Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 16: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

19/01/201619:00(Xem: 4631)
Bài 16: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

9). SIÊU ĐỘ VONG LINH

- Lại nữa, này Bồ Tát Phổ Quảng! Như những chúng sanh đời sau, hoặc trong giấc ngủ, hoặc trong chiêm bao thấy các hạng Quỉ, Thần nhẫn đến các hình lạ, rồi hoặc buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc rầu rĩ, hoặc than thở,hoặc hãi hùng, hoặc sợ sệt....

Đó đều là vì hoặc cha mẹ, con em, hoặc chồng vợ, quyến thuộc trong một đời, mười đời, hay, trăm đời nghìn đời về thuở quá khứ bị đọa lạc vào ác đạo chưa được ra khỏi, không biết trông mong vào phước lực nơi nào để cứu vớt nỗi khổ não, nên mới về mách bảo với người có tình cốt nhục trong đời trước cầu mong làm phương tiện gì để hầu được thoát khỏi ác đạo.

Này Phổ Quảng! Ông nên dùng sức oai thần, khiến hàng quyến thuộc đó đối trước hình tượng của chư Phật, chư Bồ Tát chí tâm tự đọc kinh này, hoặc thỉnh người khác đọc đủ số ba biến hoặc đến bảy biến.

Như vậy kẻ quyến thuộc đương mắc trong ác đạo kia, khi tiếng tụng kinh đủ số mấy biến đó xong sẽ đặng giải thoát, cho đến trong khi mơ ngủ không còn thấy hiện về nữa.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn 9, Kinh nói: “Như những chúng sanh đời sau, hoặc trong giấc ngủ, hoặc trong chiêm bao thấy các hạng Quỉ, Thần nhẫn đến các hình lạ, rồi hoặc buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc rầu rĩ, hoặc than thở, hoặc hãi hùng, hoặc sợ sệt.... Đó đều là vì hoặc cha mẹ, con em, hoặc chồng vợ, quyến thuộc trong một đời, mười đời, hay, trăm đời nghìn đời về thuở quá khứ bị đọa lạc vào ác đạo chưa được ra khỏi, không biết trông mong vào phước lực nơi nào để cứu vớt nỗi khổ não, nên mới về mách bảo với người có tình cốt nhục trong đời trước cầu mong làm phương tiện gì để hầu được thoát khỏi ác đạo”, đoạn Kinh này Đức Phật nói rất rõ dễ hiểu, đúng nghĩa như vậy, không có gì phải giải thích.

     Này Phổ Quảng! Ông nên dùng sức oai thần, khiến hàng quyến thuộc đó đối trước hình tượng của chư Phật, chư Bồ Tát chí tâm tự đọc kinh này, hoặc thỉnh người khác đọc đủ số ba biến hoặc đến bảy biến”. Những ai muốn đừng còn thấy trong chiêm bao thấy các hạng Quỉ, Thần cho đến các hình lạ, đó đều là hoặc cha mẹ, con em, hoặc chồng vợ, quyến thuộc trong nhiều đời về thuở quá khứ bị đọa lạc vào cõi Ngạ qủy (ác đạo) chưa được ra khỏi. Hoặc là muốn đừng thấy vong linh cha mẹ, anh em, bà con đời này hiện về trong giấc mộng buồn rầu, kêu khóc vì đang bị tội khổ, thì nên vì những qủy thần vong linh ấy mà tụng từ ba đến bảy biến Kinh Địa-Tạng, thì người chết sẽ được thoát khổ, còn người đọc sẽ hết chiêm bao.

     Ở đây có một điểm cần ghi nhớ là người đọc tụng phải là người có tâm thiện, có tu hành, có tâm thanh tịnh, có tâm từ bi hỉ xả, thì mới đủ lực hướng dẫn lời Kinh đến các qủy thần và vong linh. Từ đó họ nhận hiểu được lời Kinh mà ăn năn hối cải chuyển đổi từ tâm ác sang tâm thiện; như thế họ sẽ được lợi ích thoát khỏi cõi khổ ấy để tới cõi tốt đẹp hơn, do đó mà người tụng đọc sẽ hết chiêm bao thấy cảnh đó nữa. Nếu người đọc tụng Kinh này không tu hành gì cả, thân miệng ý vẫn còn nhiều thói hư tật xấu của tham sân, tà kiến, tật đố, ganh tị v. v…, thì dù có tụng nhiều biến cũng khó có hiệu qủa.

10). KHỎI NÔ LỆ

- Lại nữa, này Phổ Quảng! Như đời sau này có những hạng người hạ tiện, hoặc tớ trai, hoặc tớ gái nhẫn đến những kẻ không được quyền tự do, rõ biết là do tội nghiệp đời trước gây ra cần phải sám hối đó, thời nên chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát.

Rồi trong bảy ngày niệm danh hiệu của Địa-Tạng Bồ Tát đủ một muôn biến.

Những người trên đó sau khi mãn báo thân hạ tiện ở hiện đời trong nghìn muôn đời về sau thường sanh vào bực tôn quí, trọn không bao giờ còn phải sa đọa vào ba đường ác khổ nữa.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn 10, Kinh nói: “Như đời sau này có những hạng người hạ tiện, hoặc tớ trai, hoặc tớ gái nhẫn đến những kẻ không được quyền tự do, rõ biết là do tội nghiệp đời trước gây ra cần phải sám hối đó”. Nghĩa là những người thấy khổ vì ở trong cảnh bần cùng tôi tớ, cảm thấy khổ vì bị tù tội mất tự do, mà biết do tội xưa nên nay bị qủa báo nghèo hèn, biết tội kiếp trước nên ngày nay bị qủa báo giam cầm, rồi biết sám hối tội lỗi đã gây ra.

    Câu Kinh: “Thời nênchí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát”, nghĩa là những người này sau khi sám hối rồi thì nên nhiệt tâm suy tư về các tâm ác và tâm thiện để hiểu rằng nếu có tâm ác thì sẽ dẫn tới khổ sở. Bởi vậy cho nên cần phải diệt trừ tâm ác, và nuôi dưỡng tâm thiện, bằng cách cố gắng làm các việc thiện từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm; được như vậy thì chắc chắn đời này sẽ dần dần khá hơn lên và các đời sau được sinh trong cảnh giàu sang tự do.

     “Rồi trong bảy ngày niệm danh hiệu của Bồ Tát Địa-Tạng đủ một muôn biến”: Nghĩa là niệm liên tục không ngưng nghỉ thì sẽ đưa tâm vào nhất tâm thanh tịnh, đây là một lối tu để đạt tâm định (Tam muội), khi đã có định tĩnh bất loạn rồi thì trí tuệ sinh và như vậy sẽ dẫn tới giải thoát. Được giải thoát rồi thì trọn không bao giờ còn phải sa đọa vào ba đường khổ nữa; chứ chẳng phải niệm Bồ Tát Địa Tạng để Ngài phù hộ cho khỏi khổ đâu mà lầm to đó.

11). SINH CON DỄ NUÔI

- Lại vầy nữa, này Bồ Tát Phổ Quảng! Về trong thuở sau này, nơi cõi Diêm Phù Đề, trong hàng Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, tất cả các hạng người, và những dân tộc dòng họ khác, như có người nào mới sinh đẻ hoặc con trai hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sinh ra đó mà tụng niệm kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đủ một muôn biến.

Được vậy thời đứa trẻ hoặc trai hay là gái mới sanh ra đó, nếu đời trước nó có gây ra tội vạ chi cũng đặng thoát khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu.

Còn như nó là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thời đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn 11 là một ẩn nghĩa: “Trong thuở sau này, nơi cõi Diêm Phù Đề, trong hàng Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, tất cả các hạng người, và những dân tộc dòng họ khác, như có người nào mới sinh đẻ hoặc con trai hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sinh ra đó mà tụng niệm kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đủ một muôn biến”.Ở đây, sinh con trai, sinh con gái biểu trưng cho phát tâm công đức giải thoát, nghĩa là từ hàng vua quan, hàng giàu có, đến hàng thường dân, những người này vì việc muốn phát tâm tu công đức giải thoát khỏi khổ, mà trong bảy ngày, quyết tâm, chú tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Tức là người đã giữ Năm giới đầy đủ rồi, không nghĩ tới tham sân tà kiến, không kiêu mạn tật đố ganh tị v.v… mà niệm liên tục không ngưng nghỉ suốt ngày đêm 24/24 giờ liên tiếp trong suốt 7 ngày, thì sẽ đạt nhất tâm thanh tịnh, đây là một lối tu Tam muội; khi đã có định tĩnh (Tam muội) rồi thì trí tuệ sinh và như vậy sẽ dẫn tới giải thoát.

     “Được vậy thời đứa trẻ hoặc trai hay là gái mới sanh ra đó, nếu đời trước nó có gây ra tội vạ chi cũng đặng thoát khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu. Còn như nó là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thời đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn”.Khi được giải thoát rồi thì dù đời trước có gây ra tội vạ chi cũng được thoát khỏi cả, nói chi việc sẽ an ổn vui vẻ và sống lâu. Còn như người đời trước đã có tu, mà đời này tu tiếp thì càng dễ dàng hơn và càng được an vui và sống lâu hơn nữa.

(Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]