Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 03: Bát Nhã Tâm Kinh Giải Nghĩa

02/10/201819:30(Xem: 4139)
Bài 03: Bát Nhã Tâm Kinh Giải Nghĩa

BÁT NHÃ

TÂM KINH

(Prajnaparamitahridaya Sutra)

Hòa Thượng Thích Duy Lực dịch Việt

GI ẢI NGH ĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

5). THỨ NĂM:

HÁN VIỆT: Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận;.

VIỆT: Không có vô minh, cũng không có hết vô minh cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết.

 

     Câu này để phá 12 Nhân Duyên, vì tất cả pháp đều là Không Tướng, tức là chẳng phải thật, như Vô minh đã chẳng phải thật thì không có Vô minh để Hết (Tận), Già chết chẳng phải thật thì không có Già chết để hết; nhưng trước mắt chúng ta thấy có già, có chết thì làm sao nói chẳng phải thật được?! Hiện nay chúng ta thấy rõ ràng có sinh có tử, nhưng chẳng biết cái sinh tử đó là do cảm giác sai lầm của chúng ta sinh ra mà thôi. Tại sao?

 

Chứng minh: Trong Kinh Viên Giác Phật có nói: Do vọng tâm của chúng ta ngày đêm hoạt động không ngừng cho nên thấy có sanh tử luân hồi, cũng như thân mình xoay không ngừng thì thấy căn nhà xoay vậy. Căn nhà xoay tượng trưng cho sinh tử luân hồi, căn nhà ngưng xoay tượng trưng cho Niết Bàn. Cái xoay của căn nhà là do cái xoay của thân thể sinh ra cảm giác sai lầm như thế, căn nhà ngưng xoay dĩ nhiên cũng là do cảm giác sai lầm mà ra, bởi vì căn nhà có xoay hồi nào đâu mà nói căn nhà ngưng xoay? Do vọng tâm hoạt động thấy có sinh tử luân hồi và do vọng tâm ngưng hoạt động mà hiển hiện Niết Bàn (liễu thoát sinh tử) cũng là lý lẽ nầy vậy.

 

     Như thế chứng tỏ Mười Hai Nhân Duyên chẳng phải thật, mà hàng Duyên Giác chấp đó là thật, cho nên đoạn nầy dùng chữ Không để phá cái ý thức chấp thật của hàng Duyên Giác. 

6). THỨ SÁU:

HÁN VIỆT: Vô khổ, tập, diệt, đạo.

VIỆT: Không có khổ, tập, diệt, đạo.

 

     Câu nầy là phá hàng Thanh Văn, hàng Thanh Văn gọi Khổ, Tập, Diệt, Đạo là Tứ Thánh Đế, chúng ta ở trong sinh tử chịu đủ thứ Khổ, là do cái tâm tạp nhiễm tích tập, rồi tu hành đến khi cái khổ sinh tử được diệt, nên gọi là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Như đoạn trên đã nói: sinh tử là do cảm giác sai lầm của vọng tâm hoạt động mà sinh ra, thì Khổ, Tập, Diệt, Đạo này chẳng phải là thật, cho nên ở đây lấy chữ “Không” của Không thật, Không Tướng, biến đổi Không cố định, để phá cái ý thức chấp thật của hàng Thanh Văn. 

7). THỨ BẢY:

HÁN VIỆT: Vô trí diệc vô đắc, Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố. 

VIỆT: Không có trí tuệ, không có chứng đắc, cũng không có chỗ được; Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, có tâm không ngăn ngại, vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi.

 

     Câu này là phá hàng Bồ Tát của Bắc Truyền, nếu người tu Bồ Tát chấp Trí tuệ là thật, chấp chứng đắc là thật thì bệnh chấp thật vẫn còn, cho nên nói “Không có trí tuệ, không có chứng đắc”. Ý là không có Trí huệ cho mình đắc được (Vô Sở Đắc), nếu tất cả đều Không Chứng Đắc thì không mong cầu, không mong cầu thì tâm an, tâm an là được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được tịnh tĩnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ, Dụng của Bát Nhã hiện ra thì đạt đến bờ bên kia, cho nên Kinh nói “Y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, có tâm không ngăn ngại”.

 

     Muốn làm cho tâm không ngăn ngại thì phải “Không có trí tuệ, không có chứng đắc”, nếu chấp có trí tuệ, có chỗ đắc thì sẽ bị cái trí tuệ cái chứng đắc ấy ngăn ngại rồi. Đã được tâm không ngăn ngại tức là tự do tự tại, thì đương nhiên “không sợ hãi”; đoạn nầy là phá sạch cái Tri kiến chấp thật có trí tuệ có chứng đắc của hàng Bồ Tát. 

8). THỨ TÁM:

HÁN VIỆT: Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu kính Niết-bàn.  

VIỆT: Xa lià mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.

 

     Niết Bàn là vô sinh, tức không sinh chẳng diệt. Hai chữ Xa lià (Viễn ly) cũng là để phá, mấy đoạn trước lấy chữ Không để phá, đoạn nầy phá chấp thật Niết Bàn, tức là muốn phá cái Tri kiến chấp Phật (phá cái thấy biết thuần tịnh là thật), nên dùng hai chữ Xa Lià để nhấn mạnh thêm; nếu chấp có cứu cánh Niết Bàn thật để chứng nhập thì cái Tri kiến chấp thật này tức là điên đảo mộng tưởng, cho nên đoạn nầy “cứu cánh Niết Bàn”, cũng phải phá chấp thật Niết Bàn cho sạch sẽ luôn. 

 

     Trong kinh này, từ Phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cho đến Phật Thừa, chia làm năm đoạn để phá, phá tới sạch hết không còn gì để phá nữa rồi mới có tư cách thành Phật; như trong Kinh Kim Cang, phá tới phá lui nhiều lần như sau:

     Phật hỏi Tôn giả Tu Bồ Đề:

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, Như Lai được Vô thượng Chính đẳng Chính giác chăng, Như Lai có nói pháp chăng?

 

     Tu-bồ-đề thưa:

- Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chính đẳng Chính giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói; vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp; vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi (tùy thuận tự nhiên không có tạo tác) mà có sai biệt.

 

     Nếu thấy pháp Như Lai được Vô Thượng Chính Đẳng là thật thì cũng còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả …; vì nói thành Phật thì ai thành Phật, ta thành phải không? Thấy có pháp thành Phật thật thì phải có người thành Phật, đó là còn ngã, còn ngã thì còn nhân, còn chúng sanh, thọ giả; nếu thế Phật là phàm phu mất rồi! Nếu cho rằng “Phật có nói pháp thật” cũng không được, phàm những gì nói ra đều là tướng hư giả; ở đây chúng ta thấy nếu phá những cấp dưới thấp thì mọi người dễ chấp nhận, còn phá luôn cả Phật thì mọi người cảm thấy rất khó chấp nhận, nên trong kinh Kim Cang mới phải phá tới nhiều lần là vậy. 

9). THỨ CHÍN:

HÁN VIỆT: Tam thế chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.  

VIỆT: Ba đời Chư Phật y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, được đạo qủa Bồ Đề.

 

     Câu nầy mới chính thức thành Phật, cứu cánh Niết Bàn của đoạn trên chưa phải thành Phật, phải phá luôn cứu cánh Niết Bàn, sau khi phá sạch chấp thật Tri kiến Phật rồi mới đủ tư cách thành Phật. Ba đời Chư Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai đều phải y theo “Bát Nhã Ba La Mật Đa” mà thực hành; phá sạch tất cả Tri kiến, không còn một pháp nào để chấp thật mới có thể đạt đến giác ngộ tối cao Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. 

 

     Nếu cứu cánh Niết Bàn ở đoạn trên đã chứng nhập rồi, ở đây còn chứng nhập thêm nữa là không đúng, cho nên cứu cánh Niết Bàn ở trên cần phải phá; đoạn sau tả cái sức Dụng do sự phá của Không mà hiển lộ ra, như thế mới được phù hợp.

10). THỨ MƯỜI:

HÁN VIỆT: Cố tri Bát-nhã ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

VIỆT: Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thượng Chú, là Vô Đẳng Đẳng Chú, trừ hết thảy khổ nạn không hư dối.

 

     Câu này diễn tả cái Dụng của Bát Nhã, ở đây Thần chú chia làm bốn cấp, tùy theo sự phá KHÔNG của từng trình độ cao thấp mà hiện ra cái Dụng lớn nhỏ, phá trống được bao nhiêu thì cái Dụng hiện ra được bấy nhiêu. Bốn cấp Thần chú là đại diện cho sức Dụng có thần lực vĩ đại có thể chuyển đổi mọi việc; khi phá được Tri kiến chấp thật hàng tu 12 Nhân Duyên thì hiện ra cái sức Dụng có thần lực phá vô minh bằng Đại Thần Chú. Phá được Tri kiến hàng Thanh Văn rồi thì hiện ra cái sức Dụng có thần lực trừ phiền não bằng Đại Minh Chú; phá được Tri kiến của Bồ Tát rồi thì hiện ra cái sức Dụng có thần lực trí huệ đạt vô thượng Niết Bàn không gì hơn bằng Vô Thượng Chú. Phá sạch được Tri kiến Phật rồi thì hiện ra cái sức đại Dụng có Thần lực trí huệ không gì có thể so sánh bằng Vô Đẳng Đẳng Chú. Đến đây đã phá tới chỗ không còn gì để phá nữa, sức Dụng của Bát Nhã đã đạt được đến Cứu cánh, không có gì có thể bằng được, nên gọi là không còn bậc nào cao hơn nữa (Vô Đẳng Đẳng). Cuối cùng trừ hết thảy khổ nạn không hư dối, đến đây là đạt được đến chỗ tự do tự tại rồi. 

 

11). THỨ MƯỜI MỘT:

HÁN VIỆT: Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú tức thuyết chú viết: Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha.

VIỆT: Cho nên nói ra lời Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa, Chú ấy rằng: “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát Bà ha; Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

 

     Sau chót nói đến chú Bát nhã Ba La Mật Đa. Khi đã biết các pháp hư dối, đều tùy duyên nên tâm không còn chấp thật, như vậy không còn phân biệt dính mắc vào một pháp nào cả, gọi là “Tâm xa lià mộng tưởng điên đảo, đạt cứu cánh Niết-bàn”. Đây là đến chỗ như như tự tại, tâm như như rồi, sống với bản tâm thanh tịnh không có ý niệm tức là Chân tâm vậy. Thần chú là đại diện mệnh lệnh hoặc sức Dụng tự động của bản thể Tâm (Tự Tính), cho nên không cần giải nghĩa.

 

PHỤ CHÚ:

THỰC HÀNH QUÁN CHIẾU:

 (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]