Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 70: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

03/02/201818:40(Xem: 4770)
Bài 70: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

5). CẤP BÂC VÀ

ĐỊA VỊ TU CHỨNG:
     A Nan liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Chúng con ngu độn, ham được đa văn, chưa cầu thoát ly nơi tâm phiền não, nhờ Phật từ bi dạy bảo, tu theo chánh pháp, được lợi ích lớn, thân tâm an lạc. Thế Tôn! Nếu tu chứng pháp Tam Ma Địa, chưa đến Niết Bàn, thì thế nào gọi là chỗ Càn Huệ (1)? Nơi 40 tâm (2), được tu đến cấp bậc nào và đến chỗ nào mới gọi là nhập Sơ Địa?
- Thế nào gọi là Đẳng Giác Bồ Tát?
     Nói xong, năm vóc gieo sát đất, đại chúng đều nhất tâm chăm chú, mong đợi từ âm của Phật.
     Bấy giờ, Thế Tôn khen A Nan rằng:
- Lành thay! Lành thay! Các ngươi lại biết vì cả chúng trong hội này và tất cả chúng sanh tu Tam Ma Địa, cầu pháp Đại Thừa trong đời mạt pháp, xin ta chỉ rõ lối tu vô thượng chân chánh, từ phàm phu đến Đại Niết Bàn. Nay các ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà nói.
     A Nan và đại chúng chắp tay lắng lòng, yên lặng thọ giáo.
     Phật bảo:
- A Nan nên biết! Diệu tánh sáng tỏ, lìa những danh tướng, vốn chẳng có thế giới chúng sanh. Do vọng có sanh, do sanh có diệt, sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân, ấy tức là Vô Thượng Bồ Đề và Đại Niết Bàn, cũng là hai hiệu chuyển y của Như Lai (3)
- A Nan! Nay ngươi muốn tu chân Tam Ma Địa, thẳng đến Đại Niết Bàn, trước hết phải biết hai nhân điên đảo của thế giới và chúng sanh; nếu điên đảo chẳng sanh tức là chân Tam Ma Địa của Như Lai.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Càn Huệ: Là dục ái khô cạn, căn và cảnh chẳng duyên nhau, cái báo thân hiện tiền này chẳng còn tiếp tục sinh nữa, giữ tâm rỗng sáng, thuần là trí huệ; tính trí huệ sáng suốt chiếu mười phương cõi; chỉ có cái huệ khô cạn ấy, gọi là Càn Huệ Địa.

(2) 40 loại Tâm: Là 40 loại tâm sở, gồm: Biến hành có 5 Tâm sở, Biệt cảnh có 5, Phiền não có 6, Tùy phiền não có 20, Bất định có 4. Như tham sân, si, mạn, nghi, ác kiến, ganh tị, lười biếng, v.v... (Xin coi giải thích chi tiết nơi Đoạn 1, Mục 1, Kinh Văn 4).

(3) Hai hiệu chuyển y của Như Lai: Gồm: Chuyển vọng giác thành giác ngộ (Bồ Đề) và chuyển sinh diệt thành Niết Bàn.

 

     Mục 5 của Kinh Văn 13 này, do Tôn giả A Nan Đà thỉnh cầu Đức Phật giảng làm sao để căn và cảnh chẳng dính mắc nhau (duyên nhau), dứt ái dục, thân không còn tái sinh, tâm được rỗng sáng chiếu soi? Tu đến chỗ nào được gọi là bậc Bồ Tát Sơ địa và thế nào được gọi là bậc Bồ Tát Đẳng Giác?

     Đức Phật dạy: “- A Nan nên biết! Diệu tánh sáng tỏ, lìa những danh tướng, vốn chẳng có thế giới chúng sanh. Do vọng có sanh, do sanh có diệt, sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân, ấy tức là Vô Thượng Bồ Đề và Đại Niết Bàn, cũng là hai hiệu chuyển y của Như Lai” Nghĩa là tự tính vốn trong lặng sáng tỏ, không tên gọi, không hình tướng (lià danh, tướng), nên chẳng có gì gọi là thế giới và chúng sinh cả. Nhưng vì nơi Tâm trông mong kỳ vọng (vọng) tính sáng tỏ, tức là chấp tính sáng tỏ nên từ sáng tỏ ấy phát ra ( sanh) vọng tính, có phát ra (sinh) thì có chấm dứt (diệt). Sinh diệt gọi là vọng, diệt vọng thì thành chân gọi là giác ngộ, giải thoát (Bồ Đề, Niết Bàn); đây gọi là chuyển cái biết sai lầm (vọng giác) thành cái biết chân thật (Bồ Đề) và chuyển sinh diệt thành không sinh không diệt (Hai hiệu chuyển y của Như Lai).

 

1. ĐIÊN ĐẢO VỌNG CHẤP

    VỀ CHÚNG SANH:

- A Nan! Sao gọi là Chúng Sanh Điên Đảo?

     Do tánh sáng tỏ nơi Tâm, vì chấp tánh sáng tỏ, nên từ sáng tỏ ấy phát ra vọng tánh; tánh vọng thì kiến chấp (1) sanh khởi, từ bổn lai vô, thành cứu cánh hữu. Cái năng hữu sở hữu này, chẳng có tướng năng nhân sở nhân và năng trụ sở trụ, trọn chẳng nguồn gốc. Từ chỗ vô trụ này, kiến lập thế giới và chúng sanh.
- Vì mê cái bổn tâm sáng tỏ, nên sanh ra hư vọng, tánh vọng chẳng tự thể, chẳng có chỗ nương tựa; toan muốn trở về chân, thì cái "muốn chân" ấy, đã chẳng phải là chân tánh của Chân Như. Chẳng chân mà cầu trở về chân, rõ ràng thành phi tướng, phi sanh phi trụ, phi tâm phi pháp, xoay vần phát sanh, sanh mãi không thôi, huân tập thành nghiệp, đồng nghiệp cảm nhau, do sự cảm nghiệp, nên có tương diệt tương sanh, do đó thành chúng sanh điên đảo.


GIẢI NGHĨA:

 (1) Kiến chấp: Chỉ những quan điểm, định kiến sai lầm, cố chấp và vướng mắc vào chỗ thấy biết hiện có của mình, cho đó là tuyệt đối và không chấp nhận mọi quan điểm khác. Do kiến chấp mà người ta không thể nhận biết Chính pháp.

Có 62 kiến chấp gồm: Tứ cú x Ngũ uẩn = 20; 20 x Tam thế (3 thời) = 60; 60 + hữu vô = 62. Tất cả kiến chấp đều chẳng ra ngoài 62 kiến này. Như chấp sắc là có, là không, là chẳng có chẳng không, là cũng có cũng không; hoặc quá khứ không, hiện tại có, vị lai không, hoặc quá khứ có, hiện tại có, vị lai không, hoặc tam thế đều có, hoặc tam thế đều không v.v...

 

     Đức Phật giảng: “Do tánh sáng tỏ nơi Tâm, vì chấp tánh sáng tỏ, nên từ sáng tỏ ấy phát ra vọng tánh; tánh vọng thì kiến chấp sanh khởi, từ bổn lai vô, thành cứu cánh hữu. Cái năng hữu sở hữu này, chẳng có tướng năng nhân sở nhân và năng trụ sở trụ, trọn chẳng nguồn gốc. Từ chỗ vô trụ này, kiến lập thế giới và chúng sanh”. Nghĩa là do chấp tính biết trong tâm (tánh sáng tỏ) nên tính biết này sinh ra (phát ra) tính vọng, bản nguyên lai chẳng có gì (bổn lai) do tính vọng này sinh khởi kiến chấp thành có (cứu cánh hữu). Mà cái có và nơi chỗ có của hình trạng chẳng có nguyên nhân nguồn gốc chỗ dựa nào cả; từ nơi không chỗ nương tựa này lập thành thế giới và chúng sinh.

     Ngài giảng tiếp: “- Vì mê cái bổn tâm sáng tỏ, nên sanh ra hư vọng, tánh vọng chẳng tự thể, chẳng có chỗ nương tựa; toan muốn trở về chân, thì cái "muốn chân" ấy, đã chẳng phải là chân tánh của Chân Như. Chẳng chân mà cầu trở về chân, rõ ràng thành phi tướng, phi sanh phi trụ, phi tâm phi pháp, xoay vần phát sanh, sanh mãi không thôi, huân tập thành nghiệp, đồng nghiệp cảm nhau, do sự cảm nghiệp, nên có tương diệt tương sanh, do đó thành chúng sanh điên đảo”. Nghĩa là do tính biết bị kiến chấp làm cho mơ hồ lầm lẫn (), nên sinh ra ảo vọng (hư vọng), tính vọng thì không có nguyên chất nguồn gốc (tự thể), nên không có chỗ dựa (nương tựa); muốn trở về chân thì chẳng thể được. Vì vậy cho nên cầu chân thì chẳng phải là chân tâm chân pháp, chẳng phải là thật sinh thật tướng thật trụ. Cứ như thế xoay vần phát sinh ra mãi mãi không ngưng, lâu dần thành nhiễm ô (huân tập) gây nghiệp, cùng ý thì cảm mến nhau, khác ý thì xa lià nhau, sinh ra yêu ghét, do đó thành chúng sinh điên đảo.


2. ĐIÊN ĐẢO VỌNG CHẤP VỀ THẾ GIỚI:

 - A Nan! Sao gọi là Thế Giới Điên Đảo?

     Do năng hữu sở hữu phân đoạn vọng sanh (phân đoạn sanh tử), từ đó an lập Giới (Không gian); từ chỗ chấp năng nhân sở nhân, năng trụ sở trụ, dời đổi chẳng ngừng, nên vọng lập Thế (Thời gian). Tam thế tứ phương hòa hợp lẫn nhau, chúng sanh biến hóa thành 12 loài.
- Vì giác tri của chúng sanh, nên trong thế giới, do động có thanh, do thanh có sắc, do sắc có hương, do hương có xúc, do xúc có vị, do vị biết pháp, sáu thứ vọng tưởng nhiễu loạn thành nghiệp tánh, nương theo tướng điên đảo luân chuyển này mà có 12 loài: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng, lưu chuyển chẳng ngừng.
l. A Nan! Bởi do thế giới có hư vọng luân hồi, điên đảo về động, hòa hợp thành khối, vọng tưởng thăng trầm, vì thế nên có loài noãn sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như loài cá, chim, rùa, rắn, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
2. Bởi do thế giới có tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về dục, hòa hợp thành sanh, vọng tưởng ngang dọc, vì thế nên có loài thai sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như người, súc, rồng, tiên, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
3. Bởi do thế giới có chấp trước luân hồi, hướng về điên đảo, hòa hợp thành noãn (hơi ấm), vọng tưởng lăng xăng, vì thế nên có loài thấp sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như loài côn trùng, sâu bọ, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
4. Bởi do thế giới có biến dịch luân hồi, điên đảo về giả, hòa hợp thành xúc, vọng tưởng mới cũ, vì thế nên có loài hóa sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như loài thối xác phi hành, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
5. Bởi do thế giới có ngăn ngại luân hồi, điên đảo về chướng, hòa hợp thành trước, vọng tưởng tinh sáng, vì thế nên có loài hữu sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như tất cả thần vật tinh sáng, đều hay dự đoán sự kiết hung, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
6. Bởi do thế giới có tiêu tán luân hồi, điên đảo về mê hoặc, hòa hợp thành ám (ám muội), vọng tưởng u ẩn, vì thế nên có loài vô sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như cõi vô Sắc và Thần Hư Không, cho đến quỷ mị u ẩn, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
7. Bởi do thế giới có mường tượng luân hồi, điên đảo về ảnh, hòa hợp thành nhớ, vọng tưởng thầm kết, vì thế nên loài hữu tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, như loài thần quỷ tinh linh, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
8. Bởi do thế giới có ngu độn luân hồi, điên đảo về si, hòa hợp thành ngu, vọng tưởng khô khan, vì thế nên có loài vô tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, tinh thần hóa ra đất, gỗ, kim thạch, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
9. Bởi do thế giới có đối đãi luân hồi, điên đảo về ngụy, hòa hợp thành nhiễm, vọng tưởng ỷ nhờ, vì thế nên có loài phi hữu sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như loài thủy mẫu, lấy tôm làm mắt, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
10. Bởi do thế giới có dẫn dụ luân hồi, điên đảo về tánh, hòa hợp thành chú, vọng tưởng kêu gọi, vì thế nên có loài phi vô sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như loài chú nguyền rủa, yêu mị, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
11. Bởi do thế giới có hợp vọng luân hồi, điên đảo về mường tượng, hòa hợp thành dị, vọng tưởng xoay vòng, vì thế nên có loài phi hữu tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, như loài tò vò, hay bắt con vật khác làm con mình, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
12. Bởi do thế giới có oán hại luân hồi, điên đảo về sát (hại), hòa hợp thành quái, vọng tưởng ăn thịt cha mẹ, vì thế nên có loài phi vô tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, như con thổ cưu và chim phá kính, ôm trái cây độc làm con, khi con lớn lên thì ăn luôn cả cha mẹ, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới. Ấy gọi là mười hai loại chúng sanh.

GIẢI NGHĨA:

 

      Đức Phật giảng về Thế Giới như sau: “Do năng hữu sở hữu phân đoạn vọng sanh, từ đó an lập Giới; từ chỗ chấp năng nhân sở nhân, năng trụ sở trụ, dời đổi chẳng ngừng, nên vọng lập Thế. Tam thế tứ phương hòa hợp lẫn nhau, chúng sanh biến hóa thành 12 loài”. Nghĩa là do có cái Có (năng hữu sở hữu) nên có cái Không thành ra phân đoạn sinh tử (phân đoạn vọng sinh), từ đó an lập Không gian (Giới); lại từ chấp nhân duyên chỗ duyên (năng nhân sở nhân), từ dính mắc chấp thật (năng trụ sở trụ), như thế dời đổi không ngừng, nên vọng lập Thời gian (Thế). Do qúa khứ hiện tại tương lai (Tam thế) và Đông Tây Nam Bắc (Tứ phương) hòa hợp lẫn nhau, chúng sinh biến hóa thành 12 loài.
     Tức là thấy Thế Giới là do thấy vọng phân biệt của con người nương vào các pháp "duyên sinh như huyễn". Khi đã đánh giá hiện tượng vạn pháp là thật thì dĩ nhiên đánh giá ngắn dài, rộng hẹp, cao thấp… của vạn pháp là thật; do vậy mà khái niệm "Không gian" được lập ra. Nghĩa là khi nhận thức hiện tượng vạn pháp là thật thì cũng nhận thức rằng chúng luôn luôn vận động theo quá trình sinh tử, thành diệt. Khái niệm "Thời gian" được con người tạo lập, do vậy, hiện tượng vạn pháp chỉ là cái nhận thức điên đảo về Thế Giới mà thôi!

     Ngài giảng tiếp: “- Vì giác tri của chúng sanh, nên trong thế giới, do động có thanh, do thanh có sắc, do sắc có hương, do hương có xúc, do xúc có vị, do vị biết pháp, sáu thứ vọng tưởng nhiễu loạn thành nghiệp tánh, nương theo tướng điên đảo luân chuyển này mà có 12 loài: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng, lưu chuyển chẳng ngừng”. Nghĩa là vì cảm biết (giác tri) của chúng sinh, nên trong Thế Giới, do động có âm thanh, do thanh có sắc vì âm thanh phát ra từ một vật, do sắc có hương, do hương có xúc, do xúc có vị, do vị biết pháp, sáu thứ vọng tưởng nhiễu loạn thành nghiệp tính, nương theo tướng điên đảo luân chuyển này mà có 12 loài: Noãn sinh, Thai sinh, Thấp sinh, Hóa sinh, Hữu sắc, Vô sắc, Hữu tưởng, Vô tưởng, hoặc Phi hữu sắc, hoặc Phi vô sắc, hoặc Phi hữu tưởng, hoặc Phi vô tưởng, lưu chuyển chẳng ngừng. Mười hai loại chúng sinh trong Thế Giới cũng chỉ là những hiện tượng "Duyên sinh như huyển", duyên thì trùng trùng vô tận, Thế Giới thì vô thỉ vô chung.
      Đức Phật đã thực hiện thành công hai pháp chuyển y là: chuyển phiền não thành Bồ đề, và chuyển sinh tử thành Niết bàn, mà không cần cầu nguyện van xin. Để đạt "Tam ma đề" cũng chỉ là làm cho "điên đảo" không sinh thì ngay đó là "Tam ma đề" vậy.


(QUYỂN 7 HẾT)

 

 

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]