Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm điểu dụ

08/11/201115:28(Xem: 3291)
Phẩm điểu dụ

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang

Quyển thứ tám

PHẨM ĐIỂU DỤ

Phẩm XIV

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp rằng :

- Này thiện nam tử ! Chim có hai giống, một tên là Ca lâu đê, hai tên là Uyên ương, bay đi hay dừng lại chung cùng, chẳng rời bỏ nhau. Những pháp như là Khổ, Vô thường, Vô ngã... cũng lại như vậy, chẳng được rời nhau.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Sao gọi là Khổ, Vô thường, Vô ngã như là chim Uyên ương, Ca lâu đề kia?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Pháp khác là Khổ - pháp khác là Lạc, pháp khác là Thường - pháp khác là Vô thường, pháp khác là Ngã - pháp khác là Vô ngã. Ví như gạo lúa ngon khác với mè, lúa mạch, mè lúa mạch lại khác với đậu, lúa tẻ, mía đường. Các giống như vậy, từ mầm chồi của chúng cho đến hoa lá đều là vô thường. Khi quả trái chín thành, con người thọ dụng thì mới là thường. Vì sao vậy? Vì tính chân thật vậy.

Ngài Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Những vật như vậy nếu là Thường thì đồng với Như Lai sao?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Ông nay chẳng nên nói lời như vậy. Vì sao vậy? Vì nếu nói rằng, Như Lai như núi Tu Di, khi kiếp hoại thì núi Tu Di đổ nát, Như Lai bấy giờ há đồng hủy hoại sao? Này thiện nam tử ! Ông nay chẳng nên thọ trì nghĩa đó ! Này thiện nam tử ! Tất cả các pháp, chỉ trừ Niết Bàn, lại không một pháp nào mà là thường cả ! Những vì thế đế nói rằng quả trái thường.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Hay thay ! Hay thay ! Đúng như lời nói của đức Phật !

Đức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

- Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này thiện nam tử ! Tuy tu tập tất cả Khế kinh, các định nhưng thậm chí chưa nghe Đại bát Niết Bàn thì đều nói rằng, tất cả đều là vô thường. Nghe Kinh này rồi, tuy có phiền não mà như không phiền não, liền có thể lợi ích cho tất cả người, trời. Vì sao vậy? Vì hiểu rõ thân mình có Phật tính. Đó gọi là Thường. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như cây Am La, hoa cây ấy mới nở thì gọi là vô thường tướng, nếu thành quả trái nhiều sự lợi ích thì mới gọi là thường. Như vậy, này thiện nam tử ! Tuy tu học tất cả Khế kinh, các định nhưng khi chưa nghe Đại Niết Bàn như vậy thì đều nói rằng, tất cả đều là vô thường. Nghe kinh này rồi, tuy có phiền não nhưng như không phiền não, liền có thể ích lợi cho tất cả người, trời. Vì sao vậy? Vì hiểu rõ tự thân có Phật tính. Đó gọi là Thường - Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như quặng vàng khi tiêu chảy ra là tướng vô thường. Tiêu chảy ra rồi thì thành vàng, nhiều sự lợi ích mới gọi là Thường. Như vậy, này thiện nam tử ! Tuy tu học tất cả Khế kinh, các định nhưng khi chưa nghe Đại Niết Bàn như vậy thì đều nói rằng, tất cả đều là vô thường. Nghe Kinh này rồi, tuy có phiền não nhưng như không phiền não, liền có thể lợi ích cho tất cả trời, người. Vì sao vậy? Vì hiểu rõ tự thân có Phật tính vậy. Đó gọi là Thường. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như hạt mè khi chưa bị ép thì gọi là vô thường. Khi đã ép thành dầu, có nhiều lợi ích thì mới gọi là Thường. Này thiện nam tử ! Tuy tu học tất cả Khế kinh, các định nhưng khi chưa nghe Đại Niết Bàn như vậy thì đều nói rằng, tất cả đều là vô thường. Nghe Kinh này rồi, tuy có phiền não nhưng như không phiền não, liền có thể lợi ích cho tất cả trời, người. Vì sao vậy? Vì hiểu rõ thân mình có Phật tính vậy. Đó gọi là Thường. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như mọi dòng nước đều về với biển, tất cả khế kinh, các định tam muội đều về với kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn. Vì sao vậy? Vì rốt ráo giỏi nói có Phật tính. Này thiện nam tử ! Vậy nên ta nói rằng, Pháp khác là thường, pháp khác là vô thường... cho đến Vô ngã cũng lại như vậy.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như Lai đã lìa khỏi tên độc ưu bi. Ưu bi thì gọi là trời mà Như Lai chẳng phải là trời. Ưu bi thì gọi là người mà Như Lai chẳng phải là người. Ưu bi là gọi người của hai mươi lăm cõi hữu mà Như Lai chẳng phải là người của hai mươi lăm cõi hữu. vậy nên Như Lai không có ưu bi mà vì sao xưng rằng, Như Lai ưu bi? Này thiện nam tử ! Trời Vô tưởng thì gọi là vô tưởng. Nếu vô tưởng thì không thọ mạng. Nếu không thọ mạng thì làm sao mà có ấm, giới, các nhập. Do ý nghĩa này nên trời Vô tưởng thọ (sống lâu) chẳng thể nói rằng, có chỗ sở trụ. Này thiện nam tử ! Ví như vị thần cây nương vào cây mà trụ, chẳng được nói nhất định rằng, nương cành, nương đốt, nương thân, nương lá. Tuy không định được chỗ nương nhưng chẳng được nói rằng không. Thọ của trời Vô tưởng cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Phật pháp cũng vậy, thậm thâm khó giải. Như Lai thật không ưu bi khổ não mà đối với chúng sinh khởi lên Đại Từ Bi, thị hiện có ưu bi nhìn các chúng sinh như La Hầu La. Lại nữa, này thiện nam tử ! Sở hữu thọ mạng trong trời Vô tưởng chỉ có Phật có thể biết, chẳng phải có ai khác bì kịp ! Cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cũng lại như vậy. Này Ca Diếp ! Tính của Như Lai thanh tịnh, vô nhiễm giống như hóa thân. Sao gọi là phải có ưu bi khổ não? Nếu nói rằng, Như Lai có ưu bi khổ não thì làm sao có thể lợi cho tất cả chúng sinh, hoằng hóa Phật pháp rộng? Nếu nói rằng, không thì làm sao mà nói rằng bình đẳng nhìn chúng sinh như La Hầu La. Nếu chẳng bình đẳng nhìn chúng sinh như La Hầu La thì lời nói như vậy là hư vọng. Do ý nghĩa này nên, này thiện nam tử ! Phật chẳng thể nghĩ bàn ! Pháp chẳng thể nghĩ bàn ! Phật tính của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn ! Thọ của trời Vô tưởng chẳng thể nghĩ bàn ! Như Lai có ưu và cả không ưu là cảnh giới của Phật, chẳng phải là điều hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử ! Ví như nhà cửa, vi trần chẳng thể trụ đứng trong hư không. Nhưng nếu nói rằng, nhà cửa chẳng nhân vào hư không mà trụ thì không có điều đó. Do ý nghĩa này nên chẳng thể nói nhà cửa trụ ở hư không hay chẳng trụ ở hư không. Người phàm phu tuy lại nói rằng, nhà cửa trụ ở hư không, nhưng mà hư không đó thật không sở trụ. Vì sao vậy? Vì tính không trụ vậy. Này thiện nam tử ! Tâm cũng như vậy, chẳng thể nói rằng, trụ ở ấm, giới, nhập và cả chẳng trụ nữa. Thọ của trời Vô Tưởng cũng lại như vậy. Ưu bi của Như Lai cũng lại như vậy. Nếu Phật không ưu bi thì sao nói rằng bình đẳng nhìn chúng sinh như La Hầu La? Nếu nói rằng, có ưu bi thì sao lại nói rằng, tính đồng hư không? Này thiện nam tử ! Ví như nhà huyễn thuật tuy hóa làm đủ thứ cung điện, sát sinh, nuôi lớn, trói buộc, buông bỏ và hóa làm vàng, bạc, lưu ly... vật báu, rừng rậm, cây cối... nhưng đều không thật tính. Như Lai cũng vậy, thuận theo thế gian, thị hiện ưu bi nhưng không có chân thật. Này thiện nam tử ! Như Lai đã vào Đại Bát Niết Bàn rồi thì sao phải có ưu bi khổ não? Nếu cho là Như Lai vào với Niết Bàn là vô thường thì ông phải biết người đó có ưu bi. Nếu cho là Như Lai chẳng vào Niết Bàn, thường trụ bất biến thì ông phải biết người đó không có ưu bi. Như Lai có ưu bi và cả không ưu bi thì không ai có thể biết được.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như người thấp có thể biết pháp thấp, chẳng biết pháp trung và pháp trên. Người trung thì biết pháp trung, chẳng biết đến pháp thượng. Người trên (thượng) thì biết pháp Thượng và biết pháp trung, pháp dưới. Thanh Văn, Duyên Giác cũng lại như vậy, biết ngang tầm địa vị của mình. Như Lai chẳng vậy, biết hết tầm địa vị của mình và cả tầm địa vị người khác. Vậy nên Như Lai gọi là Vô Ngại Trí, thị hiện huyễn hóa thuận theo thế gian, phàm phu mắt thịt cho đó là chân thật mà muốn tận biết trí Vô thượng vô ngại của Như Lai thì không có điều này. Có ưu bi hay không ưu bi thì chỉ có Phật mới có thể biết. Do nhân duyên này nên pháp khác có ngã, pháp khác không ngã. Đó gọi là tính của Uyên ương và Ca Lân Đề. Lại nữa, này thiện nam tử ! Phật pháp giống như chim Uyên ương đi chung. Chim Ca lân đề và chim Uyên ương, nước và mùa hạ đầy tràn lênh láng, chúng chọn lựa chỗ cao cho con mình ở yên ổn mà nuôi dưỡng. Rồi nhiên hậu tùy theo sự yên ổn căn bản mà nó bay đi kiếm ăn. Như Lai ra đời cũng lại như vậy, hóa độ vô lượng chúng sinh khiến cho họ trụ ở Chánh pháp như chim Uyên ương và chim Ca lân đề khi chọn lựa vùng cao để an trí con của mình. Như Lai cũng vậy, khiến cho các chúng sinh... việc làm đã hoàn thành, liền vào với Đại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Đó gọi là pháp khác là khổ, pháp khác là vui, các hành là khổ, Niết Bàn là vui, là đệ nhất vi diệu phá hoại các hành vậy.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Sao gọi là chúng sinh được Niết Bàn thì gọi là Đệ nhất lạc?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Như lời nói của ta, các hành hòa hợp gọi là lão tử.

Cẩn thận không buông lung Chỗ đó là cam lộ

Chẳng cẩn thận, buông lung Đó gọi là câu chết (tử cú)

Nếu người chẳng buông lung Thì được chỗ bất tử.

Như người ấy buông lung Thường đi vào tử lộ (đường chết).

Nếu buông lung thì gọi là pháp hữu vi. Pháp hữu vi này là đệ nhất khổ. Chẳng buông lung thì gọi là Niết Bàn. Niết Bàn đó thì gọi là cam lộ đệ nhất lạc. Nếu đi theo các hành thì đó gọi là chỗ chết, thọ đệ nhất khổ. Nếu đến Niết Bàn thì gọi là bất tử, thọ tối diệu lạc. Nếu chẳng buông lung thì tuy tập (qua) các hành nhưng đó cũng gọi là thường lạc, chẳng chết, chẳng phá hoại thân. Sao gọi là buông lung? Sao gọi là chẳng buông lung? Chẳng phải Thánh, phàm phu thì gọi phóng dật, pháp thường tử (thường chết). Thánh nhân xuất thế thì chẳng buông lung, không có già chết. Vì sao vậy? Vì vào đến Đệ nhất thường lạc Niết Bàn. Do ý nghĩa này nên pháp khác là khổ, pháp khác là vui, pháp khác là ngã, pháp khác là Vô ngã. Như người ở tại đất ngước xem hư không, chẳng thấy dấu vết loài chim. Này thiện nam tử! Chúng sinh cũng vậy, không có thiên nhãn, ở trong phiền não mà chẳng tự thấy có Như Lai tính. Vậy nên ta nói Vô ngã mật giáo. Sở dĩ vì sao? Vì không thiên nhãn thì chẳng biết Chân ngã mà ngang ngược cho là Ngã. Nhân vào các phiền não đã tạo tác hữu vi tức là vô thường. Vậy nên ta nói rằng, pháp khác là thường, pháp khác là vô thường.

Người tinh tấn dũng kiện Như ở đỉnh núi cao

Đất bằng và đồng trống Thường thấy phàm phu vào

Lên điện Đại Trí Tuệ Đài Vô thượng nhiệm mầu

Đã tự trừ ưu hoạn Cũng thấy chúng sinh ưu.

Như Lai đoạn hết vô lượng phiền não, trụ ở núi trí tuệ, thấy các chúng sinh luôn ở trong vô lượng ức phiền não.

Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói của kệ thì nghĩa đó chẳng vậy. Vì sao vậy? Vì vào Niết Bàn thì không lo, không mừng. Sao gọi là được thăng lên đài điện trí tuệ? Sao lại phải trụ tại đỉnh núi mà thấy chúng sinh?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Điện trí tuệ tức là Niết Bàn. Không ưu hoạn là gọi Như Lai. Có ưu hoạn là gọi người phàm phu. Vì phàm phu ưu hoạn nên Như Lai không ưu hoạn. Đỉnh núi Tu Di là gọi Chánh Giải thoát. Siêng tinh tấn là ví cho núi Tu Di không có chuyển động. Đất là gọi hành hữu vi vậy. Những phàm phu này an trụ ở đất đó mà tạo tác các hành. Người trí tuệ ấy thì gọi là Chánh giác. Lìa khỏi “hữu”, thường trụ nên gọi là Như Lai. Như Lai thương xót nghĩ đến vô lượng chúng sinh thường bị trúng tên độc của các hữu. Vậy nên gọi là Như Lai có ưu bi.

Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu giả sử Như Lai có ưu bi thì chẳng được xưng là Đẳng Chánh Giác !

Đức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

- Đều có nhân duyên ! Tùy theo chỗ có chúng sinh ưng thọ giáo mà Như Lai ở trong đó thị hiện thọ sinh. Tuy hiện thọ sinh mà thật ra không sinh. Vậy nên Như Lai gọi là Pháp Thường Trụ như chim Ca lân đề và chim Uyên ương.v.v....

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

- Quyển thứ tám hết -

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]