Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Giải Quyết Những Vấn Đề Khó Xử

27/01/201112:01(Xem: 3071)
Chương 8: Giải Quyết Những Vấn Đề Khó Xử

VUA MILINDA VẤN ĐẠO
Một bản thâu gọn quyển "Milinda Panha"
Bản Anh ngữ: Tỳ Kheo Pesala - Bản Việt ngữ: Cư sĩ Liễu Pháp

Chương 8: Giải Quyết Những Vấn Đề Khó Xử

Sau khi cân nhắc suốt đêm những điều thảo luận với Ngài Nāgasena, vua Milinda tự ý có tám lời nguyền như sau: “ trong bảy ngày tới đây, ta sẽ không xử vụ án nào, không quyết định về quốc sự; ta sẽ không nghĩ tới ái dục, không có tư tưởng sân hận và si mê; ta sẽ nhún nhường đối với thuộc cấp hầu cận và người trong hoàng tộc; ta sẽ cẩn thận theo rõi hành động của mình và thu thúc lục căn; tâm ta sẽ tràn ngập với từ bi rải ra cho mọi chúng sinh.”
Rồi nhà vua hầu chuyện riêng với Ngài Nāgasena, như sau: “Có tám nơi phải tránh để có thể thảo luận thâm sâu; đó là nơi mà mặt đất ghồ ghề, lồi lõm, vật chất khuếch tán; những nơi không an toàn làm tâm bị xáo trộn vì sợ hãi và do đó không thể thâu nhận ý nghĩa cho rõ ràng; những nơi nhiều gió làm tiếng nói không phân biệt được; những nơi kín đáo, hẻo lánh có thể có kẻ nghe trộm; những nơi thiêng liêng mà đề tài thảo luận có thể bị phân tán vì khung cảnh chung quanh; trên con đường mà cuộc thảo luận có thể trở nên nhàm chán; trên chiếc cầu dao động, không vững vàng và nơi tắm rửa công cộng lắm người nói chuyện.
“Bạch Đại Đức, cũng có tám loại người có thể làm hư hỏng cuộc đàm luận; đó là người tham ái, người sân hận hay người si mê, kẻ kiêu ngạo, kẻ thèm khát, kẻ lười nhác, kẻ độc đoán, và kẻ ngu ngốc – đó là những người làm phá hại sự thảo luận thâm sâu.
“Bạch Ngài Nāgasena, có tám nguyên nhân của sự phát triễn và trưỡng thành của trí tuệ: 1) Tuổi tác đã trưỡng thành; 2) Có tiếng tăm tốt; 3) Siêng năng học hỏi; 4) Thân cận với thiện trí thức; 5) Có tâm hướng đến chân lý; 6) Thích vấn đạo; 7) Gần gũi với các vị có đạo hạnh; 8) Ở nơi quốc độ thích hợp. Đây là nơi không có sự chống đối việc thảo luận lại vấn đề chưa rõ và Trẫm là một học trò gương mẫu, rất thận trọng và sự hiểu biết đã trưỡng thành.
“Bạch Ngài, có 25 trách nhiệm của một vị thầy đối với học trò xứng đáng của mình: vị thầy phải luôn luôn bảo vệ học trò của mình, cho học trò biết những gì cần học hỏi và những gì phải tránh, những gì nên coi trọng và những gì không cần quan tâm đến. Vị thầy nên chỉ dẫn học trò về cách ngủ nghỉ, giữ gìn sức khoẻ, nên dùng và tránh những thức ăn gì, dạy học trò sự điều độ về ẩm thực và chia xẻ với học trò những gì được cúng dường trong bình bát của mình. Vị thầy nên khuyến khích trò khi trò nhũn chí và hướng dẫn trò về những người bạn đồng hành, những làng xã và tu viện thích đáng để lui tới. Vị thầy không bao giờ nên được phép dễ duôi đùa giỡn hoặc nói chuyện lố bịch với học trò. Nếu thấy học trò của mình có khuyết điểm, vị thầy nên kiên nhẫn với trò. Vị thầy nên cần mẫn, giữ giới trong sạch, đáng được tôn kính và tốt bụng. Vị thầy nên xem học trò như con của mình, cố sức hướng dẫn trò tiến tới, cho kiến thức tăng trưỡng, thương yêu học trò, không bao giờ trốn tránh giúp đở nhu cầu của trò, không bao giờ thờ ơ với bất cứ trách nhiệm nào và giúp học trò trở lại đúng đường khi học trò sơ sẩy.”

“Thưa Đại Vương, có mười đức tính của một đệ tử cư sĩ. Người đệ tử nên chia xẻ vui buồn của Tăng-đoàn, lấy Phật Pháp để dẫn đường, hoan hỷ cúng dường với khả năng của mình và cố sức làm sống lại giáo pháp khi giáo pháp suy đồi. Đệ tử giữ chánh kiến và, không bị ràng buộc bởi sự kích thích của lễ hội, người đệ tử không chạy theo một vị thầy khác cho dù là để cứu vãn mạng sống của mình. Người đệ tử theo rõi thân, khẩu, ý của mình, thích sống hòa hợp và không thiên vị. Vì không giả dối, người đệ tử quy y Phật, Pháp, Tăng. Tất cả những đức tính trên Đại Vương đều có, vì vậy hẳn nhiên trong ngài, khi thấy sự suy đồi của Phật giáo, quả đã có ý muốn thấy tôn giáo này được phồn thịnh. Bần tăng sẽ để ngài tự tiện hỏi bất cứ cái gì muốn hỏi.”

1. Lễ bái cúng dường lên Đức Phật
“Bạch ngài Nāgasena, những vị lãnh đạo của những giáo phái khác nói rằng ‘Nếu Đức Phật hoan hỷ nhận lễ bái, cúng dường thì Ngài không hẳn là hết ràng buộc với thế gian. Vì thế, việc lễ bái dâng cúng cho Ngài chẳng có ý nghĩa gì và vô ích’. Xin Đại Đức gở mối rối rắm này, giải quyết vấn đề khó xử này và soi rõ ánh sáng cho Phật-tử hậu lai để bác bỏ tà-kiến của những người chống đối.’
“Thưa Đại Vương, Đức Phật đã hoàn tòan giải thoát và chẳng có dính mắc với lễ bái hoặc lễ vật cúng dường dâng lên Ngài.”
“Bạch Đại Đức, người con có thể nói lời ca ngợi người cha, hoặc người cha ca ngợi người con, nhưng điều đó không đủ căn bản để chấm dứt được lời chỉ trích.”
“Mặc dầu bây giờ Đức Thế Tôn đã nhập diệt và không thể nói là Ngài hoan hỷ nhận lễ bái và lễ vật cúng dường lên Ngài; tuy nhiên những hành động lễ bái nhân danh Ngài vẫn có giá trị và có phước báu lớn. Như một cơn gió lớn mạnh thổi qua, Đức Thế Tôn thổi qua thế gian lòng từ bi, dịu dàng và trong sạch của Ngài. Cũng giống như con người bị cơn nóng sốt hành hạ được cơn gió mát làm dịu bớt, chúng sinh đang bị hành hạ bởi sức nóng của tham ái, sân hận và si mê cũng được giáo pháp siêu phàm của Ngài làm nguôi đi sức nóng. Mặc dầu Đức Thế Tôn đã nhập diệt, Ngài đã để lại giáo pháp, giới luật và những di vật quí hóa mà giá trị là do ở giới hạnh, thiền định, trí tuệ và sự giải thoát của Ngài. Chúng sinh bị đau khổ vì sự bất hạnh của tiến trình “hữu” (*V8.1) vẫn còn có thể hưởng lợi lạc của giáo pháp Giới, Định, Huệ, cũng giống những người nào có quạt vẫn tạo được làn gió mát mặc dầu cơn gió đức Phật thổi qua đã tắt. Và điều này Đức Thế Tôn đã tiên đoán khi Ngài nói với ngài Ananda: ‘Vài người trong quí vị có lẽ nghĩ rằng, “Khi lời nói của vị thầy chấm dứt, chúng ta không còn thầy dạy nữa”, tuy nhiên quí vị không nên nghĩ như vậy. Giáo Pháp mà ta đã giảng dạy và giới luật mà ta đã vạch ra, nên xem đó là thầy khi ta không còn nữa’.
“ Và xin Đại Vương hãy nghe một lý do khác. Đại Vương đã có nghe chưa chuyện quỷ dạ xoa Nandaka dám đập vào đầu ngài Sāriputta và bị trái đất nuốt mất?”
“Vâng, bạch Ngài có, đó là chuyện nhiều người biết.”
“Nhưng ngài Sāriputta đã chấp nhận như vậy?”
“ Đại Đức Sāriputta chẳng bao giờ chấp nhận sự đau đớn nào tạo nên cho chúng sinh vì ngài đã gột rữa hết mọi sân hận.”
“Nhưng tại sao ngài Sāriputta không chấp nhận mà quỷ Nandaka vẫn bị đất nuốt đi?”
________________________________________________________________________
*V8.1: Hữu là 1 trong 12 khoen (Thập Nhị Nhân Duyên) của Bánh xe Luân Hồi (round of rebirth, samsāra) ; Hữu do Thủ (dính mắc) là nguyên nhân và có quả là Sinh.
________________________________________________________________________

“Bởi vì sức mạnh của hành động ác độc đó.”
“Thưa Đại Vương, có mấy kẻ đã bị trái đất nuốt đi?”
“Bạch ngài Đại Đức, có năm. Đó là Ciñca, Sapabuddha, Devadatta, Nandaka và Nanda; tất cả đều bị đất nuốt mất.”
“Thưa Đại Vương, những ai là các vị bị chúng xúc phạm?”
“Đó chính là Đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài.”
“Thưa Đại Vương, như vậy một hành động về Đức Như Lai, mặc dầu là Ngài đã nhập diệt, vẫn có giá trị và hậu quả.”
“ Bạch Đại Đức, câu hỏi sâu sắc này đã được Ngài giảng giải. Ngài đã vén mở cái gì bị che dấu, gở mối rối rắm, khai quang bụi rặm, bẻ lại quan điểm sai lầm và những kẻ theo bè phái tà kiến đã bị che khuất trong bóng tối do Ngài, một vị thầy lỗi lạc nhất.”

2. Đức Phật thông suốt mọi sự
“Bạch ngài Nāgasena, phải chăng Đức Phật thông suốt mọi sự?”
“Thưa Đại Vương, đúng vậy. Tuy nhiên có trường hợp Ngài phải quán mới biết được.”
“Thế thì không thể nói là thông suốt mọi sự nếu Ngài cần phải qua giai đoạn quán mới đến được sự biết.”
“ Bần tăng sẽ giảng giải sâu hơn. Có bảy tầng lớp giác ngộ của tâm hoặc bảy hạng giác ngộ. Trước hết, với con người bình thường, còn đầy tham dục, sân hận và si mê; họ chưa được huấn luyện về thân, khẩu, ý; sự suy nghĩ của họ còn chậm chạp và khó khăn.
“Hạng giác ngộ thứ hai là các thánh Tu-đà-hườn (*E 8.2, Phụ lục, trg 99-1); các ngài đã có chánh kiến và hiểu đúng Phật Pháp. Sự suy nghĩ của các ngài nhanh và dễ dàng cho những gì liên hệ đến 3 ràng buộc đầu tiên (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ), nhưng ngoài ra thì sự suy nghĩ vẫn còn chậm và khó khăn.
“Hạng giác ngộ thứ ba là các thánh Tư-đà-hàm (*E 8.2.2, Phụ lục trg 99-2); các vị này giảm bớt hai ràng buộc nữa là tham ái và sân hận. Sự suy nghĩ của các vị này nhanh và dễ dàng cho những gì liên hệ đến 5 ràng buộc trên, nhưng ngoài ra thì sự suy nghĩ vẫn còn chậm và khó khăn.
________________________________________________________________________
*V 8.2.1: Reflection được dịch là quán hay hướng tâm.
*E 8.2, Phụ lục trg 99-1: Tu-đà-hườn (sotāppana, The Stream-winner) là Dự lưu, bậc thánh thứ nhất khi đã dứt bỏ được 3 sự ràng buộc là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ; chắc chắn trong vòng 7 kiếp sẽ đạt được quả vị A-la-hán. (*V8.2.2: dính mắc với tụng đọc và nghi lễ là giới cấm thủ, sīlabattam).
*E 8.2, Phụ lục trg 99-2: Tư-đà-hàm (sakadāgāmi, The Once-returner) là Nhất lai, bậc thánh thứ hai khi giảm bớt hai ràng buộc nữa là tham ái và sân hận. Các vị này chỉ còn tái sinh 1 kiếp nữa là đạt được quả vị A-la-hán.
*E 8.2, Phụ lục trg 99-3: A-na-hàm (quả vị Bất Lai, anāgāmi, Non-returner) là Bất lai, bậc thánh thứ ba, đã dứt bỏ hết tham ái và sân hận, không tái sanh trên trái đất này nữa và sẽ đạt được quả vị A-la-hán.
*E 8.2, Phụ lục trg 99-4: A-la-hán (arahant) là bậc dứt bỏ thêm 5 ràng buộc cao hơn (5 higher fetters, uddhambhāgiya-samyojana). (*V8.2.3: các vị đã giải thoát khỏi 10 ràng buộc, kể cả ràng buộc thuộc sắc giới và vô-sắc giới, đạt được mục đích cuối cùng, không còn tái sanh dưới một hình tướng nào nữa).
________________________________________________________________________

“Hạng giác ngộ thứ tư là các thánh A-na-hàm (*E 8.2, Phụ lục trg 99-3) đã dứt sạch tham dục và sân hận. Sự suy nghĩ của các vị này nhanh và dễ dàng cho những gì liên hệ với các ràng buộc trên, nhưng ngoài ra thì sự suy nghĩ vẫn còn chậm và khó khăn.
“Hạng giác ngộ thứ năm là các vị A-la-hán (*E 8.2, Phụ lục trg 99-4) đã loại bỏ hết 5 ràng buộc cuối cùng là sắc ái, vô-sắc ái, ngã mạn, phóng tâm và vô minh để đạt được giải thoát. (*V 8.2.4). Sự suy nghĩ của các ngài nhanh và dễ dàng theo tầm nhìn của đệ tử, nhưng ngoài ra thì vẫn chậm và khó khăn.
“Hạng giác ngộ thứ sáu là các vị Phật Độc Giác tự mình tu chứng, không có thầy chỉ dạy. Sự suy nghĩ của các vị Phật Độc Giác cũng nhanh và dễ dàng như trong hàng của các vị, nhưng so với các vị Phật Toàn Giác thì chậm và khó khăn hơn. So với Phật Toàn Giác thì một vị Phật Độc Giác cũng giống như một người sẳn sàng vượt qua con sông nhỏ trong trong lãnh vực của mình nhưng có thể e ngại khi vượt đại dương.
“Hạng giác ngộ cuối cùng là các vị Phật Toàn Giác. Các vị có tất cả kiến thức đã chứa sẳn trong 10 ba-la-mật, 4 đức vô úy và 18 pháp của một vị Phật (*E 8.2, Phụ lục trg 100). Trong mỗi lãnh vực kiến thức, khả năng suy tư của các ngài đều nhanh chóng và kịp thời. Cũng giống như một mũi tên nhọn trên một cây cung tốt sẽ xuyên qua dễ dàng tấm vải mỏng, kiến thức của Phật Toàn Giác cách xa dễ dàng sáu hạng quả vị khác. Bởi vì tâm của các ngài trong sáng và tỉnh giác đến độ mà các ngài có thể biểu hiện Phép Lạ Đôi. (Thần thông làm lửa và nước tuôn ra cùng một lúc ở mỗi lổ chân lông). Và cho những ai còn thắc mắc, chẳng có lý do nào khác ngoài việc quán hay hướng tâm, một điều có thể khẳng định được.”
“Bạch ngài Nāgasena, nhưng quán là để tìm một cái gì chưa được rõ trước khi quán.”
________________________________________________________________________
*V 8.2.4: Mười ràng buộc (samyojana, fetters) cột chúng sinh vào bánh xe sinh tử luân hồi: 1) thân kiến (sakkāya-ditthi, personality-belief); 2) hoài nghi (vicikicchā, skeptical doubt); 3) giới cấm thủ (dính mắc vào lễ nghi và tụng kinh, sīlabbata-parāmāsa, clinging to rules and ritual); 4) tham dục (kāma-rāga, sensuous craving); 5) sân hận (vyāpāda, ill-will); 6) sắc ái (rūpa-rāga, craving for fine-material existence); 7) vô-sắc ái (arūpa-rāga, craving for immaterial existence); 8) ngã mạn (māna,conceit); 9) phóng tâm (uddhacca, restlessness); 10) vô minh (avijjā, ignorance).
*E 8.2, Phụ lục trg 100:
- 10 ba-la-mật: 1) Bố thí (dāna, generosity); 2) Giới (sīla, virtue); 3) Xuất gia (nekkhamma, renunciation); 4) Trí tuệ (paññā, wisdom); 5) Tinh tấn (viriya, energy); 6) Nhẫn nhục (khanti, patience); 7) Chân thực (sacca, truthfulness); 8) Kiên định (adhitthāna, determination); 9) Tâm từ (mettā, loving-kindness); 10) Xả (upekkhā, equanimity).
- 18 pháp Phật (buddhadhammā): 1-3) Nhìn thấy quá khứ, hiện tại và vị lai; 4-6) Thân, khẩu ý đúng mực; 7-12) Thiết lập những gì sẽ không thể làm thối chi kẻ khác: những ý định, giáo lý tiến hành với thiền định, tinh tấn, giải thoát và trí tuệ; 13-14) Tránh ham vui và những gì có thểtạo nên sự lố bịch, xung đột và chống đối; 15) thông suốt mọi sự; 16) Làm bát cứ việc gì cũng có ý thức tỉnh giác; 17) Làm bất cứ việc gì cũng có mục đích; 18) Không làm bất cứ việc gì thiếu khôn ngoan và thiên lệch.
________________________________________________________________________
“Một người giàu có thể chăng bị gọi là nghèo chỉ vì không có thức ăn chuẩn bị sẳn khi một khách du hành bất chợt đến; một cây có thể chăng coi là cằn cỗi khi cây đầy trái nặng trỉu mà chỉ vì chưa có trái nào rơi xuống đất. Cũng như vậy, Đức Phật quả là vị thông suốt mọi sự mặc dù rằng phải quán rồi mới có kiến thức.” (*V 8.2.5)
________________________________________________________________________
*V 8.2.5: Kiến thức của Đức Phật là thâm sâu và nhiều vô số kể ( như có lần Ngài nói “những điều ta đã giảng dạy chỉ như là lá trong nắm tay ta, còn kiến thức ta như lá trong rừng”; Ngài như người giàu có về vật dụng để vật dụng ở trong kho, chỉ khi cần thứ nào thì vào kho lấy ra. Quán ở đây nhanh như một niệm, hướng tâm đến, suy nghĩ là có ngay. Theo Vi Diệu Pháp, một tâm khởi sinh, trụ và diệt trong thời gian rất ngắn gọi là sát na tâm; ví dụ một nhãn thức thông thường có một tiến trình tâm đi từ Hữu Phần trôi qua ... đến các sát na tâm tốc hành và tâm đồng sở duyên gồm có tất cả 17 sát na và có rất nhiều tiến trình tâm như vậy xẩy ra trong một chớp mắt. Một sát na tâm (citta-kkhana, consciousness-moment), theo Chú Giải, là một khoảng thời gian rất ngắn, bằng một phần tỷ của một tia chớp. Về điều này, Đức Phật có dạy: “ Này các tỳ-kheo, ta chẳng biết có gì nhanh hơn là sự thay đổi của tâm.” Chú thích này do người dịch Việt ngữ viết theo ngài Nyanatiloka (Manual of Buddhist Terms nd Doctrines – Buddhist Dictionary, 4th Edition, edited by Nyanaponika).
________________________________________________________________________

3. Devadatta xuất gia
“Bạch ngài Đại Đức, nếu Đức Phật thông suốt mọi sự và đầy tâm từ, tại sao Ngài lại nhận Devadatta vào Tăng đoàn, rồi vì Devadatta gây nên sự chia rẽ trong Tăng đoàn nên bị đọa xuống địa ngục khoảng một Kalpa (một đời người)? (*E 8.3) Nếu Đức Phật không biết trước việc Devadatta sẽ làm thì Ngài đã không thông suốt mọi sự và nếu Ngài đã biết thì Ngài lại không có từ bi.”
“Thưa Đại Vương, Đức Thế Tôn vừa thông suốt mọi sự và vừa có tâm từ bi. Chính bởi vì Ngài thấy sự khổ sở của Devadatta có thể được giảm bớt nên Ngài mới nhận Devadatta vào Tăng đoàn. Cũng giống như một người có thế lực giúp giảm án từ tử hình xuống chặt tay và chân, nhưng người đó chẳng chịu trách nhiệm về sự đau đớn và khổ sở mà tội nhân phải chịu, hoặc cũng giống như một y sĩ tài giỏi muốn cho bệnh nhẹ hơn bằng cách cho một liều thuốc xổ mạnh, Đức Phật đã làm giảm sự đau khổ của Devadatta bằng cách cho nhận vào Tăng đoàn. Sau khi chịu khổ trong địa ngục cho hết đời người, Devadatta sẽ được thả ra và sau đó tu hành để trở nên một vị Phật Độc Giác tên là Atthissara.”
“Bạch ngài Nāgasena, thật là một ân đức lớn Đức Phật đã ban cho Devadatta. Khi Devadatta lạc trong rừng rậm, Ngài chỉ đường cho; khi Devadatta rơi xuống vực thẳm, Ngài đưa tay cứu vớt. Nhưng, bạch Ngài Nāgasena, lý luận và nghĩa lý cho chuyện này chỉ có thể được vạch ra rõ ràng do một vị thông thái như ngài mà thôi!”

4. Những nguyên nhân của động đất
“Bạch ngài Nāgasena, Đức Phật đã nói rằng có tám nguyên nhân của một vụ động đất lớn. Nhưng chúng ta tìm thấy có một nguyên nhân thứ chín được nhắc đến trong kinh điển. (*E 8.4, Phụ lục trang 100). Khi Bồ Tát Vessantara thể hiện bố thí vô lượng bằng cách cúng dường vợ và các con để làm người giúp việc, rồi thì quả đất cũng rung chuyển. Như thế, nếu lời Ngài nói là đúng thì lời trong kinh phải sai.”

*E 8.4, Phụ lục trang 100 - Tám nguyên nhân của động đất:
1) Quả đất này được nước nâng đở, nước thì được gió nâng đở, gió thì được không gian nâng đở. Gặp khi gió lớn thổi mạnh và nước bị rung chuyển. Khi nước chuyển động, đất sẽ rung chuyển. (Nước và gió thuộc tứ đại; nước là yếu tố dính liền, gió là yếu tố chuyển động; những yếu tố này hiện hữu ngay cả trong đá bị nấu chảy).
2) Các vị ở trong cõi thiên có thể làm đất rung chuyển bằng định lực của họ.
3) Khi Đức Bồ Tát qua đời từ cõi trời Tusita, trong chánh niệm và với chủ tâm, thụ thai trong lòng mẹ của Ngài, quả đất rung chuyển.
4) Khi Đức Bồ Tát lọt lòng mẹ, trong chánh niệm và có chủ tâm, quả đất rung chuyển.
5) Khi Như Lai đạt được giác ngộ viên mãn vô thượng, quả đất rung chuyển.
6) Khi Như Lai chuyển pháp luân, quả đất rung chuyển.
7) Khi Như Lai, trong chánh niệm và có chủ tâm, lìa bỏ sự sống, quả đất rung chuyển.
8) Khi Đức Phật nhập diệt vào Đại Niết Bàn, quả đất rung chuyển.

“Thưa Đại Vương, cả hai điều trên đều đúng cả. Việc bố thí của ngài Vessantara được nhắc đến như là nguyên nhân thứ chín của động đất là bởi vì đó là việc xảy ra rất là hiếm hoi. Cũng giống như một con lạch khô cạn không có tí nước nào không được gọi là con sông, nhưng gặp lúc trời mưa thật lớn, con lạch trở nên con sông; cũng như thế, phẩm vật bố thí của Vessantara thật độc đáo, ít khi xảy ra, và vì lý do đó mà nó khác biệt với tám nguyên nhân thông thường của một vụ động đất.
“Thưa Đại Vương, có bao giờ ngài nghe nói trong lịch sử tôn giáo của chúng ta có hành vi mộ đạo nào mà có quả ngay trong kiếp hiện tiền?”
“Bạch ngài Nāgasena, có bảy trường hợp như vậy: người trồng hoa Sumana, người bà-la-môn Ekasātaka; người giúp việc trang trại Punna, hoàng hậu Malikā, bà hoàng mẹ của Gopāla, người nữ sùng đạo Suppiyā và người nữ nô lệ Punnā.”
“ Nhưng, thưa Đại Vương, có bao giờ ngài từng nghe là quả đất rung chuyển một lần hoặc hai lần khi một phẩm vật bố thí của các vị nói trên được cúng dường?”
“Bạch ngài, không có, trẫm chưa bao giờ nghe như vậy.”
“Thưa Đại Vuơng, bần tăng cũng vậy, chưa bao giờ nghe, dù rằng bần tăng đã để ý, tận tụy học hỏi, chỉ trừ trường hợp phẩm vật bố thí tuyệt vời của Vessantara. Thưa Đại Vương, chẳng phải do sự cố gắng thông thường mà quả đất rung chuyển. Chỉ khi nào mà đạo đức chính đáng thật sâu nặng, chỉ khi nào mà sự tốt đẹp của hành động đến độ tuyệt đối trong sạch, thì quả đất không còn được nâng đở mới rung chuyển. Và, thưa Đại Vương, khi Vessantara cúng dường phẩm vật bố thí, ngài đã cúng dường không phải vì để được tái sanh vinh quang hơn, cũng chẳng phải vì cho giàu có hơn trong tương lai, chẳng phải vì để nhận lại được bất cứ cái gì, không phải để được khen ngợi, cũng chẳng để có lợi lộc gì riêng cho mình mà việc bố thí này duy nhất chỉ để có được tuệ vô thượng bồ đề.”

5. Sức Mạnh của Sự Thực
“Bạch Đại Đức, đức vua Sīvi cúng dường hai con mắt của mình cho người cầu xin và sau đó mắt mới lại mọc lên vào cỗ cũ. Làm sao mà chuyện đó có thể xảy ra?”
“Thưa Đại Vương, chính là do sức mạnh của sự thực mà chuyện đó có thể xảy ra. Cũng giống như khi những nhà mặc khải thần linh tụng đọc sự thực coùó thể làm mưa rơi, làm tắt cơn lửa cháy và giải được chất độc.
“Khi nhà vua đạo đức Asoka đứng giữa đám người trong tỉnh Pātaliputta, ngài hỏi các vị cận thần: ‘Có chăng người nào có thể làm nước sông Ganges vĩ đại này chảy ngược dòng?’. Rồi một người gái điếm tên là Bindumatī, trong đám đông, biểu diễn một hành động về sức mạnh của sự thực. Và vào lúc đó, sông Ganges gầm lên, dòng nước chảy ngược trở lại trước mắt mọi người. Đức Vua, tràn đầy kinh ngạc, tìm ra người đàn bà là nguyên nhân của sự việc đó và hỏi nàng: ‘ Với hành động gì mà ngươi đã làm được việc đó?’. Nàng trả lời: ‘ Bất cứ ai trả tiền cho con, là một bà-la-môn, người buôn bán hay người giúp việc, con đều xem họ giống như nhau. Con không thiên vị một ai, mà phục vụ người trả tiền cho con. Đó là hành vi chân thực, là căn bản sức mạnh của sự thực nhờ đó mà sông Ganges đã chảy ngược dòng’.
“Thưa Đại Vương, chẳng có nguyên nhân thông thường nào có thể tạo nên những việc đó ngoại trừ sức mạnh của sự chân thực chính là nguyên nhân của các việc khó tin đã xảy ra. Và chẳng có lý do để giác ngộ Tứ Diệu Đế ngoài sức mạnh của sự thực.”(*V 8.5)
________________________________________________________________________*V 8.5: Trong 10 ba-la-mật (như được kể trong *E 8.2, Phụ lục trg 100) có 2 ba-la-mật được áp dụng ở đây: đó là Chân Thực (sacca) và Kiên Định (adhitthāna); hai ba-la-mật này có thể làm giúp khởi sinh các hiện tượng đặc biệt cũng như có thể giúp đạt được mục đích mà thông thường không thể làm được. Một thí dụ về sức mạnh của sự kiên định: trong các khóa thiền tập dài hạn, thiền sư để ra những khoảng thời gian dài hơn thường lệ để thiền sinh áp dụng yếu tố kiên định (adhitthāna) và nếu yếu tố này đủ mạnh thì có sự tiến bộ vượt bực trong thiền tập mà thông thường không có được.

6. Vấn đề khó xử về thụ thai
“ Bạch ngài Nāgasena, Đức Thế Tôn có nói rằng thụ thai trong bụng mẹ thì phải có ba nguyên nhân xảy ra cùng lúc: sự giao hợp của cha mẹ, thời kỳ kinh nguyệt của mẹ và chúng sinh sắp tái sinh. Tuy nhiên Ngài cũng nói rằng đạo sĩ Dukāla dùng ngón tay sờ vào bụng người nữ đạo sĩ Pārikà rồi thì em bé Sāma thụ thai. Nếu chuyện đầu là dúng thì chuyện thứ hai phải sai.”
“ Thưa Đại Vương, cả hai chuyện đều đúng, ngài không nên nghĩ rằng đã có sự vi phạm đạo hạnh trong chuyện sau. Hai vị đạo sĩ trước khi lên núi tu vốn là vợ chồng. Vị trời Đế Thích (Sakka) biết trước rằng cả hai vị đạo sĩ khi già sẽ bị mù lòa, khốn đốn, nên khẩn khoản khuyên hai đạo sĩ có một người con. Nhưng hai vị đạo sĩ muốn giữ phẩm hạnh, từ chối việc giao hợp để sinh con, cho dù là để cứu giúp đời họ. Vì thế vị trời Đế Thích can thiệp để giúp việc thụ thai; hai vị đạo sĩ thấy việc sờ bụng không đến nỗi vi phạm đạo hạnh nên đồng ý và Sāma được thụ thai.”

7. Sự tồn tại của Đạo Pháp
“Sau khi cho phép nữ giới vào tu, thọ giới tỳ-khưu-ni, Đức Thế Tôn nói rằng giáo lý sẽ chỉ còn tồn tại năm trăm năm. (E 8.7). Nhưng trước khi nhập diệt, Ngài nói với Subaddha
rằng:
________________________________________________________________________
*E 8.7: Theo kinh sách Sri Lanka thì 5,000 năm, theo bản đại đức Pesala dịch thì chỉ có 500 năm.

‘Chừng nào các đạo hữu còn sống đời đạo hạnh thiêng liêng trong sạch thì thế gian không mất các bậc A-la-hán.’ Hai câu nói trên mâu thuẩn với nhau.”
“ Thưa Đại Vương, Đức Phật có nói hai câu trên; nhưng hai câu khác nhau về từ ngữ và ý nghĩa. Một câu nói đến thời hạn bao lâu giáo lý sẽ tồn tại trong khi câu kia nói về sự thực hành của đời sống đạo hạnh; hai ý nghĩa thật khác biệt. Khi nói năm trăm năm, Ngài chỉ thời gian giới hạn cho giáo pháp tồn tại, nhưng khi nói với Subhadda, Ngài nói về nội dung của giáo pháp. Nếu các Phật tử tiếp tục thực hành năm yếu tố tinh tấn (Padhāna, Effort; *V 8.7), tha thiết theo con đường Giới, Định, Huệ, sống đời phẩm hạnh trong sạch, thì giáo pháp vinh quang của Ngài sẽ tồn tại và càng kiên trì nhiều năm tới nữa. Thưa Đại Vương, Phật Pháp có gốc gác, cốt tủy ở sự thực hành; nó vẫn đứng vững chừng nào mà sự thực tập không thối chuyển.
Có ba cách để làm tiêu hủy giáo pháp: sự thối chuyển trong sự phát triễn trí tuệ để đắc đạo, sự thối chuyển trong việc thực hành đúng theo giáo pháp và sự thối chuyển trong việc thay đổi hình thức y phục, tăng tướng, đi xa giới luật. Khi trí tuệ ngừng phát triễn thì ngay cả khi sống đúng theo phẩm hạnh cũng không có sự hiểu biết thấu đáo về giáo pháp. Bởi sự thực hành thối chuyển, sự phổ biến giới luật ngừng lại và chỉ còn có hình thức bên ngoài. Khi hình thức bên ngoài ngừng thì truyền thống giáo pháp bị cắt đứt.”
________________________________________________________________________
*V 8.7: Theo chú thích của Pesala thì năm yếu tố tinh-tấn là sự tin tưởng, sức khỏe tốt, trung thực, cố gắng và trí tuệ. Tuy nhiên theo ngài Nyanatiloka (Buddhist Dictionary) thì chỉ có bốn yếu tố tinh tấn: 1) cố gắng để tránh những gì bất thiện (samvara-padhăna); 2) cố gắng vượt qua những gì bất thiện (pahāna); 3) cố gắng phát triễn hành thiền (bhāvanā); 4) cố gắng duy trì các trạng thái thiện (anurakkhanā).

8. Sự tịnh hảo của Đức Phật
“Nếu Đức Thế Tôn đã tiêu hủy tất cả những gì bất thiện trong Ngài khi Ngài giác ngộ thì tại sao Ngài lại bị thương tổn vì một mảnh đá do Devadatta ném tới? Nếu Ngài đã bị đau, thế thì Ngài đã không giải thoát khỏi mọi điều ác, bởi vì không có cảm thọ nào mà không do nghiệp (kamma). Mọi cảm thọ đều có nguyên nhân từ nghiệp, chỉ do nghiệp mà cảm thọ khởi sinh.”
“Không, thưa Đại Vương, không phải tất cả mọi cảm thọ đều do nghiệp. Có tám nguyên nhân làm sinh khởi những cảm thọ. Cảm thọ phát sinh bởi gió, bởi mật, bởi đàm, bởi hổn hợp ba chất lỏng trong cơ thể, bởi nhiệt độ thay đổi, bởi sự chi phối của tâm trạng, bởi những tác động bên ngoài và bởi nghiệp. Bất cứ ai nói rằng ‘Chỉ có nghiệp đè nặng lên chúng sinh” là đã bỏ quên bảy nguyên nhân kia và đó là một sự sai lầm.
“Khi gió của một người bị xáo trộn, có một trong mười cách để xảy ra: bằng sự lạnh, sức nóng, sự đói, sự khát, ăn quá nhiều, đứng quá lâu, làm việc nặng quá sức, chạy bộ, chữa bệnh, hoặc là nghiệp quả. Khi mật bị xáo trộn, thì do một trong ba cách: sự lạnh, sức nóng và thức ăn không thích hợp. Khi đàm bị xáo trộn thì do lạnh, nóng hoặc do ăn và uống. Khi ba chất lỏng bị xáo trộn mà trộn lẫn với nhau thì sẽ gây nên cơn đau khác biệt. Rồi thì có những cơn đau phát sinh do mhiệt độ thay đổi, ảnh hưởng của tâm trạng và những tác động bên ngoài. Cũng có sự đau do nghiệp là nguyên nhân. Như vậy, thọ khổ do nghiệp đem lại rất ít so với thọ khổ do các nguyên nhân khác.
Người không hiểu biết đi quá xa khi nói rằng mọi cảm thọ đều do nghiệp làm phát sinh. Không ai có thể đoan chắc nghiệp quả lớn hoặc nhỏ, nặng hoặc nhẹ, ngoài sự soi sáng của Đức Phật. Và khi chân của Đức Phật bị trầy vì mảnh đá, sự đau này do nguyên nhân thứ bảy là tác động bên ngoài. Tuy nhiên, mặc dù Đức Thế Tôn không bao giờ thọ khổ do nghiệp riêng của mình, Ngài cũng thọ khổ do một trong sáu nguyên nhân kia.
Trong kinh Moliya Sīvaka, Đức Phật có nói rằng: ‘Này Sīvaka, có những sự đau đớn phát sinh trong thế gian, do tình trạng của chất mật trong chúng sinh, như mọi người thường biết. Những người tu khổ hạnh hoặc Bà-la-môn có quan điểm cho rằng tất cả cảm thọ phải do nghiệp đã làm từ trước; họ đã đi quá xa sự hiểu biết của mình, ta khẳng định rằng họ sai lầm.”

9. Sự toàn hảo của Đức Phật
“Bạch Đại Đức, nếu Như Lai đã hoàn thành mọi sự dưới gốc cây bồ đề, thế tại sao Ngài lại phải còn mất thêm ba tháng nữa để nhập định?” (*E 8.9)
“Thưa Đại Vương, nhập định có nhiều lợi ích. Các bậc Như Lai khi đã thành Phật đều nhập định để tán thán ân đức mang lại cho nhân loại. Có 28 ân đức của sự nhập định: bảo vệ thân thể, tăng tuổi thọ, tăng sức mạnh, đóng hẳn tội lỗi, giữ cho không mất tiếng tăm, danh dự, hủy đi sự bất bình và đem lại sự hoan hỷ, dứt sự sợ hãi, tăng lòng tự tin, dứt trừ lười biếng, phát sinh tinh tấn, dứt bỏ tham dục, sân hận và si mê, giảm bớt ngã chấp, chận đứng tâm tranh biện, đưa về nhất tâm, làm tâm nhẹ nhàng, thanh thản và làm tâm nghiêm chỉnh, phát sinh lợi lộc, tăng trưỡng tôn kính, đem lại an vui, làm cho vừa lòng, chỉ rõ bản chất các pháp hữu vi, chấm dứt tái sinh, đạt được các quả của đời xuất gia. Chính vì Như Lai nghĩ đến các ân đức đa dạng này mà Như Lai nhập định.
“Có tất cả bốn lý do để Như lai nhập định: 1) nhập thiền để luôn được an lạc; 2) thiền làm tăng trưỡng các đức tính cao quí; 3) thiền giúp đạt được các tầng thánh cao hơn; 4) Chư Phật thường khen ngợi những ai an trú trong thiền.”

10. Xả bỏ hoàn toàn

“Đức Phật nói rằng, nếu Ngài muốn, Ngài có thể sống cho hết phần còn lại của một Kalpa ( kiếp người, 100 năm), nhưng Ngài cũng nói trước Ngài sẽ mất cuối ba tháng nữa. Làm thế nào cả hai lời này đều có thể cùng đúng được?”
“Thưa Đại Vương, hai lời đó chỉ có nghĩa là quảng đời sống một kiếp người (Kalpa, life-span) và lời Ngài đề cao thần thông (*V 8.10). Đức Phật đã hoàn toàn giải thoát, không còn mong muốn một kiếp tương lai nào nữa, Ngài nói: ‘Ta chẳng tìm thấy vẻ đẹp nào trong phần nhỏ nhất của đời sống tương lai, cũng như ngay cả đến một phần rất nhỏ cũng thấy thối tha.”
________________________________________________________________________
*E 8.9: Giữa thời gian từ khi giác ngộ (Vesāka) đến thời pháp thứ nhất (Asāha) chỉ có hai tháng ( *V 8.9.1: nơi khác nói chỉ có bảy tuần ).
*V 8.10: Thần thông ở đây là Tứ như-ý-túc. Đức Phật có thể duy trì thọ mạng của mình cho đến khi Ngài muốn nhập diệt, nhưng Ngài đã không làm như vậy, chứng tỏ Ngài xả bỏ hoàn toàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]