Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Tích Giếng Chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi

24/03/201420:26(Xem: 27907)
Sự Tích Giếng Chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi
Gieng_Than_Chua_Thien_An_3

Nói đến chùa Thiên Ấn không ai còn lạ về ngôi chùa này, một thắng tích được xem là “đệ nhất thắng cảnh„ cách trung tâm 3,5km (độ 10 phút xe hơi) nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc của thành phố Quảng Ngãi.

Sự thu hút du khách về ngôi chùa Thiên Ấn không chỉ vì thắng cảnh nằm ở thế đất thiêng, từ đó có thể nhìn ngắm một vùng không gian mênh mông đẹp mắt với giòng nước sông Trà lững lờ trôi; phố xá, làng mạc, ruộng đồng sinh động ẩn hiện lúc ban mai hay hoàng hôn chiều tà bảng lảng tạo nên một bức tranh thơ mộng hữu tình; hoặc cách cổng Tam quan chùa chừng 100 mét, chếch về hướng Tây Nam có ngôi mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ cách mạng văn hay chữ tốt từ thuở bé, một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp chủ trương tân học, nhằm nâng cao dân trí, phê phán chống đối nền giáo dục phong kiến hủ nho; hoặc với chiếc đại hồng chung mà sự tích về chuông thần linh thiêng lan truyền khắp dân gian khi đúc xong không có tiếng kêu, phải đợi chú nguyện, tiếng chuông lại ngân nga khắp một vùng. Ngoài ra nơi đây còn có khu viên mộ với những ngôi bảo tháp nhiều tầng kiến trúc cổ kính, an táng các vị tổ sư nổi tiếng đã có công xây dựng và phát triển ngôi đại tự. Mà đặc biệt nhất đã lan truyền trong nhân gian gây sự tò mò để thu hút du khách vẫn là chiếc giếng Phật linh thiêng nằm ngay trong sân chùa.

Sự tích kể rằng, trước đây, gần 3 thế kỷ, chưa có chùa Thiên Ấn, nơi đây là một hòn núi hình thang với trên 360 hecta. Cảnh núi rất linh thiêng hùng vĩ chim kêu vượn hót, âm u tịch mịch. Người bình thường khi đặt chân lên hòn núi này phải rùng mình trước cảnh linh thiêng hùng vĩ của núi Hó. Nơi đây rất nhiều cọp và thú rừng, không người vãng lai, thỉnh thoảng mới có ít dân làng lân la đốn củi.

Cho đến năm 1670 có một vị Thiền sư tên là Lê Diệt, Pháp danh Minh Hải, Pháp tự Phật Bảo, hiệu Pháp Hóa; sinh ra và lớn lên tại tỉnh Phúc Kiến,Trung quốc, thuộc dòng thiền Lâm Tế. Thiền sư sang Việt Nam và xây ngôi chùa tại Hội An tên chùa là Chúc Thánh và sau đó sư đến Quảng Ngãi nơi hòn núi Hó này xây một cái am nhỏ bằng cỏ, tu thiền ở đây. Hằng ngày Thiền sư chỉ ăn lá cây và củ rừng; ngồi thiền tu niệm và tu theo hạnh Đầu Đà (khổ hạnh) ăn một bữa. Sau một thời gian tu hạnh khá lâu, một hôm được chư thiên mách bảo sẽ có một đoàn người đến đây. Họ là những tiều phu đốn củi. Họ mới đến sườn núi của phiá Đông Nam, bất chợt phát hiện một hang nước trong vắt, đoàn người dừng lại uống nước, và khám phá thêm một con đường mòn dẫn họ lên đỉnh ngọn núi nơi có vị Thiền sư tọa thiền. Đó là mở đầu cho nhân duyên bắt nhịp giữa Thiền sư và đoàn người đốn củi mở ra con đường tâm linh sùng kính đạo Phật cho đến ngày nay.

Gặp Thiền sư tỏa sáng trong một hình hài khác phàm. Đối với đoàn người như gặp được một điều gì rất linh thiêng, họ xem Thiền sư như một vị Phật, vị Bồ Tát. Có cái gì đó thu hút họ như nam châm. Họ ở lại kề cận bên sư, cùng sư trò chuyện, không muốn đi đâu nữa chỉ để ngồi nghe sư thuyết pháp về đời sống tâm linh tu hành đạt đạo giải thoát. Nhưng chiều tối đoàn người phải trở về vì nơi đây rất nhiều cọp, thú dữ. Cọp dưới đồng ruộng sau khi ăn uống no nê tối thường lại về núi, ngày lại xuống núi. Một câu hỏi đặt ra, sao cọp không ăn thịt vị Thiền sư? Thiền sư khi công đức tu hành đắc đạo, bằng cái tâm từ bi vĩ đại phát ra oai lực lớn, phước đức lớn, không những bị chúng ăn thịt mà trái lại có thể cảm hóa cọp rắn beo phủ phục dưới chân mình.

Khi đoàn đốn củi xuống núi, trở về làng mạc, họ truyền miệng phát họa về một vị tu sĩ như một vị Phật, vị Bồ Tát linh thiêng để rồi dần dần một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn…cứ thế dân làng tò mò lũ lượt lên núi đảnh lễ vị Thiền sư, nghe sư giảng Pháp.

Số lượng người càng ngày càng đông. Giòng nước trong vắt khám phá hôm nào trên con đường mòn khúc khuỷu vừa cheo leo vừa hiểm trở dẫn lên núi cũng theo đó càng ngày càng vơi không đủ cung cấp cho dân làng. Sự khó khăn vất vả đưa nước dưới đồng ruộng lên núi đã là nguyên do để Thiền sư phát nguyện đào giếng.

Một ngày đẹp trời nọ, khi mà vầng dương đang tỏa xuống vạn vật những tia nắng ấm, chiếu xen qua kẽ lá như phóng hào quang. Bầu trời xanh biếc, mây trắng lững lờ trôi. Trong rừng, chim muông líu lo cất tiếng hót thường nhật, vài con tắc kè nằm trong những bọng cây cũng cất tiếng kêu tắc kè…tắc kè…, kỳ nhông kỳ đà thỉnh thoảng cũng trườn mình xuất hiện góp phần vào khung cảnh thiên nhiên, vượn hú từ xa vọng lại cũng tạo nên một âm thanh vô cùng sôi động, Thiền sư bắt tay đào giếng. Khi đào được 10 mét, tự nhiên xuất hiện một tăng trẻ ở đâu không ai rõ, đầu đội nón, vai đeo túi nải đến xin Thiền sư tá túc ở lại làm công quả giúp Thiền sư đào giếng.

Hai thầy trò miệt mài đào mãi ngày này qua tháng khác, đã sâu tới 24 mét, nước đâu không thấy mà dưới đáy chỉ xuất hiện toàn tảng đá bàng, rất dày, càng đào cũng chỉ là đá bàng, từng khối cứng ngắc. Biết dã tràng xe cát biển Đông, Thiền sư vô cùng thất vọng, bỏ cuộc. Thiền sư trở về thảo am chú nguyện 7 ngày 7 đêm. Đêm thứ 7 mơ màng thấy có một vị Bồ Tát xuất hiện nói sư nên đào giếng phía Tây Bắc, đào chừng 8 mét khi thấy một cái hườm (cái hóc lõm vào), đó là dấu hiệu chọn đúng nơi đào giếng, sẽ có nguồn nước. Mừng quá, sáng dậy, sư kể cho vị tăng trẻ nghe giấc chiêm bao vừa qua, rồi cứ thế hai thầy trò bắt đầu thực hiện. Đúng như giấc chiêm bao, chỉ đào đúng 8 mét thì phát hiện cái hườm. Biết là đã tìm thấy đúng chỗ, sư nói tăng trẻ đi lên để sư xuống đóng một cái cọc làm dấu. Cái cọc đó nối trên miệng giếng với một cây cọc nữa bằng sợi dây rừng. Cây cọc bên trên gắn một cái chuông để khi lắc dây rừng sẽ phát ra tiếng chuông báo động. Còn trục gỗ sẽ đưa cát lên. Thiền sư dặn đệ tử khi nào có nước rung cái dây cho biết, đồng thời đứng trên bệ xúc cát để Thiền sư kéo lên. Khi tăng trẻ đào được 21 mét, Thiền sư đứng trên bờ theo dõi, đợi mãi chưa thấy động tịnh gì, mệt mỏi, Thiền sư ra ngoài nghỉ xả hơi, chỉ một lát trở lại nhìn xuống giếng đã thấy nước mênh mông lai láng. Mừng quá, Thiền sư kéo nước lên, uống vài ngụm mát rượi, quên mất dưới đáy giếng còn sót vị tăng trẻ. Thiền sư cho người xuống kiếm, thì chẳng thấy đâu. Quá đổi ngạc nhiên, Thiền sư nghĩ đây là do Chư thiên cử “Thần„ đến giúp sư đào giếng. Vì vậy, khi nước đào thấy thì…Thần cũng biến mất, không còn nghe tăm hơi gì nữa cả. Câu chuyện kỳ lạ, tiếng đồn vang khắp vùng lan truyền đến cả triều đình đời vua Lê Dụ Tông. Chúa Nguyễn Phúc Chu, người rất mộ đạo Phật thỉnh Thiền sư về cung rồi sắc phong cho nơi này là Sắc Tứ Thiên Ấn Tự (xem hình Chùa này).

Chua_Thien_An_Quang_Ngai (4)
Từ đó, Thiền sư về lại núi rồi vào Bình Định cùng với Thiền sư Nguyên Thiều khuyến tấn sơn môn mở rộng đạo tràng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và muôn ngàn dâu bể phế hưng, từ lớp lớp đến lớp lớp, sư tổ đã để lại nơi đây nhiều kỷ vật thân yêu là cái giếng thần và thảo am ngày xưa chính là ngôi đại tự bây giờ.

Am xưa giếng cũ vẫn còn đây

Dấu tích sư tổ về núi Hó.

Một giòng nước mát giữa trời mây.

Tiếng mõ am xưa sư thiền định

Chim rừng buông cánh rủ nghe kinh.

Vượn từng đàn, hang chật cửa

Muôn vật từ bi cõi nhân sinh.

Mênh mông u tịch rừng hoang vắng.

Hang sâu vượn hú chẳng sớm hôm.

Gieng_Than_Chua_Thien_An

Ngày nay, ngôi đại tự đã được bao người, Tăng Ni Phật tử trong cũng như ngoài nước góp công sức trùng tu thêm bảo tháp 9 tầng và trong khuôn viên chùa tạo lập vườn Lâm Tỳ Ni để kỷ niệm nơi Đức Phật Đản sanh, cùng nhiều tôn tượng Phật lớn nhỏ; rải rác còn có những chiếc ghế đá cho Phật tử viếng chùa nghỉ chân….đặc biệt nữa là cái giếng thần được tô điểm bằng một vòng rào làm từ gạch đỏ có chiếc cổng nhỏ vòng cung trông vô cùng mỹ thuật. Rồi khi mọi người cầm ly nước tại chùa Thiên Ấn uống đều không quên rằng:

Có thầy đào giếng trên non.

Đến khi có nước không còn tăm hơi.

Trần Thị Nhật Hưng

2014

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2010(Xem: 7080)
Tiếng Phạn sthùpa, tiếng Pàli thùpa, dịch âm là tốt đổ ba, tô thâu bà; lược dịch là tháp bà, Phật đồ, phù đồ; dịch ý là chỗ cao ráo, nơi hội tụ công đức, ngôi mộ lớn...
28/08/2010(Xem: 4807)
Viên Quanglà một trong nhiều Phật học viện ở Taiwan, cơ sở được xây dựng khá qui mô trên diện tích gần 10 mẫu, ở vùng Trung Lịch gần phi trường Trung Chánh quốc tế, cách Đài Bắc 1 giờ lái xe. Viện này được hình thành cách đây gần 50 năm, không biết bao nhiêu Tăng Ni và cả những người cư sĩ xuất thân từ Phật học viện này...
13/08/2010(Xem: 2878)
Đạo Phật là tôn giáo đầu tiên vượt thoát ra khỏi giới hạn tự chiêm nghiệm và đặt định của con người để vươn tới cõi bao la vô cùng, vô tận của thế giới tâm linh. Giới hạn tận cùng của các tôn giáo là một đấng Sáng Tạo toàn năng. Đời sống tâm linh của dân gian có phong phú đến mấy thì cuối cùng cũng gặp Ông Trời là hết. Sự minh triết tôn giáo có cao rộng đến mức nào thì gặp sự hiện hữu của Thượng Đế cũng chỉ còn là sự mặc khải giao phó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]