Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

a. Vô thường

14/02/201117:08(Xem: 3399)
a. Vô thường

KINH LỜI VÀNG
Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm

PHẦN III – NHƠN QUẢ

CHƯƠNG II

CHÚNG SANH

A – VÔ THƯỜNG

Đức Phật dạy: Phật xuất hiện quí như hoa Đàm, gặp Phật sanh lòng tin là rất khó; Phật lâm Niết bàn, cúng dường đầy đủ pháp bố thí lại càng khó hơn. Bài kệ rằng:

Tất cả các thế gian, vật sống đều phải chết, thọ mạng tuy rất nhiều, rốt cuộc quyết phải hết. Lúc thịnh dần đến suy, hội hợp quyết biệt ly, hoa niên được bao lâu, thinh sắc bị bệnh cướp. Các khổ chạy vòng tròn, trôi lăn không chút nghỉ, ba cõi đều vô thường. Các cõi đâu có vui!

Kinh Niết Bàn

Ba cõi không yên, in như nhà lửa, các khổ đây nhẫy rất là đáng sợ.

Kinh Pháp Hoa

Ba cõi đều là khổ, thì quốc độ nương nhờ đâu mà còn.

Kinh Nhơn Vương

Có năm vị Quốc Vương, quốc gia gần nhau việc bang giao qua lại rất là thân mật, chẳng hề gây hấn với nhau.

Vị quốc vương đàn anh tên là Phổ An. Việc trị nước của vua Phổ An rất là minh chánh, mà bốn vị kia lại theo tà đạo.

Có một hôm, năm vị mở một yến hội bảy ngày, ca hát, đàn nhạc đủ thứ vui thú dục lạc. Khi mãn hội, ai sắp về nước nấy. Bấy giờ vua Phổ An đích thân tiễn chân bốn vị kia ra trước hoàng môn và hỏi rằng: "các bạn ưa thích những lạc thú gì, nói cho ta nghe thử?" Các vua tuần tự trình bày:

Vua thứ nhứt đáp: Tôi thích mùa xuân ba tháng, cỏ hoa tươi thắm, đạo mà thưởng thức, thích thú biết bao.

Vua thứ hai đáp: Tôi thích được làm vua lâu dài, mỗi khi lâm triều, mặc triều phục cho oai, ngư giữa điện rồng lầu các; bá quan thần đân hầu hạ hai bên; tiếng chuông trống ngân rền, cờ xí đôi hàng rực rỡ.

Vua thứ ba đáp: Tôi thích vợ đẹp vô song, con xinh như ngọc, cùng nhau mà hưởng cảnh vui thú sang giàu.

Ông vua thứ tư đáp: Tôi muốn cha mệ tôi được trường thọ bách niên, vợ con sum họp, anh em đông nhiều; mặc những áo đẹp, ăn những vật ngon, và cùng nhau chung hưởng vui đời cho khoái.

Đoạn bốn vua đồng thanh bảo lại: "Chúng tôi đã trình bày xong, thì Đại Vương cũng nên tỏ sở thích của mình cho anh em tôi nghe với chớ?" Phổ An thong thả góp: Những sở thích mà các bạn vừa trình bày đều chẳng phải thú vui vĩnh viễn. Riêng tôi, tôi chỉ thích cái vui: chẳng sanh, chẳng tử, chẳng khổ, chẳng não, chẳng lạnh, chẳng nóng.

Bốn vua kia lấy làm quái lạ đồng thanh khen và hỏi dồn: Hay quá. Vậy chớ ai dạy những điều ấy cho Đại vương và vị ấy hiện ở đâu?

Phổ An đáp: Đức Thế Tôn: Hiện giờ Ngài đang ngự tại Tịnh xá Kỳ Viên.

Bốn vua kia nói: Vậy chúng tôi có thể yết kiến Ngài được không?

Phổ An đáp: Được chớ, quí lắm đấy. Thế là năm nhà vua đồng đi đến Tịnh xá Kỳ Viên để ra mắt đức Phật.

Sau hồi năm vua hành lễ và thưa thính xong, lui về chỗ ngồi an tọa, đức Phật mới bắt đầu thuyết:

Này các Đại Vương lắng nghe! Vì người đời ngu ám không có chánh trí nên nhiều kẻ say mê vui đời mà chẳng hề biết tội phước là gì cả, cho nên bị khổ. Những khổ của đời quá nhiều, mà gọn lại chỉ còn 8 thứ: 1. Sanh, 2. Già, 3. Đau, 4. Chết, 5. Tình yêu ly biệt, 6. Cầu mong chẳng đặng, 7. Gặp kẻ oán ghét, 8. Rầu lo khổ não:

Những khổ về sanh: người chết rồi thần thức chẳng biết đi về hướng nào. Sống cái thân trung ấm với thời gian 21 ngày, gặp khi cha mẹ giao cấu liền chạy vào thai; bảy ngày ban đầu hình trạng như chất bơ lỏng; bảy ngày thứ hai như bơ đông đặc; bảy ngày thứ ba như bơ đông cứng; bảy ngày thứ tư như lát thịt mỏng. Đến bảy ngày thứ năm mới bắt đầu thành bào thai; như gió vào trong bụng mẹ mà thổi nơi thân thể, thời sáu căn mới mở khai. Nếu mẹ ăn phải một bát đồ ăn nóng, thì bào thai như bị nằm trong chảo nước sôi, hoặc uống phải một ly nước lạnh thì như nằm trong hàn băng, và lấn ép thân thể của mẹ, mẹ rất đau khổ. Đầy đủ tháng ngày, đứa con mới quay đầu xuống nơi sản môn của mẹ, như hai viên đá ép, mạng mẹ nguy hiểm, lòng cha lo sợ. Ra khỏi cửa mẹ, da thân mỏng tăng, bị phải lá cỏ đụng vào thân, như bị dao cắt hoảng hốt mà thất thanh khóc lớn.

Những khổ về gìa: chịu nhờ ơn nuôi nấng của cha mẹ, lớn to mạnh mẽ, nhưng lần lữa đã già đầu bạc, răng rụng, mắt mờ, tai điếc, và sức mạnh lui dần nhường cho suy yếu thay thế. Da dùn mặt nhăn, trăm đốt xương đau nhức, bước đi cực khổ, ngồi đứng rên hừ hừ, lòng dạ lo buồn và tinh thần dần dần tiêu giảm.

Những khổ về đau: Thân người do bốn đại là: đất, nước, gió, và lửa hiệp lại mà thành. Nếu một món chẳng điều hòa, thời phát sanh 101 bịnh, mà bốn đại đều không điều hòa thì 404 bịnh sanh khởi. Như địa đại chẳng điều hòa thì thân thể nặng nề; thủy đại chẳng điều hòa, thân thể phù thủng; hỏa đại chẳng điều hòa, thân thể nóng nảy; phong đại chẳng điều hòa, thân thể động chuyển. Cảm giác trăm đốt đau khổ: nên tay chân chẳng cử động theo ý muốn, khí lực mòn dần, ngồi mà đứng dậy phải nhờ người phò trợ. Miệng khô lưỡi thụt, mũi nghẹt; mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, những đồ nhơ nhớp tuôn trào, rồi ngồi nằm trên ấy! Tâm thần khổ não giọng nói bi ai, buồn thảm. Bà con đến thăm nuôi ngày đêm chăm sóc chẳng chút nghỉ ngơi; món ngon vật quí ngọt thơm, khi đưa vào miệng đều biến thành vị đắng.

Những khổ về chết: Thân người đến lúc sắp chết, thời 404 bịnh nhứt tề phát khởi, bốn đại phân tán thần thức chẳng an, gió thổi tới như dao cắt, đau nhức toàn thân; toát mồ hôi trắng, hai tay buông xuôi. Phong đại tản đi là hết hơi thở; Hỏa đại đi theo là tấm thân lạnh ngắt như đồng!

Những khổ về tình yêu ly biệt: Trong ngoài gia đình: cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu giòng họ yêu mến lẫn nhau; một khi bị phá hoại lưu vong, mỗi người mỗi ngã: cha đông con tây, vợ nam chồng bắc, hoặc làm tôi tớ cho người, tuyệt vọng những ngày đoàn tụ!

Những khổ về cầu mong chẳng đặng: Của mất lại cầu. Muốn quí cầu quan, muốn sang cầu giàu, khổ cực tìm cầu đủ cách. Phỏng như cầu được quan sang rô? cũng bị mất vì lòng tham của dân cướp lấy, lại mong cầu nữa mà nào dễ được đâu!

Những khổ về gặp kẻ oán ghét: Con người ở trong cảnh ái dục, một việc chút xíu, cũng vẫn tranh giành, rồi do đó mà giết hại lẫn nhau, gây thành oan lớn; tuy cố tình lánh mặt nhưng không nơi tránh thoát, chỉ còn nước mạnh ai nấy mài dao, chuốt tên, giương cung, nắm gậy gặp nhau giữa đường hai bên xáp lại, dao gậy đối địch, cuối cùng tất nhiên đôi bên đều bị tổn hại, chẳng ai hơn gì.

Những khổ về lo rầu khổ não: Người sanh ra đời, có sống lâu lắm cũng chừng trăm năm là cùng; lắm kẻ mới vào lòng mẹ vừa bị trụt thai. Nay cứ người sống đủ trăm tuổi mà luận: hết 50 năm thuộc về ban đêm, 5 năm say rượu, hoặc tật bệnh là những năm bất trí nhơn sự; 15 năm thơ ấu chẳng biết việc gì. Và qua 80 tuổi thời già ngu hết trí huệ: tai điếc mắt mù không còn biết lễ độ phép tắc gì nữa. Và giảm kiếp 20 năm nữa, cho nên chỉ còn 10 năm mà thôi.

Trong khoảng 10 năm ấy, chỉ có lo rầu là chiếm hết phần nhiều: lo rầu thời cuộc biến loạn; lo rầu thiên thời nắng hạn, lụt bão, mưa đá, mùa màng hư mất; bà con nội ngoại đau ốm nghèo khổ. Lại còn những nỗi này nữa: lo sợ của cải mất mát, người nhà và giòng họ bị bắt giam vào ngục, chẳng biết ngày nào ra khỏi, anh em vợ con đi xa... Như vậy người sống ở cõi nhơn gian chỉ có lo buồn mà phải bị già chết!

Kinh Pháp Cú Thí Dụ

Vua chết nuốt chúng sanh, suy già uống tuổi trẻ, bệnh đến mạnh khỏe tiêu, người thế gian không biết.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ

Tại thành Xá Vệ có ông trưởng giả giàu có vô song, nhưng nhà chưa có con trai. Ông lo sau khi ông qua đời của bị quan thu theo quốc pháp, nên mới phát tâm quy y Tam Bảo, thành tâm tinh tấn khẩn nguyện cầu tự. Quả nhiên toại nguyện; bà phu nhơn mang thai, sanh hạ một con trai tướng mạo tuấn tú, tuổi vừa khôn lớn sớm lo cưới vợ.

Đôi bạn tân hôn yêu quí dắt nhau dạo rừng du ngoạn thưởng vui. Trong rừng có cây vô ưu trên cánh hoa nở từng đóa, phô bày cành nhụy màu sắc trắng hồng rất đẹp. Nàng thích quá tỏ ý với chồng muốn được thứ hoa quí ấy. Chàng liền trèo lên cây để hái hoa thì không may nhánh cây tức thì bị gãy vì dòn yếu, anh sa xuống chết ngay.

Cha mẹ hay tin, tức tốc chạy đến ôm lấy xác con mà khóc ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại; rồi than khóc liên miên tổn thương tinh thần; tình cảm như thế, ai hay mà chẳng thương lòng!

Bấy giờ vừa lúc Đức Phật và ngài A Nan vào thành khất thực, thấy việc người sa cây bị chết, Ngài bảo với trưởng giả rằng: "người có sống, chết, vật có thành, bại; thời đến mạnh tận không thể tránh được. Thế nên ngươi đừng buồn rầu thương khóc chi nữa." Và Ngài tiếp: "Đứa con này từ trên trời sanh xuống nhà mgươi, rồi mạng nó tận cũng từ nhà ngươi mà lên trời. Thế thì nó chẳng phải con trời, mà cũng chẳng phải con ngươi. Nó cứ tùy theo nghiệp nhơn của nó mà sống chết, giống như kẻ lữ hành qua đường; chết không thể tránh khỏi, đi không thể bắt lại được."

Kinh Trưởng Giả Tử Áo Não Tam Xứ

Đức Phật đang ngự tại tịnh xá Kỳ Viên, vì các đệ tử nói pháp. Khi ấy có con gái của Phạm Chí tuổi mới độ mười lăm nhan sắc đẹp đẽ, bản tính thông minh, cha mẹ rất yêu mến; bỗng bị đau nặng và chết luôn. In như lúa chín khô trong ruộng bị lửa đồng đốt cháy. Phạm Chí buồn rầu đến nỗi thất ý, hoảng hốt như kẻ điên cuồng, tự không giải được.

Ông nghe đồn có Đức Phật là vị Đại thánh làm thầy cả trời người, nên ông đến lễ bái và thưa đức Phật rằng: "Tôi vốn hiếm hoi ít con chỉ có chút cháu gái, nó an ủi cho gia đình tôi, nhưng chẳng may nó bị đau và chết mất; tôi thương nhớ quá đỗi, thật chẳng biết làm sao được, cúi xin đức Thế Tôn dũ lòng thương xót mà dạy cho tôi bớt nỗi rầu rĩ."

Đức Phật bảo Phạm Chí rằng: Này Phạm Chí! Đời có 4 việc không thể vĩnh cửu được:

Hữu thường phải vô thường

Phú quí phải bần tiện

Hội hiệp phải biệt ly

Mạnh bạo quyết già chết

Rồi Ngài tóm tắt: Thường phải hết, cao phải thấp, hội phải ly, sống phải chết. Phạm Chí nghe xong, tâm liền khai mở, tức thì phát nguyện xin Phật làm Tỳ kheo, tự cạo râu tóc thành vị Tỳ kheo, chuyên tu pháp vô thường chứng A La Hán.

Kinh Pháp Cú Thí Dụ

Xưa có một bà già, chỉ có một cậu con trai, chẳng may bị bịnh rồi chết luôn. Bà con đem thấy chôn vào mả. Bà già thương buồn quá đỗi! Và tủi phận: Ta chỉ có một mình con để nhờ lúc tuổi già, mà con nay bỏ mẹ chết đi sao! Rồi bà nằm luôn tại mả con tính chết theo con bằng cách tuyệt thực đã bốn năm ngày rồi.

Đức Phật quán biết động lòng thương, liền đến gò mả hỏi bà già kia rằng: "Người nằm chi đây, sao buồn thảm thế." Bà già kể lể: "Thưa Ngài, đời tôi chỉ có một chút con trai, đã lớn khôn, nay nó bỏ tôi mà chết; tôi thương nó quá, muốn chết một chỗ với nó cho rồi cái đời bất hạnh này." Đức Phật hỏi: "Người có muốn con ngươi sống lại không?" "Thưa Ngài muốn lắm."

Đức Phật nói: muốn là phải. Ta vẽ cho ngươi làm như vậy: Ngươi đến nhà nào, từ xưa nay chẳng có người chết, xin chút lửa nhang đem về đây Ta sẽ làm phép nó sống lại cho. Bà già nghe lời làm theo. Đi đến đâu, hễ gặp nhà người thì liền hỏi trước: nhà của ngươi từ trước đến nay đã có người nào chết chưa? Thì người ta đều đáp rằng: từ trước đến nay tổ tiên tôi đã chết nhiều lớp rồi. Bà cứ như thế đi qua vài mươi nhà mà chẳng được lửa nhang.

Bà trở về chỗ Phật thưa: Tôi đi đã khắp nơi mà xin không được lửa, vì không có nhà nào mà không có người đã chết, cho nên tôi đành về không.

Đức Phật nói: Từ ngày có trời đất đến nay ai sống lại chẳng bị chết, sao ngươi mê muội lắm vậy. Lại còn muốn chết theo con là nghĩa làm sao? Bà lão nghe nói mới tỉnh ngộ lý vô thường mà liền được vào Đạo.

Kinh Tạp Thí Dụ

Người đời hèn kém, tranh giành nhau những việc chẳng phải gấp, rồi đối với những việc kịch liệt khổ ác này mà đem thân kinh doanh mọi việc để mưu cầu tự cấp tế cho mình. Do đó mà không còn có kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, lớn nhỏ trai gái đua lo tiền của; rốt cuộc kẻ có người không cùng nhau là khổ mà thôi. Qua cơn suy nghĩ, đến việc kinh doanh, khổ nhọc lo lắng quá nhiều, sai khiến thân tâm rông chạy không lúc nào yên: kẻ có ruộng lo ruộng, người có nhà lo nhà, trâu ngựa lục súc, tôi tớ tiền tài, áo mặc cơm ăn vật này vật nọ, lo rồi lo nữa. Chấp chứa nghĩ lo, buồn rầu sợ hãi những tai biến phi thường: nước lửa giặc cướp, oan gai trái chủ: cháy, trôi, cướp đoạt tiêu tan. Lo khổ rộn ràng, không giờ nào rảnh, bó buộc trong lòng chẳng rời lo khổ, tâm ý bền chắc không chút nới bỏ.

Hoặc bị mạng chết thân tiêu, bỏ đó mà đi chứ đem gì theo được! Cao sang giàu mạnh cũng vẫn bị thứ khổ này, lo sợ muôn bề, cần khổ như thế, kết nhiều nỗi lạnh nóng, rồi cùng với sự đau khổ ấy mà chung ở.

Còn hạng nghèo cùng hạ liệt, thường bị quẫn bách thiếu thốn; kẻ không ruộng lo muốn có ruộng, người không nhà lo muốn có nhà, không có trâu ngựa lục súc, tôi tớ tiền của, áo cơm, vật kia vật nọ cũng đều lo muốn cho có đầy đủ; vừa được một món, lại thiếu thêm một món, có món này thiếu món kia, rồi nghĩ lo cho có đủ. Mới vừa đủ có, đã bị tiêu tan; như vậy lo tìm cầu lại nữa, hoặc khi chẳng đặng, thời lo nghĩ vô ích, thân tâm đều nhọc, ngồi đứng chẳng yên, lo rầu nối tiếp, cần khổ như thế kết nhiều nóng lạnh, ở chung với khổ, hay ngồi trên đống khổ, mà trọn đời chẳng biết làm lành, tu đạo tiến đức. Đến khi mạng chung thân chết, một mình đi xa, đi không chỗ đến, vì đường thiện ác nào ai biết trước!

Kinh Vô Lượng Thọ

Nước chảy luôn chẳng đầy, lửa chứa lâu chẳng cháy, mặt trời mọc rồi lặn, trăng tròn rồi lại khuyết, kẻ tôn vinh hào quí, tránh sao khỏi vô thường.

Kinh Tội Nghiệp Báo Ứng

Giả sử thọ mạng đủ một trăm năm, bảy vật báu đầy đủ, hưởng các khoái lạc, thần chết nó đến khó tránh vô thường.

Kinh Tâm Điạ Quán

Xưa có bốn anh em giòng đại Phạm Chí đều có thần thông biết sẽ chết, cùng bàn với nhau rằng: cái chết nó đến, người ta khó tránh; nhưng bọn ta tránh được bằng cách đi trốn.

Rồi một bay cao lên không trung, một vào trong biển cả, một nữa vào trong giữa núi Tu di, và ông thứ tư chạy vào trong giữa đám rất đông người tại chợ lớn mà trốn. Nhưng đến ngày chết thời bốn người đều chết cả. Vì lẽ tất cả là: Vô thường, khổ, không, vô ngã. Nếu ai biết suy nghĩ đạo lý này, thời sẽ khỏi sanh lão bệnh tử, và ưu bi khổ não mà đạt đến đạo quả Niết bàn vậy.

Kinh Xuất Diệu

Khi Đức Phật ngự tại nước Xá Vệ, trong thành có một ông già giòng Bà la môn đã 80 tuổi, nhà giàu của cải vô số. Nhưng thuộc hạng người nan hóa, chẳng biết gì đạo đức, chẳng biết lo cơn vô thường mà chỉ biết lo làm nhà cho đẹp: nào là nhà trước nhà sau, nào là lầu mát nhà ấm, nào là nhà đông nhà tây, hai hàng dài có chừng vài chục nóc. Nhưng chỉ có cái nhà tiền đường và hậu tẩm còn cách nhau chưa liền mỗi khi đi lên xuống thường bị mưa nắng bất tiện, nên ông đích thân ra kinh doanh và chỉ huy cho chúng bạn làm.

Bấy giờ đức Phật dùng đạo nhãn xem thấy ông già này, không còn mấy hôm nữa sẽ bị tận mạng; thế mà ông có tự biết đâu, nên cứ loay hoay nhọc sức, không ích gì cho đời sau, thật là đáng thương!

Đức Phật với A Nan hai thầy trò cùng đi đến tận nhà, vui vẻ hỏi ông rằng: "Ông lão làm gì đó, có nhọc mỏi không? Và nay còn cất nhà này nữa chi thế?"

Ông đáp và giải thích: "Nhà trước để tiếp khách, nhà sau để tự ở, hai dãy đông tây thì con cháu tôi tớ ở, và để của cải. Mùa hè nóng bức thượng lên lầu cao cho mát; mùa đông lạnh lẽo, trụt xuống nhà kín cho ấm. Ngài đã hiểu hết chưa?"

Đức Phật bảo: "Tôi nghe danh ông lão đã lâu, muốn gặp nhan để đàm luận cho vui, nên tôi sẵn có một bài kệ khẩn yếu; kệ này có ích cho những lúc an lành hay bất hạnh, giờ đây muốn tặng, ông lão nên nghỉ tay cùng ngồi, tôi đọc nghe chừng được không?" Ông đáp: "Tôi đang bận việc lắm, nên không thể ngồi mà đàm luận được; mai mốt nếu Ngài đến thời hay biết bao. Mà bài kệ khẩn yếu thì Ngài cứ việc đọc, tôi vừa làm vừa nghe cũng được."

Đức Phật phải chìu lòng đọc kệ:

"Có con có của, ngu lo bận rộn,

Ta chẳng phải ta, con của đâu có.

Nóng sẽ hết nóng, lạnh sẽ hết lạnh,

Lắm ngu lo trước, chẳng biết tai đến.

Ngu mờ ngu mịt, tự cho là trí,

Ngu mà xưng trí, ấy là rất ngu."

Ông già bạc phước ấy khen; Ngài thuyết kệ hay thật nhưng nay bận quá, ngày mai Ngài đến, chúng ta sẽ cùng bàn luận thì hơn.

Thế là đức Phật thương hại cho ông ta rồi đi.

Đức Phật vừa đi không xa, ông già tự tay đưa cây lên cho thợ làm, chẳng may bị sẩy tay cây rơi xuống đánh vỡ đầu chết ngay tức thì! Người nhà la khóc, động cả xóm làng. Đức Phật đi chưa bao xa, thì xảy ra ta biến này.

Ngài đi đến một làng khác, vừa gặp mười người Phạm Chí họ hỏi Ngài đi đâu vậy, thì Phật đáp: Ta đi đến nhà ông già ở làng kia, với mục đích để thuyết pháp, nhưng ông không tin lời Phật, và cũng không biết tai biến vô thường, Ta vừa đi thì ông đã chết vì cây rơi đánh. Rồi Phật lại vì các ông Phạm Chí thuật lại ý nghĩa bài kệ mà Ngài vừa mới đọc cho ông già nghe khi nãy. Nghe xong các Phạm Chí vui mừng hớn hở, đều được thấy dấu vết của Đạo.

Liền đó đức Phật thuyết một bài kệ khác cho mấy ông nghe:

Ngu ám gần trí, như bầu chứa vị,

Chứa đựng tuy lâu, mà chẳng biết mùi.

Sáng suốt gần trí, như lưỡi nếm vị,

Đưa đến chót lưỡi, liền biết vị gì.

Người ngu tạo tác, vì thân chuốc họa.

Cam lòng làm ác, tự gây tội nặng.

Gây điều bất thiện, khi biết ăn năn,

Khóc rơi nước mắt, trả báo do nhơn.

Các ông Phạm Chí được hân hạnh nghe bài kệ này nữa, lòng tin càng bền vững, vui mừng làm lễ phụng hành.

Kinh Pháp Cú Thí Dụ

Giòng sanh mạng chảy không ngừng, mau hơn nước núi chảy xuống, ngày nay tuy tồn tại, ngày mai khó bảo đảm. Thế mà cứ buông lòng làm ác. Sức mạnh chẳng ngừng như ngựa bôn chạy, làm sao ỷ lại mà sanh khinh mạn. Giống như ác quỷ, rình mò bắt người, bốn đại ác quỷ, thường rình bắt ta, làm sanh khởi ác ý. Ví như nhà mục sẽ sập nay mai, mạng ta cũng y như thế.

Kinh Niết Bàn

Biển Nam Hải, vụt nổ một cơn sóng dữ dội kinh khủng, đẩy ba con cá lớn vào trong chỗ nước cạn. Cá cùng bảo nhau rằng: "Chúng ta bị nguy tai đây rồi! Nhưng hiện giờ nước chưa cạn, còn chảy ra vào, cần nên ngược dòng trở về biển cả." Nhưng không may lại vừa có con thuyền chận ngang thủy khẩu, nên cá không thể tự do chạy ra. Con thứ nhứt đem tận lực vượt qua khỏi thuyền, con thứ hai may nhờ đám cỏ cũng lủi qua được. Duy con thứ ba bởi sức yếu nên bị ngư ông bắt được! Đức Phật xem thấy việc này liền nói bài kệ rằng:

Ngày nay đã qua mạng ta giảm đi

Như cá ít nước, đâu có vui gì!

Bởi vì cá lấy nước làm nhà sống, mà nước hết thời chết. Người nương mạng căn mà còn, mạng giảm thời tiêu. Mạng căn theo đêm ngày mà giảm, thân thể bởi tám khổ mà mòn; vô thường già bệnh chẳng cho người hẹn. Kìa như cá khô nước đâu có vui gì!

Kinh Xuất Diệu

Mạng người sống in như dắt trâu đến lò thịt: trâu đi một bước, thì một bước đến gần chỗ chết, cũng như thế người sống qua một ngày hệt như trâu nọ từng bước một đi đến lò chết, mạng sống chảy theo sau vậy.

Kinh Lục Độ Tập

Xưa có người hàng thịt nuôi một ngàn con trâu, con nào cũng béo mập to lớn. Cứ mỗi ngày giết một con đem thịt bán. Giết đã hết năm trăm con, còn lại năm trăm con; mà nó vẫn cùng nhau húc báng, nhảy nhót, kêu rống vui giỡn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vào làng thấy những con trâu vô tình như vậy, Ngài động lòng từ, mà ngoảnh lại sau bảo với các đệ tử rằng: Trâu này ngu si quá, bè bạn sắp phải tận mạng, mà nó vẫn cứ vui giỡn! Người cũng như vậy chứ gì? Qua một ngày rồi, mạng người giảm dần; cho nên Đạo độ thế chẳng khá chẳng suy nghĩ mà siêng năng cầu vậy.

Kinh A Dục Vương Thí Dụ

Đức Phật hỏi một vị Sa môn rằng: Mạng người sống chừng bao lâu?

Đáp: Chừng trong vài ngày. Phật nói: Ngươi chưa biết Đạo. Ngài lại hỏi một vị khác, thời vị này đáp: Chùng trong một bữa ăn. Ngài cũng quở nữa: Ngươi cũng chưa biết Đạo. Phật hỏi đến Vị thứ ba, Vị này đáp: Mạng sống của con người ở trong chừng một hơi thở ra vào. Đức Phật khen: Hay thay, người là kẻ biết Đạo vậy.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Tất cả chúng sanh tham đắm vui đời mà chẳng lo vô thường. Ví như có người ở giữa đồng nội, bị con voi điên đuổi sợ mà chạy hoảng, thấy một giếng khô cạnh có rễ cây, người ấy nương rễ mà vào lần xuống giếng, nhưng ở dưới giếng sẵn có con độc long rất to, nó vừa hả miệng trông lên, bốn phía giếng lại có thêm bốn con rắn độc dữ tợn không thể nói. Người ấy tuy chăm lòng nắm lấy rễ cây, lại còn có hai con chuột trắng đen cắn phá rễ cây.

Bấy giờ con voi điên đã đến miệng giếng, người ấy hoảng sợ không còn chỗ tránh. Nhưng trên cây đứng bên giếng có một tổ ong, cứ mỗi lát rơi xuống một giọt mật trúng ngay miệng anh, nên anh chỉ nhớ mật mà quên hết sự nguy hiểm đang xảy ra đến cho mình; và nguy hơn nữa lại còn chẳng muốn ra khỏi cái giếng nguy hiểm này.

Con voi điên là dụ vô thường của cảnh đời, giếng là dụ nhà của chúng sanh, độc long là dụ địa ngục; bốn rắn độc là dụ cho thân bốn đại; rễ cây dụ cho mạng căn người, hai con chuột đen trắng, dụ cho ngày và đêm. Mạng người ngày càng mòn dần mà chẳng chút ngừng nghỉ, kẻ tu hành phải quan sát cơn vô thường để xa lìa các nỗi khổ lụy.

Kinh Thí Dụ

Xưa có ba người tu Đạo cũng hỏi nhau rằng: Các anh nhờ đâu mà được Đạo? Một người đáp: Khi tôi còn ở trong nước tôi, một buổi mai tôi thấy giàn nho trái rất đẹp, quá trưa người ta đến hái hết trái và làm cho cành là hư hao tàn tạ. Tôi nhận thấy vậy, mới giác ngộ lẽ vô thường. Đó là duyên cớ tôi đắc Đạo.

Người kế đáp tiếp: Khi tôi ngồi bên bìa nước, thấy có người đàn bà đang quậy tay rửa bát, hai chiếc hoàn nơi cánh tay chạm vào nhau, do nhơn duyên hội hợp mà phát ra thành tiếng, tôi do đó mà đắc Đạo.

Người thứ ba đáp: Lúc tôi đang ngồi bên hồ sen, thấy hoa sen rất đẹp, khi quá trưa có vài chục chiếc xe đến, rồi nào là người ngựa lội xuống tắm bơi, làm hư nát tan tành bao nhiêu những đóa hoa tuyệt hảo. Tôi mới giác ngộ các pháp vô thường là như thế. Do đó tôi đắc Đạo.

Kinh Tạp Thí Dụ

Xưa có Vị Quốc vương, bỏ nước không làm vua, mà làm Sa môn, vào trong núi tinh cầu tu niệm; lấy tranh cỏ làm nhà, lấy lá cây chất đống làm giường nằm, coi bộ đắc ý lắm, nên bỗng nhiên cười to la lớn lên rằng: khoái thay, khoái thay.

Gần bên có kẻ Đạo nhân hỏi rằng: Ngồi một mình tu trong núi, đâu có sướng gì mà la như thế?

Sa môn đáp: Khi ta còn làm vua lo sợ trăm bề; nào lo sợ các vua ở gần tới cướp nước; nào lo sợ kẻ cướp tới lấy của cải; nào lo sợ người tham lam của công; nào lo sợ bọn hạ thần đương triều lợi dụng của cải của ta mà làm phản; thì còn ai mà trị. Chớ như nay ta làm một sa môn thời còn ai tham gì với ta nữa. Thật sướng chẳng thể nói, mà chẳng nói sướng. Còn nói gì nữa.

Kinh Tạp Thí Dụ

Vua A Dục có người em ruột tên là Thiện Dung, một hôm vào trong núi săn bắn chơi, nhận thấy các ông Phạm Chí ở trần truồng tu khổ hạnh, mà chẳng được quả vị gì. Thiện Dung suy nghĩ: Các Phạm Chí này ăn sương uống gió, khí lực mòn mỏi mà hãy còn dâm dục, tội lỗi chẳng trừ, huống chi các ông Sa môn họ Thích, ăn sang mặc đẹp, ấm lạnh theo mùa, ở nhà cao, nằm giường kỹ còn thêm hương hoa thơm tho thì làm gì vô dục được.

Bấy giờ vua A Dục nghe em bàn luận như thế, ôm lòng lo lắng: Ta chỉ có một đứa em mà nó vừa sanh lòng tà kiến e sẽ đọa đày nhiều kiếp, ta nên tìm cách trừ ác niệm cho chú nó mới xong.

Vua liền vào cung, bảo các kỹ nữ mỗi đứa tự trang điểm tử tế cùng đến chỗ Thiện Dung mà đàn hát cho hay. Và vua mật bàn trước với một đại thần rằng: Trẫm có lập chút mưu, nếu khi trẫm sắc cho người giết Thiện Dung thì ngươi liền can rằng: Xin cho qua bảy ngày rồi sẽ giết.

Phần các kỹ nữ tuân lệnh vua đến chỗ Thiện Dung đàn hát chưa được bao lâu thì nhà vua giả bất ngờ đi đến mà nộ Thiện Dung rằng: Sao ngươi cả gan dám cùng với kỹ nữ và thê thiếp của ta chơi bời như thế này là sao? Rồi vua liền triệu tập các Đại thần mà phán rằng: Trẫm chưa già yếu gì; cũng chẳng có giặc giã chi xâm lấn biên cảnh, Trẫm từng nghe lời ngạn ngữ các bực cổ hiền nói rằng: Hễ người có phước bốn biển quy phục; mà phước đức mỏng manh thì kẻ vây cánh phản loạn, nhưng nay ta tự xét ta chưa đến nỗi thế. Vậy mà Thiện Dung em ta dám dỗ những kẻ kỹ nữ và vợ hầu của ta mà lung chơi như thế là nghĩa làm sao?

Ta ra lệnh các ngươi đem nó ra ngoài chợ mà giết đi cho thiên hạ biết. Có vị Đại thần đồng can rằng: Cúi xin Đại Vương tha lỗi cho lời nói mọn của kẻ hạ thần, xin Đại Vương hoãn cho sau bảy ngày rồi sẽ thi hành việc ấy cũng chẳng muộn. Nhà vua giả vờ lặng lẽ nghe theo lời can, và lại còn khoan ân bảo các Đại Thần: Đem đồ phục sức của Trẫm mà mặc cho chú nó và dẫn chú nó vào trong cung kín của Trẫm, khiến bọn kỹ nữ ca hát, đàn địch cho chú nó thỏa mãn một lúc rồi sẽ hay. Rồi vua còn sắc với một Đại thần rằng: Ngươi mặc áo giáp cho oai và cầm chiếc gươm thiệt bén và đến chỗ chú nó mà bảo rằng: Tâu Vương Tử mãn hạn bảy ngày bắt đầu từ nay thì Vương tử phải bị giết vì theo lệnh của Hoàng Thượng đã phán quyết, vậy nên Vương Tử nỗ lực mở tung năm căn mà hưởng năm món dục lạc cho khoái thích kẻo uổng, bằng nay chẳng tận hưởng cho khoái để đến khi sắp chết có ăn năn cũng vô ích.

Qua một ngày vua sai kẻ Tôi ấy đến bảo cho Thiện Dung biết chỉ còn sáu ngày nữa là hết hạn. Cứ tuần tự như vậy cho đến còn một ngày là mãn hạn. Vị Đại thần ấy đến bảo: Thưa Vương Tử đã hết sáu ngày rồi, sáng mai đây Ngài phải đến pháp trường mà chịu chết, vậy phải ráng sức mà hưởng cho khoái kẻo uổng.

Sáng ngày thứ bảy, vua đích thân đến chỗ Thiện Dung giả lời hỏi: Sao? Mấy hôm qua tâm ý của Hiền đệ được tự do hưởng khoái lạc có sung sướng không?

Đáp: Tâu Vương huynh, thật em chẳng thấy chẳng nghe gì cả, thì có đâu mà sung sướng. Vua lại hỏi nữa: Em mặc đồ sức phục của anh vào ở trong cung điện của anh, và cùng với bọn kỹ nữ của anh mà hưởng vui, và lại ăn những món ăn hảo hạng. Mà nói chẳng thấy chẳng nghe, chẳng vui sướng gì hết; sao dám nói khi với anh như thế?

Đáp: Người đáng chết tuy là mạng căn chưa dứt, nhưng với người đã chết chẳng khác mấy, thì còn lòng dạ nào mà hưởng vui sướng gì nữa.

Nhà vua mới nói rõ dụng ý: Theo thiển ý của anh thì Hiền đệ chỉ lo rầu cho cái thân một đời, mà hãy còn khổ đến như thế. Khi nghe thân sắp chết, hiện đang ở trong cảnh ngũ dục mà chẳng vui, huống chi các vị Sa Môn lo nghĩ nỗi khổ não trong ba đời: một khi thân này chết rồi lại thụ một thân khác, cứ như thế trải qua ngàn vạn ức kiếp nhiều thân chịu khổ, thật là cái khổ vô lượng không sao nói cùng. Vì các Ngài nghĩ việc cay đắng này, mới xuất gia tu đạo đễ tìm phương pháp vô vi độ thế; nếu các Ngài chẳng tinh tiến tu trì thì sẽ chịu khổ trải qua nhiều kiếp, nhiều đời. Hiền đệ có hiểu không?

Bấy giờ Thiện Dung Vương tử mới sáng mắt, đến trước vua mà thưa rằng: Em nghe những lời Vương Huynh dạy mới được tỉnh ngộ: sanh, già, đau, chết thật là đáng sợ; lo buồn khổ não trôi lăn chẳng dừng. Cúi xin Đại Vương, cho tôi xuất gia cầu đạo cẩn thận mà tu trì. Nhà vua hoan hỷ: Phải lắm, nhằm lúc, nhằm lúc.

Thế là Thiện Dung từ giã vương cung xuất gia mà làm Sa Môn tinh tấn tu Đạo, chứng quả A La Hán.

Đức Phật bảo các đệ tử: Các Đức Phật chỉ nói nửa bài kệ rằng:

Các hạnh vô thường

Là pháp sanh diệt

Dứt xong sanh diệt

Yên lặng là vui.

Kinh Cầu Ly Lao ngục

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]