Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khảo cứu về Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

19/12/201000:02(Xem: 4608)
Khảo cứu về Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh



Phat Thich Ca
Khảo cứu về 
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Thành Ý


Trong các bộ Kinh thường tụng, Bát-Nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh là bộ được gần toàn thể Phật-tử thuộc lòng, nhưng chỉ có một số thật ít biết rằng ngoài bản chúng ta hiện đọc do Ngài Huyền-Trang dịch, còn nhiều bản dịch khác nữa. Vậy những bản khác ấy như thế nào, dịch giả là ai và có chỗ sai khác quan trọng giữa nhau không? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi cố gắng trả lời trong bài khảo cứu ngắn ngủi này.

Tra trong Tục-Tạng, chúng tôi thấy có hai bản dịch khác, thứ nhứt của “Kì-Tân quốc Tam-Tạng Bát-Nhã Cộng Lợi-Ngôn Đẳng Dịch”, thứ nhì của “Ma-Kiệt-Đề Quốc Tam Tạng Sa-Môn Pháp-Nguyệt Trùng Dịch”.

Người dịch đã khác, đến tên cũng khác. Nếu bản thứ nhứt đề “Bát-Nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh” y như bản của Huyền Trang, bản thứ nhì lại để là “Phổ Biến Trí Tạng Ba La Mật Đa Tâm Kinh”.

Về nội dung, bản thứ nhứt gần y hệch bản của Ngài Huyền-Trang ở đoạn giữa, còn bản thứ nhì thì dài hơn và có nhiều chi tiết rất hữu ích cho ai muốn hiểu sâu bài Kinh rất ngắn nhưng rất hàm súc mà nam nữ đều tụng đều thuộc. 

*  * * 

Phần 1 (đăng trong tạp chí Từ Quang số 189, tháng 5 năm 1968)

Xét về bản thứ nhứt do Ngài Bát-Nhã, Lợi-Ngôn, v.v.... đời Nhà Đường (Trung-Hoa) dịch.

Đoạn đầu của Kinh như sau:

“Như thị ngã văn: Nhứt thời Phật tại Vương-Xá thành, Kỳ-Xá-Quật sơn trung, dữ đại ty-khưu chúng cập bồ-tát chúng câu. Thời Phật Thế-Tôn tức nhập tam-muội danh quảng đại thậm thâm.

Nhĩ thời, chúng trung hữu bồ-tát ma-ha-tát danh Quán-Tự-tại, hành thâm bát-nhã ba-la-mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, ly chư khổ ách. Tức thời, Xá-Lợi-Phất thừa Phật oai lực, hiệp chưởng cung kính bạch Quán-Tự-Tại bồ-tát ma-ha-tát ngôn: “Thiện nam tử, nhược hữu dục học thậm thâm bát-nhã ba-la-mật-đa hành giả, vân hà tu hành?”.

Như thị vấn dĩ, nhĩ thời Quán-Tự-Tại bồ-tát ma-ha-tát cáo cụ thọ Xá-Lợi-Phất ngôn:

– Xá-Lợi-Tử, nhược thiện nam tử, thiện nữ nhơn, hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa hành thời, ưng quán ngũ uẩn tánh không. Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc”.

Từ đây cho đến hết câu chú “Yết đế, Yết đế. . .”, hàng hàng chữ chữ, không có gì khác với bản Huyền-Trang. Chính đây là đoạn mà chúng tôi gọi là đoạn giữa, vì bản dịch của Bát-Nhã và Lợi-Ngôn còn một đoạn nữa là đoạn chót như sau:

“Như thị, Xá-Lợi-Phất, chư bồ-tát ma-ha-tát, ư thậm thâm bát-nhã ba-la-mật-đa hành, ưng như thị hành.

Như thị thuyết dĩ, tức thời Thế-Tôn tùng quảng đại thậm thâm tam-ma-địa khởi tán Quán-Tự-Tại bồ-tát ma-ha-tát ngôn:

– Thiện tai! Thiện tai! Thiện nam tử, như thị, như thị, như nhữ sở thuyết, thậm thâm bát-nhã ba-la-mật-đa hành ưng như thị hành. Như thị hành thời, nhứt thiết Như-Lai giai tất tùy hỉ.

Nhĩ thời, Thế-Tôn thuyết thị ngữ dĩ, cụ thọ Xá-Lợi-Phất đại hỉ sung biến.

Quán-Tự-Tại bồ-tát ma-ha-tát diệc đại hoan hỉ. Thời bỉ chúng hội, thiên, nhơn, a-tu-la, càn-thát-bà đẳng, văn Phật sở thuyết giai đại hoan hỉ, tín thọ phụng hành.”

 

Nhờ bản dịch này, chúng ta học thêm được những điều sau đây:

1.      Bài Tâm Kinh được thuyết lúc Phật ở tại thành Vương-Xá, núi Kỳ-Xà-Quật.

2.      Những lời trong Kinh, không phải của Phật nói mà của Bồ-tát Quán-Tự-Tại, để trả lời câu hỏi của “cụ thọ Xá-Lợi-Phất”. Cụ thọ có nghĩa là tuổi thọ đầy đủ, là cụ già, mà có Kinh khác dịch là “Trưởng lão”.

3.      Theo bản của Huyền-Trang, chính Bồ-tát Quán-Tự-Tại “kiến ngũ uẩn giai không” (thấy năm uẩn đều không). Theo bản của Bát-Nhã và Lợi-Ngôn thì Bồ-tát Quán-Tự-Tại kêu Xá-Lợi-Phất nói: “... nếu có trai lành, gái tín nào đi sâu vào Trí sáng tột bựt (bát-nhã) thì trong lúc đi sâu vào ấy, nên quán sát cái tánh “không” của năm uẩn”.

4.      Như vậy, tác giả “Tâm Kinh Việt giải”–đạo hữu Chánh Trí–đã có lý khi đạo hữu nói chẳng riêng gì Quán-Tự-Tại Bồ-tát mà tất cả những những ai hành thâm bát-nhã được thì tất “kiến ngũ uẩn giai không”.

 

Huyền-Trang và hai ngài Bát-Nhã, Lợ-Ngôn, đều dịch Kinh dưới thời nhà Đường. Ai dịch trước, ai dịch sau? Chưa có tài liệu nào cho phép đáp lại câu hỏi này. Tuy nhiên, khi đọc lên hai bản dịch, người vô tư ắt cảm nghĩ rằng ngài Huyền-Trang có lẽ đi sau và đã tóm tắt lại bản của Bát-Nhã và Lợi-Ngôn. Thành thật xét nét, dầu có bỏ đoạn đầu “Như thị ngã văn...” và đoạn chót đã chép lại phía trước, không có gì hại cho nghĩa Kinh. Nhưng rút ngắn đoạn giữa đến mực “nhổ râu ông này cậm càm bà kia”, thiết tưởng là một lỗi lầm lớn cần phải hiệu chính.

Để bạn đọc nhận thức rõ phần bị ngài Huyền-Trang bỏ mất để rút ngắn bài Kinh, chúng tôi xin chép lại nguyên văn bản dịch của hai ngài Bát-Nhã, Lợi-Ngôn, bằng hai thứ chữ. Chữ đậm chỉ phần ngài Huyền-Trang lấy dùng, chữ nhỏ chỉ phần bị ngài tướt lượt. Và đây là đoạn được đề cập:

“Nhĩ thời, chúng trung hữu bồ-tát ma-ha-tát danh Quán-Tự-tại, hành thâm bát-nhã ba-la-mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, ly chư khổ ách. Tức thời, Xá-Lợi-Phất thừa Phật oai lực, hiệp chưởng cung kỉnh bạch Quán-Tự-Tại bồ-tát ma-ha-tát ngôn: “Thiện nam tử, nhược hữu dục học thậm thâm bát-nhã ba-la-mật-đa hành giả, vân hà tu hành?”.

Như thị vấn dĩ, nhĩ thời Quán-Tự-Tại bồ-tát ma-ha-tát cáo cụ thọ Xá-Lợi-Phất ngôn:

– Xá-Lợi-Tử, nhược thiện nam tử, thiện nữ nhơn, hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa hành thời, ưng quán ngũ uẩn tánh không. Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc...”.

 

Thế thì trong 135 chữ của đoạn này, ngài Huyền-Trang chỉ lấy có 31 chữ, thêm vào hai chữ bồ-tát sau Quán-Tự-Tại và thay hai chữ ly chư bằng những chữ độ nhứt thiết.

Bớt bỏ như thế có lợi mà cũng có hại. Có lợi ở chỗ làm cho bài Kinh gọn gãy, dễ học dễ nhớ. Hại ở hai điểm: một là làm tối nghĩa chữ “không”, hai là gần như xuyên tạc lời dạy của Bồ-tát Quán-Tự-Tại.

Còn một điểm nữa không kém phần quan trọng. Đọc bản của Huyền-Trang, người ta không biết được những lời trong Kinh là của ai. Nhờ hai ngài Bát-Nhã và Lợi-Ngôn, nay ta biết là lời của Quán-Tự-Tại. Nhưng lời này có đúng Chánh-Pháp không? Thật ra, từ xưa đến nay, chưa có ai dám bài bác một chữ, một câu nào của bản Huyền-Trang, nhưng nếu có người nghi ngờ, người ấy rất có quyền. Nay thì không được nghi ngờ nữa, vì Phật đã ấn chứng, đã “thị-thực” lời nói của Bồ-tát Quán-Tự-Tại, như chúng ta thấy trong bản của Bát-Nhã và Lợi-Ngôn.

Kỳ tới, chúng ta sẽ nghiên cứu bản dịch của ngài Pháp-Nguyệt.

 

Phần 2 ((đăng trong tạp chí Từ Quang số 189, tháng 5 năm 1968)

Kỳ rồi, chúng ta đã xét qua bản dịch Tâm Kinh của các Ngài Bát-Nhã, Lợi-Ngôn, v.v... Hôm nay, chúng ta sẽ kê cứu bản dịch của Ngài Pháp-Nguyệt. Bản này đề là “trùng dịch” nghĩa là dịch lần thứ hai, hay dịch lại?

Ở đây, chúng ta sẽ thấy, như trong bản Bát-Nhã và Lợi-Ngôn, phần nội dung y hệch như bản của Huyền-Trang, còn phần đầu và phần cuối khác nhiều.

Nói là trùng dịch, nhưng trùng dịch đối với bản nào? Đối với bản của Bát-Nhã và Lợi-Ngôn, hay đối luôn với cả bản của Huyền-Trang? Thật khó mà trả lời. Tuy nhiên, so sánh thì thấy bản Huyền-Trang gói ghém hơn, và như vậy, trùng dịch là đối với bản của Bát-Nhã và Lợi-Ngôn.

Tựa của Kinh cũng khác hai bản nói trên.

Và dưới đây là bản dịch của Pháp-Nguyệt.

*  * * 

Phổ biến Trí-tạng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

(Tục Tạng Kinh, Quyển I, trang 353)

Ma-Kiệt-Đề Quốc Tam Tạng Sa Môn Pháp-Nguyệt trùng dịch.

Như thị ngã văn: Nhứt thời Phật tại Vương-Xá đại thành, Linh Thứu sơn trung, dữ đại Tỳ-khưu chúng mãn bách thiên nhơn, bồ-tát ma-ha-tát thất vạn thất thiên nhơn câu. Kỳ danh viết Quán Thế Âm Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát đẳng, dĩ vi thượng thủ, giai đắc tam-muội tổng trì, trụ bất tư-nghì giải thoát.

Nhĩ thời, Quán Tự Tại Bồ-tát ma-ha-tát tại bỉ phu tọa, ư kỳ chúng trung tức tùng tòa khởi, nghệ Thế Tôn sở, diện hướng hiệp chưởng khúc cung cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan nhi bạch Phật ngôn:

– Thế Tôn! Ngã dục ư thử hộu trung thuyết chư Bồ-tát phổ biến trí tạng bát-nhã ba-la-mật-đa tâm, duy nguyện  Thế-Tôn thích ngã sở thuyết, vị chư Bồ-tát tuyên bí pháp yếu.

Nhĩ thời, Thế-Tôn dĩ diệu Phâm âm cáo Quán Tự Tại Bồ-Tát ma-ha-tát ngôn:

– Thiện tai! Thiện tai! Cụ đại bi giả, thính nhữ sở thuyết, dữ chư chúng sanh tác đại quang minh.

Ư thị, Quán Tự Tại Bồ-Tát ma-ha-tát mông Phật thính hứa, Phật sở hộ niệm, nhập ư huệ quang tam-muội chánh thọ. Nhập thử định dĩ, dĩ tam-muội lực hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn tự tánh giai không. Bỉ liễu tri ngũ uẩn tự tánh giai không, tùng bỉ tam-muội an tường nhi khởi, tức cáo huệ mạng Xá Lợi Phất ngôn:

– Thiện nam tử! Bồ-tát hữu bát-nhã ba-la-mật-đa tâm, danh phổ biến trí tạng, nhữ kim đế thính, thiện tư niệm chi, ngô đương vị nhữ phân biệt giải thuyết.

Tác thị ngữ dĩ, Huệ mạng Xá Lợi Phất bạch Quán Tự Tại Bồ-tát ma-ha-tát ngôn:

– Duy Đại Tịnh giả, nguyệt vi thuyết chi, kim chánh thị thời.

Ư tư, cáo Xá Lợi Phất:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị học: sắc tánh thị Không, Không tánh thị sắc; sắc bất dị Không, Không bất dị sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.

Thức tánh thị Không, Không tánh thị thức. Thức bất dị Không, Không bất dị thức; thức tức thị Không, Không tức thị thức.

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỹ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô vô-minh diệc vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận. Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo, vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đóa y bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết-bàn. Tam thế chư Phật y bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc a-nậu-đa-la-tam-miệu tam-bồ-đề. Cố tri bát-nhã ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thực bất hư. Cố thuyết bát-nhã ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết:

“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.

Phật thuyết thị kinh dĩ, chư tỳ-khưu cập Bồ-tát chúng, nhứt thiết thế gian thiên, nhơn, a-tu-la, càn-thát-bà đẳng... văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

 

*  * * 

 

Những đoạn in chữ đậm chỉ phần nội dung giống nhau giữa ba bản.

Để bạn đọc so sánh phần đầu và phần cuối của bản Bát-Nhã Lợi-Ngôn và bản Pháp-Nguyệt, chúng tôi dịch ra Việt văn như sau bản của Pháp-Nguyệt:

“Tôi nghe như vầy: Một lúc nọ, Phật ở tại thành lớn Vương-Xá, trong núi Linh Thứu, với cả trăm ngàn đại tỳ-khưu và bảy mươi bảy ngàn bồ-tát ma-ha-tát, có tên là Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Di Lặc,v.v... Đây là những bậc trên trước, đều được chánh định và đứng vững trong chỗ giải thoát không thể nghĩ bàn.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Quán-Tự-Tại, từ nơi chỗ ngồi, trong giữa đám đông, đứng dậy đi đến chỗ Thế Tôn, ngước mặt chấp tay, cúi đầu cung kính, ngẫng trông lên Phật, mà bạch nói rằng:

– Thế Tôn! Con muốn, trong đám đông này, nói về tâm bát-nhã ba-la-mật-đa, gọi là “phổ biến trí tạng”, kính xin Thế Tôn nghe con, con sẽ vì các Bồ-tát mà tuyên bố cốt yếu của phép sâu kín.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn cất tiếng Phạm Thiên huyền diệu, bảo Bồ-tát Quán-Tự-Tại:

– Tốt lắm! Tốt lắm! Này bậc đầy đủ đại bi, hãy nói đi, ta nghe đây, để làm ánh sáng soi đường cho chúng sanh.

Ngay đấy, Bồ-tát Quán-Tự-Tại, đội ơn Phật hứa nghe và được Phật hộ niệm, nhập vào ánh sáng của chánh định. Nhập vào chánh định rồi, Bồ-tát dùng sức mạnh của chánh định đi sâu vào bát-nhã ba-la-mật-đa và chính lúc ấy, soi thấy tự tánh của năm uẩn đều là không. Đã biết rõ ràng tự tánh của năm uẩn là không, Bồ-tát bèn từ nơi chánh định an lành phát khởi, kêu ông thông minh Xá-Lợi-Phất nói:

– Này thiện nam tử! Bồ-tát có tâm bát-nhã ba-la-mật-đa, gọi là phổ biến trí tạng, ông nay nên nghe kỹ và khéo suy gẫm chính chắn, tôi sẽ vì ông mà phân giải rành mạch.

Mấy lời ấy nói xong, ông thông minh Xá-Lợi-Phất bạch Bồ-tát Quán-Tự-Tại:

– Xin đấng Đại Tịnh nói đi, nay thật là đúng lúc.

Ngay lúc ấy, Quán-Tự-Tại bảo Xá-Lợi-Phất:

– Các đại Bồ-tát nên học như sau: tánh của sắc là Không, tánh Không là sắc; sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc; sắc là Không, Không là sắc; thọ, tưởng, hành, thức, cũng như vậy.

Tánh của thức là Không, tánh Không là thức. Thức chẳng khác Không, Không chẳng khác thức; thức là Không, Không là thức.”

 

*  * * 

Từ đây đến hết bài chú “Yết đế, ...” trọn đoạn này giống y như bản của Huyền-Trang, chúng tôi nghĩ không cần dịch tiếp. Còn câu chót thì gần như câu chấm dứt của các Kinh khác:

“Phật nói kinh này xong, các tỳ-khưu cùng các Bồ-tát, tất cả trời, người, a-tu-la, càn-thát-bà,v.v... ở thế gian, nghe lời Phật nói đều hết sức vui mừng, tin lãnh tuân hành.”

Nếu bản của Bát-Nhã Lợi Ngôn đã giúp chúng ta soi sáng nhiều điểm trước kia còn mờ mịt, bản của Pháp-Nguyệt cũng cho chúng ta nhiều chi tiết đáng kể.

Trước hết, từ nay chúng ta không còn phân vân về nghĩa của cái tựa “Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh” mà nhiều nhà biên chú đã giải ít nhứt bằng hai lối:

1.      Kinh nói về trung tâm của Phật pháp là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

2.      Bài Kinh nằm lòng về Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Nhờ bản dịch của Pháp-Nguyệt, chúng ta thấy hai lối giải trên đều sai. Cứ theo lời của Bồ-tát Quán-Tự-Tại nói với Xá-Lợi-Phất thì tựa ấy chỉ có nghĩa là: Kinh nói về Tâm bát-nhã ba-la-mật đa.

Nhưng Tâm bát-nhã. . . là gì? Là “Phổ biến Trí tạng”. Và “Phổ biến Trí tạng” có nghĩa là: Kho Trí soi sáng khắp cùng. Đây là nghĩa dịch của danh từ Phạn ngữ Bát-nhã ba-la-mật-đa (Prajna paramita).

Điểm thứ ba mà chúng ta học thêm được là: Tâm là Trí, Trí là Tâm. Hoặc đúng hơn, nên nói: Trí phổ biến là tên gọi khác của Tâm bát-nhã ba-la-mật-đa, tức là của Tâm đã sáng suốt triệt để. Tâm ấy là Tâm chánh định, là Tâm hoàn toàn thanh tịnh, bởi lẽ có hoàn toàn thanh tịnh mới có chánh định, và có chánh định thì trở nên sáng suốt lạ thường, nên gọi là Trí.

*  * * 

Để rộng đường khảo cứu, kể từ kỳ tới chúng tôi sẽ lần lượt dịch và chú giải bộ Kinh ba quyển tựa đề: Phật thuyết khai giác Tự-Tánh bát-nhã ba-la-mật-đa. Nhứt định bộ Kinh này sẽ rọi thêm nhiều ánh sáng về chữ Không

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]