Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1. Niên thiếu

11/06/201316:08(Xem: 3333)
Chương 1. Niên thiếu

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 1

NIÊN THIẾU

Tôi chào đời ngày đầu hè năm 1948, tại thành phố bụi mờ của miền Nam California, gần biên giới Mexico. Tôi có một chị lớn hơn tôi năm tuổi và một anh lớn hơn tôi một tuổi. Mẹ tôi làm cô giáo còn cha tôi bán máy kéo cho một công ty. Tôi không nhớ hết buổi thiếu thời của mình nhưng không thể quên một số sự việc nổi bật sau đây. Nhà tôi có sân sau khá lớn với nhiều thú như chó, mèo, gà, vịt, và chồn hôi. Anh tôi thích đùa với vịt bằng cách bắt vịt con thảy lên trời rồi chụp lấy. Có lần anh chụp hụt khiến con vịt rớt chết ngủm. Tôi rất đau lòng thấy con vịt nằm bất động. Má tôi bảo chúng tôi bỏ vịt vô hộp đựng giày đem đi chôn. Tôi vừa lấp đất vừa khóc sướt mướt. Một lần khác, con chó Sheppard Đức to của hàng xóm nhảy qua rào vườn chúng tôi rượt đám vịt chạy tán loạn. Chó chụp con lớn nhứt và vật chết. Tôi lại khóc nữa. Cạnh sự chết, tôi và anh chị tôi cũng đã có dịp chứng kiến sự sanh. Chúng tôi mừng thấy con mèo nhà đẻ con tí hon có lông xù và con chuột bạch đẻ tới tám-mười con một lứa. Những bài học về cuộc đời thực tế rất đáng giá ấy đã in sâu trong tâm trí non nớt của tôi.

Tôi sống cuộc đời niên thiếu khá đầy đủ, như được tham gia YMCA[4], vô hướng đạo, đi cắm trại, và được xem cả truyền hình, một phát minh mới của thời bấy giờ. Tôi đi nhà thờ Tin Lành Methodist và học đạo đều đều mỗi chủ nhựt với anh chị tôi. Tôi còn là một cây thể thao ở trường và biết trợt sóng từ năm 1962. Tôi được lái xe lúc tròn 16. Xe hơi đầu tiên của tôi là chiếc van hiệu Ford 1954 màu đen ốp pa nô. Trước đó, anh tôi được ba má tôi mua cho chiếc Chevy 1952 khi anh 16, chiếc xe 'Tôm Tít' mà chúng tôi chất lên để xuống Riverside cách nhà 50 dặm trợt sóng ít nhứt vài lần mỗi tuần. Có xe riêng, tôi hay cùng với bạn chạy rong thành phố, đi tiệc, và chở bạn gái. Chúng tôi uống bia, nhắm rượu chát, vui chơi rất thỏa thích. Được biết lúc bấy giờ giới trẻ California của chúng tôi sống rất phóng túng.. Đó là thời thịnh hành của nhạc pop và rock, mốt tóc dài, quần jeans Lewis bạc màu, áo thun chữ T, vân vân. Lối sống buông thả được khởi xướng và lan rộng ra từ đây mà! Nhiều người xem đó như một cuộc cách mạng văn hóa với sự xuất hiện của phong trào hippi và sự thưởng nghiệm cùng quảng bá chất ma túy và LSD[5]. Tôi bị cuốn hút vào thời kỳ đầy sóng gió này!

Trong một chuyến đi trợt sóng ở Tijuana, Baja California, lúc đi dạo dọc phố có nhiều hàng bán tranh màu, đồ sứ, khăn mền, đồ da, vân vân, tôi đi ngang một tiệm có nhiều tượng đất nung xếp rất tươm tất. Tôi thấy như có cái gì đó thu hút tôi. Đó là tượng người thếp vàng nằm ngất ngưỡng trên các tượng mèo, bò mộng, hiệp sĩ đấu bò, và nhiều thứ khác. Tượng sáng rỡ khiến tôi ngạc nhiên. Dường như tượng đang nói với tôi điều gì. Lúc bấy giờ tôi chưa biết đó là tượng của Đức Phật. Tuy nhiên, vì dáng an lành và vị trí cao chót vót của Ngài, tôi thỉnh Ngài về nhà. Tôi đặt Ngài trên máy truyền hình hư trong phòng và dùng để máng nón. Khi má tôi thấy, bà ngạc nhiên nói đó là tượng của Phật, vị khai sáng đạo Phật. Làm thế nào bà biết, tôi không biết. Tôi bèn lật tự điển bách khoa tìm đọc về Ngài và đạo của Ngài. Hay thì có hay nhưng tôi không thấy gì hấp dẫn. Tôi tiếp tục dùng tuợng như móc máng nón. Tuy nhiên, hình ảnh Ngài đã lần hồi in sâu trong tiềm thức tôi.

Tôi tốt nghiệp trung học năm 1966 lúc chiến tranh Việt Nam đang leo thang. Tôi vào đại học và theo ngành học mới, data processing và vi tính. Năm này tôi bắt đầu biết ma túy. Tôi hút cần sa lần đầu tiên trong chuyến đi trợt sóng ở Mazatlan dưới Mexico, cùng với nhóm bạn trẻ cũng mới tốt nghiệp trung học như tôi. Lần lần quen, tôi hút thường hơn. Tôi xài cả reds lẫn speed và uống bia thỉnh thoảng. Lúc ấy, phong trào phản chiến Việt Nam sôi động. Nhưng tôi không quan tâm lắm tới tánh cách hợp pháp hay đạo đức của cuộc chiến. Tôi cũng không hiểu gì nhiều về chiến cuộc này. Như bạn tôi, tôi chỉ nghe nói phải "chận bước tiến của con quỷ Cộng Sản." Nhiều bạn ở lứa tuổi 19 của tôi bị bắt đi quân dịch, tôi biết rồi sẽ tới phiên mình. Tháng 12, 1967 tôi đăng lính và vô quân đội một lượt với Dave. Tình nguyện đầu quân có nghĩa là tôi sẽ đi lính ba năm thay vì hai như các bạn đi quân dịch. Bù lại tôi được lựa ngành mình muốn. Hầu hết lính quân dịch bị đưa đi bộ binh còn tôi được chọn ngành điện tử.

Sau một thời gian huấn luyện quân sự và đào tạo chuyên môn, tôi được gởi đi NATO[6] ở Tây Đức. Tôi phục vụ một đơn vị thiết giáp, sửa chữa vô tuyến điện cho xe tăng. Tôi chuyên về đội F của tank outfit không khác xa mấy chương trình truyền hình có cùng tên. Ở đó tôi bắt đầu hút hashish[7] và hít LSD. Lúc đã thuốc, mặt tôi giống y mặt mèo Cheschire vì cái cười mỉm trên môi. Do đó bạn tôi gán cho tôi cái tên "Smiley" để chọc quê tôi. Ông trung sĩ nhứt của tôi cũng quen gọi tôi Smiley và quên luôn tên cúng cơm của tôi; tôi thích tên này. Có nhiều tay'khùng' trong đội F nên tôi chỉ là một thằng khùng thêm không có gì đáng nói. Từ California đến, để tóc dài, có hàm râu cá chốt và đeo chuỗi yêu[8], tôi bị kỳ thị và nhìn như một 'tên du côn Cali dị hợm[9]'. Tôi không giống lính, thiếu lòng yêu nước, và là một quân nhân ngỗ nghịch dưới mắt các trung sĩ và sĩ quan chuyên nghiệp[10]

Sau chín tháng trong quân ngũ, tôi quyết định dù[11], với ba bạn đồng đội. Một đêm nọ, chúng tôi trốn khỏi trại, ra thành phố Bamberg gần đó, và đáp chuyến 'xe lửa tìm tự do' lên Copenhagen. Ý định đào ngũ và đi Stockholm xin tị nạn chánh trị như vài lính Mỹ đã làm trước đây được nêu ra, nhưng tôi không tán đồng. Sau hai ươi chín ngày trốn ở Copenhagen, chúng tôi ra đầu thú với vị sĩ quan tùy viên quân sự của Tòa Đại Sứ và bị giải về Đức để chịu tội. Bốn chúng tôi bị ra tòa quân sự và giam ba tháng tại Nuremberg.

Tôi viết thư cho ba má tôi trước lúc vô tù để giải thích những gì tôi đã làm, cảm nghĩ của riêng tôi và án mà tôi đã lãnh. Tôi nhận thư hồi âm tháng sau đó và biết trước ba má tôi đã cảm nghĩ như thế nào. Thoạt tiên ông bà bị sốc, hoảng sợ và lo âu. Ông bà có nghe những câu chuyện tương tợ của các lính GI[12] khác nhưng không thể tưởng tượng con mình làm chuyện đó. Ba tôi khổ tâm nhứt bởi ông là sĩ quan rất yêu nước từng tham gia thế chiến. Ba mẹ tôi rất khó nói với người thân và dĩ nhiên không thể hé môi cho bạn bè biết vì xấu hổ. Lần lần ông bà bớt rầu và vượt qua cơn sóng gió.

Ra tù tôi bị thuyên chuyển tới một đơn vị khác, bộ chỉ huy của Đại Đội 7 gần nhà tù ở Furth. Trong thời gian ở đây tôi gặp nhiều bạn lính mới và sống thoải mái hơn lúc ở toán F. Tôi chuyển nghề vào làm cho phòng data processing, chạy máy IBM như collators, sortors, vân vân, mà tôi đã được huấn luyện một tuần tại trường quân đội trên núi Alps. Tôi làm việc ba-bốn giờ mỗi đêm và rảnh lúc ban ngày cũng như vào cuối tuần. Tôi có mua một xe van Volkswagen cũ. Cuối tuần, tôi cùng bạn lái xuống Munich chơi với tụi bụi đời hippi và thường vô vườn 'English Gardens' hít LSD. Tại đây tôi gặp nhiều bạn hippi Tây Mỹ đi Ấn và Ma Rốc về kể cho nghe các phiêu lưu kỳ thú; họ chỉ luôn chỗ mua cần sa hashish mạnh mà rẻ. Hè 1969, đọc báo thấy có Đại Nhạc Hội Great Woodstock Rock bên New York, tôi 'ganh' với những người có cái may được đi coi nhạc phóng đãng, đùa với ma túy và tự do luyến ái.

Suốt thời gian sáu tháng ở bộ chỉ huy đại đội tôi làm việc rất ăn khớp với mọi người, dĩ nhiên trừ vài 'quân nhân chuyên nghiệp.' Một ông trong số đó không ưa tôi vì biết tôi có án tù và nhứt là một thằng hút xách phản động. Ông rất khó chịu vì cho rằng tôi được thả lỏng và ham vui quá trớn. Không may cho tôi, ông là trung sĩ của phòng nhân viên phụ trách thuyên chuyển. Ông âm thầm làm giấy đổi tôi đi Nam Việt Nam. Tôi không được biết gì hết về tin bất ngờ này bởi tối ngày cứ theo cần sa ma túy lên cung trăng say mê vui thú. Tuy nhiên tôi bình tĩnh nhận lịnh và nghĩ rằng đây chỉ là một chương mới của trò đời đầy khôi hài.

Chỉ còn bốn tuần ở Âu châu, tôi quyết định lấy hai tuần đi London và Amsterdam, hai thành phố mà tôi rất muốn đến thăm. Tôi xin và được phép ngay vì trường hợp đặc biệt của tôi. Tôi rủ một anh bạn cùng đi. Hai đứa tôi ở mỗi nơi một tuần. Tại London, ngoài chuyện xem cảnh xem người, tôi còn được xem vở ca nhạc HAIR và phim Easy Rider mới ra lò, mà tôi rất cảm động. Tại Amsterdam, tôi đến vui chơi trong khu ma túy của dân hippi quốc tế, cũng là 'thiên đường hippi' của thành phố. Dân Hòa Lan có vẻ phóng khoáng dễ chấp nhận các tệ nạn để dân thường có thể sống chung với bọn nghiện. Tại đây tôi gặp thêm nhiều bạn trẻ khác. Họ kể tôi nghe những chuyện ly kỳ ở Ấn Độ và Nepal khiến tôi khát khao được đến đó một ngày trong tương lai.

Trước khi tới Fort Lewis, Washington trình diện để qua Việt Nam tôi được đi phép hai tuần. Trong khoảng thời gian ngắn này tôi gặp lại nhiều bạn bị bắt lính cùng lúc trước với tôi vừa mãn hạn và được giải ngũ về. Dave cũng về. Đi 'Nam' anh là một lính chiến. Không may, anh bị lựu đạn rơi nổ ngay trong hầm cá nhân, cắt cụt hai chơn tới đầu gối và miểng ghim khắp châu thân. Anh phải nằm nhà thương ở San Francisco nhiều tháng để được giải phẫu, gắn chơn giả và điều trị tâm thần. Tinh thần anh suy sụp nặng. Nhiều bạn khác cũng bị thương ở Việt Nam và một bạn tử vong. Tôi đi thăm vài bạn bị thương ấy và chúng tôi cùng nhau 'phê'. Tôi cảm thấy hơi sượng sùng khi nghĩ tới những tai nạn họ gặp phải trong lúc tôi sống phóng túng bên Đức. Tôi không có kể họ nghe tôi đi dù, bị ra tòa quân sự và vô tù. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số. Tôi nghĩ, những gì ta hứng lấy hôm nay là hậu quả của việc ta gây ra hồi trước. Tại sao tôi được đi Đức còn Dave phải qua Việt Nam và bị nạn như vậy? Phải chăng Thượng Đế tạo ra mọi thứ thảm cảnh trên đời? Tôi thật sự không biết. Chỉ về sau này khi đọc được triết lý Đông phương và luật nhân quả, tâm trí hay phân vân của tôi mới được soi sáng.

Tôi nghe các bạn nói lại rằng ai đi Việt Nam cũng đều có thể đến Fort Lewis trình diện trễ một-hai tuần. Thông thường trễ thì bị tù, nhưng trong trường hợp đặc biệt 'rồi cũng đi Nam thôi', lính qua Việt Nam không bị phạt mà chỉ bị tống đi ngay mà thôi. Tin vậy và vì thích phiêu lưu, tôi kéo dài ngày phép của tôi thêm một tuần nữa để thử xem sao. Tuy nhiên tôi không cho ba má tôi biết. Ông bà nghĩ tôi được phép lâu vì phải đi Việt Nam. Tôi cùng một số bạn, kể cả Dave đi chân giả, xuống chỗ trợt nước cũ gần Ensenada (Baja Mexico). Tụi tôi mướn một cái nhà dưới biển và chơi xả láng như hồi xưa. Tụi tôi lận theo khá nhiều cần sa pot[13] và thuốc LSD và xuống quán Hussong's Cantina, Ensenada nhậu thả giàn. Một cuộc hội ngộ đầy thú vị. Tụi tôi gặp nhiều cô sinh viên từ San Diego State qua nghỉ lễ, và tôi có dịp thỏa mãn mình tối đa. Bởi vì tôi sẽ đi đánh giặc ở Việt Nam và chưa biết chuyện gì sẽ đến, tôi chơi cạn láng biết đâu đây là cuộc vui chót của đời tôi.

Vào những ngày phép chót của tôi, Dave (có thể lái xe được rồi) đưa tôi đi Berkley thăm vài bạn gái cũ ở Riverside. Dave muốn ghé Veterans Hospital ở San Francisco nơi mà anh đã nằm nhiều tháng qua sau khi ở Việt Nam về. Anh muốn thăm vài bạn thân bị thương còn nằm tại đó. Chúng tôi vô trại thương phế binh, nơi có hằng trăm lính trẻ, kẻ mất tay người mất chân, có người mất cả tay lẫn chân. Một anh bị cụt cả hai tay lẫn hai chân. Một số ngồi xe lăn. Một số nằm trên giường cùng nhau đấu láo. Số khác đang học cách sử dụng tay chân giả. Có người thầm lặng đọc sách, hay nhắm mắt ngủ, hay nhìn vào khoảng không. Dave nói chuyện với vài bạn của anh còn tôi đứng đợi đằng xa. Ý tưởng 'Tôi có thể trở về như vậy' thoáng trong đầu tôi. Tôi bắt đầu bồn chồn và buồn nôn. Tôi lật đật chạy tìm nhà cầu. Tôi nóng rang và cảm thấy nhủn người. Tôi ngạc nhiên về các phản ứng này. Tôi ẩn nhẫn đợi Dave rồi chúng tôi ra về.

Hôm sau, tụi tôi rời nhà ở Berkley ra Muir Woods chơi. Muir Woods là một khu rừng bảo tồn nằm trên mạn Bắc đối diện Golden Bridge, Martin County. Tụi tôi đứa nào cũng nuốt một mớ mescaline[14] trong lúc bách bộ giữa rừng ráng và rêu xanh rì, dưới tàng cây redwood[15]cao ngút ngàn. Tôi cảm thấy gần gũi với vẻ đẹp của thiên nhiên và nhận biết năng lượng tinh vi của lực sống chung quanh đang dâng trào. Tôi cũng biết rằng chân trần tôi đang dẫm lên nền rêu ẩm mát của rừng già. Tối lại tụi tôi vô Fillmore Auditorium nổi tiếng của San Francisco xem nhóm Steve Miller trình diễn. Nhạc của Space Cowboy và cần sa làm tôi ngất ngây. Tuyệt đỉnh của một ngày đẹp khôn tả. Ngày mai tôi bay đi Fort Lewis.

Tôi về Fort Lewis trình diện trễ một tuần. Quân đội vừa bắt đầu thi hành lệnh xử phạt lính trình diện trễ không tham gia tuần lễ hướng dẫn về Việt Nam. Ai trễ quá ba hôm đều bị cho 'Article 15', tương đương với khinh tội và bị phạt hai mươi đô la cho mỗi ngày trễ. Sau đó, tôi được xung vô tiểu đội mới và đi thụ huấn tác chiến một tuần lễ trong rừng rậm, tiêu chuẩn cho mọi lính mới đi Việt Nam lần đầu tiên. Tôi được huấn luyện cả cách tránh bẫy và mìn cá nhân, và cách cấp cứu. Tôi được phát đồ trận mới, giầy mới và nhiều món cần thiết cho cuộc chiến trong vùng nhiệt đới. Tôi phải mặc đồ trận mới ngay lúc lên máy bay để sẵn sàng chiến đấu bởi máy bay có thể bị địch bắn lúc hạ cánh. Tôi cho đó chỉ là những 'xạo ke' được đặt ra để hù lính mới bắt họ học tập nghiêm túc mà thôi.

Quá kinh nghiệm rồi nên tôi có để dành một liều LSD để xài trong khi bay. Tôi đáp chuyến bay dân sự do quân đội mướn để đưa rước quân nhân đi qua hay về từ vùng chiến. Tôi nuốt acít lúc vừa lên máy bay đặng được 'lên đỉnh' lúc cất cánh. Tôi tình cờ ngồi cạnh một đại úy. Có lẽ ông nghĩ tôi sợ đi Việt Nam nên khuyên tôi đừng lo mà nên hãnh diện rằng mình đi dẹp bọn Cộng Sản. Ông cho biết ông qua bên đó ba tua rồi. Tôi say miên man. Máy bay ghé Anchorage lấy xăng. Tất cả phải xuống ga lối một tiếng. Tôi say quá nên tưởng chừng mình đang đứng trên đỉnh địa cầu với núi non tuyết phủ. Mặt đất dường như đang uốn lượn và quay cuồng dưới chân tôi. Thay vì vô ga như mọi người, tôi đứng ngoài trời tiếp tục tận hưởng cái say của mình.

Máy bay đáp xuống lần nữa ở khu quân sự trong sân bay Tokyo. Hành khách lại phải xuống nữa. Trong phòng đợi có một nhóm quân nhân trên đường về Mỹ. Họ chữi thề nói với đám lính mới tò te tụi tôi rằng họ đã xong việc.

Tất cả lính mới tụi tôi đều chăm chú nhìn qua cửa sổ xem coi có Việt Cộng ngoài đó đợi chúng tôi đáp không. Tất cả đều yên lành dưới ánh nắng sáng rực trên đồi cát trắng tinh trong vịnh Cam Ranh của Biển Nam Hải. Tôi ở lại phòng tiếp tân một ngày chờ lịnh thuyên chuyển, vái van mình không phải ra tác chiến. Rất may, tôi được đưa tới đại đội tiếp tế y dược đóng ở Long Bình, một căn cứ quân đội lớn gần Sài Gòn và xa mặt trận. Nhờ có học data processing trong đại học, tôi được chọn giao cho điều hành máy kiểm toán hàng trữ y dược. Trước khi bắt tay vào việc, tôi được gởi đi học một tuần để biết cách sửa máy NCR500. Chạy máy ấy được xem như một công tác quan trọng nên tôi được miễn các công tác khác. Tôi chỉ làm việc bốn-năm giờ mỗi ngày trong xe van có máy lạnh gắn đặc biệt cho máy móc điện tử. Công việc của tôi rất nhàn và dễ nên dầu phê tôi vẫn có thể làm được. Do vậy tôi cùng lính canh phòng hít ít nhứt một lần mỗi đêm.

Như ở Đức, lính Mỹ ở Việt Nam hút cần sa và ma túy với lý do để chống trầm cảm và để quên đi những rùng rợn của nơi mà họ không muốn đến. Chúng tôi biết chiến tranh là một trò hề và không đáng hy sinh tánh mạng và tài sản. Tôi cố làm mình phê càng nhiều càng tốt, đợi ngày hồi hương.

Ma túy rất dễ mua dưới thể bột trắng để hít. Nhiều bạn tôi xài nó để phê. Làm việc cho đại đội quân y, tôi dư thừa ống và kim chích mà nhiều tay chơi bạo rất cần. Tôi bắt đầu hít chớ không chích và không bao giờ dám đi quá trớn đến nghiện ngập. Lính sống ở Việt Nam thường bị mất tinh thần dầu ở tiền tuyến hay hậu phương. Lính hậu phương xa trận mạc không sợ hiểm nguy nên có thể còn dễ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn vì có nhiều thì giờ suy ngẫm.

Đại đội của tôi nằm gần một bệnh viện quân đội lớn. Kế bên là nhà xác chứa nhiều tử thi của quân nhân tử trận. Bị xác[16] màu ô liu đến tấp nập đợi được xử lý; do đó tôi biết lính Mỹ chết đều đều mỗi ngày trong các vùng đồng ruộng xa xôi.

Một hôm nọ, tôi và một số bạn lấy xe đi Vũng Tàu, một bãi tắm cách Long Bình chừng năm mươi dặm. Chúng tôi chạy ngang đồng ruộng và vườn dừa ra biển. Trời nắng chang chang, gió thổi lồng lộng, ai nấy đều để mình trần trùi trụi, tay cầm lon bia, miệng bập cần sa. Dọc đường chúng tôi thấy một đoàn công voa thiết giáp và APC trên đường đi hành quân. Chúng tôi đưa lon bia lên vẫy. Vài anh lính vẫy lại. Chắc họ cho chúng tôi là đồ khùng đang lên cơn nên mới dám ẩu kiểu đó, không có cây súng hộ tống, không có mảnh giáp che thân. Tuy nhiên có thể họ rất khoái được khùng như chúng tôi.

Chúng tôi tắm biển, tắm nắng và dĩ nhiên tự do hút hít trọn ngày hôm ấy. Trong lúc thả nổi trên phao, tôi ngó lên núi thấy bốn tu sĩ chẫm rãi theo đường mòn xuống biển. Họ khoác áo vàng và để đầu trần trọc lóc láng lẩy dưới ánh nắng gay gắt. Tôi nhìn họ quên thôi. Tới bãi, họ chẫm rãi cởi áo dài ngoài, xếp lại tươm tất rồi cẩn thận đặt lên đá. Họ xuống nước với quần áo lót. Họ nằm để sóng nhè nhẹ đu đưa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy tu sĩ và không biết họ đang làm gì. Họ đang thiền? Thật tình tôi cũng không biết thiền là gì. Độ nửa giờ sau, cũng bằng những hành động tỉnh thức đó, họ leo dốc lên núi. Chiều lại, mấy thằng GI vô tư tụi tôi lái xe trở về căn cứ Long Bình, vô phòng tôi và tiếp tục vui chơi thường lệ tưởng chừng như chẳng có gì xảy ra trong ngày.

Tháng Giêng 1977, ba năm nhập ngũ của tôi sẽ chấm hết. Vào đầu tháng Chạp tôi được lệnh về Mỹ để giải ngũ. Trước khi xuất ngũ tôi được vinh thăng Spec 5[17]. Tôi cũng được thưởng mề đay Army Commendation Medal vì công trạng và cống hiến của tôi. Thật tình tôi không thể nín cười. Tôi đã làm được gì ngoài các thành tích dù, ra tòa quân sự, tù tội, và lợi dụng quân đội để đi đó đi đây, và sống đời trụy lạc. Tôi được đưa về Fort Lewis, Washington, để làm thủ tục chánh thức giải ngũ. Từ Washington tôi lấy máy bay dân sự về Los Angeles. Tới phi trường LAX tôi đi ngay vô nhà vệ sinh, thay áo quần và nhét đồ lính vô thùng rác. Tôi mặc chiếc quần jeans bạc màu và áo T-shirt (mà tôi đem theo qua Việt Nam) leo lên xe buýt RTD về Riverside. Tôi vừa đi vừa nghĩ : 'Mẹ kiếp, chuyện gì sẽ tới đây?'



[4] Young Men's Christian Association (nd).

[5] Lysergic acid diethylamide (C20H25N3O) gọi tắt là LSD là một loại thuốc thuộc nhóm gây ảo tưởng. LSD được khám phá 1938 và là một trong những loại hóa chất làm thay đổi tâm thần. Nó được chế tạo từ acid lysergic tìm thấy trong ergot, một thứ nấm mọc trên lúa mạch và nhiều loại gạo nếp khác (nd).

[6] North Atlantic Treaty Organization, Khối Bắc Đại Tây Dương (nd).

[7] Lá non của cây thầu dầu phơi khô để hút hoặc nhai có tác dụng như thuốc ngủ (nd).

[8] Love beads--Xâu chuỗi to mà dân hippi thường đeo lủng lẳng trên cổ biểu thị yêu thương và hòa bình (nd).

[9] queer punk California (tg).

[10] lifer (tg).

[11] Vắng mặt không có lý do-- AWOL, absence without leave (nd).

[12] Quân nhân Hoa Kỳ (nd).

[13] Potiguaya, tiếng Mễ chỉ cần sa (nd).

[14] Thuốc gây ảo giác rút từ xương rồng Lophophora williamsii (nd).

[15] Sequoia semperviren (nd).

[16] Body bag (tg).

[17] Specialist Fifth Class (nd).


---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/12/2015(Xem: 7054)
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
17/12/2015(Xem: 4734)
Ai cũng có những câu chuyện trong cuộc đời của mình. Có câu chuyện theo thời gian ta đã quên, nhưng cũng có câu chuyện làm cho ta nhớ mãi. Và khi ta kể ra, có người cho đó là vớ vẫn nhưng nó lại làm ta thay đổi cách nhìn, cách sống của mình. Câu chuyện cuộc đời của cậu bé Lucky đã trở thành một trong những câu chuyện huyền thoại của cuộc đời tôi. Vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, đó là ngày thứ 4, tôi ra mở cửa để đón chào ngày mới. Hôm nay ngày mới chào đón tôi bằng một chú mèo con mới sinh mà mẹ nó bỏ rơi trước cổng nhà đứa cháu. Dù đã được báo trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình dáng của một chú mèo sơ sinh. Người ướt sũng và tím tái. Chú được đựng trong một chiếc hộp giày và quấn trong một chiếc chăn. Tôi vội vàng đi lấy thêm những chiếc khăn khác để cuốn vào người cho bé.
17/12/2015(Xem: 14098)
Trong khu rừng kia có một con khỉ rất hạnh phúc. Nó tìm ăn những trái cây ngọt lịm khi đói và nằm nghỉ ngơi khi mệt. Một ngày, con khỉ đang lang thang bìa rừng thì thấy một ngôi nhà… Trong ngôi nhà nhỏ bé đó, nó thấy một cái bát to đựng toàn táo, những quả táo tuyệt đẹp. Con khỉ liền trộm lấy một quả và chạy thật nhanh trở lại khu rừng.
16/12/2015(Xem: 3598)
"Ta sẽ không khi nào quên được con đâu," ông lão nói lầm bầm. Mấy giọt nước mắt chảy xuống lăn trên đôi gò má đầy nếp nhăn của ông. "Ta già mất rồi. Ta nào còn có thể lo gì cho con được nữa!" Chú chó nghiêng đầu qua một bên và ngước mắt nhìn lên ông chủ. Chú chó khẽ sủa: "Gâu gâu! Gâu gâu!" Chú ngoe nguẩy cái đuôi, chú muốn biết xem ông chủ của chú đang tính làm chuyện gì đây. "Ta không thể lo được cho chính bản thân ta, làm sao mà ta còn lo chi nổi cho con nữa!" Ông lão ôm ngực lên cơn ho liên tục. Ông rút ra một chiếc khăn tay và đưa lên mũi hỷ thật mạnh. "Ta sắp phải tới xin ở trong nhà dưỡng lão mất rồi, đâu có thể đem con theo được. Con biết đó ở trong cái nhà người già này người ta có cho nuôi chó đâu!"
15/12/2015(Xem: 5392)
Một vị thiền sư và một trong những đệ tử ưu tú nhất phải trở về một thiền viện ở trong núi lúc đêm khuya đã trễ lại gặp một cơn bão mùa đông dữ dội nổi lên trên con đường hiểm hóc. Dừng lại thời sẽ chết giữa đồng hoang; tiếp tục đi thời có thể nguy hiểm đến mất mạng vì rơi xuống những bờ giốc trơn trợt. Chỉ có cách lần bước đi tới là nhờ những lằn chớp loé lên soi sáng con đường phía trước mặt. Hai người chậm chạp lê dần từng bước tới phía trước trong gió thét gầm và mưa quất xối xả.
12/12/2015(Xem: 4177)
Đi mãi rồi cũng phải đến, mặt trời đã lên cao làm người tôi muốn bốc hỏa. Khi xe chúng tôi luồn lách một cách khó khăn qua các ngõ hẻm chỉ vừa đủ chiều ngang một chiếc xe, thì mọi người đã quy tụ đầy đủ ngoài sân. Một thiếu sót kỹ thuật đáng kể trong buổi phát xe tại Ninh Bình. Chẳng là phái đoàn bận ra Đà Nẵng nên không nhận được danh sách người nhận xe, để viết sẵn bảng tên ở nhà. Đến nơi Sư Cô Như Giác mới giao cho tôi viết, làm sao viết kịp, nhờ các Thầy của Chùa viết hộ họ lại viết sai. Các bệnh nhân khuyết tật chờ lâu cũng mệt, người nhà họ thấy xe lăn để mời mọc, bèn bế họ lên ngồi tạm. Phát sinh ra cảnh "Râu ông nọ cắm cằm bà kia", thành xe tên người này, bảng cầm tên người khác. Họ cãi nhau chí chóe, đã lỡ ngồi lên xe rồi không ai muốn đổi nữa!
03/12/2015(Xem: 8824)
Báo chí thế giới hiện đang đồng loạt đưa tin về việc người sáng lập ra mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg - tuyên bố sẽ hiến tặng 99% cổ phần Facebook để phục vụ cho các mục đích từ thiện. Tuyên bố này được đưa ra khi vào ngày thứ 3 vừa qua, Zuckerberg và vợ - cô Priscilla Chan đã đón con gái đầu lòng - Max. Tổng trị giá số cổ phần mà Zuckerberg dự kiến hiến tặng hiện có trị giá vào khoảng 45 tỉ đô la. Tất cả những điều này họ làm vì sự ra đời của cô con gái nhỏ - Max. Một lá thư xúc động đã được ông chủ Facebook đăng tải lên trang cá nhân với một tiêu đề giản dị: “Lá thư gửi tới cho con gái của chúng tôi”:
27/11/2015(Xem: 4540)
- Tên họ cháu là gì? - Tony Nguyễn. - Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ? - Không, tôi là người Mỹ (American). - Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi. Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo... - Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.
27/11/2015(Xem: 4699)
Một nữ công-nhân làm việc tại một xí-nghiệp chế-biến thịt đông lạnh. Một buổi chiều, khi đã hoàn-thành công-việc, như thường-lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm-tra một chút. Đột-nhiên, cửa phòng lại bị đóng và khóa lại! Cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết!!! Cô vừa hét khản cổ họng, vừa đập cửa với hy-vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu! Nhưng vẫn không có ai nghe thấy!!! Lúc này, tất-cả công-nhân đã tan ca! Toàn bộ nhà máy đều yên-tĩnh!!! Sau 6 giờ chiều hôm ấy, công-nhân lạnh cóng người, tuyệt-vọng và đau-khổ! Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa!!! Thì bất-ngờ được người bảo-vệ đến mở cửa cứu ra ngoài!!!
26/11/2015(Xem: 4586)
Tại thành phố Berlin thủ đô của nước Đức, có một ngôi chùa mang tên một ngọn núi thiêng, nơi Đức Phật ngày xưa hay thuyết Pháp, đó là chùa Linh Thứu. Vị trụ trì hiện nay mang một cái tên là Diệu Phước, nên các thiện nam tín nữ đổ xô về chùa lễ bái rất đông vì tin rằng chùa này rất “linh“ và cầu xin gì cũng được nhiều “phước“. Quả thật thế! Một số đại gia đến chùa làm công quả, lúc đầu chỉ có một nhà hàng cơ sở làm ăn, sau vài năm ôi thôi cửa tiệm mọc ra như nấm, tiền thu vào đếm không xuể. Thế là họ lại càng tin tưởng vào phước đức của ngôi chùa, từ đấy ngôi chùa Linh Thứu đã đi vào huyền thoại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]