Kinh Viên Giác
Phần 6
Nguồn: Hòa thượng Thích Trí Quang dịch
Chương Biện Âm
Nói Về Cách Tu 3 Mặt Ở Trên
Đ1. Bồ Tát Biện Âm Hỏi
Đ2. Đức Thế Tôn Đáp
E1. Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
E2. Đáp 1 Câu Hỏi
G1. Dạy Cách Tu 3 Mặt Thiền Quán
H1. Tổng Kê Có 25 Bánh Xe Thiền Quán
H2. Dạy Cách Tu 25 Bánh Xe Thiền Quán
I1. Dạy 3 Cách Tu Riêng
I2. Dạy 21 Cách Tu Chung
I3. Dạy 1 Cách Tu Hóa Hợp
G2. Dạy Nghi Thức Chọn Cách Tu 25 Bánh Xe Của 3 Mặt Thiền Quán
E3. Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Bồ Tát Biện Âm Hỏi
Chính Văn.-
Lúc ấy bồ tát Biện âm ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân đức Thế tôn, theo chiều bên phải của ngài đi quanh ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa đức Thế tôn lòng thương cao cả, phương tiện mà ngài khai thị trên đây thật là hiếm có. Thưa đức Thế tôn, đối với phương tiện ấy, nghĩa là đối với cửa ngõ của viên giác, các vị bồ tát có mấy cách tu tập để nhập vào? Con thỉnh cầu đức Thế tôn khai thị cho đại chúng này, và cho cả những người thời kỳ cuối cùng, làm cho ai cũng tỏ ngộ đích thực. Tác bạch rồi, bồ tát Biện âm gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy đức Thế tôn. Bồ tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Lược Giải.-
Lời hỏi của bồ tát Biện âm chỉ có 1 câu: có mấy cách tu tập về 3 mặt thiền quán?
Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
Chính Văn.-
Bấy giờ đức Thế tôn dạy bồ tát Biện âm: Tốt lắm, thiện nam tử, ông có thể vì đại chúng này, và vì cả những người sau này, mà hỏi Như lai cách thức tu tập ba phương tiện. Ông hãy nghe kyլ Như lai sẽ nói cho. Bồ tát Biện âm vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đáp 1 Câu Hỏi
Lược Giải
Để đáp câu hỏi có mấy cách tu tập về 3 mặt thiền quán, Phật dạy tu tập 3 mặt thiền quán có 25 cách, lại dạy nghi thức để chọn mà tu 25 cách ấy. Tựu trung, 25 cách được gọi là 25 bánh xe thiền quán, chia 3 nhóm: tu riêng có 3, tu chung có 21, tu hóa hợp có 1; trong cách tu chung lại chia 3 nhóm nữa cho 3 mặt thiền quán, mỗi mặt có 7. Còn nghi thức để chọn tu 1 trong 25 cách là tin tưởng tuyệt đối mà viết tên 25 cách, rồi cầu nguyện, sám hối và bắt lấy.
Cứu xét 25 cách tu 3 mặt thiền quán, thấy (a) vì tu có đốn có tiệm mà chia ra, (b) không có cách nào cao hơn hay thấp hơn cách nào, (c) không có cách nào chỉ một mặt một chiều dầu 3 cách tu riêng cũng vậy, (d) gọi là thiền quán hơn gọi định gọi thiền gọi quán, (đ) và thiền quán thì không phải chỉ là tĩnh tâm tĩnh tọa mà mọi sự cực tĩnh cực động và cực thuần của con người đều có thể đem tu thiền quán.
Tổng Kê Có 25 Bánh Xe Thiền Quán
Chính Văn.-
Đức Thế tôn dạy: Thiện nam tử, viên giác trong sáng mà chư vị Như lai chứng ngộ vốn không có sự tu tập và người tu tập. Các vị bồ tát, và người sau này, dựa vào năng lực huyễn ảo của tuệ giác tỏ ngộ nhưng chưa hoàn toàn tỏ ngộ mà tu tập, thì khi ấy có ra hâm lăm bánh xe thiền quán trong sáng.
Dạy 3 Cách Tu Riêng
Chính Văn.-
Một là nếu bồ tát chỉ nắm cực tĩnh, do sức mạnh cực tĩnh mà diệt hẳn phiền
não một cách cứu cánh hoàn thiện, không rời khỏi chỗ của mình mà nhập niết bàn liền (84) , đó là bồ tát tu riêng mặt cực tĩnh. Hai là nếu bồ tát chỉ quán như huyễn, do sức mạnh Phật đà mà biểu hiện mọi thứ thân cảnh tùy theo nhu cầu của các thế giới chúng sinh, làm đủ mọi thứ việc làm trong sáng tinh tế của bồ tát mà không mất cái nhớ cực thuần và cái biết cực tĩnh đối với các pháp tổng trì, đó là bồ tát tu riêng mặt cực động. Ba là nếu bồ tát chỉ diệt trừ mọi sự huyễn ảo, nghĩa là không nắm lấy sự biểu hiện mà chỉ triệt đoạn phiền não, phiền não triệt đoạn là chứng ngộ thực tướng, đó là bồ tát tu riêng mặt cực thuần.
Lược Giải.-
Đây là cách tu riêng 3 mặt: (1) Cực tĩnh: vận dụng sức mạnh cực tĩnh mà nhập niết bàn liền. (2) Cực động: do sức mạnh Phật đà mà làm việc bồ tát. (3) Cực thuần : diệt trừ huyễn ảo mà chứng ngộ thực tướng.
Dạy 21 Cách Tu Chung
(7 Cách Lấy Cực Tĩnh Làm Chủ Yếu)
Chính Văn.-
Bốn là nếu bồ tát trước nắm cực tĩnh, sau đem tuệ giác cực tĩnh chiếu soi huyễn ảo, thì trong sự chiếu soi này nổi lên việc làm bồ tát, đó là bồ tát trước tu cực tĩnh, sau tu cực động . Năm là nếu bồ tát đem tuệ giác cực tĩnh chứng ngộ bản thể cực tĩnh, thì phiền não dứt liền, sinh tử thoát hẳn, đó là bồ tát trước tu cực tĩnh, sau tu cực thuần. Sáu là nếu bồ tát đem tuệ giác cực tĩnh, lại dùng sức mạnh huyễn ảo biểu hiện đủ cách mà hóa độ chúng sinh, rồi hủy diệt phiền não mà nhập niết bàn, đó là bồ tát trước tu cực tĩnh, giữa tu cực động, sau tu cực thuần. Bảy là nếu bồ tát dùng sức mạnh cực tĩnh mà hủy diệt phiền não, rồi nổi lên việc làm tinh tế và trong sáng của bồ tát mà hóa độ chúng sinh, đó là bồ tát trước tu cực tĩnh, giữa tu cực thuần, sau tu cực động. Tám là nếu bồ tát dùng sức mạnh cực tĩnh, rồi hóa độ chúng sinh và xây dựng quốc độ mà hủy diệt phiền não, đó là bồ tát trước tu cực tĩnh , sau cùng lúc tu cực động và cực thuần. Chín là nếu bồ tát đem sức mạnh cực tĩnh giúp cho sự nổi lên mọi cách biểu hiện, sau đó hủy diệt phiền não, đó là bồ tát cùng lúc tu cực tĩnh và cực động, sau tu cực thuần. Mười là nếu bồ tát đem sức mạnh cực tĩnh giúp cho sự dứt bặt, sau đó nổi lên mọi cách biểu hiện, đó là bồ tát cùng lúc tu cực tĩnh và cực thuần, sau tu cực động.
Lược Giải.-
Đây là 7 cách tu chung lấy cực tĩnh làm chủ yếu. (4) Trước cực tĩnh: vận dụng tuệ giác cực tĩnh; sau cực động: mà nổi lên việc làm bồ tát. (5) Trước cực tĩnh: vận dụng tuệ giác cực tĩnh; sau cực thuần: mà dứt liền phiền não. (6) Trước cực tĩnh: vận dụng tuệ giác cực tĩnh; giữa cực động: lại dùng sức mạnh huyễn ảo mà biểu hiện đủ cách hóa độ chúng sinh, sau cực thuần: rồi hủy diệt phiền não. (7) Trước cực tĩnh: vận dụng sức mạnh cực tĩnh; giữa cực thuần: mà diệt phiền não; sau cực động: rồi làm việc bồ tát hóa độ chúng sinh. (8) Trước cực tĩnh: vận dụng sức mạnh cực tĩnh, sau cực động cùng cực thuần: rồi hóa độ chúng sinh xây dựng quốc độ mà hủy diệt phiền não. (9) Trước cực tĩnh cùng cực động: vận dụng sức mạnh cực tĩnh mà nổi lên mọi sự biểu hiện; sau cực thuần: rồi hủy diệt phiền não. (10) Trước cực tĩnh cùng cực thuần: vận dụng sức mạnh cực tĩnh giúp cho sự dứt bặt phiền não; sau cực động: rồi nổi lên mọi cách biểu hiện.
(7 Cách Lấy Cực Động Làm Chủ Yếu)
Chính Văn.-
Mười một là nếu bồ tát đem sức mạnh biến ảo (85) thích ứng đủ cả, sau đó nắm lấy sự cực tĩnh, đó là bồ tát trước tu cực động, sau tu cực tĩnh. Mười hai là nếu bồ tát đem sức mạnh biến ảo biểu hiện đủ cả, sau đó nắm lấy sự dứt bặt, đó là bồ tát trước tu cực động, sau tu cực thuần. Mười ba là nếu bồ tát đem sức mạnh biến ảo làm mọi việc Phật làm, rồi đứng trong sự tĩnh lặng mà hủy diệt phiền não, đó là bồ tát trước tu cực động, giữa tu cực tĩnh, sau tu cực thuần. Mười bốn là nếu bồ tát đem sức mạnh biến ảo mà hoạt động vô ngại, rồi hủy diệt phiền não và sống trong sự cực tĩnh, đó là bồ tát trước tu cực động, giữa tu cực thuần, sau tu cực tĩnh. Mười lăm là nếu bồ tát đem sức mạnh biến ảo mà hoạt động bằng mọi phương tiện, rồi thích ứng với sự cực tĩnh và sự dứt bặt, đó là bồ tát trước tu cực động, sau cùng lúc tu cực tĩnh và cực thuần. Mười sáu là nếu bồ tát đem sức mạnh biến ảo nổi lên đủ mọi tác dụng giúp cho sự cực tĩnh, sau đó hủy diệt phiền não, đó là bồ tát cùng lúc tu cực động và cực tĩnh, sau tu cực thuần. Mười bảy là nếu bồ tát đem sức mạnh biến ảo giúp cho sự dứt bặt, sau đó sống trong sự tĩnh tâm (86) trong sáng và bất động, đó là bồ tát cùng lúc tu cực động và cực thuần, sau tu cực tĩnh.
Lược Giải.-
Đây là 7 cách tu chung lấy cực động làm chủ yếu . (11) Trước cực động: thích ứng đủ cả; sau cực tĩnh: rồi nắm lấy sự cực tĩnh. (12) Trước cực động: biểu hiện đủ cả; sau cực thuần: rồi nắm lấy sự dứt bặt. (13) Trước cực động: làm mọi việc Phật làm; giữa cực tĩnh: rồi đứng trong sự tĩnh lặng; sau cực thuần: mà hủy diệt phiền não. (14) Trước cực động: hoạt động vô ngại; giữa cực thuần: rồi hủy diệt phiền não; sau cực tĩnh: và sống trong sự cực tĩnh. (15) Trước cực động: hoạt động bằng mọi phương tiện; sau cực tĩnh cùng cực thuần: rồi thích ứng với sự cực tĩnh và sự dứt bặt. (16) Trước cực động cùng cực tĩnh: nổi lên đủ mọi tác dụng mà giúp cho sự cực tĩnh; sau cực thuần: sau đó hủy diệt phiền não. (17) Trước cực động cùng cực thuần: vận dụng sức mạnh biến ảo mà giúp cho sự dứt bặt; sau cực tĩnh: rồi sống trong sự tĩnh tâm.
(7 Cách Lấy Cực Thuần Làm Chủ Yếu)
Chính Văn.-
Mười tám là nếu bồ tát đem sức mạnh dứt bặt (87) mà phát cực tĩnh và sống trong sáng , đó là bồ tát trước tu cực thuần, sau tu cực tĩnh. Mười chín là nếu bồ tát đem sức mạnh dứt bặt mà nổi lên hoạt động, sự hoạt động đối với cảnh ngộ nào cũng vẫn thích ứng cực thuần, đó là bồ tát trước tu cực thuần, sau tu cực động. Hai mươi là nếu bồ tát đem sức mạnh dứt bặt mà đặt mọi tính cách biểu hiện vào trong sự tĩnh tâm, rồi nổi lên mọi sự biểu hiện, đó là bồ tát trước tu cực thuần, giữa tu cực tĩnh, sau tu cực động. Hâm mốt là nếu bồ tát đem sức mạnh dứt bặt, từ bản thể bất động mà nổi lên hoạt động, hoạt động có đặc tính trong sáng ấy lại qui về sự tĩnh tâm cả, đó là bồ tát trước tu cực thuần, giữa tu cực động, sau tu cực tĩnh. Hâm hai là nếu bồ tát đem sức mạnh dứt bặt làm cho mọi sự đều trong sạch, rồi đứng trong sự tĩnh tâm mà nổi lên mọi sự biểu hiện, đó là bồ tát trước tu cực thuần, sau cùng lúc tu cực tĩnh và cực động. Hâm ba là nếu bồ tát đem sức mạnh dứt bặt giúp cho sự cực tĩnh mà nổi lên mọi sự biểu hiện, đó là bồ tát cùng lúc tu cực thuần và cực tĩnh, sau tu cực động. Hâm bốn là nếu bồ tát đem sức mạnh dứt bặt giúp cho sự biểu hiện, rồi từ đó phát sinh đối cảnh và tuệ giác trong sáng của sự cực tĩnh, đó là bồ tát cùng lúc tu cực thuần và cực động, sau tu cực tĩnh.
Lược Giải.-
Đây là 7 cách tu chung lấy cực thuần làm chủ yếu. (18) Trước cực thuần: vận dụng sức mạnh dứt bặt; sau cực tĩnh: mà phát cực tĩnh sống trong sáng. (19) Trước cực thuần: vận dụng sức mạnh dứt bặt; sau cực động: mà nổi lên hoạt động thích ứng cực thuần. (20) Trước cực thuần: vận dụng sức mạnh dứt bặt; giữa cực tĩnh: đặt mọi tính cách biểu hiện vào trong sự tĩnh tâm; sau cực động: rồi nổi lên mọi sự biểu hiện. (21) Trước cực thuần: vận dụng sức mạnh dứt bặt ; giữa cực động: từ bản thể bất động nổi lên hoạt động; sau cực tĩnh: hoạt động ấy lại qui về tĩnh tâm. (22) Trước cực thuần: vận dụng sức mạnh dứt bặt; sau cực tĩnh cùng cực động: rồi đứng trong tĩnh tâm mà nổi lên biểu hiện. (23) Trước cực thuần cùng cực tĩnh: vận dụng sức mạnh dứt bặt giúp cho sự cực tĩnh; sau cực động: mà nổi lên biểu hiện. (24) Trước cực thuần cùng cực động: vận dụng sức mạnh dứt bặt giúp cho sự biểu hiện; sau cực tĩnh: từ đó phát ra đối cảnh và tuệ giác trong sáng.
Dạy 1 Cách Tu Hóa Hợp
Chính Văn.-
Hâm lăm là nếu bồ tát đem trí tuệ viên giác (88) mà hóa hợp tất cả, tất cả đặc tính và sự dụng (89) không rời viên giác, đó là bồ tát tu cả ba phương tiện thích ứng trong sáng với viên giác.
Lược Giải.-
Đây là 1 cách tu hóa hợp: (25) Hóa hợp cực tĩnh cực động và cực thuần: vận dụng trí tuệ viên giác nên mọi sự dụng, và đặc tính mọi sự dụng, đều không rời viên giác.
Dạy Nghi Thức Chọn Cách Tu 25 Bánh Xe Của 3 Mặt Thiền Quán
Chính Văn.-
Thiện nam tử, hâm lăm bánh xe của thiền quán mà tất cả bồ tát tu tập là như vậy. Nếu các vị bồ tát, và những người sau này, muốn y cứ vào hâm lăm bánh xe ấy, thì trước phải giữ phạn hạnh (90) , lắng tĩnh tư duy, khẩn thiết sám hối. Ba tuần bảy ngày làm như vậy rồi, đem hâm lăm bánh xe này mỗi thứ ghi riêng, gấp lại, chí thành khẩn cầu tha thiết, dùng tay mà lấy (91) , mở ra thì biết bánh xe lấy được là tính cách tu tập liền liền hay tính cách tu tập dần dần. Làm như vậy mà len vào một thoáng ngờ vực (92) là bất thành.
Lược Giải.-
Trong những việc phải có để chọn 1 trong 25 cách tu, chính văn này lược mất một việc quan trọng, đó là phát nguyện muốn tu viên giác. Chắc chắn Hoa văn đã dịch thiếu sót.
Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Chính Văn.-
Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Biện âm nên biết,
tuệ giác trong sáng
của các bồ tát
sinh từ thiền quán --
Thiền quán ba mặt
cực tĩnh cực động
cùng với cực thuần,
tu tập liền liền
hay là dần dần
thành hăm lăm cách.
Chư vị Như lai
trong mười phương hướng,
những người tu hành
thuộc ba thì gian,
không ai không nhờ
phương tiện như vầy
mà được thành tựu
tuệ giác bồ đề.
Chỉ trừ những người
tỉnh ngộ liền liền,
cùng với những kẻ
không chịu Phật pháp,
còn các bồ tát
và người sau này
thường xuyên nắm giữ
phương tiện như vầy,
thích ứng, nỗ lực,
và tu tập theo,
thì nhờ sức mạnh
từ bi của Phật,
sẽ không bao lâu
chứng được niết bàn.
Chương Tịnh Chư Nghiệp Chướng
Nói Về Chướng Ngại Tu Chứng Viên Giác
Đ1. Bồ Tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng Hỏi
Đ2. Đức Thế Tôn Đáp
E1. Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
E2. Đáp 1 Câu Hỏi
G1. Nói Về Ngã Chấp Qua 4 Tướng
G2. Nói Về Bốn Tướng
H1. Nói Về Ngã Tướng
H2. Nói Về Nhân Tướng
H3. Nói Về Chúng Sinh Tướng
H4. Nói Về Thọ Giả Tướng
G3. Nói Về Chướng Ngại Do 4 Tướng
H1. Nói Những Chướng Ngại Được Gây Ra
I1. Gây Ra Ưa Ghét
I2. Gây Ra Sự Lấy Bịnh Làm Pháp
I3. Gây Ra Tự Mãn
H2. Khuyên Làm Cái Việc Chính Yếu
E3. Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Bồ Tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng Hỏi
Chính Văn.-
Lúc ấy bồ tát Tịnh chư nghiệp chướng ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân đức Thế tôn, theo chiều bên phải của ngài đi quanh ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa đức Thế tôn lòng thương cao cả, ngài đã nói cho chúng con một cách rộng rãi về những sự ngoài tầm tư duy và thảo luận, đó là nói về căn bản sơ khởi của đức Thế tôn, và những gì liên hệ đến căn bản sơ khởi ấy. Ngài đã làm cho chúng con được sự chưa từng có: thấy được mọi việc siêng khó của đức Thế tôn trong bao kiếp như cát sông Hằng, thấy rõ như mới xảy ra một thoáng trước đây. Do vậy mà chúng con vui mừng và được an ủi một cách sâu xa. Thưa đức Thế tôn, bản thể viên giác là trong sáng, vì sao lại có cái nhược điểm là làm cho chúng sinh mê sảng, không thể nhập vào? Con thỉnh cầu đức Thế tôn dạy cho tất cả chúng con biết được thực chất việc ấy. Xin ngài tạo con mắt tương lai cho chúng con, và cho cả những người sau này. Tác bạch rồi, bồ tát Tịnh chư nghiệp chướng gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy đức Thế tôn. Bồ tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Lược Giải.-
Lời hỏi của bồ tát Tịnh chư nghiệp chướng chỉ có 1 câu: tại sao chúng sinh không nhập được viên giác?
Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
Chính Văn.-
Bấy giờ đức Thế tôn dạy bồ tát Tịnh chư nghiệp chướng: Tốt lắm , thiện nam tử, ông có thể vì cả đại chúng, và những người thời kỳ cuối cùng, mà hỏi Như lai về yếu tố tu chứng như vậy. Ông hãy nghe kyլ Như lai sẽ nói cho. Bồ tát Tịnh chư nghiệp chướng vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Nói Về Ngã Chấp Qua 4 Tướng
Chính Văn.-
Đức Thế tôn dạy: Thiện nam tử, vô thỉ đến giờ, chúng sinh vì tưởng lầm nên cố chấp ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng (93) , nhận bốn khái niệm thác loạn này làm cái ngã thật của mình. Do đó mà tự nhiên sinh ra hai sự ghét bỏ và ưa thích. Vậy là thác loạn thêm thác loạn. Hai lớp thác loạn này hợp lực tạo ra nghiệp và đường đi của nghiệp, nghĩa là có cái nghiệp thác loạn nên có cái thấy thác loạn là thấy luân hồi. Rồi chán bỏ luân hồi thì có cái thấy thác loạn khác là thấy niết bàn (94) . Do vậy mà không thể nhập vào viên giác trong sáng. Chứ không phải viên giác kháng cự những người nhập vào. Vì có ai nhập vào thì cũng không phải do viên giác làm cho nhập vào. Thế nên dấy động nghĩ nhớ cùng ngăn chận nghĩ nhớ đều đi đến sảng loạn, vì sao, vì có vô minh chủ động trong đó. Chúng sinh sinh ra là đã không có con mắt tuệ giác, thân thể và tâm trí toàn là vô minh: vô minh không chịu diệt trừ vô minh, cũng như có kẻ không chịu tự chặt thân mạng của mình. Do đó, phải hiểu thương yêu tự ngã thì hợp với ngã ngã ưa, trái với ngã ngã ghét, ưa ghét đó nuôi dưỡng vô minh, nên làm cho sự liên tục tìm cách chứng ngộ viên giác không thể thành tựu.
Lược Giải.-
Để đáp câu hỏi tại sao chúng sinh không nhập được viên giác, Phật nói vì chúng sinh làm gì cũng có ngã chấp chủ động, cái ngã chấp không những chỉ do ngộ nhận (vô minh) mà có, mà sự ngộ nhận ấy còn biến thái qua 4 lớp ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, lại còn vì ngã ái mà ghét và ưa, và hai sự này diễn ra bao nhiêu cái nhìn ngược nhau. Ngã chấp như vậy chính là sự tự ý thức về tự ngã, sự tự ý thức càng sâu càng tinh tế. Nên qua 4 tướng dưới đây, sự tự ý thức này được gọi là tự biết, tự hiểu, tự rõ và tuệ giác. Và chính sự tự ý thức tự ngã là chướng ngại, chướng ngại liên tục cho sự liên tục tu chứng viên giác. Tuy nhiên, mặt khác, kinh này cho thấy tuệ giác vô ngã lại có một phần chính là sự tự tỉnh của ý thức tự ngã.
Nói Về Ngã Tướng
Chính Văn.-
Thiện nam tử , ngã tướng là tự biết về tự ngã . Ví dụ có kẻ cơ thể điều hòa thì như quên mình đi, nhưng chính đốt chút xíu là thấy có ngã liền. Vậy là chính tự biết mới hiện ra tự ngã. Thiện nam tử, tự biết như vậy biết đến niết bàn đi nữa cũng là ngã tướng (95) .
Lược Giải.-
Ngã tướng là tự biết về cái ta.
Nói Về Nhân Tướng
Chính Văn.-
Thiện nam tử, nhân tướng là tự hiểu về sự tự biết nói trên. Nhưng hiểu rằng tự biết mới có tự ngã, thì hiểu tự ngã ấy không đáng nhận; lại hiểu rằng tự ngã không đáng nhận, thì hiểu tự biết mới có tự ngã, sự tự biết ấy cũng không đáng nhận. Cái hiểu vượt hết những cái đã biết như vậy gọi là nhân tướng. Thiện nam tử, cái hiểu ấy hiểu đến niết bàn của sự tự biết cũng là ngã tướng đi nữa, vẫn còn sự tự hiểu tinh tế để hiểu hết cái lý của sự tự biết, nên toàn là nhân tướng.
Lược Giải.-
Nhân tướng là tự hiểu về sự tự biết cái ta. Sự tự hiểu này dẫu hiểu những cái biết và được biết đều không đáng nhận đi nữa, nó vẫn là ngã tướng dưới ký hiệu nhân tướng.
Nói Về Chúng Sinh Tướng
Chính Văn.-
Thiện nam tử, chúng sinh tướng là tự rõ cái mà sự tự biết và sự tự hiểu đều không thâắu đến. Ví dụ có người nói tôi là chúng sinh, thì chúng sinh mà người này nói là không phải ngã không phải nhân: tôi là chúng sinh thì chúng sinh ấy không phải tự ngã của tôi, tôi là chúng sinh thì chúng sinh ấy không phải tự ngã của ai. Thiện nam tử, tự biết cái ta là ngã tướng, tự hiểu sự tự biết ấy là nhân tướng, ngã tướng và nhân tướng không thấu mà vẫn tự rõ sự không thấu ấy, là chúng sinh tướng.
Lược Giải.-
Chúng sinh tướng là tự rõ cái ngã ngoài tầm tự biết và tự hiểu. Sự tự rõ này là ngã tướng dưới ký hiệu chúng sinh tướng.
Nói Về Thọ Giả Tướng
Chính Văn.-
Thiện nam tử, thọ giả tướng là tuệ giác trong sáng của chúng sinh, giác ngộ sự tự rõ cái không thấu nói trên. Tuệ giác còn tính biến động (96) như vậy thì giác ngộ tất cả mà không tự giác ngộ, tuệ giác ấy là thọ giả tướng (97) . Thiện nam tử, tuệ giác ấy cũng là một thứ bị bụi bặm làm cho dơ bẩn, vì còn giác ngộ và còn những cái được giác ngộ thì vẫn thuộc lĩnh vực bụi bặm, tuệ giác ấy cũng phải lọc cho sạch. Nên, y như đun sôi để làm rã cả khối nước đá, thì không thể còn để chút ít nước đá nào trong khối nước đá ấy để biết khối nước đá ấy rã hết: nếu còn tự ngã để giác ngộ ngã tận diệt, thì cũng như còn để chút ít nước đá.
Lược Giải.-
Thọ giả tướng là tuệ giác, giác ngộ sự tự rõ cái ngã ngoài tầm tự biết và tự hiểu.Tuệ giác này đã sâu, nhưng còn năng sở (giác ngộ và đối tượng giác ngộ), nên, lấy giai đoạn ngã tướng tận diệt mà nói, nếu còn giác ngộ sự tận diệt của ngã tướng thì sự giác ngộ ấy vẫn là ngã tướng dưới ký hiệu thọ giả tướng.
Cái ví dụ nước đá trong đoạn này cũng được lắm việc. Việc trước hết,cho thấy ngã chấp vớiviên giác không phải khác nhau,nhưng nước mới là nước (viên giác), nước đông lại là nước đá (ngã chấp). Việc tiếp theo, nước đá đun sôi (tuệ giác vô ngã) thì rã hết (ngã chấp tận diệt). Việc gần chót, nếu chút nước đá nào cố còn lại để biết nước đá rã hết (thọ giả tướng) thì thế là nước đá chưa rã hết (ngã chấp chưa tận diệt). Việc chót hết, nước đá rã hết (ngã chấp tận diệt),nghĩa là nước sôi hoàn toàn (tuệ giác trong sáng), chứng tỏ sự tự ý thức tự ngã (ngã chấp) từ tự biết, tự hiểu, tự rõ, đến tuệ giác, đều có phần tự tỉnh dần dần cho đến trong sáng.
Gây Ra Ưa Ghét
Chính Văn.-
Thiện nam tử, những người thời kỳ cuối cùng không thấu triệt bốn tướng, nên siêng khó tu tập mấy kiếp đi nữa, cũng chỉ là sự tạo tác chứ không thành sự chứng ngộ, vì thế mà gọi là thời kỳ cuối cùng của Phật pháp. Bởi lẽ họ nhận những sắc thái biến tướng của ngã làm niết bàn, họ cho sự tự biết tự hiểu những sắc thái ấy là tuệ giác, khác nào nhâển giặc làm con, nên tài sản vàng ngọc không bao giờ tạo được. Yêu thích tự ngã mà yêu thích niết bàn, thì cho tạm dẹp yêu thích tự ngã đã là niết bàn; ghét bỏ tự ngã nên ghét bỏ sinh tử, đâu biết đó cũng là một cách yêu thích tự ngã,và sự yêu thích này thật là gốc gác sinh tử, nên ghét bỏ sinh tử như vậy không gọi là giải thoát. Còn yêu thích niết bàn (98) tại sao cũng không gọi là giải thoát? Thiện nam tử, vì những người thời kỳ cuối cùng tu tập tuệ giác bồ đề mà cho cái biết chút ít (99) của mình đã là trong sáng, thì thế là vẫn chưa loại hết gốc gác ngã tướng. Ai khen cái biết của họ thì họ mừng và thích hóa độ, ai chê cái biết của họ thì họ giận và muốn cự tuyệt. Như thế thì biết ngã tướng vẫn được giữ chặt, ẩn núp trong tạng thức và ngao du nơi các giác quan, chưa gián đoạn bao giờ. Những kẻ tu tập tuệ giác mà ngã tướng như vậy không trừ bỏ đi, thì không thể nhập vào viên giác trong sáng.
Lược Giải.-
Hễ còn ngã thì còn ái ngã. Vì ái ngã nên ghét sinh tử, vì ái ngã nên thích niết bàn. Ghét và thích như vậy đều chướng ngại cho giải thoát chứ không được gọi là giải thoát.
Gây Ra Sự Lấy Bịnh Làm Pháp
Chính Văn.-
Thiện nam tử, nếu biết ngã tướng là không thì không thấy ai là người chê ngã. Nếu thấy ngã thuyết pháp thì biết ngã tướng đang còn. Nhân tướng, chúng sinh tướng và thọ giả tướng cũng y như vậy. Thế nên, thiện nam tử, những người thời kỳ cuối cùng thuyết về bịnh mà cho đó là pháp thì thật là đáng thương, và nỗ lực tinh tiến thì chỉ tăng thêm bịnh hoạn, không thể nhập vào viên giác trong sáng.
Lược Giải.-
Pháp thuyết ra là để trị bịnh, nhưng thuyết với tự ngã chủ sử thì pháp trở lại thành bịnh (mà cứ cho pháp của ta cao nhất đời.)
Gây Ra Tự Mãn
Chính Văn.-
Thiện nam tử, những người thời kỳ cuối cùng không thấu triệt bốn tướng, nên dẫu đem cái hiểu cái làm của Như lai làm cái hiểu cái làm của mình mà không bao giờ thành tựu. Có kẻ chưa được tự cho đã được, chưa chứng tự cho đã chứng, thấy ai hơn lên thì lòng sinh ganh ghét, ấy là vì họ chưa loại trừ sự yêu thích tự ngã, nên không thể nhập vào viên giác trong sáng.
Lược Giải.-
Dễ tự mãn mà khó tùy hỷ, đó là cách biểu hiện khác nữa của ngã ái.
Khuyên Làm Cái Việc Chính Yếu
Chính Văn.-
Thiện nam tử, những người thời kỳ cuối cùng ước mong thành đạt tuệ giác, thì đừng cố cầu sự tỏ ngộ bằng cách chỉ tăng thêm đa văn để lớn thêm ngã tướng, mà phải siêng năng tinh tiến để loại trừ phiền não, phải dũng mãnh lớn lao để được cái chưa được, mất cái chưa mất; tham lam, sân hận, yêu thích, ngạo mạn, dua nịnh, ganh ghét, những thứ này đối cảnh cũng không sinh ra nữa, bỉ thử ân oán dứt bặt tất cả. Như lai nói những người như vậy sẽ tuần tự thành đạt tuệ giác, và tìm gặp thầy bạn tốt thì không gặp phải những kẻ kiến thức sai lầm. Tìm gặp thầy bạn tốt thì đừng thiên kiến mà sinh ra ghét bỏ hay ưa thích, bởi vì như thế thì không thể nhập vào biển cả viên giác trong sáng.
Lược Giải.-
Ngã tướng như đã được nói, quả thật khá khó hiểu và khó bỏ. Nhưng không cần lo ngại làm gì. Càng không cần cố và chỉ đọc và học cho nhiều để mong khám phá ngã tướng cho triệt để - mà thực sự chỉ lớn và sâu thêm ngã chấp. Cái việc chính yếu có 2. Một, tập bỏ phiền não sao cho đối cảnh không sinh phiền não, bỉ thử, ân oán. Hai, tìm gặp thiện tri thức với lòng thành chứ không do thiên kiến ghét ưa. Như vậy ngã tướng có chướng ngại cũng không nổi, và từ từ bị hủy diệt đi, nghĩa là từ từ chứng nhập viên giác, một cách chắc chắn chứ không lầm lẫn ngã tướng là viên giác.
Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Chính Văn.-
Đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói trên nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Tịnh như nghiệp chướng,
ông nên biết rằng
chúng sinh giai do
cố chấp tự ngã,
vô thỉ đến giờ
luân hồi vô lối.
Thế nên chưa trừ
bốn tướng chấp ngã,
thì không thành đạt
tuệ giác viên giác.
Tâm sinh ưa ghét
lòng còn cong queo,
nên có lắm kẻ
đâm ra bối rối,
không thể nhập vào
thành trì viên giác.
Muốn về cho thấu
đất nước viên giác,
thì phải trừ khử
cả tham sân si,
và ghét sinh tử
hay ưa niết bàn, (100)
cả hai sự ấy
không còn trong lòng,
thì mới tuần tự
thành đạt tuệ giác.
Tự ngã tự thân
vốn không có thật,
thì ưa với ghét
có ra từ đâu?
Những người như vầy
tìm thấy bạn tốt
thì không bao giờ
gặp phải tà kiến,
tìm mà thiên kiến
không thành gì cả.