưng bây giờ mới thật sự biết vẻ đẹp có một không hai của kiến trúc và điêu khắc cổ Hy Lạp. Hảy còn sớm, tôi và Larry không muốn ở lại đây nên bèn theo dòng khách ra ga mua vé xe lửa tốc hành đi Athens. Vài giờ sau tụi tôi tới nơi. Tụi tui vui đến một thành phố tứ phương sinh động, một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.

Larry và tôi dừng lại Athens một tuần, ở chỗ nhà nghỉ rẻ tiền trong lòng thành phố. Trong tuần tụi tôi lo đi xin hộ chiếu vô Iran và chích ngừa dịch tã. Riêng tôi đang đợi mẹ tôi gởi năm trăm đô la qua. Tiền bán ma túy tôi xài đã hết và xài thâm hai trăm đô chi phiếu du khách mà tôi đem theo lúc ra đi. Tôi cần có tiền sẵn để có thể đi tuốt qua Ấn Độ hay xa hơn. Tôi cũng cần tiền phòng khi bất trắc. Tôi viết thư về má tôi hai tuần rồi nhờ bà chuyển tiền dành dụm của tôi trong băng qua một chi nhánh của Bank of America ở Athens.

Sau chuyến đi dài tụi tôi muốn nghỉ ngơi nên chỉ đi xem Acropolis và một số đền đài tương tự và chỉ tham gia vài cuộc vui chơi thông thường của thành phố. Tụi tôi cũng thừa cơ hội này ăn uống lấy sức để còn đi tiếp. Tụi tôi chọn nhà hàng quốc tế ăn cho ngon miệng và cũng hay ăn vặt bánh kem, sữa chua với mật, và souvlaki. Tụi tôi thường ngồi quán cà phê vỉa hè nhiều giờ, nhâm nhi bia Hy Lạp retsina và nhìn bà con qua lại. Quán lộ thiên trước AMX đông du khách nhứt; hầu hết là thanh niên nam nữ từng đi tứ xứ. Họ ngồi uống cà phê, nước ngọt hay bia, đọc thư nhà. Gặp nhau, họ trao đổi tin tức, hoặc kể cho nhau nghe những mẫu chuyện đi rong, hoặc khoe với nhau những kỹ vật như áo quần, nữ trang và đồ lỉnh kỉnh họ sắm trên đường chu du. Nhiều người sạch túi và, như tôi, đang chờ tiền bên nhà gởi qua đặng đi tiếp.

Trước khi rời Athens tôi muốn cắt tóc ngắn bớt vì nghe nói Người Hồi giáo ở Trung Đông không ưa hippi tóc dài. Dĩ nhiên tôi không muốn gặp rắc rối nào cả; trái lại tôi muốn hòa mình càng nhiều càng tốt. Vả lại, để tóc dài phài mất nhiều công và thì giờ chải gội. Tôi bèn ra tiệm hớt tóc, chỉ kỹ càng cho thợ cắt. Vì tôi cứ lưỡng lự, thợ phải cắt ba phen mới xong. Tóc tôi bây giờ ngắn đi sáu inch[48], chỉ phủ tai và vừa chấm vai, tức vừa đủ để hình ảnh hippi của tôi còn nguyên vẹn. Ra khỏi tiệm, tôi không ngờ mình thấy nhẹ vì đã bớt được bộn tóc thừa.

Larry và tôi đang bàn đổi lộ trình. Tụi tôi định bỏ Istambul để đi thẳng xuống Marmaris dưới bờ biển Nam của Thổ Nhỉ Kỳ. Trên đường sẽ ghé qua đảo Rhodos của Hy Lạp trước. Từ Marmaris tụi tôi sẽ theo bờ biển đi về hướng Đông đặng gặp đường xe lửa chánh Istanbul-Teheran trên mạn Đông Bắc xứ Thổ. Theo các du khách mà tụi tôi gặp, Thổ và Ba Tư không được đánh giá cao lắm. Họ cho đàn ông Thổ khả ố còn đàn ông Ba Tư khùng. Ngoài ra, hai xứ này rất gắt về ma túy; bị bắt là chắc chắn phải ngồi tù rục xương. Do đó tụi tôi không muốn ở lại lâu mà sẽ qua Afghanistan càng sớm càng tốt.

Tụi tôi lấy đò địa phương qua đảo Rhodos trước khi lấy tàu lớn đi Marmaris. Bước lên Marmaris tụi tôi xem như đã đặt chân lên châu Á vĩ đại. Larry và tôi rất tiếc không còn thuốc để hút mừng. Ngoài ra, phải nhịn miệng trong nhiều ngày rồi nên bắt đầu nhớ, tụi tôi hy vọng sẽ kiếm được một ít cần sa Thổ để đem theo đi. Trong vài giờ chờ xe đò đêm để đi tiếp, tụi tôi rảo một vòng; chẳng phải đợi lâu có hai thằng bé tới bỏ nhỏ 'hashish, hashish', âm thanh quen thuộc mà tụi tôi rất thèm nghe. Nhìn thấy không có ai để ý, tôi biểu hai đứa cho coi hàng. Một đứa móc túi lấy ra một tờ hash ép mỏng như giấy và được bọc cẩn thận trong bao nhựa. Thấy có vẻ đúng thứ thiệt, tôi trả cho nó tiền lire tương đương với một đô la. Rồi tụi tôi đi thẳng xuống bờ biển vắng ngoài thành phố phê trước giờ lên xe.

Tụi tôi sang nhiều chuyến xe đò, đi dọc bờ biển về hướng Đông tới Iskenderun rồi lấy xe lửa lên Tatvan trên phía Bắc. Trong vùng tương đối xa xôi của miền Đông xứ Thổ, tôi và Larry là hai hành khách mũi lõ duy nhứt. Tụi tôi lên xe lửa và chọn một buồng trống vô ngồi. Larry móc thuốc ra vấn hai điếu để hai đứa phê đặng quên phần nào chuyến đi xa lên Tatvan. Tôi kéo cửa sổ trong và khóa cửa cái, chỉ để hở cửa sổ ngoài cho khói cần sa thoát ra mà thôi. Hút chừng nửa điếu, tụi tôi giựt mình nghe tiếng gõ cửa. Tôi vội quăng thuốc ra ngoài trong lúc Larry nhét điếu hút dở của nó và số thuốc còn lại dưới đít ghế. Nhìn ra thấy lính. Hai đứa sợ run nhưng không còn cách nào hơn là mở cửa. Bốn tên lính ngạc nhiên thấy hai thằng Mỹ hippi trên đoạn đường tưởng chừng không bao giờ có du khách Mỹ. Một trong bốn tên chắc chắn là tù vì bị còng dính vô tay thầy đội, còn hai tên kia mang súng đã lên đạn đi theo.

Bị động, tôi và Larry ngồi nép vô cho họ ngồi xuống và đang chờ xem. Thầy đội chỉ vào tóc và râu dài của tụi tôi vừa ra dấu vừa nói tiếng Thổ. Tôi hiểu (đúng) thầy muốn nói tụi tôi có cần sa và thầy muốn hút. Tụi tôi bối rối không biết phải xử sự như thế nào. Có lẽ mùi khói cần sa còn lảng vảng, hay là sự bối rối của tụi tôi, và cũng có thể vì tụi tôi khóa cửa mà thầy sanh nghi? Thầy cho biết thầy muốn hút "charees" và xin tụi tôi chia cho. Thầy trấn an tụi tôi chớ lo vì tất cả là anh em hết mà. Rồi họ nói cười với nhau, kể cả tên tù. Nhớ tới đời lính cũ, tôi nghĩ họ thật sự muốn phê như mọi người. Liếc qua Larry tôi biết Larry cũng nghĩ như tôi 'What the hell'.' Do đó, tôi khum xuống rút điếu thuốc ra đưa cho thầy đội. Thầy sáng mắt. Thầy ra lịnh cho một tên lính ra gát cửa. Larry mồi thuốc cho thầy và cùng tôi thở phào. Thiệt mỉa mai khi nhìn thấy cảnh này. Thầy đội và lính kể cả tên tù chuyền nhau hút, và tất cả bắt đầu lâng lâng. Thầy đội, lính, Larry và tôi cùng cười đùa và nói chuyện theo kiểu của mỗi người. Tôi lôi bản đồ ra chỉ họ xem đường qua từ Hy Lạp và nơi đến Afghanistan của hai đứa tôi. Họ ngạc nhiên thấy hai thằng Mỹ trẻ mà dám cả gan đi tới các xứ lạ. Thầy đội chỉ lên bản đồ chỗ thầy sẽ tới, Diyarbakir, nơi có nhà tù quân đội lớn mà tên lính này bị giải về vì tội hành hung cấp trên lúc say rượu. Thiệt là buồn cười cho Larry và tôi trong hoàn cảnh ngộ nghĩnh này và tụi tôi chắc sẽ còn cười trong tương lai dài.

Tatvan nằm về phía Tây của Hồ Van trên vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tụi tôi phải ở lại đây qua đêm đợi xe lửa tốc hành Istanbul-Teheran, đoạn đường nối dài sang Á Châu của tuyến xe nổi tiếng Orient Express (London-Istanbul) khi xưa mà bây giờ không còn nữa. Xe đến Tatvan đúng 7:00 giờ sáng. Hành khách đông như kiến; họ đi hành hương trong lễ Phục Sinh lúc giữa xuân. Phải tìm lâu và mỉm cười ngoại giao mãi tụi tôi mới có chỗ ngồi chen. Xe chạy ngang Mt. Ararat, ngọn núi đứng sừng sững trên đồng phẳng của đất Thổ Nhĩ Kỳ. Bên kia núi là Nga Sô. Theo Kinh Thánh Núi Ararat là chỗ thuyền Noah's Ark đỗ sau trận Hồng Thủy. Nghe nói có gặp chứng tích của thuyền rồi trên đỉnh cao những mười bảy ngàn bộ với tuyết phủ quanh năm.

Như nói trước đây, tụi tôi không thích Teheran vì đã nghe nhiều chuyện không hay về thủ phủ này, ví như cả thành phố chỉ có một khách sạn luôn luôn đầy nhóc tụi trẻ đi đi về về từ Ấn Độ. Larry và tôi ở đây hai ngày không phải để du lịch mà để săn tin chỗ ăn ngon, ngủ tốt, đi chơi vui, xin chiếu khán, vân vân. Một trong các tin hay là nên đi xe đò tiện nghi hơn là đi xe lửa đông nghẹt ra Mashad gần biên giới để xin chiếu khán vô Afghanistan. Xe đò chạy đường Đông Bắc, gần biên giới Sô Viết trước khi quẹo xuống Mashad. Mashad cũng là nơi có thể mua lam ngọc lấy trong núi chung quanh. Ở đây du khách có thể tìm thấy đủ thứ đồ lam ngọc làm ngay trong các cửa hiệu địa phưong. Sau hai ngày ở Teheran tụi tôi lấy xe đò đi Mashad.

Vừa xuống xe, hành khách chúng tôi bị đám trẻ bao vây mời đi xem cửa hàng ngọc, vì nghĩ chúng tôi sẽ mua nhiều. Larry và tôi đi coi. Theo tin nóng của giới đi du lịch, nên mua một 'thẻ' lam ngọc đem về. Môt thẻ gồm từ một tới mười tám viên dán vô một tấm bìa cứng. Số đó có thể đủ để làm một xâu chuỗi hay một bộ bông tai cà rá. Nhớ chọn ngọc trong sáng và đủ màu. Sẽ lời to nếu bán lại được ở những đô thị lớn. Hai thẻ có thể đủ tiền cho một chuyến xuôi Đông.

Larry và tôi thăm vài cửa hàng, xem kỹ ngọc, rồi mỗi đứa mua một thẻ. Tụi tôi cũng xem ngọc rời nữa. Thấy ngọc quý, lòng sanh tham, sự ham muốn tuy tìm ẩn nhưng rất lớn. Dẫu suy tư của mỗi đứa mỗi khác, Larry cũng như tôi đều chọn một viên lớn và thích nhứt lén đùa vào túi trong lúc người bán hàng đang lo tiếp khách khác. Ăn cắp! Để bù lại tôi trả mua một thẻ và để biện minh tôi thầm nhủ 'Chỉ một viên mà ăn nhằm gì.' Về sau khi biết ra hai đứa có ý nghĩ ăn cắp giống nhau và xài chiêu ăn cắp như nhau, hai đứa cười to. Một ví dụ của tâm bất chánh hành động như nhau ở mỗi người khác nhau để thỏa mãn dục vọng của cái tôi chung.

Sau khi được chiếu khán và đi xem vài thánh đường đẹp ở Mashad tụi tôi lấy xe đò ra biên giới. Tụi tôi qua hai trạm di trú và quan thuế của hai bên dễ dàng vào xế chiều hôm đó. Tụi tôi nghỉ đêm tại Islam Quala, ngay biên giới bên phía Afghanistan dẫu rằng thị trấn lớn Herat cách đây không đầy hai mươi dậm. Nghe nói giới xe đò và nhà nghỉ ăn công ký không chở khách ra Islam Quala sau 5:00 giờ chiều. Nhờ vậy nhà nghỉ có khách còn giới xe đò được tiền chia và chuyến xe sáng đầu tiên luôn luôn đầy khách. Ở lại phố nhỏ Islam Quala này đối với tụi tôi không phải là điều bất lợi hoàn toàn bởi hai đứa được mua cần sa (charees tiếng địa phương) vừa dễ vừa rẻ; nhà nghỉ có đủ thứ và tụi trẻ đi gạ bán không thiếu gì.



[40] Áo dài cổ truyền của Bắc Phi (nd).

[41] Lá mùi Salvia officinalis dùng để nêm (nd).

[42] Thuốc lá đen pha cần sa (nd).

[43] Từ chữ cookie, bánh ngọt nướng của Mỹ (nd).

[44] Gan, lì (nd).

[45] Limousine, loại xe vừa to vừa sang (nd).

[46] Không để ý, không lấy làm quan trọng (nd).

[47] Lối ăn với thức ăn vừa nhiều vừa ngon nhưng không đắc lắm (nd).

[48] Một inch bằng 2,54 phân tây (nd).

---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/12/2015(Xem: 7057)
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
17/12/2015(Xem: 4735)
Ai cũng có những câu chuyện trong cuộc đời của mình. Có câu chuyện theo thời gian ta đã quên, nhưng cũng có câu chuyện làm cho ta nhớ mãi. Và khi ta kể ra, có người cho đó là vớ vẫn nhưng nó lại làm ta thay đổi cách nhìn, cách sống của mình. Câu chuyện cuộc đời của cậu bé Lucky đã trở thành một trong những câu chuyện huyền thoại của cuộc đời tôi. Vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, đó là ngày thứ 4, tôi ra mở cửa để đón chào ngày mới. Hôm nay ngày mới chào đón tôi bằng một chú mèo con mới sinh mà mẹ nó bỏ rơi trước cổng nhà đứa cháu. Dù đã được báo trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình dáng của một chú mèo sơ sinh. Người ướt sũng và tím tái. Chú được đựng trong một chiếc hộp giày và quấn trong một chiếc chăn. Tôi vội vàng đi lấy thêm những chiếc khăn khác để cuốn vào người cho bé.
17/12/2015(Xem: 14100)
Trong khu rừng kia có một con khỉ rất hạnh phúc. Nó tìm ăn những trái cây ngọt lịm khi đói và nằm nghỉ ngơi khi mệt. Một ngày, con khỉ đang lang thang bìa rừng thì thấy một ngôi nhà… Trong ngôi nhà nhỏ bé đó, nó thấy một cái bát to đựng toàn táo, những quả táo tuyệt đẹp. Con khỉ liền trộm lấy một quả và chạy thật nhanh trở lại khu rừng.
16/12/2015(Xem: 3599)
"Ta sẽ không khi nào quên được con đâu," ông lão nói lầm bầm. Mấy giọt nước mắt chảy xuống lăn trên đôi gò má đầy nếp nhăn của ông. "Ta già mất rồi. Ta nào còn có thể lo gì cho con được nữa!" Chú chó nghiêng đầu qua một bên và ngước mắt nhìn lên ông chủ. Chú chó khẽ sủa: "Gâu gâu! Gâu gâu!" Chú ngoe nguẩy cái đuôi, chú muốn biết xem ông chủ của chú đang tính làm chuyện gì đây. "Ta không thể lo được cho chính bản thân ta, làm sao mà ta còn lo chi nổi cho con nữa!" Ông lão ôm ngực lên cơn ho liên tục. Ông rút ra một chiếc khăn tay và đưa lên mũi hỷ thật mạnh. "Ta sắp phải tới xin ở trong nhà dưỡng lão mất rồi, đâu có thể đem con theo được. Con biết đó ở trong cái nhà người già này người ta có cho nuôi chó đâu!"
15/12/2015(Xem: 5392)
Một vị thiền sư và một trong những đệ tử ưu tú nhất phải trở về một thiền viện ở trong núi lúc đêm khuya đã trễ lại gặp một cơn bão mùa đông dữ dội nổi lên trên con đường hiểm hóc. Dừng lại thời sẽ chết giữa đồng hoang; tiếp tục đi thời có thể nguy hiểm đến mất mạng vì rơi xuống những bờ giốc trơn trợt. Chỉ có cách lần bước đi tới là nhờ những lằn chớp loé lên soi sáng con đường phía trước mặt. Hai người chậm chạp lê dần từng bước tới phía trước trong gió thét gầm và mưa quất xối xả.
12/12/2015(Xem: 4177)
Đi mãi rồi cũng phải đến, mặt trời đã lên cao làm người tôi muốn bốc hỏa. Khi xe chúng tôi luồn lách một cách khó khăn qua các ngõ hẻm chỉ vừa đủ chiều ngang một chiếc xe, thì mọi người đã quy tụ đầy đủ ngoài sân. Một thiếu sót kỹ thuật đáng kể trong buổi phát xe tại Ninh Bình. Chẳng là phái đoàn bận ra Đà Nẵng nên không nhận được danh sách người nhận xe, để viết sẵn bảng tên ở nhà. Đến nơi Sư Cô Như Giác mới giao cho tôi viết, làm sao viết kịp, nhờ các Thầy của Chùa viết hộ họ lại viết sai. Các bệnh nhân khuyết tật chờ lâu cũng mệt, người nhà họ thấy xe lăn để mời mọc, bèn bế họ lên ngồi tạm. Phát sinh ra cảnh "Râu ông nọ cắm cằm bà kia", thành xe tên người này, bảng cầm tên người khác. Họ cãi nhau chí chóe, đã lỡ ngồi lên xe rồi không ai muốn đổi nữa!
03/12/2015(Xem: 8825)
Báo chí thế giới hiện đang đồng loạt đưa tin về việc người sáng lập ra mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg - tuyên bố sẽ hiến tặng 99% cổ phần Facebook để phục vụ cho các mục đích từ thiện. Tuyên bố này được đưa ra khi vào ngày thứ 3 vừa qua, Zuckerberg và vợ - cô Priscilla Chan đã đón con gái đầu lòng - Max. Tổng trị giá số cổ phần mà Zuckerberg dự kiến hiến tặng hiện có trị giá vào khoảng 45 tỉ đô la. Tất cả những điều này họ làm vì sự ra đời của cô con gái nhỏ - Max. Một lá thư xúc động đã được ông chủ Facebook đăng tải lên trang cá nhân với một tiêu đề giản dị: “Lá thư gửi tới cho con gái của chúng tôi”:
27/11/2015(Xem: 4540)
- Tên họ cháu là gì? - Tony Nguyễn. - Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ? - Không, tôi là người Mỹ (American). - Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi. Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo... - Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.
27/11/2015(Xem: 4699)
Một nữ công-nhân làm việc tại một xí-nghiệp chế-biến thịt đông lạnh. Một buổi chiều, khi đã hoàn-thành công-việc, như thường-lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm-tra một chút. Đột-nhiên, cửa phòng lại bị đóng và khóa lại! Cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết!!! Cô vừa hét khản cổ họng, vừa đập cửa với hy-vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu! Nhưng vẫn không có ai nghe thấy!!! Lúc này, tất-cả công-nhân đã tan ca! Toàn bộ nhà máy đều yên-tĩnh!!! Sau 6 giờ chiều hôm ấy, công-nhân lạnh cóng người, tuyệt-vọng và đau-khổ! Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa!!! Thì bất-ngờ được người bảo-vệ đến mở cửa cứu ra ngoài!!!
26/11/2015(Xem: 4586)
Tại thành phố Berlin thủ đô của nước Đức, có một ngôi chùa mang tên một ngọn núi thiêng, nơi Đức Phật ngày xưa hay thuyết Pháp, đó là chùa Linh Thứu. Vị trụ trì hiện nay mang một cái tên là Diệu Phước, nên các thiện nam tín nữ đổ xô về chùa lễ bái rất đông vì tin rằng chùa này rất “linh“ và cầu xin gì cũng được nhiều “phước“. Quả thật thế! Một số đại gia đến chùa làm công quả, lúc đầu chỉ có một nhà hàng cơ sở làm ăn, sau vài năm ôi thôi cửa tiệm mọc ra như nấm, tiền thu vào đếm không xuể. Thế là họ lại càng tin tưởng vào phước đức của ngôi chùa, từ đấy ngôi chùa Linh Thứu đã đi vào huyền thoại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]