Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đâu không là Phật, Đâu chẳng là Trời?

18/06/201607:26(Xem: 6548)
Đâu không là Phật, Đâu chẳng là Trời?

 

Phat Dan sanh



Đâu không là Phật,
Đâu chẳng là Trời?



[ MỘT ]  

Một vị Phật vừa ra đời.

 

Lũ trẻ lại tụ tập ở đầu xóm. Cuối tuần rảnh việc chúng nó vẫn thường hẹn gặp nhau ở đây. Khoảnh đất hẹp chỉ có mấy trăm mét vuông còn lại giữa hai xóm sau thời gian xây dựng chung cư hạng sang kế bên cái xóm nghèo này coi vậy mà được việc. Tuy không phải là công viên nhưng cũng còn vài lùm cây, là nơi tụ họp của cư dân trong cả hai xóm. Sáng sớm thì mấy ông bà lớn tuổi đến tập thể dục, tập dưỡng sinh, sau đó mấy tiểu thư nhà giàu bên kia dắt chó đi dạo. Rồi sau giờ học là nơi chơi đùa của đám con nít. Chơi u mọi, vật lộn nhau hoài cũng chán, tự dưng có một đứa, rồi cả bọn, cùng ngồi dùng tay gom những miếng đất sét kế bên vũng nước còn sót lại nắn thành hình con chim, con cá chơi. Rồi chúng nó lại cho những hình tượng này đấu đá, nói chuyện với nhau, như diễn kịch. Chán hình này chúng lại nhồi đất vào hục nước và nặn ra hình khác theo trí tưởng tượng. Thấy vui và hấp dẫn nên đám con gái góc kia cũng bu lại và tham gia. Cảnh gia đình, cảnh trường học, cảnh ca múa nhạc hội… thật vui nhộn. Tự dưng có đứa nắn hình một tượng Phật. Tượng Phật thì đâu có nói chuyện hay đấu đá được, nên cu cậu tác giả đặt tượng nằm một góc và lại tham gia chơi với mấy bạn khác. Cho mãi đến khi có một đứa bị cha mẹ gọi về là chúng biết đã hết giờ nên lặng yên giải tán. Như thế ấy một tượng Phật được tạo ra.

 

***

 

Thời gian qua, tôi thường đọc tin tức trên mạng,  thấy có nhiều thức giả trong và ngoài nước đang quá đỗi lo âu về sự xuống dốc, suy tàn của đạo đức. Đặc biệt là những tụt dốc của các cơ sở tôn giáo. Nhìn ở một khía cạnh khác, có thể đây là một điểm tích cực. Có thời ở Việt Nam ta, chả ai muốn thiết nói đến việc chùa việc đạo. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì ít ai quan tâm đến việc tôn giáo. Có dư có giả chút ít thì thiên hạ để ý đến nhiều chuyện khác ngoài việc cơm ngày hai bữa. Có đạo hữu siêng tu tập cũng lo lắng. Có vị trí thức ít khi đến chùa cũng âu lo. Đấy là những điểm quý. Quý ở chỗ bây giờ người  ta không lo tiến nhanh tiến mạnh… mà lo cho giáo dục, lo việc đạo đức luân lý suy đồi. Ở hải ngoại thì lo tôn giáo bị tha hóa.  Đấy là những điểm đáng mừng. Đấy cũng lại là những nỗi lo chính đáng. Nhưng khoan, cứ nhìn lại bài học lịch sử.  Trong lịch sử nước nhà, thời đầu nhà Nguyễn (1802-1945), khi thế lực Khổng giáo đang trấn áp Phật giáo ở Việt Nam ta giống như ở Trung Hoa, ai cũng lo ngại là Phật giáo có thể sẽ bị lấn át đến triệt tiêu. Kể cả trong nội bộ Phật giáo cũng có những mầm mống thoái hóa, có nhiều tu sĩ chỉ lo phục vụ nhu cầu mê tín của quần chúng để hưởng lợi như bói toán, cúng bái mê tín dị đoan… mà bỏ quên phần nội dung tu tập. Trong một sắc lệnh ban hành vào năm 1804, Vua Gia Long còn hạ lệnh các vị tiên chỉ trong làng phải lập danh sách các tu sĩ Phật giáo, phải ghi rõ xuất thân và đạo hạnh của từng vị để xét [theo nguồn tài liệu: Gia Long Emperor (1804): „Edict Outlining Propriety and Ritual“]. Vậy mà Phật giáo qua đó lại được gạn lọc kỹ càng hơn và sau đó phát triển mạnh hơn. Phật giáo phát triển mạnh tại thủ đô thời ấy là Huế, cho mãi đến hôm nay vẫn là trung tâm phát triển số một của Phật giáo Việt Nam.

 

[ HAI ]  

Pho tượng và tấm lòng

 

Lũ trẻ đã tan hàng quay về nhà của chúng. Bây giờ trời cũng đã nhá nhem tối. Ở  phía ngôi nhà nhỏ của cặp vợ chồng già bên kia, cụ ông vừa thắp nhang đèn ở bàn Phật, trong khi cụ bà đang loay hoay bưng chén bát đi dọn rửa. Sau đó, như mọi ngày, hai ông bà cùng đi dạo một vòng, đi hóng mát buổi tối cho tiêu cơm trước khi đi ngủ. Đấy là thói quen của hai cụ từ nhiều năm nay. Trời tuy đã  chập tối nhưng vẫn còn đủ sáng để cụ ông nhìn thấy vật gì nằm ngay dưới đất bên lối đi của mình. Cụ ông cúi xuống nâng lên và thấy một khối đất trông giống như một tượng Phật. Cụ ông chỉ cho cụ bà xem. Cụ bà cầm lấy trên tay và mang đặt cung kính ở tảng đá ngay ngã ba đường, miệng lẩm bẩm nói:  mang tội chết. Trước khi quay đi cụ bà còn cung kính chắp tay vái tượng ba bái. Rồi ngày hôm sau, kẻ qua người lại, có người dừng lại chỉ để ngắm một vật lạ, có người gật gù mỉm cười, có người chắp tay vái. Cục đất sình hôm qua bây giờ đã thành một tượng Phật, và người ta lạy. Nghĩ xem họ lạy ai? Không ai lạy cục đất cả, người ta chỉ lạy tượng. Mà tượng mới chiều qua cũng chỉ là cục đất. Vậy Phật ở đâu? Hay Phật ở trong tâm người lạy? Cục đất chưa khô hẵn kia cũng chỉ là một biểu tượng.

 

***

 

Tôi thường đọc bài trên mạng. Tôi thấy đạo hữu Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng viết bài „Người Tu sĩ xin nhìn lại“ (sau bài viết „Người Cư sĩ xin nhìn lại“) đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Hai bài viết ghi lại một vài hiện tượng tiêu cực ở một vài ngôi chùa ở Việt Nam. Tôi  hiểu được những ưu tư ở tấm lòng của một người có tâm với đạo pháp. Mặc dù đạo hữu Thiện Đức đã khéo rào trước đón sau cẩn thận, bài viết cũng gây nhiều phản ứng từ nhiều phía, tăng có tục có, khen có chê có (anh gọi là ném gạch ném đá). Tôi lại đọc được bài của tác giả Trần Văn Chánh vốn là một trí thức có uy tín cũng viết về „Tản mạn - Khả năng tự suy thoái của Phật Giáo“. Tôi hiểu đấy là những dằn vặt chính đáng của một trí thức Việt Nam, nặng lòng với Phật giáo, nhưng do hằng ngày phải nhìn thấy bao cảnh trái ngang không hợp với nhà chùa nên gai mắt chướng tai. Cũng còn nhiều bài viết tương tự như thế, nói về cảnh có sư (hay ông từ giữ chùa) ở chùa nhưng ăn mặn uống rượu, thường là ở vùng quê miền Bắc. Gặp những tình huống ấy người Phật Tử không buồn sao được.

 

[ BA ]  

Cái ở đằng sau pho tượng

 

Lũ trẻ giờ này chắc đã yên giấc trên giường rồi, tôi xin kể một câu chuyện khác. Chuyện này có lần tôi nghe được trong một thời pháp. Chuyện rằng. Có một Thầy  du tăng nọ, thầy thường đơn thân rày đây mai đó khắp thành thị làng quê để hành đạo. Ngày kia, khi thầy vừa đến một ngôi  làng quê thì bỗng trời đổ cơn mưa lớn. Thầy đứng nấp mưa dưới một cây cổ thụ. Lát sau một bác nông dân cũng dắt trâu đến trú mưa ở đó. Chờ mưa hơi lâu nên thầy bắt chuyện cùng bác nông dân.

- Chào bác, bác có biết ở gần đây có ngôi chùa nào để bần tăng có thể đến xin tạm trú qua đêm nay không? Mưa nặng hạt thế này thì chắc lâu mới dứt.

- Thưa thầy, làng chúng tôi nghèo lắm, không có chùa, không có trường học. Chỉ làng bên kia sông mới có. Nhưng trời mưa như vậy chắc không còn đò qua bên ấy đâu.

- Ôi, nếu mưa cứ kéo dài như thế này chắc bần tăng hôm nay phải xin phép nghỉ tạm ở ngôi đình kế bên này vậy.

- Ấy chết. Đây không phải là đình mà là miếu thờ thần. Chắc thầy từ xa đến đây?

- Thưa vâng.

- Hèn chi thầy chưa nghe danh chiếc miếu thờ rất linh thiêng này. Thầy không thể trú ở đó được đâu.

- Xin bác cho bần tăng biết, miếu linh thiêng thế nào?

- Đây là miếu thờ Thần Táo. Thần Táo linh thiêng lắm. Tháng nào vào những ngày rằm, mồng một mà chúng tôi quên không cúng, hay cúng không xứng đáng thì Thần giận ngay. Thế nào cũng có vài đám ruộng bị phá sạch hay vườn cây bị rụng hết trái, gia súc bị vật chết. Hoặc giả có người làng bị đau ốm, phải khấn vái xin Thần thì mới khỏi bệnh.

- Ồ, có chuyện lạ vậy sao? Nhưng mưa như thế này thì tôi biết đi đâu bây giờ. Thôi bác cứ để tôi trú tạm qua đêm nay hãy hay. Chắc Thần không nỡ quở một ông thầy tu lỡ đường đâu.

- Thôi tùy thầy, tôi không dám cản. Thôi tôi xin phép đi trước.

Nói xong bác nông dân lẹ làng đánh trâu đội mưa đi ngay, như không muốn dính líu gì với việc ông thầy tu đi vào miếu Thần. Thầy du tăng chậm rãi mang túi y áo trên vai và đi thẳng vào miếu. Vừa bước chân vào miếu, cởi áo ngoài để vắt khô nước và cầm trên tay, định tìm chỗ nào để máng tạm lên hong khô, nhưng miếu tối quá. Dần dần để mắt quen với ánh sáng lờ mờ trong miếu, thầy nhìn kỹ hơn thì thấy miếu trống không, không có cả một bàn thờ. Ngay giữa miếu chỉ có ba viên đá cụng đầu vào nhau như ba ông táo thường thấy trong bếp nhà quê. Thầy buột miệng nói với chính mình: “Vậy mà tưởng có gì đặc biệt và linh thiêng lắm chứ. Chỉ có ba cục đá thường tình này thôi à!”. Nói xong thầy cất tiếng cười giòn tan. Tiếng cười chưa dứt, thầy đã nghe một tiếng nổ vang, quay lại nhìn kỹ thì ba cục đá vỡ tan thành ba đống đất và sỏi vụn. Thầy du tăng giật mình hoảng hốt. Thầy nghĩ bụng: chắc mình dại dột ăn nói lỡ lời nên mới xảy ra biến cố này, sáng mai sẽ có chuyện lớn với dân làng. Nghĩ vậy nên thầy cuốn gói lên đường ngay. May là lúc ấy mưa cũng đã bớt nặng hạt. Đi một chặp vừa đến ngã ba đầu làng, thầy nhìn thấy ba cụ già đang đứng đó, như có ý chờ thầy đến. Nghĩ bụng chắc Thần đã mách dân làng biết và họ đến đây đón đường. Chắc lại sắp có chuyện rắc rối phiền toái, nhưng thầy vẫn điềm nhiên bước đến, sẵn sàng đón nhận hậu quả. Nhưng khi đến gần, cả ba cụ già cùng quỳ xuống và lạy Thầy. Thầy tránh sang một bên và hỏi:

“ Các cụ là ai, có quen biết không? Các cụ cầu việc gì mà làm vậy? Sao lại lạy ông thầy tu này? Bần tăng nào có biết pháp thuật gì đâu”.

Cụ lớn tuổi nhất trả lời:

“ Bạch Thầy, ba chúng con chính là ba vị thần Táo ở miếu thờ, nơi vừa rồi Thầy mới ghé qua. Lâu nay chúng con trụ ở đó qua hình tượng ba cục đá. Chúng con dùng những pháp thuật chúng con có được để trị vì dân chúng làng này. Ai làm vừa lòng thì chúng con ban thưởng. Ai làm phật ý thì chúng con trừng phạt. Chúng con một cõi tự ý tung hoành, nào đâu nghĩ gì đến nghiệp báo mình tạo ra. Chúng con chấp vào hình tướng ba viên đá mà nghĩ đấy chính là hình tướng của chúng con. Nay nhờ thầy đến, giảng bài pháp vô thường cho chúng con nghe. Nhờ vậy, giờ đây chúng con biết rằng đấy chỉ là ba cục đá tầm thường. Chúng con vốn cao quý hơn chúng nó. Ba cục đá ấy không phải là bản thể của chúng con. Giờ chúng con đã thấu hiểu, xin thầy xót thương ra tay cứu giúp chúng con”

Thầy du tăng nghe vậy mới hoàn hồn, lòng cảm tạ ơn sâu Phật Pháp nhiệm mầu. Ngay sau đó, giữa ngã ba đường, một lễ quy y Tam bảo đã diễn ra. Giới sư là một vị du tăng, đệ tử là ba con ma. Rồi họ đường ai nấy đi.

Ngay trong đêm hôm đó, vị tiên chỉ làng nọ nằm ngủ mơ thấy có ba tiên ông đến bảo, dân làng nên quét dọn sửa sang miếu và phải biến nơi này thành lớp học dạy mẫu giáo cho con em trong làng.

Thần chào tạm biệt. Và từ đó không ai biết Thần đã đi đâu về đâu.

 

***

 

Chuyện tín ngưởng dân gian có khi đơn giản nhưng tràn đầy ý nghĩa như thế.

Giáo lý đức Phật dạy chúng ta không xem Phật và Bồ Tát như những ông Thần ban ơn giáng họa. Thế nên bức tượng Phật ngự trên bàn thờ kia không phải là Phật. Nhưng đã là tượng Phật thì ta vẫn phải kính trọng và cúi đầu đảnh lễ như lễ Phật. Bởi vậy, tượng ấy cũng là Phật. Nhà thiền thường nhắc nhau câu nói: Khi chưa học đạo thấy núi là núi sông là sông. Học đạo một thời gian thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Học và hiểu đạo rồi lại thấy núi là núi sông là sông.

 

Khi có cơ hội trao đổi những nét vi diệu của Pháp Phật cùng những người bạn Đức, tôi vẫn luôn hãnh diện kể rằng Đức Phật Thích Ca sau khi chứng quả, đã đi từ Bồ Đề Đạo Tràng về đến Lộc Uyển (dĩ nhiên là đi bộ, đoạn đường này bây giờ dài 250 cây số) để độ cho năm người bạn đồng tu trước kia và sau đó - sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ – đã thân hành chuyển bánh xe pháp. Từ ngày ấy đến nay, bánh xe pháp không hề ngưng luân chuyển. Đức Phật không hiện thân như một giáo chủ ban phát tiền tài hay quyền năng. Ngài chỉ là vị Thầy dạy cho chúng ta con đường thoát khổ, con đường tu. Và đạo Phật không cứng nhắc giáo điều, đạo Phật có mặt trong cuộc sống, hòa vào cuộc sống. Mà cuộc sống thì luôn chuyển động, cuộc sống không bao giờ ngừng trôi chảy. Cái mà các triết gia bây giờ, điển hình như triết gia người Đức Martin Heidegger gọi là Hữu thể và Thời thể (Sein und Zeit). Hữu thể và Thời thể không ngừng luân chuyển. Bánh xe Pháp vẫn không ngừng luân chuyển. Mà thói thường, hễ cái gì chuyển động thì phải có lúc thăng lúc trầm, lúc lên lúc xuống. Hệt như cổ xe có lúc đi trên đường làng khi chạy trên xa lộ, lúc xóc ổ gà khi bằng phẳng lăn ngon trớn. Khách lữ hành phải kiên trì nhắm đích mà tiếp tục đi.

 

[ BỐN ]

Phật đản sanh giữa lòng nhân thế  

 

Câu chuyện về “cục đất và tượng Phật” ở trên có lần tôi nghe kể là, chính Ôn Tuệ Sỹ trong một buổi mạn đàm trên mạng đã nhắc lại để trả lời một câu hỏi của các vị học trò của Ôn. Các vị ấy, tu sĩ có cư sĩ có, có lúc đã quá ưu tư về những mâu thuẩn trong những vị lãnh đạo của giáo hội nên đặt câu hỏi là phải có thái độ ra sao khi có những bậc tôn túc đáng kính nhưng lại có khi hành xử không mấy phân minh. Ôn Tuệ Sỹ chỉ khuyên rằng, nếu cục đất là cục đất thì ta có thể đá văng sang một bên cho sạch đường đi, nhưng khi cục đất đã là tượng Phật thì ta phải kính lễ.

 

***

 

Tôi rất khâm phục cách nhìn trong câu chuyện ấy. Đêm nay một mình thao thức vào một đêm tối thứ sáu đến xin ngủ ở Chùa Bảo Quang. Vì là tối thứ sáu nên khách thập phương thưa thớt và chùa quá vắng vẻ. Thật yên tĩnh, thật tuyệt diệu, thật an bình cho tôi. Trong cái tĩnh mịch thanh tịnh này câu chuyện ấy lại quay về với tôi. Tôi cũng hiểu rằng, lời Ôn Tuệ Sỹ dạy cũng hàm ý, tượng là tượng và Phật là Phật, giáo pháp là giáo pháp. Ai trong chúng ta mà không ít nhất có lần đã nghe câu: Y pháp bất y nhân, nghĩa là nương tựa vào giáo Pháp chứ không phải con người nói Pháp. Nôm na nói theo đời thường là, cũng như bạn và tôi rất thích nhạc và nhờ máy hát để nghe nhạc vậy mà. Máy hay thì ta cùng thưởng thức nó, máy dở thì cũng tạ ơn nó, vì không có nó thì ai mang những nét nhạc tuyệt vời kia đến cho mình nghe, phải vậy không? Còn như vẫn nghe không lọt lỗ tai thì đi kiếm một máy khác. Âm nhạc vẫn còn đó và vẫn luôn tuyệt diệu. Vì chê máy mà không nghe nhạc thì chỉ thiệt cho bạn thôi.

 

Một đức Phật đã đản sanh. Một mặt trời vừa nhuốm lên sưởi ấm vạn vật cây cỏ côn trùng sau những đêm dài lạnh lẽo. Một ngọn đèn vừa được thắp sáng xua đi những tháng ngày tăm tối. Nhưng bạn biết không? Đâu phải chỉ có mỗi một vị Phật là đức Thích Ca Mâu Ni sinh ra từ vùng thung lũng sông Hằng miền đông bắc của tiểu lục địa Ấn Độ trên hai ngàn năm trước. Nhìn lên tủ sách ở chùa tôi thấy có mấy bộ kinh ghi cả trăm, cả ngàn hay có cả vạn danh hiệu các đức Phật - từ Kinh Ngũ Bách Danh cho đến Kinh Tam Thiên Phật, Kinh Vạn Phật. Ba đời mười phuơng chư Phật đang có mặt ở cùng khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới, quanh ta.

 

Xin chắp tay đê đầu đảnh lễ Vô lượng Thập phương Tam thế chư Phật.

 

Chắp tay lạy Người, cho xin nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Đất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Chắp tay lạy nữa.
Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng
Tôi lạy sông trôi cho sạch sầu đời
Tôi lạy tất cả hiện hữu diệu vời
Đâu không là Phật? Đâu chẳng là Trời?
Đâu không là Phật? Đâu chẳng là Trời?

 

Dù bông hoa cỏ, dù hạt bụi rơi
Như suối xuôi non, như mây lên ngàn
Như sông vượt trùng, như ánh trăng vàng
Xin mở lòng ra cho trời đất hiện
Xin mở lòng ra cho trời đất hiện
Tâm là đảo quý giữa biển luân hồi
Thần thánh đi rồi, chỉ có lòng thôi
Hiện hữu đây rồi, không ý không lời
Tôi không là Tôi, Người không là Người

Tôi không là Tôi, Người không là Người

 

Đâu không là Phật? Đâu chẳng là Trời?   (…)

 

(Chắp Tay Hoa – thơ Phạm Thiên Thư & nhạc Phạm Duy)

 

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn

(Đức Quốc)







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/04/2014(Xem: 9950)
Theo Trường Bộ, Kinh Đại Bổn Nhân Duyên (số 1), Đức Phật Thích Ca đã giảng về một số phương pháp thông thường khi một thánh nhân đản sanh khác với một phàm phu bình thường tức loài người chúng ta. Chẳng những Đức Phật Thích Ca trong thời hiện tại (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) mà chư Phật trong quá khứ như Đức Phật Tỳ-bà-thi, Thi-khí,
29/04/2014(Xem: 6160)
Xứ California bị hạn hán nặng nề. Người ta không sợ thiếu nước uống hay để tắm gội hàng ngày mà sợ không có đủ nước tưới cây cỏ quanh vườn. Thiên nhiên không có màu xanh cũng giống như dòng sông không có nước và một người về già bị bệnh lạc trí quên đi tình mẹ. Giữa đợi chờ, bỗng đâu mưa ập đến. Mưa lớn, mưa nhỏ kéo nhau về cả tuần lễ. Màu xanh trỗi dậy. Người người hả hê mà vạn vật cũng chan hòa tươi mát lại.
27/04/2014(Xem: 14262)
Tháng tư về đó – Em ơi ! Vàng trong ánh ngọc, Sạch ngời tuyết mây. Bốn phương Trời tạnh mưa bay Hoa ưu đàm nở, Phương nầy nguyệt viên.
26/04/2014(Xem: 14103)
Cha lành, Phật Tổ Thích Ca Giáng trần cứu khổ, Ta Bà trầm kha Lời Cha ban bảo thiết tha: “Nước mưa một vị, Pháp Ta nhiệm mầu” “Ai ai tín nguyện tu mau”
24/04/2014(Xem: 5617)
Là một trong những vị thầy, bậc đạo sư sống và hành động tốt về giáo lý của Đức Phật, ở miền Đông Tây Tạng, đó là Za Patrul Rinpoche, Ngài đã có lời phát biểu đến với chúng ta rằng : “ Chúng ta cần hiểu rằng: chúng ta đã có phước đức được sanh trong một thế giới nơi đã có một Đức Phật đến và dạy Pháp, và chúng ta đã gặp một vị thầy tâm linh và những giáo huấn của Ngài. Bấy giờ là lúc chúng ta phải dùng cuộc đời làm người quí báu nầy để tiến bộ trên con đường giải thoát.”
23/04/2014(Xem: 6110)
Nhân ngày lễ Đản Sanh của bậc đại giác Thế Tôn, chúng tôi trang trọng gửi đến quí Ngài cùng quí vị lời cầu chúc an lành, thành tựu đạo quả giác ngộ, để cùng nhau kiến tạo nền hòa bình thật sự cho nhân loại và quần sanh.
13/04/2014(Xem: 17104)
Vui thay ! Phật ra đời ! Cho người được làm Người Cho Người cùng làm Phật Du hí thần thông ơi !
13/04/2014(Xem: 14530)
Kính mừng Đại lễ VESAK Phật lịch 2558 Do Tổ chức Văn Hóa Giáo Dục Liên Hiệp Quốc tỗ chức tại Việt Nam Ngày Phật Đản ngày người được sống Từng phút giây thanh tịnh bình yên Từng hơi thở trời xanh cao rộng Tự thân mình giới thể trang nghiêm.
13/04/2014(Xem: 20133)
Hôm nay Phật Đản trở về Ta Bà hiện cảnh hoàng quê năm nào Từ trời Đâu Xuất trên cao Hộ Minh Bồ Tát nguyện vào Phật (ứng) thân. Ma Gia mộng ứng điềm lành Voi ngà sáu chiếc hóa sanh Thánh hiền Bảy đóa sen quý kim liên Ưu đàm một đóa Thánh hiền Đản sanh.
10/04/2014(Xem: 13703)
Vào ba ngày Tết của người Thái, các bức tượng Phật được đặt bên ngoài hiên chùa để người dân đến làm lễ tắm Phật, dâng hương và cầu may mắn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]