Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tính Minh Triết của Ðạo Phật

07/05/201407:58(Xem: 6067)
Tính Minh Triết của Ðạo Phật

Lumbini_7 


 

H

iện nay Phật giáo có tiếng nói vô cùng quan trọng đối với Liên hiệp quốc, vì đã đánh thức được lương tri, lương tâm con người. Đạo Phật có tính ưu việt đồng thời mang tính minh triết và tồn tại gần 26 thế kỉ. Đức Phật đã truyền thông điệp giác ngộ và giải thoát xuyên suốt lịch sử trong quá trình hình thành và bây giờ truyền bá khắp thế giới. Vào thời đại văn minh, người ta sống không phải dễ tin bất cứ một điều gì nên chúng ta cần khơi gợi lại những điểm sáng của đạo Phật để có niềm tin không phai mờ. Cũng chính điều đó mà đạo Phật khác hẳn các tôn giáo áp đặt niềm tin.

 Tính minh triết của đạo Phật vô cùng trong sáng, không áp đặt con người phải tin, mà chỉ gợi mở để con người phát huy nội lực của mình bằng sự hiểu biết thông qua kinh nghiệm tu tập để nhận ra đó là lý tự nhiên, lý siêu nhiên mà Đức Phật đã gợi mở từ xưa đến nay. Đạo Phật đặt nặng tri kiến như thật về các pháp, còn các tôn giáo thần quyền đặt nặng về đức tin, nghĩa là phải tin như thế, không được phản bác hoặc suy nghĩ khác. Đối với Đạo Phật mọi người có quyền nghi ngờ cả lời chỉ dạy lẫn giáo lý của Đức Phật, có quyền phản vấn hoặc đặt câu hỏi với bất cứ một vị chân sư nào truyền đạt thông điệp giác ngộ và giải thoát của Ngài. Đạo Phật nói tri và kiến, tức là thấy biết như thật về các pháp, nên luôn có cách nhìn khách quan về các pháp, thấy bằng công phu thiền tập, bằng sự chứng nghiệm tự thân thì mới thấy giá trị đích thực lời Phật dạy. Mãi đến bây giờ, những lời dạy của Ngài vẫn còn nguyên giá trị, là đuốc soi đường cho nhân loại ở thế giới đương đại, thế giới nguy hiểm về tính si mê, chạy theo vật dục. Nhà Phật có đề cập đến tri kiến Phật và tri kiến phàm phu. Tri kiến phàm phu là cái thấy biết sai lầm, chẳng hạn trong nhà Phật nói thấy dây thừng mà tưởng thành con rắn, thuyền đi mà ngỡ bờ chạy, mây bay mà tưởng đó là trăng dời. Cái nhìn của phàm phu là nghe, thấy, biết nhưng bằng tham sân si, phiền não, vô minh nghiệp chướng nên còn sai lạc không đúng về sự thật vốn có của các pháp, nên khi gột rửa những cấu nhiễm trong tâm sẽ dần dần thấy biết chính xác hơn. Cái thấy chấp ngã, điên đảo, vọng tưởng, tham sân si chỉ là cái thấy phàm phu. Đức Phật vốn thấy biết nhưng không còn vọng tưởng vô minh điên đảo như chúng ta, cả một đời Đức Phật xuất hiện để khai thị cho chúng sanh thấy được tri kiến đó tiềm ẩn trong lớp bụi phiền não, trong thân ngũ uẩn, hễ khai phát ra và ứng dụng là tri kiến Phật. Chúng ta sống với tri kiến phàm phu nên khổ mà chính chúng ta là tác nhân, tác giả của nỗi khổ trên cuộc đời phiền trược này chứ không phải thượng đế hoặc bề trên bắt chúng ta khổ đau hoặc hạnh phúc. Thay vì giải thích nguyên ủy của vũ trụ nhân sinh là chơn tâm phật tánh thì các tôn giáo nói rằng có một đấng bề trên chi phối vận mạng của chúng ta.

 Đến với đạo Phật, thiên đường hay địa ngục, hạnh phúc hay khổ đau, chánh báo hay y báo, phong trần hay phong lưu đều do chúng ta gây ra bởi chính chúng ta là trung tâm của vũ trụ chứ không phải thượng đế hay đấng bề trên bày vẽ ra, đó là tính nhân bản mà cũng là tính dân chủ, bình đẳng của đạo Phật, và chỉ có đạo Phật mới thuyết minh được sự khác nhau giữa con người và con người, là do tính tương tục của nhân quả trong đó ghép thêm yếu tố thuận và nghịch của duyên. Khi luận nhân duyên và quả về lý tự nhiên của trời đất, các pháp đang vận hành thì Đức Phật soi rọi nhân sinh để nói nhân quả báo ứng hay nhân quả nghiệp báo, đó là giải thích sự sai thù về những vận mạng khác nhau của con người mà chính họ đã tạo nhân, đủ duyên, có kết quả, có chánh báo và y báo không ai giống ai. Đạo Phật giải thích rất công bằng và công tâm. Nhân quả là công lý, là hình thức xử phạt của công lý tự nhiên mà nhân quả là diễn tiến vô thường trong thế giới tự nhiên, nhân mà gặp duyên nghịch thì quả chẳng tốt đẹp. Rõ ràng như cán cân công lý trong đó không phải do Thượng đế thiếu công bằng, nên chúng ta có thể lý luận người nào nghiệp nặng thì gặp ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, còn thuận duyên nghiệp nhẹ thì gặp ba đường lành, Trời, Người, A Tula. Nhân, duyên và quả có sẵn trong thế giới tự nhiên, tính minh triết về thế giới nhị nguyên tương đối có thiện ác, đúng sai, tốt xấu, hạnh phúc khổ đau. Sau đây là bài kệ Nhân quả ba đời:

“ Dục tri tiền thế nhân.

Kim sanh thọ giả thị.

Dục tri lai thế quả.

Kim sanh tác giả thị. ”

 Nghĩa là: Muốn biết nhân đời trước thì xem mọi thọ dụng đời này, coi hiện tại mình đang thọ hưởng gì, nghèo hay giàu, sướng hay khổ thì có thể biết được kiếp trước mình đã tạo gì. Muốn biết được tương lai thì không nên xem bói toán hoặc gặp thầy tướng mà chỉ cần nghiệm lại ba nghiệp thân-khẩu-ý mình đã tạo tác những gì ở đời này. Nếu trong từng thời khắc hiện tại chúng ta nói, nghĩ và làm những điều thiện lành và có sự tu tập thì tương lai sẽ tốt đẹp. Bài kệ nhân quả này không có yếu tố của thần linh, không mang ý nghĩa ban phước giáng họa của bề trên, không có đấng quyền năng nào chi phối vận mệnh con người mà tất cả đều diễn tiến theo lý nhân quả tự nhiên. Tính minh triết của đạo Phật về nghiệp báo luân hồi, nhân quả báo ứng trở thành triết thuyết, chinh phục lương tri lương tâm con người, giải thích sự bất bình đẳng giữa nhân sinh, trong đó phủ nhận yếu tố thần linh chi phối vận mạng con người, đó là vấn đề cơ bản nhất của đạo Phật. Nếu chúng ta không thông hội mà cứ gởi gắm niềm tin hết chỗ này đến chỗ khác thì niềm tin của chúng ta không phải bằng tri kiến như thật mà bằng đức tin Thần Thánh và con người hay ỷ lại vào bề trên.

Đạo Phật là một tôn giáo được xây dựng nền móng bằng trí tuệ Bát nhã mà Bát nhã là trung tâm phát huy nội lực của đạo Phật, xây dựng nên trí tuệ vút cao. Chính nền móng căn bản này mà tất cả những sứ giả Như Lai đem đạo Phật vào đời, tự tạo dựng nên nền minh triết mà thế giới hiện tại khâm phục và quý trọng. Đạo Phật khác hẳn những tôn giáo niềm tin bởi vì đạo Phật có đức tin nhưng không áp đặt niềm tin. Xưa kia vua chúa quan lại có ấn dấu để chứng thực uy quyền của vua quan, nếu không có ấn dấu thì tầng lớp này không làm việc được vì họ nhận trọng trách để điều hành có hiệu lực đối với ba quân tướng sĩ. Đệ tử Như Lai nếu không có pháp ấn thì sẽ làm sai lệch giáo lý của Ngài mà giáo lý là bản chất và cốt lõi của đạo Phật, và càng không thể thừa hành trọng trách “ Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự ” được. Nếu như ấn dấu là chứng thực uy quyền của vua thì đấng Pháp Vương Vô Thượng dùng ấn dấu để các đệ tử của Ngài trong công tác giáo hóa độ sinh phát huy năng lực truyền bá chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

 Ấn dấu của Đấng Pháp Vương bao gồm: Tứ pháp ấn, Tam pháp ấn và Nhất pháp ấn, là những ấn dấu hình thành nên sứ mệnh của đạo Phật trong cuộc đời. Tứ pháp ấn là vô thường, khổ, không, vô ngã. Nếu đệ tử Phật không thông hiểu thì chưa thấy được giá trị của đạo Phật. Vô thường là sự chuyển dịch di dời trong lòng sự vật. Đạo Nho đã viết ra quyển Kinh Dịch nói về sự chuyển dịch của trời đất. Vô thường là đại hóa, biến hóa ở bất cứ mọi lúc, mọi nơi, vận động di dời là sự sống, đứng yên là chết, nên vô thường là sự sống. Chúng ta cần hiểu sâu vô thường để hiểu đạo lý một cách tích cực, đó là ý nghĩa của Bồ Tát đạo. Nếu hiểu vô thường đem đến khổ đau cho nhân thế rồi chán nản thì chúng ta cố gắng thúc thủ, diệt dục, tiến tu, dừng lại, đứng yên lặng lẽ trong Niết bàn. Đó là Niết bàn tịch tịnh lặng lẽ của Nhị thừa. Nếu hiểu vô thường là sự sống để tích cực hành Bồ Tát đạo, phát huy điểm sáng của vũ trụ thì đó là điểm nhấn của Phật giáo đại thừa. Nhà Phật nói: Vô thường thị thường, quá khứ đã vô thường, hiện tại đang vô thường, tương lai sẽ vô thường. Vô thường là một thực tại không thay đổi, là lý thường của trời đất, chúng ta không nên bi quan khi nghe nhắc đến vô thường mà cần thấy rằng vô thường là một thực tại rất nhiệm mầu, đẹp đẽ và chúng ta hãy ở nơi vô thường mà khuếch đại tự do. Muốn thấy được đạo lý chân thật thì không cần cưỡng ép trên công phu hay gượng ép bằng nghiên cứu, tham khảo mà phải có đời sống buông xả ở nơi tự tâm, hãy để tâm mình bồng bềnh tự nhiên theo nhịp sống thì chỗ thấy biết không cần tìm hiểu. Lý luận về mặt tục đế thì cuộc đời này khổ nhiều hơn vui, khổ chi phối thân tâm nên con người tìm cách diệt khổ để thoát khổ. Trong kinh, Đức Phật định nghĩa vì vô thường nên khổ, cái gì đã trôi qua sẽ không còn lại gì, càng lớn lên càng hiểu biết thì con người định giá cuộc đời trở nên thâm trầm, nhẹ nhàng và sâu sắc hơn. Khổ làm cho con người mệt mỏi ê chề, ngán ngẩm, chán chường. Nếu không gặp được vị minh sư thì người ấy bi quan và sẽ buông xuôi. Pháp ấn thứ ba là không, chẳng hạn cái bàn không có thật thể, không có chủ thể, không có ngã riêng, không có thường hằng mà chỉ là một vật thường xuyên di dời, chuyển biến. Nói cái bàn do nhiều duyên hợp lại, nếu đủ duyên thì hiện hữu, không đủ duyên thì ẩn tàng nên chỉ có mặt một cách ước lệ, một cách giả tạm bằng những yếu tố, điều kiện, nhân và duyên. Nói về không của vũ trụ vạn hữu thì tất cả những gì trên trái đất này đều là không mà đại thừa sau này suy tiến lý duy tâm, tất cả là do thức biến tâm hiện, cảnh giới do nghiệp cảm đồng phận chứ không có thật thể nên nói như giấc chiêm bao.

 

 

Kinh Kim Cang nói:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán.

(Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt,bóng
Như sương cũng như chớp
Nên quán chiếu như thế.)

Phật dạy chúng ta nên khởi quán tất cả pháp hữu vi như giấc mộng, huyễn hóa, như hòn bọt, như cái bóng, như sương mù, như điển chớp. Nói đến vô ngã tức là từng sự vật không có cái ngã riêng, như đóa hoa này nếu rời ánh sáng mặt trời, không khí, đất, nước thì không thể hiện hữu. Rõ ràng các pháp không tự có ngã thể nhưng khi hình thành nên thân này từ đất, nước, gió, lửa hay sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì mới gọi là ta, mà nếu thiếu một yếu tố thì không thể tồn tại được. Thân này được tồn tại, lớn lên và trưởng thành chỉ là giả danh giả tướng. Chúng ta hiểu được Tứ pháp ấn vô thường, khổ, không và vô ngã, quán triệt được vũ trụ và nhân sinh tức là được hỗ trợ bằng Tứ pháp ấn thì cuộc đời chúng ta vô cùng minh triết và đẹp đẽ. Đó là lý do Đức Phật nói Tứ pháp ấn cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia. Nếu người nào muốn thoát khổ thì phải quán triệt được tính minh triết của đạo Phật, điều đó dựng nên cốt lõi bản chất đạo Phật.

Tam pháp ấn là chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và Niết bàn tịch tịnh. Chư pháp vô ngã tức các pháp đều vô ngã, chẳng hạn đóa hoa không phải là hoa mà vay mượn những yếu tố để trở thành hoa. Đóa hoa chỉ hiện diện một cách ước lệ và có mặt bằng những yếu tố phi hoa thì mới hiện diện nguyên hình. Kinh Kim Cang nói: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. (Nếu thấy các tướng là phi tướng tức thấy Như Lai ). Hoặc: “ Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.” (phàm những gì có tướng mạo đều là hư dối). Do không hiểu được lý như huyễn, như mộng, diễn tiến của các pháp trùng trùng duyên khởi, do tâm lý bên trong của con người thiên biến vạn hóa nên bên ngoài các pháp thiên hình vạn trạng. Kinh Lăng Nghiêm nói: Do bên trong sân nên bên ngoài mới hiện ra lửa, tâm động chuyển theo duyên mới hiện ra gió và bão. Bên trong tâm tham ái nặng nề nên bên ngoài hiện ra nước, do bên trong chấp cứ một cách kiên cố nên bên ngoài hiện ra chất rắn, chất cứng. Tâm con người không có chỗ cùng nên vũ trụ này cũng không có bờ mé. Tâm do mê lầm, nhận biết sai lầm về các pháp nên sanh tâm khởi niệm, bên trong hình thành sáu căn, bên ngoài hình thành sáu trần, rồi có sáu thức khởi, tùy chỗ thọ nghiệp mà các kiếp sống được tiếp tục, chưa bao giờ dừng. Pháp ấn thứ ba của Tam pháp ấn là Niết bàn. Có thể lý luận rằng nếu thâm nhập và quán triệt được lý vô thường vô ngã thì đạt Niết bàn trong hiện đời, gọi là hiện tại Niết bàn. Niết bàn là pháp ấn thứ ba thuộc về chân đế trong khi vô thường và vô ngã thuộc về tục đế. Niết bàn là nói về lý chân thật ở trong thế giới siêu nhiên, trong khi vô thường và vô ngã nói về thế giới tự nhiên. Trong có sáu căn, ngoài có sáu trần đối diện hằng ngày nhưng không phan duyên nên ở trong Niết bàn lặng lẽ yên ổn.

Nhất pháp ấn là gì? Đức Phật nói đến Nhất pháp ấn là nhất tâm chân như, là con người chân thật hiện hữu nơi đây, bây giờ. Con người đó vô sắc, vô thinh, vô tung, vô khứ vô lai, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Hư không không có đến, không có qua có lại, sắc thân sanh thân này có đi vào ba cõi sáu đường, sanh sanh diệt diệt và sống chết đắp đổi, nhưng pháp thân vô tung bất diệt đó không đi qua đi lại, không sanh sanh diệt diệt với thân này. Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta phải ý thức sâu sắc về thân này. Nơi thân này có pháp thân, nơi những đợt sóng trùng điệp trên biển trùng dương có tánh ướt của biển cả, có nước biển trong từng đợt sóng, muôn ngàn đợt sóng đều có nước. Thân gồm sắc thọ tưởng hành thức, không cách pháp thân mà pháp thân đó là điều kỳ diệu bởi phàm thân tức là Phật thân. Tất cả vũ trụ vạn hữu đều là biến hiện theo nghiệp riêng của từng người và nghiệp chung của chúng sanh giống nhau về một môi trường, tức nghiệp cảm đồng phận, nghiệp riêng giống nhau sẽ dẫn dắt đến hoàn cảnh giống nhau.

Nhất tâm chân như là Nhất pháp ấn. Truyền thống của thiền đốn ngộ nói rằng: Có một lần khi nói xong kinh Pháp Hoa tại hội Linh Sơn, Đức Phật cầm cành hoa sen lên, Ngài đưa mắt nhìn khắp lượt đại chúng,chỉ có Ngài Ca Diếp nở nụ cười hàm tiếu, mọi người ngơ ngác, Đức Phật truyền tâm ấn cho Ngài Ca Diếp làm Sơ Tổ Thiền Tông. Cuối đời, Đức Phật nói kinh Pháp Hoa là đại sự nhân duyên. Đại sự duy nhất mà Ngài thị hiện trên cuộc đời là khai thị để chúng sanh nhận ra tri kiến phật của chính mình. Tức là tất cả chúng sanh đều có chơn tâm phật tánh, bản lai diện mục. Sau khi trao truyền thông điệp ấy thì Đức Phật nhập Niết bàn, nên đó chính là cứu cánh rốt ráo cuối cùng của đạo Phật. Về sau gọi là Thiền tông đốn ngộ, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Thiền đốn ngộ từ thời Tổ Bồ Đề Đạt Ma ở Tây Trúc sang Ấn Độ thời Lương Võ Đế. Sau đó mới truyền thừa cho Ngài Huệ Khả, Tam Tổ Tăng Xán, Tứ Tổ Đạo Tín truyền cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền cho Lục Tổ Huệ Năng, và từ đó về sau dừng y bát, vì có họa tranh giành. Đời Trần ở Việt Nam các dòng Thiền dung hợp lại thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm là một vị vua bỏ ngai vàng đi tu sau này trở thành Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Hòa thượng Trúc Lâm là người đặc biệt có công rất lớn, Ngài sinh ra vào thời mạt pháp, nhưng nhờ gặp được những vị thầy là chân sư tu theo Tịnh độ tông. Hòa thượng là người có duyên rất đậm với Thiền tông nên đã phát huy và khôi phục lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử cho đến ngày nay. Hòa thượng một đời trọng tâm nhắm đến Nhất pháp ấn của Phật là tu để nhận ra con người chân thật nơi mỗi chúng ta.

Cốt lõi hình thành nên tính minh triết của đạo Phật là Tứ pháp ấn, Tam pháp ấn và Nhất pháp ấn. Nhất pháp ấn là đỉnh điểm cao nhất của đạo Phật, hình thành Thiền đốn ngộ. Thiền đốn ngộ không vượt ra ngoài Nhất pháp ấn. “Nhất thiết chúng sanh, giai hữu Phật tánh”. Tức là tất cả chúng sanh đều có tri kiến Phật, đều có đức tướng trí huệ của Như Lai. Vì vậy đạo Phật không phải là tôn giáo thần quyền, ban phước giáng họa hay áp đặt niềm tin, chỉ giúp chúng ta tự tại giữa dòng đời, thoát ra khỏi mọi cám dỗ của cuộc sống, tâm không bị mê mờ, ô nhiễm bởi tham sân si, vọng tưởng điên đảo, để được sống cuộc đời hồn nhiên trong sáng, thênh thang trong từng thời khắc. Nếu kẻ giàu mà mê muội chấp trước, còn người có cuộc sống bình dị mà hạnh phúc thì lòng người ấy sẽ phơi phới giữa thế gian sinh diệt.

 Khoa học vận dụng tri thức vào cuộc sống, xem tri thức là một mắc xích chiến lược để phát triển bền vững cho xã hội loài người nhưng cuối cùng chỉ là cơm no áo ấm rồi chết. Họ không tìm ra chân nghĩa của cuộc sống, đó là bế tắc của khoa học mà tri thức không thấy được tự thân của thực tại. Tri thức động chuyển với cách nhìn thấy và có đối tượng thấy, có người biết là có đối tượng biết, có người nghiên cứu là có đối tượng nghiên cứu nên cứ loanh quanh luẩn quẩn trong vòng tương đối không đi vào Thiền định để nhận chân thực tại. Nhược điểm của khoa học là tạo ra mọi tiện ích, đồng thời cũng chế ra bom đạn vũ khí làm ảnh hưởng cuộc sống con người. Khoa học được xem là khí giới vạn năng có thể chinh phục thiên nhiên nhưng lại làm cho môi trường bị ô nhiễm từ không khí, mặt đất, nguồn nước. Còn Đạo Phật thì chủ trương lặn sâu vào công huân tu tập đạt trạng thái thênh thang tự tại, hòa nhập thế giới đại đồng. Đạo Phật mang tính bình đẳng, dân chủ, tự do, chính đó là điểm sáng của đạo Phật. Con người sống mê muội tạo nghiệp thọ khổ thì sẽ không hiểu biết ý nghĩa đích thực cứu cánh của đời sống.

Nhân mùa Khánh Đản năm nay, người viết xin phác họa vài điều cần nhận biết về tính minh triết của Đạo Phật trong thế giới văn minh đương đại, để thấy tính ưu việt của Đức Phật và giáo pháp của Ngài sẽ còn đóng góp rất lớn cho nền văn minh nhân loại đang gặp nguy hiểm bên bờ vực thẳm của sự hủy diệt.

 

 Thiền Tự Trúc Lâm Viên Giác

 Mùa Phật Đản PL. 2558

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/04/2024(Xem: 184)
Đã 2568 năm qua, kể từ ngày Đức Thế Tôn thị hiện Niết Bàn, giáo pháp của Ngài vẫn còn giá trị thực tiễn cho nhân loại, cho những ai tìm nguồn hạnh phúc an lạc chân thật. Giáo lý thậm thâm như dòng sữa pháp nuôi lớn và tắm mát những tâm hồn biết bỏ bến mê quay về bờ giác. Ngày nay âm vang tiếng giảng pháp trên non Linh Thứu vẫn còn vọng lại, nhưng lòng của hậu thế chúng sanh như những lữ khách tha phương, mải cất bước rong ruổi xa xăm đuổi theo những ảo tưởng phù du hư giả không thật. Là đệ tử chân truyền nối dòng chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tất cả thành viên của Giáo Hội tùy duyên, tùy xứ sở sắm sửa hương hoa trai nghi lễ phẩm cúng dường ngày Đản sanh của Đức Từ Phụ. Nguyện cầu thế giới an bình, đao binh chấm dứt, thiên tai động đất dịch bệnh không còn. Chúng sanh buông bỏ tham sân si, sớm ngộ vô thường, khổ, không, vô ngã mà chuyên tâm tu tập theo đạo giải thoát. Cầu cho tất cả chúng sanh chứng thành đạo quả.
23/03/2024(Xem: 847)
Đêm mùng tám tháng hai, thái tử nhìn vợ con lần cuối rồi cùng Sa Nặc và ngựa Kiền Trắc vượt thành ra đi, sau đó vượt sông Anoma để hướng về phương trời cao rộng. Đây là một cuộc vượt thoát vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Ngài từ địa vị một ông hoàng với đầy đủ ngũ dục lục trần, có tất cả những gì mà con người mong cầu nhưng ngài buông bỏ tất cả. Ngài vượt thành và trở thành bậc xuất trần vĩ đại. Vượt thành, vượt sông đã khó nhưng thiên hạ cũng làm được, duy vượt qua ngũ dục lục trần, vượt thoát luân hồi sanh tử thì cho đến lúc này cũng chỉ có ngài mà thôi. Cuộc vượt thành của ngài đã mở ra một chương mới trong lịch sử loài người. Ngài đã khai phá con đường sáng, con đường giải thoát, giác ngộ đi đến niết bàn.
11/03/2024(Xem: 781)
Thị hiện dương trần… Phật xuất gia Nhân lành cõi thế… giảng sanh già (*) Nhìn quanh khắp chốn thường đau khổ Ngộ thấu trong cung chẳng ngọc ngà… Bởi lấy tâm từ mà thoát khỏi Do tường nghĩa lớn biết vần qua Nguyền cho thảy thảy lên đường giác Đức hạnh khuyên tu chớ vướng tà
21/06/2023(Xem: 2238)
Đức Phật đến với thế giới chúng ta, với cõi Diêm-phù-đề của tất cả chúng ta bằng tâm đại bi. Bởi vì Ngài đến bằng tâm ấy cho nên tất cả các loài chúng sinh sinh ra từ bào thai, sinh ra từ trứng, sinh ra từ sự ẩm ướt, sinh ra từ sự biến hóa, sinh ra từ tưởng, sinh ra từ không phải tưởng, sinh ra từ hình sắc, sinh ra từ không phải hình sắc, tất cả những chúng sinh như vậy, Ngài đều thương yêu, che chở, nâng đỡ và tìm đủ mọi phương tiện để giáo hóa khiến cho tất cả đều được đi vào biển cả giác ngộ rộng lớn của chư Phật. Ngày Đản sanh của đức Thế tôn, chúng ta quán chiếu một cách sâu sắc như thế.
21/06/2023(Xem: 13205)
Vào sáng ngày 18/6/2023, kính mừng Đại lễ Phật Đản PL. 2567, đông đảo chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử đã diễu hành trên đường phố Ottawa, thủ đô Canada với các xe hoa rước Phật Đản Sanh và kiệu thỉnh Đại Tạng Kinh Việt Nam.
16/06/2023(Xem: 2346)
Sáng ngày 11/6/2023, trong khung cảnh hùng vĩ và tiết trời se lạnh ở núi rừng Los Gatos, tu viện Hương Từ Bi tọa lạc tại số 14136 Long Ridge Road, thành phố Los Gatos, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2567.
15/06/2023(Xem: 12216)
Kinh Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu1 kể lại câu chuyện rất thú vị về một bà lão nghèo, nhờ cúng dường ngài Ca-diếp một chút nước cơm mà được sinh về cõi trời Đao-lợi. Phước cúng dường ấy còn lớn lao đến mức hiện thành hào quang sáng rực như bảy mặt trời đồng thời soi chiếu, khiến cho vị vua cõi trời ấy là Đế-thích cũng phải kinh ngạc. Và sau khi tìm hiểu biết được nhân duyên cúng dường được phước lớn lao này, đích thân Đế-thích cùng phu nhân của mình đã phát tâm hiện xuống cõi người, hóa thân thành một đôi vợ chồng già nghèo khổ để được có cơ hội cúng dường lên ngài Ca-diếp, vun bồi thêm phước báu của chính mình.
15/06/2023(Xem: 1500)
Thiên nhiên giúp chúng ta được thả lỏng thân thể và tâm trí hít một hơi thật sâu mỉm cười và nhìn trời xanh mây trắng nó làm cho tâm trạng chúng ta được cởi mở và ta được lắng nghe tim mình, nhìn sâu vào những mảnh đời khốn khổ nhìn sâu vào cuộc đời này một cách bao dung và độ lượng.Như vậy cuộc đời của bạn sẽ ý nghĩa hơn.
15/06/2023(Xem: 1772)
Lễ Phật Đản 2647 (11/6/2023) tại Tu Viện Như Ý, Kentucky, USA
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567