Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tu học và các nghi lễ

22/05/201313:46(Xem: 10823)
Tu học và các nghi lễ
Con Đường Mây Trắng


Tu Học Và Các Nghi Lễ

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Dưới sự dẫn dắt tốt bụng của Katschenla tôi sớm ý thức nhiều điều nhỏ bé mà ngày trước tôi không mấy quan tâm hay cho chúng có ý nghĩa gì, những điều rất hữu ích để nâng tâm thức lên một mức độ cao hơn, nhờ đưa những hành động và thái độ thường nhật nhất vào trong sự tu học và thiền định.

Tôi học cách cầm một cuốn kinh, kính trọng đưa lên trán trước khi mở bọc lấy ra - cần nhớ rằng trong đó là ngôn từ của các bậc giác ngộ - làm sao cho các tờ kinh không bị lộn xộn [7] và mỗi một âm phải được xem là một chú nên một tờ kinh hư hỏng, không đọc được hay vô ích cũng không được vứt bừa bãi để cho người hay thú có thể đạp lên. Vì lý do này mà phía ngoài đền thường có một bệ thờ để cất chứa những tờ kinh hư hỏng hay dư thừa và các đồ vật cúng dường hết dùng tới.

Tôi học cách đi đứng trong tu viện, trước hết là hướng đi, đó là hướng của thiên thể quay xung quanh mặt trời - điều đó có nghĩa luôn luôn ta phải thấy đức Phật hiện diện, Ngài là mặt trời tâm linh và kẻ giác ngộ của nhân loại, được cung kính bằng cách đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ.

Ngay cả khi qua sân trước đền để đến tòa nhà chính nằm bên trái, tôi cũng phải đi toàn vòng bên mặt của đền. Như thế tôi đi qua một dọc những bánh xe đồng, trên đó có khắc sáu âm thần chú OM MANI PADME HUM và bên trong chứa những cuộn làm bằng giấy Tây Tạng rất bền, trên đó câu thần chú này được chép hàng trăm ngàn lần.

Cũng như đã nhắc khi nói về các hình tượng đất sét thì sự hình thành các cuộn giấy này là một nghi lễ thiêng liêng, trong đó năng lực tâm linh được tập hợp và vận động, chúng sẽ mang lại lợi ích cho những ai có tâm sẵn sàng đón lấy. Khi đi ngang, chỉ cần đụng nhẹ thì bánh xe đã quay, tôi nhắc lại trong tâm câu thần chú mà Katschenla đã chỉ; vì không có người Tây Tạng nào thực sự quan tâm đến tôn giáo của mình và có chút hiểubiết sâu sắc lại có thể ngây thơ tin rằng một hành động hoàn toàn cơ giới có thể mang lại lợi ích tâm linh cho họ hay cho ai khác, hay nghĩ rằng quay bánh xe một cái là hàng ngàn lời cầu nguyện lên tới trời xanh.

Người Tây Tạng không có ý muốn “đánh lừa thần thánh” bằng cách cầu nguyện để kéo các Ngài về phía mình; cũng như họ không muốn trốn tránh khổ nhọc hay trách nhiệm về việc làm của mình.

Khi một nông dân Tây Tạng đem bánh xe cầu nguyện (mani-tschor-khor) đến một suối nước hay kinh lạch tưới tiêu cho ruộng đồng mình, là muốn ban phép cho nước và cho những ai ăn thực phẩm của mình làm ra. Thế nhưng, thêm một điều là âm thanh tiếng chuông khi quay bánh xe đó sinh ra, sẽ đánh thức thần chú đầy phước hạnh nằm sẵn trong tâm người.

Nguồn gốc của mani-tschor-khor là gì? “Quay bánh xe pháp” (chuyển pháp luân) là một ẩn dụ mà bất cứ Phật tử nào cũng biết và có nghĩa là “đưa vào vận hành các sức mạnh của qui luật vũ trụ và đạo lý”. Khi đưa tschor-khor vào vận hành, anh ta lập lại hành động tâm linh của Phật cách đây 2500 năm, đã “quay bánh xe Pháp”. Hành động này do một vị giác ngộ làm chưa đủ - mỗi ai muốn giác ngộ cũng phải tự mình làm một cách sáng tạo và thực hiện trong thâm tâm mình.

Ta có thể hiểu ý nghĩa sâu xa và sự song hành trong vũ trụ của biểu hiện này khi nhớ rằng toàn bộ vũ trụ được xây dựng trên vận động quay: các vì sao và hành tinh quay quanh trục của chính mình, các thiên thể quay xung quanh mặt trời hay các điện tử quay quanh hạt nhân nguyên tử. Nếu một đy-na-mô quay quanh mà phát ra điện lực[8] và khi sự quay của tâm con người quanh một đối tượng ý thức hay một vấn đề sinh ra một tình trạng chú tâm, tình trạng đó có thể phát minh những điên đảo lộn thế giới hay dẫn đến một mức độ ý thức cao hơn, thâm chí đến sự giác ngộ hoàn toàn thì có gì đáng ngạc nhiên khi người Tây Tạng tin rằng các năng lực cao đẹp được tập trung lên trong lúc hình thành một mani-tschor-khor sẽ bám giữ trong thể vật chất của vật đó, theo một cách nào đó, được động viên và trao truyền lại cho ai quay nó?

Tất cả những ý nghĩ đó tràn ngập tâm tôi khi hàng ngày tôi đi vòng quanh đền và tu viện. Mặc dù tu viện cách nhà dân vùng Ghoom không hơn một dặm, nhưng ở đây dường như thuộc về một thế giới khác. Giữa làng và tu viện là một ngọn đồi dốc có nhiều cột cúng đường sơn trắng và một vườn cây với nhiều phướn trắng bao quanh. Một cột phướn mang cờ trắng cao khoảng tám mét, mang trên đỉnh biểu hiện của mặt trời, mặt trăng, lửa, có khi là hình kiếm trí tuệ hay chĩa ba. Những lá cờ trắng mang chú nguyện hay dấu hiệu phúc lạc dài khoảng ba phần tư mét, nằm suốt dọc cột cờ, chỉ trừ một mét rưỡi cuối cột là không. Mỗi một lá cờ này do một cá nhân cúng dường hay một gia đình qui y với tu viện. Cờ biểu hiện ân phước cũng như nhắc nhớ chính pháp cho người từ xa đến tu viện hay những người sống quanh đó.

Trong mùa mưa thì đỉnh núi cao khoảng hai ngàn năm trăm mét, mà trên đó tu viện này được xây dựng, hầu như suốt ngày bị một đám mây khổng lồ bao phủ, nên buổi trưa mà vẫn phải thắp đèn trong diện, bên ngoài thì sương mù che kín. Toàn bộ khu vực dường như trôi bềnh bồng trong mây, bị gió thổi qua vô số lá cờ trắng xung quanh điện và quanh các tháp trên núi. Thế nhưng toàn thể không gian và ngay cả các vật thể chìm đắm trong sương mù không hề tạo ra cảm giác tuyệt vọng mà chỉ tăng thêm phần bí ẩn của khu vực và cho một cảm giác an tâm, vững tin và yên lành, một tâm thức an lạc, sống xa rời tất cả cái hối hả tất bậc của thế nhân.

Khi đi vòng quanh ngọn núi kỳ diệu đầy mây mù này, tôi thường thấy đường như các tòa nhà vừa mới hiện thân trước mắt và chúng không có thực tính như tư tưởng luôn đổi thay của tôi; còn bản thân tôi thì hình như vô hình với người khác, như một thần thức đã thoát khỏi thân. Xung quanh tôi hình như có một cõi sống siêu nhiên và khung cảnh tĩnh lặng chỉ làm tăng lên những tiếng động kỳ lạ, nó vang trong không khí, khi lên khi xuống. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng động này: nó sinh ra từ những ngọn phướn dài và mỏng rung trong chiều gió thổi lên liên tục từ bình nguyên Ấn Độ. (Đó chính là luồng khí ấm và ẩm dâng lên, gặp luồng gió lạnh từ Himalaya mà sinh ra mây mù liên miên trên đỉnh núi này). Trộn lẫn với tiếng động kỳ lạ này là tiếng chuông bạc của mani-khor-lo nằm trong một tòa nhà nhỏ bên cạnh ngôi đền chính, do một ông già mù quay, ông vừa quay vừa lầm bầm đọc thần chú.

Cao hơn một chút có một cái đền nhỏ, cứ theo giờ nhất định trong ngày, nó lại phát ra một thứ tiếng rất trầm ngâm của lễ nghi tụng niệm. Bị tiết điệu lôi kéo mà thỉnh htoảng có nghe tiếng kim loại chạm nhau, tôi leo lên đến đền và nghe tiếng tụng của một tu sĩ, rõ là ông đang tụng niệm hàng ngày. Sau đó vì sợ phiền tôi vội rút lui. Mấy ngày sau tôi mới có dịp xin ông được thăm nơi chốn thiêng liêng này, nơi này khác với ngôi đền chính là mọi người không được bước vào.

Tôi thấy ngay lý do. Ngôi đền nhỏ này chứa đầy các vị thần dữ tợn, hiện thân của năng lượng hoại diệt và thay đổi, các vị này hiện ra đáng sợ cho những ai bám víu vào vật thể thế gian và danh sắc của chúng, còn đối với ai đã hiểu tự tính của sự vật thì đó là năng lượng của giải thoát khỏi ngục tù, đại diện cho sự chiến thắng của tự thân - đó là sự chuyển hóa thoát khỏi cái vô minh tối tăm và vòng vây của cái Ngã. Các vị đó là hiện thân của tri kiến cao tột, nó như một tia chớp hủy diệt tất cả những gì đã ngăn cản ta chứng nghiệm một thực tại vượt trên tư duy khái niệm, như đã xảy ra một kẻ tầm đạo ở Sais, người vì tò mồ đã lột khăn che mặt của một pho tượng Isis: “Sự phẫn nội sâu xa đã chôn vùi y dưới hố sâu”.

Đây là lý do tại sao nhiều phoi tượng của các vị thần phẫn nộ (một dạng của thực tại) trong các đền riêng biệt lại che mặt và chỉ những kẻ đã quán đỉnh rồi mới được vào; vì chỉ với họ thì lực lượng này hay dạng này của thực tại cũng chính là biểu hiện của giác ngộ như những hiện thân từ bi khác của Phật và Bồ-tát - trong tự tính sâu xa nhất - thì hai dạng này quả là một. Qui luật của vũ trụ (Pháp) thì hiền hòa và hỗ trợ cho những ai chấp nhận nó, nhưng lại dữ tợn cho những ai đi ngược lại và phủ nhận nó. Sức mạnh của ánh sáng hay của giải thoát, sức mạnh đưa ta đến giác ngộ, hiện ra với kẻ chống lại ánh sáng và thực tại trong dạng đáng sợ: và vì thế mà những dạng này được gọi là “hộ pháp” và được người đã quán đỉnh, người đã hiểu ý nghĩa ẩn mật của chúng, gọi là “thần bảo hộ” (yidam).

Thêm một điều bí ẩn nữa cho tôi phải tìm hiểu. Đó là một tòa nhà có dạng như một ngôi đền, lớn hơn ngôi đền của các thần bảo hộ nhưng lại nhỏ hơn mọi căn nhà khác của tu viện. Nó có hình vuông, mái sơn vàng con lên theo kiểu Trung Hoa và có một mái hiên đóng kín, cột che kín, thành ra không thể nhìn vào được. Cửa vào duy nhất là cửa sau nhưng luôn luôn khóa chặt.

Điều làm tôi tò mò và thấy kỳ diệu là căn nhà này lại thông với ngôi đền chính nằm thấp hơn bằng một tràng hoa của những hạt giống gần như trong suốt, trắng bạc của một giống cây mà tôi không biết đến. Khi hỏi Katschenla, ông trả lời tôi bằng một giọng đầy kính sợ và bí ẩn rằng nơi đó có vị “Đại Lạt ma”, người đó là một vị Phật rồi, đang thiền định. Ông nói giọng thì thào ra chiều như đang ở gần vị “Đại lạt ma” đó và mặc dầu không hỏi được vị đó là ai và tất cả mọi chuyện thế nào nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ: phải chăng không khí đầy năng lượng này của tu viện và sự chuyển hóa tâm thức trong tôi mà tôi đã thấy, phải chăng những điều đó có mối liên hệ gì với sự hiện diện của vị lạt ma này? Sự thực là Katschenla - mà lòng tốt và sự thành thật của ông đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, - đã nói về vị này một cách kính cẩn, làm tôi ao ước trở thành đệ tử của vị đó. Khi nói ovứi Katschenla điều đó, ông đồng ý ngay và hứa sẽ báo cho sư trưởng điều này để sư trưởng tùy cơ mà báo lại cho vị lạt ma.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 16628)
Ðạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Ðan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết.
10/04/2013(Xem: 6072)
Trước vòm cung hình bán nguyệt có những cột trụ đôi chống đỡ, lối vào tu viện Thánh Ân, một cây giẻ - đứa con độc nhất của miền Nam mà ngày xưa một thầy dòng từ La-Mã mang đến - vươn lên ngay bên vệ đường, thân mình cường tráng. Tàng cây tròn trải ra trùm trên mặt đường trong một dáng điệu trìu mến và thở nhẹ trong gió như một lồng ngực đang phập phồng. Về mùa Xuân, trong khi vạn vật quanh nó đã xanh rờn và những cây phỉ của tu viện cũng đã khoác lại bộ lá non màu hung, mùa trổ lá cây giẻ này vẫn còn phải đợi rất lâu.
10/04/2013(Xem: 10579)
.Con người là một con vật biết suy nghĩ, biết tư duy; Vì thế, dù bận rộn với bao khó khăn trở ngại trong cuộc sống; dù tin tưởng vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, hoặc vô thần đi nữa, con người cũng phải ít nhất một lần trong đời đặt câu hỏi rằng: Tại sao mình lại sinh ra ? Tại sao con người lại đau khổ ?
10/04/2013(Xem: 3993)
Cô bé dịu dàng nhìn cha. Cô biết, cô được cha yêu quí vô cùng. Cha cô vẫn nói, cô giống mẹ từ chân tơ, kẽ tóc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa. Cha thương nhớ mẹ bao nhiêu là yêu quí cô bấy nhiêu. Tai nạn thảm khốc mười một năm trước đã lấy đi tiếng cười trong tòa biệt thự nguy nga này. Chiếc máy bay riêng chở mẹ cô đi thăm bà ngoại đã lao xuống vùng biển dầy đặc sương mù.
10/04/2013(Xem: 20430)
Cuộc sống của vị Thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của Tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt, người đời gọi ông là “Tế Ðiên”, nhưng ông lại là người rất “tỉnh”, từ bi và ưa giúp đời.
10/04/2013(Xem: 12806)
Hôm ấy trong chùa Sùng Ân các sư đang rộn rịp chuẩn bị để đón tiếp một đại thí chủ, đó là Vương tiểu thư, con quan Tể Tướng của đương triều sắp đến lễ Phật. Khắp nơi trong chùa đều được quét dọn sạch sẽ, duy có trên chính điện thì trái lại vị hương đăng trẻ tuổi Ngọc Lâm, có tiếng là chăm chỉ, hôm ấy lại để cho bề bộn, không chịu dọn dẹp.
10/04/2013(Xem: 10334)
Tập truyện Thường Ðề Bồ Tát (Bồ Tát Hay Khóc) được trích dịch trong cuốn “Vô Thanh Thoại Tập” của Pháp sư Long Căn. Ngoài những truyện kể về cuộc đời các vị Bồ Tát thời quá khứ như Thường Ðề, T hiện Tài đồng tử, . . .
10/04/2013(Xem: 3628)
Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn những lá phong vàng sậm và đỏ ối, âm thầm rơi trong không gian tinh mơ quanh khu nhà quàn. Thấp thoáng vào, ra, là những người chít khăn tang trắng, gương mặt phờ phạc, buồn rầu. Cả một trời thu im lắng, u hoài trùm phủ quanh tôi.
10/04/2013(Xem: 4669)
He’s Leaving Home, quyển tự truyện của tác giả Kiyohiro Miura, đã được giải thưởng đặc biệt AKUTAGAMA của Nhật. Quyển sách miêu tả về sự mâu thuẫn trong tình cảm của các bậc cha mẹ có con xuất gia : Họ tự hào vì con đường cao quí con mình đã chọn, đồng thời đau khổ vì sự chia ly, vì quyết định quá sớm, quá đột ngột của con mình....
09/04/2013(Xem: 15311)
Một sự tình cờ mà cũng là một cơ duyên khiến chúng tôi được gặp Thầy Huyền Diệu hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2002. Thầy là người kín đáo trong giao tiếp và xem ra không muốn được người khác chú ý hay nhắc nhở tới mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com