Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 11

10/08/201621:43(Xem: 3470)
Bài 11

KINH PHỔ MÔN

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

KINH VĂN 10:

KỆ, QUÁN THẾ ÂM

CỨU KHỔ 10 PHƯƠNG

 

17.Chúng sanh bị khổ ách,

Vô lượng khổ bức thân,
Quán-Âm sức trí diệu,
Hay cứu khổ thế gian.
18. Đầy đủ sức thần thông,
Rộng tu trí phương tiện,
Các cõi nước mười phương,
Không cõi nào chẳng hiện.
19.Các loài trong đường dữ:
Địa-ngục, quỉ, súc sanh,
Sanh, già, bịnh, chết khổ,
Lần đều khiến dứt hết.
20.Chơn-quán thanh tịnh quán,
Trí-huệ quán rộng lớn,
Bi-quán và từ-quán,
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.
21.Sáng thanh tịnh không nhơ,
Tuệ nhật phá các tối,
Hay phục tai khói lửa,
Khắp soi sáng thế gian.

22.Lòng bi răn như sấm,
Ý tứ diệu dường mây,
Xối mưa pháp cam lồ,
Dứt trừ lửa phiền não.
23.Cãi kiện qua chỗ quan,
Trong quân trận sợ sệt,
Do sức niệm Quán-Âm,

Cừu oán đều lui tan.

 

GIẢI NGHĨA:

17. Chúng sanh bị khổ ách,

Vô lượng khổ bức thân,
Quán-Âm sức trí diệu,
Hay cứu khổ thế gian.

 

“Chúng sanh bị khổ ách, Vô lượng khổ bức thân”, có nghĩa là thân của hết thảy chúng sinh bị vô lượng khổ bức bách, bị khổ não vô cùng tận từ vô thủy đến vô chung; nếu biết dùng quán sát những sự gây ra khổ. Tức quán chiếu nội tâm mình về những gì là sai quấy là nguyên nhân của khổ, để rồi xa lià rời bỏ đoạn dứt những nguyên nhân ấy, thì sẽ đạt trí tuệ, có trí tuệ thì sẽ giải thoát khỏi khổ.

 

     Bởi vậy cho nên Đức Phật nói: “Quán-Âm sức trí diệu, hay cứu khổ thế gian” là ở điểm tu hành theo phương pháp tu Phản văn văn tự tánh của Ngài Quán Thế Âm; chứ chẳng phải chúng sinh bị vô lượng khổ bức bách, rồi cầu Quán Âm để Ngài đến cứu nạn đâu mà lầm lẫn to lớn. Vì trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn đã nói: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”, tức là tự tu, chứ chẳng phải cầu xin, và “Thắp lên với chính Pháp”, chứ chẳng phải thắp lên với tà pháp, vì sự cầu xin ban ơn đó không phải là chính pháp mà là tà pháp vậy.


18. Đầy đủ sức thần thông,
Rộng tu trí phương tiện,
Các cõi nước mười phương,
Không cõi nào chẳng hiện.


Bốn câu kệ thứ 18 có nghĩa là tu theo pháp môn của Quán Thế Âm thì khi hành trì tiến tới một mức nào đó sẽ có trí tuệ và sức thần thông có thể hiện diện khắp các cõi nước trong mười phương. Như đã giải thích ở trên, khi tu hành chính pháp kiên cố lâu bền thì sẽ đạt Ý Sinh Thân nên có thể biến hóa theo ý muốn, ý đi đâu thì thân theo đó.


19. Các loài trong đường dữ,

Địa-ngục quỉ súc sanh,

Sinh già bịnh chết khổ,

Lần đều khiến dứt hết:

 

Bốn câu kệ thứ 19 có nghĩa là khi đã đầy đủ trí tuệ và sức thần thông biến hiện khắp các cõi nước để làm Phật sự. Tức là đi giáo hóa chúng sinh muôn loài từ Địa ngục, Ngã qủy, Súc sinh, dần dầntiến lên cõi Người, Thần Trời, cho tới thoát khỏi luân hồi sinh già bệnh chết khổ não.

 

Chứ chẳng phải đi làm phù phép cứu giúp tai nạn đâu, vì làm như vậy là chống lại luật nhân qủa nghiệp báo, một luật công bằng bình đẳng vô tư tuyệt đối trong vũ trụ thiên nhiên. Không một quyền lực nào phá bỏ được nghiệp báo, ngoại trừ chính chúng sanh gây ra nghiệp xấu ác tự sửa lấy bằng cách tạo ra nghiệp tốt lành để cân bằng làm yếu đi nghiệp xấu ác đã gây ra.


20. Chân-quán thanh tịnh quán,

Trí-huệ quán rộng lớn,

Bi-quán và từ-quán,

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

 

21.Sáng thanh tịnh không nhơ,
Tuệ nhật phá các tối,
Hay phục tai khói lửa,
Khắp soi sáng thế gian.

 

Tám câu kệ thứ 20 và 21 đại ý là:

Chân quán là quán sát để thấy những sự việc trong vạn pháp một cách chân thật như nó là, không bị dẫn dắt dính mắc bởi sự thấy sai lầm (Kiến), nghe sai lầm (Văn), cảm giác sai lầm (Giác) hiểu biết sai lầm (Tri).

Tóm lại, Chân Quán là để phá “vọng” lập “chân”, trước tiên phải xoay cái nghe về “tự tính”, sau đóthoát lià âm thanh; chỗ nghe (Sở nghe) đã tiêu, thì sự nghe (Năng nghe) cũng hết. Nên hai cái “động, tịnh” chẳng có chẳng sinh, do đó sự dụng các căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) dung thông lẫn nhau, gọi là nhĩ căn viên thông, cũng gọi là “Phản văn văn tự tính”.

Thanh tịnh quán là khi đã biết quán sát rồi thì xa lià rời bỏ, đoạn dứt tất cả những dính mắc lôi kéo của những sai lầm của thấy, nghe, cảm, biết(kiến, văn, giác, tri), dần dần đưa đến tâm định tĩnh, tâm định tĩnh sẽ dẫn đến thanh tịnh.

Tóm lại, Thanh Tịnh Quán là dùng sự thanh tịnh để đối trị sự nhiễm ô của sự nghe và nơi phát xuất ra tiếng (đối trị năng sở), sự nghe và nơi phát ra tiếng không còn (năng sở hết) cũng chẳng trụ nơi hết, luôn cả sự biết về sự chẳng trụ cũng không.

Trí huệ quán là trong thanh tịnh, chúng ta quán sát từng vấn đề sự vật trong vạn pháp thì sẽ thấy được đúng như thật không hư dối. 

Quán Từ là quán sát để làm sao tạo lòng mến thương, gây cái vui cho người, tạo cho chúng sanh cái vui chân thật; nỗi khổ sân hận giận thù của chúng sanh vô lượng, nên lòng từ cũng phải vô lượng. Quán Từ để thấy cách tạo cái mầm chân thật, hầu dẫn dắt chúng sinh làm các việc lành tránh làm các việc ác và tu hành cho đến khi thành hiện thực được giải thoát.

Tóm lại, Quán Từ là quan sát độ cho chúng sinh được vui mà chẳng có “sức làm độ” (năng độ), gọi là “Vô Duyên Từ”.

Quán Bi là thương xót, là động lực rung động của tâm trước sự đau khổ của người khác, vì thương xót nên tìm cách xoa dịu, muốn giúp người thoát khỏi cảnh khổ, tức là phá cái hung bạo sợ hãi để chúng sanh được yên vui an ổn.

Các vị Bồ Tát có lòng Đại Bi độ khắp chúng sinh, nên các Ngài thường vào các loài, sống như mọi loài để giáo hóa chúng sinh sửa bỏ tính xấu, làm việc lành.

Tóm lại, Quán Bi là quan sát độ cho chúng sanh lià khổ mà chẳng có nơi độ, chẳng có người được độ (sở độ), gọi là “Đồng thể Bi”.

Thường xuyên nguyện hành trì tinh tấnkhông lười mỏi, luôn luôn quán chiếu việc làm lợi ích, sẽ đưa đến sáng sủa thanh tịnh không bợn nhơ (Sáng thanh tịnh không nhơ). Như mặt trời soi sáng khắp không trung (Khắp soi sáng thế gian), phá tối tăm (Phá các tối), làm sạch sẽ các tham sân si (phục tai khói lửa) đạt tâm giải thoát.

22. Lòng bi răn như sấm,
Ý từ diệu dường mây,
Xối mưa pháp cam lồ,
Dứt trừ lửa phiền não
.

Lòng bi răn như sấm:Câu kệ này ý nói là dolòng muốn cứu chúng sinh khỏi khổ, nên răn bảo dạy dỗ chúng sinh trừ bỏ xa lià các việc ác độc hại, sẽ có công năng to lớn ví như sấm nổ vang động làm các loài qủy mị khiếp viá phải sợ hãi tránh xa.

 

Ý từ diệu dường mây: Ý t là ý muốn cho chúng sinh được sự vui vẻ thoải mái, nên thường đem sự lợi lạc cho chúng sanh ví như mây che mưa rưới thấm nhuần khắp, khiến cỏ cây và muôn vật đều được hưởng lợi lạc vậy.

 

Xối mưa pháp cam lồ, dứt trừ lửa phiền não: Hai câu kệ này nói lên những lời dạy bảo qúy hóa ví như được uống nước cam lộ, uống vào thì thật là khoan khoái khỏe khoắn cho thân tâm, vì người được nghe lời giáo hóa rồi theo đó tu hành tinh tấnthì sẽcó công năng diệt trừ sân giận (lửa) buồn phiền và đau khổ.


23. Cãi kiện qua chỗ quan,
Trong quân trận sợ sệt,
Do sức niệm Quán-Âm,

Cừu oán đều lui tan.

 

Bốn câu kệ thứ 23 này đại ý nói những việc thưa kiện tranh cãi chỗ quan tòa xét xử gây sợ hãi vì sợ bị tù đày, hoặc ở trong quân ngũ ngoài mặt trận đầy nguy hiểm tính mạng khiến sợ chết chóc. Ở đây là biểu trưng của tính Xiểm (māyā): giả dối; tính Cuống (śāṭhya): gian lừa, đều là do tham lam chấp cái Ngã cái ta nặng nề mà ra cả.

 

Nếu quán sát các tính ấy thấy chúng chẳng phải là ta, chẳng phải của ta thì sẽ dứt bỏ các tính xấu ấy một cách dễ dàng. Muốn được vậy, hãy quán thân gồm Đất Nước Gió Lửa, đất thuộc về đất, nước thuộc về nước, gió thuộc về gió, lửa thuộc về lửa, chẳng có thứ nào là ta.

 

     Quán tâm gồm Thọ Tưởng Hành Thức, bốn thứ này luôn luôn thay đổi không cố định nên chẳng phải là ta, vì nếu là ta thì nó phải không thay đổi, phải thường hằng bất biến, do đó chẳng có cái nào là ta cả. Khi không còn chấp chặt cái ta nữa thì việc sinh ra giả dối, lừa đảo sẽ không còn nữa, như vậy chẳng khác gì chỗ quan tòa hay ngoài quân trận cừu oán đều lui tan vậy.

 

     Chẳng phải như người làm những việc phạm pháp, bị bắt qủa tang chứng cớ rõ ràng, bị quan tòa xét xử, hoặc người chiến binh ở ngoài trận mạc đối đầu với địch mạnh mẽ, hai bên bắt đầu giao chiến quyết liều chết để thắng. Cả hai trường hợp này, người phạm pháp hoặc người chiến binh dùng cách cầu nguyện van xin Quan Thế Âm hay vị Thần linh phù hộ để khỏi bị tù đày hay khỏi bị thương bịchết, thì đây là làm chuyện viển vông cầu may, không phải là người hiểu biết vậy.

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]