Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới thiệu - Lời bạt

02/05/201311:29(Xem: 9887)
Giới thiệu - Lời bạt
Ánh Đạo Vàng


Giới Thiệu
Lời Bạt

Võ Đình Cường


Trí Phật là trí kim cương. thân Phật là thân kim sắc, cõi Phật là cõi hoàng kim, thì Đạo Phật tất nhiên là Đạo Vàng. Ánh Đạo Vàng là kim quang của đức Từ bi rộng lớn phá màn vô minh, chỉ rõ đường chánh.

Một đời thị hiện của Phật đều vì việc ấy, mà nhất cử nhất động của Phật cũng không ra ngoài mục đích ấy.
Bạn VÕ ĐÌNH CƯỜNG trong quyển ÁNH ĐẠO VÀNG này đã phát tâm thuật lại lịch sử của Phật với ngòi viết lưu lợi, lối văn kiều diễm làm độc giả cảm thấy dường như đang sống trong làn không khí Từ bi. Thật là một công trình rất vĩ đại, rất bổ ích cho thế đạo, nhân tâm.

Tôi xin nhất tâm tùy hỷ và tha thiết giới thiệu cùng toàn thể quí vị độc giả.


Thay lời bạt

(Phần này đã được viết và in vào ánh Đạo Vàng
trong lần ấn hành thứ 12 năm 1990)

Quyển ánh Đạo Vàng đã được trích đăng dần trên Tập Văn của Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong quá trình trích đăng qua 5 Tập Văn gần hai năm, có một số bạn đọc đã gởi thơ hỏi tôi có sửa đổi thêm bớt gì không khi đăng lại lần này. Có bạn lại cả quyết rằng tôi đã có sửa lại, thậm chí đã viết lại ánh Đạo Vàng và khen là lần này tôi viết hay hơn trước. Thật ra tôi không sửa đổi gì, ngoài một số chữ về chính tả mà các lần xuất bản trước đã in sai, và thứ tự các chương có đảo lộn để cho thích hợp với nội dung của mỗi Tập Văn. Chẳng hạn như Tập Văn 1, xuất bản vào dịp lễ Thành Đạo PL. 2528, thì tôi trích đăng các chương viết về sự Tìm Đạo và Chứng Quả của đức Phật; qua lễ Phật Đản sanh PL. 2529, thì trích đăng các chương viết về sự ra đời và thời niên thiếu của Ngài. Và mỗi kỳ trích đăng như vậy, tôi không chia thành từng chương riêng và không ghi số thứ tự của mỗi chương như trong cuốn ánh Đạo Vàng đã xuất bản lâu nay, mà đăng luôn một mạch, chương này tiếp liền chương khác. Có lẽ vì vậy mà các bạn đọc đã có cảm tưởng như tôi có sửa đổi thêm bớt chăng?

Không sửa đổi thêm bớt, không có nghĩa là cuốn ánh Đạo Vàng đã hoàn chỉnh. Một cuốn sách đã viết từ gần 45 năm trước, đem so sánh với thời đại hôm nay mà văn chương nghệ thuật nước nhà đã có những bước tiến dài, chắc chắn sẽ lộ rõ những vụng về, thiếu sót, dư thừa. Nhưng tôi không muốn gọt dũa nó lại, vì tôi nghĩ dù sao nó cũng đã mang dấu ấn của một giai đoạn viết lách của đời mình, cái dấu ấn tư duy của một lớp thanh niên trí thức Phật tử trong ấy có tôi, trước thế chiến thứ hai. Lớp thanh niên ấy phải kể trước tiên là những anh em trong đoàn "Thanh niên Phật học Đức Dục" (mà hiện nay có người đã trở thành Hoà thượng, nhiều người là cán bộ, Đảng viên Cộng sản, hay đã đi ra nước ngoài, nhưng mỗi khi ngồi lại với nhau chúng tôi vẫn dễ đồng ý, thông cảm với nhau trên nhiều vấn đề), những anh em trong đoàn Thanh niên Phật tử. Gia đình Phật hoá phổ, học sinh trường Khải Định, trường Đồng Khánh ở Huế, quê hương của tôi. Chính lớp thanh niên ấy đã thúc đẩy, khuyến khích tôi viết Ánh Đạo Vàng. Và khi viết, tôi nhắm đối tượng độc giả chính là lớp thanh niên ấy. Mỗi khi viết xong một chương, tôi đem đọc cho anh em đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục nghe và góp ý. Tôi nhớ chương đầu tiên tôi viết là chương Thái tử Tất-đạt-đa trong đêm khuya trốn ra khỏi "Cung Vui", xa lìa gia đình để đi tìm đạo. Tôi viết đoạn này trước, vì tính bi hùng tráng của nó đã thu hút tôi mãnh liệt. Anh em trong đoàn gợi ý cho tôi nên đăng trước vào tạp chí Viên âm xuất bản tại Huế, mỗi tháng một kỳ do cố bác sĩ Lê Đình Thám, một học giả uyên thâm về Phật học làm chủ bút. Đăng được mấy số thì một hôm, cụ Thám đưa cho tôi xem bức thơ của một vị Hoà thượng ở Hà Nội gởi vào phản đối kịch liệt những bài viết của tôi đăng trên tạp chí Viên âm. Vị này cho rằng tôi phỉ báng đức Phật Thích-ca, đã dung tục hoá Ngài, viết về Ngài mà như về một người tầm thường nào, cũng yêu đương bi lụy "anh anh, em em", sống một đời sống xa hoa trác táng v.v... và v.v... Và cuối cùng, tác giả bức thư yêu cầu Ban Biên Tập Viên âm không được tiếp tục đăng Ánh Đạo Vàng nữa. Tôi đọc xong bức thư, trao lại cho cụ Thám và hỏi:

– Bác tính sao? Có đăng tiếp không?

Cụ Thám nở một nụ cười hiền lành như mọi ngày, nhưng trả lời rất cương quyết:

– Anh cứ tiếp tục đăng đi. Các cụ già rồi sẽ qua đời. Anh có thanh niên. Họ không phản đối anh là được.
Lớp thanh niên ấy bấy giờ cũng đã, hay sắp trở thành cụ già cả rồi. Và họ vẫn không phản đối tôi về cách trình bày cuộc đời của đức Phật Thích-ca trong Ánh Đạo Vàng. Do đó tôi nghiệm ra rằng: không phải hễ già thì phản đôi mà trẻ thì thích Ánh Đạo Vàng. Bằng chứng là trên 40 năm trước cũng có những cụ già thích đọc Ánh Đạo Vàng, và bây giờ cũng rất có thể có những thanh niên không thích đọc nó. Thích hay không thích, phản đối hay tán thành, tôi nghĩ không phải do tuổi tác, mà do quan niệm của người đọc về sự xuất hiện của đức Phật Thích-ca trong cõi đời này, về nguồn gốc của Ngài. Nếu họ cho rằng Ngài là một Thiên sứ, một người của nhà Trời sai xuống để dẫn dất chúng sanh, thì chắc chắn họ sẽ phản đối tôi, vì tôi đã bỏ mất những huyền thoại như: Hoàng hậu Ma-gia đã sinh Thái tử Tất-đạt-đa từ hông phải của bà, và Thái tử khi mới lọt lòng mẹ, đã đứng dậy đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà tuyên bố: "Trên trời, dưới trời, chỉ có Ta là đấng tôn kính nhất." Tuyên bố xong, Thái tử mới nằm xuống và trở thành một hài nhi như bao nhiêu hài nhi khác ở trên đời này!

Nhưng có một số chi tiết thuộc loại huyền thoại, tôi còn giữ lại, vì thấy chúng không làm hại gì cho nội dung tác phẩm, mà lại phù hợp với tâm lý người thời ấy, như chuyện Hoàng hậu Ma-gia khi thụ thai, "nằm mộng thấy một con bạch tượng sáu ngà đứng trên một ngôi sao, có sáu sắc chói ngời, vượt qua trời cao và luồn vào hông phải Hoàng hậu" (Ánh Đạo Vàng). Đây chỉ là một giấc mộng. Và một Hoàng hậu, sống trong bối cảnh đầy rẫy thần thánh của Bà-la-môn giáo, đang mơ ước có một hoàng tử anh linh xuất chúng, nên nằm mộng thấy như vậy, cũng không phải là chuyện không thể chấp nhận được. Hay trong câu chuyện của ông già kể lại cho đạo sĩ A-tư-đà nghe về đám rước đón Hoàng hậu Ma-gia và Thái tử sơ sanh từ vườn Lâm-tỳ-ni về hoàng cung thành Ca- tỳ la-vệ, có câu: "Trong đám rước người ta bảo có lẫn lộn những thiên thần giả người trần tục, vì đây không phải là cái vui riêng của cõi thể mà chính là cái vui chung cho cả mấy tầng trời" (Ánh Đạo Vàng).

Ông già kể là: "Người ta bảo... (mà có lẽ ông ta cũng tin như vậy) là trong đám rước có những thiên thân giả người trần tục" thì ai mà nhận ra? Chỉ có tin hay không tin thôi. Trước đây 25 thế kỷ, xã hội Ấn Độ chịu ảnh hưởng sâu xa của Bà-la-môn giáo, có nhiều người tin như vậy, cũng không có gì là lạ. Lạ chăng là trong thế giới khoa học ngày nay vẫn có người tin rằng Thánh, Thần, Người, Trời đang sống chung lộn với nhau. Cái tâm lý ấy có ảnh hưởng sâu xa đến một số các nhà viết về lịch sử đức Phật trong quá khứ, và cả trong ngày nay. Họ đã thần thánh hoá Ngài, xem Ngài như một Thiên sứ, Thiên thần từ cõi Trời giáng xuống và mọi sự việc trong đời Ngài đã được an bài từ trời cao. Trong khi ấy thì đức Thích-ca đã tuyên bố một cách dứt khoát với nàng Tu-xà-đa, khi nàng tưởng Ngài là một Thần núi đã phù hộ cho nàng sanh con trai, nên đến cúng dường Ngài để tạ ơn: "... Ta không phải là một vị thần nào cả. Ta chỉ là một người như mọi người khác. Xưa kia Ta là một Thái tử. Bây giờ Ta chỉ là một kẻ không nhà, ròng rã sáu năm trời đi tìm ánh đạo để soi sáng cho chúng sanh..." (Ánh Đạo Vàng).

Có lẽ những sử gia nói trên nghĩ rằng phải thiêng liêng hoá Ngài, gắn cho Ngài cái nguồn gốc của nhà Trời hay một thế lực huyền bí nào, thì người đời mới tôn kính, sùng bái Ngài, nhưng thật ra là đã làm giảm giá trị đích thựe của Ngài. Đức Phật đâu có muốn như vậy, Ngài bài bác cái ý thức về một Thượng đế sáng tạo, an bài mọi sự việc trong trời đất. Ngài đề cao địa vị của con người, bảo rằng đó là địa vị có đủ thuận duyên để cho con người tiến xa nhất.

Và Ngài đã lấy chính cuộc đời mình ra để chứng minh điều đó. Ngài cũng đã trải qua mọi giai đoạn sanh, lão, bệnh, tử như mọi người. Ngài cũng có cha mẹ, vợ con, bạn bè thân thích như mọi người. Ngài cũng đã có lúc đắm chìm trong xa hoa truỵ lạc của một cuộc sống đế vương khác. Có khác chăng là Ngài đã thoát ra khỏi cuộc sống dục lạc ấy trong khi các đế vương khác đã chết chìm trong ấy. Và cuộc thoát ly này không do một động lực nào từ bên ngoài, "bên trên" thúc đẩy hỗ trợ, mà chính là do lý trí và tình thương rộng lớn của Ngài thúc đẩy Ngài. Cuộc trốn thoát khỏi "ngục vàng" giữa đêm khuya ấy, tuy không có một ai hay biết, ngoài Xa-nặc, người giữ ngựa, để cản ngăn Ngài, nhưng không phải đã diễn ra một cách trót lọt dễ dàng. Ngài đã chiến đấu rất quyết liệt với chính mình, với tình yêu thương đối với cha già, vợ trẻ, con thơ, với bạn bè, người hầu hạ, đã bao năm chung sống với mình.

"Ngài quỳ một chân, cúi đầu xuống để trán lên giường. Công chúa đang thiêm thiếp ngủ, trên đôi mi cong dài còn đọng lại hai viên lệ ngọc. Ngài từ từ đứng dậy, cung kính đi quanh giường ba vòng, hai tay chắp ngang ngực, miệng lẩm bẩm: "Từ nay không bao giờ ta còn nằm trên giường này nữa. Ba lần Ngài bước ra, ba lần Ngài trở lại. Lần sau cùng, với vẻ cương quyết, Ngài phủ vạt áo lên đầu, vén rèm bước ra" (Ánh Đạo Vàng).

Có lẽ những đoạn văn như vậy đã làm cho tác giả bức thư mà tôi đã nói ở trên phản đối, cho rằng tôi đã "uỷ mị hoá" đức Phật, làm mất cả những đức tánh đại hùng, đại lực, đại từ bi của một vị Phật. Nhưng tôi nghĩ, trước khi thành Phật, Thái tử Tất-đạt-đa vẫn là một "con người"–tất nhiên không tầm thường như chúng ta–nhưng vẫn là một con người có lý trí và tình cảm, cũng thương yêu gia đình như chúng ta, nhưng không vì tình yêu gia đình mà quên tình yêu đồng bào, đồng loại, trái lại đã rộng mở tình yêu gia đình nhỏ hẹp, để nó hoà nhập vào tình yêu rộng lớn đối với nhân loại, chúng sanh, như khai thông dòng nước của sông ngòi để nó hoà nhập vào biển cả. Nếu Thái tử Tất-đạt-đa khi ra đi mà vẫn "phớt tỉnh", không chút bận lòng đối với người thân trong gia đình, thì đó mới là một chuyện không bình thường, làm chúng ta đánh một dấu hỏi lớn: "Nếu không yêu thương những người thân thiết trong gia đình, thì làm sao yêu thương được đồng bào, đồng loại?" Cái đại hùng, đại lực, đại từ bi của Thái tử Tất-đạt-đa chính là đã thoát ra khỏi cái bả vinh hoa phú quý, đã chiến thắng được tình yêu nhỏ bé nhưng mãnh liệt của gia đình, buộc nó phải hy sinh cho một tình yêu rộng lớn hơn, cho một lý tưởng cao cả hơn: lý tưởng cứu đời. Chúng ta hãy nghe Ngài nói: "Hỡi nhân loại đang quằn quại đau thương, hỡi cõi đời sầu khổ! Vì các người mà ta bỏ tuổi măng tơ, bỏ ngôi báu, bỏ những ngày vàng và đêm ngọc, gỡ cánh tay bám víu cửa người vợ hiền, cắt ngang tình yêu mãnh liệt của Phụ vương và xa lánh đứa con thơ đang nằm trong bụng mẹ. Hỡi Phụ hoàng, hiền thê, bào nhi và xã tắc! Xin hãy gắng chịu đựng sự chia ly cho đến ngày tôi tìm ra Đạo." (Ánh Đạo Vàng).

Thoát khỏi "ngục vàng", Thái tử Tất-đạt-đa đi vào rừng sâu, tìm thầy học đạo, Ngài tu "theo lối khổ hạnh." Trước kia trong "Cung Vui", Ngài cung dưỡng thân xác bao nhiêu, thì giờ đây Ngài lại hành hạ nó bấy nhiêu, Ngài đã nhịn đói, nhịn khát nằm gai, nếm mật, hành hạ thân xác cho đến kiệt quệ. Hãy nghe Ngài kể lại: "Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta đã trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống của Ta phô bày giống như một chuỗi hạt bóng. Vì Ta ăn quá ít, xương sườn của Ta gầy mòn giống như rui mè của một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu trong một giếng nước thâm sâu..." (Trung Bộ Kinh I, tr. 80).

Thế rồi một hôm, một đoàn ca vũ đi làm lễ ngang qua khu rừng Ngài tu. Ngài nghe văng vẳng tiếng hát của mấy ca nhi đưa lại:

"Lên cho chúng tôi một dây đàn đừng quá caọ cũng đừng quá thấp, chúng tôi sẽ nhảy theo tiếng đàn và tim mọi người sẽ nhảy theo với chân chúng tôi.

Dây đàn quá căng sẽ đứt, và nhạc sẽ câm!
Dây đàn quá chùng, nhạc sẽ không lên tiếng!
Lên cho chúng tôi một dây đàn đừng quá cao và cũng đừng qua thấp."

Ngài bỗng giật mình tỉnh ngộ: "Không ngờ các người ấy cũng có nhiều ý tưởng hay! Ừ, có lẽ trong việc tìm điệu nhạc cứu thế, Ta đã lên quá cao dây đàn. Không khéo nó đứt mất trong khi Ta đang cần đến nó. Ta phải bồi bổ lại thân thể mới được." (Ánh Đạo Vàng).

Từ hôm ấy, với sự cúng dường của nàng Tu-xà đa. Ngài bồi dưỡng lại sức khoẻ và nhờ đó Ngài có đủ sức khoẻ để tham Thiền 49 ngày dưới cây bồ-đề và Thành đạo. Thật đúng là: "Phật pháp bất ly thế gian giác. Ly thế mích bồ-đề..."

Con đường "Trung Đạo" mà Ngài đã thuyết minh cho chúng ta, là kết quả của cả một quá trình thử nghiệm của chính bản thân Ngài, đi từ cực đoan này sang cực đoan khác.

Đức Phật đã gặt hái được đạo quả, do chính Ngài gieo trồng chứ không do ai khác. Với Trí tuệ sáng suốt, với lòng Từ bi bao la, với ý chí kiên cường, Ngài đã đi đến đích như Ngài ước nguyện. Và trong cuộc trường chinh vạn dặm đi từ người đến Phật, Ngài đã nếm đủ mùi cay vị đắng, đã dẫm đạp lên bao sỏi đá chông gai, đã mò mẫm bước đi trong tăm tối đầy cạm bẫy của cuộc đời, mà không có một ai có thể giúp đỡ Ngài, không có một thế lực thần bí, siêu nhiên nào hỗ trợ Ngài. Nhưng chính vì thế mà Ngài đã rút tỉa được bao kinh nghiệm quý báu, những kinh nghiệm của thế giới nội tâm, của con người, của cõi đời này và cho cõi đời này, chứ không phải của một thế giới nào khác, một cõi trời nào khác. Ngài đã trở thành một vị "Chỉ đường" rất vĩ đại, nhưng lại rất gần gũi với chúng ta, là vì vậy.

Những lời dạy của Ngài, rất thâm thuý, nhưng cũng rất thân thiết với chúng ta, là vì vậy. Giáo lý của Ngài không phải là những giáo điều mặc khải, đòi hỏi một lòng tin tuyệt đối, mà là những lời chỉ dẫn mà ta có thể chứng nghiệm được trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi cần đề cập đến một vấn đề trừu tượng, luôn luôn Ngài bắt đầu bằng những câu hỏi rất giản dị, những ví dụ rất cụ thể mà ai cũng có thể nhận thấy được. Chẳng hạn, khi Ngài muốn nói cho các đệ tử biết giáo lý của Ngài không phải là tất cả, mà chỉ là một phần nhỏ của Chân lý, Ngài hái một nắm lá nắm trong tay và hỏi các đệ tử: "Nắm lá trong tay Ta so với lá trong rừng này, nhiều hay ít?" Các đệ tử trả lời: "Bạch Thế Tôn, rất ít." Và Ngài kết luận: "Cũng ít như vậy, giáo lý của Ta so với chân lý trong thế gian này."

Để ngăn ngừa sự nhầm lẫn của các đệ tử cho rằng những lời dạy của Ngài về Chân lý là Chân lý Ngài bảo: "Đừng nhận lầm ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng." Hay để cảnh tỉnh những người "mê" phương tiện mà quên cứu cánh, Ngài nhắc: "Qua sông rồi, thì hãy bỏ thuyền bè mà lên bờ." Những tư tưởng rất sâu sắc đã được diễn tả rất rõ ràng qua những hình ảnh hằng ngày ai cũng thấy được.


***

Trước khi chấm hết, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là, đức Phật của chúng ta không xuất phát từ một cõi siêu nhiên thần bí nào, cũng không phải là một Thiên sứ hay con Thượng đế (cái ý niệm về Thượng đế cũng không được Ngài chấp nhận), mà là người con tinh anh của nhân loại. Một cành hoa quý đã nở trên thân cây nhân loại. Một hoa Đàm, nói theo truyền thuyết Ấn Độ, mấy vạn năm mới nở một lần; hay gần gũi với chúng ta hơn, một Hoa Sen, vươn lên từ trong bùn và biến chất bùn thành hương sắc. Và như vậy, giá trị đích thực của Ngài đã vĩ đại lắm rồi, hào quang của Ngài cũng đã chói sáng lắm rồi. Tôi nghĩ chúng ta không cần phải thêm thắt vào cuộc đời vốn đã kỳ diệu của Ngài, những huyền thoại phi lý, vẽ rắn thêm chân với mục đích là tạo sự thiêng liêng để cho người đời thêm sùng mộ Ngài, kỳ thật đã đẩy lùi Ngài vào thế giới hoang tưởng, làm mất lòng tin đối với những người biết suy nghĩ trong thời đại khoa học ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 16565)
Ðạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Ðan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết.
10/04/2013(Xem: 6040)
Trước vòm cung hình bán nguyệt có những cột trụ đôi chống đỡ, lối vào tu viện Thánh Ân, một cây giẻ - đứa con độc nhất của miền Nam mà ngày xưa một thầy dòng từ La-Mã mang đến - vươn lên ngay bên vệ đường, thân mình cường tráng. Tàng cây tròn trải ra trùm trên mặt đường trong một dáng điệu trìu mến và thở nhẹ trong gió như một lồng ngực đang phập phồng. Về mùa Xuân, trong khi vạn vật quanh nó đã xanh rờn và những cây phỉ của tu viện cũng đã khoác lại bộ lá non màu hung, mùa trổ lá cây giẻ này vẫn còn phải đợi rất lâu.
10/04/2013(Xem: 10530)
.Con người là một con vật biết suy nghĩ, biết tư duy; Vì thế, dù bận rộn với bao khó khăn trở ngại trong cuộc sống; dù tin tưởng vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, hoặc vô thần đi nữa, con người cũng phải ít nhất một lần trong đời đặt câu hỏi rằng: Tại sao mình lại sinh ra ? Tại sao con người lại đau khổ ?
10/04/2013(Xem: 3959)
Cô bé dịu dàng nhìn cha. Cô biết, cô được cha yêu quí vô cùng. Cha cô vẫn nói, cô giống mẹ từ chân tơ, kẽ tóc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa. Cha thương nhớ mẹ bao nhiêu là yêu quí cô bấy nhiêu. Tai nạn thảm khốc mười một năm trước đã lấy đi tiếng cười trong tòa biệt thự nguy nga này. Chiếc máy bay riêng chở mẹ cô đi thăm bà ngoại đã lao xuống vùng biển dầy đặc sương mù.
10/04/2013(Xem: 20355)
Cuộc sống của vị Thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của Tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt, người đời gọi ông là “Tế Ðiên”, nhưng ông lại là người rất “tỉnh”, từ bi và ưa giúp đời.
10/04/2013(Xem: 12684)
Hôm ấy trong chùa Sùng Ân các sư đang rộn rịp chuẩn bị để đón tiếp một đại thí chủ, đó là Vương tiểu thư, con quan Tể Tướng của đương triều sắp đến lễ Phật. Khắp nơi trong chùa đều được quét dọn sạch sẽ, duy có trên chính điện thì trái lại vị hương đăng trẻ tuổi Ngọc Lâm, có tiếng là chăm chỉ, hôm ấy lại để cho bề bộn, không chịu dọn dẹp.
10/04/2013(Xem: 10285)
Tập truyện Thường Ðề Bồ Tát (Bồ Tát Hay Khóc) được trích dịch trong cuốn “Vô Thanh Thoại Tập” của Pháp sư Long Căn. Ngoài những truyện kể về cuộc đời các vị Bồ Tát thời quá khứ như Thường Ðề, T hiện Tài đồng tử, . . .
10/04/2013(Xem: 3592)
Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn những lá phong vàng sậm và đỏ ối, âm thầm rơi trong không gian tinh mơ quanh khu nhà quàn. Thấp thoáng vào, ra, là những người chít khăn tang trắng, gương mặt phờ phạc, buồn rầu. Cả một trời thu im lắng, u hoài trùm phủ quanh tôi.
10/04/2013(Xem: 4604)
He’s Leaving Home, quyển tự truyện của tác giả Kiyohiro Miura, đã được giải thưởng đặc biệt AKUTAGAMA của Nhật. Quyển sách miêu tả về sự mâu thuẫn trong tình cảm của các bậc cha mẹ có con xuất gia : Họ tự hào vì con đường cao quí con mình đã chọn, đồng thời đau khổ vì sự chia ly, vì quyết định quá sớm, quá đột ngột của con mình....
09/04/2013(Xem: 15249)
Một sự tình cờ mà cũng là một cơ duyên khiến chúng tôi được gặp Thầy Huyền Diệu hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2002. Thầy là người kín đáo trong giao tiếp và xem ra không muốn được người khác chú ý hay nhắc nhở tới mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]