KINH TỲ KHEO NA TIÊN
Càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753
Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu
A. Bản Phỏng-dịch
Quyển Trung
042.- Ba loại cảm-thọ: vui, khổ, chẳng vui chẳng khổ.
Vương hỏi Na-tiên:
- Con người cảm thấy vui, thì thiện hay là bất-thiện? Con người cảm thấy khổ, thì thiện hay bất-thiện? Đức Phật há chẳng có nói, có vui hoặc có khổ. Nếu như khiến cho có mà làm ra chẳng có, thì khổ hay không?
Na-Tiên hỏi lại Vương:
- Như thanh sắt nung đỏ, có người tay cầm lấy thì bị phỏng chăng; lại cầm một hòn băng trong tay, băng đó có làm phỏng tay người chăng?
- Dĩ nhiên, cả hai tay đều bị phỏng.
- Như thế, trong hai tay đều nóng cả chăng?
- Chẳng nóng cả hai.
- Hoặc cả hai đều lạnh hết chăng?
- Chẳng lạnh cả hai.
Na-Tiên bảo: ''Cả hai tay đều nóng cả. Tôi muốn hỏi kỹ Đại-Vương, hai lần trước, sau, cả hai đều nóng, thì nên nói cả hai đều nóng; cả hai đều lạnh thì nên nói cả hai đều lạnh, cớ sao Vương lại bảo chung, một nóng, một lạnh mà cùng làm cho tay người bị phỏng?
Vương nói: ''Trí-óc Ta còn thiển-cận quá, chẳng đủ sức để hiểu kịp việc khó nầy. Nguyện Na-Tiên vì Ta mà giải-thích cho.
Na-Tiên nói:
- Kinh Phật có nói đến việc đó: thường có sáu việc khiến con người mừng bên trong; có sáu việc khiến con người rầu bên trong; lại cũng có sáu việc khiến con người chẳng mừng cũng chẳng rầu; và bên ngoài lại cũng có sáu việc khiến con người buồn rầu.
a.- Sáu việc khiến vui trong lòng .
- Thế nào là sáu việc khiến con người vui bên trong?
- Một là mắt có chỗ thấy, rồi lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến cho con người vui trong lòng. Hai là tai nghe tiếng tốt lại có chỗ mong cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Ba là mũi ngửi mùi thơm lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Bốn là lưỡi được món ngon lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Năm là thân đụng chạm đến chỗ trơn láng lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Sáu là tâm được cảm-thọ vui lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Như thế, đó là sáu việc khiến cho con người vui trong lòng.
b.- Sáu việc bên ngoài khiến vui.
- Thế nào là sáu việc bên ngoài khiến con người được vui?
- Một là mắt thấy sắc đẹp, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, tự suy-nghĩ hiểu-biết đó là vô-thường, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Hai là tai nghe tiếng tốt, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Ba là mũi ngửi mùi thơm, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Bốn là miệng được món ngon, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Năm là thân đụng chạm chỗ trơn láng, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Sáu là tâm nhớ nghĩ đến điều thương-muốn, suy-nghĩ đến điều đó là vô-thường, nên dứt bỏ cả, sau khi nhớ nghĩ như vậy liền khởi lên vui. Đó là sáu sự-việc khiến cho con người vui về bên ngoài.
c.- Sáu việc bên trong khiến buồn.
- Thế nào là sáu sự-việc bên trong khiến cho lòng người rầu?
- Một là mắt phải nhìn vào chỗ chẳng muốn thấy, khiến cho bên trong buồn. Hai là tai phải nghe điều chẳng muốn được nghe, khiến buồn lòng. Ba là mũi chẳng ưa chỗ thúi mà phải ngửi mùi hôi, khiến cho bụng buồn-bã. Bốn là miệng chẳng muốn nếm món đó mà phải nếm khiến cho bụng chẳng vui. Năm là thân chẳng muốn đụng đến vật đó mà phải chạm lấy khiến lòng rầu-rĩ. Sáu là tâm chẳng được điều vui mà phải nghĩ đến khiến cho dạ sầu. Đó là sáu sự-việc khiến cho bên trong lòng người buồn-rầu.
d.- Sáu việc bên ngoài khiến chẳng vui.
- Thế nào là sáu sự-việc khiến cho người chẳng mừng?
- Một là mắt thấy sắc xấu-ác khiến lòng chẳng vui. Hai là tai nghe tiếng ác-độc khiến lòng chẳng vui. Ba là mũi ngửi mùi hôi-thúi khiến lòng chẳng vui. Bốn là lưỡi nếm vị cay đắng khiến lòng chẳng vui. Năm là thân mặc đồ thô cứng khiến lòng chẳng vui. Sáu là tâm có điều oán ghét khiến lòng chẳng vui. Đó là sáu sự-việc bên ngoài khiến lòng người chẳng vui mừng.
e.- Sáu việc khiến chẳng vui chẳng buồn.
- Thế nào là sáu việc khiến lòng người chẳng buồn, mà cũng chẳng vui?
- Một là mắt nhìn thấy điều chẳng buồn lại chẳng vui. Hai là tai nghe tiếng chẳng buồn cũng chẳng vui. Ba là mũi ngửi mùi chẳng buồn cũng chẳng vui. Bốn là miệng nếm vị chẳng buồn cũng chẳng vui. Năm là thân có chỗ đụng-chạm chẳng buồn cũng chẳng vui. Sáu là tâm nghĩ đến việc chẳng buồn mà chẳng vui. Đó là sáu sự-việc bên trong khiến cho lòng người chẳng buồn mà cũng chẳng vui.
f.- Sáu việc bên ngoài khiến cho buồn lòng.
- Thế nào là sáu việc bên ngoài khiến cho người buồn?
- Một là khi mắt thấy cái chết, lòng tự nghĩ là thân người cùng vạn-vật đều vô-thường, kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có được ý-niệm đó mà sao còn chưa đắc đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Hai là khi tai nghe tiếng tốt, lòng chẳng mừng; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có được ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Ba là mũi chẳng vui buồn với mùi thơm mùi thúi; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Bốn là miệng chẳng nếm đắng ngọt; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Năm là thân chẳng ham-thích chỗ trơn-láng cũng chẳng bất-mãn với chỗ thô-cứng; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có được ý-niệm ấy cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Sáu là tâm chẳng vui với sự ham-muốn; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Đấy là sáu sự-việc bên ngoài khiến lòng người trở nên sầu.
Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''
*
043.- Khi chết rồi, ai sanh trở lại?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Con người chết rồi, khi sanh lại ở đời sau là ai vậy?
- Danh (= tâm-thần) và Thân (= thân-thể ) sanh lại ở đời sau.
- Danh cũ và Thân cũ của người ấy sanh lại chăng?
- Chẳng phải như vậy. Chẳng phải Danh cũ, cũng chẳng phải Thân cũ đã giữ lấy thân-tâm nầy ở đời nay làm điều thiện ác cho đến đời sau, mà sanh ra lại đâu.
- Như khiến dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác ở đời nầy rồi đời sau chẳng sanh lại, thì cứ hết sức làm điều thiện, điều ác cũng được thoát hết, chẳng phải chịu khổ lại nữa hay sao?
- Nơi đời nầy làm điều thiện, thì đời sau chẳng sanh lại nữa, liền được giải-thoát. Còn người chẳng ngừng làm điều thiện, điều ác thì phải sanh lại về sau, cho nên chẳng được giải-thoát. Thí-dụ như có người ăn trộm trái dưa; người chủ bị mất trộm bắt kẻ ấy đem lại trình với Vương: ''Anh nầy lấy trộm trái của tôi.'' Anh ăn trộm cãi lại: ''Tôi đâu có lấy trộm trái của anh. Chỗ anh trồng là trồng cây nhỏ, vốn đâu phải là anh đã trồng trái dưa; tôi hái trái dưa thì làm gì là ăn trộm; tôi chẳng hề trộm dưa của anh ta, thì có tội gì?'' Hai người tranh-cãi như thế, thì ai phải, ai quấy?
- Người trồng cây, phải; vì vốn đã tạo ra cây trồng; người trộm trái thì quấy, chẳng cãi được, phải chịu tội.
- Vì sao anh ăn trộm có tội?
- Sở dĩ tên trộm có tội là vì căn-bản là người trồng cây, có cây thì mới sanh ra trái chớ.
- Đời người cũng lại như thế. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác, cho đến khi sanh lại vào đời sau, thì thân-tâm làm thiện-ác ở đời nầy là căn-bản vậy. Lại ví như có người trộm lúa thóc của người khác; người chủ bắt, liền nói: ''Anh ăn trộm thóc luá của tôi.'' Kẻ trộm thóc nói: ''Tôi chẳng trộm thóc của anh. Anh tự trồng lúa; tôi tự gặt thóc, tôi làm gì mà phạm tội trộm.'' Hai người liền dẫn nhau đến trình Vương. Như thế, ai phải ai quấy?
- Người trồng lúa, phải; còn kẻ trộm thóc thì quấy.
- Sao lại biết kẻ trộm thóc là quấy?
- Người trồng lúa thì phải, vì trồng lúa là căn-bản, nếu chẳng trồng lúa, thì làm sao mà có ra thóc được.
- Đời người cũng lại như thế. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện-ác cho đến khi sanh lại vào đời sau, thì do thân nầy làm căn-bản vậy. Lại thí-dụ nữa, như vào mùa đông lạnh-lẽo, người kia đốt lửa lên sưởi cho ấm, rồi lần lần bỏ đó mà đi. Lửa bắt cháy vách, tường rồi lan sang lầu nhà người khác. Chủ nhà nầy lôi người đốt lửa kia lại trình Vương: ''Anh nầy đốt lửa để cháy sang lầu nhà tôi.'' Kẻ đốt lửa cãi: ''Tôi đốt lửa nhỏ-nhỏ để sưởi ấm; tôi đâu có thiêu đốt nhà lầu.'' Đại-Vương xử ai phải, ai quấy?
- Kẻ đốt lửa, quấy; vốn do căn-bản đốt lửa mới sanh cháy nhà.
- Đời người cũng lại như thế, người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại thì thân-tâm nầy chính là căn-bản vậy. Lại còn thí-dụ khác nữa, như ban đêm một người đốt đuốc sáng lên, gần vách, để ăn cơm; đuốc từ từ cháy lan lên vách rồi gặp tre trúc cây gỗ liền thiêu cả ngôi nhà; lửa bừng lên cháy to thiêu hủy cả thành-phố. Dân chúng trong thành cùng la-hét người đốt đuốc: ''Cớ gì mà mày lại đốt cháy cả thành-phố như vầy?'' Người kia nói: ''Tôi chỉ đốt ngọn đuốc nhỏ để có ánh-sáng mà ăn cơm; thành cháy là tại lửa lớn kia, chớ nào phải lửa của tôi.'' Như thế họ tranh-cãi nhau, đưa nhau đến trước đền vua. Đại-Vương xử ai phải, ai quấy?
- Kẻ đốt đuốc có tội.
- Vì sao biết kẻ ấy có tội?
- Căn-bản lửa sanh cháy to là do tên nầy ăn cơm xong chẳng dập tắt đuốc, khiến lửa bùng lên cháy rụi cả thành.
- Đời người cũng lại như thế, người đời nay dùng thân-tâm nầy làm các điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại, thì thân-tâm nầy chính là căn-bản của sự tái-sanh; con người còn chưa hiểu lẽ đó, làm điều thiện-ác, cho nên chẳng được độ-thoát. Lại thêm một thí-dụ khác nữa, như có người dùng tiền cầu cưới một đứa con gái nhỏ sau nầy về làm vợ. Về sau, cô gái lớn lên, lại có người khác dùng tiền xin cưới, liền được vợ. Người cầu hôn khi trước lại nhà trách: ''Anh tới sau sao lại cưới tranh vợ tôi?'' Người kia bảo: ''Anh tự lúc nhỏ cầu hôn với đứa bé gái; tôi cưới vợ vào lúc nàng lớn lên, nào tôi có giành vợ với anh đâu.'' Cả hai tranh-cãi, dẫn nhau đến đền vua, Đại-Vương xử ai phải, ai quấy?
- Người cầu hôn trước, phải.
- Sao Đại-Vương biết?
- Người con gái ấy vốn là từ nhỏ lớn lên lần lần, cho nên biết đó là vợ của người đã cầu-hôn trước.
- Đời người cũng ví như thế đó. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm các điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại, thì thân-tâm đời nầy chính làm căn-bản cho việc tái-sanh đó. Lại còn một thí-dụ khác nữa, như có người mang bình đi mua sữa của kẻ nuôi bò. Mua sữa rồi, gởi lại cho chủ và nói: ''Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ trở lại lấy.'' Người gởi sữa ít lâu sau trở lại lấy bình sữa, sữa chuyển thành sữa chua. Anh ta trách: ''Tôi gởi sữa trong bình cho anh, sao anh lại đổi thành sữa chua vậy?'' Người chủ bò cãi lại: ''Đấy là sữa cũ của anh gởi, nay tự nó chuyển thành sữa chua.'' Hai người tranh-cãi với nhau, dẫn nhau đến đền vua. Đại-Vương thấy ai phải?
- Người chủ bỏ, phải.
- Sao Đại-Vương biết?
- Kẻ kia mua sữa gởi lại lâu, sữa tự chuyển thành sữa chua, người chủ bò nào có lỗi gì.
- Đời người cũng ví như thế đó. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm các điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại, thì thân-tâm làm thiện-ác đời nầy chính là căn-bản cho việc tái-sanh ấy vậy.
*
044.- Vua hỏi, Na-Tiên có sanh trở lại nữa không?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Na-Tiên nay có sanh trở lại đời sau không?
- Lời Đại-Vương hỏi tôi đây, trước tôi đã đáp rồi. Nếu như tôi còn có sự lưu-luyến về ân-ái, thì đời sau sẽ sanh trở lại; còn nếu dứt được sự ân-ái, thì tôi chẳng sanh lại nữa. Ví như có người tận lực phục-vụ Đại-Vương, Đại-Vương biết rõ điều tốt đó, liền ban thưởng cho nhiều tiền-của. Kẻ ấy được thưởng, dùng tiền-bạc sắm quần áo, chi-phí ăn uống, vui đùa thoả-thích, rồi lại phao lời, nói: ''Ta có công với nhà vua, mà vua chưa từng ban thưởng cho ta gì cả.'' Tôi xin hỏi Đại-Vương, kẻ được ban thưởng rồi, còn nói ngược lại chưa hề được thưởng, lời nói của kẻ ấy có thể dùng được chăng?
- Lời nói của kẻ ấy chẳng dùng được.
- Thế cho nên, tôi xin nói với Đại-Vương, nếu tôi còn ân-ái thì đời sau phải sanh lại; còn như tôi đã dứt ân-ái rồi, thì đời sau chẳng phục-sanh nữa.
Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''
*
045.- Danh-Thân nghĩa là gì?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Khanh trước có nói, Danh và Thân của con người; vậy Danh là những gì, và Thân là những gì?
- Tấm thân hiện nay đang thấy đây là Thân, còn chỗ nhớ nghĩ trong lòng là Danh.
- Tại sao nơi con người, Danh thì sanh lại ở đời sau, mà Thân nầy lại chẳng sanh theo?
- Thân và Danh của con người, trước sau liên quan nhau, ví như mầm gà-con trong chất lỏng và vỏ cứng bên ngoài, lớn lên cho đến khi thành con gà con. Nơi con người, Danh và Thân liên-quan nhau cũng như thế đó, chẳng thể phân-ly ra được.
Vua khen: ''Lành thay!''
*
046.- Thời-gian.
Vua lại hỏi Na-Tiên:
- Thời-gian dài lâu là những gì?
- Lấy việc quá-khứ đã qua làm lâu-dài; cũng lấy việc vị-lai sắp tới làm lâu-dài; chỉ có hiện-tại bây giờ là chẳng dài lâu.
- Lành thay! Nghĩ cho kỹ thì có sự lâu-dài chăng?
- Hoặc có lâu-dài, hoặc chẳng có lâu-dài.
- Thế nào là có lâu-dài? Thế nào là chẳng có lâu-dài?
- Đối với bực đã đắc Nê-Hoàn (=Niết-bàn) thì chẳng có thời-gian dài lâu; đối với kẻ chưa đắc đạo còn phải sống đi chết lại thì có thời-gian lâu-dài. Người, đời nầy, siêng làm việc bố-thí, ăn ở có hiếu với mẹ cha, thì vào các đời sau có thể chứng-đắc được phước ấy.
Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''
*
047.- Thời-gian cùng với Danh-Thân triển-chuyển.
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Việc quá-khứ, việc vị-lai, việc hiện-tại, ba điều đó, điều nào là căn-bản?
- Việc quá-khứ, việc vị-lai, việc hiện-tại, kẻ ngu-si đều lấy đó là căn-bản.
a.- Thân sanh Danh, Danh sanh sáu thức.
Hễ ngu-si sanh thì tinh-thần sanh. Tinh-thần sanh thân, thân sanh danh, danh sanh sắc (= vật-chất), sắc sanh sáu thức (= sáu cái biết): (1) nhãn-thức, (2) nhĩ-thức, (3) tỵ-thức, (4) thiệt-thức, (5) thân-thức, (6) ý-thức, sáu thức đều hướng ra ngoài. Mắt hướng về hình-sắc, tai hướng về âm-thanh, mũi hướng về mùi hương, miệng lưỡi hướng về vị nếm, thân hướng về trơn-láng, tâm-ý hướng về sự ham-muốn; đó là sáu sự hướng ra ngoài.
b.- Nguyên-nhân dây chuyền
Danh (= phần tinh-thần) làm phối (phối-hợp = gom chung lại), phối hiệp với phối liền biết khổ, biết sướng; tòng theo sướng khổ sanh ra ân-ái, tòng theo ân-ái sanh ra ham-muốn, tòng theo ham-muốn sanh ra hữu-trí (= có sự truyền-đạt) liền sanh ra nguyên-nhân của già, tòng theo già là nguyên-nhân của bịnh; tòng theo bịnh là nguyên-nhân của chết, tòng theo chết là nguyên-nhân của khóc-lóc, tòng theo khóc-lóc là nguyên-nhân của ưu-sầu, tòng theo ưu-sầu là đau-đớn trong nội-tâm. Hễ hiệp lại tất các sự khổ-nhọc đó lại thì thành con người, lấy đó mà con người sống chết chẳng bao giờ cùng-tận, cho nên chẳng thể nào biết rõ cái thân-gốc đầu-tiên cho được.
c.- Các thí-dụ: lúa trồng hằng năm; con gà đẻ trứng sanh con; vòng tròn khép kín .
Thí-dụ như người ta trồng lúa, lúa mọc rễ, tòng theo rễ sanh ra cành, lá, hột, cho đến sau sanh ra thóc, mãi đến năm sau được thóc thật nhiều.
Na-Tiên liền hỏi Vương:
- Như người ta trồng lúa, năm nào cũng trồng lúa, thì có lúc nào dứt tuyệt chẳng sanh ra lúa nữa chăng?
- Năm, năm, có trồng lúa thì làm sao có lúc dứt tuyệt được.
- Đời người cũng lại như thế, cứ chuyển-đổi mãi, chẳng hề có lúc dứt tuyệt được.
Thí-dụ như gà đẻ trứng, trứng nở ra gà, tòng theo trứng sanh trứng, tòng theo gà sanh gà. Đời người cũng lại như thế, chẳng bao giờ dứt tuyệt.
Na-Tiên ngừng giọng, lấy tay vẽ một vòng tròn dưới đất, rồi hỏi Vương:
- Đại-Vương nay thấy vòng tròn nầy có góc nào không?
- Vòng đó tròn-vo, chẳng có góc ở chỗ nào cả.
- Kinh Phật nói: ''Đời người sống chết cũng như bánh xe chuyển lăn, sanh tử, tử sanh, chẳng bao giờ dứt tuyệt.''
d.- Sáu căn, sáu trần và sáu thức phối-hiệp ...
Con người tòng theo mắt, hình-sắc của vạn-vật, và có thức; đó là giác-tri (=hiểu-biết); ba sự-việc đó (mắt, hình-sắc, thức) hiệp lại, rồi tòng theo hiệp mà sanh ra sướng khổ, tòng theo sướng khổ sanh ra ân-ái, tòng theo ân-ái sanh ra ham-muốn, tòng theo ham-muốn sanh ra hữu-trí (= có sự truyền-đạt), tòng theo hữu-trí sự sanh sanh ra, tòng theo sanh là nguyên-nhân của việc làm thiện-ác.
Tòng theo thiện-ác, liền khởi sanh ra tai nghe âm-thanh, có thức tức là giác-tri, cả ba sự-việc đó (tai, âm-thanh, thức) hiệp lại mà sanh ra sướng khổ, tòng theo sướng khổ sanh ra ân-ái, tòng theo ân-ái sanh ra ham-muốn, tòng theo ham-muốn sanh ra hữu-trí, tòng theo hữu-trí mà sự sanh sanh ra, tòng theo sanh mà làm các điều thiện-ác.
Tòng theo thiện-ác, liền khởi sanh ra mũi ngửi mùi, có thức, tức là giác-tri; ba sự-việc đó (mũi, mùi và thức) hiệp lại, tòng theo hiệp sanh ra sướng khổ, tòng theo sướng khổ sanh ra ân-ái, tòng theo ân-ái sanh ra ham-muốn, tòng theo ham-muốn sanh ra hữu-trí, tòng theo hữu-trí mà sự sanh sanh ra, tòng theo sanh mà làm điều thiện-ác.
Tòng theo thiện-ác, liền khởi sanh ra miệng nếm vị, có thức tức là giác-tri; ba sự-việc đó (miệng, vị và thức) hiệp lại, tòng theo hiệp mà sanh ra sướng khổ, tòng theo sướng khổ mà sanh ra ân-ái, tòng theo ân-ái mà sanh ra ham-muốn, tòng theo ham-muốn sanh ra hữu-trí, tòng theo hữu-trí mà sự sanh sanh ra, tòng theo sanh mà làm điều thiện-ác.
Tòng theo thiện-ác liền khởi sanh ra thân được chỗ trơn-láng, có thức tức là giác-tri; ba sự-việc đó (thân, trơn-láng và thức) hiệp lại, tòng theo hiệp sanh ra sướng khổ, tòng theo sướng khổ mà sanh ra ân-ái, tòng theo ân-ái mà sanh ra ham-muốn, tòng theo ham-muốn mà sanh ra hữu-trí, tòng theo hữu-trí mà sự sanh sanh ra, tòng theo sanh mà làm đìều thiện-ác.
Tòng theo thiện-ác mà khởi sanh ra tâm-ý, ý-niệm và có thức tức là giác-tri; cả ba sự-việc đó (tâm, ý-niệm và thức) hiệp lại, tòng theo hiệp mà sanh ra sướng khổ, tòng theo sướng khổ mà sanh ra ân-ái, tòng theo ân-ái mà sanh ra ham-muốn, tòng theo ham-muốn mà sanh ra hữu-trí, tòng theo hữu-trí mà khiến sự sanh sanh ra, tòng theo sanh mà làm điều thiện-ác. Như thế, con người triển-chuyển, sanh tử tử sanh, chẳng bao giờ dứt tuyệt.
Vương ngợi khen: ''Lành thay!''.
*
048.- ''Người có gốc'' nghĩa là gì?
Vương lại hỏi Na-tiên:
- Khanh có nói, con người sống chết chẳng thể đắc được gốc. ''Chẳng thể đắc được gốc'' ý-nghĩa ra làm sao?
- ''Người có gốc'' phải chẳng sanh trở lại, ''người có gốc'' phải trở lại quá-khứ dùng đó làm ''gốc''.
- ''Người chẳng có gốc'' phải nên chẳng sanh trở lại, nhìn thấy ''người có gốc'' phải trở lại quá-khứ, như thế thi ''gốc'' là chưa dứt tuyệt chăng?
- Dĩ nhiên, cả hai đều phải là quá-khứ.
*
049.- Cái ''gốc sanh-tử'' là gì?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Đời người sống chết có kẻ theo bên cạnh giúp thêm ích lợi chăng?
- Tôi xin hỏi lại Đại-Vương, con người ở thế-gian cùng với các loài nhện khi di-chuyển thì bò đi theo bên cạnh có tăng thêm ích lợi gì chăng?
- Ta chẳng hỏi Na-Tiên về con người ở thế-gian cùng các loài nhện bò đi khi di-chuyển; Ta chỉ muốn hỏi Na-Tiên cái gốc sanh tử của con người là gì?
a.- ''Gốc sanh-tử'' của con người.
- Cây-cối sanh ra, lấy chồi non làm gốc; ngũ cốc lấy hột lúa làm gốc; thiên-hạ, vạn vật đều lấy gốc của loài mình mà sanh ra. Con người thì tòng theo sáu tình-cảm, ân-ái, làm gốc. Con người có mắt, có hình-sắc, và có thức; có tai, có âm-thanh, và có thức; có mũi, có mùi, và có thức; có lưỡi, có vị, và có thức; có thân, có trơn-láng, và có thức; có niệm, có pháp (=sự-vật), và có thức. Tòng theo các điều đó mà sanh ra sướng khổ; tòng theo sướng khổ mà sanh ra ân-ái; tòng theo ân-ái mà sanh ra ham-muốn; tòng theo ham-muốn mà sự sanh sanh ra; hiệp các điều khổ đó lại cho đến thành ra con người.
b.- Từ sáu căn đến nguyên-nhân phải tái-sanh.
Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tinh-thần, thức, niệm khiến có sự truyền-đạt hiệp lại làm phối, tòng theo phối sanh sướng khổ, tòng theo sướng khổ sanh ân-ái, tòng theo ân-ái sanh ham-muốn, tòng theo ham-muốn sanh ra nguyên nhân truyền-đạt. Tòng theo truyền-đạt mà sự sanh sanh ra, tòng theo sanh mà có nguyên-nhân già, bịnh, tòng theo bịnh mà có nguyên nhân chết, ưu-sầu, khóc-lóc, tòng theo khóc lóc mà sanh ra đau-đớn trong nội-tâm. Đời con người là như thế!
c.- Từ sáu căn đến chứng-đắc vô-sanh.
Nếu chẳng có mắt thì chẳng thấy hình-sắc, chẳng hay, chẳng biết; tòng theo sự chẳng hay chẳng biết mà chẳng có sự phối-hiệp; chẳng có sự phối-hiệp thì chẳng có sướng khổ; chẳng có sướng khổ liền chẳng sanh ân-ái; chẳng ân-ái thì chẳng sanh ham-muốn; chẳng ham-muốn thì chẳng có hữu-trí (= sự truyền-đạt), chẳng sanh, chẳng già; chẳng sanh chẳng già thì chẳng bịnh, chẳng chết; chẳng bịnh chẳng chết thì chẳng sầu, chẳng khóc; chẳng sầu, chẳng khóc thì nội-tâm chẳng đau-đớn. Chẳng có các điều khổ đó, thì liền đắc được đạo Nê-Hoàn (=Niết-Bàn). Chẳng tai thì chẳng có chỗ nghe; chẳng mũi thì chẳng có chỗ ngửi; chẳng miệng thì chẳng có chỗ nếm; chẳng thân thì chẳng có chỗ trơn-láng; chẳng có thức thì chẳng có sở-niệm; chẳng có sở-niệm thì chẳng có phối-hiệp; chẳng có phối-hiệp thì chẳng sướng chẳng khổ; chẳng sướng chẳng khổ thì chẳng có ân-ái; chẳng có ân-ái thì chẳng ham-muốn; chẳng ham-muốn thì chẳng có bào-thai, chẳng có sự sanh; chẳng sanh thì chẳng già; chẳng già thì chẳng bịnh; chẳng bịnh thì chẳng chết; chẳng chết thì chẳng sầu, chẳng sầu thì chẳng khóc; chẳng khóc thì nội-tâm chẳng đau-đớn; dứt bỏ hết tất cả các nổi khổ đó, liền đắc được đạo Nê-Hoàn.
Vương khen ngợi: ''Lành thay!''
*
050.- Thế-gian chẳng hề có việc tự-nhiên mà sanh ra
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Thế-gian có vật nào tự-nhiên mà sanh ra chăng?
- Chẳng hề có vật nào tự-nhiên mà tự sanh ra lấy cả; phải có nguyên-nhân mới sanh ra.
a.- Thí-dụ về tòa điện cao.
Na-Tiên hỏi Vương:
- Nay Đại-Vương ngồi trên tòa điện cao nầy, điện ấy do nhơn-công tạo ra, hay là tự-nhiên sanh ra?
- Nhơn-công đã tạo ra điện nầy; gỗ xuất từ cây-cối; tường, vách, bùn đất, xuất từ đất-đai.
- Đời người cũng lại như thế; tất cả các giới hoà-hiệp lại cho đến thành ra con người. Do đó, chẳng hề có vật nào tự-nhiên mà sanh ra cả, đều phải có nguyên-nhân.
b.- Thí-dụ về người thợ đồ gốm .
Thí-dụ như người thợ làm đồ gốm, lấy đất sét hòa với nước, nhồi nhuyễn rồi đem hầm trong lò mà thành các vật-dụng, đất sét kia chẳng thể tự thành vật-dụng được, mà phải có nhơn-công, củi, lửa, mới thành ra khí-cụ được. Thế-gian chẳng hề có việc tự-nhiên mà sanh ra cả.
c.- Thí-dụ về cây đờn .
Lại nữa, thí-dụ như cây đờn-sắt mà thiếu dây, thiếu phím, thiếu người khảy, thì có phát ra âm-thanh chăng?
- Chẳng thể tự cây đờn mà có âm-thanh được.
- Nếu như cây đờn-sắt đủ dây, có phím, được người cầm khảy, thì có phát ra tiếng đờn chăng?
- Có, có được tiếng đờn.
- Như thế thì thiên hạ chẳng hề có vật tự-nhiên sanh ra, tất cả đều phải có nguyên-nhân của nó.
d.- Các thí-dụ khác: lấy lửa, kiếng soi.
Lại có thí-dụ nữa, như muốn cọ cây lấy lửa mà chẳng có hai khúc gỗ, chẳng có người cọ, thì có được lửa chăng?
- Chẳng thể có được lửa.
- Giá như có hai khúc gỗ, có người cọ gỗ, thì lửa có sanh ra chăng?
- Dĩ nhiên sẽ có lửa sanh ra.
- Vậy thì thiên-hạ chẳng hề có vật nào tự-nhiên mà sanh ra, tất phải có nguyên-nhân của nó.
Lại nữa, thí-dụ như dùng kiếng rọi lớn để tụ ánh nắng lại lấy lửa, mà chẳng có người cầm kiếng, chẳng có vầng mặt trời, thì có được lửa chăng?
- Chẳng có lửa được.
- Lại ví như có người cầm kiếng, có ánh mặt trời, thì có lửa không?
- Được lửa.
- Như thế thiên-hạ chẳng hề có vật gì tự-nhiên mà sanh ra, phải có nguyên-nhân.
Lại thêm thí-dụ nữa, nếu chẳng có kiếng soi, chẳng có ánh sáng mà người kia muốn chiếu xem mặt mình, có thấy mặt được chăng?
- Chẳng thể tự thấy được.
- Nếu như người có kiếng soi, có ánh sáng, có người tự xem mặt mình, thấý được không?
- Dĩ nhiên, có thể tự thấy được.
- Như thế, thiên-hạ chẳng hề có vật nào tự-nhiên mà sanh ra được, tất phải có nguyên-nhân của nó.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
051.- ''Cái gì'' là ''Người''?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Người ở thế-gian là có ''người'' hay là chẳng có người?
- Xét nghĩ cho kỹ, thế-gian chẳng thể nào có ''người'', thì gọi ''ai'' (hay ''cái gì'') là ''người'' cho thích-hợp được.
- Mạng sống trong thân là ''người'' chăng?
Na-Tiên liền hỏi lại Vương rằng:
- Mạng sống trong thân người có thể dùng mắt thấy hình-sắc chăng, có thể dùng tai nghe âm-thanh chăng, có thể dùng mũi ngửi mùi chăng, có thể miệng nếm vị chăng, có thể dùng thân biết sự trơn-láng chăng, có thể dùng tâm-ý có sự hay-biết chăng?
- Có thể.
- Nay Đại-Vương và tôi cùng ngồi trên điện nầy, bốn mặt có cửa sổ, tùy ý mình muốn nhìn ra cửa sổ nào mà thấy được chăng?
- Thấy được.
- Giả-thiết như mạng sống, trong thân người, tùy ý muốn, theo ''cửa hở'' (= khổng) nào đó để thấy, có thể dùng mắt để thấy được hình-sắc chăng, có thể dùng tai để thấy được hình-sắc chăng, có thể dùng mũi để thấy được hình-sắc chăng, có thể dùng miệng để thấy được hình-sắc chăng, có thể dùng thân để thấy được hình-sắc chăng?
- Chẳng thể được.
- Giả-thiết như mạng sống ở tại tai, có thể lấy tai để nghe được chăng, có thể lấy tai để thấy được chăng, có thể lấy tai để ngửi mùi được chăng, có thể lấy tai để nếm được vị chăng, có thể lấy tai để biết được chỗ trơn-láng chăng, có thể lấy tai để có được chỗ suy-nghĩ chăng?
Lại giả-thiết như mạng sống ở tại mũi, có thể lấy mũi để ngửi mùi thúi được chăng, có thể lấy mũi để nghe được âm-thanh chăng, có thể lấy mũi để nếm vị được chăng, có thể lấy mũi để biết được sự trơn-láng chăng, có thể lấy mũi để biết được chỗ suy-nghĩ chăng?
Lại giả-thiết như mạng sống tại miệng, có thể lấy miệng để thấy được chăng, có thể lấy miệng để nghe được âm-thanh chăng, có thể lấy miệng để ngửi mùi thối được chăng, có thể lấy miệng để biết được sự trơn-láng chăng, có thể lấy miệng để biết được chỗ suy-nghĩ chăng?
Lại giả-thiết như mạng sống ở tại thân, có thể lấy thân để biết được sự trơn-láng chăng, có thể lấy thân để thấy được chăng, có thể lấy thân để nghe được âm-thanh chăng, có thể lấy thân để ngửi mùi thối được chăng, có thể lấy thân để nếm được vị chăng, có thể lấy thân để biết được chỗ suy-nghĩ chăng?
Lại giả-thiết như mạng sống ở tại thức, có thể lấy thức biết được chỗ suy-nghĩ chăng, có thể lấy thức để nghe được âm-thanh chăng, có thể lấy thức để ngửi mùi thối được chăng, có thể lấy thức để nếm được vị chăng, có thể lấy thức để biết được sự trơn-láng chăng?
- Chẳng thể biết được.
- Đại-Vương, lời nói của Ngài trước sau chẳng tương-ứng nhau. Như Đại-Vương và tôi đang ngồi trên điện đây, nếu phá bỏ các cửa sổ bốn bên, thì thấy có được xa rộng chăng?
- Dĩ nhiên, thấy được xa rộng.
- Giả-thiết như mạng sống ở tại thân, khai lớn mắt ra, thì thấy được xa rộng chăng, khai lớn tai ra thì nghe được xa chăng, khai lớn mũi ra thì ngửi được xa chăng, khai rộng miệng ra thì nếm vị được nhiều chăng, khai rộng da ra thì biết trơn-láng nhiều chăng, khai rộng phán-đoán ra thì ý được nhiều chăng?
- Chẳng được.
- Như thế thì lời nói của Đại-Vương trưóc sau chẳng tương-ứng nhau.
Na-Tiên liền hỏi Vương rằng:
- Người giữ kho vua đến trước mặt Đại-Vương, Đại-Vương có hay-biết ông ta đang đứng trước mặt chăng?
- Biết, ở trước mặt.
- Ông ta đi vào nhà trong, Đại-Vương có hay-biết ông ấy vào nhà trong chăng?
- Biết, đi vào nhà trong.
- Giả-thiết như mạng-sống ở tại thân, người nếm vị ở trong miệng có hay-biết ngọt, chua, mặn, cay, đắng chăng?
- Biết chớ.
- Lời nói của Đại-Vương trước sau lại chẳng tương-ứng nhau. Ví như có người mua rượu ngon đổ đầy một thùng lớn, rồi bất thần đè cổ nhận đầu một người khác vào thùng rượu để thưởng-thức, kẻ ấy có biết được vị rượu hay không?
- Kẻ ấy chẳng biết được.
- Tại sao lại chẳng biết được vị rượu?
- Rượu chưa kịp vào trong miệng để đến trên lưỡi, cho nên chẳng biết được vị rượu.
- Lời nói của Đại-Vương trước lại cũng chẳng tương-ứng nhau.
Vương nói:
- Trí Ta ngu-si chưa hiểu kịp chỗ khó-khăn nầy; xin nguyện Na-Tiên giải-thích cho.
Na-Tiên nói:
- Người theo mắt thấy hình-sắc, tâm-thần chuyển-động, tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng khổ, cùng với ý-niệm hiệp lại; tai, mũi, miệng, ý cũng cùng hiệp nhau lại làm cho tâm-ý có ý-niệm là tâm-thần chuyển-động. Tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng khổ; tòng theo sướng khổ mà sanh ra ý, ra niệm, cứ triển-chuyển (= phát-triển và biến-chuyển) cùng nhau mà thành, ắt chẳng hề có một vị chủ thường-hằng nào cả.
Vương khen ngợi: ''Lành thay!''
*
052.- Mắt và tâm cùng thấy.
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Khi con người mắt thấy thì mắt và tâm có cùng nhau phát-sanh hay không?
- Dĩ nhiên, cả hai đồng thời cùng phát-sanh.
- Mắt thấy trước hay là tâm thấy trước?
- Mắt thấy trước, tâm thấy sau.
- Cả hai có nói với nhau như vầy chăng? Mắt nói với tâm, chỗ tôi thấy trước, anh nên theo sau mà thấy. Tâm nói với mắt, chỗ anh đã thấy, tôi nên theo đó mà thấy sau.
- Cả hai chẳng nói với nhau gì hết.
- Khanh há chẳng có nói, ''đồng thời cùng phát-sanh'' hay sao, vì cớ gì mà cả hai lại chẳng nói với nhau như vậy?
- Có bốn sự-việc khiến cho chúng chẳng cần nói với nhau như trên. Bốn sự-việc đó là những gì? Một là, đi theo xuống dưới. Hai là, đi theo hướng cửa. Ba là, đi theo vết xe. Bốn là theo số. Bốn sự-việc đó khiến cho chẳng có sự cùng nói với nhau.
- Thế nào là đi theo xuống dưới?
- Trên núi cao có mưa lớn, thì nước chảy xuống như thế nào?
- Chảy theo xuống phiá dưới.
- Sau đó, lại có mưa nữa. Nước nầy chảy như thế nào?
- Thì chảy theo chỗ nước đám mưa trước đã chảy.
- Nước chảy trước có nói với nước sau, anh phải chảy theo đường tôi đã qua trước, chăng? Nước sau có nói với nước trước, tôi đang chảy theo đường anh qua trước, chăng?
- Nước chảy thì cứ tự chảy, nước chảy trước chẳng có nói gì với nước chảy sau.
- Mắt lại cũng như nước vậy, mắt chẳng có nói với tâm, anh phải tùy theo chỗ tôi thấy mà khởi-sanh sau; tâm cũng chẳng có nói với mắt, tôi đương tùy theo sau chỗ anh thấy mà khởi-động lên. Mắt và tâm chẳng nói gì với nhau cả. Đó gọi là đi theo xuống dưới. Tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý, cũng lại như thế.
- Thế nào đi theo hướng cửa?
- Ví như đô-thành lớn chỉ có một cửa ra vào; bên trong có một người muốn đi ra, thì phải theo hướng nào?
- Phải theo hướng ra cửa.
- Sau đó lại có một người khác cũng muốn ra khỏi thành, thì phải đi theo hướng nào?
- Cố-nhiên người sau nầy phải noi theo con đường người đi trước mà ra.
- Thế thì, người ra trước có bảo kẻ ra sau, anh phải đi theo đường tôi đi mà ra sau. Còn người đi sau có nói với kẻ đi trước, tôi đang theo con đường anh đã đi mà ra khỏi thành. Hai người có nói với nhau như vậy không?
- Người đi trước với kẻ ra sau chẳng cùng nói với nhau.
- Mắt cũng lại như thế. Mắt chẳng nói với tâm, anh phải theo sau tôi mà khởi-phát; tâm cũng chẳng nói với mắt, tôi nay đang theo sau anh mà khởi-phát. Mắt và tâm chẳng cùng nói với nhau. Đó gọi là đi theo hướng cửa. Tai, mũi, miệng, thân và ý, cũng lại như thế.
- Thế nào là đi theo vết xe?
- Xe trước đi qua, để lại vết bánh xe trên đường; xe sau phải theo đường nào mà đi?
- Xe sau phải theo vết bánh xe trước mà đi.
- Bánh của xe trước nói với bánh của xe sau, anh phải nên theo chỗ tôi đã đi qua mà đi; bánh xe sau nói với bánh của xe trước, tôi đang đi theo vết xe của anh để lại. Cả hai có nói với nhau như thế chăng?
- Chẳng có nói cùng nhau.
- Đối với con người, cũng lại như thế. Mắt chẳng nói với tâm, tôi thấy chỗ nầy, anh phải tùy theo sau chỗ tôi thấy đó mà khởi-sanh. Tâm cũng chẳng nói, tôi đang tùy theo chỗ anh thấy mà khởi-sanh. Tai, mũi, miệng, thân và tâm, cũng chẳng nói gì với nhau.
- Thế nào theo số?
- Theo số là tính đếm. Sách-vở, học-vấn là số. Tai, mắt, mũi, miệng, thân, tâm, từ từ biết rõ, rồi cùng hiệp lại sáu sự-việc đó cho đến khi thành chỗ hay-biết, mà chỗ hay biết nầy chẳng phải chỉ tòng theo sự hay-biết riêng của mỗi một nơi nào cả.
Vương khen ngợi: ''Lành thay!''
*
053.- Giác-quan và tâm phối-hiệp nhau .
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Mắt người khi nhìn thấy, có cùng với sự sướng khổ sanh ra một lượt chăng?
- Mắt thấy và sự sướng khổ đồng sanh ra, đều theo nhau hiệp lại mà sanh ra.
- Thế nào là hiệp lại?
- Khi hai sự-việc tiếp-xúc nhau, đó là hiệp. Thí dụ như hai con dê chọi nhau, đó là hiệp; một con ví như mắt, một con ví như hình-sắc, hiệp lại gọi là phối. Thí-dụ như một bàn tay ví làm mắt, một bàn tay như hình-sắc, hai bàn tay hiệp lại làm phối. Thí-dụ như hai hòn đá, một hòn ví làm mắt, một hòn làm hinh-sắc, hai hòn hiệp lại là phối. Tai, mắt, mũi, thân, tâm, đều đồng hiệp nhau làm thành phối. Thí-dụ như hai hòn đá, một hòn làm tâm, một hòn như chí (=ý-chí, tâm-ý), cả hai hòn hiệp lại thành ra phối; tâm và chí hiệp nhau như thế, nên gọi là phối.
Vương khen ngợi: ''Lành thay!''
*
054.- Vui-sướng nghĩa là gì?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Vui-sướng có mấy loại?
- Tự mình giác-tri (= hay-biết), đó là vui-sướng.
Thí-dụ như có người phục-vụ Vua; kẻ ấy hiền lành, Vua liền ban thưởng cho tiền-của. Người ấy được thưởng, đem tiền ra chi-dụng vào các thú-vui ham-muốn của mình cho khoái-lạc; người ấy liền tự nghĩ, ta phụng-sự Vua, được Vua ban thưởng, nay ta vui sướng. Vui-sướng là như vậy.
Thí-dụ như có người tâm niệm thiện, miệng nói lời thiện, thân làm việc thiện; hành thiện như thế khi chết đi được sanh lên cõi Trời. Trên cõi Trời, tâm-ý được sung-sướng khoái-lạc nhiều lắm, nên người ấy tự nghĩ rằng, ta lúc còn ở thế-gian, tâm niệm thiện, miệng nói lời thiện, thân làm việc thiện, cho nên nay ta sanh lên tới tận cõi nầy được vui-sướng hết sức. Đó gọi là giác, tức là sự hiểu-biết vậy.
Vua khen ngợi: ''Lành thay!''
*
055.- Giác-tri là gì?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Giác là như thế nào?
- Tòng theo sự hiểu-biết, đó là giác. Thí-dụ như người giữ kho vua, đi vào kho, nhìn trong kho, liền thấy có bao nhiêu trăm ngàn tiền vàng bạc, châu ngọc, vải lụa tơ, đủ loại hương sắc, đều biết các loại ấy ở chỗ nào, đó là giác-tri.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
056.- Sở-niệm là gì?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Con người có sở-niệm của mình. Có bao nhiêu loại sở-niệm?
- Con người có sở-niệm nhân vì có sở-tác. Thí-dụ như có người hòa thuốc độc rồi uống, lại cho kẻ khác uống nữa; thân mình đã khổ, lại còn làm khổ đến kẻ khác. Lại thí-dụ như người làm ác, chết đi phải sa vào địa-ngục, các người khác được kẻ ấy dạy, làm theo điều ác đó, cũng đều phải sa vào địa-ngục ấy cả. Kẻ ác có sở-niệm, có sở-tác, là như vậy đó.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
057.- Thế nào nội-động?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Thế nào là nội-động?
- Y-chí bên trong nổi lên, đó là động.
- Động với Hành, thời ra làm sao?
- Thí-dụ như chậu đồng, nồi đồng, có người đến đốt nấu lên; các khí-cụ đó phát ra tiếng và có dư-âm; đó là hành. Con người cũng như vậy, ý-chí khởi lên, nhân đó mà có hành-động.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
058.- Các tâm-niệm phối-hiệp nhau rồi chẳng tách ra riêng từ món được.
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Hiệp, trí, niệm, ý, động, những thứ đó hiệp nhau lại, rồi sau muốn phân-biệt mỗi thứ ra được chăng?
- Nếu đã khiến hiệp nhau lại rồi thì chẳng phân-biệt ra mỗi thứ được nữa. Thí-dụ như Đại-Vương khiến người đầu-bếp nấu thứ canh ngon, canh phải có nước, có thịt, có hành tỏi, có gừng, có muối bọt, có bột. Đại-Vương liền ra lịnh cho người đầu-bếp, trong bát canh nấu xong đó, lấy ra trước hết là vị của nước, kế đó vị của thịt, rồi đến vị của hành tỏi, vị của gừng, vị của muối, vị của bột, đem lên dâng, thì người ấy có thể nhứt-nhứt lấy các vị ấy ra đem dâng lên Vua được chăng?
- Canh đã nấu chung lại rồi, đâu có thể tách mỗi vị riêng biệt ra được.
- Các sự-việc lại cũng như thế, một khi đã hiệp chung thành một rồi thì chẳng lấy riêng ra được, đây là sướng khổ, đây là trí, đây là động, đây là ý-niệm.
Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''
*
059.- Vị của muối .
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Người dùng mắt nhìn vị của muối có thể riêng biết được chăng?
- Đại-Vương có biết được như thế không? Có thể nào dùng mắt nhìn mà biết được vị của muối hay sao?
- Mắt chẳng thể biết được vị của muối.
- Con người dùng lưỡi để biết được vị của muối, chớ chẳng thể dùng mắt mà biết vị của muối được.
- Phải chăng con người dùng lưỡi để biết vị?
- Mọi người đều dùng lưỡi để riêng biết về vị.
- Các loại muối đều phải dùng lưỡi để riêng biết vị chăng?
- Dĩ nhiên, vị của các loại muối phải dùng lưỡi để riêng biết.
- Chiếc xe trâu chở muối có riêng biết vị của muối chăng?
- Xe trâu chẳng thể có sự hiểu-biết, đâu có thể biết được vị của muối.
- Vị của muối có thể đem ra cân được chăng?
- Đại-Vương cũng dư biết điều đó, (...) vị của muối chẳng thể cân-lường được; chỉ có sức nặng của muối mới có thể cân-đo được.
Vương khen ngợi: ''Lành thay!''
*
060.- Năm giác-quan .
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Nơi thân con người dùng ngũ tri (= năm tri-giác) làm thành mọi sự-việc, hay là làm một sự-việc mà thành năm giác-quan?
- Làm thành mọi sự-việc, chớ chẳng phải do một sự-việc mà thành. Thí-dụ như nơi một thửa đất trồng ngũ-cốc thì lúc sanh ra, các loại lúa mỗi mỗi tự sanh ra tùy theo loại; nơi thân con người, năm sự-việc đều dùng tất cả các sư-việc mà sanh ra.
Vương khen-ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''
*
061.- Tại sao có sự bất-bình-đẳng giữa loài người?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Con người ở thế-gian, đầu, râu, tóc, da, mặt, mắt, tai, mũi, miệng, thân-thể, tứ-chi, chơn tay, đều có đầy-đủ cả, tại sao lại có người sống lâu, có người chết yểu, có người lắm bịnh, có người ít bịnh, có người nghèo-khổ, có người giàu-có, có người quyền-qúí, có người hạ-tiện, có người là bực đại-nhơn, có người là kẻ tiểu-nhơn, có người đoan-trang đẹp-đẽ, có người thô-kệch xấu-xí, có người được kẻ khác tin-cậy, có người bị kẻ khác nghi-ngờ, có người hiếu-thuận, có người ngu-si, tại sao lại chẳng đồng?
- Ví như cây-cối có trái: có chua, có đắng, có cay, có ngọt (...). Các cây-cối đó, sao lại chẳng giống nhau?
- Sở dĩ chẳng giống nhau, do bởi trồng các loại cây khác nhau.
- Con người cũng lại như thế. Vì tâm-niệm mỗi người một khác khiến cho con người ở thế-gian chẳng đồng nhau vậy; có người mạng sống dài, có người mạng sống ngắn, có người nhiều bịnh, có người ít bịnh, có người giàu-có, có người bần-cùng, có người quyền-quí, có người hạ-tiện, có người đại-nhơn, có người tiểu-nhơn, có người đoan-chánh, có người thô-xấu, có người lời nói dùng được, có người lời nói chẳng dùng được, có người thông-minh, có người ngu-muội. Cho nên Đức Phật có nói: ''Tùy người làm điều thiện ác mà tự mình phải đắc được điều thiện ác ấy, có người hào-quí, có người bần-cùng, tất cả đều do mạng sống đời trước đã làm điều thiện ác, mỗi người đều tùy theo đức-hạnh của mình mà được như thế.''
Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''
*
062.- Phải làm điều lành từ trước .
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Người muốn làm điều thiện, nên làm trước ngay, hay là để sau nầy mới làm?
- Phải làm ngay khi trước, để đến sau mới làm thì chẳng ích lợi chi. Trước có làm điều thiện thì nay mới có ích cho mình. Như Đại-Vương đang khát mới sai người đào đất khai giếng thì có giải ngay cơn khát của Đại-Vương chăng?
- Chẳng giải cơn khát được; phải đào giếng sẵn từ trước.
- Con người cũng lại như vậy. Nay phải làm điều thiện trước đi, để đến sau nầy mới làm thì vô-ích lắm. Thí-dụ như Đại-Vương đang đói, mới sai người cầy ruộng, bón phân, trồng ngũ-cốc để lấy lúa gạo ăn, hay là phải nên dự-trữ sẵn trước?
- Chẳng nên thế; cần phải có dự-trữ trước.
- Con người cũng lại như vậy; phải làm điều thiện trước, chờ đến lúc cần-cấp mới làm việc thiện, chẳng vô-ích lắm sao?
Ví-dụ như có địch-quân đến xâm-phạm đất nước, Đại-Vương cần chiến-đấu chống lại ngay, bấy giờ mới sai người lo tập ngựa, luyện voi, tuyển binh, thì có tác-chiến kịp thời chăng?
- Chẳng kịp, cần có sẵn binh-lính trừ-bị mới kịp lâm-thời chiến-đấu ngay; chờ đến lúc lâm trận mới lo tập ngựa, luyện voi, tuyển binh, thì vô-ích lắm.
- Kinh Phật nói: ''Con người trước phải lo niệm điều thiện, thân làm việc thiện; để đến sau mới làm lành, chẳng vô-ích lắm sao?'' Đại-Vương chẳng bỏ Chánh-đạo, chẳng bắt chước theo tà-đạo. Người ngu bỏ điều thiện, làm điều ác, rồi sau nầy ngồi đó khóc-than, có ích vào đâu. Kẻ nào dứt bỏ điều trung-chánh, theo điều bất-chánh, đến lúc sắp chết sẽ hối-hận về sau.
Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''
*
063.- ''Lộc riêng'' phải chăng là ''Nghiệp-lực''?
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Chư sa-môn các khanh có nói, lửa ở thế-gian chẳng giống như lửa ở địa-ngục. Lại nói, cầm một hòn đá nhỏ đốt trong lửa ở thế-gian mãi cho đến chiều tối, cũng chẳng tiêu tan; mà cầm một hòn đá lớn đốt trong lửa địa-ngục thì lại tiêu-tan được ngay. Do đó, Ta chẳng thể tin được. Các khanh cũng lại có nói, người làm ác, khi mất, phải sa vào địa-ngục hằng ngàn vạn năm còn chưa chết tiêu; do đó, Ta lại càng chẳng thể tin lời nói đó được.
- Đại-Vương có nghe nói ở ngoài biển lớn có loài thủy-tộc như mãng-xà cái (= rắn lớn), giao-long cái (= thuồng-luồng), giáp-ngư cái (= ba-ba), giải cái (= cua), khi mang thai trong bụng thường dùng sa-thạch (= đá cát) mà ăn chăng?
- Có nghe nói, chúng dùng sa-thạch mà làm thực-phẩm.
- Sa-thạch vào bụng rồi có tiêu chăng?
- Dĩ nhiên, phải tiêu-tan.
- Thế còn bào-thai trong bụng có bị tiêu theo chăng?
- Chẳng tiêu.
- Sao lại chẳng tiêu?
- Do nhờ ''lộc'' riêng giúp vào mà các bào-thai ấy chẳng bị tiêu-tan.
- Người nơi địa-ngục cũng lại như thế, trong bao nhiêu ngàn vạn năm chẳng chết tiêu đi, vì người ấy đã làm nhiều tội-ác còn chưa diệt tận, cho nên chẳng thể chết đi được. Lại ví như sư-tử cái, cọp cái, chó cái, mèo cái, đều ăn xương thịt vào bụng, các chất ấy có tiêu-hóa chăng?
- Đều tiêu-hóa hết.
- Còn các bào-thai trong bụng có tiêu đi không?
- Chẳng tiêu.
- Sao lại chẳng tiêu?
- Do ''lộc'' riêng giúp vào, cho nên chẳng bị tiêu.
- Lại nữa, trâu cái, ngựa cái, lừa cái, chương cái, nai cái, mang thai trong bụng, dùng cỏ lá mà ăn, phải không?
- Dĩ nhiên, chúng đều ăn cỏ lá để sống.
- Cỏ lá được ăn vào bụng có tiêu-hóa hết cả chăng?
- Đều được tiêu-hóa hết cả.
- Thế, còn các bào-thai trong bụng có bị tiêu đi không?
- Chẳng bị tiêu.
- Tại sao?
- Nhờ ở ''lộc'' riêng mà chẳng bị tiêu mất đi.
- Người nơi địa-ngục cũng lại như thế; vì các tội-ác chưa được diệt-tận, cho nên chẳng chết đi.
- Các vị phu-nhơn, các bà trưởng-giả và các bà giàu-có dùng mỹ-vị ăn uống vào bụng có tiêu-hóa hết chăng?
- Đều tiêu-hóa hết.
- Các bào-thai ở trong bụng họ có tiêu mất đi chăng?
- Không, chẳng tiêu.
- Tại sao vậy?
- Nhờ nơi ''lộc'' riêng mà các bào-thai chẳng tiêu đi.
- Người nơi địa-ngục cũng lại như vậy, sở dĩ ngàn vạn năm chẳng chết tiêu là do ở đời trước làm việc ác còn chưa được giải hết, vì thế mà chẳng chết tiêu. Người ở nơi địa-ngục, lớn lên ở địa-ngục, rồi già-nua cho đến tận (hết tội) thì mới chết được.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
064.- Bốn đại (bốn nguyên-tố) nương vào nhau .
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Chư sa-môn các khanh có nói, đất trong thiên-hạ đều ở tại trên nước, nước ở tại trên gió, gió ở tại trên không, Ta chẳng tin là đúng như thế.
Na-Tiên liền cầm bầu nước, dùng ba ngón tay nhấc lên, rồi hỏi Vua:
- Nước trong bầu nầy có phải do gió trì giữ chăng?
- Dĩ nhiên, do gió trì giữ.
- Gió trì giữ nước cũng lại như vậy.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
065.- Niết-bàn là vượt qua chẳng trở lại.
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Đạo Niết-bàn là vượt qua đi mà chẳng còn có chỗ nào trở lại nữa chăng?
- Đạo Niết-bàn chẳng còn chỗ nào là có trở lại nữa. Người ngu-mê cứ mãi lo cho tấm thân trong ngoài, thích được ngồi êm, cho nên chẳng thể đắc độ-thoát khỏi già, bịnh, chết. Người hiền-trí học Đạo trong ngoài thân đều chẳng vướng-mắc. Con người chẳng có ân-ái; hễ chẳng có ân-ái thì chẳng ham-muốn, chẳng có bào-thai; hễ chẳng có bào-thai thì chẳng sanh, chẳng già; hễ chẳng sanh, chẳng già thì chẳng bịnh, chẳng chết; hễ chẳng bịnh thì chẳng lo-sầu, chẳng khóc-lóc; hễ chẳng sầu-lo, chẳng khóc-lóc thì nội-tâm chẳng đau-đớn; khi nội-tâm chẳng đau-đớn tức liền đắc đạo Niết-bàn.
Vương ngợi khen: ''Lành thay!''
*
066.- Dắc đạo Niết-bàn .
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Các bực học đạo tất đắc được Niết-bàn hết cả chăng?
- Chẳng đắc được Niết-bàn hết tất cả. Các bực học đạo chơn-chánh hướng về điều thiện, biết rõ điều chơn-chánh, chỗ cần phải phụng-hành thì phụng-hành theo; chỗ chẳng nên phụng-hành thì xa lià; chỗ đáng niệm thiện thì liền niệm; chỗ chẳng đáng niệm thì liền dứt bỏ; người như thế thì đắc Niết-bàn.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
067.- Dầu chưa đắc Niết-bàn, cũng có thể biết Niết-bàn là vui-sướng .
Vương lại hỏi Na-Tiên:
- Người chẳng đắc được Niết-bàn, có biết Niết-bàn là điều sướng-khoái chăng?
- Dĩ nhiên, người tuy chưa đắc được Niết-bàn cũng biết Niết-bàn là sướng-khoái.
- Người chưa đắc Niết-bàn, làm sao mà biết được Niết-bàn là sướng-khoái?
Na-Tiên hỏi lại Vương:
- Người chưa từng bị cắt chơn tay, có biết cắt như thế là đau-đớn chăng?
- Tuy chưa từng bị cắt, nhưng con người biết cắt tay chơn là đau-đớn.
- Sao lại biết đó là đau-đớn?
- Vào lúc có người bị cắt thì có sự than-khóc, vì thế kẻ khác mới biết cắt tay chơn là đau-đớn.
- Con người lại cũng như vậy; trước khi đắc Niết-bàn, có nghe nói Niết-bàn là sướng-khoái, cho nên mới tin biết như thế.
Vương khen: ''Lành thay!''
*
068.- Chẳng từng thấy Phật, đâu có nghĩa là chẳng hề có Đức Phật .
Vương lại hỏi Na-tiên:
- Na-Tiên có từng thấy Đức Phật chưa?
- Chưa từng thấy Đức Phật.
- Các vị sư-phụ của Na-Tiên đã từng thấy Đức Phật chăng?
- Các vị sư-phụ cũng chưa từng thấy Đức Phật.
- Như thế, các vị sư-phụ của Na-Tiên và cả Na-Tiên chưa từng thấy Đức Phật, thì nhứt-định chẳng có Phật vậy.
- Đại-Vương đã từng thấy năm trăm con sông chảy đổ chung vào một chỗ chăng?
- Ta chưa từng thấy.
- Đức Vua-cha và các vị tiền-vương trước kia đã từng thấy có chỗ ấy chăng?
- Các vị ấy đều chẳng thấy.
- Khi Đức Vua-cha và các vị tiền-vương chẳng trông thấy chỗ hiệp-tụ của năm trăm con sông, thì thiên-hạ nhứt-định là chẳng hề có chỗ hiệp-tụ đó chăng?
- Tuy Phụ-vương và các vị tiền-vương chẳng thấy chỗ hiệp-tụ của năm trăm con sông, nhưng thật-sự vẫn có chỗ hiệp-tụ ấy.
- Vậy, tuy các vị sư-phụ của tôi chẳng thấy Đức Phật, nhưng kỳ thật vẫn có Đức Phật.
Vương khen ngợi: ''Lành thay!''
Kinh Tì-kheo Na-Tiên - Hết Quyển Trung