Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Chương I: Tương Ưng Chư Thiên

08/02/201107:13(Xem: 5023)
01. Chương I: Tương Ưng Chư Thiên

Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Samyutta Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2537 - 1993


TẬP I - THIÊN CÓ KỆ
[01] Chương I

Tương Ưng Chư Thiên

I. Phẩm Cây Lau

I: Bộc Lưu (S.I,1)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

(Vị Thiên):

Từ lâu, tôi mới thấy
Bà-la-môn tịch tịnh.

Không đứng, không bước tới,

Vượt chấp trước ở đời.
Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Đạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.

II. Giải Thoát (Si.2)

... Ở Sàvatthi. Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả, Ngài có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh không?

-- Này Hiền giả, Ta có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh.

-- Thưa Tôn giả, như thế nào Ngài biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh?

Hỷ, tái sanh đoạn tận,
Tưởng, thức được trừ diệt,

Các thọ diệt, tịch tịnh,

Như vậy này Hiền giả,

Ta biết sự giải thoát,

Thoát ly và viễn ly,

Cho các loại chúng sanh.
III. Đưa Đến Đoạn Tận - (Tạp 36.9. Đại 2,262b. Biệt Tạp 8.7, Đại 2,427b). (S.i,2)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,

Bị dẫn đến già nua,

Không có nơi dừng bước.

Ai đem tâm quán tưởng,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy làm các công đức,

Đưa đến chơn an lạc.
(Thế Tôn):
Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,

Bị dẫn đến già nua,

Không có nơi dừng bước.

Ai đem tâm quán tưởng,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy bỏ mọi thế lợi,

Tâm hướng cầu tịch tịnh.
IV. Thời Gian Trôi Qua(Biệt Tạp 8.8, Đại 2,427b) (S.i,3)

... (Nhân duyên ở (Sàvatthi ), đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thời gian (lặng) trôi qua,
Đêm (ngày luôn) di động,

Tuổi tác buổi thanh xuân,

Tiếp tục bỏ chúng ta.

Những ai chịu quán sát,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy làm các công đức,

Đưa đến (chơn) an lạc.
(Thế Tôn):
(Thời gian lặng) trôi qua,
Đêm (ngày luôn) di động,

Tuổi tác buổi thanh xuân,

Tiếp tục bỏ chúng ta.

Những ai chịu quán sát,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy bỏ mọi thế lợi,

Tâm hướng cầu tịch tịnh.
V. Bao Nhiêu Phải Cắt Đoạn.(S.i,5)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Phải cắt đoạn bao nhiêu,
Phải từ bỏ bao nhiêu,

Tu tập thêm bao nhiêu,

Vượt qua bao trói buộc,

Để được có danh xưng,

Tỷ-kheo vượt bộc lưu?
(Thế Tôn):
Phải cắt đoạn đến năm,
Phải từ bỏ đến năm,

Tu tập thêm năm pháp (lực),

Vượt qua năm trói buộc,

Để được có danh xưng,

Tỷ-kheo "vượt bộc lưu".
VI. Tỉnh Giác(S.i,5)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Có bao pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác?

Có bao pháp tỉnh giác,

Khi pháp khác mê ngủ?

Có bao nhiêu việc làm

Đưa ta đến trần cấu?

Có bao nhiêu việc làm

Khiến ta được thanh tịnh?
(Thế Tôn):
Có năm pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác,

Có năm pháp tỉnh giác,

Khi pháp khác mê ngủ.

Chính có năm việc làm

Đưa ta đến trần cấu,

Chính có năm việc làm

Khiến ta được thanh tịnh.
VII. Không Liễu Tri(S.i,4)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Những ai với các pháp,
Không liễu tri thấu suốt,

Bị hướng dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo.

Họ mê ngủ triền miên,

Họ không có tỉnh giác,

Nay thật đã đến thời,

Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai với các pháp,
Khéo liễu tri sáng suốt,

Không bị dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo,

Họ chứng Chánh đẳng giác.

Họ liễu tri viên mãn,

Trên đường không thăng bằng,

Họ bước thật thăng bằng.
VIII. Mê Loạn(Tạp 22.5, Đại 2,154b. Biệt Tạp 9.5, Đại 2,435c) (S.i,4)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Những ai đối các pháp,
Quá đắm say mê loạn,

Bị hướng dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo,

Họ mê ngủ triền miên,

Họ không có tỉnh giác,

Nay thật đã đến thời,

Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai đối các pháp,
Không đắm say mê loạn,

Không bị dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo,

Họ chứng Chánh đẳng giác.

Họ liễu tri viên mãn,

Trên đường không thăng bằng,

Họ bước thật thăng bằng.
IX. Mong Muốn Kiêu Mạn(Tạp 36.4, Đại 2,261a. Biệt Tạp 8.2, Đại 2,426a) (S.i,4)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Đối vị ưa kiêu mạn,
Ở đây không điều phục,

Không trí tuệ sáng suốt,

Không định tĩnh nhiếp tâm,

Độc thân trú rừng núi,

Sống với tâm phóng dật,

Vị ấy không vượt khỏi,

Sự chi phối ma lực.
(Thế Tôn):
Từ bỏ mọi kiêu mạn,
Tâm tư khéo nhiếp định,

Với tâm khéo tư sát,

Giải thoát mọi phiền trược,

Độc thân trú rừng núi (giới),

Với tâm không phóng dật,

Vị ấy vượt thoát khỏi,

Sự chi phối ma lực.
X. Rừng Núi(Tạp 36.3, Đại 2,260c. Biệt Tạp 8.1, Đại 2,426a) (S.i,5)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống Phạm hạnh,

Một ngày ăn một buổi,

Sao sắc họ thù diệu?
(Thế Tôn):
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,

Sống ngay với hiện tại,

Do vậy, sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,

Nên kẻ ngu héo mòn,

Như lau xanh rời cành.

II. Phẩm Vườn Hoan Hỷ

I. Vườn Hoan Hỷ(Tạp 22.1, Đại 2,153c) (S.i,5) (Tăng 31.9. Tứ Lạc, Đại 2,672b) (Biệt Tạp 9.1, Đại 2,435a)

Như vậy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị Thiên thuộc cõi trời Ba mươi ba, với chúng Thiên nữ vây quanh, du hí ở vườn Hoan Hỷ, thọ hưởng năm thiên dục công đức. Bây giờ, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này:

Chúng không biết đến lạc,
Nếu không thấy Hoan Hỷ,

Chỗ trú cả Trời, Người,

Cõi ba mươi lừng danh.
Được nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, một vị Thiên khác đáp vị Thiên ấy với bài kệ:
Kẻ ngu, sao không biết,
Vị Ứng cúng đã nói:

"Mọi hành là vô thường,

Tự tánh phải sanh diệt,

Sau khi sanh, chúng diệt,

Nhiếp chúng là an lạc."
II. Vui Thích(Tạp 36.12,Đại 2,263a) (S.i,6) (Biệt Tạp 8,11, Đại 2,428a)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Cha đối con vui thích ,
Chủ với bò vui thích,

Người sanh y, vui thích ,

Không sanh y, không vui.
(Thế Tôn):
Cha đối con sầu muộn ,
Chủ với bò sầu muộn,

Người sanh y, sầu muộn,

Không sanh y, không sầu.
III. Không Ai Bằng Con(Tạp 36.14, Đại 2,263b) (S.1,6) (Biệt Tạp 12.19, Đại 2,458c)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thương ai bằng thương con,
Của nào bằng bò nhà,

Sáng nào bằng mặt trời,

Nước nào hơn biển cả.
(Thế Tôn):
Thương ai bằng thương mình,
Của nào bằng lúa gạo,

Sáng nào bằng trí tuệ,

Nước nào hơn mưa rào.
IV. Giai Cấp Sát Đế Lỵ(Tạp 36.15 Sát-lỵ, Đại 2,263b) (S.i,6)
Giữa các hàng hai chân,
Sát-lỵ là tối thắng,

Giữa các loài bốn chân,

Bò đực là tối thắng,

Trong các hàng thê thiếp,

Quý nữ là tối thắng.

Trong các hàng con trai,

Trưởng nam là tối thắng.
(Thế Tôn):
Giữa các loài hai chân,
Chánh giác là tối thắng.

Giữa các loài bốn chân,

Thuần chủng là tối thắng.

Trong các hàng thê thiếp,

Nhu thuận là tối thắng.

Trong các hàng con trai,

Trung thành là tối thắng.
V. Tiếng Động Rừng Sâu (hay Thân tịch tịnh)(S.i,7) (Tạp 50.II, An trú, Đại 2,360b) (Biệt Tạp 16.26, Đại 2,490b)
Nay là thời giữa trưa,
Loài chim nghỉ yên lặng,

Vang động tiếng rừng sâu,

Ta run, ta khiếp sợ.
(Thế Tôn):
Nay là thời giữa trưa,
Loài chim nghỉ yên lặng,

Vang động tiếng rừng sâu,

Ta vui, Ta thích thú.
VI. Ngủ Gục, Biếng Nhác(Tạp 22.23, Đại 2,160a) (S.i,7) (Biệt Tạp 9.15, Đại 2,437c)
Ngủ gục, nhác, ngáp dài,
Không vui, ăn quá độ,

Ở đây, đối chúng sanh,

Thánh đạo không hiển lộ.

Ngủ gục, nhác, ngáp dài,

Không vui, ăn quá độ,

Với tinh tấn, đoạn chúng,

Thánh đạo được thanh tịnh.
VII. Khó Làm (hay Con rùa)(Tạp 22.25, Đại 2,169b) (S.i,7) (Biệt Tạp 9,14, Đại 2,437b)
Khó làm, khó kham nhẫn,
Thiếu trí, hành Sa-môn,

Chỗ kẻ ngu thối đọa,

Chỗ ấy đầy chướng ngại.

Bao ngày hành Sa-môn

Nếu tâm không chế ngự,

Mỗi bước, phải sa đọa,

Nô lệ cho suy tư,

Như rùa rút chân cẳng,

Trong mai rùa của mình.

Vị Tỷ-kheo cũng vậy,

Thâu nhiếp mọi suy tư,

Không tham dính vật gì,

Không làm hại người nào,

Hoàn toàn thật tịch tịnh,

Không chỉ trích một ai.
VIII. Tàm Quý(S.i,7)
Người được tàm chế ngự,
Tìm được ai ở đời?

Ai biết ngăn chỉ trích,

Như ngựa hiền bóng roi.

Người được tàm chế ngự,

Sống thường thường chánh niệm,

Vị ấy đạt kết quả,

Khổ đau được đoạn tận,

Bước những bước thăng bằng,

Trên đường không thăng bằng.
IX. Am Tranh(S.i.8)
Ngài không có am tranh,
Ngài không có tổ ấm,

Ngài không có dây giăng,

Ngài thoát khỏi hệ phược.
(Thế Tôn):
Ta không có am tranh,
Ta không có tổ ấm,

Ta không có dây giăng,

Ta thoát khỏi hệ phược.
(Vị Thiên):
Con nói am là gì?
Nói tổ ấm là gì?

Nói dây giăng là gì?

Nói hệ phược là gì?
(Thế Tôn):
Ông nói am là mẹ,
Nói tổ ấm là vợ,

Nói dây giăng là con,

Nói hệ phược là ái.
(Vị Thiên):
Lành thay, Ngài không am!
Lành thay, không tổ ấm!

Lành thay, không dây giăng!

Lành thay, Ngài thoát phược!
X. Samiddhi(Tạp 38.17, Đại 2,281c) (S.i,8) (Biệt Tạp I.17) Đại 2,379a)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vương Xá tại Tapodàràma (Tịnh xá Suối nước nóng).

2) Tôn giả Samiddhi, khi đêm đã gần tàn, thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, Tôn giả đứng, đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô.

3) Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng suối nước nóng, đi đến Tôn giả Samiddhi, sau khi đến, đứng giữa hư không, nói lên bài kệ với Tôn giả Samiddhi:

Không hưởng, Ông khất thực,
Nay khất thực, không hưởng,

Hãy hưởng rồi khất thực,

Chớ uổng phí thời gian.
(Samiddhi):
Thời Ông, ta không biết.
Thời ta, ẩn không hiện.

Không hưởng, ta khất thực,

Không uổng thời gian ta.
4) Rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với Tôn giả Samiddhi:

-- Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc còn đen nhánh trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các ái dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các ái dục của người đời. Chớ có bỏ hiện tại mà chạy theo những gì bị thời gian chi phối.

5) -- Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói, các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não (Upàyàsà); nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.

6) -- Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?

7) -- Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nay ở Ràjagaha (Vương Xá) tại tịnh xá Tapoda (Suối nước nóng) hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

8) -- Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được chư Thiên khác, có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-Kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn ấy và hỏi ý nghĩa này, chúng tôi có thể đến để nghe pháp.

9) -- Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Samiddhi vâng đáp vị Thiên ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:

10) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi đêm đã gần tàn, con thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, con đứng đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô. Bạch Thế Tôn, rồi một vị Thiên, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng nước nóng, đi đến con, sau khi đến, đứng giữa hư không và nói lên bài kệ này:

"Không hưởng, Ông khất thực,
Nay khất thực, không hưởng,

Hãy hưởng rồi khất thực,

Chớ uổng phí thời gian."
11) Khi nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời với vị Thiên ấy bằng bài kệ:
"Thời Ông, ta không biết,
Thời ta, ẩn không hiện,

Không hưởng, ta khất thực,

Không uổng thời gian ta."
12) Bạch Thế Tôn, rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với con:

"-- Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các dục lạc của người đời. Chớ có bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối."

13) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:

"-- Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Những gì thuộc thời gian, này Hiền giả, là các dục, được nói đến là nhiều khổ đau, nhiều phiền não (upàyàsa), nguy hiểm ở đấy lại nhiều hơn. Còn pháp này thuộc hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu."

14) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:

"-- Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?"

15) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:

"-- Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông về pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nay ở Ràjagaha (Vương Xá), tại tịnh xá Tapoda (Suối nước nóng). Hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì."

16) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:

" -- Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được các chư Thiên khác có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn và hỏi ý nghĩa ấy, chúng tôi cũng sẽ đến và nghe pháp."

-- Bạch Thế Tôn, nếu vị Thiên ấy nói sự thật, thời vị ấy ở đây, không xa bao nhiêu.

17) Khi được nói vậy, vị Thiên ấy nói với Tôn giả Samiddhi như sau:

-- Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Tôi đã đến rồi.

18) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ với vị Thiên ấy:

Chúng sanh được hiểu biết,
Những điều được nói lên,

Và chấp trước thái độ,

Trên những điều được nói.

Nếu họ không liễu tri

Những điều được nói lên,

Họ đi đến trói buộc.

Do thần chết chi phối,

Nếu họ liễu tri được

Những điều được nói lên,

Họ không có tưởng tri,

Những điều được nói ra.

Đối với vị như vậy,

Lỗi lầm nhất định không.

Nếu các Ông có biết,

Hãy nói lên Dạ-xoa.
19) -- Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.

(Thế Tôn):

20)

Bằng, thắng hay thua Ta,
Nghĩ vậy đấu tranh khởi;

Cả ba không dao động,

Bằng, thắng không khởi lên.

Nếu như Ông có biết,

Hãy nói lên, Dạ-xoa.
21) -- Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.

22) (Thế Tôn):

Hãy từ bỏ tính toán,
Không chạy theo hư tưởng,

Từ bỏ mọi tham ái,

Đối danh sắc ở đời,

Vị ấy đoạn triền phược,

Không lo âu, không ái.

Chư Thiên và loài Người,

Đời này hay đời sau,

Ở cảnh giới chư Thiên,

Hay tại mọi trú xứ,

Tìm cầu nhưng không gặp,

Vết tích của vị ấy.

Nếu Ông biết người ấy

Hãy nói lên, Dạ-xoa.
23) -- Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa rộng rãi như sau:
Khắp thế giới chớ làm,
Điều ác thân, miệng, ý,

Từ bỏ mọi ái dục,

Chánh niệm, tâm tỉnh giác,

Không khổ hạnh ép xác,

Vô bổ, không lợi ích.

III. Phẩm Kiếm (S.I,13)

... (Nhân duyên ở Sàvatthi). Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

I. Kiếm:

Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia bỏ ái dục.
(Thế Tôn):
Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia bỏ thân kiến.
II. Xúc Chạm
Không xúc, không có chạm,
Có xúc, thời có chạm,

Nên hại người không hại,

Tức có xúc, có chạm,

Ai hại người không hại,

Người tịnh, không ô nhiễm,

Kẻ ngu hái quả ác,

Như ngược gió tung bụi.
III. Triền Phược
Nội triền và ngoại triền,
Chúng sanh bị triền phược,

Con hỏi Gotama,

Ai thoát khỏi triền này?
(Thế Tôn):
Người trú giới có trí,
Tu tập tâm và tuệ,

Nhiệt tâm và thận trọng,

Tỷ-kheo ấy thoát triền.

Với ai, đã từ bỏ

Tham, sân và vô minh,

Bậc Lậu tận, ứng cúng,

Vị ấy thoát triền phược.

Chỗ nào danh và sắc,

Được đoạn tận, vô dư,

Đoạn chướng ngại, sắc tưởng,

Chỗ ấy triền phược đoạn.
IV. Chế Ngự Tâm(S.i,14)
Chỗ nào ý chế ngự,
Chỗ ấy đau khổ tận.

Ý chế ngự hoàn toàn,

Thoát đau khổ hoàn toàn.
(Thế Tôn):
Không nên chế ngự ý,
Hoàn toàn về mọi mặt,

Chớ có chế ngự ý,

Nếu tự chủ đạt được.

Chỗ nào ác pháp khởi,

Chỗ ấy chế ngự ý.
V. Vị A-La-Hán(Tạp 22.6 - 7, La-hán, Đại 2,154b (S.i,14) ( Biệt Tạp 9.6, Đại 2,435c)
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Đã làm điều phải làm,

Các lậu được đoạn tận,

Thân này, thân tối hậu.

Vị ấy có thể nói:

"Chính tôi vừa nói lên"

Vị ấy có thể nói:

"Họ nói là của tôi".
(Thế Tôn):
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Đã làm điều phải làm,

Các lậu được đoạn tận,

Thân này, thân tối hậu.

Vị ấy có thể nói:

"Chính tôi vừa nói lên",

Vị ấy có thể nói:

"Họ nói là của tôi".

Vị ấy khéo biết rõ,

Danh xưng ở thế gian,

Vì chỉ là danh xưng,

Vị ấy cũng danh xưng.
(Vị Thiên):
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Đã làm điều phải làm,

Các lậu được đoạn tận,

Thân này, thân tối hậu.

Có phải Tỷ-kheo ấy,

Đi gần đến kiêu mạn,

Khi vị ấy có nói:

"Chính tôi vừa nói lên".

Khi vị ấy có nói:

"Họ nói là của tôi"?
(Thế Tôn):
Ai đoạn tận kiêu mạn,
Không còn những buộc ràng,

Mọi hệ phược kiêu mạn,

Được hoàn toàn đoạn tận.

Vị có trí sáng suốt,

Vượt khỏi mọi hư tưởng,

Vị ấy có thể nói:

"Chính tôi vừa nói lên",

Vị ấy có thể nói:

"Họ nói là của tôi".

Vị ấy khéo biết rõ,

Danh xưng ở thế gian,

Vì chỉ là danh xưng,

Vị ấy cũng danh xưng.
VI. Ánh Sáng (Tạp, Đại 2,360b) (S.i,15) (Biệt Tạp 15.12, Đại 2,478c)
Vật gì chiếu sáng đời,
Do chúng, đời chói sáng?

Con đến hỏi Thế Tôn,

Muốn biết lời giải đáp.
(Thế Tôn):
Bốn vật chiếu sáng đời,
Thứ năm, đây không có.

Ngày, mặt trời sáng chói,

Đêm, mặt trăng tỏ rạng,

Lửa cháy đỏ đêm ngày,

Chói sáng khắp mọi nơi.

Chánh giác sáng tối thắng,

Sáng này, sáng vô thượng.
VII. Nước Chảy(S.i,15)
Chỗ nào nước chảy ngược?
Chỗ nào nước xoáy dừng?

Chỗ nào danh và sắc,

Được đoạn diệt, không dư?

Chỗ nào nước và đất,

Lửa, gió không vững trú,

Do vậy nước chảy ngược,

Chỗ ấy nước xoáy dừng,

Chỗ ấy danh và sắc,

Được đoạn diệt, không dư.
VIII. Giàu Lớn(S.i,15)
Sát-đế-lỵ giàu lớn,
Tài sản, quốc độ lớn,

Luôn luôn ganh tị nhau,

Hưởng dục không biết ngán,

Giữa người sống dao động,

Trôi theo dòng tái sanh.

Ai bỏ tật và ái,

Không dao động giữa đời.
(Thế Tôn):
Vị xuất gia bỏ nhà,
Bỏ con, gia súc, thân,

Bỏ tham và bỏ sân,

Và từ bỏ vô minh,

Bậc Lậu tận, La-hán,

Không dao động giữa đời.
IX. Bốn Bánh Xe(S.i,16)
Bốn bánh xe, chín cửa,
Đầy uế, hệ lụy tham,

Chìm đắm trong bùn nhơ,

Ôi, thưa bậc Đại Hùng,

Sanh thú người như vậy,

Tương lai sẽ thế nào?
(Thế Tôn):
Cắt hỷ và buộc ràng,
Dục tham và tà ác,

Ái căn được đoạn tận,

Sanh thú sẽ như vậy.

X. Con Sơn Dương (S.i,16)

Chân như chân sơn dương,
Vừa thon lại vừa mạnh,

Ăn uống có chừng mực,

Không tham lam, say đắm,

Như sư tử, voi rừng,

Độc hành, không dục vọng.

Sau khi đến, con hỏi,

Làm sao thoát khổ đau?
(Thế Tôn):
Có năm dục ở đời,
Ý căn là thứ sáu,

Ở đây, từ ước muốn,

Như vậy thoát khổ đau.

IV. Phẩm Quần Tiên

I. Với Người Thiện (S.i 16)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Được tốt hơn, không xấu.
4) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Được tuệ, không gì khác.
5) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Không sầu, giữa sầu muộn.
6) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chúng sanh sanh thiện thú.
8) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chúng sanh thường hưởng lạc.
9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, ai đã nói lên một cách tốt đẹp?

-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy, hãy nghe lời Ta nói:

Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Giải thoát mọi khổ đau.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Quần Tiên ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

II. Xan Tham(Tạp, Đại 2,354c) (Biệt Tạp, Đại 2,473b) (S.i,18)

1) Một thời Thế Tôn trú ơ ủ Sà vatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Vì xan tham, phóng dật,
Như vậy không bố thí,

Ai ước mong công đức,

Có trí nên bố thí.
4) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Điều kẻ xan tham sợ,
Nên không dám bố thí,

Sợ ấy đến với họ,

Chính vì không bố thí.

Điều kẻ xan tham sợ,

Chính là đói và khát,

Kẻ ngu phải cảm thọ,

Đời này và đời sau.

Vậy hãy chế xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Chúng sanh vững an trú,

Công đức trong đời sau.
5) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Không chết giữa người chết,
Như thiện hữu trên đường,

San sẻ lương thực hiếm,

Thường pháp là như vậy.

Kẻ ít, vui san sẻ,

Kẻ nhiều khó, đem cho,

Bố thí từ kẻ khó,

Đong được ngàn đồng vàng.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Khó thay sự đem cho,
Khó thay làm hạnh ấy.

Kẻ ác khó tùy thuận,

Khó thay pháp bậc lành.

Do vậy kẻ hiền, ác,

Sanh thú phải sai khác,

Kẻ ác sanh địa ngục,

Người lành lên cõi trời.
7) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, vị nào đã nói một cách tốt đẹp?

-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đã nói một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe Ta:

Sở hành vẫn chơn chánh,
Dầu phải sống vụn vặt,

Dầu phải nuôi vợ con,

Với đồ ăn lượm lặt,

Nhưng vẫn bố thí được,

Từ vật chứa ít ỏi,

Từ ngàn người bố thí,

Từ trăm ngàn vật cho,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ bố thí như vậy.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này với Thế Tôn:
Vì sao họ bố thí,
Rộng lớn nhiều như vậy,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ nghèo, chơn bố thí?

Sao ngàn người bố thí,

Từ trăm ngàn vật cho,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ bố thí như vậy?
9) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ này với vị Thiên ấy:
Có những người bố thí,
Một cách bất bình thường,

Sau khi chém và giết,

Mới làm vơi nỗi sầu.

Sự bố thí như vậy,

Đầy nước mắt đánh đập,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ nghèo, chơn bố thí.

Từ ngàn người bố thí,

Từ trăm ngàn vật cho,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ bố thí như vậy.
III. Lành Thay(S.i,20)

1) Ở Sàvatthi.

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay sự bố thí!
Kính thưa bậc Tôn giả.

Vì xan tham, phóng dật,

Như vậy không bố thí,

Ai ước mong công đức,

Có trí nên bố thí.
4) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm ứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Kẻ ít, vui san sẻ,

Kẻ nhiều khó, đem cho,

Bố thí từ kẻ khó,

Đong được ngàn đồng vàng.
5) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin.

Bố thí và đánh nhau,

Được nói là bằng nhau,

Một số ít kẻ lành,

Thắng xa số đông người.

Ví dầu cho có ít,

Nhưng cho với lòng tin,

Do vậy được an lạc,

Vì lợi ích cho người.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin!

Lành thay sự bố thí,

Với tài sản hợp pháp!

Ai là người bố thí,

Với tàn sản hợp pháp,

Do nỗ lực tinh tấn,

Nhờ vậy thâu hoạch được;

Vị ấy vượt dòng suối,

Thần chết Dạ-ma giới,

Sau khi chết được sanh,

Chỗ trú xứ chư Thiên.
7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin!

Lành thay sự bố thí,

Với tài sản hợp pháp!

Lành thay sự bố thí,

Có suy tư sáng suốt!

Bố thí có suy tư,

Bậc Thiện Thệ tán thán.

Bố thí cho những vị,

Đáng kính trọng ở đời,

Bố thí những vị ấy,

Được hưởng quả phước lớn,

Như hạt giống tốt đẹp,

Gieo vào ruộng tốt lành.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin!

Lành thay sự bố thí,

Với tài sản hợp pháp!

Lành thay sự bố thí,

Có suy tư sáng suốt!

Lành thay sự tự chế,

Đối với các chúng sanh!

Giữa chúng sanh hữu tình,

Ai sống không làm hại,

Sợ người khác chỉ trích,

Không làm ác, bất thiện,

Họ khen kẻ nhút nhát,

Nhưng chỉ trích người hùng,

Chính sợ bị chỉ trích,

Người lành không làm ác.
9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, giữa chúng con, lời nói ai được tốt lành?

-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe lời của Ta:

Bố thí với lòng tin,
Được tán thán nhiều mặt,

Có pháp hơn bố thí,

Pháp ấy là Pháp cú.

Từ xưa, từ xa xưa,

Người lành, người chơn thiện,

Với trí tuệ sáng suốt,

Đạt đến cảnh Niết-bàn.
IV. Chúng Không Phải(S.i,22)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Giữa loài Người chúng ta,
Có các dục vô thường.

Ai hưởng chúng ở đời,

Bị chúng trói, chúng buộc.

Phóng dật đối với chúng,

Khó thoát ly với chúng,

Người nào khó thoát ly,

Bị thần chết chinh phục.

Họa từ dục vọng sanh,

Khổ từ dục vọng khởi,

Dục vọng được nhiếp phục,

Nhờ vậy họa nhiếp phục,

Tai họa được nhiếp phục,

Nhờ vậy khổ nhiếp phục.

Vật sai biệt ở đời,

Chúng không phải các dục,

Chính tư niệm tham ái,

Là dục vọng con người.

Vật sai biệt tồn tại,

Như vậy ở trên đời,

Do vậy bậc Hiền trí,

Điều phục các dục vọng.

Hãy từ bỏ phẫn nộ,

Hãy nhiếp phục kiêu mạn,

Hãy vượt qua tất cả,

Mọi kiết sử trói buộc.

Chớ có quá chấp trước,

Đối với danh sắc ấy,

Khổ không thể đến được,

Với ai không có gì.

Hãy từ bỏ tính toán,

Không chạy theo hư tưởng,

Cắt đứt mọi tham ái,

Với danh sắc ở đời.

Vị ấy đoạn phiền trược,

Không lo âu, không ái;

Chư Thiên và loài Người,

Đời này hay đời sau,

Ở cảnh giới chư Thiên,

Hay tại mọi trú xứ,

Tìm cầu nhưng không gặp,

Vết tích của vị ấy,

Họ tìm nhưng không thấy,

Vị giải thoát như vậy.
(Tôn giả Mogharàjà nói như vầy)
Chư Thiên và loài Người,
Đời này hay đời sau,

Bậc tối thượng loài Người,

Lo hạnh phúc chúng sanh,

Họ đảnh lễ vị ấy,

Nên tán thán họ không?
(Bậc Thế Tôn lên tiếng)
Này Mogharàjà
Họ cũng nên tán thán,

Bậc giải thoát như vậy.

Này Tỷ-kheo khất sĩ,

Nếu họ biết Chánh pháp,

Đoạn trừ được nghi hoặc,

Họ trở thành giải thoát.
V. Hiềm Trách Thiên(S.i,23)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Ujjhànasannà (Hiềm trách thiên), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, các vị ấy đứng giữa hư không.

3) Rồi một vị Thiên đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Những ai nói mình khác
Với điều họ thực có,

Thời mọi vật thọ dụng,

Xem như do trộm cắp,

Chẳng khác kẻ gian manh,

Dùng lừa đảo trộm cắp.

Hãy nói điều có làm,

Không nói điều không làm,

Không làm nói có làm,

Kẻ trí biết rõ họ.
(Thế Tôn):
Những ai chỉ biết nói,
Hay chỉ biết nghe thôi,

Những hạng người như vậy,

Không thể nào tiến bộ.

Khó nhọc thay con đường,

Giúp kẻ trí giải thoát.

Nhờ Thiền định thiêu cháy,

Mọi trói buộc quần ma,

Kẻ trí không làm vậy,

Sau khi biết thế tình,

Với trí, chứng Niết-bàn,

Vượt chấp trước ở đời.
4) Rồi các quần tiên ấy đứng xuống đất, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

-- Đây là tội lỗi của chúng con, bạch Thế Tôn. Chúng con đi đến tội lỗi, vì ngu xuẩn, vì mê mờ, vì bất thiện. Chúng con nghĩ chúng con có thể công kích Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho chúng con, lỗi lầm là lỗi lầm để gìn giữ trong tương lai.

5) Rồi Thế Tôn mỉm cười.

6) Các quần tiên ấy càng tức tối thêm và bay lên hư không.

7) Một vị Thiên nói bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,

Nội phẫn, ưa sân hận,

Hận thù càng kiên chặt.

Nếu không có tội lỗi,

Ở đây không lầm lạc,

Hận thù không thể tiêu.

Do gì xem là thiện?

Với ai không tội lỗi?

Với ai không lầm lạc?

Ai không bị si mê?

Ai kẻ tri thường niệm?
(Thế Tôn):
Như Lai, bậc Giác Ngộ,
Thương xót mọi hữu tình,

Nơi Ngài không tội lỗi,

Nơi Ngài không lầm lạc.

Ngài không bị si mê,

Ngài chánh trí thường niệm.

Ai không chịu chấp nhận,

Tội lỗi được phát lộ,

Nội phẫn, ưa sân hận,

Hận thù càng kiên chặt.

Ta không thích hận thù,

Ta nhận tội các Ông.
VI. Lòng Tin(S.i,25), (Tạp, Đại 2,354b) - (Biệt Tạp, Đại 2,473a)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm) tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên SatullapaKàyikà, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Tín là người thứ hai,
Là bạn của loài Người,

Nếu không trú bất tín,

Được danh dự, xưng tán,

Sau khi bỏ thân này,

Được sanh lên Thiên giới.

Hãy từ bỏ phẫn nộ,

Hãy nhiếp phục kiêu mạn,

Hãy vượt qua tất cả

Mọi kiết sử trói buộc.

Chớ có quá chấp trước,

Đối với danh sắc ấy.

Tham không thể đến được,

Với ai không có gì.

Kẻ ngu không trí tuệ,

Mới đam mê, phóng dật,

Kẻ trí không phóng dật,

Như giữ tài vật quý.

Chớ đam mê, phóng dật,

Chớ đắm say ái dục,

Thiền tư, không phóng dật,

Đạt được tối thắng lạc.
VII. Tụ Hội(S.i,26) - (Tạp, Đại 2.323a) (Biệt Tạp, Đại 2.411a) (S.i,26) (D. 20 Mahàsamaya, Trường, Đại 1,79b - 81b)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở rừng Đại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.

2) Rồi bốn vị Tịnh cư thiên (Suddàvàsà) suy nghĩ như sau: "Thế Tôn nay ở giữa dân chúng Sakka, thành Kapilavatthu, rừng Đại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả đều là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới, phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo. Vậy chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi chúng ta đọc một bài kệ dâng lên Thế Tôn."

3) Rồi chư Thiên ấy nhanh như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay co cánh tay đã duỗi ra, biến mất từ Tịnh cư thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

4) Chư Thiên ấy đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, một vị Thiên đọc bài kệ trước Thế Tôn:

Đại hội tại Đại Lâm,
Chư Thiên đồng tụ tập,

Chúng con đến Pháp hội,

Đảnh lễ chúng Bất thắng.
5) Rồi các vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:
Tại đây chúng Tỷ-kheo,
Thiền định, tâm chánh trực,

Như chủ xe nắm cương,

Bậc hiền hộ các căn.
6) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:
Như khóa gãy, chốt tháo,
Trụ bị đào, tham đoạn,

Sống thanh tịnh, vô cấu,

Có mắt, voi khéo điều.
7) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước mặt Thế Tôn:
Những ai quy y Phật,
Sẽ không đọa ác thú,

Sau khi bỏ thân Người,

Sẽ sanh làm chư Thiên.
VIII. Miếng Đá Vụn- (Tạp, Đại 2,355a) - (Biệt Tạp, Đại 2,473c) - (S.i,27)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá), tại vườn Nai (Maddakucchi)

2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.

3) Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con sư tử, chân đặt trên chân, chánh niệm tỉnh giác.

4) Rồi bảy trăm quần tiên Satullapakàyikà, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Maddakucchi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

5) Đứng một bên, một vị Thiên đọc lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

-- Sa-môn Gotama thật là bậc Long tượng. Và với tư cách Long tượng, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, đau khổ, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú, Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.

6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

-- Sa-môn Gotama thật là bậc Sư tử. Và với tư cách Sư tử, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

-- Sa-môn Gotama thật là Lương tuấn mã. Và với tư cách Lương tuấn mã, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

-- Sa-môn Gotama thật là bậc Ngưu vương. Và với tư cách Ngưu vương, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

9) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

-- Sa-môn Gotama thật là bậc Nhẫn nại Kiên cường. Và với tư cách bậc Nhẫn nại Kiên cường, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

10) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

-- Sa-môn Gotama thật là một bậc Khéo điều phục. Và với tư cách là một bậc Khéo điều phục, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

11) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

-- Hãy xem tâm của Ngài khéo được tu tập Thiền định và giải thoát, không có nổi lên, không có chìm xuống, mọi hành động được tác thành, không có ai kích thích. Ai có thể nghĩ mình đi ngược lại một Long tượng như vậy, một bậc Sư tử như vậy, một bậc Lương tuấn mã như vậy, một bậc Ngưu vương như vậy, một bậc Nhẫn nại Kiên cường như vậy, một bậc Nhiếp phục như vậy, trừ phi là một người mù.

Các vị Bà-la-môn,
Tinh thông năm Vệ-đà,

Dầu tu tập khổ hạnh,

Cho đến hàng trăm năm,

Tâm họ không có thể,

Chơn chánh được giải thoát.

Tự tánh quá hạ liệt,

Không đến bờ bên kia,

Bị khát ái chi phối,

Bị giới cấm trói buộc,

Dầu tu tập khổ hạnh,

Cho đến hàng trăm năm,

Tâm họ không có thể,

Chơn chánh được giải thoát.

Tự tánh quá hạ liệt,

Không đến bờ bên kia.

Ở đời không nhiếp phục,

Kiêu mạn cùng các dục,

Tâm không được an tịnh,

Không tu tập Thiền định.

Ở trong rừng cô độc,

Nhưng tâm tư phóng dật,

Vị ấy khó vượt khỏi,

Sự chinh phục tử thần.

Nhiếp phục được kiêu mạn,

Khéo tu tập Thiền định,

Tâm tư khéo an tịnh,

Giải thoát được viên mãn,

Ở trong rừng cô độc,

Tâm tư không phóng dật,

Vị ấy khéo vượt khỏi,

Sự chinh phục tử thần.
IX. Con Gái Của Pajjunna(Tạp, Đại 2,350a) (Biệt Tạp, 14.4, Đại 2,469a) (S.i,29)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Đại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.

2) Rồi Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng chiếu sáng toàn vùng Đại Lâm, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, Thiên nữ Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác,
Thượng thủ các chúng sanh,

Nay an trú Đại Lâm,

Tại thành Vesàli,

Hãy để con đảnh lễ,

Con gái Pajjunna,

Tên Kokanadà.

Từ trước con chỉ nghe,

Bậc chứng ngộ Chánh Giác.

Bậc vô thượng Pháp Nhãn,

Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngày nay con có thể,

Biết được Chánh pháp ấy,

Do Thiện Thệ thuyết giảng,

Bậc Mâu-ni Chánh Giác.

Những ai kém trí tuệ,

Khinh bác chống Thánh pháp,

Sẽ rơi vào địa ngục,

Mệnh danh Roruva,

Trải thời gian lâu dài,

Thọ lãnh nhiều thống khổ.

Những ai đối Thánh pháp,

Kham nhẫn, tâm tịch tịnh,

Từ bỏ thân làm người,

Viên mãn thân chư Thiên.
X. Con Gái Của Pajjunna(Tạp, Đại 2, 349c) (Biệt Tạp 14.3, Đại 2, 469a) (S.i,30)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, Đại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.

2) Rồi Cùla - Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Đại Lâm đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Cùla-Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Con gái Pajjunna,
Tên Kokanadà.

Nhan sắc như điện quang,

Nàng đã đến tại đây,

Đảnh lễ Phật và Pháp,

Nói kệ lợi ích này,

Dầu với nhiều pháp môn,

Con phân tích pháp này.

Nhưng lược nghĩa con nói,

Theo ý con hiểu biết,

Ở đời, chớ làm ác,

Cả ba: thân, khẩu, ý,

Từ bỏ mọi thứ dục,

Chánh niệm, tâm tỉnh giác,

Không khổ hạnh ép xác,

Vô bổ, không lợi ích.

V. Phẩm Thiêu Cháy

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi một vị Thiên, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

I. Thiêu Cháy(Biệt Tạp 5.4, Đại 2,403) (S.i,31)

Trong ngôi nhà thiêu cháy,
Vật dụng đem ra ngoài,

Vật ấy có lợi ích,

Không phải vật bị thiêu.

Cũng vậy trong đời này,

Bị già chết thiêu cháy,

Hãy đem ra, bằng thí,

Vật thí, khéo đem ra.

Có thí, có lạc quả,

Không thí, không như vậy.

Kẻ trộm, vua cướp đoạt,

Lửa thiêu đốt hủy hoại,

Khi giờ cuối cùng đến,

Bỏ thân, bỏ sở hữu.

Kẻ trí, hiểu biết vậy,

Thọ dụng và bố thí,

Thí xong, thọ dụng xong,

Theo lực hành động ấy,

Không bị ai chỉ trích,

Vị ấy được sanh Thiên.
II. Cho Gì?(Tạp 36.6 Vân hà đại đắc, Đại 2,261b) (Biệt Tạp 8.4, Đại 2,526b) (S.i,32)
Cho gì là cho lực?
Cho gì là cho sắc?

Cho gì là cho lạc?

Cho gì là cho mắt?

Cho gì cho tất cả?

Xin đáp điều con hỏi?
(Thế Tôn):
Cho ăn là cho lực,
Cho mặc là cho sắc,

Cho xe là cho lạc,

Cho đèn là cho mắt.

Ai cho chỗ trú xứ,

Vị ấy cho tất cả,

Ai giảng dạy Chánh pháp,

Vị ấy cho bất tử.
III. Đồ Ăn(S.i,32)
Trời, Người, cả hai loài,
Đều ưa thích ăn uống,

Vị Dạ-xoa tên gì,

Lại không thích ăn uống?
(Thế Tôn):
Ai cho với lòng tin,
Với tâm tư thanh tịnh,

Được phần món ăn ấy,

Đời này và đời sau.

Vậy hãy ngừa xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Hữu tình vững an trú,

Công đức trong đời sau.
IV. Một Căn Rễ (S.i,32)
Một rễ, hai phương diện,
Ba uế, năm môi trường,

Biển lớn, mười hai họa,

Vực xoáy bậc Thánh siêu.
V. Bậc Hoàn Toàn(S.i,33)
Bậc viên mãn toàn diện,
Thấy được nghĩa bí huyền,

Ban phát chân trí tuệ,

Thoát ly khỏi dục tạng,

Thấy được bậc toàn trí,

Bậc Thiện tuệ trí giác.

Vị Đại Thánh dấn bước,

Trên con đường Thánh đạo.
VI. Thiên Nữ(S.i,33)
Thiên nữ đoàn tụ hội,
Ngạ quỷ chúng tới lui,

Rừng ấy danh rừng si,

Làm sao có lối thoát?
(Thế Tôn):
Đường ấy tên chơn trực,
Phương ấy danh vô úy,

Cỗ xe gọi vô thanh,

Với pháp luân khéo ráp,

Tàm là dàn xe dựa,

Niệm là trướng màn xe,

Ta nói vị đánh xe,

Tức là chơn diệu pháp,

Và chính chánh tri kiến,

Mau chóng đi tiền phong.

Không kể nam hay nữ,

Đều dùng cỗ xe ấy.

Chính nhờ cỗ xe ấy,

Hướng tiến đến Niết-bàn.
VII. Trồng Rừng(S.i,33)
Những ai ngày lẫn đêm,
Công đức luôn tăng trưởng,

Trú pháp, cụ túc giới,

Kẻ nào sanh thiên giới?

Ai trồng vườn, trồng rừng,

Ai dựng xây cầu cống,

Đào giếng, cho nước uống,

Những ai cho nhà cửa,

Những vị ấy ngày đêm,

Công đức luôn tăng trưởng,

Trú pháp, cụ túc giới,

Những vị ấy sanh Thiên.
VIII. Kỳ Viên(S.i,33)
Đây là rừng Kỳ Viên.
Chỗ trú xứ Thánh chúng,

Chỗ ở đấng Pháp Vương,

Khiến tâm con hoan hỷ.

Nghiệp minh và tâm pháp,

Giới và tối thắng mạng,

Chính những diệu pháp ấy,

Khiến chúng sanh thanh tịnh,

Không phải vì dòng họ,

Không phải vì tài sản.

Do vậy bậc Hiền trí,

Thấy lợi ích chính mình,

Chánh giác sát tâm pháp,

Như vậy được thanh tịnh.

Như ngài Xá-lợi-phất,

Tuệ giới và tịch tịnh,

Tỷ-kheo đến bờ giác,

Ở đây là tối thượng.
IX. Xan Tham(S.i,34)
Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,

Tạo nên những chướng ngại,

Ngăn kẻ khác bố thí,

Đời này và đời sau,

Quả báo họ là gì?

Chúng con đến tại đây,

Chính muốn hỏi Thế Tôn,

Chúng con muốn được biết,

Thế Tôn đáp thế nào?
(Thế Tôn):
Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,

Tạo nên những chướng ngại,

Ngăn kẻ khác bố thí,

Bị tái sanh địa ngục,

Bàng sanh, Dạ-ma giới.

Nếu được sanh làm người,

Sanh gia đình nghèo khó,

Y, thực, dục, hỷ lạc,

Họ được rất khó khăn.

Điều kẻ ngu ước vọng,

Họ không thâu hoạch được,

Quả hiện tại là vậy,

Đời sau sanh ác thú.
(Vị Thiên):
Nhờ những điều Ngài nói,
Chúng con được hiểu vậy,

Tôn giả Gotama,

Con xin hỏi câu khác.

Ở đây được thân người,

Từ tốn không xan tham,

Tin Phật và Chánh pháp,

Cùng tôn trọng chúng Tăng,

Đời này và đời sau,

Quả báo họ là gì?

Chúng con đến tại đây,

Chính muốn hỏi Thế Tôn,

Chúng con muốn được biết,

Thế Tôn đáp thế nào?
(Thế Tôn):
Ở đây được thân người,
Từ tốn không xan tham,

Tin Phật và Chánh pháp,

Cùng tôn trọng chúng Tăng,

Họ chói sáng chư Thiên,

Tại đấy họ tái sanh.

Nếu họ sanh làm người,

Họ sanh nhà phú gia,

Y, thực, dục, hỷ lạc,

Họ được không khó khăn,

Như các Tự tại thiên,

Hân hoan được thọ hưởng,

Giữa vật dụng tài sản,

Được người khác quy tụ,

Quả hiện tại là vậy,

Đời sau sanh Thiên giới.
X. Thợ Đồ Gốm(S.i,35) (Tạp 22.10 Vô phiền thiên, Đại 2,159b) (Biệt Tạp, 9.29, Đại 2,442b)
Được sanh Vô phiền thiên,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,

Đoạn tận tham và sân,

Vượt qua đời triền phược.

Vượt bùn, họ là ai,

Khéo vượt lệnh thần chết,

Sau khi bỏ thân người,

Họ thoát ách chư Thiên?

Họ là Upaka,

Với Pukkusàti,

Hợp thành là ba vị,

Và Phalaganda,

Lại thêm Bhaddiya,

Với Khandadeva,

Và Bàhuraggi,

Cùng với Pingiya,

Sau khi bỏ thân người,

Họ thoát ách chư Thiên.
(Thế Tôn):
Người nói điều tốt lành,
Về bảy Tỷ-kheo ấy,

Họ thoát ly, đoạn trừ,

Các cạm bẫy Ma vương,

Pháp họ biết, của ai,

Đoạn diệt hữu kiết sử?
(Ghatìkàra):
Không ai ngoài Thế Tôn,
Chính thật giáo lý Ngài,

Họ biết pháp của Ngài,

Đoạn được hữu kiết sử.

Chỗ nào danh và sắc,

Được đoạn diệt, không dư,

Họ học được pháp ấy,

Ở đây từ nơi Ngài.

Nhờ vậy họ đoạn trừ,

Hữu kiết sử trói buộc.
(Thế Tôn):
Lời nói người thâm sâu,
Khó biết, khó chứng ngộ,

Pháp Ông biết của ai,

Sao Ông không nói được?
(Ghatìkàra):
Thuở xưa, con thợ gốm,
Tại Vehalinga,

Và con được tên gọi,

Là Ghatìkàra.

Chính con lo nuôi dưỡng,

Cả mẹ lẫn cả cha,

Đối với Phật Ca-diếp,

Con đệ tử tại gia.

Con viễn ly dâm dục,

Phạm hạnh, không thế vật,

Thuở xưa con đồng hương,

Cũng là bạn của họ,

Do vậy con biết họ,

Bảy Tỷ-kheo giải thoát,

Đoạn tận tham và sân,

Vượt qua đời triền phược.
(Thế Tôn):
Vậy này Bhaggava,
Chính như Ông vừa nói,

Thuở xưa, Ông thợ gốm,

Tại Vehalinga,

Và Ông được tên gọi,

Là Ghatìkàra.

Chính Ông lo nuôi dưỡng,

Cả mẹ lẫn cả cha,

Đối với Phật Ca-diếp,

Ông đệ tử tại gia.

Ông viễn ly dâm dục,

Phạm hạnh, không thế vật.

Thuở xưa Ông đồng hương,

Cũng là bạn của Ta,

Như vậy là hội ngộ,

Giữa những bạn thời xưa,

Cả hai khéo tu tập,

Mang thân này tối hậu.

VI. Phẩm Già

I. Già (S.i,36)

-- Vật gì tốt đến già?
Vật gì tốt kiên trú?

Vật gì vật báu người?

Vật gì cướp khó đoạt?

-- Giới là tốt đến già,

Tín là tốt kiên trú,

Tuệ, vật báu loài Người,

Công đức, cướp khó đoạt.
II. Không Già
-- Vật gì tốt không già?
Vật gì tốt trường cửu?

Vật gì vật báu người?

Vật gì cướp không đoạt?

-- Giới là tốt không già,

Tín là tốt trường cửu,

Tuệ, vật báu loài Người,

Công đức, cướp không đoạt.
III. Bạn
--Ai bạn kẻ đi đường?
Ai bạn người ở nhà?

Ai bạn khi cần thiết?

Ai bạn cho đời sau?

Bạn đường, bạn đi đường,

--Bạn ở nhà là mẹ,

Bạn bè khi cần thiết,

Mới là bạn thường xuyên,

Công đức tự mình làm,

Là bạn cho đời sau.
IV. Cơ Sở
-- Vật gì, cơ sở người?
Vật gì, bạn tối thượng (ở đời)?

Hữu tình gì trì mạng?

Y cứ vào địa đại?

-- Con là cơ sở người,

Vợ là bạn tối thượng,

Thần mưa là trì mạng,

Y cứ vào địa đại.
V. Sanh Nhân
-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?

Cái gì chịu luân hồi?

Cái gì người sợ hãi?

-- Ái dục sanh thành người,

Chính tâm luôn dong ruỗi,

Chúng sanh chịu luân hồi,

Đau khổ, người sợ hãi.
VI. Sanh Nhân
-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?

Cái gì chịu luân hồi?

Vì đâu, không giải thoát?

-- Ái dục sanh thành người,

Chính tâm luôn rong ruỗi,

Chúng sanh chịu luân hồi,

Vì khổ, không giải thoát.
VII. Sanh Nhân
-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?

Cái gì chịu luân hồi?

Cái gì người nương tựa?

-- Ái dục sanh thành người,

Chính tâm luôn dong ruỗi,

Chúng sanh chịu luân hồi,

Chính nghiệp, người nương tựa.
VIII. Phi Đạo
-- Cái gì gọi phi đạo?
Cái gì diệt ngày đêm?

Cái gì uế Phạm hạnh?

Cái gì tắm không nước?

-- Tham dục gọi phi đạo,

Tuổi tác diệt ngày đêm,

Nữ nhân uế Phạm hạnh,

Khiến loài Người hệ lụy,

Khổ hạnh và Phạm hạnh,

Là tắm không cần nước.
IX. Người Bạn
-- Cái gì làm người bạn?
Cái gì giáo hóa người?

Cái gì người ái lạc?

Giải thoát mọi khổ đau?

-- Tín thành làm bạn người,

Trí tuệ giáo hóa người,

Người ái lạc Niết-bàn,

Giải thoát mọi khổ đau.
X. Người Thi Sĩ
-- Vật gì nhân kệ tụng?
Vật gì làm tự cú?

Vật gì kệ y cứ?

Vật gì kệ an trú?

-- Âm vận nhân kệ tụng,

Văn tự làm tự cú,

Kệ ý cứ đề danh,

Kệ an trú thi nhân.

VII. Phẩm Thắng (S.i,39)

I. Danh (S.i,39)

-- Vật gì thắng tất cả?
Vật gì không số hơn?

Và có một pháp nào,

Mọi vật đều tùy thuộc?

-- Danh vượt thắng tất cả,

Danh không số nào hơn,

Chính danh là một pháp,

Mọi vật đều tùy thuộc.
II. Tâm(S.i,39)
-- Vật gì dắt dẫn đời?
Vật gì tự não hại?

Và có một pháp nào,

Mọi vật đều tùy thuộc?

-- Chính tâm dắt dẫn đời,

Chính tâm tự não hại,

Chính tâm là một pháp,

Mọi vật đều tùy thuộc.
III. Khát Ái(S.i,39)
-- Vật gì dẫn dắt đời?
Vật gì tự não hại?

Và có một pháp nào,

Mọi vật đều tùy thuộc?

-- Chính ái là một đời,

Chính ái tự não hại,

Chính ái là một pháp,

Mọi vật đều tùy thuộc.
IV. Kiết Sử(S.i,39)
-- Vật gì trói buộc đời?
Vật gì dẫn hành đời?

Do đoạn trừ pháp gì,

Mới được gọi Niết-bàn?

-- Chính hỷ trói buộc đời,

Tầm cầu dẫn hành đời,

Do đoạn trừ khát ái,

Mới được gọi Niết-bàn.
V. Triền Phược(S.i,39)
-- Vật gì triền phược đời?
Vật gì dẫn hành đời?

Do đoạn trừ pháp gì,

Mọi triền phược đoạn diệt?

-- Chính hỷ triền phược đời,

Tầm cầu dẫn hành đời,

Do đoạn trừ khát ái,

Mọi triền phược đoạn diệt.
VI. Bị Áp Đảo(S.i,40)
-- Vật gì áp đảo đời?
Vật gì bao phủ đời?

Tên gì bắn trúng đời?

Bởi gì thường huân tập?

-- Sự chết áp đảo đời,

Già nua bao phủ đời,

Tên ái bắn trúng đời,

Bởi dục, thường huân tập.
VII. Bị Treo Cột(S.i,40)
-- Vật gì treo cột đời?
Vật gì bao phủ đời?

Vật gì đóng kín đời?

Trên gì đời an trú?

-- Khát ái treo cột đời,

Già nua bao phủ đời,

Sự chết đóng kín đời,

Trên khổ, đời an trú.
VIII. Bị Đóng Kín(S.i,40)
-- Vật gì đóng kín đời?
Trên gì đời an trú?

Vật gì treo cột đời?

Vật gì bao phủ đời?

-- Sự chết đóng kín đời,

Trên khổ, đời an trú,

Khát ái treo cột đời,

Già nua bao phủ đời.
IX. Ước Muốn(S.i,40)
-- Vật gì trói buộc đời?
Điều phục gì được thoát?

Vật gì được đoạn trừ,

Khiến mọi phược đoạn tận?

-- Ước muốn trói buộc đời,

Điều phục dục được thoát,

Ước muốn được đoạn trừ,

Mọi triền phược đoạn tận.
X. Đời (Thế gian)(S.i,41)
-- Trên gì thế gian sanh?
Trên gì được giao tiếp?

Thế gian chấp trước gì?

Trên gì đời khổ não?

-- Trên sáu, thế gian sanh,

Trên sáu, được giao tiếp,

Thế gian chấp trước sáu,

Trên sáu, đời khổ não.

VIII. Phẩm Đoạn (S.i,41)

... Đứng một bên, vị Thiên nhân ấy nói lên bài kệ với Thế Tôn:

I. Đoạn Sát(S.i,41)

Sát vật gì được lạc?
Sát vật gì không sầu?

Có một pháp loại gì,

Ngài tán đồng sát hại,

Tôn giả Gotama?
(Thế Tôn):
Sát phẫn nộ được lạc,
Sát phẫn nộ không sầu,

Phẫn nộ với độc căn,

Với vị ngọt tối thượng,

Pháp ấy, bậc Thánh Hiền,

Tán đồng sự sát hại.

Sát pháp ấy không sầu,

Này (Hiền giả) Thiên nhân.
II. Cỗ Xe(S.i,41)
-- Cỗ xe hiện tướng gì?
Ngọn lửa hiện tướng gì?

Vương quốc hiện tướng gì?

Phụ nữ hiện tướng gì?

-- Cờ hiện tướng cỗ xe,

Khói hiện tướng ngọn lửa,

Vua hiện tướng vương quốc,

Chồng hiện tướng nữ nhân.
III. Tài Sản(S.i,42)
-- Tài sản gì ở đời,
Đối người là tối thượng?

Sự gì khéo tu trì,

Đưa đến chơn an lạc?

Vật gì ngọt tối thượng,

Trong tất cả vị ngọt?

Sống cuộc sống thế nào,

Được gọi sống tối thượng?

-- Lòng tin ở đời này,

Là tài sản tối thượng.

Chánh pháp khéo tu trì,

Đưa đến chơn an lạc.

Sự thật ngọt tối thượng,

Trong tất cả vị ngọt.

Sống cuộc sống trí tuệ,

Được gọi sống tối thượng.
IV. Mưa(S.i,42)
Vật gì được mọc lên,
Là mọc lên tối thượng?

Vật gì được rơi xuống,

Là rơi xuống tối thượng?

Vật gì thường bộ hành?

Vật gì thuyết tối thượng?
(Một Thiên nhân):
Hột giống được mọc lên,
Là mọc lên tối thượng.

Cơn mưa được rơi xuống,

Là rơi xuống tối thượng.

Con bò thường bộ hành,

Con trai thuyết tối thượng.
(Thế Tôn):
Huệ minh được mọc lên,
Là mọc lên tối thượng.

Vô minh được rơi xuống,

Là rơi xuống tối thượng.

Tăng-già thường bộ hành,

Đức Phật thuyết tối thượng.
V. Khủng Bố(S.i,42)
Vì sao ở đời này,
Rất nhiều người sợ hãi,

Dầu con đường đề cập,

Dưới hình thức sai biệt?

Con hỏi Gotama,

Bậc trí tuệ sáng suốt,

Phải an trú chỗ nào,

Khỏi sợ hãi đời sau?
(Thế Tôn):
Hãy chánh trú lời, ý,
Thân nghiệp chớ làm ác.

Nếu an trú trong nhà,

Với tài sản dồi dào,

Hãy tín tâm, nhu hòa,

Chia tài sản, hòa nhã.

An trú bốn pháp này,

Không sợ hãi đời sau.
VI. Không Già(S.i,43)
-- Ai già, ai không già?
Thế nào gọi phi đạo?

Vật gì chướng ngại pháp?

Vật gì đêm ngày diệt?

Vật gì uế Phạm hạnh?

Vật gì tắm không nước?

Đời bao nhiêu lỗ trống,

Trên ấy, tâm không trú?

Con đến hỏi Thế Tôn,

Mong biết câu trả lời!

-- Sắc hữu tình bị già,

Danh tánh lại không già,

Tham dục gọi phi đạo,

Tham ái, chướng ngại pháp.

Tuổi tác đêm, ngày diệt,

Nữ nhân uế Phạm hạnh,

Đắm trước trong uế này,

Là toàn thể chúng sanh.

Khổ hạnh và Phạm hạnh,

Là tắm không cần nước,

Sáu lỗ trống ở đời,

Trên ấy, tâm không trú,

Biếng nhác và phóng dật,

Uể oải, không tự chế,

Thụy miên và hôn trầm,

Cả sáu lỗ trống này,

Cần ly khai tất cả.
VII. Tôn Chủ(S.i,43)
-- Vật gì chủ ở đời?
Hàng hóa gì tối thượng?

Vật gì làm rỉ sét,

Lưỡi kiếm ở trên đời?

Vật gì ở đời này,

Tác thành cõi địa ngục?

Ai đem đi, bị chận?

Ai đem đi, được ưa?

Ai thường xuyên đi lại,

Được kẻ trí hoan hỷ?

-- Thế lực chủ ở đời,

Nữ nhân, vật tối thượng.

Phẫn nộ làm rỉ sét,

Lưỡi kiếm ở trên đời.

Kẻ trộm ở đời này,

Tác thành cõi địa ngục.

Trộm đem đi, bị chận,

Sa-môn đem, được ưa,

Sa-môn thường đi lại,

Được kẻ trí hoan hỷ.
VIII. Dục(S.i,44)
-- Nghĩ lợi, không cho ai,
Con người từ bỏ gì?

Thiện gì nên thốt ra?

Ác gì nên ngăn chận?

-- Con người không cho mình,

Không nên từ bỏ mình,

Lời thiện, nên thốt ra,

Lời ác, nên ngăn chận.
IX. Lương Thực(S.i,44)
-- Cái gì cột lương thực?
Cái gì hút tài sản?

Cái gì lôi cuốn người?

Ở đời, khó bỏ gì?

Cái gì buộc phàm nhân,

Như chim bị bẫy sập?

-- Lòng tin cột lương thực,

Thần tài hút tài sản.

Lòng muốn lôi cuốn người,

Ở đời, muốn (icchà) khó bỏ.

Ham muốn buộc phàm nhân,

Như chim bị bẫy sập.
X. Chớp(S.i,44)
-- Vật gì chiếu sáng đời?
Vật gì thức tỉnh đời?

Ai cọng nghiệp với người?

Cử chỉ chúng là gì?

Ai nuôi kẻ nhác, siêng,

Như mẹ nuôi con cái?

Hữu tình gì trì mạng,

Y cứ vào địa đại?

-- Trí tuệ chiếu sáng đời,

Chánh niệm thức tỉnh đời,

Bò cọng nghiệp với người,

Đường cày là con đường.

Mưa nuôi kẻ nhác, siêng,

Như mẹ nuôi con cái.

Mưa trì mạng chúng sanh,

Y cứ vào địa đại.
XI. Không Tranh Luận(S.i,44)
-- Ai không tranh luận đời?
Ai sống không hoại diệt?

Ai rõ ham muốn đời?

Ai thường xuyên tự tại?

Ai an trú như vậy,

Cha, mẹ, anh đảnh lễ?

Ai dầu có hạ sanh,

Được Sát-lỵ tôn kính?

-- Sa-môn không tranh đời,

Sa-môn sống không diệt,

Sa-môn rõ dục vọng,

Sa-môn thường tự tại,

Sa-môn trú như vậy,

Cha, mẹ, anh kính lễ.

Sa-môn dầu hạ sanh,

Được Sát-lỵ tôn kính.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]