Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 1: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa

02/09/201517:46(Xem: 5012)
Bài 1: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa


KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

--- o ---

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

     Nhiều người đọc Kinh Dược Sư hiểu sai ý của Phật Thích Ca muốn nói, hiểu sai nên đã đưa vào đường mê tín mà không biết, vì ở phần đầu của kinh Dược Sư, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi: "Hay thay! Hay thay! Mạn Thù Sư Lợi! Ông lấy lòng đại bi yêu cầu Ta nói những bản nguyện công đức của chư Phật là vì muốn cho chúng hữu tình khỏi bị nghiệp chướng ràng buộc, lợi ích an vui, trong đời tượng pháp về sau; nay ông nên lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói".

     Đức Phật tuy bảo Bồ Tát “lắng nghe” và “suy nghĩ kỹ”, nhưng thực ra Ngài bảo tất cả Phật tử khi đọc Kinh này phải chú ý đọc rồi suy nghĩ cho kỹ; vì Bồ tát Văn Thù là bậc trí tuệ đẳng giác, đâu còn những nghiệp chướng ràng buộc, đâu còn những khổ nạn như chúng ta nữa, mà chính chúng ta là những người Đức Phật nhắm giáo hóa.

      Bởi vậy, chúng tôi cố gắng tìm hiểu ý của Phật muốn chỉ để giải thích và viết ra, hy vọng rằng những sự giải nghĩa của chúng tôi được đầy đủ ý mà Đức Phật muốn nói, và người đọc ghi nhớ để thực hành đúng nghĩa Đức Phật dạy, thì kết qủa sẽ được tốt đẹp.

     Để sự giải nghĩa được rõ ràng mạch lạc, và sự theo dõi của độc giả được dễ dàng, chúng tôi xin chia Kinh này ra làm 37 đoạn, mỗi đoạn là một Kinh Văn có tên theo nội dung của đoạn Kinh. Sau chót, mặc dù cố gắng trong việc giải thích và trình bày, nhưng còn có khiếm khuyết, xin qúy vị Thiện Tri Thức chỉ cho, tác giả xin chân thành đa tạ vô cùng.

GIẢI NGHĨA ĐỀ KINH:

 Để dễ hiểu, chúng ta phân biệt dùng chữ nghiêng đậm là lời Kinh, chữ thẳng thường để giải thích, chúng ta cùng theo dõi sau đây:

ĐỀ KINH:

 

Kinh (1) Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (2) Bản Nguyện (3) Công Đức (4)

GIẢI NGHĨA:

(1) Kinh: Kinh là các đường chỉ dọc của vải làm chuẩn cho tấm vảitức là pháp không đổi thay, luôn luôn nó như vậy; Phật nay giảng như thế này, Phật quá khứ cũng đã giảng như thế, Phật trong tương lai cũng giảng như vậy, không bao giờ thay đổi gọi là Kinh.

 

(2) Như Lai:

Như là Pháp Tánh tức Thật Tướng, là không hai, không khác, không biến, không động; Chân Diện Mục của vạn pháp đều đồng một tướng, cho nên gọi là “Như”.

Lai là căn nguyên, có nghĩa lúc ban đầu (như từ vô thủy đến nay) chưa có vật gì. Nhiếp Đại Thừa Luận nói: Tự Tính thanh tịnh có nghĩa là Tự Tính bản lai trong sạch, tức là Tự Tính chân như. Kinh Pháp Hoa nói: Các pháp từ bản lai, tự tướng thường vắng lặng.

Như Lai là một trong mười danh hiệu của tất cả Chư Phật, Như Lai nghĩa là chẳng phải từ đâu đến, mà cũng chẳng đi về đâu, biểu tượng cho Pháp Thân thường trú của Phật. Khi Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài thường dùng danh từ Như Lai để xưng cho mình khi thuyết pháp, đó cũng là một phong cách biểu lộ sự trung thực bản lai của Ngài vậy.

 

(3) Bản Nguyện: Là các lời phát nguyện trong khi đang tu trước khi thành Phật.

 

(4) Công Đức: Chữ “Công” là việc chung, không có tư tâm, chỉ những gì được tạo lập ở bên ngoài như bố thí cúng dường, xây chùa đắp tượng Phật. Chữ “Đức” là điều thiện, là đạo lý làm người, chỉ về sự tình ở trong nội tâm như tu hành, giữ giới; ngoài không dối người trong không dối mình, ngoài biết thẹn (tàm) với người, trong biết hổ (qúi) với mình. Công Đức là có công lao và đạo đức đối với người, là đạo đức đối với xã hội.

 

     Đề Kinh này nói đến những thệ nguyện về các công đức cứu độ chúng sinh của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Phật khi Ngài còn đang tu hạnh Bồ Tát trước khi thành Phật. Đây là một hạnh nguyện rộng lớn mà người Phật tử cần nghiên cứu học hỏi và hành trì để tiến tới giải thoát hầu đền ơn Phật hằng mong mỏi tất cả chúng sinh giải quyết cho xong vấn đề sinh tử khổ ải trầm luân.

 

GIẢI NGHĨA KINH VĂN:

 

KINH VĂN 1:

NHÂN DUYÊN NÓI KINH

 

Tôi nghe như vầy (1): Một thuở nọ, Đức Bạc Già Phạm (2) đi du hóa (3) các nước, đến thành Quảng Nghiêm. dừng nghĩ dưới cây Âm Nhạc cùng với tám ngàn vị Đại Tỳ Kheo (4), ba vạn sáu ngàn vị Đại Bồ Tát (5), các hàng Quốc Vương, Đại Thần, Bà La Môn (6), các hàng Cư Sĩ, Thiên Long Bát Bộ (7) cùng nhân, phi nhân, cả thảy đại chúng nhiều vô số, đồng vây quanh Phật cung kính thỉnh Ngài thuyết pháp.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Tôi nghe như vầy: Là lời của Tôn giả A Nan là Thị Giả của Đức Phật đã nói lại những lời Phật nói chứ không phải là lời của Tôn Giả để mọi người vững lòng tin tưởng.

 

(2) Bạc Già Phạm: Do chữ Sanskrit: Bhagavat, hoặc Pàli: Bhagavà hay Bhagavant. Là một trong mười hiệu của tất cả Chư Phật, Bạc Già Phạm còn gọi là Bà già bà, Bà ga phạ đế; dịch ý là Hữu đức, Năng phá, Thế tôn, Tôn quí, tức hàm ý là người có đức lớn được đời tôn trọng. Theo Phật Địa Kinh Luận thì Bạc Già Phạm có đủ sáu nghĩa là: Tự tại, xí thịnh (công đức viên mãn tốt đẹp rực rỡ), trang nghiêm (ngay thẳng, chính trực, quy củ), danh xưng (đầy đủ công đức, hạnh nguyện, từ bi), cát tường (tốt lành) và tôn quí.

 

(3) Du hóa: Là du hành và giáo hóa chúng sinh.

 

(4) Đại Tỳ Kheo: Là chỉ các bậc Tỳ Kheo đã xuất gia từ trên hai mươi ba mươi năm, gọi bằng chữ “đại” vì họ là những bậc Tỳ kheo lớn, đầy đủ đức hạnh, trí huệ và phẩm cách.

Tỳ Kheo: Là tiếng Phạn, có ba nghĩa: khất sĩ, bố ma, phá ác như sau:

1. Khất Sĩ: Người đi đến từng nhà để xin thức ăn, nhưng khất sĩ thì không phải là hạng ăn mày bình thường, cho đồ ngon hay không ngon, cho nhiều hay ít, họ cũng không quan tâm; Tỳ Kheo đi khất thực thì không nói gì cả, ai bố thí thứ gì thì mang đi, không bố thí trong tâm không có phiền não.

Trên đường đi khất thực trong yên lặng, vị Tỳ Kheo mắt không nhìn ngang nhìn ngược, mà giữ cặp mắt nhìn xuống đường để đừng giẫm đạp chết chúng sinh nhỏ bé có thể đang bò trên mặt đường; tâm ý chỉ chú ý chính niệm trong việc hành trì như niệm Phật, trì Chú, quán sát tâm, tham thiền, v.v…. Vị Tỳ Kheo luôn luôn giữ thái độ nghiêm chỉnh uy nghi theo đúng pháp, phàm thứ gì không đúng với lễ nghi thì mắt không nhìn, tai không nghe, miệng không nói, thân tâm không vọng động.

2. Bố Ma: Tỳ Kheo luôn luôn giữ vẻ đoan nghiêm thanh tịnh nên Thiên Ma trông thấy thì kinh hãi, các loại Tà Ma Quỷ Quái thì phải lánh xa; bởi chính bao giờ cũng thắng tà.

3. Phá Ác: Người thường rất khó phá trừ các tập khí xấu, không giống như các Tỳ Kheo là những người chuyên trị việc phá trừ tập khí, chuyên sửa các lỗi lầm của mình, cải sửa điều ác thành điều thiện, do đó họ được gọi là phá ác.

 

(5) Bồ Tát: Là chỉ một vị Thánh trong Phật Giáo Bắc Truyền, nói cho đủ thì đó là « Bồ- Đề Tát- Đỏa », gọi là Bodhisattva, dịch nghĩa là «Giác Hữu Tình»; chữ hữu tình là có khí huyết, là chỉ chúng sanh. Bồ Tát là một chúng sanh đã giác ngộ về “chỉ làm việc lành không làm việc ác” nên trong hành động không còn sự vô minh nữa; Bồ Tát là một Thánh nhân trong bốn Pháp Giới Thánh (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật).

 

(6) Bà-La-Môn: Bà-La-Môn là một giai cấp được tôn trong ở Ấn Độ trong bốn giai cấp. Bà-La-Môn theo pháp tu khổ hạnh, nhưng họ cầu sinh về cõi trời, tâm tham hãy còn, tâm sân chưa hết, tâm si cũng chưa hàng phục được.

 

(7) Thiên Long Bát Bộ: Tám bộ chúng đều hộ trì cho đạo tràng của Phật là:

1. Thiên: Deva: Thiện, hưởng phúc vi diệu, chư thiên các tầng trờì Dục và Sắc giới đã từng phát nguyện ủng hộ đạo tràng của Phật.

2. Long: Na-Dà: Rồng là loại linh vật, họ tinh tấn tu hành cho có thần thông biến hóa nhưng lại làm nhiều điều ác nên có thân rồng; Rồng giữ địa luân và các cung điện cõi Trời, làm mưa v.v..., và trong số Rồng có bốn loại sinh: noãn, thai, hóa, thấp sinh khác nhau.

3. Dạ Xoa: Yaksa: Yểm-Quỷ giữ các cửa thành cõi Đạo-Lợi, các quỷ chạy rất mau, có loại chạy trên không, gọi là không hành, có loại chạy dưới đất gọi là địa hành, cũng có loại đi dưới nước gọi là thủy hành; Dạ xoa chạy nhanh như biến, chỉ cần một niệm là đi nghìn dặm, chúng có rất nhiều chủng loại khác nhau.

4. Càn Thát Bà: Grandhava: Thần Nhạc, Thần hầu Vua  Đế-Thích để ca và tấu nhạc, chơi âm nhạc hay vô cùng, mỗi khi chúng cử nhạc thì Chư Thiên đều chú ý lắng nghe đến say mê. Chúng có một nhược điểm là ưa ngửi mùi hương, Vua trời Đế-Thích có một thứ hương để chiêu dụ Càn-Thát-Bà, có mùi hương thì Càn-Thát-Bà liền tới, rồi ở đấy nhẩy múa, ca hát, tấu nhạc, nên Càn-Thát-Bà còn gọi là Thần ngửi mùi hương.

5. A Tu La: A Sura: Phi Thiên, Thần, A-Tu-La là loài hay nổi giận còn được gọi là loại phi Thiên, không phải là dân thuộc Thiên giới, không có quyền hành  như chư Thiên; tuy vậy, A-Tu-La cũng được xếp vào hàng chúng sanh của cõi lành, chúng thường giao tranh với các Thiên tướng, Thiên binh.

6. Ca Lâu La: Garuda: Chim Súy-Điểu, Chim Cánh-Vàng, có thể biến thành lớn, thành nhỏ, khi ẩn khi hiện, hai cánh soè ra đến 360,000 dặm (theo quyển Nhị-Khóa Hiệp-Giải trang 278). Có 4 loại chim bằng noãn, thai, hóa, thấp sinh,

7. Khẩn Na La: Kini Nara: Nghi Nhân (hay nghi), Nhân Phi Nhân, giống người mà có một cái sừng trên đầu, cũng là Thần đánh nhạc cho Vua Trời Đế-Thích,

8. Ma Hầu La Dà: Mahoraga: Đại Phúc-Hành, đầu rắn mình người, Thần Rắn, Địa Long Thần, Đại Mãng Thần.

 

Ghi chú: Bát bộ kể trên, nhục nhãn loài người không thể trông thấy. Hai bộ Thiên và Long, thần nghiệm khá nhất là 2 loại đứng đầu trong tám bộ, nên gọi là Thiên Long Bát Bộ. Thiên Long Bát Bộ thường hầu Phật mỗi khi Phật thuyết pháp. Nói chung Thiên Long Tám Bộ đều xuất thân từ các hạng từ tốt như chư Thiên Thần đến Ma Quỷ, đều cải tà quy chính, theo Phật, trở thành một giới bảo hộ Phật pháp.

 

     Chúng ta thấy Kinh Văn 1 ở đây nói những sự thành tựu về: sự tin tưởng (Tín), sự nghe thấy (Văn), thời gian (Thời), vị thuyết pháp giảng Kinh (Chủ thể) là Đức Phật. Địa điểm nơi giảng Kinh tại gốc cây Âm nhạc thuộc thành Quảng nghiêm (Xứ thành tựu), và có vô số chúng tham dự nghe thuyết pháp (Chúng thành tựu); tất cả biểu tượng đầy đủ nhân duyên cho buổi nói Kinh.

 

KINH VĂN 2:    (Còn Tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]