Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 15: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

15/01/201621:23(Xem: 4674)
Bài 15: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

7). KHINH CHÊ TỘI LỖI

- Lại nữa này Bồ Tát Phổ Quảng! Trong đời sau, như có người ác và ác thần, ác quỉ nào thấy kẻ thiện nam, người thiện nữ quy y cung kính, cúng dường ngợi khen chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng không có sự lợi ích, hoặc nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng hay chê trước mặt, hoặc khuyên bảo người khác cùng chê, hoặc khuyên bảo một người cùng chê hay nhiều người cùng chê, cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm.

Thời những kẻ như thế đến sau khi một nghìn Đức Phật trong Hiền-Kiếp nhập diệt cả, bị tội báo khinh chê nên còn ở trong địa ngục A-Tỳ chịu khổ rất nặng.

Qua khỏi Hiền-Kiếp này mới được thọ thân ngạ quỉ, rồi mãi đến một nghìn kiếp sau mới thọ thân súc sanh; lại phải trải qua đến một nghìn kiếp nữa mới đặng sanh làm người.

Dầu được làm người nhưng ở vào hạng bần cùng hèn hạ tật nguyền thiếu sứt, hay bị những nghiệp ác ràng buộc vào thân, không bao lâu phải sa đọa vào ác đạo nữa.

Này Phổ Quảng! Khinh chê người khác cúng dường mà còn mắc phải tội báo xấu khổ như thế, huống nữa là tự sanh ác kiến mà khinh chê phá diệt!

GIẢI NGHĨA

     Đoạn thứ 7 đại ý Kinh nói: Ai thấy người khác tán thán cúng dường hình tượng Địa-Tạng mà hủy báng, chê cười, bảo người khác hay cùng người khác hủy báng chê cười, người ấy sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ, chịu vô lượng cực khổ; nếu có thọ sinh, thì sẽ sinh lâu dài vào Ngạ quỉ, Súc sinh, hay người hèn hạ khổ sở. Ở đây chúng ta phải hiểu biểu trưng của Kinh như trên đã giải nghĩa là việc vẽ hình tạc tượng Địa Tạng rồi cung kính cúng dường với ý nghĩa là tu hành dứt tất cả tâm xấu ác để cho Tâm Phật hiển lộ thì mới đúng với ý Phật. Chứ không phải với sự “quy y, cung kính, cúng dường, ngợi khen, chiêm ngưỡng, đảnh lễ hình tượng của ngài Địa Tạng” với tâm cầu xin Bồ Tát phù hộ cứu khỏi tội địa ngục. Nếu người nào đã được đọc hay nghe chỉ bảo theo nghĩa thật này rồi mà còn hủy báng chê cười, bảo người khác hay cùng người khác hủy báng chê cười thì chắc chắn người này đã hủy hại phá bỏ hạt giống tâm Phật của mình, do đó sẽ bị khổ là hiển nhiên như Kinh nói vậy.

     Đức Phật nói: “Thời những kẻ như thế đến sau khi một nghìn Đức Phật trong Hiền-Kiếp nhập diệt cả, bị tội báo khinh chê nên còn ở trong địa ngục A-Tỳ chịu khổ rất nặng”. Đức Phật cho biết: Sau khi Bồ Tát Di Lặc thành Phật rồi nhập Niết Bàn, thì những kiếp liên tiếp sau đó sẽ có 1000 vị Bồ Tát thành Phật; nghĩa là trong khoảng nửa Đại Kiếp sau (1,343,840,000 / 2 = 671,420,000 năm) của Đại Kiếp này (Hiền Kiếp) sẽ có một nghìn vị Phật ra đời ở cõi Ta Bà của chúng ta này. Người khinh chê Phật, khinh chê giáo Pháp của Phật, khinh chê Tăng đoàn, sẽ bị đọa địa ngục, sau khi một nghìn vị Phật nhập Niết Bàn rồi người bị tội báo ấy cũng vẫn chưa được ra khỏi Địa ngục, với thời gian gần bảy trăm triệu năm bị đọa địa ngục như thế thì có khủng khiếp không?!.

     Đức Phật nói tiếp: “Qua khỏi Hiền-Kiếp này mới được thọ thân ngạ quỉ, rồi mãi đến một nghìn kiếp sau mới thọ thân súc sanh; lại phải trải qua đến một nghìn kiếp nữa mới đặng sanh làm người”. Nghĩa là qua khỏi Đại Kiếp này mới được ra khỏi địa ngục và được tái sinh làm loài Ma Qủy và sau 1000 đời làm Ma Qủy mới được tái sinh làm loài Súc Vật; lại phải làm loài Súc Vật 1000 đời rồi mới được tái sinh làm Người.

     Ngài nói tiếp: “Dầu được làm người nhưng ở vào hạng bần cùng hèn hạ tật nguyền thiếu sứt, hay bị những nghiệp ác ràng buộc vào thân, không bao lâu phải sa đọa vào ác đạo nữa”. Ở đây chúng ta thấy có biết bao nhiêu người sinh ra trong gia đình nghèo khổ phải chịu biết bao sự khổ sở trong đời sống, vì một số lớn những người này không được biết đến Phật pháp nên không hiểu sự nghèo khổ là do nhân đã gây ra từ những kiếp trước, mà chỉ giữ lòng sân hận căm thù rồi tạo nghiệp ác để rồi lại bị trầm luân vào cảnh khổ mà không biết.

     Đức Phật nhấn mạnh: “Này Phổ Quảng! Khinh chê người khác cúng dường mà còn mắc phải tội báo xấu khổ như thế, huống nữa là tự sanh ác kiến mà khinh chê phá diệt!”Nghĩa là khinh chê người tu hành (cúng dường) mà còn bị tội như thế, huống hồ những người khởi lòng ác khinh chê tiêu diệt Phật Pháp Tăng, thì hậu qủa làm sao mà tả hết được!

8). TIÊU DIỆT TỘI CHƯỚNG

- Lại nữa, này Bồ Tát Phổ Quảng! Trong đời sau, như có người nam, người nữ nào đau nằm liệt mãi trên giường gối, cầu sống hay muốn chết cũng đều không được. Hoặc đêm nằm chiêm bao thấy quỉ dữ cho đến kẻ thân thích trong nhà, hoặc thấy đi trên đường nguy hiểm hoặc bị bóng đè, hoặc với quỉ thần cùng đi.

Trải qua nhiều tháng nhiều năm, đến đỗi thành bịnh lao, bịnh bại... Trong giấc ngủ kéo dài kêu réo thê thảm sầu khổ. Đây đều bị nơi nghiệp đạo luận đối chưa quyết định là khinh hay trọng, nên hoặc là khóc hết, hoặc là khó lành.

Mắt phàm tục của kẻ nam, người nữ không thể biện rõ việc đó, chỉ phải nên đối trước tượng của chư Phật Bồ Tát, to tiếng mà đọc tụng kinh này một biến.

Hoặc lấy những món vật riêng của người bịnh thường ưa tiếc, như y phục, đồ quí báu, nhà cửa ruộng vường v.v... đối trước người bịnh cất tiếng lớn mà xướng lên rằng:

“Chúng tôi tên đó họ đó, nay vì người bịnh này đối trước kinh tượng đem những của vật này hoặc cúng dường kinh tượng, hoặc tạo hình tượng của Phật Bồ Tát, hoặc xây dựng chùa tháp, hoặc sắm đèn dầu thắp cúng, hoặc cúng vào của thưòng trụ”.

Xướng lên như vậy ba lần để cho người bịnh được nghe biết, giả sử như thần thức của người bịnh đã phân tán đến hơi thở đã dứt, thời hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, cứ lớn tiếng xướng bạch như trên và lớn tiếng tụng kinh này.

Sau khi người bịnh đó mạng chung thời thời dầu cho từ trước có tội vạ nặng nhẫn đến năm tội Vô-Gián, cũng được thoát khỏi hẳn, thọ sanh vào đâu cũng thường nhớ biết việc đời trước.

Huống nữa là người thiện nam, người thiện nữ nào tự mình biên chép kinh này, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát, cho đến bảo người khác vẽ đắp, người đó khi thọ quả báo chắc đặng nhiều lợi lớn.

Này Bồ Tát Phổ Quảng! Vì thế nên, nếu ông thấy có người nào đọc tụng kinh này, cho đến chỉ trong một niệm khen ngợi kinh này, hoặc là có lòng cung kính đối với kinh, thời ông cần phải dùng trăm nghìn phương chước khuyến hóa người đó, phát lòng siêng năng chớ đừng thối thất, thời có thể được trăm nghìn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn thứ 8, câu Kinh đầu nói: “Trong đời sau, như có người nam, người nữ nào đau nằm liệt mãi trên giường gối, cầu sống hay muốn chết cũng đều không được; hoặc đêm nằm chiêm bao thấy quỉ dữ cho đến kẻ thân thích trong nhà, hoặc thấy đi trên đường nguy hiểm hoặc bị bóng đè, hoặc với quỉ thần cùng đi”. Đây là lúc nghiệp lực phát tác, người bệnh đang bắt đầu chiêm bao thấy các cảnh của cõi Ngạ qủy Địa ngục, như thấy qủy hay người thân đã chết từ trước, hoặc thấy những cảnh nguy hiểm sợ hãi như lửa cháy dữ dội, nước tràn ngập, thú dữ đuổi, v.v…; tất cả đều do nghiệp lực dữ biến hiện mà có.

     “Trải qua nhiều tháng nhiều năm, đến đỗi thành bịnh lao, bịnh bại... Trong giấc ngủ kéo dài kêu réo thê thảm sầu khổ; đây đều bị nơi nghiệp đạo luận đối chưa quyết định là khinh hay trọng, nên hoặc là khóc hết, hoặc là khó lành”.Nghĩa là bị bệnh phải nằm liệt giường, lâu ngày sinh ra nhiều bệnh khác, nên tình trạng càng ngày càng trầm trọng hơn lên; đó là do nghiệp lực dữ nhưng chưa dứt khoát rõ ràng mà người ấy sẽ phải nhận lãnh tái sinh về cõi xấu nào.

     “Mắt phàm tục của kẻ nam, người nữ không thể biện rõ việc đó, chỉ phải nên đối trước tượng của chư Phật Bồ Tát, to tiếng mà đọc tụng kinh này một biến”. “Trước tượng Chư Phật Bồ Tát”, nghĩa là tất cả kẻ phàm không học Phật pháp sẽ không hiểu rõ lý nhân qủa, nên việc cần làm là ăn năn sám hối tội lỗi đã làm chồng chất. Tụng Kinh một lần (một biến) ở đây là để hiểu nghĩa lý sâu xa của nghiệp báo nhân qủa mà sám hối, dứt tâm ác, quy về tâm thiện thì sẽ có lợi ích lớn, chứ chẳng phải tụng Kinh để cầu xin hết nghiệp khỏi bệnh đâu mà lầm.

     Đoạn kế của Kinh nói: “Hoặc lấy những món vật riêng của người bịnh thường ưa tiếc, như y phục, đồ quí báu, nhà cửa ruộng vườn v.v...”, đây là những tài sản sở hữu (cái của ta) đối với cái ngã (cái ta) của người bệnh.Đối trước người bịnh cất tiếng lớn mà xướng lên”, nghĩa là trước mặt người bệnh, nói thay cho người bệnh mà tuyên bố, đây là để người bệnh ý thức rõ ràng. Rằng: “Chúng tôi tên đó họ đó, nay vì người bịnh này đối trước kinh tượng đem những của vật này hoặc cúng dường kinh tượng”, nghĩa là trước hình tượng Phật Bồ Tát, hứa không lưu luyến cái thân đau khổ không thật, không luyến tiếc của cải tài sản vô thường.

     “Hoặc tạo hình tượng của Phật Bồ Tát” nghĩa là ý thức không còn bị cái thân giả tạm và của cải hư ảo lôi kéo dính mắc để tâm được giải thoát (Phật Bồ Tát), “hoặc xây dựng chùa tháp” là ý thức tạo công đức tạo ra nơi hành hóa giáo hóa chúng sinh; “hoặc sắm đèn dầu thắp cúng, hoặc cúng vào của thưòng trụ” là ý thức mong muốn đạt trí tuệ (thắp đèn dầu) để làm lợi ích Tam Bảo (của thường trụ).

    “Xướng lên như vậy ba lần để cho người bịnh được nghe biết, giả sử như thần thức của người bịnh đã phân tán đến hơi thở đã dứt, thời hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, cứ lớn tiếng xướng bạch như trên và lớn tiếng tụng kinh này, nghĩa là nói nhiều lần như trên để nhắc nhở người bệnh hướng tâm và giữ tâm ý như thế; nếu người bệnh đã qua đời rồi, cũng nên thường xuyên nhắc đi nhắc lại như thế cho đến bảy ngày mới ngưng.

     “Sau khi người bịnh đó mạng chung thời dầu cho từ trước có tội vạ nặng nhẫn đến năm tội Vô-Gián, cũng được thoát khỏi hẳn, thọ sanh vào đâu cũng thường nhớ biết việc đời trước”. Nói bố thí cúng dàng về Sự, phải do chính người bệnh phát tâm làm thì mới được hưởng trọn vẹn, còn người khác làm giùm thì chỉ hưởng được phần nào phúc đức thôi. Cái chính là về Lý, người bệnh đó phải dứt tất cả tâm chúng sinh, nghĩa là phải dứt tâm sợ chết, tâm yêu thương luyến tiếc mọi thứ ở đời, tâm sân hận giận thù từ bao lâu về trước, v.v…. Tất cả những thứ đó và nhiều thứ khác nữa đều là tâm lậu hoặc xấu xa, đều là tâm chúng sinh, cần phải tiêu diệt dứt bỏ sạch sẽ, để đạt tâm thanh tịnh trong lúc lâm chung thì mới mong có hiệu ứng vậy.

     Đoạn kế nữa, Kinh nói: “Huống nữa là người thiện nam, người thiện nữ nào tự mình biên chép kinh này, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát, cho đến bảo người khác vẽ đắp, người đó khi thọ quả báo chắc đặng nhiều lợi lớn”. Câu Kinh này với biểu trưng rằng người thiện nam hay thiện nữ nào mà đã vẽ hình đắp tượng Địa Tạng nghĩa là miệt mài tu hành diệt tâm chúng sinh, ví như diệt trừ hết tham, sân, ác kiến, kiêu mạn tật đố, ganh ghét, v.v… từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm; rồi lại viết chép, in ấn, giảng nói Kinh này khiến người khác cũng làm giống như thế, thì chắc chắn người này sẽ được lợi ích khó mà nói hết được vậy.

     Câu chót của đoạn 8 này: “Này Bồ Tát Phổ Quảng! Vì thế nên, nếu ông thấy có người nào đọc tụng kinh này, cho đến chỉ trong một niệm khen ngợi kinh này, hoặc là có lòng cung kính đối với kinh”, câu Kinh này đã qúa rõ rằng người nào tụng đọc Kinh này mà hiểu được nghĩa chân thật của Kinh; khen ngợi tôn trọng cung kính, nghĩa là một lòng một dạ tu hành dẹp bỏ tất cả các tâm ô uế điên đảo, phát triển tâm từ bi hỉ xả v.v…, thì Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Phổ Quảng rằng:

     “Thời ông cần phải dùng trăm nghìn phương chước khuyến hóa người đó, phát lòng siêng năng, chớ đừng thối thất, thời có thể được trăm nghìn muôn ức công đức”, tại sao có vô lượng công đức? Vì nếu người ấy tinh tấn không thoái tâm trong việc tu hành, mà hành trì kiên cố tu tâm sửa tánh mình, thì có được hiện tại tốt đẹp như đã nêu ra ở trên và tương lai sẽ có một ngày nào đó đạt tâm thanh tịnh. Tức là dần dần có trí tuệ và sẽ giải thoát, nên Đức Phật nói người đó: “Có thể được trăm nghìn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai” là vậy.

(Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]