Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm thứ tám: Ba đời bình đẳng

30/04/201101:21(Xem: 3173)
Phẩm thứ tám: Ba đời bình đẳng

KINH TRUNG ẤM
Hán dịch: Sa môn Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Quang

KINH TRUNG ẤM: QUYỂN HẠ

PHẨM THỨ TÁM
BA ĐỜI BÌNH ĐẲNG

Bấy giờ trên tòa có Bồ Tát tên là Bất Yếm Hoạn Kiếp, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay quỳ trước Phật bạch rằng: Thần lực tối thắng của Như Lai vô cùng vi diệu không thể suy lường. Như Lai thần đức lưỡi rộng và dài, không phạm lỗi lầm như chúng sanh. Nay đây, ba loại chúng sanh quá khứ, tương lai và ngay bây giờ, Ngài vì chúng sanh quá khứ hay vì chúng sanh tương lai và hiện tại?

Bấy giờ ĐứcThếTôn bảo Bồ Tát Bất Yếm Hoạn Kiếp rằng: Lành thay, lành thay! Chỗ hỏi của ông đối với ba loại chúng sanh được nhiều lợi lạc, nhiều sự thấm nhuần và dứt được gốc vô minh, thân nghiệp được thanh tịnh, chẳng phải chỉ có Phật mới nói.

Lúc này Đức Thế Tôn bèn nói kệ rằng:

Người, lúc ở trong thai
Tự bìết túc mạng mình
Bỏ kia nay thọ đây
Ba đời rõ như thế
Thức trước khác thức này
Thân trước khác thân này
Chỉ vì ngu lầm mê
Chẳng biết vào cửa đạo
Ở bốn sử, niệm này
Phát khởi bao nhiêu vọng
Than ôi già-bệnh-chết
Chìm đắm ở ba đời.

Thế rồi Đức Thế Tôn muốn giải thích nghĩa đó liền nói kệ tiếp:

Ta vốn không sắc này
Thọ- tưởng- thức cũng vậy
Ta không, kia cũng không
Nào có thọ- tưởng-thức
Không sắc là sắc pháp
Pháp loạn tưởng chúng sanh
Chín phẩm thì sai biệt
Phân biệt pháp ba đời:
Thượng thượng pháp tối diệu
Không quá khứ vị lai
Thượng trung rất tế vi
Thượng hạ vô giác quán
Trung thượng đoạn ba kiết
Trung trung diệt ba trần
Trung hạ thoắt nhiên ngộ
Đây gọi là Phật Tử
Hạ thượng tuy là nặng
Song như bọt nước kia
Thoạt nổi lại thoạt chìm
Hạ trung các hữu tình
Khổ vốn rất sâu nặng
Ngoài ta ai thấu hiểu
Hạ hạ hàng chúng sanh
Đi qua nhiều kiếp khổ
Ta hóa độ loài kia
Chẳng còn Phiền não nữa
Có bao nhiêu tâm người
Ngồi trên tâm không ngộ
Hoặc nguyện Phật tương lai
Hay cầu Ngài hiện tại
Các loại chúng sanh này
Khó mà tế độ được
Nhân sinh vốn không hình
Nơi trở về hư không
Sống chết cùng vần xoay
Niết Bàn, là gì nhỉ?
Nếu cho có hữu tình
Thân-miệng-ý làm lành
Tịch nhiên vào dìệt độ
Già-bệnh-chết nào còn
Một lòng phát thệ rộng
Cũng chẳng vì tự mình
Hư không, không nắm được
Hư-thực nào có tên
Như Lai tiếng phạm thiên
Phân biệt pháp thật tướng
Thấu rõ tuệ không-vô
Đấng độc hành ba cõi
Hữu giác: pháp không ý
Quán thân nào đắm luyến
Vô giác: ở ba thiền
Tiến vào đường bất thối
Khi thành Phật đến nay
Lấy đó làm bổn nghiệp
Thành Phật cũng nhờ đây
Niết Bàn nào khác đó
Bởi siêng tạo công đức
Chưa đạt vào tướng thật
Nghe tứ, không lìa tứ
Các Phật ấn là đây.

Đương lúc Đức Thế tôn nói xong kệ này, tất cả chúng sanh nhiều không thể tính kể, và Ngũ Sắc Thức Trung Ấm, chúng sanh Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng muốn đắc pháp Lìa Bỏ Ba Đời Không Vui.

Lúc này Đức Thế Tôn nói lại kệ rằng:

Quá khứ chẳng có đây
Hiện tại cũng vậy thôi
Đức Di Lặc tương lai
Giáo hóa nào sai khác
Ta chỉ nói mảy may
Như bụi trên móng tay
Muốn nói hết cõi giới
Ai người thấu hết đây
Nay đang ở Trung Ắm
Dời đến Vô Tưởng Thiên
Địa ngục người chịu khổ
Nghe Pháp được ngộ liền.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn dung thần lực đưa chúng sanh Trung Ắm đến cõi trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ Thức. Lúc này Đức Thế Tôn cũng dung thần lực đến đó. Khi đến cõi Phi Tưởng,Phi Phi TưởngThức rồi, Ngài bèn dựng lên một tòa cao bằng bảy báu trang nghiêm đều có Hóa Phật. Mỗi mỗi Hóa Phật đều có bốn chúng, mỗi mỗi chúng thảy đều thành tựu phép tắc uy nghiêm. Trong chúng sanh này có người tụng kinh thuyết nghĩa, hiền thánh im lặng,hoặc có vị nhập định, xuất định.

Thế rồi Đức Diệu Giác Như Lai lại dung Thần Túc Thập Lực tiếp độ chúng sanh Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Thức kia như Trung Ấm thân không sai khác.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng oai nghi phép tắc như thông lệ của chư Phật, khiến cho vô lượng Hoá Phật hiệp làm một Phật, hoặc dùng một thân hóa ra vô lượng, hoặc ở dưới cây diễn nói giáo pháp, hoặc nhập sơ thiền, định ý bất loạn, hoặc ở núi cao một mình thiền định, hoặc ngồi nơi vắng vẻ xuất ra mười tám thân biến: dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước. Trời đất nếu không thì không có quái ngại. Hoặc hiện diệt độ mà không diệt độ. Hoặc hiện ra thân thể vô thường như thịt trương lên thối nát, như xác bồ câu trắng. Hoặc hiện ra tay chân đều ở chỗ khác.

Lúc này chúng sanh Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Thức thấy sự thay đổi này trong lòng hoảng sợ tự mình sanh tâm bảo rằng, hẳn là Niết Bàn thì không bệnh, không già, không có các sự thống khổ. Nay xem ra pháp này có sinh, có già, có bệnh, chết khổ. Giờ gặp Như Lai giáng thần tại đây nếu không thuận theo các tướng trên thì không chọn địa ngục mà vào, tức là vào ngôi nhà của Ta, Ta vốn quá khứ cùng người kia đâu có khác. Đời trước thức kia là A Nan Đà Già Lan Đà, thấy Phật lễ bái: “Lành thay Thế Tôn! Không gì tôn quí hơn là giáng thần cõi này, như gặp hoa ưu đàm bát la, nếu Phật không giáng thần ở đây chúng con ở mãi nơi chốn biên địa, sát hại vô lượng thân Già Lan Đà”. Lại tự tuyên bạch: “Nay gặp Đại Thánh như mặt trời làm tan hết tuyết, nếu không gặp ngài, Kẻ đó sẽ đọa làm thân con chồn bay nhảy rất hại, nào có thoát nghiệp, dùng bổn nguyện này được thoát khỏi khổ. Cõi hư không vô lượng, đấng Uy Đức ba cõi. Hàng Bích Chi Thanh Văn chỉ thấy được bằng con mắt giới hạn”.

Lúc này thức Già Lan Đà bèn khởi niệm: chúng ta đồng sinh, sinh ở cõi thức này tội phước chưa phân, hoặc đọa tà kiến làm thân con phi li. Ta vốn thọ thân không chỉ ba cõi, khi ở thân Trung Ấm Ngũ Sắc và Vô Sắc đã phát khởi ý nghĩ này: Các thức Phi Tưởng đều sống với tâm khổ não. Bọn chúng ta tuy sanh chỗ này nhưng chẳng được Niết Bàn, Chẳng phải là nơi an ổn.Nay gặp Như Lai nói pháp chân thật, chặt đứt nghìn vạn cửa, không đến cũng không đi, tham dục gốc sanh ngã, nay ta lại diệt nó là vượt qua vô minh kiết sử đời nay và đời sau, có sanh và có khổ, già, bệnh, như bóng lại có hình, như ánh trăng, cây lá…bóng rọi trên sông nước, như loài chó hoang ăn thức ăn hoàn toàn chẳng ra gì.

Ta nay là Phật ba đời pháp thì vừa có, vừa không, giáo hoá vốn không thay đổi, sanh vốn chẳng có sanh, hay thay phép mầu nhiệm khó độ mà độ được, kẻ ngu khờ thế gian cho Ta là chân thật, ngay khi bỏ mạng này còn đâu thân của Ta. Phân biệt trong thân kia đâu là mạng hay thọ, sống chết khổ lụy phiền, vứt đó rồi thọ đây, khổ nóng lạnh trong thai, chào đời lo sống chết, mẹ thì vui nuôi ta, không sanh ai có nạn, nổi chìm như bọt nước, thần thức luyến thân kia, xoay vần trong năm nẻo, đã đến chỗ buộc ràng, biển tử sanh năm đường, không đến cũng chẳng đi. Tâm là gốc hại thân, người hết “ngã” nạn đâu? Hư không nào gốc ngọn, sao biết thường, vô thường. Như thức Vô Tưởng kia, thấy thức Già Lan Đà, một làm vua Biên Địa, một làm loài Hóa Sanh, ba cõi rất là khổ, nơi đây không Niết Bàn, như đi giữa đồng trống, chỉ đông cho là tây, nơi tất cả các khổ, đều đạt được giải thoát.

Bấy giờ chúng sanh Phi Tưởng, Phi Vô Tưởng Thức bèn ở trước Phật tìm lời rồi nói kệ:

Xưa con thờ Ngũ Hỏa
Nướng đốt thân thể đen
Nằm ở trên gai góc
Thân khoác áo sọ người
Vắt chân lên Nhật Nguyệt
Thờ cúng hết thảy thần
Nay làm Phi Phi Tưởng
Được thấy thân Như Lai
Xấu hổ việc làm xưa
Nơi đây nào thoát được
Rõ chánh pháp giáo hóa
Như Lai tự giáng thần
Được thoát chẳng vọng tâm
Ở hẳn nơi an ổn
Năm dục, sanh tử cấu
Trói buộc ở bốn dòng
Tâm luyến mê ba cõi
Lửa trí huệ đốt trừ
Bốn quả-chúng sanh tu
Nào thấy sanh gốc ngọn
Mê thức chúng con là
Như con nay không khác.

Lúc này Đức Diệu Giác Như Lai lại dung kệ trả lời rằng:

Các người vốn là chơn
Hơn tám vạn kiếp qua
Bởi tử sinh vô thường
Chết kia rồi sống đây
Loài hữu tình các ông
Chưa từng già bệnh chết

Chỉ mong cầu Niết Bàn
Đâu phải chân thật pháp
Trần dứt thức chưa diệt
Trở lại cõi tam đồ
Ngoài ta ngươi không ngộ
Ai cứu được khổ đây
Ta từ vô lượng kiếp
Thề độ lão, tử, sanh
Đâu phải nghiệp tiền thân
Hay hậu thân phải chịu
Vốn được kim cương định
Nay mới giáo hóa ngươi
Đất chẳng thể làm trời
Trời làm đất sao được
Nước không thể ra lửa
Lửa làm nước được đâu
Hết thảy kẻ ngu mê
Thì vạn loài có ngã
Ngu si không rõ pháp
Cho là đạo chánh chơn
Như người kia mỏi mệt
Trong chốc lát nghỉ ngơi
Dầu sống tám vạn tư
Như một ngày trước mắt
Là hữu tình năm khổ
Không có ngã, chỗ nào?

Phân biệt pháp-tướng thân
Phân biệt không-vô pháp
Sanh thì chẳng thấy sanh
Chết nào đâu thấy
Điều căn bổn tử sanh
Do việc làm đã tạo
Ba ác đạo luân hồi
Bệnh si là nguồn cội
Danh sắc, lục nhập pháp
Đây là thói của đời
Xúc nhập cùng sắc pháp
Ái nhập thêm khoái cảm
Mê hoặc của mọi loài
Mười hai duyên chẳng hiểu
Như thiêu thân vào lò
Đức Diệu Giác nói rằng
Nếu ngươi cấu trần nặng
Thì ta cấu tâm nặng
Thành thân Phật như ta
Trãi qua không ngằn cõi
Tâm cấu nặng phá tan
Phân rành tưởng-chẳng tưởng
Căn nguyên kiết sử là
Không thường bảo là thường
Chuốt khổ nói là vui
Suy không cho là có
Vô ngã lấy làm ngã
Loài Tưởng-Phi Tưởng
Tập điên đảo lâu ngày
Như thiêu thân ham lửa
Nạn thân, không tránh được
Lầm mê rớt sáu đường
Sanh Trời Phi Tưởng này
Tựa như đốn phứt cây
Gốc còn, cây sống lại
Bốn đảo điên mê lầm
Chứa mầm vô minh cả
Cửa cam lồ nay mở
Phật đạo vốn chơn như
Căn bổn khổ dứt trừ
Hết hẳn không còn dư
Dòng biển dài bốn sử
Sanh sanh, sanh không ngừng
Ta nay tung ba cõi
Và đến bên kia bờ
Nơi bình yên-vô úy.

Bấy giờ khi đức Thế Tôn nói kệ này xong, chúng sanh Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Thức đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ở Vô Dư Niết Bàn và không rời Niết Bàn. Hoặc có người muốn sanh Thiên thì Ngài nói pháp Thập Thiện. Nếu muốn sanh trong cõi Người, Ngài vì họ nói Ngũ Giới, hoặc người hướng đến Ba Ác Đạo thì Ngài nói về các loại sau đây: núi đao, cây kiếm, xe lửa, lò than…ba trăm ba mươi sáu ức vô số người chán sợ kiếp sống, nghe pháp Thanh Tịnh liền thành đạo quả.

Lúc này Đức Thế Tôn lại dung thần túc Thập Lực Vô Úy đưa chúng sanh Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Thức kia cùng đến cõi chúng sanh Ngũ Sắc Thức. Ngài chỉnh đốn đạo thọ, trang nghiêm cõi nước, phóng ánh sáng lớn. Mỗi mỗi ánh sáng đều có Hóa Phật, mỗi mỗi Hóa Phật đều ngồi trên tòa cao bảy báu, đủ ba mươi hai tướng hảo, nói về lục độ không cùng.

Chúng sanh Ngũ Sắc kia thấy Như Lai biến hóa, tâm Phiền não trói buộc thoáng chốc trừ sạch, không còn thích muốn ràng rịt sanh tử,

Thế rồi Đức Thế Tôn dùng phạm âm thanh tịnh mà nói kệ rằng:

Khổ, từ sanh tử oán
Dùng phương tiện trừ đi
Tứ đẳng, đại bi tâm
Vượt qua vô lượng cõi
Nay kẻ lợi căn này
Mới nghe không dám thọ
Thấy Phật tướng, sắc thân
Thảy nhập tịch, diệt độ
Mới hay đạo thánh hiền
Khó nghĩ bàn vô lượng
Diệt cấu chẳng còn sanh
Đạo thánh hiền nào khác

Ngay khi Đức Thế Tôn nói kệ này xong, vô hạn vô lượng chúng sanh Ngũ Sắc Thức thảy đồng một hiệu ở đời tương lai, hiệu Phổ Quảng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]