- 01. Chương trình Ðại Lễ
- 02. Ninh Bình trước lễ khai mạc Vesak
- 03. Lễ Khai Mạc Vesak 2014
- 04. Vesak và Biển Ðông
- 05. Không khí hân hoan chào mừng Vesak 2014
- 06. Vesak 2014 & những cái Nhất
- 07. Ưu và khuyết của Ðại Lễ Vesak 2014
- 08. Lễ Bế Mạc Ðại Lễ Vesak 2014
- 09. Video: Lễ Khai Mạc Đại Lễ Vesak 2014
- 10. Video: Lễ Bế Mạc Đại Lễ Vesak 2014
NINH BÌNH TRƯỚC NGÀY VESAK 2014
Bài: Minh Mẫn
Hình: Võ Văn Tường
Chuyến bay đáp xuống Nội Bài lúc 11,20, mãi nửa giờ sau mới ra khỏi đường băng để vào đến nhà ga. Bên sân ga quốc tế, ban tiếp nhận khách mời làm việc khá nhộn nhịp, các tình nguyện viên còn quá trẻ, chưa quen việc nên có lúc luộm thuộm khi sắp xếp khách về các khách sạn. Trước ngày khai mạc Vesak, tại sân bay vẫn chưa có bản hiệu, cờ. Trên đường về TP Hà Nội, thỉnh thoảng vài đoạn đường giăng cờ lưa thưa do một vài chùa tại địa phương tổ chức. Vào tới TP Ninh Bình, cách Bái Đính 20km, không khí Vesak bắt đầu khởi sắc.
Xe đưa về tới Bái Đính đúng 16g. Từ ngoài lộ lội bộ vào đến Trung Tâm báo chí trên đỉnh điện Tam Thế phải mất hơn một giờ. Hai chân không nghe theo lệnh, nó cứ muốn xiêu vẹo mỗi lần leo từng bậc cấp, nhờ gió núi và thời tiết êm dịu, tuy mệt mõi nhưng không đến nỗi khốn khổ như cái nóng Sài gòn 37 độ mấy ngày trước. Thời tiết Hà Nội 27 độ, thỉnh thoảng mưa lâm thâm giúp cho quần chúng các Tỉnh về tham dự thêm phần phấn chấn, dễ chịu. Anh em từ Sài Gòn tự túc phương tiện ra đến nơi bằng tàu hỏa hoặc xe thuê bao, ăn ở lây lất đâu đó quanh khu vực chùa trên 50 mẫu. Các cụ miền Bắc tỏ ra thích thú có dịp chứng kiến lễ hội quốc tế do Phật Giáo Việt Nam đăng ký tổ chức. Phần lớn người dân phía Bắc lấy làm tiếc không thể tham dự khi đại lễ thiết lập tại vùng đất cách xa Hà Nội 90km.
Ninh Bình là Thành phố đang phát triển, hạ tầng cơ sở cũng chưa được chỉnh chu, nhưng không khí thanh bình khá rõ nét qua cuộc sống và phong cách lịch lãm của cư dân bản địa. Ninh Bình không xa Nam Định. Nếu Nam Định là chiếc nôi phát sinh Ki Tô giáo thì Ninh Bình là Linh địa không những của lịch sử dân tộc mà còn là thánh tích của Phật giáo xưa và nay.
Trên 500 mẫu thuộc khu vực Bái Đính thì diện tích chùa xây dựng đã hết 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha cho khu chùa mới. Đây là một thắng tích thuộc Đông Nam Á với những tôn tượng bằng đồng khối mỗi tượng trên 30 tấn. 500 tôn giả Alahan bằng đá khối cao trên 2m mỗi tượng. Bảo tượng Di Lặc nặng 80 tấn bằng đồng, cao 10 m Một quả chuông đồng 30 tấn, tượng Thiên thủ Thiên nhãn bằng đồng dát vàng nặng 80 tấn cũng là một kỷ lục hiếm hoi của Phật giáo Việt Nam. Bái Đính còn nhiều biểu tượng vượt trội đáng vào kỷ lục.
Mở đầu chào mừng Vesak, chương trình Hội thảo Khoa Học Quốc Tế với chủ đề:” Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”. PGS.TS Trương văn Chung trình bày chủ đề: “Phát triển bền vững nhìn từ triết học Phật giáo”. Chư tôn Hòa Thượng và các giáo sư cũng đã có nhiều chủ đề khá mới lạ xoay quanh sự phát triển thiên niên kỷ do LHQ chủ xướng.
Chương trình Vesak năm nay tại Bái Đính nhiều tiết mục phong phú. Điện Bổn sư, Điện Quán Âm, Điện Tam Thế, mỗi nơi đều có sân khấu riêng cho những tiết mục đặc thù. Riêng tại sân khấu điện Quán Âm, đêm giao lưu biễu diễn Nghệ Thuật Quốc Tế, theo chương trình, vào đêm 08/5 có sự góp mặt những đoàn Phật tử trong và ngoài nước. Tuy chưa vào chính thức lễ, lượng số người dân có mặt tại Bái Đính khá nhộn nhịp. Trên 50 kiosque trưng bày các loại kinh sách, sản phảm thủ công, thực phẩm chay, pháp phục, băng đĩa. Phòng triển lãm trưng bày khá đa dạng các khi cụ, bản mộc khắc kinh, hình ảnh các chùa cổ và danh thắng Phật giáo…
Từ xa nhìn Bái Đính như vùng đất được bao bọc bởi vô số núi đá vôi như từng khối oản tròn nằm úp trên cánh đồng, làm địa thế chiến lược mà thế kỷ thứ X đã được anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng lập cứ đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt lập nên Đế chế.
Nếu Vesak 2014 nhằm Phật Lịch 2638 là một sự cố gắng thể hiện bước trưởng thành của GHPGVN trong thời đại hội nhập, thì Bái Đính là bàn đạp mang nhiều ý nghĩa về tâm linh lẫn địa thế chiền lược, chính trị của một dân tộc đang đối đầu trước những khó khăn trước nhiều tham vọng của kẻ mạnh.
Sau Vesak, sự thành quả không thể là viên sỏi lọt thỏm giữa lòng hồ tĩnh lặng, cũng không mãi cứ là tiếng vang “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, mà phải là một hành động cụ thể tương thích với chủ trương mà LHQ đề ra, để PGVN luôn là một thực thể sống động và hiện thực; phải thoát khỏi một hào quang trong lịch sử để làm nên một hào quang thời đại kỷ thuật số.
Như sự phát triển đang lên của Ninh Bình, Vesak tại Bái Đính đang là biểu tượg của sự chuyển mình cho một Phật giáo Việt Nam trong tương lai.