THÁI LAN-MÃ LAI: Hai ngôi chùa được làm từ chai thủy tinh tái chế
Hai ngôi chùa ở Thái Lan và Mã Lai được làm hoàn toàn bằng chai thủy tinh, và do tính thẩm mỹ độc đáo của chúng, đã trở thành các điểm du lịch nổi tiếng và là khuôn mẫu đặc biệt về tái chế chất thải:
Chùa Pa Maha Chadi Kaew (còn gọi là Wat Lan Kuad – Chùa Triệu Chai) ở tỉnh Sisaket của Thái Lan là ngôi chùa đầu tiên dùng chai thủy tinh làm vật liệu xây dựng chính. Đến nay chư tăng tại đây đã dùng hơn 1.5 triệu chai bia tái chế để xây 20 tòa nhà tạo thành khu phức hợp này.
Chùa Charok Padang ở bang Kedah, Mã Lai, lấy cảm hứng từ chùa Pa Maha Chadi Kaew, đã xây những cấu trúc chính của bản tự bằng chai và xi măng.
Sự khác nhau chính giữa 2 chùa nói trên là ở chỗ các tu sĩ ở chùa Charok Padang chỉ dùng những chai thủy tinh từ đồ uống không cồn.
(Buddhistdoor Global – August 1, 2017)
NHẬT BẢN: 12 nhà sư xuống hồ Biwa như một phần của nghi lễ Phật giáo hàng năm
Ngày 1-8-2017, 12 nhà sư đã nhảy từ cây đà cao 7 mét xuống hồ Biwa như một phần của nghi lễ Phật giáo hàng năm.
Diễn ra tại khuôn viên chùa Isakiji ở thành phố Omihachiman, tỉnh Shiga, nghi thức khổ hạnh này gồm việc các nhà sư từng người một nhảy xuống hồ, với hy vọng rằng hành động “liều thân”ném mình của họ xuống nước sẽ tạo nên ước nguyện của những người khác.
Nghi thức này tương truyền bắt đầu vào thời Heian, với lịch sử kéo dài 1,200 năm. Tại sự kiện của năm nay, khoảng 200 tín đồ từ chánh điện bên trên cây đà đã nhìn xuống để theo dõi các nhà sư nhảy xuống hồ.
(Mainichi – August 2, 2017)
ẤN ĐỘ: 2 vị thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản sẽ dự lễ hội Phật giáo Quốc tế và viếng các di tích Phật giáo tại Gujarat
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinto Abe sẽ có mặt tại Gujarat trong 3 ngày kể từ ngày 13-9-2017.
Hai vị thủ tướng sẽ khai mạc Lễ hội Phật giáo Quốc tế và tham gia một loạt các cuộc họp quan trọng để cải thiện quan hệ giữa 2 nước. Họ cũng sẽ viếng các di tích Phật giáo được khai quật gần đây tại thị trấn Vadnagar – sinh quán của ông Modi. Trước đó, 2 ông sẽ chủ trì lễ đặt viên đá đầu tiên của dự án tàu cao tốc viên đạn Ahmedabad-Mumbai.
Trong chuyến thăm lần trước, thủ tướng Abe đã đề nghị cung cấp 12 tỉ usd cho các khoản vay mềm để xây dựng tàu cao tốc đầu tiên của Ấn Độ. Đối với chuyến đi lần này, 2 ông Modi và Abe sẽ tham gia lễ khánh thành khu công nghiệp Nhật Bản I và II. Có 15-20 công ty lớn, vừa và nhỏ của Nhật quan tâm đến việc đầu tư tại Gujarat.
(TNN – August 2, 2017)
BOTSWANA: Tượng Phật bị đánh cắp từ chùa của Botswana trước chuyến thăm của Đức Đạt lai Lạt ma
Một tượng Phật bằng đồng cao 5 feet đã bị đánh cắp từ một chùa ở thủ đô Gaborone của Botswana, trước chuyến thăm gây tranh cãi của vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng - Đạt lai Lạt ma. Pho tượng trị giá 24,000 usd này đã được Thái Lan tặng vào năm 1996 và do 10 nhà sư khai quang điểm nhãn.
Chủ tịch Darhsini De Silva của Hiệp hội Phật giáo Botswana cho biết pho tượng bị đánh cắp vào ngày 9-7-2017.
Vụ trộm xảy ra vài tuần trước chuyến thăm đầu tiên của Đức Đạt lai Lạt ma đến đất nước Botswana và châu Phi để phát biểu tại một hội nghị về nhân quyền, diễn ra tại Gaborone từ 17 đến 19-8-2017.
Trung Quốc đã cảnh báo Botswana về việc mời đón vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong dự hội nghị nói trên.
(africannews.com – August 3, 2017)
MIẾN ĐIỆN: Đối thoại liên tôn giáo về hòa bình, hòa hợp và an ninh thế giới tại Học viện Phật giáo Quốc tế Sitagu
Một đối thoại liên tôn giáo về hòa bình, hòa hợp và an ninh thế giới đã được tổ chức tại Học viện Phật giáo Quốc tế Sitagu từ ngày 5 đến 6-7-2017.
Đối thoại diễn ra tại Dagon Myothit (Bắc) ở Yangon, được Bộ Tôn giáo và Văn hóa Miến Điện triệu tập, với sự hỗ trợ của quỹ Nhật Bản, quỹ Ấn Độ Vivekananda và Học viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Miến Điện.
Sư trưởng viện Sitagu nhấn mạnh rằng những người tham dự đối thoại mặc dù khác nhau về tôn giáo, văn hóa và thành phần xã hội nhưng có chung một mục tiêu là hòa bình, ổn định và an ninh của thế giới loài người; và rằng thế giới hiện đại không có hòa bình, an ninh và ổn định là do những xung đột chính trị, sắc tộc và tôn giáo khác nhau.
Sự kiện này có sự tham dự của 135 lãnh đạo tôn giáo và học giả từ 32 nước, và 120 lãnh đạo tôn giáo và học giả từ Miến Điện.
(Mizzima – August 7, 2017)
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới