Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Tứ Diệu Đế

08/03/201109:59(Xem: 8151)
06. Tứ Diệu Đế

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN I

Tứ Diệu Đế

Là bốn chân lý nói về sự khổ và diệt khổ để đạt được thanh tịnh Niết Bàn.

Tâm Kinh viết rằng:”không có khổ, tập, diệt, đạo” là lối viết tắt, nhưng thật ra nguyên câu là:”không có Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế”. Hay nói một cách khác là không có Tứ Diệu đế. Nếu nói một cách chính xác và đầy đủ theo Tâm Kinh là :”Thị cố Không trung, vô Khổ đế, vô Tập đế, vô Diệt đế, vô Đạo đế”.

Sau khi thành đạo thì Đức Phật Thích Ca đến vườn Lộc Uyển ở xứ Ba La Nại để thuyết pháp cho năm nguời đệ tử đầu tiên. Đó là các ông Kiều Trần Như, Ác Bê, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Bài thuyết pháp đầu tiên, Đức Phật đã thuyết giảng về chân lý Tứ Diệu Đế để chuyển bánh xe pháp. Sau khi nghe xong thì năm vị nầy đều trở thành A La Hán và họ là năm vị để tử đầu tiên của Đức Phật. Như thế thì trước khi Phật nói Kinh Bát Nhã thì chân lý Tứ Diệu Đế chính là cổ xe căn bản không thể rời bỏ của kẻ tu hành nếu họ muốn đạt đến bốn thánh quả. Đó là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Đây là bốn ngôi vị Thánh mà được gọi chung là Thanh Văn hay Thanh Văn thừa. Vậy Tứ Diệu đế gồm có:

1) Khổ đế là tất cả những cái khổ trên thế gian nầy mà con nguời phải gánh chịu. Sống trong trần thế thì con người lúc nào cũng có thể đối diện với những bất hạnh, bất mãn và bất trắc sinh khởi tùy thời và tùy nơi. Nếu không khổ lúc này thì cũng khổ lúc khác. Vừa giải quyết xong vấn đề nầy thì vấn đề khác lại xuất hiện. Đôi khi vì mong cầu hạnh phúc, con người cố lao tâm lao lực để đạt cho được tiền tài, của cải, danh vọng, tình yêu…tuy nhiên lúc thành đạt thì chưa hẳn đây là hạnh phúc vì chúng ta phải khổ tâm lo bảo vệ những gì đã đạt được. Chúng ta lo sợ, mất mát và sẽ đau khổ khi bị mất nó. Cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc thật ra chỉ là cội nguồn của sự lo lắng và sợ hãi mà thôi. Ngay cả những người không tham vọng, tức là sống yên phận thủ thường cũng không thoát khỏi khổ. Tại sao? Những người nầy chỉ cần sống yên thân, có nghĩa là họ kiềm chế Tham-Sân-Si để lo duy trì cái hạnh phúc đơn sơ vì họ sợ có sự thay đổi, khác thường. Nhưng thế gian là vô thường tức là luật thành, trụ, hoại, không sẽ không tha một ai cả. Do đó sớm muộn gì thì họ cũng phải đối diện với khổ đau.

Nói chung những hạnh phúc trong trần thế từ thú vui tinh thần lẫn thể xác thật là mỏng manh và tạm bợ vì chúng không phải là chân hạnh phúc hoặc hạnh phúc trường tồn, vĩnh cửu. Vì sự đối đãi của thế gian cho nên hạnh phúc luôn luôn đi đôi với khổ đau. Như thế con người càng tìm cầu hạnh phúc ở trong cuộc sống thì chắc chắn càng mang lại nhiều bất hạnh khổ đau. Nói một cách khác hạnh phúc là những gì được xây dựng trên khổ đau và ngay trong lòng hạnh phúc đã ngầm chứa sẵn những nhân khổ đau để gây đau thương tang tóc cho con người.

Trước hết Khổ về Thân thì có:

*Sinh, Lão, Bệnh và Tử.

Còn Khổ về Tâm bao gồm:

*Ái biệt ly khổ: là phải xa lìa những người, vật và hoàn cảnh mà chúng ta yêu thích.

*Oán tắng hội khổ: là phải ở với những người, vật và nơi chốn mà chúng ta thù ghét.

*Cầu bất đắc khổ: mong cầu tiền tài, danh lợi, công danh, phú quý, tình yêu…mà không được.

Nhắc lại trong bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn của T.T.Kh về cuộc đời của người con gái bắt đầu từ những ước mơ xinh đẹp:

Thưở ấy nào tôi đã hiểu gì

Cánh hoa tan tác của sinh ly

Cho nên cười đáp:”Màu hoa trắng

Là chút lòng trong chẳng biến suy”.

Khi nhìn thấy hoa Ti-gôn có hình dáng một trái tim vỡ thì đã linh cảm một chung cuộc đau thương với nhiều nước mắt:

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi

Thở dài trong lúc thấy tôi vui

Bảo rằng:”Hoa giống như tim vỡ

Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.

Nàng có ngờ đâu mối tình đầu mà nàng đang nâng niu ấp ủ trở thành dang dỡ lưu hận ngàn thu:

Đâu biết lần đi một lỡ làng

Dưới trời đau khổ chết yêu đương

Người xa xăm quá tôi buồn lắm

Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

Nhưng đâu phải giấc mơ nào cũng thành sự thật, vì thế nàng mới nghẹn ngào qua suối lệ:

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

Trời ơi người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.

Nhưng không phải lấy chồng giàu sang phú quý là hạnh phúc đâu vì hình bóng người xưa đâu dễ gì phai nhạt:

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

Người ấy cho nên vẫn hững hờ

……….

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn dấu trong tim một bóng người.

Như thế cuộc đời của T.T.Kh nếu không phải là chuỗi dài đau khổ thì là gì? Khi mơ ước là bắt đầu khổ, mơ ước không thành lại càng khổ hơn. Lấy người chồng không thương yêu thì quá khổ nhưng đã có chồng mà không quên được hình bóng người xưa thì khổ đến trọn đời.

Và sau cùng là khổ cả thân lẫn tâm tức là ngũ uẩn thạnh khổ. Thân thì vô thường còn tâm thì vô ngã cho nên ngũ uẩn biến đổi quay cuồng làm cho chúng ta vốn đã khổ nay lại càng thêm khổ đau.

Nhiều người khi đề cập đến Phật giáo thường gán cho hai chữ bi quan và yếm thế. Đạo Phật theo quan niệm của họ chỉ để dành riêng cho những người già cả và không thích hợp với tuổi trẻ là lớp tuổi còn hăng say hoạt động. Họ nghĩ rằng những người theo đạo Phật là những kẻ chán đời đi tìm sự lãng quên qua câu kinh tiếng kệ. Phật giáo theo họ biết thì đâu đâu cũng thấy toàn cảnh khổ: sanh khổ, bệnh khổ, già khổ và cho đến chết cũng chưa hết khổ. Vì quan niệm như thế nên họ lý luận rằng nếu đầu óc luôn chứa đựng sự khổ thì con người sinh ra chán nản, tiêu cực và làm biếng. Thật ra đạo Phật có bi quan yếm thế như vậy không?

Dĩ nhiên là không. Đạo Phật là đạo thực tế và giáo pháp của Đức Phật là môn thần dược trị bệnh phiền não cho tất cả chúng sinh. Chữ Khổ trong phần Khổ đế là dịch từ chữ DUKKHA có nghĩa là bất toàn, biến đổi, giả tạo, trống rỗng, vô nghĩa lý và ngũ uẩn…Do đó khi nói đến sự khổ, Đức Phật đã không phủ nhận có nhiều hạnh phúc trong cuộc sống nầy từ tinh thần và vật chất. Chẳng hạn như hạnh phúc của đời sống xuất gia và hạnh phúc của đời sống gia đình. Nhưng tất cả những hạnh phúc đó đều nằm trong DUKKHA cả. Ngay đến sự an vui hạnh phúc ở cõi Trời hay những cảnh thiền với tâm an lạc, thuần khiết cũng là DUKKHA. Vì vậy những gì không vững bền, còn thay đổi, còn thành, trụ, hoại, không tức là còn khổ.

Danh từ Khổ không phải chỉ để mô tả một sự đau đớn thân xác hay cảm giác khó chịu của tinh thần mà còn bao gồm tất cả những gì có thể tạo ra đau khổ hay gánh chịu khổ đau. Vì thế chân lý về Khổ dạy rằng:”Vì nguyên lý vô thường mà tất cả mọi hình thức khoái lạc dù là thiên đường cực lạc cũng đều bị biến đổi và hủy diệt và tất cả mọi hình thức hiện hữu đều mang mầm mống bất mãn, khổ đau”. Chính vì đau khổ nên con người cố nỗ lực tìm kiếm khoái lạc mà không biết rằng chính họ sẽ bị khoái lạc lừa đảo phản bội để rồi càng tìm kiếm khoái lạc con người càng thất vọng và cứ thế họ chìm đắm trong bể trầm luân.

Đứng trước sự khổ đau của nhân loại, Đức Phật mới phân tích để tìm ra cái Khổ và cội nguồn dẫn đến những cảnh Khổ nầy. Chẳng khác nào vị lương y trước khi chữa bệnh phải biết rõ căn bệnh. Nói đến cái Khổ không phải là bi quan, tiêu cực mà đây chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh là hạnh phúc Niết bàn. Thật vậy sau khi chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là thấu hiểu chân lý và chân tướng của vạn vật trong vũ trụ nầy thì Ngài cùng với hàng đệ tử hoạt động rất tích cực để đem lại sự an vui cho tất cả mọi người. Vì thế Đức Phật lại dạy rằng:

”Không thể lường được đâu là khởi thủy của vòng luân hồi và từ đâu chúng sanh bắt đầu kiếp sống. Có điều chắc chắn là họ đã bị trầm luân sinh tử vì vô minh và ái dục”.

Tôn chỉ của đạo Phật là “chuyển mê khai ngộ và ly khổ đắc lạc”. Con người còn khổ là vì họ còn chấp thân nầy là thật Có hay thân nầy là của Ta. Vì sự chấp ngã mê lầm nầy mà con người phải chịu cái khổ lớn nhất là quay cuồng trong vòng sinh tử luân hồi. Vô minh là cội nguồn của Tham-Sân-Si để dẫn dắt con người tạo ra nghiệp mà phải tái sanh để chịu quả khổ. Do đó tu Phật là để phá vô minh và kiến tạo trí tuệ để trừ các ác pháp thì sẽ không còn khổ.

Phương pháp diệt khổ của đạo Phật có rất nhiều nhưng tựu trung vào ba điểm chính sau đây:

§ Giữ không cho những mầm bất thiện phát sinh thì con người phải trì giới.

§ Diệt trừ mọi phiền não ẩn chứa trong tâm thì chúng sinh phải dùng Định.

§ Diệt vô minh vì vô minh là đầu mối mọi khổ đau của con người. Phá vô minh thì phát sinh trí tuệ.

Khi đã thấu hiểu tường tận Tứ diệu đế thì chúng ta mới thấy rõ đạo Phật là một lối sống thực tế. Đạo đế là lối giải thoát duy nhất để dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi những nỗi thống khổ và đến nơi an vui tự tại. Bát chánh đạo trong phần đạo đế là chiếc bè rắn chắc vững vàng đưa con người thoát qua bể khổ, sông mê. Thực hành bát chánh đạo là tích cực đạt đến cứu cánh Niết bàn và bẻ gãy bánh xe sanh tử luân hồi. Do đó Phật giáo chính là một kho tàng linh dược trị tất cả tâm bệnh phiền não trầm kha của chúng sanh vậy.

2) Tập đế là nguyên nhân gây ra tất cả những cái khổ ở trên. Trong phần tập đế nầy cũng có mười món. Đó là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biện kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. Để dễ dàng nhận thức Đức Phật đã chia mười món nầy thành hai loại. Tư hoặc thì gồm có tham, sân, si, mạn, nghi. Còn Kiến hoặc thì có thân kiến, biện kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. Kiến là sự thấy, biết từ bên ngoài vì thế kiến hoặc là những cái sai lầm về mê lý và vọng chấp từ bên ngoài mà thấm vào trong tâm của chúng ta. Một khi con người đã thấu suốt chân lý của Phật thì những mê lầm nầy sẽ không còn nữa. Tư là phần bên trong tức là tâm tư vì thế tư hoặc là những điên đảo mê lầm đã có sẵn trong tâm của con người. Có con người là có nó, bất cứ chỗ nào có con người là có tư hoặc. Do đó tư hoặc đã ăn sâu và núp vào trong tiềm thức của con người để sai khiến và dẫn dắt chúng ta vào con đường trầm luân đau khổ. Vậy tập đế là nhân mà khổ đế chính là quả của nó trong chiều sanh tử. Mà sanh tử tức là luân hồi.

3) Diệt đế là Thánh đạo, là con đường đưa đến giải thoát giác ngộ và chính thật là Niết Bàn ở trong trần thế vậy. Một khi chúng sinh đoạn được mọi phiền não và tâm trở thành thanh tịnh thì họ đã chứng được Niết Bàn. Nên nhớ đây chỉ là Niết Bàn của hàng Thanh văn mà thôi. Từ Tu Đà Hoàn đến A Na Hàm thì có Hữu dư y Niết Bàn, có nghĩa là sự an vui chưa hoàn toàn vì chưa dứt hết phiền não nên trong sanh tử mà vẫn được tự tại chớ không bị rằng buộc như chúng sinh. Đến khi chứng quả A La Hán thì mới được Vô dư y Niết Bàn bởi vì hàng A La hán đã dập tắt tất cả ngọn lửa dục vọng nên họ không còn phiền não khổ đau và cuối cùng thoát ra khỏi tam giới : Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Khi các vị Bồ tát đã hiểu rõ:”Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” thì pháp tánh bình đẳng như như, có nghĩa là họ không thấy một pháp gì cố định, một vật gì chắc thật cả. Tuy làm việc lợi tha mà họ vẫn ở trong chánh quán. Đó là họ luôn luôn quán chiếu tư duy vạn pháp như huyễn hóa, không có thật sanh tử thì dĩ nhiên không có thật Niết Bàn. Do đó Bồ tát thường ra vào sanh tử mà lấy lục độ để độ sanh nên lúc nào cũng ở trong Niết Bàn. Cái thường trụ Niết Bàn nầy gọi là Vô Trụ Niết Bàn. Trong chúng ta có cái tự tánh thường vắng lặng mà thường sáng suốt mà kinh Phật gọi là Phật tánh, Chơn tâm hay là Như Lai tạng…Đây chính là thanh tịnh Niết Bàn vậy.

4) Đạo đế là con đường để đoạn mọi phiền não và dẫn tới Niết Bàn. Đạo đế gốm có tất cả 37 phẩm trợ đạo là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.

Ø Tứ niệm xứ: là bốn điều cần ghi nhớ để tư duy quán chiếu. Đó là quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã và quán thọ thì khổ.

Ø Tứ chánh cần: là bốn phương pháp dùng trí tuệ để ngăn ngừa tội ác cũng như sự phát sinh của nó để cho thân khẩu ý được thanh tịnh. Đó là tinh tấn ngăn ngừa những tội ác chưa phát sinh, tinh tấn ngăn ngừa những tội ác đã phát sinh, tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh và sau cùng tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.

Ø Tứ như ý túc: là bốn phép thiền định hay là bốn phương tiện giúp chúng ta thành tựu chánh định. Bốn định đó là Dục như ý túc là mong muốn, hướng thượng để được giải thoát ra khỏi biển khổ sanh tử. Tinh tấn là dũng mảnh, bền tâm vững chí. Nhất tâm là tâm phải chuyên nhất vào định cảnh, không bao giờ tán loạn. Quán là dùng trí tuệ sáng suốt để quan sát những pháp mình đang tu.

Ø Ngũ căn: Năm căn nầy là căn bản để phát sinh tất cả thiện pháp. Đó là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn.

Ø Ngũ lực: là năm năng lực vĩ đại, năm thần lực của ngũ căn. Đó là Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Huệ lực.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]