TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
( TUẦN THỨ 2 THÁNG 5, 2015)
Diệu Âm lược dịch
HÀN QUỐC: Lễ hội Phật giáo Yeondeunghoe dành cho mọi người
Lễ hội Đèn lồng Hoa sen, hay là Yeondeunghoe, sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17-5-2015 , bao gồm một lễ rước đèn lồng và các sự kiện văn hóa truyền thống để mừng Ngày Phật Đản, năm nay nhằm ngày 25-5.
Không giống như hầu hết các lễ hội có mục đích thương mại, Lễ hội Đèn lồng Hoa sen hướng đến ý nghĩa chia sẻ cùng nhau.
Những đèn lồng thắp sáng trong lễ hội sẽ được tặng miễn phí cho những người tham gia. Người đi xem lễ hội cũng có thể học miễn phí cách làm những bông hoa nhân tạo.
Người dân được thưởng lãm các cuộc trình diễn như là Aoulim Madang, với những người tham gia mặc trang phục truyền thống Hàn quốc tập trung lại vào ngày thứ hai của lễ hội, và chiêm ngưỡng lễ Rước Đèn lồng, với 100,000 đèn lồng hoa sen tỏa sáng.
Trong thực tế, Lễ hội Đèn lồng hoa sen cung cấp những dịch vụ đặc biệt dành riêng cho người nước ngoài, làm cho sự kiện này đến được với mọi người, không phân biệt tôn giáo hay quốc tịch.
Ngoài ra, một số chương trình lễ hội tạo cơ hội cho du khách và cư dân ngoại quốc được tìm hiểu về văn hóa Hàn quốc. Trong số đó có Sự kiện Văn hóa Truyền thống mà người tham gia có thể ngắm hàng trăm đèn lồng trưng bày trước Chùa Jogye (Seoul) và chơi các trò chơi dân gian truyền thống Hàn quốc.
(Korea Joongang Daily – May 9, 2015)
Hình ảnh Lễ hội Đèn lồng Hoa sen ở Hàn quốc năm 2014:
ĐỨC: Hội thảo về Ngày Phật Đản tại Berlin
Đại sứ quán Tích Lan phối hợp với Bảo tàng Nghệ thuật Á châu của Bảo tàng Nhà nước Đức tại Bá Linh cùng với cộng đồng Tích Lan đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Phật Đản vào ngày 6-5-2015.
Giáo sư Tiến sĩ Klaas Ruitanbeek, Giám đốc Bảo tàng Á châu đã chào đón những người tham gia và giải thích tầm quan trọng và sự liên quan của sự kiện này đối với Bảo tàng Á châu, nơi trưng bày nhiều hiện vật Phật giáo trong triển lãm thường trực của mình.
Các diễn giả bao gồm Giáo sư Eli Franco (từ trường Đại học Leipzig), Dharmachari Amogharatna (chủ tịch tổ chức Phật giáo Buddhistches Tor ở Berlin) và Bà Sylvia Wetzel (chủ bút tạp chí Phật giáo Đức “Lotusblatter”) đã lần lượt thuyết trình về “Chương trình giảng dạy triết học của các trường Đại học Tu viện Phật giáo vào thời Trung cổ”, giới thiệu về lời giáo huấn của Đức Phật, và thuyết trình về giáo lý nhà Phật ứng dụng được ra sao trong cuộc sống hiện đại.
Trong phần kết luận, Đại sứ Tích Lan tại Đức Karunatilaka Amunugama phát biểu rằng Đại sứ quán đồng tổ chức sự kiện này để tạo cơ hội cho Phật tử và những người không định kiến tại Đức tìm hiểu những khía cạnh triết học Phật giáo và lời dạy của Đức Phật, và Đại sư quán muốn đảm nhận vai trò hướng dẫn để tổ chức những cuộc thảo luận trí tuệ tương tự trong tương lai.
(Asiantribune.com – May 9, 2015)
ÚC: Khánh thành giảng đường mới của Tu viện Đức Phật Giác ngộ
Vào ngày 26-4-2015, Tu viện Đức Phật Giác ngộ (BBM) ở Warburton East (phía đông Melbourne) đã khánh thành Chơn Luân Đường mới hoàn thành, với một buổi lễ và việc tôn trí xá lợi Đức Phật vào bên trong pho tượng chính. Buổi lễ được chủ trì bởi Hòa thượng Phra Thep Pariyattimangala đến từ Thái Lan.
BBM đã tổ chức khóa tu 2-ngày cho sự kiện này, bắt đầu vào tối ngày 24-4. Và trong buổi lễ chính (26-4) Hòa thượng Phra Thep Pariyattimangala đã có bài Pháp giảng rất chi tiết, sau đó là nghi thức đi vòng quanh pho tượng Phật.
BBM được thành lập vào năm 2001, là một Trung tâm Phật giáo Nguyên thủy theo truyền thống Lâm Thái (Thai Forest tradition). Mục đích của BBM là cung cấp nơi cho các ứng viên tu học để được thọ giới tăng sĩ và để phụng sự cho tín đồ. Tại đây luôn có đến 15 tăng sĩ, và theo định kỳ thì có những đợt tập trung với hơn 300 người tham dự.
(Buddhist Door – May 11, 2015)
ẤN ĐỘ: Đức Đạt lai Lạt ma thuyết pháp 4 ngày tại tu viện Gyuto
Dharamsala, Ấn Độ: Đức Đạt lai Lạt ma đã bắt đầu 4 ngày thuyết pháp của ngài vào ngày 10-5-2015 tại tu viện Gyuto ở Dharamsala.
Đức Đạt lai Lạt ma đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò một Phật tử thế kỷ 21 là không chỉ tin theo Đức Phật dựa trên cơ sở tín ngưỡng, mà thay vì thế phải nghiên cứu và phân tích giáo lý nhà Phật.
Vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sẽ tròn 80 tuổi vào tháng 7 này nói rằng các truyền thống Phật giáo Tây Tạng gồm Sakya, Nyingma, Gelug, Kagyu và Jhonang có nền tảng theo truyền thống Nalanda, và rằng tất cả các truyền thống cần phải chia sẻ và trao đổi quan niệm và ý kiến với nhau.
Ngài cũng lưu ý rằng điều quan trọng là phải khách quan khi chúng ta nghiên cứu các văn bản và thực hiện việc nghiên cứu giáo lý.
Đức Đạt lai Lạt ma nói thêm rằng không giống như người Tây Tạng ở Tây Tạng - nơi cơ sở vật chất tương đối nghèo hơn, người Tây Tạng lưu vong vốn may mắn có nhiều cơ sở hơn thì nên dùng cơ hội này để nghiên cứu lời dạy của Đức Phật.
(NewsNow – May 11, 2015)
NEPAL: Chư tăng Phật phái Bon tham gia công tác cứu trợ nạn nhân trận động đất
Trong khi nhiều tổ chức phi chính phủ và tăng sĩ của các tu viện Tây Tạng đã được công nhận về nỗ lực cứu trợ của mình trong trận động đất tại Nepal, công tác của các nhà sư từ Tu viện Bon Triten Norbutse của Nepal cũng rất đáng ghi nhận.
Chư tăng Tu viện Bon Triten Norbutse đã cầu nguyện và cử hành các nghi lễ cuối cùng cho các nạn nhân của trận động đất. Tu viện này cũng đã tổ chức một phòng khám y học tây phương và truyền thống Tây Tạng miễn phí cho hàng nghìn người Nepal và Tây Tạng địa phương sau động đất.
Các nhà sư này cũng cung cấp thực phẩm, khẩu phần ăn, chỗ ở và hỗ trợ y tế cho những người sống sót. Trong nhiều hình ảnh về công tác cứu trợ đăng trên mạng xã hội, người ta có thể nhìn thấy những nhà sư Phật phái Bon mặc áo khoác xanh đang tham gia công tác cứu trợ.
Tu viện Bon Triten Norbutse có trụ sở tại Swayambhu đã bị một số vết nứt trên tòa nhà tu viện của mình, nhưng tất cả tăng sĩ từ nơi này đều được an toàn và hiện đang ngủ ngoài trời.
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới